3.1.22

Những bệnh lây truyền từ động vật sang người (zoonoses) đã tăng gấp ba lần trong vòng một thế kỷ

NHỮNG BỆNH LÂY TRUYỀN TỪ ĐỘNG VẬT SANG NGƯỜI (ZOONOSES) ĐÃ TĂNG GẤP BA LẦN TRONG VÒNG MỘT THẾ KỶ

Tác giả: James Bowers

Tổng biên tập của Polytechnique Insights

Thierry Lefrançois

Trưởng bộ môn tại Cirad [*] và thành viên của Hội đồng khoa học Pháp về Covid-19

Tóm tắt

  • Khủng hoảng y tế đã thúc đẩy phát triển nhanh phong trào “Một Sức khỏe” (One Health) với mục đích kết nối sức khỏe của con người, của động vật và môi trường.
  • Ngày nay, 75% các bệnh nhiễm khuẩn mà con người mắc phải có nguồn gốc từ động vật. Được gọi là “zoonoses” (bệnh lây truyền từ động vật sang người), những bệnh này là do các vi sinh vật (virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng) có khả năng gây nhiễm khuẩn cho người cũng như động vật.
  • Những hoạt động của con người như phá rừng, chăn nuôi thâm canh và đô thị hóa có hậu quả là đưa các gia súc và động vật hoang dã lại gần nhau, điều này có thể thuận lợi cho sự xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
  • Sự phát triển các công nghệ mới, có khả năng giúp chúng ta tìm ra nơi chốn và thời gian các bệnh dịch này xuất hiện, có thể giúp chúng ta nhận dạng các tác nhân gây bệnh đang lưu thông và có nguy cơ trở thành đại dịch.

Trong khi những tác động của Covid-19 vẫn còn hiện diện khắp nơi trên thế giới, dường như đã đến lúc cần chú tâm vào việc phòng ngừa những đại dịch trong tương lai. Không ít hơn 75% những bệnh nhiễm khuẩn tấn công con người là có nguồn gốc từ động vật. Với lý do này, cách tiếp cận của Một Sức khỏe đã trở thành đối tượng của mọi mối quan tâm.

Chính là vào dịp Diễn đàn Paris về hòa bình vào tháng 11 năm 2020 mà hội đồng chuyên gia cấp cao đã ra đời, nhằm mục đích hội nhập vào cùng một cơ cấu tổ chức các hệ thống sức khỏe của người, động vật và môi trường. Biểu hiện của diễn tiến hướng đến một cách tiếp cận tổng thể này là Thierry Lefrançois, trưởng bộ môn Các hệ thống sinh học của Cirad, cũng là nhà nghiên cứu thú y đầu tiên gia nhập Hội đồng khoa học về Covid-19.

Khái niệm Một Sức khỏe (One Health) dựa trên niềm hy vọng rằng các nhà nghiên cứu có thể nhận diện một cách nhanh nhất những bệnh mới xuất hiện có khả năng lây truyền từ động vật sang người. Tại sao nhấn mạnh những vấn đề môi trường lại là điều chính yếu?

75 % những bệnh nhiễm khuẩn mà con người mắc phải có nguồn gốc từ động vật, là do các vi sinh vật (virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng) có khả năng gây nhiễm khuẩn cho người cũng như cho động vật. Trong số những bệnh thuộc loại này, được biết với tên gọi “zoonoses”, có thể kể bệnh Ebola, mà ta nghi rằng dơi là vectơ truyền bệnh, cúm gà nơi các loài chim nuôi hay hoang dã, bệnh dại từ chó, và tất nhiên là SARS-CoV-2 (Covid-19). Ngay cả khi ta giả định rằng đầu tiên là do loài dơi truyền bệnh, thì ta vẫn không biết những loài nào đã giúp truyền bệnh sang người (tê tê, chồn vison, v.v.). Những bệnh lây truyền từ động vật sang người xuất hiện đột ngột sau một loạt những quá trình gắn liền mạnh mẽ với sự gần gũi giữa các loài khác nhau.

Lưu ý rằng tất cả những điều đó không có gì mới: từ nhiều năm qua cộng đồng khoa học đã báo động về mối nguy hiểm của các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Từ năm 1940 đến năm 2000, sự lây truyền các bệnh từ động vật sang người đã tăng hơn gấp ba lần. Những lý do của sự việc này là đơn giản: các virus phát tán dễ dàng hơn rất nhiều nơi các động vật được nuôi trong những môi trường đông đúc và mất vệ sinh (nhất là chăn nuôi thâm canh), như đã cho thấy sự lan truyền Covid-19 nơi chồn vison. Ngoài ra, việc hủy hoại những nơi cư trú do phá rừng hay do việc biến những vùng thiên nhiên thành vùng nông nghiệp hoặc đô thị đã đưa đàn gia súc, thú nuôi trong nhà và con người lại gần động vật hoang dã, từ đó tạo thuận lợi cho sự lan truyền bệnh giữa các loài. Như vậy, mối nguy về các bệnh nhiễm khuẩn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các hệ sinh thái, các nhân tố khí hậu, các cách thực hành sản xuất nông nghiệp và những nguyên nhân kinh tế-xã hội khác.

Chúng ta sẽ sớm có khả năng dự báo các đại dịch?

Thật vô cùng khó để dự báo những loại bệnh nào (zoonoses) sẽ lây truyền từ một loài này sang loài khác, như những kinh nghiệm quá khứ đã cho thấy. Mặt khác, sự phát triển các công nghệ mới có khả năng giúp chúng ta tìm ra nơi chốn và thời gian xuất hiện những dịch bệnh mới, bằng cách xác định các vùng nghi ngờ có lan truyền bệnh. Điều này sẽ giúp chúng ta nhận dạng được các tác nhân gây bệnh đang lưu thông và có nguy cơ trở thành đại dịch.

Dự án MOOD của châu Âu[1], do Cirad điều phối, bao gồm nghiên cứu cách chúng ta có thể dùng trí tuệ nhân tạo (IA) để dò tìm và phát hiện các đại dịch một cách nhanh nhất có thể. Thay vì khảo sát những thước đo dịch tễ học truyền thống, vốn cần đến các mẫu và xét nghiệm sinh học, trí tuệ nhân tạo phân tích những dữ liệu văn bản có sẵn trên Internet, chẳng hạn như những thông điệp trên các mạng xã hội. Phân tích này cho phép phát hiện được một dịch bệnh rất sớm. Chúng ta có thể tìm những thuật ngữ tương đối quen thuộc như “cúm heo” hoặc “sốt” và so sánh tần suất xuất hiện của chúng để dò tìm sự xuất hiện khả dĩ của các ổ dịch (clusters).

Cũng có thể thực hiện một sự “giám sát hội chứng” nhờ vào sự tìm kiếm có định hướng theo từ khóa trên Google, hay các xu hướng trong việc bán các sản phẩm dược - ở đây mục đích không phải là phòng ngừa mà là tìm ra nhanh nhất có thể những đại dịch mới bùng phát bằng cách tận dụng cả núi thông tin trực tuyến có sẵn. Những thí nghiệm đã được tiến hành với công nghệ này để nghiên cứu sự xuất hiện của cúm gà, và chúng đã cho những kết quả tích cực, chúng cho thấy lẽ ra ta có thể hành động nhanh hơn nếu lúc đó ta đã có được phương pháp này.

Dự báo là điều cốt tử, nhưng phòng ngừa thì sao?

Phòng ngừa là vô cùng quan trọng, vì bằng cách chú ý đến các hệ thống văn hóa-xã hội, nó cho phép tránh được sự bùng phát và ngăn ngừa sự lưu thông của các tác nhân gây bệnh nơi động vật. Chúng ta theo dõi sát một số bệnh trên thế giới, trong đó có cúm heo châu Phi, bệnh dại hay Nipah (một dạng nhiễm khuẩn nơi loài dơi ở Đông Nam Á). Các nghiên cứu đã tiết lộ rằng những cố gắng này là rất có lợi: đầu tư vào phòng ngừa là 100 lần rẻ hơn một đại dịch[2].

Để đạt đến điều này, thì việc nhắm vào những động vật đặc thù là không ích lợi gì, bởi vì sự lan truyền thay đổi tùy theo loài. Tốt hơn nên tìm cách ngăn ngừa những nhân tố tạo thuận lợi cho sự lan truyền và dường như chúng dao động tùy theo nơi khu trú của chúng. Chính nhờ vậy mà chúng ta đã có thể nhận diện được những vùng có nguy cơ cao mà chúng ta đặc biệt chú ý, như Mexico, Zimbabwe hoặc Việt Nam. Trong một thế giới lý tưởng, thì sự phát triển đô thị và nông nghiệp đều chú ý đến đa dạng sinh học. Khi mở rộng một thành phố, có thể nào tạo ra những con đường để thiên nhiên có thể băng qua? Sẽ có các vật nuôi trong nhà hay gia súc không? Đó có phải là một vùng nông nghiệp thâm canh? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp phân tích những rủi ro và xem xét cẩn trọng sức khỏe của môi trường, ngang bằng với an sinh của người và động vật.

Khái niệm Một Sức khỏe (One Health) được hình thành từ một sự hợp tác quốc tế. Chúng ta đang tham dự vào loại hợp tác nào đây?

Một cách tổng quát, chính những thể chế riêng biệt đang quản lý sức khỏe, môi trường và nông nghiệp của các quốc gia. Với Một Sức khỏe, chúng tôi đề nghị một cách tiếp cận tổng thể ở cấp cao nhất. Tháng trước, việc mời sự tham gia của các chuyên gia đã kết thúc, và tháng này hội đồng quốc tế được tuyển chọn đã quy tụ chừng hai mươi chuyên gia để cùng phối hợp làm việc và cung cấp một đánh giá đa ngành cho các tổ chức quốc tế liên quan đến các vấn đề mà Một Sức khỏe sẽ nghiên cứu xử lý (Tổ chức y tế thế giới (WHO), Tổ chức sức khỏe động vật thế giới (OIE) - còn gọi là Tổ chức thú y thế giới -, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP)).

Tuy nhiên, sự quan tâm của chúng ta không tập trung ở sự hợp tác ở cấp cao nhất. Tất nhiên, sáng kiến Một Sức khỏe phải được các quốc gia coi trọng, nhưng công việc trên thực địa cũng quan trọng. Cuối cùng, để chắc chắn là nghiên cứu đúng các chỉ báo tốt, chúng ta phải chú ý đến những gì đang diễn ra ngay tại chỗ (in situ). Đó không chỉ là công việc của các nhà nghiên cứu, mà còn là của nông dân, của các vườn quốc gia, các dịch vụ công cộng, v.v..

Do đó phải hành động ở cấp độ lãnh thổ, “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương.” Dành ưu tiên cho sự “chia sẻ lãnh thổ” hơn là bảo vệ các vùng dưới dạng các khu bảo tồn thiên nhiên, trong chừng mực thiên nhiên không phân biệt giữa một vườn thiên nhiên quốc gia và một vùng có con người cư trú. Như vậy, hợp nhất hai vùng sẽ là một cách thông minh để bảo tồn đa dạng sinh học.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh “Một hành tinh” họp tại Pháp (Paris) ngày 11 tháng 1 năm 2021, tổng thống Macron đã khởi động sáng kiến PREZODE (PREventing ZOonotic Diseases Emergence - ngăn ngừa sự bùng phát các bệnh lây truyền từ động vật sang người -) nhằm “giảm thiểu những rủi ro bùng phát dịch bệnh và bảo đảm tính thích đáng của các hệ thống giám sát và phát hiện sớm ở các cấp địa phương, vùng và thế giới[3],[4]. Đây là một sáng kiến quốc tế đầy tham vọng, được ủng hộ về mặt chính trị ở các cấp cao nhất của Nhà Nước (Pháp) và được tài trợ bởi các Bộ Đại học và Nghiên cứu, Bộ châu Âu và Ngoại giao. Và trong tương lai, sáng kiến này sẽ được ủng hộ bởi một số lớn các nước khác, các quỹ và tổ chức trên toàn thế giới; với hơn 1000 nhà khoa học từ khoảng 50 nước, mọi việc đang tiến triển.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Zoonoses: les maladies passant de l’animal à l’homme ont triplé en un siècle”, Polytechnique Insights, 15.12.2021.



[*] CIRAD (Centre de coopération internationale en recherche agronomique pour le développement) Trung tâm hợp tác quốc tế về nghiên cứu phát triển nông nghiệp.

Print Friendly and PDF