5.2.21

Biến đổi khí hậu: Tình hình ở Trung Quốc đến đâu rồi?

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: TÌNH HÌNH Ở TRUNG QUỐC ĐẾN ĐÂU RỒI?

Hubert Testard

Bên sông Dương Tử ở Vũ Hán. (Nguồn: Smartcity Press)

Tập Cận Bình đã gây ấn tượng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm ngoái. Tập đã tuyên bố, Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 và bắt đầu giảm lượng phát thải trước năm 2030. Một cam kết tiếp theo những cam kết khác, cụ thể hơn, được công bố vào tháng 12 nhân kỷ niệm năm năm Công ước Khí hậu Paris. Các tuyên bố này đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, bởi vì nếu không có Trung Quốc, nước mà một mình họ ngày nay chiếm 30% lượng phát thải CO2 trên thế giới, thì không có gì thực sự khả thi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhưng các tuyên bố này không thực sự là một cuộc cách mạng. Lượng phát thải của Trung Quốc chỉ giảm nhẹ vào năm 2020 bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra, và họ sẽ phải phục hồi một cách rõ rệt vào năm 2021. Các cam kết của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng về ngày thật sự của đỉnh điểm phát thải, và sự giảm thiểu năng lượng than trong cơ cấu hỗn hợp năng lượng của Trung Quốc, trong khi bỏ qua tác động biến đổi khí hậu trong dự án các “Con đường tơ lụa mới”.

Quỹ đạo biến đổi khí hậu của Trung Quốc có thể được đo lường bằng diễn tiến tỉ trọng phát thải của họ trên thế giới, những điều chỉnh trong cơ cấu hỗn hợp năng lượng của họ, thứ xác định phần lớn lượng phát thải và tiến độ thực hiện các cam kết quốc tế.

TRUNG QUỐC TĂNG TỪ 10 ĐẾN 30% MỨC PHÁT THẢI CO2 TRÊN THẾ GIỚI TRONG VÒNG BA MƯƠI NĂM

Nguồn: Báo cáo EDGAR 2020, Trung tâm nghiên cứu liên kết của Ủy ban Châu Âu.

Lượng phát thải CO2 trên thế giới, vào năm 2019, của Trung Quốc và Châu Á là bao nhiêu? Lượng phát thải của Trung Quốc cao hơn gấp đôi so với lượng phát thải của Hoa Kỳ và gần gấp ba so với lượng phát thải của Liên minh châu Âu[1]. Trên toàn cầu, từ nay châu Á chiếm hơn 50% lượng phát thải trên thế giới. Năm 2019 không phải là một năm tốt lành đối với lượng phát thải của Trung Quốc, khi con số này tiếp tục tăng 3,4%, tức một mức khác biệt lớn hơn toàn bộ lượng phát thải của Pháp trong cùng năm.

Bất chấp cú sốc của đại dịch, tỉ trọng phát thải của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vào năm 2020 trên thế giới, do lượng phát thải của họ đã giảm ít hơn nhiều so với lượng phát thải trung bình trên thế giới. Theo trang Carbon Monitor, lượng phát thải của Trung Quốc đã giảm 1,4% so với mức giảm thải 6,3% trên toàn thế giới. Một sự khác biệt phản ánh sức đề kháng tốt hơn của nền kinh tế Trung Quốc trước cú sốc khủng hoảng y tế. Khả năng phục hồi mạnh mẽ của họ được dự đoán vào năm 2021 cũng sẽ khiến lượng phát thải CO2 của họ tăng trở lại và Trung Quốc có thể chiếm 1/3 lượng phát thải trên thế giới vào cuối năm nay.

Nguồn: Báo cáo EDGAR 2020, Trung tâm nghiên cứu liên kết của Ủy ban Châu Âu

Năm 1990, bức tranh toàn cảnh về lượng phát thải rất khác biệt. Vào thời điểm đó, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng hơn 10% lượng phát thải trên thế giới, kém xa Hoa Kỳ và Châu Âu. Lượng phát thải của Ấn Độ ở mức thấp, và nhìn chung, Châu Á chỉ chịu trách nhiệm cho 26% lượng phát thải CO2, so với 42% của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Trong ba mươi năm, lượng phát thải CO2 toàn cầu đã tăng gần 70%, và lượng phát thải của Trung Quốc đã nhân lên gấp 4,8 lần, với một mức phát thải bình quân đầu người rất cao, từ nay, ở Trung Quốc (8,1 tấn trên đầu người) so với Liên minh châu Âu (6,5 tấn bình quân đầu người).

CHÍNH SÁCH CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA TRUNG QUỐC ĐÃ ĐƯỢC CỦNG CỐ KỂ TỪ HAI MƯƠI NĂM QUA

Tiến trình giảm thải đáng nản lòng của Trung Quốc không có nghĩa là Trung Quốc không làm gì cả. Họ đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo (đặc biệt là năng lượng gió và tấm pin mặt trời), ô tô điện và năng lượng hạt nhân. Họ đã bắt đầu một cuộc cải cách về chính sách sử dụng năng lượng than, dù còn lâu mới đầy đủ nhưng vẫn cho phép giảm dần mức sử dụng than trong nhu cầu tổng thể về năng lượng sơ cấp[2] của đất nước.

Nguồn: Statista

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sản xuất một nửa lượng than của thế giới. Sản lượng than của họ đang tăng trở lại, sau khi đã giảm trong giai đoạn 2013-2016, và các khoản đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện mới đã tiếp tục tăng với một nhịp độ ổn định.

NHỮNG CAM KẾT CỦA TRUNG QUỐC VỀ KHÍ HẬU ĐÃ TIẾN TRIỂN THEO TỪNG BƯỚC

Trung Quốc đã ký công ước khung của Liên hợp quốc về khí hậu vào năm 1992 và nghị định thư Kyoto vào năm 1997. Nhưng họ đã không tự ấn định các mục tiêu quốc gia, logic của nghị định thư này, vào thời điểm đó, là giới hạn những cam kết ràng buộc vào chỉ riêng nước đã phát triển. Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 của Trung Quốc (2001-2005) là kế hoạch đầu tiên đề cập đến tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng các mục tiêu cụ thể của họ chủ yếu liên quan đến các vấn đề về môi trường (ô nhiễm không khí và nguồn nước). Kế hoạch 5 năm lần thứ 11, lần đầu tiên, có mục tiêu cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng (-20% cho mỗi đơn vị GDP), trong khi vào năm 2007, Trung Quốc đã trở thành quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, đứng trước Hoa Kỳ.

Tại hội nghị Copenhagen năm 2009 (COP15), Trung Quốc đã công bố các mục tiêu giảm thải khí nhà kính đầu tiên của mình, những mục tiêu mà họ sẽ đặt ra cho kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015). Trung Quốc đã đưa ra những cam kết chi tiết và đầy tham vọng hơn tại hội nghị Paris năm 2015 (COP21), và đưa ra những tuyên bố mới vào tháng 9 và tháng 12 năm 2020, điều chắc chắn sẽ được xác nhận tại COP26 sẽ được tổ chức ở Glasgow vào tháng 11 tới. Việc so sánh những cam kết liên tiếp của Trung Quốc trong các năm 2009, 2015 và 2020 cho thấy một sự tiến hóa hơn là một cuộc cách mạng trong các tham vọng của Trung Quốc.

Các cam kết về khí hậu của Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2020

 

2009

2015

2020

Giảm thải theo đơn vị GDP

40-45% vào năm 2020 so với năm 2005 (kết quả đạt được vào năm 2018)

60-65% vào năm 2030 so với năm 2005

Hơn 65% vào năm 2030 so với năm 2005

Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất năng lượng sơ cấp

15% từ nay đến năm 2020

20% từ nay đến năm 2030

25% từ nay đến năm 2030

Tăng diện tích rừng và trữ lượng rừng

Trữ lượng rừng: +1,3 tỷ m3 vào năm 2020

Tham khảo: năm 2005

Trữ lượng rừng: + 4,5 tỷ m3 vào năm 2030

Tham khảo: năm 2005 (kết quả đạt được vào năm 2020)

Trữ lượng rừng: +6 tỷ m3 vào năm 2030

Tham khảo: năm 2005

Đỉnh điểm phát thải

Không có mục tiêu vào năm 2009

Từ nay đến năm 2030 và nếu có thể trước năm 2030

Trước năm 2030

Chính phủ Trung Quốc đã chính thức đưa ra các cam kết trong chính sách chống biến đổi khí hậu của họ, từ năm 2009 đến năm 2020.

Những tiến bộ đạt được về hiệu quả sử dụng năng lượng từ năm 2005 đến năm 2020 đặt những mục tiêu mới được công bố cho năm 2030 trong sự tiếp nối các nỗ lực trước đó, cụm từ “hơn 65%” làm cho chính quyền Trung Quốc có một dư địa hành động rộng hơn.

Người ta cũng nhận xét điều tương tự đối với diện tích rừng. Những kết quả đáng kể của Trung Quốc trong việc gia tăng trữ lượng rừng khiến cho các mục tiêu mới cho năm 2030 tương đối dễ đạt.

Ngược lại, tham vọng về năng lượng tái tạo thì lớn hơn nhiều. Công suất trong lĩnh vực này (năng lượng mặt trời, gió, thủy lực) đã tăng lên gấp đôi từ năm 2014 đến năm 2019, đạt 820 Gigawatt vào năm 2019. Tuy thế, tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong nhu cầu tổng thể về năng lượng sơ cấp của Trung Quốc vẫn thấp hơn 13% một chút vào năm 2019. Mục tiêu gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 25% vào năm 2030 rõ ràng mang tính chủ động nhiều hơn so với mục tiêu hiệu quả sử dụng năng lượng hoặc mục tiêu về trữ lượng rừng. Mức tăng hiện tại của nguồn năng lượng tái tạo trong nhu cầu năng lượng tổng thể là 0,6% mỗi năm. Trên thực tế cần phải tăng gấp đôi nhịp độ nói trên để đạt được mục tiêu 25% vào năm 2030.

Cuối cùng, về đỉnh điểm phát thải, theo các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc có khả năng công bố đỉnh điểm sớm hơn đáng kể so với thời điểm năm 2030 (ví dụ như vào năm 2025). Điều mà họ chưa làm vào thời điểm này. Còn mục tiêu trung hòa carbon cho năm 2060, điều này đòi hỏi cần phải tăng cường khả năng huy động ngay từ bây giờ. Chính các chi tiết về những mục tiêu được đặt ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc cho giai đoạn 2021-2025 sẽ cho phép chúng ta đánh giá liệu Trung Quốc có theo đuổi các mục tiêu dài hạn nói trên hay không.

PHI CARBON HÓA CÁC DỰ ÁN CỦA “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI”

Trung Quốc cũng đã nỗ lực làm cho chương trình to lớn các “con đường tơ lụa mới” (Sáng kiến Vành đai và Con đường, tiếng Anh là BRI) tương hợp với mục tiêu trung hòa carbon. Hiện tại, Bắc Kinh đang tham gia xây dựng 240 nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài, và các ngân hàng phát triển của Trung Quốc đã tài trợ 80% các dự án năng lượng trên khắp thế giới, kể từ đầu thế kỷ này liên quan đến năng lượng hóa thạch, so với chỉ 3% các dự án năng lượng gió hoặc pin mặt trời. Đại dịch đã cản trở nghiêm trọng các chương trình BRI, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thừa nhận, vào mùa hè năm 2020, có gần 20% các dự án trước đây đã bị chậm lại hoặc tạm dừng. Một cơ hội tốt để họ chọn lọc kỹ hơn [các dự án] và đưa ra một ưu tiên thực sự về biến đổi khí hậu trong các tham vọng quốc tế của Trung Quốc.

Nhìn chung, tuyên bố của Tập Cận Bình tại Liên Hợp Quốc, việc Joe Biden nắm quyền ở Nhà Trắng và Thỏa thuận Xanh [Green Deal] của châu Âu đang tạo ra những nền tảng cho một động lực mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhưng sẽ cần phải thuyết phục Tập Cận Bình hành động nhanh hơn để biến đỉnh điểm phát thải của Trung Quốc thành hiện thực càng nhanh càng tốt, và làm cho quỹ đạo trung hòa carbon của Trung Quốc đáng tin hơn.

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính, trong 20 năm, ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay những cuộc đàm phán với các nước châu Á. Hubert Testard đang giảng dạy, từ 4 năm nay, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po] về phân tích tương lai của châu Á. Ông đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, NXB Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, NXB Agence Française pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp đại học Ena và Sciences Po.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Changement climatique: où en est la Chine?, Asialyst, ngày 21/01/2021.




Chú thích:

[1] Trong bài viết này, các số liệu về lượng phát thải CO2 đã được ưu tiên, bởi vì đó là những số liệu được cập nhật nhanh nhất. Với 73% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, các số liệu đó có thể được coi là tượng trưng cho các xu hướng phát thải toàn cầu.

[2] Điện được gọi là năng lượng “thứ cấp”, tương ứng với khoảng một nửa nhu cầu về năng lượng than ở Trung Quốc.

Print Friendly and PDF