10.4.23

Nội phát luận & Ngoại phát luận trong Phát triển khoa học (J. B. Morrell, 1981)

NỘI PHÁT LUẬN & NGOẠI PHÁT LUẬN TRONG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC (1981)

Tác giả: Jack B. Morrell*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

1 - Nội phát luận

Quan điểm cho rằng khoa học chủ yếu là một sự nghiệp trí tuệ trừu tượng tách rời khỏi hoàn cảnh xã hội, chính trị và kinh tế.

Để giải quyết những vấn đề liên quan đến sự hiểu biết và kiểm soát thế giới tự nhiên, giới sử gia khoa học theo nội phát luận tập trung trên các khía cạnh trí tuệ hiển nhiên của bối cảnh khoa học, nhằm làm nổi bật vai trò của những khung khái niệm, các quy trình phương pháp và những công thức lý thuyết. Do thường quan tâm đến việc bảo vệ khoa học như một hình thức tư tưởng thuần lý cao cấp nhất, họ cho rằng những đổi thay trong nền khoa học của quá khứ chỉ độc nhất hay chủ yếu phát xuất từ việc giải quyết những vấn đề trừu tượng đã kế thừa trong một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể.

Những quyến rũ của nội phát luận là có thật. Nó tránh được sự ngây thơ của những hình thức ngoại phát luận thô sơ […]. Ở mức tốt nhất, nó biểu hiện khoa học như một sự nghiệp trí tuệ lớn lao; và cho thấy tầm quan trọng trong quá khứ của những nhận thức và thái độ thường là khác với những từ cùng tên ngày nay. Nó nhấn mạnh trên sự liên tục, gắn kết và tiến bộ không ngừng của khoa học. Ở dạng duy tâm chủ nghĩa, nó mô tả khoa học trong quá khứ như một hoạt động trí tuệ biệt truyền, giàu óc tưởng tượng và sáng tạo, khác xa với hoạt động sưu tập sự kiện thường ngày.

Ở những người theo nội phát luận nhiệt tình, quan điểm này bỏ qua những hoàn cảnh bên ngoài từng ảnh hưởng đến những nhà tự nhiên học cần được sự bảo trợ đáng kể thuộc một loại nào đó. Một sử gia nội phát luận về thiên văn học sau năm 1600, hoặc hóa học sau năm 1800 chẳng hạn sẽ tập trung trên các giả thuyết, lý thuyết, phương pháp, và những quan sát hoặc thí nghiệm liên quan tới các lý thuyết, trong khi bỏ qua những vấn đề về quyền lực hay tiền bạc đã tạo ngân quỹ cho phép các đài quan sát thiên văn, và những phòng thí nghiệm hóa học được thành lập và hoạt động. Các nhà nội phát luận giáo điều chỉ thừa nhận tầm quan trọng của kích thước xã hội trong khoa học ở việc phổ biến tri thức, chứ họ thường không hề xét tới cái khả năng là thứ tri thức đó chẳng những có thể được hình thành nhằm đáp ứng các biến cố chính trị xã hội, mà còn có thể được xây dựng chung bởi các nhà khoa học như một nhóm xã hội thống trị.

Khoa học là một hình thức nghiên cứu trí tuệ đáng chú ý. Do đó, như một cách tiếp cận không giáo điều, nội phát luận sẽ luôn luôn là một truyền thống thiết yếu trong lịch sử khoa học, miễn là chúng ta hiểu rằng nó chẳng là gì khác hơn một phạm trù do giới sử gia khoa học nghĩ ra, cho mục đích và sự thuận tiện của chính họ.

2 - Ngoại phát luận

Quan điểm cho rằng hoàn cảnh xã hội, chính trị và kinh tế ảnh hưởng tới việc theo đuổi tri thức về Tự nhiên.

Trong khi nội phát luận chủ yếu liên quan đến khoa học như tri thức, ngoại phát luận kiểm tra khoa học và các nhà khoa học trong bối cảnh văn hóa xã hội của nó và của họ. Giới sử gia ngoại phát luận quan tâm tới những nhóm khoa học (cả thứ được thiết chế hóa lẫn thứ không có tổ chức hình thức nào), đến các lý do phát triển của một số loại nghiên cứu khoa học, tới những sự nghiệp khoa họcsự bảo trợ khoa học. Họ cho rằng hoàn cảnh kinh tế và xã hội đã ảnh hưởng đến tỷ lệ và hướng phát triển của một số công trình khoa học. Những người nhiệt tình nhất còn thường cho rằng phản ứng trước những hoàn cảnh bên ngoài như vậy đôi khi cũng giúp hình thành chính bản thân tri thức khoa học nữa [xã hội học về tri thức (khoa học)].

Ngoại phát luận có những nét hấp dẫn của nó. Nó coi khoa học là một phần của văn hóa (giống như những ý tưởng triết học, và các tin tưởng tôn giáo là một phần của văn hóa), do đó, quan điểm này cũng khiến cho nghiên cứu lịch sử khoa học trở thành một phần của lịch sử văn hóa xã hội nói chung. Nó nhấn mạnh trên những cách mà lợi ích chính trị, kỹ thuật, kinh tế và quân sự ảnh hưởng tới khoa học. Không giống như nội phát luận, nó đặt câu hỏi về vị trí và thời điểm các trào lưu khoa học trong quá khứ xuất hiện; và nó lôi kéo sự chú ý đến những tiếp nhận tri thức khoa học khác nhau ở các nơi. Quan điểm nội phát có xu hướng tách biệt tri thức và cách sử dụng nó; ngược lại, quan điểm ngoại phát có xu hướng liên kết chúng, bằng cách nghiên cứu những lợi ích mà nhiều cách sử dụng tri thức khoa học khác nhau đã mang lại.   

Trong trường hợp tệ nhất, ngoại phát luận có thể thoái hóa thành một thứ quyết định luận thô thiển: mô tả chủ nghĩa tư bản đang trỗi dậy như nguyên nhân của những thay đổi khái niệm được gọi là cuộc Cách mạng Khoa học ở thế kỷ 17 là điều không thể chấp nhận được. Trong các dạng cởi mở hơn, nó hạ thấp tầm quan trọng của khoa học thành một thứ nhận thức chỉ có năng lực dự đoán; và những khái quát hoá đơn giản của nó thường không tương ứng với sự phức tạp mà những bằng chứng lịch sử có kết cấu phong phú tiết lộ.

Ngoại phát luận là một phạm trù được nghĩ ra bởi các sử gia khoa học. […] Nhưng trong trường hợp chính nhận thức của các nhà khoa học cũng không đưa ra manh mối, rất khó mà duy trì sự phân biệt giữa những động cơ và nguyên nhân bên ngoài với bên trong. Vì khoa học là một hiện tượng vừa xã hội vừa trí tuệ, ngoại phát luận như một cách tiếp cận không giáo điều sẽ còn tồn tại. Tuy nhiên, nói chung, tốt nhất ta nên tránh thứ ngoại phát luận giáo điều, cũng như thứ nội phát luận tương đương, bởi vì chúng đều méo mó và lỗi thời.

Từ Điển Lịch Sử Khoa Học
(Dictionary of History of Science,
Ed. by W. F. Bynum, E. J. Browne, Roy Porter,
London, McMillan Press, 1981).

Nguồn: Nội phát luận & Ngoại phát luận trong Phát triển khoa học (J. B. Morrell, 1981), Ired.Edu.Vn, 55/07/2022.




Chú thích:

* Jack B. Morrell (1933-): sử gia khoa học người Anh. Tác phẩm chính: Gentlemen of Science: Early Years of the British Association for the Advancement of Science (xb với A. W. Thackray, 1981); Metropolis and Province: Science in British Culture, 1780–1850 (xb với I. Inkster, 1983); Science at Oxford, 1914–1939 (1997); Science, Culture and Politics in Britain, 1750–1870 (1997); John Phillips and the Business of Victorian Science (2005).

Print Friendly and PDF