10.2.21

Bàn tay của các vị thần trong nền văn minh nhân loại

Nhân học

BÀN TAY CỦA CÁC VỊ THẦN TRONG NỀN VĂN MINH NHÂN LOẠI

Dominic D. P. Johnson (1974-)
Dominic D. P. Johnson

Các thực nghiệm xuyên văn hóa cho thấy rằng niềm tin vào các vị thần luân lý, thấu tỏ và trừng phạt, thúc đẩy sự hợp tác với người không quen biết, cho thấy rõ một vai trò gì đó cho tôn giáo trong sự mở rộng của các xã hội loài người. Xem trang 327

Trong thế giới hiện đại, chúng ta nhờ vào chính phủ, tòa án và cảnh sát để răn đe và trừng phạt những kẻ phá hoại sự hợp tác xã hội. Nhưng làm thế nào mà các xã hội loài người đạt được và duy trì sự hợp tác trước khi các thể chế này hiện hữu? Một khả năng là tôn giáo: dưới con mắt dõi theo của các đấng siêu nhiên [supernatural agent], loài người sửa đổi hành vi của mình nhằm tránh cơn thịnh nộ của các vị thần. Trong vấn đề này, Purzycki và các cộng sự.[1] (trang 327) báo cáo về một kết quả nghiên cứu thực địa xuyên-văn hóa [cross-cultural] cho thấy mọi người luôn sẵn lòng đưa tiền cho những người xa lạ cùng tôn giáo nếu người làm phúc tin vào một vị thần luân lý (quan tâm đến hành vi thiện và ác), thấu tỏ (nhận thức được các suy nghĩ và hành động của mọi người), và trừng phạt (có thể phạt đúng người đúng tội).

Émile Durkheim (1858-1917)

Bronisław Malinowski (1884-1942)

Các nhà nhân học tiên phong, như Émile Durkheim và Bronisław Malinowski vào đầu thế kỷ XX, từ lâu đã cho rằng niềm tin vào đấng siêu nhiên mang đến một phương thức mạnh mẽ để xây dựng các xã hội hợp tác về mặt vật chất. Nhưng trong lĩnh vực mới đang phát triển mạnh mẽ của các nghiên cứu tôn giáo tiến hóa, các nhà nghiên cứu đang dựa trên thuyết tiến hóa để khám phá cách các niềm tin tôn giáo có thể mang lại các lợi thế thích nghi — nghĩa là, góp phần vào một sự thành công tái sinh sản hoặc sinh tồn của một cá nhân. Mặc dù các cuộc tranh luận lớn vẫn diễn ra[2], nhưng một học thuyết vốn đã tích lũy được động lực [momentum] thì cho rằng một niềm tin vào sự trừng phạt của đấng siêu nhiên đối với việc vi phạm các chuẩn mực xã hội thì có thể là một niềm tin có tính thích nghi[3] (Hình 1).
 

Hình 1: Cân tim

Được lưu giữ ở Viện bảo tàng Anh

Bản thảo bằng giấy cói này, một chi tiết trong ‘Tử thư’ của người Ai Cập cổ đại có tên là Papyrus of Ani, mô tả một khung cảnh mà ở đó trái tim của Ani đã chết được cân so với một chiếc lông vũ vốn biểu trưng cho Maat, nữ thần của sự thật và công lý. Ở trên cùng của khung cảnh là các vị thần Ai Cập vĩ đại, sẵn sàng đưa ra phán quyết về việc Ani nên được về thế giới bên kia hay bị đày xuống âm phủ.

Làm thế nào mà ý tưởng này có thể áp dụng cho sự hợp tác? Việc ngăn cản bản thân theo đuổi lợi ích cá nhân vì nguy cơ bị trừng phạt từ con mắt siêu phàm đang dõi theo dường như sẽ làm giảm một sự thích nghi tiến hóa của một cá nhân, và vì thế nên bị đào thải bởi sự chọn lọc tự nhiên. Tuy nhiên, ngay cả khi các niềm tin như vậy là sai lầm và hao tiền tốn của, thì chúng vẫn có thể đã sản sinh ra những lợi ích ròng: đối với các cá nhân, là hướng họ khỏi hành vi vị kỷ vốn có nguy cơ bị phản đòn trong các xã hội loài người ngày càng minh bạch và hay thích hóng chuyện ngồi lê đôi mách; và/hoặc đối với các nhóm người, là gia tăng hiệu suất làm việc của toàn bộ nhóm người này trong cuộc cạnh tranh với các nhóm người khác[4],[5].

Nhưng chúng ta có chứng cứ nào cho một học thuyết như vậy? Chứng cứ thực nghiệm cho thấy các niềm tin vào đấng siêu nhiên thúc đẩy sự hợp tác đang không ngừng gia tăng, nhưng có xu hướng dựa vào những thước đo về các niềm tin theo góc độ định tính, ở cấp độ xã hội hoặc được ủy quyền. Những người tham gia nghiên cứu cũng thường là sinh viên đại học ở các nước phát triển, vì thế nên các nghiên cứu bỏ qua các xã hội có quy mô nhỏ vốn liên quan mật thiết nhất đến vấn đề tiến hóa sát sườn: các nhóm người đã đạt được sự hợp tác và thực hiện việc chuyển đổi từ xã hội nhỏ sang xã hội lớn ngay từ bước đi đầu tiên như thế nào. Có lẽ lỗ hổng quan trọng nhất là các nghiên cứu trước đây đã không giải quyết một cách chặt chẽ việc liệu các niềm tin của những người tiếp nhận các hành vi hợp tác đã thay đổi lòng hảo tâm của những người khác đối với họ hay không.

Benjamin Grant Purzycki

Nghiên cứu của Purzycki và các cộng sự giải quyết nhiều vấn đề này bằng cách sử dụng các trò chơi thực nghiệm có kiểm soát với những người tham gia đến từ tám xã hội có quy mô nhỏ trên khắp thế giới và những cá nhân này được gắn các kết quả với những thước đo rõ ràng về các niềm tin của họ. Những người tham gia đã chơi một trò chơi đơn giản nhưng thông minh (được thiết kế để tiết lộ một cách tinh tế về các ưu tiên), trong trò chơi này họ phân bổ tiền xu cho những người bao gồm giữa một người cùng tôn giáo nhưng ở xa (những người này là những thành viên của cùng một tôn giáo, nhưng sống cách xa nhau về mặt địa lý) với chính những người như họ hoặc với một người cùng tôn giáo ở địa phương. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng càng nhiều người tham gia đánh giá vị thần với tư cách như một đấng luân lý, thấu tỏ và trừng phạt của họ [những người tham gia thực nghiệm] thì họ càng đưa nhiều tiền cho những người xa lạ theo cùng một tôn giáo. Đáng chú ý là, niềm tin vào những phần thưởng từ vị thần không thể giải thích cho các kết quả này được — dường như sự trừng phạt của đấng siêu nhiên mới là nguyên nhân sinh ra các kết quả này.

Bởi vì nghiên cứu là có tính tương quan, một điều đáng lo ngại là một số biến số chưa được xem xét có thể giải thích cho các kết quả — chẳng hạn như có lẽ một số người sẽ đối xử tốt với người xa lạ và tin vào các vị thần trừng phạt. Tuy nhiên, Purzycki và các cộng sự cho thấy rằng sự phân bổ tăng lên nhờ các vị thần luân lý đang thể hiện sự trừng phạt và thấu tỏ, chứ không tăng lên nhờ các đấng siêu nhiên xác đáng ở địa phương vốn cũng thể hiện sự trừng phạt và thấu tỏ. Vì thế, tự thân các quan niệm chung về các đấng siêu nhiên không thể giải thích cho các kết quả này. Đúng hơn, dường như những vị thần luân lý, ‘to lớn’ sẽ kích thích lòng hảo tâm đối với những người cùng tôn giáo nhưng ở xa[6].

Các tác giả đã không tiến hành các thí nghiệm để đánh giá việc phân bổ cho chính mình so với một người cùng tôn giáo ở địa phương, cũng như các thí nghiệm liên quan đến những người không theo tôn giáo, vì vậy chúng ta không biết liệu các đấng siêu nhiên ở địa phương có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa các cá nhân trong cộng đồng địa phương hay không, như các công trình khác đã tìm thấy[7], hoặc liệu bất kỳ vị thần nào thúc đẩy hợp tác với những người thuộc tôn giáo khác, hoặc không cùng tôn giáo. Purzycki và các cộng sự tập trung vào sự hợp tác với những người cùng tôn giáo ở ngoài cộng đồng địa phương, và vì thế tập trung vài việc mở rộng xã hội loài người từ các nhóm nhỏ đến các nhóm lớn. Nhưng các nghiên cứu trong tương lai về vai trò của các vị thần địa phương là cần thiết để nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về những nguồn gốc tiến hóa của tôn giáo (trước khi có các nhóm lớn hoặc các vị thần lớn), và liệu tôn giáo có mang lại lợi thế thích nghi cho các cá nhân hay không và bằng cách nào[8].

Điều đáng nhấn mạnh là những người tham gia trong thí nghiệm này không hợp tác với những người xa lạ ngẫu nhiên, mà chỉ với những người xa lạ cùng tin vào một vị thần. Vì thế, chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức trong việc hiểu về sự thúc đẩy hợp tác và tin cậy bao gồm cả các thành viên của các tôn giáo khác nhau. Việc Purzycki và các cộng sự phát hiện ra là việc cùng tin vào một vị thần là then chốt cho sự hợp tác gợi ý rằng điều này còn khó giải mã hơn. Trên thực tế, một trong những lời giải thích thuyết phục nhất cho lý do tại sao các cá nhân có thể giúp đỡ nhóm người này bằng chi phí của riêng họ là nó hỗ trợ sự sống sót trong một môi trường cạnh tranh giữa các nhóm. Bất cứ khi nào có nguy cơ bị bóc lột hoặc chiến tranh, sự bảo vệ tốt nhất là các xã hội lớn hơn và gắn kết hơn có khả năng tốt hơn trong việc ngăn chặn hoặc đánh bại các đối thủ. Vì vậy, liệu vai trò tích cực của tôn giáo trong việc giảm thiểu tính tư lợi và thúc đẩy sự hợp tác có thể phản ánh các chi phí của sự cạnh trạnh cũng như các lợi ích của lòng hảo tâm[9].

Tôn giáo được cho là cơ chế mạnh mẽ nhất mà các xã hội đã tìm ra để gắn kết mọi người lại với nhau vì mục đích chung. Từ các nền văn minh cổ đại, đến sự truyền bá của Cơ đốc giáo, cho đến các nhóm khủng bố Hồi giáo ngày nay, tôn giáo đã không chỉ thúc đẩy nhóm lớn hơn lệ thuộc vào tính tư lợi, mà thậm chí là tử vì đạo, nhân danh một thượng đế. Chúng tôi đang vật lộn để hiểu từ góc độ khoa học tại sao và trong hoàn cảnh nào con người lại hy sinh phúc lợi của mình vì lợi ích của những người xa lạ khác[10]. Nhưng có rất ít nghi ngờ về sức mạnh của tôn giáo trong việc thúc đẩy lòng trung thành với các vị Thần và nhóm của họ. Nghiên cứu của Purzycki và các cộng sự cung cấp chứng cứ rõ ràng nhất cho thấy niềm tin vào sự trừng phạt của đấng siêu nhiên đã trở thành công cụ thúc đẩy sự hợp tác trong các xã hội loài người. Phần lớn sự thành công của các nền văn minh nhân loại có thể nằm trong tay các vị thần, cho dù các vị ấy có thật hay không.

Thông tin tác giả

Đồng tác giả

Thư từ của Dominic D. P. Johnson.

Liên kết liên quan

Các liên kết liên quan trong Nghiên cứu về Tự nhiên

Nhân học tiến hóa: Homo ‘incendius’

Nhân học: Những sắc thái của thảo nguyên

Quyền và Sự cho phép

Tái bản và Sự cho phép

Về bài viết này

Trích dẫn bài viết này

Johnson, D. Hand of the gods in human civilization. Nature 530, 285–286 (2016). https://doi.org/10.1038/nature16879

Tải xuống trích dẫn

Chia sẻ bài viết này

Bất kỳ ai mà bạn chia sẻ liên kết của bài viết sẽ có thể đọc nội dung này:

Nhận liên kết có thể chia sẻ

Được cung cấp bởi sáng kiến ​​chia s ni dung Springer Nature SharedIt

Từ khóa: Nhân học, Cách ứng xử của con người, Tôn giáo

Nguyễn Thị Lan Hương dịch

Nguồn: Hand of the gods in human civilization, Nature, Feb 10, 2016.




Tài liệu tham khảo:

[1] Purzycki, B. G. et al. Nature 530, 327–330 (2016). | Article | Google Scholar

[2] Sosis, R. J. Cogn. Culture 9, 315–332 (2009). | Article | Google Scholar

[3] Johnson, D. God is Watching You: How the Fear of God Makes Us Human (Oxford Univ. Press, 2016). | Google Scholar

[4] Schloss, J. P. & Murray, M. J. Religion Brain Behav. 1, 46–99 (2011). | Article | Google Scholar

[5] Wilson, D. S. Darwin’s Cathedral: Evolution, Religion, and the Nature of Society (Univ. Chicago Press, 2002). | Google Scholar

[6] Norenzayan, A. Big Gods: How Religion Transformed Cooperation and Conflict (Princeton Univ. Press, 2013). | Google Scholar

[7] Hartberg, Y., Cox, M. & Villamayor-Tomas, S. Religion Brain Behav. http://dx.doi.org/10.1080/2153599X.2014.959547 (2014).

[8] Watts, J. et al. Proc. R. Soc. B 282, 20142556 (2015). | Article | Google Scholar

[9] Turchin, P. Ultrasociety: How 10,000 Years of War Made Humans the Greatest Cooperators on Earth (Beresta, 2015). | Google Scholar

[10] Whitehouse, H. & Lanman, J. A. Curr. Anthropol. 55, 674–695 (2014). | Article | Google Scholar

Print Friendly and PDF