20.2.21

Triết học trong doanh nghiệp có ý nghĩa gì không?

 TRIẾT HỌC TRONG DOANH NGHIỆP CÓ Ý NGHĨA GÌ KHÔNG?

Làm triết gia hay nhà tư vấn, phải chọn lựa... Pixabay

Năm 1851, Arthur Schopenhauer công bố một bài đả kích có nhan đề Chống lại triết học ở đại học, trong đó ông chống lại tình trạng dạy triết học như hiện nay ở đại học: nó có tính lý thuyết và trừu tượng.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà triết học Đức phê phán biến dạng của triết học, ông nói rằng “triết học không còn như thời Hy Lạp (cổ đại - ND) khi nó được thực hiện như một nghệ thuật riêng tư, nó có một sự hiện hữu chính thức liên quan đến công chúng, nó chủ yếu hoặc hoàn toàn phục vụ Nhà nước”.

Arthur Schopenhauer, triết gia người Đức (1788-1860). Wikimedia

Chúng ta có thể tự hỏi liệu Nhà nước trong không gian hiện thời của chúng ta có bị thay thế bởi các doanh nghiệp không và có phải “Chống lại triết học trong doanh nghiệp” không. Thật vậy, sự hiện diện của “triết học” trong các tổ chức không ngừng gia tăng từ mười năm nay. Và không phải là hiếm khi thấy các triết gia tham gia tổng kết trong các hội thảo, “các văn phòng tư vấn triết học” nở rộ hoặc thấy có những đề nghị “tư vấn triết học trong doanh nghiệp”.

Triết học, trước hết là một lối sống

Nếu Schopenhauer phê bình một cách gay gắt triết học ở đại học chính vì nó không còn tiêu biểu cho một lối sống mà các triết gia thời cổ đại đã phác họa, dù họ thuộc trường phái khắc kỷ, khoái lạc hay kể cả hoài nghi.

Thực vậy, vào thời kỳ đó những triết gia thực sự là những người đã thống nhất lời nói minh triết của họ và hành động. Lúc đó nổi lên nhiều phê phán đối với những người không chăm lo giáo dục đạo đức cho môn đệ của mình và không thực sự dấn thân vào một lối sống triết học.

Platon, triết gia của Hy Lạp cổ đại (428/426 trước Công nguyên – 347 trước Công nguyên). Wikimedia

Chẳng hạn như Platon giải thích rằng sở dĩ ông tìm cách có một vai trò chính trị ở Syracuse chính là để không xuất hiện trước chính mắt mình như một người nói hay mà không có khả năng hành động. Về phần Polémon ông chế giễu các giáo sư khi họ tìm cách để được thán phục vì sự khéo léo của họ trong biện chứng pháp và phép tu từ mà những điều này trái với cách hành xử của họ trong đời sống.

Vấn đề đã rõ ràng: không phải là suy nghĩ “một cách đúng đắn”, hợp đạo lý, với lòng nhân từ, nhưng thực sự là làm điều tốt. Và nếu triết học cổ đại là một sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thì chính sự thực hành là điều quan trọng nhất.

Lịch sử triết học được làm nên nhờ được tiếp nhận lại, dù đó là do các tôn giáo, do biến việc giảng dạy triết học thành chức năng của nhà nước vào thời Trung Cổ hay còn là sự hội nhập vào giới đại học đã biến triết học thành một ngành thoát ra khỏi đời thường, ít thiên về “sống như thế nào” hơn là bình luận những bài giảng của các bậc thầy.

Điều đó không có nghĩa là triết học như là một lối sống đã hoàn toàn dừng lại và chúng ta có một loạt các triết gia đương đại, từ Emerson và Thoreau đến Stanley Cavell và Richard Shusterman, Michel Foucault hay Jean-Paul Sartre đã cho thấy rằng triết học vẫn còn có thể là một cách sống.

Tuy nhiên, rất rõ ràng đó là cách sống hướng về sự minh triết, chiến đấu chống lại đam mê và ham muốn, chống lại vinh quang, quyền lực và tiền bạc. Vấn đề là nhắm đến vẻ đẹp của sự hiện hữu vốn nằm ngoài những cơ cấu chuẩn tắc được điều hành bởi môi trường xã hội và kinh tế. Nói cách khác, lối sống triết học tìm cách phát triển những thái độ mới đối với thế giới để mong sống tốt hơn, càng ít những điều xấu càng tốt.

Vậy mà số phận của sự hiện hữu lại đem đến những trở ngại, khó khăn, nỗi buồn, cú sốc mà ta phải quản lý, dù là trong đời sống hàng ngày về nghề nghiệp hay riêng tư, triết học, ít nhất là từ 2500 năm nay, tìm cách mang lại những giải pháp. Chính xác hơn là thông qua sự hiểu biết và thực hành các bài tập trí tuệ mà các triết gia thời cổ đại tìm cách giúp đỡ những người sống cùng thời. Những bài tập này (trầm tư, đối thoại, thảo luận, đọc, viết, v.v.) giúp đỡ những ai tiếp thu và thực hành chúng.

Sau nhiều năm dài thực hành để thay đổi tư thế đối với sự hiện hữu, nhà thực hành từ nay xem xét kỹ tính chất phù phiếm của sở hữu, không quan tâm đến điều phù du, rời xa những âu lo về vật chất và cảm xúc vốn không tùy thuộc vào mình.

Sử dụng triết học

Khó hình dung ra “triết học” trong doanh nghiệp lại đến trên mảnh đất của nghiên cứu sự minh triết và của sự thực hành những bài tập trí tuệ khi thách thức chính yếu của của doanh nghiệp là gia tăng thành quả, đạt được những phần tốt nhất của thị trường, phát triển một năng suất tốt hơn hay gia tăng hiệu suất của các nhóm làm việc. Vậy thì mục đích của triết học trong doanh nghiệp là gì? Có phải để cải thiện các mục tiêu hay để chắt lọc một ít dáng vẻ suy tư, tầm nhìn cao nhân dịp kết thúc một cuộc hội thảo?

Không nghi ngờ gì nữa, những kỹ thuật của triết học có thể đem đến lợi ích cho doanh nghiệp. Một số nhà tư vấn “triết học” không ngần ngại nói đến việc sử dụng phương pháp truy vấn của Socrate (Trong triết học của Socrate, phương pháp truy vấn là nghệ thuật hướng dẫn người đối thoại phát hiện và nói ra những sự thật hàm chứa bên trong họ - Theo Wikipedia - ND) để hiểu rõ hơn khách hàng và nhân viên và đề nghị những phương pháp phân định cho một cuộc đối thoại xã hội tốt hơn. Họ cũng nhấn mạnh những trích dẫn dồi dào của các triết gia cổ đại dưới mọi hình thức để khuyến khích sự phát triển cá nhân, hoặc hơn nữa là đem lại những phương pháp giúp biết cách trình bày với sự rõ ràng và khúc chiết trong những buổi họp…

Tuy nhiên, chúng ta còn rất xa với những thách thức của triết học, vì những “lời khuyên” được thực hiện dưới danh nghĩa một cuộc giao dịch thương mại và trong một mục đích duy nhất là cải tiến thành quả của tổ chức.

Ta có thể tin điều ngược lại như thế nào? Chúng ta đã thấy một sự can thiệp nào vào doanh nghiệp – do doanh nghiệp trả tiền – thúc đẩy sự phản bác trật tự đã được thiết lập và có thể có hậu quả là những sự từ chức và nổi loạn? Làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng khi Google phát triển chương trình tỉnh thức trong tổ chức của họ là không phải để cải thiện hiệu suất của doanh nghiệp đang bị áp lực do công việc hàng ngày?

Từ năm 2007, người khổng lồ kỹ thuật số Google đã xây dựng một chương trình thiền định nhằm làm cho nhân viên bớt bị áp lực và như vậy sẽ hiệu quả hơn trong công việc. Pxhere

Triết hc không có tính hi đoàn, trưc tiên đó là mt thái đ ni ti ca cá nhân không quan tâm đến lĩnh vc ngh nghip hay riêng tư, không quan tâm đến năng sut hay thành tích ca các nhóm làm vic. Gắn bó với tinh thần vô tư, triết gia không tìm kiếm sự đồng thuận với bất cứ giá nào, không tìm sự xoa dịu mà không giải quyết những vấn đề căn bản, cũng không tìm lợi ích đặc biệt nào, vì điều quan trọng đối với họ là lợi ích chung.

Doanh nghiệp phục vụ triết học

Triết học không thể phục vụ doanh nghiệp, mà phải là ngược lại mới đúng. Doanh nghiệp phải phục vụ triết học, nghĩa là phục vụ cho một sự an lạc tốt hơn, cho lợi ích chung, để sống tốt nhất có thể. Với danh nghĩa đó, mục đích của triết học thực hành mang đầy đủ ý nghĩa của nó vì đã sử dụng doanh nghiệp như một phương tiện để tiếp cận triết học. Đơn cử ví dụ, sự phát triển những công trình về một triết học phê phán đổi mới sáng tạo và người làm ra nó là hoàn toàn nằm trong xu hướng này.

Vấn đề quan trọng của những công trình nghiên cứu và giảng dạy này là nhắm đến việc phát triển những đề nghị không làm hại cho toàn bộ con người, môi trường và xã hội. Và không hề chi nếu điều này ràng buộc doanh nghiệp nhiều hơn là đổi mới sáng tạo vô trách nhiệm. Bằng cách công bố và chuyển tải một tri thức triết học vững chắc về chủ đề này nhằm hỗ trợ những giải pháp mới, lúc đó chúng ta có thể xem là đã có triết học.

Chính là bằng hàng chục giờ nghiên cứu và giảng dạy ta mới làm xuất hiện được một tí suy tư về một chủ đề cụ thể. Công việc của một triết gia là đối mặt với hiện thực, và cũng là suy nghĩ với hiện thực, điều này đòi hỏi một sự cam kết lâu dài và nhàm chán. Làm cho người ta tin rằng triết học là một công việc trích dẫn (thường là thoát ly bối cảnh), những công thức hay ho kết hợp với những câu hỏi chứa đựng ít nhiều sự khôn ngoan thông thường không giúp ích cho triết học, điều này cũng không bảo đảm giúp đỡ được những người mà ta muốn tư vấn.

Làm triết gia hay nhà tư vấn, phải chọn lựa

Các doanh nghiệp cần tăng trưởng, tạo ra lợi nhuận, cải tiến qui trình và năng suất, đó là điều hiển nhiên. Các doanh nghiệp tạo nên một cơ cấu kinh tế và xã hội nền tảng. Doanh nghiệp có cần nhà tư vấn về chiến lược, những lời khuyên để quản lý tốt hơn những vấn đề của họ? Chắc chắn là cần, và với độ lùi mà các nhà tư vấn có được, những năng lực của họ chắc chắn là rất có ích cho doanh nghiệp.

Có phải vì thế mà triết học lầm lạc trong những bí quyết của mình? Sử dụng những kỹ thuật và những phẩm chất riêng có của mình, nhằm một mục đích thương mại với những lợi ích riêng? Nếu triết học vẫn phải là một lối sống, thì nó sẽ không hình thành nhân dịp một hội thảo hay một hội nghị kết thúc một hội thảo.

Chúng ta nên tôn trọng doanh nghiệp, vai trò và những những cống hiến rất cần thiết của họ, nhưng sự tôn trọng triết học cũng có giá trị không kém. Không hề tách rời chúng, triết học và doanh nghiệp hoàn toàn có thể sống chung và giúp đỡ lẫn nhau nữa, khi mà cứu cánh có mục tiêu là lợi ích của xã hội và điều đó sẽ phát triển cùng với đổi mới sáng tạo có trách nhiệm chẳng hạn, hay ít ra là một số công trình liên quan đến quản trị (ví dụ: Tiểu luận về các dữ liệu triết học của quản trị, tác giả Ghislain Deslandes).

 “Các dữ liệu triết học của quản trị” “Les données philosophiques du management”, phỏng vấn Ghislain Deslandes (Xerfi canal, 2016).

“Triết học” trong doanh nghiệp như ta thấy ngày nay không có một ý nghĩa triết học nào hết. Triết học sẽ không bao giờ có thể mua được hay thương mại hóa được. Đó là một cách sử dụng hời hợt triết học mà thực ra là có một mục đích lợi nhuận, truyền thông, thậm chí là ngụy biện.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta sẽ hưởng lợi nếu kiên trì bám vào việc phát triển một tư tưởng triết học nhằm suy nghĩ về doanh nghiệp theo một cách mới, không phải để giúp doanh nghiệp, mà như chúng ta đã nói là để doanh nghiệp trở thành một sự trợ giúp cho tính mục đích của triết học.

Như vậy, phải tự hỏi: các tổ chức có thể giúp cho lợi ích chung như thế nào? Làm thế nào để các doanh nghiệp có thể giúp hoạt động chống lại những đam mê và ham muốn vô ích và phù phiếm? Làm thế nào các xã hội có thể phát triển những giải pháp để giúp sống tốt hơn? Đó là những câu hỏi triết học căn bản cần được đề cập cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có sẵn sàng cho việc đó không? Ai sẽ sẵn sàng ủng hộ những ý kiến này một cách vô tư?

Bài báo này dựa trên phát biểu của tác giả nhân dịp đại hội lần thứ 8 của Hội Triết học trong khoa học quản trị.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:La philosophie en entreprise a-t-elle un sens?”, The Conversation, 20.11.2010.




Chú thích:

[*] Triết gia, giáo sư tại ESSEC (École supérieure des sciences économiques et commerciales), Giám đốc đào tạo chương trình Grande Ecole (Trường trọng điểm) tại Singapore và Giám đốc trung tâm iMagnation, ESSEC.

Print Friendly and PDF