3.2.21

Xã hội học Internet

XÃ HỘI HỌC INTERNET

Nicolas Baya-Laffite[*]

Về cuốn Sociologie d’Internet/Xã hội học Internet của Jean-Samuel Beuscart, Éric Dagiral, Sylvain Parasie, Paris, Armand Colin, 2016, 224

KHẲNG ĐỊNH MỘT MÔN PHỤ

Nếu một ngày nào đó, trong một cuộc thảo luận học thuật, chúng ta bị dẫn vào cuộc tranh luận về quy chế của nghiên cứu về tầm ảnh hưởng xã hội và chính trị của Internet, thì nay chúng ta có thể nói: thực sự có một lĩnh vực phụ của ngành xã hội học, xã hội học Internet, thông qua một loạt các cuộc khảo sát đã cung cấp cho chúng ta câu trả lời cho một số câu hỏi cơ bản do Internet đặt ra: Internet có tác dụng gì đối với năng lực hành động của các cá nhân? Internet thúc đẩy các mối quan hệ đối xứng hơn, hoặc bình đẳng hơn giữa các cá nhân ở mức độ nào? Có thể nói rằng Internet tạo ra cái nhìn rõ ràng hơn của xã hội về chính mình không? Điều này được chứng minh qua tác phẩm Sociologie d'Internet (Xã hội học Internet), của ba nhà xã hội học trẻ, Jean-Samuel Beuscart, Éric Dagiral và Sylvain Parasie, cho thấy chính xác những gì tạo nên bản chất của lĩnh vực xã hội học phụ này, bằng cách khảo sát ba câu hỏi xã hội học trên thông qua sự tổng hợp các công trình được thực hiện kể từ 20 năm nay ở Pháp và các nơi khác, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Jean-Samuel Beuscart, Éric Dagiral và Sylvain Parasie

Được thiết kế như một sách giáo khoa dành cho giảng viên-nhà nghiên cứu và sinh viên xã hội học, cũng như của khoa học thông tin và truyền thông và khoa học xã hội nói chung, cuốn sách này vẽ ra một xã hội học đặc biệt về Internet: một xã hội học mà các tác giả khẳng định có thể giải thích các đặc điểm của các hành động xã hội trực tuyến thông qua cuộc khảo sát, đối mặt với và được một số thành tựu xã hội học liên quan đến logic của hành động ngoại tuyến tiếp liệu. Với tham vọng này, các tác giả tiến hành một phân tích tinh tế nhằm phân định và ghi nhận lĩnh vực phụ này trong ngành xã hội học, một sự phân tích mang lại cho tác phẩm lợi ích lớn vượt quá tiện ích thực tế không thể phủ nhận của nó như một sách giáo khoa mang tính quy chiếu trong vấn đề này.

Điểm khởi đầu của cuốn sách là nghịch lý sau: Internet đã trở thành thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và ảnh hưởng của nó đối với cách gặp gỡ, thảo luận, tìm kiếm thông tin, trau dồi văn hóa, hoạt động, tiêu dùng, vui chơi, di chuyển, trao đổi, làm việc, v.v. là chủ đề của các cuộc tranh luận công cộng ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, xã hội học ngày nay vẫn gặp khó khăn để dứt khoát tích hợp hiện tượng Internet vào các câu hỏi tổng quát và các phương pháp tiếp cận của nó. Theo các tác giả đó là vì, kể từ năm 1990, nghiên cứu xã hội về Internet - dưới hình thức các Internet studies ở thế giới Anglo-Saxon - đã và đang phát triển bên lề các chương trình, các cuộc tranh luận và các tạp chí vốn tạo ra hoạt động của ngành xã hội học tổng quát, đặc biệt là trong các không gian liên ngành liên kết một số lĩnh vực (chẳng hạn như nghiên cứu truyền thông và các medias hoặc các nghiên cứu xã hội và lịch sử về các kỹ thuật và sự đổi mới). Thế nhưng, các câu hỏi và phương pháp của xã hội học lại nằm ở trọng tâm của nhiều công trình nghiên cứu thuộc Internet studies. Khi việc tích hợp Internet vào lĩnh vực này không còn có thể bị trì hoãn nữa, các tác giả chấp nhận thách thức xác định những gì sẽ tạo thành khối kiến ​​thức của xã hội học Internet ngày nay. Những kiến thức có sự phát triển lũy tích, bất chấp sự không ổn định của đối tượng Internet theo thời gian. Đó chính là lập luận mà các tác giả tìm cách chứng minh qua bảy chương và mười bốn khung phương pháp luận, hướng tới thực tiễn, được đề xuất liên quan đến các câu hỏi được đề cập.

DƯỚI LĂNG KÍNH CỦA NHỮNG LỜI HỨA SÁNG LẬP

Công việc tổng hợp xuất phát từ một định nghĩa đặc thù về Internet được xem như là sự tích hợp ba tập hợp: tập hợp các cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm cho phép sự giao tiếp giữa các máy được kết nối với nhau; tập hợp các thực tiễn đa dạng, trên các media, trong đó có sự giao tiếp liên cá nhân, văn hóa, tiêu dùng hoặc hoạt động chính trị; và tập hợp các biểu tượng xã hội và các diễn ngôn, chẳng hạn như những diễn ngôn liên kết Internet với lý tưởng bình đẳng. Đi theo định nghĩa này, một cách tiếp cận tổng quát được rút ra trong chương đầu tiên, bao gồm việc vạch lại “lịch sử của Internet”, mà mục đích là xác định các yếu tố của lịch sử được xác nhận là nền tảng cho sự phân tích xã hội học thiết chế trong các phương thức tồn tại của nó, cũng như đặt nền móng cho tác phẩm.

Hai câu hỏi cấu trúc hóa chương theo hướng này. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến mức độ mà các nguyên tắc, hứa hẹn và kỳ vọng đã định hướng dự án thành lập Internet vẫn còn ảnh hưởng đến các hoạt động Internet ngày nay, của các người sử dụng cũng như của các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến. Cuộc thảo luận các công trình về trí tưởng tượng và các cộng đồng đã tạo ra hình thái cho những hoạt động này, ở không gian tụ hội các dự án quân sự, các thực tiễn đại học và một văn hóa tin học mới nổi ở California trong những năm hippie, cho phép xác định ba hứa hẹn quyết định: hứa hẹn xã hội về một sự tái sinh của các hình thức kết nối trong không gian mới, ảo, cho phép hình thành những cộng đồng lợi ích không bị ràng buộc bởi khoảng cách địa lý và sự đồng hiện diện cùng lúc cùng nơi; hứa hẹn chính trị về một xã hội dân chủ hơn bằng hiệu ứng phân quyền và bình đẳng hóa do sự hiện diện của Internet trong không gian công cộng; và hứa hẹn kinh tế về sự chuyển đổi các quan hệ thị trường và các phương thức sản xuất, mua bán, và tiêu dùng các sản phẩm thông qua trung gian của kỹ thuật số.

Câu hỏi thứ hai là về các phương thức phổ biến Internet ở Pháp. Các cuộc điều tra xã hội học được thống kê trước hết về việc áp dụng và cách sử dụng máy vi tính và tin học viễn thông (telematique), sau đó về Internet, làm nổi bật sự lan tỏa được đánh dấu bằng các làn sóng liên tiếp, mỗi làn sóng mang đặc trưng của các mục đích và đối tượng sử dụng khác nhau. Một sự quan tâm đặc biệt được dành cho các nghiên cứu về các phong trào phổ biến và sử dụng từ môi trường làm việc đến không gian riêng tư, cũng như cho các nghiên cứu về các phong trào kháng cự đánh dấu giai đoạn đầu tiên của sự phổ biến ở Pháp. Bất chấp sự bất bình đẳng trong việc tiếp nhận và sử dụng được quan sát cho đến cuối những năm 2000, việc đại chúng hóa đạt được với sự xuất hiện của hệ sinh thái về các media và của nhiều thiết bị đầu cuối đa dạng cho phép các tác giả quay trở lại nhận định ban đầu, rằng Internet ngày nay là không thể tránh khỏi: ngay cả khi việc sử dụng nó rất đa dạng, Internet thực sự là một hiện tượng đại chúng, chứ không phải là một thực tiễn văn hóa chỉ giới hạn trong một thành phần xã hội nhất định.

Trên cơ sở này, sáu chương kế tiếp đề cập đến các câu hỏi thực nghiệm cho phép chúng ta xem xét sự triển khai của ba hứa hẹn sáng lập đã được xác định, và theo chiều ngang, đưa ra giải trình về những gì Internet làm đối với khả năng hành động của các cá nhân, về mức độ mà Internet thúc đẩy các mối quan hệ bình đẳng hơn và về các cách thức mà Internet ảnh hưởng đến cái nhìn của xã hội về chính nó. Đưa ra các giả thuyết cạnh tranh ở mọi lĩnh vực, các tác giả cung cấp các câu trả lời tinh tế cho các câu hỏi khác nhau được đặt ra bằng cách tuyển lựa các công trình mà tính tổng hợp giúp làm nổi bật, đôi khi những thay đổi và đứt đoạn, đôi khi sự liên tục và những đột biến lượng gia - với ý tưởng là tránh càng xa càng tốt những cạm bẫy đối xứng của việc giảm thiểu ảnh hưởng của Internet đối với xã hội hoặc, ngược lại, nâng cao nó quá đáng.

Các hình thức tương tác và kết nối xã hội mới

Chương 2 và 3 quan tâm đến tương lai của sự hứa hẹn đổi mới các hình thức kết nối, tập trung nghiên cứu các phương thức tương tác trong không gian trực tuyến và các thực tiễn để tự giới thiệu. Theo trình tự thời gian của sự phát triển của Internet và web, các tác giả làm nổi bật tính chất lũy tích của các kết luận xuất phát từ các cuộc khảo sát trên các thiết chế khác nhau đã đánh dấu những giai đoạn khác nhau của web. Chương thứ hai, “Tương tác và tự giới thiệu trên Internet”, tập trung vào cách mà các tác phẩm tiên phong nắm bắt, từ cuối những năm 1990, các cách sử dụng web xã hội đầu tiên, web của các diễn đàn chuyên đề đầu tiên, các danh sách thảo luận, các trang cá nhân và các blog. Các công trình phát triển sự nghiên cứu dân tộc học về các không gian trực tuyến để nghiên cứu các phương thức kết nối được triển khai trong đó được nêu bật. Các tác giả đặc biệt cho thấy bằng cách nào sự mô tả tinh tế các thực tiễn do các công trình nghiên cứu tiên phong của các nhà nghiên cứu sử dụng tiếng Pháp thực hiện đã làm nổi bật tầm quan trọng của những quy ước đang hình thành với các cách sử dụng Internet, và từ đó tính liên tục liên kết các hành động trực tuyến và ngoại tuyến. Chương thứ ba, “Kết nối xã hội và mạng xã hội”, xem xét các diễn ngôn đoạn tuyệt đi kèm với sự vươn lên của web trong những năm 2000, web 2.0: web của wiki, của các nền tảng chia sẻ nội dung, của các trang mạng trò chơi hoặc hẹn hò trực tuyến và của các mạng xã hội kỹ thuật số, trong số các ứng dụng web khác. Sự tổng kết của các tác giả cho thấy rõ ràng rằng logic của việc tự giới thiệu và tính liên tục giữa những gì diễn ra trực tuyến và ngoại tuyến đã được xác định trước đó trên cơ sở các thiết chế của web đầu tiên vẫn có giá trị và ít thay đổi vào thời điểm của web mới 2.0. Do đó, chúng ta đang ở trong một lĩnh vực nghiên cứu trong đó có sự tích lũy kiến ​​thức, bất chấp những biến đổi mà web đã trải qua từ năm 1995 đến năm 2015. Nếu kết luận về tác động của những thiết chế này đối với sự kết nối là tinh tế, nó cũng nhấn mạnh đến sự tham gia của chúng vào sự hình thành các hình thức phản tư mới không chỉ có tính cá nhân, mà còn có tính tập thể.

Mở rộng không gian công cộng và đổi mới dân chủ

Chuyển sang chiều kích tập thể của Internet, chương 4 và 5 khảo sát tương lai của những lời hứa về một sự đổi mới dân chủ gắn liền với những cách thức mà Internet tác động đến động thái xử lý các việc công cộng. Chương 4, “Đổi mới dân chủ nào?, xem xét công trình xã hội học, thường gần với chính trị học, xoay quanh hai giả thuyết: một mặt, đó là việc mở rộng sự tham gia vào các cuộc tranh luận công khai kết quả của nguyên tắc xuất bản tự do và việc vượt qua “những cổng gác truyền thống, và mặt khác, về việc đổi mới các hình thức tham gia của công chúng mà mức độ cần phải được xác định. Các kết luận một lần nữa là tinh tế. Mặc dù Internet cho phép một số lượng lớn người và ý tưởng tiếp cận cuộc tranh luận công khai, nhưng sự mở rộng này không nhất thiết là máy móc hoặc đơn nghĩa: ngược lại, nó thường có vẻ hạn chế, bất bình đẳng và phụ thuộc vào các media truyền thống. Đây là những kết luận tương tự với những kết luận về các tác dụng của sự mở rộng các danh mục hành động tập thể và sự kết nối các phương tiện hành động trực tuyến và ngoại tuyến. Nếu sự đa dạng hóa các hình thức dấn thân và tham gia chính trị gắn với Internet đã được xác minh thì nó vẫn không tự động dẫn đến một nền dân chủ tham gia vì các quy trình ngoại tuyến khiến một số thành phần xã hội bị gạt ra khỏi chính trị vẫn hoạt động trên không gian trực tuyến. Trong Chương 5, “Báo chí trực tuyến”, sự suy nghĩ tiếp tục bằng một cái nhìn cận cảnh về một loại tác nhân chính trong cuộc tranh luận của công chúng, đó là các nhà báo. Bằng cách nối kết những đóng góp từ xã hội học về truyền thông, xã hội học về không gian công cộng và xã hội học về các nghề nghiệp, bảng tổng kết của các tác giả nêu rõ những cách mà thế giới chuyên nghiệp này đã bị ảnh hưởng bởi Internet và đã phải thích ứng với các động thái mới của sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin trực tuyến, đặc biệt là sự xuất hiện của những tác nhân mới, bao gồm cả những người nghiệp dư, trong hệ sinh thái thông tin. Các câu hỏi liên quan đến tính đa dạng của thông tin trực tuyến và quy trình thiết lập chương trình nghị sự chiếm vị trí trung tâm trong phân tích. Và một lần nữa, các câu trả lời mà các công trình được các tác giả xác định cũng mang nhiều sắc thái: xa vời những xu hướng một chiều và những sự đứt đoạn rõ ràng, chúng thu hút sự chú ý đến sự tồn tại của tính liên tục, bất chấp những điều mới, cả ở cấp độ quy trình sản xuất và tiêu thụ thông tin cũng như ở cấp độ của những gì mà ta đã biết về các quá trình này.

Trao quyền cho người tiêu dùng và nền kinh tế mới

Hai chương cuối của cuốn sách tập trung vào những hứa hẹn thông báo sự thay đổi của các mối quan hệ thị trường thông qua việc triển khai chúng dựa trên các thiết chế trực tuyến và sự phát triển của một nền kinh tế kỹ thuật số mới. Chương 6, “Quan hệ thị trường trực tuyến”, xem xét giả thuyết về sự dân chủ hóa thị trường gắn với việc trao quyền cho những người tiêu dùng trực tuyến. Các tác giả nghiên cứu ba tập hợp nghiên cứu: các công trình về các cấu trúc kỹ thuật xã hội đã làm cho mối quan hệ thị trường trực tuyến có thể xảy ra (đặc biệt là các cơ chế về sự nổi tiếng cho phép xây dựng lòng tin trong các giao dịch); các công trình về những đặt cược liên quan đến lựa chọn của người tiêu dùng trong tình huống có nhiều lựa chọn (với các thiết chế sử dụng hệ thống đánh giá và ý kiến hoặc được hướng dẫn bởi các thuật toán khuyến nghị); và các công trình về những thay đổi của công việc trên thị trường (nảy sinh từ những sự đổi mới về mặt CNTT cũng như về mặt tổ chức, hậu cần và tiếp thị với sự phát triển của các dịch vụ lắng nghe trực tuyến). Về mặt này, các tác giả ghi nhận sự thiếu những công trình thực nghiệm về năng lực của các cá nhân để sống chung với các hiện tượng như dữ liệu lớn, sự cá nhân hóa thuật toán của tiếp thị và các bong bóng thông tin, kết quả của hệ thống khuyến nghị được cá nhân hóa. Chương 7, “Một nền kinh tế mới? xem xét cách thức mà Internet cấu hình lại lĩnh vực sản xuất kinh tế bằng cách huy động hai tập hợp công trình: các công trình khảo sát các động thái của việc giải trung gian hóa (désintermédiation) và tái trung gian hóa (ré-intermédiation) thị trường qua sự mở rộng trò chơi kinh tế, sự biến đổi các sản phẩm và các dịch vụ, và sự thương lượng lại các quy tắc thị trường; và các công trình cố gắng tìm hiểu logic và thực tế của một nền kinh tế hợp tác mới, cũng là nền kinh tế của đám đông. Các tác giả kết luận rằng nếu quả thật là có một nền kinh tế kỹ thuật số mới, nó không phải là nền kinh tế đã được dự báo khi Internet mới khởi đầu. Đã có các hình thức tổ chức mới xuất hiện và nhiều thử nghiệm khác nhau với các hình thức hợp tác và phi tập trung đã trở thành kiểu mẫu. Tuy nhiên, các hình thức tổ chức này bị biến chất khi mở rộng sang các lĩnh vực mới. Và như vậy, chúng làm nảy sinh các cuộc tranh luận và lo ngại về tác động của chúng đối với các cân bằng kinh tế tổng quát.

SỰ TÁI SINH NÀO CHO XÃ HỘI HỌC?

Xét về tổng thể, công trình của Beuscart, Dagiral Parasie có công lớn trong việc cung cấp cho độc giả sử dụng tiếng Pháp một tổng hợp lý luận quý báu, rất chặt chẽ và chất lượng cao, về cả hình thức và nội dung, về những gì tạo nên xã hội học Internet; một tổng hợp cũng mang một thông điệp mạnh mẽ liên quan đến tương lai của ngành xã hội học. Ba bài học đưa ra được xem như là kết luận đi theo hướng này. Bài học đầu tiên ngụ ý rằng Internet không còn có thể được tiếp cận như thể nó là một lĩnh vực riêng biệt của đời sống xã hội và do đó từ nay toàn bộ xã hội học đều liên quan. Bài học thứ hai, hệ quả của bài học thứ nhất, là các nhà xã hội học không còn có thể nằm ngoài việc nghiên cứu Internet bởi vì sự phát triển của Internet không chỉ cấu hình lại phần lớn các đối tượng điều tra của họ mà còn vì một kiến ​​thức tổng quát về các cơ chế xã hội là cần thiết nếu ta muốn hiểu hiện tượng Internet trong chiều sâu của nó. Và bài học thứ ba, lần này có tính chất phương pháp luận: nghiên cứu xã hội học về Internet hoàn toàn không có nghĩa, viện cớ rằng một sự đổi mới phương pháp luận có thể liên quan đến một “xã hội học kỹ thuật số” đang nổi lên, là phải từ bỏ các phương pháp đã được thử thách được sử dụng trong ngành này để tạo ra kiến ​​thức, chẳng hạn như phỏng vấn, bảng câu hỏi và phân tích các tập hợp văn bản.

Với những bài học này, các tác giả khẳng định sự cần thiết của việc tích hợp Internet vào xã hội học, đồng thời thận trọng nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của các phương pháp cổ điển, mặc dù có những sự đổi mới về mặt phương pháp luận là kết quả của sự du nhập các phương tiện kỹ thuật số hoặc thậm chí là sự tích hợp các kỹ thuật máy tính như trích xuất dữ liệu các trang web hoặc thiết lập bản đồ và phân tích mạng. Về vấn đề này và với các cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra về các phương pháp dựa trên việc sử dụng các dấu vết trích xuất từ ​​Internet, có thể hoan nghênh lập trường dè dặt được các tác giả chấp nhận, phù hợp với quan điểm đã chọn đối với các hứa hẹn khác liên quan đến Internet. Chính vì thế mà chúng ta có thể lấy làm tiếc rằng sự đổi mới khoa học luận của xã hội học, đặc biệt là gắn với những cơ hội và thách thức đặt ra cho liên ngành (đặc biệt là giữa khoa học xã hội và khoa học máy tính), lại không trở thành chủ đề của một cuộc thảo luận phê phán rõ ràng hơn, chẳng hạn trong phần kết luận. Một cuộc thảo luận như vậy có thể giúp người đọc hiểu được lý do của sự dè dặt của các tác giả về điểm này. Việc chỉ xử lý ở bên rìa và một cách đặc thù các câu hỏi này trong các khung có nguy cơ không thỏa mãn sự tò mò của người đọc. Theo hướng này, người ta có thể ngạc nhiên khi các tác giả không định vị rõ ràng xã hội học của họ về Internet trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác cũng tập trung vào Internet, bao gồm khoa học thông tin và truyền thông và các “media studies”, hoặc các xã hội học khác, bao gồm xã hội học web (hạn chế hơn), xã hội học về kỹ thuật số (rộng hơn) hoặc thậm chí xã hội học kỹ thuật số (dựa trên các phương pháp kỹ thuật số). Cuối cùng, người đọc có thể tự hỏi, trên bình diện này phải chăng một cấu hình dứt khoát mang tính liên ngành của nghiên cứu về Internet, chẳng hạn như cấu hình của các Internet studies, lại không là một sự lựa chọn đáng mong đợi hơn so với cấu hình ghi nhận nó trong xã hội học, khi nhận thức rằng sự nghiên cứu Internet trong xã hội không chỉ dựa vào xã hội học mà còn trên nhiều khoa học nhân văn và xã hội khác cũng như chính khoa học máy tính. Một cách tiếp cận rõ ràng hơn cho những câu hỏi này chắc có lẽ sẽ gắn các lập luận của cuốn sách trong một bối cảnh thể chế được đánh dấu bởi sự gia tăng của các lĩnh vực và cấu hình liên ngành hoặc xuyên ngành, nơi có nhiều căng thẳng, trong đó đặc biệt là cách để tổ chức sự du nhập kỹ thuật số vào việc nghiên cứu và giảng dạy các khoa học nhân văn và xã hội. Tuy nhiên, để tiến tới theo hướng này trong sự suy ngẫm, người đọc có thể tìm thấy rất nhiều yếu tố trong cuốn sách, mà chúng tôi tin chắc, sẽ trở thành một tài liệu tham khảo mới cần thiết về vấn đề này và chúng tôi chỉ có thể khuyên bạn nên đọc nó.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: Socioogie d’Internet, Revue d’anthropologie des connaissances, 2018/1 (vol.12, N01), trang 95-101.



Chú thích:

[*] Nhà khoa học chính trị (Đại học Buenos Aires) và Tiến sĩ Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ (EHESS), Nicolas Baya Laffite là nhà nghiên cứu và giảng dạy tại Phòng Thực Nghiệm STS/Science and Technology Studies và tại nền tảng nghiên cứu kỹ thuật số của Đại học Lausanne (UNIL).

Công trình của ông tập trung vào các xung đột trong việc sản xuất các thử thách và đổi mới kỹ thuật xã hội. Dựa trên các chuyên ngành khác nhau của xã hội học (bao gồm chính trị, kinh tế và pháp lý), ông đặc biệt chú ý đến tác động qua lại giữa các tiến trình công nghệ, công cụ chính sách, phương sách của các chuyên gia, nỗ lực tự điều chỉnh của các công nghiệp và những thách thức xã hội trong các lĩnh vực khác nhau và trên nhiều cấp độ.

Print Friendly and PDF