CÁC NỀN TẢNG ĐÃ THU HÚT NGUỒN LAO ĐỘNG VI MÔ ĐƯỢC TRẢ LƯƠNG THẤP NHƯ THẾ NÀO
Kỹ thuật số sẽ không đặt dấu chấm hết cho lao động con người. Ngược lại, còn có nguy cơ làm “vô sản hóa” mạnh lao động con người, bằng cách làm cho nó trở nên vô hình và bị giới hạn trong những việc làm nhỏ nhặt, mang tính lặp đi lặp lại, và ít đòi hỏi tay nghề cao. Trong mọi trường hợp, đây là luận đề được Antonio Casilli, nhà nghiên cứu xã hội học về kỹ thuật số, bảo vệ.
Lao động vi mô ở Pháp là ai?
Họ là những lao động được trả công theo chế độ khoán việc, những người làm việc tại nhà kết nối với các nền tảng, như nền tảng Mechanical Turk của Amazon, để hoàn thành những công việc được gọi là “trí tuệ con người”. Họ không phải lúc nào cũng biết đang làm việc cho ai và vì mục đích gì, bởi vì các công ty thường phát đi các bản tin tuyển lao động một cách ẩn danh. Việc làm, thường là bổ sung cho các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo (AI), mang tính lặp đi lặp lại và ít đòi hỏi tay nghề cao: đặt những quả cà chua vây quanh trong một ảnh để hỗ trợ cho các ứng dụng về dinh dưỡng, ghi lại biên lai, hiệu chỉnh các kỹ thuật hỗ trợ ảo bằng cách ghi nhận chất lượng các giọng nói tổng hợp, sao chép và dán, phát âm từ ngữ, chỉ ra màu sắc của một nhân vật… Tất cả với một vài xu tiền công.
Theo nghiên cứu “Le micro-travail en France [Lao động vi mô ở Pháp]” do tôi thực hiện với nhóm nghiên cứu DiPLab (Digital Platform Labor [Lao động nền tảng kỹ thuật số]) của tôi, thì ở Pháp vào năm 2019, có khoảng 260.000 người làm công việc vi mô ít nhất một lần.[1] Đối tượng chủ yếu là phụ nữ (56%) từ 25 đến 44 tuổi (63%); và trong gần một nửa số trường hợp, lý do biện bạch cho việc sử dụng loại hình lao động này là vì cần tiền. Thế nên, lao động vi mô thường là một hình thức thu nhập bổ sung, mặc dù thu nhập trung bình hàng tháng chỉ là 21 euro. Điều đáng ngạc nhiên hơn là các “lao động nhấp chuột” này có trình độ học vấn cao hơn so với trình độ học vấn trung bình của người Pháp: 43,5% có tối thiểu trình độ hai năm đại học sau bằng Tú tài 2. Thế nhưng, mặc dù với số lượng lớn như thế, người lao động vi mô vẫn hoàn toàn vô hình.
Tại sao người lao động vi mô lại vô hình so với người lao động các ngành kỹ thuật số khác, như nhân viên giao hàng hoặc tài xế xe VTC (Voiture de Transport avec Chauffeur [Phương tiện cho thuê chở khách])?
Trước tiên, điều này xuất phát từ chính bản chất nghề nghiệp của họ. Trên thực tế, lao động vi mô là một việc làm từ xa được đẩy lên ở mức cực đoan, vì nó liên quan đến việc thực hiện một hoạt động ở khoảng cách từ xa, nhưng làm việc với những người ra quyết định và với những đồng nghiệp mà danh tính thường không được biết đến.
Ngược lại, tài xế xe Uber và người giao hàng của công ty Deliveroo, ngày nay, có xu hướng tìm đến sự trợ giúp của tập thể và thành lập các tổ chức nghiệp đoàn để nói lên tiếng nói của họ. Điều này càng đúng hơn, khi các đường phố hoang vắng người dân trong thời gian giãn cách đã làm gia tăng đáng kể tính hữu hình của họ. Trái ngược với họ, người lao động vi mô không hiện diện trong không gian công cộng, và các thỏa thuận bảo mật mang tính bắt buộc mà họ có thể phải tuân thủ, không giúp loại hình lao động của họ được công nhận.
Ngày càng có nhiều nước, như Tây Ban Nha, Vương quốc Anh hay Pháp, đang yêu cầu các nền tảng (đặc biệt là Uber) công nhận tư cách nhân viên lao động của những người làm việc cho họ ... Trong khi vẫn tiếp tục phớt lờ những bàn tay nhỏ nhắn đang huấn luyện trí tuệ nhân tạo của chúng ta. Tôi nghĩ nỗ lực điều tiết này xuất phát phần lớn từ tính hữu hình và từ sự gần gũi về mặt vật lý giữa người giao hàng và người ra quyết định. Điều này khá nghịch lý, bởi vì số lượng lao động này thực sự ít hơn rất nhiều so với người lao động vi mô – ở Pháp cũng như trên thế giới, ít nhất theo ước tính của chúng tôi và của các đồng nghiệp chúng tôi tại Viện Internet Oxford.[2]
Tuy nhiên, điều ít được biết đến là nỗ lực thể chất của người giao hàng không phải là cách duy nhất để tạo ra giá trị. Họ cũng thực hiện một công việc vô hình: tạo ra dữ liệu cho các nền tảng, và như thế cung cấp dữ liệu cho các thuật toán và trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm cải thiện một phần các giải pháp thuật toán. Các dữ liệu này sau đó phải được xử lý; và trái với những gì ta có thể suy nghĩ, các dữ liệu đó không thể thiếu sự hỗ trợ của một lực lượng lao động dồi dào ... vốn không cần thiết phải hiện diện ở nước sản xuất. Nếu nước Pháp có 260.000 lao động vi mô, thì trên bình diện thế giới, các nền tảng đã khai báo có hơn 100 triệu lao động vi mô có đăng ký. Thế nên, phần lớn những “người lao động vô hình” (“crowdworkers”) này được tìm thấy ở các nước mới nổi, ở các “trang trại nhấp chuột” của Ấn Độ, ở Đông Nam Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh ...
Nguồn lao động thuê ngoài khổng lồ này đang vẽ lại địa lý của tương lai, nhưng đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến việc công nhận loại hình lao động này. Có một thách thức mang tính thuần túy chính trị trong vấn đề về tính vô hình của các lao động này: họ không những vô hình trong không gian công cộng, mà còn vô hình – chiếm đa số – trong mắt của cử tri ở các nước phát triển, trái ngược với người giao hàng và tài xế xe VTC. Vì thế, việc công nhận lao động của họ không phải là một ưu tiên chính trị.
Như vậy giáo sư là người ủng hộ “thu nhập xã hội kỹ thuật số”?
Tự động hóa và “nền tảng hóa” nền kinh tế dẫn đến sự bùng nổ lao động con người, nhưng không đặt dấu chấm hết cho lao động con người! Tất cả chúng ta đều là người lao động vi mô theo cách riêng của mình: khi hoàn tất một phép thử CAPTCHA hoặc thêm một hashtag trên Instagram, bạn đang giúp huấn luyện một hệ thống thị giác máy tính, hoặc thực hiện một công việc phân loại các bài đăng của chúng ta, thay cho nền tảng.
Đây là lý do vì sao đã có các cuộc thảo luận được thực hiện ở Pháp kể từ năm 2012 về việc ghi nhận chế độ thuế đối với loại hình “lao động miễn phí” này của người dùng ứng dụng.[3] Tất nhiên, người dùng không phải phải trả các khoản thuế này, mà là chủ sở hữu các nền tảng. 93% người Pháp sử dụng Google, và công ty phải trả các khoản thuế tương ứng với khối lượng dữ liệu được công dân Pháp tạo ra. Các khoản thu nhập thuế này sau đó có thể được dùng để tài trợ cho các chính sách tái phân phối, trong đó có “thu nhập xã hội kỹ thuật số”.
Mục tiêu của thu nhập thuế này, như thế, sẽ là phân phối giá trị được các lao động nhấp chuột tạo ra, các lao động vi mô và người dùng bình thường, trên cơ sở vô điều kiện, bình đẳng đối với tất cả các loại hình dịch vụ xã hội. Mục tiêu không phải là việc trả công theo cá nhân và theo khối lượng thời gian làm việc trên các nền tảng: hậu quả sẽ là thảm khốc, khi các nền tảng siêu quyền lực sẽ trả cho người lao động một mức tiền công không đáng kể cho các lần nhấp chuột, trong khi chúng ta phải trần ai lao động nhỏ nhặt! Mục đích đơn giản là phân phối lại giá trị được tạo ra, mà cho đến nay vẫn bị các nền tảng chiếm đoạt, để ngăn chặn sự “vô sản hóa” sức lao động của con người.
Buổi phỏng vấn được Juliette Parmentier ghi lại
Tác giả
Antonio Casilli (1972-) |
Antonio Casilli, nhà xã hội học, giáo sư tại Télécom Paris (IP Paris [Cao đẳng Viễn thông Quốc gia Paris]), và cộng tác viên nghiên cứu tại LACI-IIAC tại EHESS
Antonio A. Casilli đứng đầu nhóm nghiên cứu DiPLab (Lao động nền tảng kỹ thuật số) và là một trong những người sáng lập ENDL (Mạng châu Âu về lao động kỹ thuật số). Các sách của ông được xuất bản bao gồm “En Attendant les robots. Enquête sur le travail du clic [Chờ đợi rô bốt. Khảo sát về lao động nhấp chuột]” (Seuil, 2019; người được trao giải thưởng của Fondation Colbert-Institut de France) và “Les liaisons numériques. Vers une nouvelle sociabilité? [Các mối liên kết kỹ thuật số. Hướng tới một tính xã hội mới?]” (Seuil, 2010). Ông từng là cố vấn biên tập cho loạt phim tài liệu dựa trên các nghiên cứu của ông “Invisibles – Les travailleurs du clic [Lao động vô hình – Những người lao động nhấp chuột]” (France Télévisions, 2020).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Comment
les plateformes font appel à des microtravailleurs sous-payés, Polytechnique Insights, ngày 15/12/2021.
Chú thích: [1] Rapport final du projet
DiPLab, par Casilli, A. A., Tubaro, P., Le Ludec, C., Coville, M., Besenval,
M., Mouhtare, T., Wahal, E., “Le Micro-travail en France. Derrière
l’automatisation de nouvelles précarités au travail? [Lao động vi mô ở Pháp. Đằng sau sự tự động hóa tính bấp bênh mới của lao động?]”,
2019, http://diplab.eu [2] Otto
Kässi, Vili Lehdonvirta, Fabian Stephany, “How Many Online Workers are there in
the World? A Data-Driven Assessment [Có bao nhiêu lao động trực tuyến trên thế
giới? Đánh giá định hướng theo dữ liệu]”, ArXiV, 2021, <arXiv:2103.12648> [3] Nicolas
Colin et Pierre Collin, Rapport relatif à la fiscalité du secteur
numérique [Mối
quan hệ tương đối với chế độ thuế trong lĩnh vực kỹ thuật số],
Paris, La Documentation française, 2013