6.1.22

Thiết bị bán dẫn: cuộc đua giành vị trí bá chủ thế giới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ

 

THIẾT BỊ BÁN DẪN: CUỘC ĐUA GIÀNH VỊ TRÍ BÁ CHỦ THẾ GIỚI GIỮA TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ

Pierre-Arnaud Donnet

(Nguồn: CNBC)

Nhỏ hơn con tem thư, mỏng hơn sợi tóc và tích hợp hàng trăm triệu thiết bị bán dẫn, các chip điện tử đó đã hiện diện trong điện thoại thông minh, xe ô tô của bạn hoặc trong máy chủ lưu trữ hình ảnh kỳ nghỉ của bạn. Cái gọi là ngành công nghiệp "bán dẫn" này đã trở thành một chiến trường lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Khi vào năm 2020, chính quyền Trump dồn dập đưa Huawei và sau đó là SMIC vào "Danh sách thực thể" [danh sách đen thương mại – ND], nước Mỹ đã công khai chỉ trích ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Huawei khi đó là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới. Về phía SMIC, không ai khác chính là công ty mũi nhọn của ngành chế tạo chip điện tử ở Trung Quốc đại lục. Việc bổ sung SMIC vào danh sách thực thể này đã làm họ mất khả năng sản xuất, rơi vào tình cảnh bị tước đi các bộ phận cấu thành, các sản phẩm hóa chất và các công cụ cần thiết cho việc thiết kế và chế tạo chip của họ.

Hoa Kỳ cũng đã gây áp lực lên Hà Lan để ngăn chặn việc cung cấp cho Trung Quốc những máy móc được gọi là máy in thạch bản EUV, rất quan trọng để phát triển các chip tiên tiến nhất. Các động thái địa kinh tế đó là một phần của một chiến lược toàn cầu, trước hết không những để đưa các chuỗi cung ứng chiến lược hồi hương về Hoa Kỳ, trong đó có các các ngành bán dẫn, mà còn làm chậm đi sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Thật vậy, tình trạng thiếu chip điện tử, bùng phát từ năm 2020, đã cho thấy sự phụ thuộc lớn của các nhà máy chế tạo thiết bị bán dẫn châu Á vào nước Mỹ, còn được gọi là các xưởng đúc. Vào ngày 31 tháng 3 vừa qua, Tổng thống Biden đã tuyên bố muốn đầu tư 50 tỷ US$ để đặc biệt xây dựng nhiều xưởng đúc mới trên lãnh thổ Mỹ.

Như một hệ quả tất yếu, Bắc Kinh đang quyết tâm hơn bao giờ hết để tăng tốc các nỗ lực của chính họ nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp. Thật vậy, Trung Quốc đã thấy được sự mất cân bằng đáng kể giữa nhu cầu nội địa về chip điện tử và năng lực chế tạo của họ. Theo một báo cáo của công ty chuyên nghiên cứu thị trường, IC Insights, thì vào năm 2020, chỉ có 5,9% nhu cầu chip điện tử của Trung Quốc là do các công ty Trung Quốc chế tạo. Nếu cộng thêm vào phần chế tạo của các công ty nước ngoài trên lãnh thổ Trung Quốc, thì tỷ lệ này sẽ tăng lên là 15,9%. Do đó, Trung Quốc đang tìm cách để giảm thiểu sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Đặng Tiểu Bình (1904-1997)

Mao Trạch Đông (1893 - 1976)

Ngay từ năm 2015, trong khuôn khổ kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025", Bắc Kinh đã tuyên bố mong muốn nâng cao năng lực chế tạo trong nước của ngành bán dẫn lên 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025. Ngay cả khi không đạt được các mục tiêu đó vào năm 2020, tham vọng về một cuộc cải cách quốc gia rộng lớn nằm ở đó. Năm 1958, Mao Trạch Đông đã triển khai một chiến dịch tái cấu trúc ngành nông nghiệp, điều mà Mao gọi là "Đại nhảy vọt". Mao đã huy động cả bộ máy nhà nước, tuyên truyền và bắt dân chúng phải đi theo ông trong chiến dịch này. Một điều phi thực tế, "Đại nhảy vọt" là một thất bại đến mức dẫn đến "nạn đói khủng khiếp", vốn làm cho hàng chục triệu người dân Trung Quốc phải mất mạng. 30 năm sau, Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách mở cửa kinh tế Trung Quốc, tự do hóa ngành ngoại thương, cải cách các doanh nghiệp nhà nước và kích thích nông nghiệp. Với chính sách cách cải cách của Đặng, ông đã nâng mức sống của 200 triệu người dân Trung Quốc lên trên mức nghèo khổ. Đó là một thành công không thể phủ nhận. Khi triển khai những chính sách cải cách lớn, Đảng Cộng sản Trung Quốc có khả năng làm điều tốt nhất lẫn điều tồi tệ nhất. Điều gì sẽ xảy ra đối với ngành công nghiệp bán dẫn?

CUỘC ĐỔ XÔ VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP SILICON TRÊN KHẮP ĐẤT NƯỚC TRUNG QUỐC

Để giúp quốc gia đạt được mục tiêu, Trung Quốc đã thành lập một quỹ đầu tư với sứ mệnh là tài trợ cho ngành công nghiệp này với số tiền khoảng 150 tỷ US$ được phân bổ trong 10 năm. Theo Douglas Fuller, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Thành phố Hồng Kông, "chưa có nhà nước nào đầu tư nhiều tiền như thế trong ngành công nghiệp này" [*]. "Dự án siêu lớn" này, theo lời của giáo sư, đã gây ra một đổ xô thực sự vào ngành công nghiệp silicon trên khắp đất nước Trung Quốc. Nhưng giáo sư cũng đưa ra một phát biểu thận trọng: "Có rất nhiều sự lãng phí. Chính quyền địa phương nào cũng mong muốn có một nhà máy chế tạo chip tại thị trấn của mình". Động lực quốc gia quả thực không phải không có vấn đề. Có thể kể ra đây vụ bê bối của HSMC, sau khi nhận được gần 20 tỷ US$ đầu tư từ năm 2018 đến năm 2019, cuối cùng đã phải đặt dưới sự giám sát của nhà nước do mất khả năng chi trả.

[*] Cuộc phỏng vấn do tác giả thực hiện.

Mansun Chan

Douglas Fuller

"Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền, nhưng cho đến nay chưa thấy được những tiến triển lớn", theo lời giải thích của Mansun Chan, giám đốc nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. "Vấn đề là ở chỗ các quan chức nhà nước không bao giờ tại vị trong một thời gian dài. Mục tiêu của họ không phải là xây dựng một nền công nghiệp quốc gia mới, mà là muốn đánh bóng tên tuổi của họ nhiều hơn. Họ tìm một miếng đất, xây lên những tòa nhà đẹp đẽ ở đó, gắn vào một bảng hiệu và chụp ảnh. Tất cả để quảng cáo trước công chúng." [*] Cuối cùng, gần một chục dự án quy mô lớn, được tài trợ mạnh bởi nhà nước Trung Quốc, đã phải kết thúc trong thất bại, buộc chính phủ phải tăng cường kiểm soát ngành công nghiệp này, vốn được mô tả là mang tính "hỗn loạn". Theo Mansun Chan, chỉ tiền không chưa phải là điều kiện đủ: "Trong ngành công nghiệp này, cần có thời gian và tích lũy kinh nghiệm. Chính phủ Trung Quốc đặt ra một hướng đi, nhưng lại không xác định lộ trình. Điều thường thấy nhất là không đạt được các mục tiêu đó". Con đường tự cung tự cấp hứa hẹn còn dài và đầy cạm bẫy.

[*] Cuộc phỏng vấn do tác giả thực hiện.

CÔNG NGHỆ KÉM TIÊN TIẾN

Ở chính các giao lộ đó là SMIC. Là đơn vị mũi nhọn của các xưởng đúc Trung Quốc, công ty có trách nhiệm phải quyết định tương lai của mình. Ở cấp cao nhất, nhiều nhà lãnh đạo đã tranh nhau mưu đồ một vị trí lãnh đạo ở công ty và áp đặt tầm nhìn của họ. Thế nên, việc bổ nhiệm Chiang Shang-yi vào chức vụ phó chủ tịch công ty không được lòng của đồng Tổng giám đốc, Liang Mong-song. Liang Mong-song đã đệ đơn từ chức ngay lập tức. Trò chơi tranh ghế này phản ánh một cuộc chiến về tư tưởng, nơi quyết định tương lai của công ty. Người thua cuộc, Liang Mong-song, là hiện thân của kiểu lãnh đạo theo hướng chú trọng đến công nghệ và muốn đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển những sản phẩm bán dẫn tiên tiến. Người thắng cuộc, Chiang Shang-yi, là người thích tập trung vào việc phát triển những sản phẩm kém tiên tiến hơn nhưng hoàn thiện về mặt công nghiệp.

Mansun Chan không ngạc nhiên trước chiến lược này. Bản thân là giám đốc phòng thí nghiệm chế tạo công nghệ nano tại trường đại học của mình, ông nhắc chúng ta về tầm quan trọng của tính hiệu suất trong một dây chuyền sản xuất: "Không có hiệu suất tốt, thì sản xuất không tạo ra được thu nhập có lời. Tuy thế, để nâng cao hiệu suất của một dây chuyền sản xuất tiên tiến, cần có nhiều năm kinh nghiệm." Trường hợp của SMIC chắc chắn là một chỉ báo tốt về những gì Trung Quốc đang chờ đợi trong ngành công nghiệp bán dẫn có tính cạnh tranh cao này. Theo lời của hai chuyên gia Fuller và Chan, Trung Quốc chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu sản xuất và phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, mới thực sự làm chủ được những công nghệ mới nhất trong việc chế tạo chip. Nước này chắc chắn sẽ tập trung vào những công nghệ kém tiên tiến hơn và giành thị phần ở đó.

HÓA ĐƠN ĐẮT GIÁ ĐỂ CÁC XƯỞNG ĐÚC HỒI HƯƠNG VỀ HOA KỲ

Công ty tư vấn BCG gần đây đã xem xét vấn đề hóc búa về chi phí để các xưởng đúc hồi hương về Hoa Kỳ. Ví dụ, chi phí vận hành của một xưởng đúc Mỹ sẽ đắt hơn 40% so với một xưởng đúc của Đài Loan hoặc Hàn Quốc, và đắt hơn gần 50% so với một xưởng đúc của Trung Quốc. Một khoảng cách có thể tạo nên cả một sự khác biệt, khi biết rằng khoản đầu tư ban đầu và chi phí vận hành phân bổ trong 10 năm của một xưởng đúc hiện đại có thể lên tới 40 tỷ US$. Một hóa đơn khá đắt cho việc hồi hương các xưởng đúc Mỹ!

Theo Douglas Fuller, tỷ lệ chip điện tử thực sự mang tính chiến lược đối với an ninh quốc gia của Mỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sản xuất. Chúng ta có thể dẫn ra ví dụ những con chip được gắn trên các máy bay chiến đấu F-35, hiện được tập đoàn TSMC khổng lồ của Đài Loan chế tạo. Xét về mặt chi phí quá cao, người Mỹ sẽ có lợi hơn khi xác định những công nghệ nào thực sự mang tính chiến lược và chỉ cho hồi hương những ngành công nghệ này mà thôi. Kịch bản này có vẻ được chứng minh trong một thông báo gần đây của TSMC, khi công ty này quyết định đầu tư 12 tỷ US$ vào việc xây dựng một xưởng đúc trên đất Mỹ, ở bang Arizona. Tại sao lại có một quyết định như thế? "Tất nhiên là vì lý do quân sự!" Mansun Chan trả lời một cách dứt khoát. "Người Mỹ không thể tiếp tục chế tạo các thiết bị quân sự của họ ở nước ngoài. Tôi nghĩ Trung Quốc cũng sẽ làm điều tương tự và cho hồi hương về nước dây chuyền chế tạo của SMIC". Hồi hương dây chuyền chế tạo, được đó, nhưng nhắm vào những công nghệ thiết yếu nhất.

Cuối cùng, thì cuộc đua giành vị trí bá chủ silicon trên hết là một cuộc đua giành quyền kiểm soát chuỗi cung ứng. Việc kiểm soát được nó không nhất thiết là phải hồi hương toàn bộ chuỗi cung ứng. Đảm bảo chuỗi cung ứng này nằm trong tay các đồng minh là một sự đảm bảo cần thiết về an ninh, trong chừng mực là điều này đã được chứng minh từ nhiều thập kỷ qua. Thế mà ngày nay, chuỗi cung ứng được chia sẻ giữa Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, là một khối đồng minh. Ngược lại, Trung Quốc có vẻ như bị cô lập.

TSMC, MỘT TRONG NHỮNG LÝ DO ĐỂ NGƯỜI MỸ BẢO VỆ ĐÀI LOAN

Đài Loan chính xác là hòn đá tảng của ngành công nghiệp bán dẫn. Quốc đảo này là quê hương của nhà chế tạo chip điện tử lớn nhất thế giới, công ty TSMC. Ngày nay, công ty này kiểm soát gần một phần ba thị trường chế tạo chip toàn cầu. Ngoài ra, công ty còn đi trước gần một thập kỷ về công nghệ, so với các đối thủ cạnh tranh lớn nhất. Nhưng áp lực cũng lớn không kém đối với hòn đảo Formosa cũ này và viên ngọc công nghiệp của họ. Vào ngày 2 tháng 1 năm 2019, Tập Cận Bình đã tuyên bố trước dàn micro đặt trước mặt ông: "Đài Loan phải và sẽ được thống nhất với Trung Quốc." Chủ tịch Trung Quốc một lần nữa đề xuất với hòn đảo này nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống" theo mô hình của Hong Kong, nhưng không loại trừ việc sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

Kể từ đó, đã có nhiều sự kiện diễn ra ở eo biển Đài Loan. Việc đàn áp các cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân Hồng Kông vào năm 2019, việc cưỡng bức áp dụng luật an ninh quốc gia vào năm 2020, và cuối cùng là vụ bắt giữ các nhà dân chủ Hồng Kông vào năm 2021 đã thực sự chôn vùi nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống". Với mô hình hội nhập hòa bình đã "chính thức chết yểu", theo lời của cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, và xét về tầm quan trọng hàng đầu của TSMC và do đó của Đài Loan trong ngành công nghiệp bán dẫn chiến lược, thì áp lực đang lên đến đỉnh điểm.

Nhưng ở bên kia bờ Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đang theo dõi. Với thấu kính mới này từ ngành công nghiệp bán dẫn, thì một số lý do khiến Hoa Kỳ phải bảo vệ quê hương của TSMC đã dần trở nên rõ ràng hơn. "TSMC là một trong những lý do khiến người Mỹ phải bảo vệ Đài Loan", theo lời khẳng định của Mansun Chan. "Hãy tưởng tượng sự mất mát của thế giới phương Tây nếu công ty rơi vào tay Trung Quốc!" Bằng việc lần đầu tiên mời nữ đại sứ Đài Loan đến dự lễ nhậm chức của một tổng thống Mỹ, Joe Biden đã tái khẳng định mong muốn tăng cường các mối quan hệ với Đài Loan.

Trong bối cảnh này, khó có khả năng Trung Quốc mạo hiểm với một cuộc tấn công quân sự vào hòn đảo này. Đặc biệt khi có nhiều giải pháp tối ưu hơn để đạt được mục đích của họ. Thật vậy, theo nữ chuyên gia Linda Jakobson, Trung Quốc sẽ sử dụng "mọi biện pháp ngoại trừ chiến tranh" để buộc Đài Loan đàm phán và cuối cùng chấp nhận các điều kiện về thống nhất đất nước. Điều đó có thể bao gồm các áp lực kinh tế, cấm vận, đe dọa, lật đổ, tấn công mạng hoặc thậm chí ám sát. Cuộc tấn công vào TSMC đã không chờ đến sự phân tích của bà Jakobson để bắt đầu: từ năm 2019 đến năm 2020, đã có gần một trăm kỹ sư của TSMC được tuyển dụng một cách bất hợp pháp để gia nhập hàng ngũ các công ty Trung Quốc. Trận chiến chỉ mới bắt đầu.

Giới thiệu tác giả

Pierre-Arnaud Donnet

Pierre-Arnaud Donnet

Tốt nghiệp Trường Nghề và Kỹ thuật [école des Arts et Métiers], Pierre-Arnaud Donnet là một kỹ sư hành nghề tại Hồng Kông. Ông đã làm việc nhiều năm trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp hóa các sản phẩm điện tử tiêu dùng và đi đây đi đó khắp mạng lưới công nghiệp của Trung Quốc và Đài Loan.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Semi-conducteurs : la course à la suprématie mondiale entre Chine et États-Unis, Asialyst, ngày 15/05/2021.

Print Friendly and PDF