30.1.22

Amazon: phải làm gì?

AMAZON: PHẢI LÀM GÌ?

Quan điểm về thời sự kinh tế

Ít nhất 6 người đã thiệt mạng sau khi một nhà kho của Amazon ở bang Illinois bị sập trong trận lốc xoáy. Vì công nhân không được phép sử dụng điện thoại di động nên họ đã không thể được cảnh báo về sự xuất hiện của thảm họa. Khi những bê bối xung quanh Amazon và các điều kiện làm việc trong công ty chồng chất lên nhau, ta có thể làm gì?

Maria Enrica Virgillito[*] Andrea Roventini[**]

Công ty sử dụng lao động lớn thứ hai ở Hoa Kỳ, Amazon, đã bị chỉ trích nặng nề trong những năm gần đây vì các hoạt động và bản chất của mô hình kinh doanh của nó. Nói chung hơn, những thực tiễn này biểu lộ một sự khó chịu về nhiều triệu chứng đang tác động đến Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác. Quan điểm này phác họa ngắn gọn cách những thực tiễn này đã lan truyền từ thế giới lao động sang toàn xã hội, cũng như các đối sách chính trị có thể có.

Để bắt đầu với tổ chức nội bộ của lực lượng lao động, Amazon vượt trội với các phương pháp quản lý bằng thuật toán của mình. Nhân viên phải chịu sự giám sát và kiểm soát ở khắp nơi, vừa mang tính thể chất, dựa trên nhiều điểm kiểm tra nội bộ và vừa ảo, thông qua các thiết bị di động giám sát hiệu suất của nhân viên. Luôn luôn phải chịu áp lực, nhân viên của Amazon buộc phải làm việc với một nhịp độ kiệt sức, trong một số trường hợp buộc họ phải đi tiểu trong chai hoặc đại tiện trong túi[1]. Những hoạt động này vạch trần toàn bộ quy trình sản xuất và phân phối, liên quan đến rất nhiều loại công nhân, từ người lái xe đến người giữ kho. Để chống đối những điều kiện làm việc khắc nghiệt này, một số nhân viên tại trung tâm điều hành Amazon ở Bessemeir (bang Alabama), đã tự tổ chức và, lần đầu tiên trong lịch sử công ty, cùng nhau yêu cầu được công nhận là một công đoàn. Nhưng những nỗ lực chống công đoàn dữ dội của Amazon[2] đã thắng thế đối với nỗ lực này, với các phiếu bầu của nhân viên dường như đã bị tác động bởi các chính sách chống công đoàn của công ty trong bao nhiêu năm[3]. Việc tổ chức công đoàn ở Amazon là rất thích đáng khi mà sự quản lý bằng thuật toán và sự kiểm soát lực lượng lao động ngày càng phổ biến trong các công ty hậu cần khác[4].

Maria Enrica Virgillito
Andrea Roventini

Mức lương 15 đô la một giờ của Amazon, cao hơn mức mà Walmart và những gã khổng lồ khác trong lãnh vực bán lẻ khác chấp nhận, cũng có thể đã ảnh hưởng đến quyết định của một số công nhân bỏ phiếu chống lại công đoàn tại trung tâm Bessemeir, một khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao. Trên thực tế, Amazon thường làm cho các điều kiện làm việc xấu hơn và tiền lương thấp hơn đối với tất cả công nhân trong ngành hậu cần, với việc các nhà tuyển dụng trong ngành đó buộc phải cắt giảm chi phí lao động để cạnh tranh với gã khổng lồ, chuyển đổi công việc của họ sang việc bán thức ăn nhanh. Thật vậy, khi Amazon mở một nhà kho mới, mức lương trung bình của khu vực này trên thị trường lao động địa phương giảm hơn 6% trong hai năm sau[5]. Ngoài ra, Amazon còn có tỷ lệ công nhân nhận phiếu thực phẩm cao thứ ba, sau Walmart và McDonald's. Sự chống đối các điều kiện làm việc khắc nghiệt của Amazon đã vượt Đại Tây Dương với cuộc đình công toàn quốc đầu tiên ở Ý[6] vào mùa xuân năm ngoái, được 75% công nhân ủng hộ.

Luôn luôn phải chịu áp lực, nhân viên của Amazon buộc phải làm việc với một nhịp độ kiệt sức, trong một số trường hợp buộc họ phải đi tiểu trong chai hoặc đại tiện trong túi.

Vòng xoáy đi xuống của tiền lương phù hợp với kết quả nghiên cứu kinh tế cho thấy rằng quyền lực độc tôn[7] của các doanh nghiệp có độc quyền mua trên thị trường lao động Hoa Kỳ tăng lên sau năm 2000 hoặc ngược lại, quyền lực của người lao động giảm đi[8].

Từ thị trường lao động đến thị trường sản phẩm, Amazon và những gã khổng lồ công nghệ khác của Mỹ cũng nắm giữ một quyền lực độc quyền mạnh mẽ. Đặc biệt, theo một cuộc điều tra gần đây của Quốc hội Hoa Kỳ, Amazon dường như là người gác cổng cho lãnh vực thương mại điện tử[9]. Ngoài ra, công ty đã đạt được sức mạnh thị trường to lớn[10] với vai trò kép là cơ sở hạ tầng hậu cần thiết yếu và là đối thủ cạnh tranh của tất cả các công ty bán hàng sử dụng nền tảng trực tuyến của mình.

Đại dịch đã nâng cao hơn nữa vị thế của nó trên thị trường. Amazon đã đạt được thành tích kỷ lục vào năm 2020[11] với doanh thu (+ 38%, 386 tỷ USD) và lợi nhuận (+ 84%) tăng mạnh. Tuy nhiên, Amazon đã chỉ trả mức thuế thực tế[12] là 9,4% ở Hoa Kỳ, vẫn ở mức trên mức 0% ở Luxembourg[13], bất chấp mức doanh thu kỷ lục 44 tỷ euro thu được ở Liên minh Châu Âu. Điều này khiến Jeff Bezos, cựu Tổng Giám đốc của công ty, trở thành người đàn ông đầu tiên có khối tài sản vượt quá 200 tỷ đô la[14]. Sau khi bay vào vũ trụ với công ty của mình, ông đã cảm ơn các công nhân và nhân viên Amazon đã chi tiền cho chuyến thám hiểm của ông[15].

Thành công không thể chối cãi của Amazon là nhờ một loạt các xu hướng dài hạn, nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề trong nền kinh tế Hoa Kỳ và trong chính xã hội. Sự năng động này đã được khơi dậy và duy trì nhờ một bộ chính sách kinh tế gắn kết bắt nguồn từ các chính sách kinh tế bắt rễ trong trào lưu chính thống của thị trường tự do và cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo và các dữ liệu lớn đã làm cho các chính sách này thêm gay gắt. Sự kết hợp chính sách của sự đồng thuận dựa trên sự linh hoạt của thị trường lao động[16], sự xóa bỏ các quy định, sự giảm bớt thuế và sự cắt giảm chi tiêu công. Các cải cách cấu trúc được đề ra nhằm tăng tính linh hoạt của thị trường lao động đã giảm thiểu vai trò của các công đoàn và các thể chế khác, chẳng hạn như mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, những dữ liệu thực nghiệm gần đây cho thấy pháp chế về bảo vệ việc làm[17] không có tác động đến thất nghiệp, rằng các công đoàn đóng một vai trò cơ bản trong cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng[18] và mức lương tối thiểu cao hơn không làm giảm việc làm mà còn cải thiện năng suất[19]. Là mục tiêu được nhắm đến, song rốt cuộc trào lưu phi công đoàn hóa ra lại là một trong những nguyên nhân chính của sự suy giảm năng suất[20].

Thành công không thể chối cãi của Amazon là nhờ một loạt các xu hướng dài hạn, nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề trong nền kinh tế Hoa Kỳ và trong chính xã hội.

Việc lương bị ép đã dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn, được củng cố bởi sự cắt giảm các thuế doanh nghiệp và các chiến lược để tránh thuế. Nhưng việc cắt giảm thuế doanh nghiệp đã không làm cho tăng trưởng kinh tế tăng lên[21], mặc dù đã cho phép tăng tiền thưởng dành cho các cổ đông, như tài sản khổng lồ của Bezos cho thấy. Sự chuyển đổi căn bản[22] của hệ thống thuế của Mỹ đã dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ của tỷ suất đánh thuế những người giàu có, do đó góp phần làm bùng nổ sự bất bình đẳng về thu nhập và gia sản[23]. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng cũng là do sức mạnh thị trường của doanh nghiệp tăng trưởng ổn định[24], được hỗ trợ bởi cách tiếp cận chống độc quyền của Trường phái Chicago[25], vốn tập trung vào phúc lợi của người tiêu dùng hơn là vào sự tập quyền của thị trường. Nếu không được điều tiết một cách thích hợp, các cuộc cách mạng của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn có thể củng cố những xu hướng này[26], dẫn đến sự phân cực mạnh mẽ về việc làm và các hình thức mới của chủ nghĩa Taylor kỹ thuật số, như trường hợp của Amazon.

Kinh tế học ơn mưa móc đã không hoạt động và đã phát triển thành nền kinh tế Amazon, mà đặc trưng là sự bùng nổ nhiều chiều của các bất bình đẳng, sự đình trệ của lương và những điều kiện làm việc càng khắc nghiệt hơn. Tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Hoa Kỳ đã trở nên trầm trọng hơn nữa với cuộc khủng hoảng Covid và sự gia tăng của các căng thẳng xã hội và chính trị. Để đối phó với những vấn đề này, chính quyền Biden đã đề xuất các chính sách tài khóa mở rộng và tiến bộ. Các chính sách này - được gọi là Bidenomics[27] - dựa trên sự vỡ mộng đối với “sự kỳ diệu của thị trường” có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế một cách minh bạch.

Do đó, chính phủ phải đóng một vai trò lớn hơn trong việc giảm bất bình đẳng, thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi công nghệ và cuối cùng là kích thích tăng trưởng. Điều này được phản ánh cả trong Kế hoạch Việc làm của Mỹ[28], nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Mỹ và đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng xanh để chống lại biến đổi khí hậu, và trong Kế hoạch Gia đình của Mỹ[29], nhằm tạo điều kiện tiếp cận giáo dục, giảm chi phí chăm sóc trẻ em và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động. Dự kiến sẽ thúc đẩy một “kế hoạch hành động cho người lao động”[30] trong khuôn khổ của quá trình phục hồi, mà đặc trưng là việc tạo ra các việc làm được công đoàn hóa và được trả lương cao. Lập trường của chính phủ ủng hộ người lao động cũng đã được thể hiện thông qua mục tiêu tăng mức lương tối thiểu lên 15 đô la và thúc đẩy tiến trình công đoàn hóa người lao động. Chi phí của hai kế hoạch này được bù đắp một phần bằng việc tăng thuế suất doanh nghiệp, áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu để chống lại việc chuyển lợi nhuận từ các công ty đa quốc gia sang các thiên đường thuế[31], và bằng cách tăng tỷ suất thuế của những công dân giàu có nhất. Cuối cùng, các nỗ lực tấn công sức mạnh thị trường ngày càng tăng của các công ty đang được triển khai, mà bằng chứng là sắc lệnh thúc đẩy cạnh tranh[32] hoặc việc bổ nhiệm Lisa Khan, một nữ luật sư bảo vệ các nguyên tắc cứng rắn hơn trong lãnh vực chống độc quyền và lãnh vực cạnh tranh, làm chủ tịch của Ủy ban Thương mại Liên bang.

Kinh tế học ơn mưa móc đã không hoạt động và đã phát triển thành nền kinh tế Amazon, mà đặc trưng là sự bùng nổ nhiều chiều của các bất bình đẳng, sự đình trệ của lương và những điều kiện làm việc càng khắc nghiệt hơn.

Bidenomics vẫn chưa chắc chắn sẽ được thực thi trước sự phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội Hoa Kỳ. Vào Ngày Quốc tế Lao động, 8 triệu người bị mất trợ cấp thất nghiệp, nguồn thu nhập duy nhất của những người thụ hưởng. Nhưng điều đó sẽ không giải quyết được tình trạng được cho là thiếu lao động: trợ cấp thất nghiệp đã kết thúc vào tháng 7 năm ngoái ở 25 bang mà không có bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào về tỷ lệ việc làm trên dân số[33].

Chương trình nghị sự hiện tại về chính sách kinh tế của Hoa Kỳ đã làm dấy lên một cuộc tranh luận mới giữa các nhà kinh tế, và với các khuyến nghị chính sách mới từ IMF và Ngân hàng Thế giới, có thể một “đồng thuận mới của Washington” sẽ xuất hiện.[34] Ở một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, có những dấu hiệu yếu ớt ​​về những thay đổi trong chính sách kinh tế (ví dụ, sự ủng hộ ngày càng tăng đối với các quy tắc tài khóa bớt khắc nghiệt hơn trong Liên minh châu Âu hoặc sự tăng lương tối thiểu).

Những tháng tới sẽ cho chúng ta biết liệu các vấn đề của mô hình kinh tế do Amazon thúc đẩy có tìm thấy chỗ đứng trong các chính sách và cuộc tranh luận của châu Âu hay không và liệu cái khung chính trị mới này có đạt được thành công hay không.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Amazon: que faire?, Le Grand Continent, 15.12.2021.




Chú thích:

[2] Capital & Main, Alabama Amazon Workers Say They’re Fed Up and Not Taking It Anymore, Kelly Candaele, 19 mars 2021

[5] Bloomberg, Amazon Has Turned a Middle-Class Warehouse Career Into a McJob, Matt Day et Spencer Soper, 17 décembre 2020

[8] Portside, Identifying the Policy Levers Generating Wage Suppression and Wage Inequality, Lawrence Mishel and Josh Bivens, 18 juillet 2021

[9] NPR, How Are Apple, Amazon, Facebook, Google Monopolies? House Report Counts The Ways, Shannon Bond, Alina Selyukh et Bobby Allyn, 6 octobre 2020

[10] The Yale Law Journal, Amazon’s Antitrust Paradox, Lina M. Khan

[11] Forbes, Amazon’s Net Profit Soars 84% With Sales Hitting $386 Billion, Shelly E. Kohan, 2 février 2021

[14] Forbes, Jeff Bezos Becomes The First Person Ever Worth $200 Billion, Jonathan Ponciano, 26 août 2020

[16] Giovanni Dosi, Marcelo C Pereira, Andrea Roventini et Maria Enrica Virgillito, “The effects of labour market reforms upon unemployment and income inequalities: an agent-based model, Socio-Economic Review, n°16/ 4, octobre 2018, pp. 687–720

[17] Philipp Heimberger, “Does employment protection affect unemployment? A meta-analysis, Oxford Economic Papers, n° 73 / 3, juillet 2021, pp. 982–1007

[18] Henry S Farber, Daniel Herbst, Ilyana Kuziemko et Suresh Naidu, “Unions and Inequality over the Twentieth Century: New Evidence from Survey Data, The Quarterly Journal of Economics, n° 136/ 3, août 2021, pp. 1325–1385

[19] Christian Dustmann, Attila Lindner, Uta Schönberg, Matthias Umkehrer et Philipp vom Berge, “Reallocation Effects of the Minimum Wage, The Quarterly Journal of Economics, 20 août 2021

[20] Giovanni Dosi, Richard B Freeman, Marcelo C Pereira, Andrea Roventini et Maria Enrica Virgillito, “The impact of deunionization on the growth and dispersion of productivity and pay, Industrial and Corporate Change, n°30 / 2, avril 2021, pp. 377–408

[21] Sebastian Gechert and Philipp Heimberger, “Do Corporate Tax Cuts Boost Economic Growth?, wiiw Working Paper n°201, juin 2021, 44 p.

[25] Lina M. Khan, Ibid.

[27] Financial Times, What is Bidenomics?, Martin Sandbu, 20 mai 2021

[34] Financial Times, A new Washington consensus is born, Martin Sandbu, 11 avril 2021



[*] Maria Enrica Virgillito là Trợ lý Giáo sư Kinh tế học, Học viện Kinh tế, Scuola Superiore Sant’Anna, Ý, Nghiên cứu viên, Dipartimento di Politica Economica, Università Cattolica del Sacro

[**] Andrea Roventini là Phó giáo sư, Scuola Superiore Sant'Anna

Print Friendly and PDF