4.4.23

Sự bất đồng Washington: Học thuyết của IMF đối mặt với sự phân mảnh

SỰ BẤT ĐỒNG WASHINGTON[*]: HỌC THUYẾT CỦA IMF ĐỐI MẶT VỚI SỰ PHÂN MẢNH

Các cuộc phỏng vấn Chủ nghĩa tư bản chính trị trong chiến tranh

Một nhóm các nhà kinh tế của IMF xem xét nguy cơ phân mảnh trong nền kinh tế toàn cầu. Nếu nói về sự giải toàn cầu hóa có vẻ phóng đại đối với họ ngày nay, thì các diễn ngôn và chính sách đang quay lưng lại với trật tự kinh tế và thương mại được tạo ra sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh chấm dứt – nhưng hướng tới cái gì? Để thoát khỏi sự phân mảnh, họ đề xuất đổi mới phương thức quản trị (gouvernance) tiến trình toàn cầu hóa.

Louis de Catheu[**]

Cuộc phỏng vấn này là một tập mới trong loạt bài hàng tuần của chúng tôi “Chủ nghĩa tư bản chính trị trong chiến tranh”, xuất bản vào thứ Tư hàng tuần.

-------------------------------------------------------------------

Gần đây, hội nhập kinh tế toàn cầu dường như ngày càng bị đặt thành vấn đề. Theo các bạn, liệu chúng ta có thể nói về sự kết thúc của tiến trình toàn cầu hóa, hay thậm chí là sự giải toàn cầu hóa?

MICHELE RUTA

Michele Ruta

Điều quan trọng là phải phân biệt giữa một mặt là sự hội nhập thương mại và toàn cầu hóa, và mặt khác là các diễn biến chính trị. Hội nhập, tức là các dòng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, không bị thu hẹp. Hiện nay không thấy có xu hướng giải toàn cầu hoá trong các dữ liệu. Những gì chúng ta đang chứng kiến ​​là sự thay đổi trong diễn ngôn công khai về sự toàn cầu hóa và trong các chính sách mà các quốc gia theo đuổi trong các vấn đề thương mại.

Nền kinh tế thế giới đã trải qua những giai đoạn giải toàn cầu hóa thực sự: từ đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, thương mại quốc tế, từng chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm của thế giới, bị giảm xuống chỉ còn 20% của cải thế giới. Hội nhập thương mại được nối lại sau Chiến tranh và tăng tốc vào những năm 1990 và đầu những năm 2000. Gần đây hơn, chúng ta đi vào thời kỳ mà chúng tôi gọi là tiến trình toàn cầu hóa chậm (slowbalization), tức là một sự giảm sút của hệ số thương mại trên Tổng Sản Phẩm Toàn cầu (GDP Thế giới) phần lớn được giải thích bởi sự đình trệ của sự tăng trưởng của thương mại hàng hóa, trong khi thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng.

Như vậy là không có sự giải toàn cầu hóa. Nhưng nếu chúng ta xem xét tình hình ở bên ngoài các dữ liệu về các dòng thương mại, chúng ta phải nhận thấy rằng các diễn ngôn và chính sách công đang tiến hóa. Chúng ta đã chứng kiến ​​một số làn sóng hoạt động thương mại tăng lên. Làn sóng các biện pháp đầu tiên diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Làn sóng thứ hai bắt đầu vào năm 2018, với sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Làn sóng thứ ba xảy ra trong đại dịch Covid-19 và ngay sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Đồng thời, chúng ta đã chứng kiến ​​sự xuất hiện của một diễn ngôn tiêu cực hơn về sự toàn cầu hóa. Các tìm kiếm trên Google cho các từ như “giải toàn cầu hóa”, “di dời cơ sở đến một địa bàn gần/nearshoring”, “di dời cơ sở đến một địa bàn thân thiện/friend-shoring” đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Phân tích văn bản của các bài thuyết trình cho các nhà đầu tư cho thấy những phát triển tương tự ngay trong chính các công ty. Sự tiến hóa của diễn ngôn công khai và sự gia tăng mạnh mẽ của các biện pháp bảo hộ là một cảnh báo sớm quan trọng, vì điều này có thể dẫn đến sự giải toàn cầu hóa và làm xấu đi tình hình kinh tế toàn cầu.

CHRISTIAN EBEKE

Chúng ta cũng đang chứng kiến ​​một số dấu hiệu sớm của sự phân mảnh tài chính, với việc một số quốc gia và tổ chức tài chính quay lưng lại với các tích sản định giá bằng đô la. Đặc biệt, kể từ tháng 9 năm 2022, ta có thể thấy một sự giảm dần s lượng các tích sản của Mỹ do các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự phân mảnh địa kinh tế, nếu diễn ra sâu sắc hơn, có thể tác động đến khu vực tài chính.

Sự phân mảnh địa kinh tế, nếu diễn ra sâu sắc hơn, có thể tác động đến khu vực tài chính.

CHRISTIAN EBEKE

Những chính sách này có thể gây ra thiệt hại nào nếu chúng dẫn đến sự phân mảnh thực sự về thương mại, tài chính và hợp tác?

Christian Ebeke

Cần phải nhắc lại những lợi thế của toàn cầu hoá. Sự hội nhập của các nền kinh tế mới nổi vào nền kinh tế thế giới đã cho phép chúng phát triển xuất khẩu và tăng đáng kể mức Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) trên đầu người. Điều này đã góp phần làm tăng thu nhập của những hộ gia đình nghèo nhất và kết quả là ở những quốc gia này, tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo khổ đã giảm đáng kể trong hai hoặc ba thập kỷ qua. Toàn cầu hóa cũng đã giúp ích cho người tiêu dùng trung bình ở các nền kinh tế tiên tiến, thông qua việc hạ giá các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu. Như vậy, hệ quả tiêu cực đầu tiên của sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới bị phân mảnh là sự xói mòn các liên kết thương mại giữa các quốc gia. Tác động sẽ được cảm nhận nghiêm trọng nhất bởi những người được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​sự bùng nổ thương mại toàn cầu, đặc biệt các nước có thu nhập thấp, các nền kinh tế mới nổi và, ở các nền kinh tế tiên tiến, người tiêu dùng.

Trong một thế giới bị phân mảnh, các hạn chế đối với các luồng di cư quốc tế có thể gia tăng, tước đi các kỹ năng nước ngoài có giá trị của các nền kinh tế. Giảm di cư cũng sẽ dẫn đến lượng kiều hối từ người lao động gửi cho người thân của họ giảm xuống hơn, gây bất lợi cho các nước có thu nhập thấp. Chúng tôi cũng lo ngại về tác động tiêu cực mà sự phân mảnh có thể gây ra đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến các đổi mới công nghệ. Nói rộng hơn, đầu tư, năng suất và tăng trưởng dài hạn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn gia tăng do việc tạo ra các khối kinh tế và việc áp dụng các chính sách hạn chế không được phối hợp. Rủi ro đáng kể cũng treo lơ lửng trên hệ thống tiền tệ quốc tế. Ví dụ, sự phân mảnh có thể làm giảm khả năng tương tác của các hệ thống thanh toán quốc tế cạnh tranh. Ngoài ra, sự xuống cấp của sự phối hợp hiện có giữa các chủ thể tài chính quốc tế, cả công và tư, làm suy yếu cấu trúc an ninh tài chính toàn cầu, gây bất lợi cho các quốc gia phải đối mặt với nhu cầu tài trợ cho cán cân thanh toán của chúng.

Trong một thế giới bị phân mảnh hơn, sẽ khó đạt được sự đồng thuận hơn về các vấn đề chính.

CHRISTIAN EBEKE

Sự phân mảnh này của nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ có nguy cơ cản trở sự hợp tác quốc tế cho các mục tiêu chung, chẳng hạn như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sự chuẩn bị ứng phó các đại dịch và sự giải quyết các khoản vay nợ. Trong một thế giới bị phân mảnh hơn, sẽ khó đạt được sự đồng thuận hơn về các vấn đề chính.

Kurt Schwitters, Prikken paa I en, 1939 (Centre Pompidou)

Những thiệt hại do sự phân mảnh địa kinh tế có thể gây ra sẽ sâu rộng đến mức nào?

Mô hình hóa chính xác chi phí của sự phân mảnh đối với nền kinh tế toàn cầu là một bài tập cực kỳ phức tạp do sự không chắc chắn của việc nó có thể diễn ra như thế nào. Rất khó để dự đoán một cách chắc chắn trạng thái cân bằng mới sẽ như thế nào, các chuỗi cung ứng quốc tế sẽ được tổ chức lại như thế nào hoặc các dòng vốn sẽ luân chuyển như thế nào. Trong ghi chú thảo luận của mình, chúng tôi đã xem xét các bài báo từ nhiều ấn phẩm khác nhau và tìm thấy bốn bài báo đáng quan tâm tập trung vào tác động của sự phân mảnh thương mại đối với nền kinh tế toàn cầu. Đây chỉ là một kênh truyền dẫn duy nhất, vì vậy các ước tính có thể được coi là giới hạn dưới. Chúng khác nhau đáng kể tùy thuộc vào các giả định được sử dụng.

Ở mức thấp dưới của biên độ, chi phí phân mảnh dường như không đáng kể, mất khoảng 0,2% Tổng Sản Phẩm Toàn Cầu (PIB Mondial) trong một kịch bản phân mảnh hạn chế khi chi phí điều chỉnh thấp. Ở mức cao nhất của biên độ, trong một kịch bản phân mảnh nghiêm trọng hơn với chi phí điều chỉnh cao, chi phí ước tính tăng lên gần 7% Tổng Sản Phẩm Toàn Cầu. Các tài liệu cũng đã tiết lộ rằng nếu chúng ta thêm vào sự phân mảnh của sự phổ biến công nghệ - hoặc gia các nước có sự tách biệt về mặt công nghệ - tức là sự khó tiếp cận các công nghệ nước ngoài, thì chi phí ước tính sẽ cao hơn nhiều. Trong dài hạn, với việc tách biệt về mặt công nghệ, chi phí ước tính có thể lên tới 12% Tổng Sản Phẩm Toàn Cầu. Điều quan trọng là các nhà kinh tế phải phân tích sâu hơn những vấn đề này, tích hợp các kênh truyền tải bổ sung. Điều gì xảy ra nếu chúng ta thêm vào điều này sự rối loạn của các luồng di cư? Và nếu chúng ta thêm tính dễ biến động của các dòng vốn? Nếu chúng ta thêm vào đó thực tế là về lâu dài, do sự phân mảnh địa kinh tế chúng ta có thể sẽ không đồng ý về sự giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu?

Ít được thảo luận hơn so với các biện pháp thương mại, các hạn chế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài do đó sẽ có khả năng tàn phá nhiều hơn. IMF nhận thức về vấn đề này, nay đã trở thành rất chính trị, như thế nào?

Chúng ta đang chứng kiến ​​sự gia tăng các hạn chế đối với các đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số quốc gia đưa ra lập luận về quyền tự trị và sự giành lại quyền kiểm soát đối với một số lĩnh vực chiến lược. Trong các trường hợp khác, động cơ an ninh quốc gia được đưa ra.

Những vấn đề này phải được phân tích rất cẩn thận. Các quốc gia phải được cảnh báo về những thiệt hại do việc sử dụng ngày càng nhiều các công cụ thương mại để đạt được các mục tiêu phi thương mại. Điều này đòi hỏi phải hiểu những hệ quả gián tiếp mà bất kỳ hành động đơn phương nào cũng có thể gây ra đối với phần còn lại của thế giới - đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp và các thị trường mới nổi.

Các quốc gia phải được cảnh báo về những thiệt hại do việc sử dụng ngày càng nhiều các công cụ thương mại để đạt được các mục tiêu phi thương mại. Điều này đòi hỏi phải hiểu những hệ quả gián tiếp mà bất kỳ hành động đơn phương nào cũng có thể gây ra đối với phần còn lại của thế giới - đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp và các thị trường mới nổi.

CHRISTIAN EBEKE

MICHELE RUTA

Tại IMF, chúng tôi là những nhà kinh tế, chúng tôi không phải là chuyên gia quân sự. Tuy nhiên, ngay cả các chính sách thương mại được thúc đẩy bởi lý do an ninh quốc gia cũng có thể có những hệ quả kinh tế gián tiếp sang các quốc gia khác, điều mà chúng tôi quan tâm. Trong lĩnh vực thương mại, khi một quốc gia áp dụng một biện pháp hạn chế, các đối tác liên quan thường có xu hướng phản ứng. Điều này có thể nhanh chóng gây ra sự leo thang có thể dẫn đến sự phân mảnh kinh tế. Mục đích chính của tài liệu này chính là để nói rằng: hãy nhìn xem, những biện pháp này, bất kể chúng được biện minh như thế nào, đều có những hậu quả và thế giới có thể bị dẫn đến một con đường có khả năng dẫn đến một trạng thái cân bằng mới rất tốn kém.

Bài viết của bạn không bàn đến logic của các chính sách được triển khai, nhưng nó gợi ý một số nguyên nhân ở nguồn gốc của phong trào hướng tới chủ nghĩa bảo hộ và phân mảnh: bất bình đẳng kinh tế, chủ nghĩa dân túy

CHRISTIAN EBEKE

Đúng là trong khi toàn cầu hóa đã có tác động tích cực đến nhiều quốc gia, lợi ích của nó không phải lúc nào cũng được phân bổ đồng đều. Cũng có bằng chứng cho thấy trong một số vùng, những tiến bộ công nghệ nhanh đã khiến một số cá nhân bị bỏ lại phía sau. Có nhiều lý do cho điều này và bao gồm việc thiếu các kỹ năng phù hợp để tham gia vào nền kinh tế mới hoặc sự thiếu hụt các cơ chế thích ứng hin có. Kết quả là, đối với những người bị tác động, toàn cầu hóa được coi là mối đe dọa đối với sinh kế của họ. Đây là lý do tại sao các quốc gia cần có các chính sách hiệu quả giúp người lao động thích nghi với nền kinh tế toàn cầu đang biến đổi. Đồng thời, dựa trên các cuộc khảo sát quốc tế, phần lớn người dân ở các nước tiên tiến tiếp tục coi toàn cầu hóa là một thời cơ, dù cho tỷ lệ phản hồi tích cực đã giảm. Do đó, điều cần thiết là triển khai các chính sách bổ sung để đảm bảo rằng lợi ích của sự toàn cầu hóa được chia sẻ một cách công bằng và bền vững trong xã hội.

MICHELE RUTA

Bạn đã đề cập đến một yếu tố thứ hai, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Các tài liệu khoa học ghi nhn rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và toàn cầu hóa chồng chéo lên nhau, nhưng rằng thực tế chính trị này còn có nhiều nguyên nhân khác chứ không phải đơn thuần chỉ do hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, sự xuất hiện của chủ nghĩa dân túy đã làm tăng khả năng các chính phủ quyết định công cụ hóa chính sách của các quốc gia khác để biện minh cho việc áp dụng các biện pháp bảo hộ. Yếu tố thứ ba, tôi nghĩ, chính là đại dịch Covid-19. Tại sao? Trước hết, bởi vì những sự rối loạn gắn với Covid-19 đã có một số tác động đến chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta đã không sử dụng nhiều từ khả năng phục hồi trước đại dịch. Sau khi virus xuất hiện, chúng ta đã liên tục nói về khả năng phục hồi của chuỗi giá trị toàn cầu. Và mặc dù cuối cùng các chuỗi giá trị toàn cầu đã được chứng minh là có sức đề kháng rất mạnh, điều này vẫn khiến nhiều người đặt câu hỏi về các cấu trúc hội nhập hiện tại. Yếu tố cuối cùng là cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã tạo ra một vết nứt lớn trong trật tự địa chính trị và dẫn đến một sự kích phát các chính sách phân mảnh.

Cần phải thấy rằng chính các chính sách hạn chế và bảo hộ góp phần tiếp liệu cho vấn đề, theo nghĩa là chúng làm xói mòn niềm tin cần thiết cho sự tồn tại của một hệ thống tích hợp. Ví dụ, khi đại dịch bắt đầu, nhiều quốc gia xuất khẩu các sản phẩm y tế bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu vì sợ thiếu hụt. Vì vậy, một số nhà bình luận đã nói về chủ nghĩa dân tộc thời khan hiếm vì các chính phủ cố gắng giữ những sản phẩm này ở trong nước, mặc dù những sản phẩm này được đòi hỏi trên toàn cầu. Nhiều nước nhập khẩu do đó đã quyết định rằng nếu họ không thể tiếp cận những hàng hóa quan trọng này khi họ cần, thì có lẽ họ cần phải suy nghĩ lại về tiến trình hội nhập thương mại của họ. Như vậy, chủ nghĩa bảo hộ làm xói mòn niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu. Một hệ thống đã bị suy yếu bởi những căng thẳng tồn tại từ rất lâu rồi. Chẳng hạn, vòng đàm phán Doha do OMC đưa ra vào năm 2001 đã không bao giờ mang lại kết quả.

Bạn đưa ra một biểu đồ nổi bật cho thấy sự thay đổi về sức mạnh kinh tế và quân sự trong hai mươi năm qua, sự trỗi dậy của các nền kinh tế phương Nam và đặc biệt là của Trung Quốc. Bạn có nghĩ rằng đây là một lý do cho sự gia tăng các mối lo lắng địa kinh tế?

CHRISTIAN EBEKE

Hiện đã có một số chỉ số được công bố như chỉ số căng thẳng địa chính trị, chỉ số bất ổn kinh tế toàn cầu. Nhờ chúng, các nhà thống kê giờ đây có thể theo dõi qua thời sự về số lần các chủ đề như sự không chắc chắn, chiến tranh thương mại, căng thẳng, v.v. trên Internet và trên toàn thế giới, với tần suất rất cao. Việc xem xét các chỉ số này cho thấy sự bất ổn chính trị và các căng thẳng địa chính trị đã gia tăng trong thời gian gần đây. Đây là những nguồn quan trọng của sự không chắc chắn toàn cầu và những hệ quả tiêu cực cho phần còn lại của thế giới. Một phần nhiệm vụ của Quỹ là đánh giá những hệ quả quốc tế ảnh hưởng đến các thành viên của chúng tôi. Để trả lời câu hỏi của bạn, vâng, vì vậy chúng tôi đang theo sát những diễn biến này và lo ngại về tác động của những xu hướng khác nhau này đối với nền kinh tế toàn cầu.

Phương thức quản trị toàn cầu nên được điều chỉnh như thế nào để hạn chế rủi ro của sự phân mảnh địa kinh tế?

Chúng ta phải thừa nhận rằng thế giới đã thay đổi và sẽ không dễ dàng cải cách các quy tắc quốc tế. Kết quả có thể sẽ là một cách tiếp cận theo từng bước hơn để tìm giải pháp cho những thách thức chung. Trong bài viết của mình, chúng tôi đề cao nhu cầu về chủ nghĩa đa phương thực dụng.

Cách tiếp cận thực dụng có ba trụ cột. Nó bắt đầu bằng việc tái khẳng định rằng, khi có thể, chủ nghĩa đa phương (multilatéralisme) vẫn là hình thức cam kết tốt nhất. Chúng tôi tin rằng đối với các vấn đề chung có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và tạo ra những hiệu ứng ngoại lai to lớn, điều quan trọng là các cuộc thảo luận diễn ra theo hình thức đa phương. Những vấn đề này bao gồm cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, sự chuẩn bị đối phó các đại dịch, việc xóa nợ và quản lý các căng thẳng thương mại. Nếu chúng ta có thể đạt được tiến bộ trong những vấn đề này liên quan đến tất cả chúng ta, thì đó có thể là một mô hình mẫu để tiến bộ trong các vấn đề khác còn chưa có giải pháp.

Cấp độ thứ hai của cách tiếp cận thực dụng là chuẩn bị cho các trường hợp đàm phán đa phương bị đình trệ. Trong các trường hợp này, cộng đồng quốc tế sau đó nên xem xét các thỏa thuận nhiều bên (plurilatéral) (ít quốc gia muốn làm nhiều hơn) vẫn rộng mở và không phân biệt đối xử. Các hiệp định thương mại khu vực sâu rộng được ký kết ở một số khu vực nhất định trên thế giới là một ví dụ về các hiệp định nhiều bên rộng mở và không phân biệt đối xử như vậy. Các thỏa thuận này tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận và cho việc tìm kiếm các giải pháp về các biện pháp xuyên biên giới, chẳng hạn như các trợ cấp hoặc luật cạnh tranh. Các thỏa thuận nhiều bên này có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu tốt trước khi chuyển sang một định dạng đa phương hơn khi nhiều thành viên khác sẵn sàng can thiệp.

Cách chúng tôi nhìn nhận tình hình tại IMF rất đơn giản. Trong 10 năm nữa, chúng ta có thể phải đối mặt với một kịch bản tiêu cực, trong đó thế giới tiếp tục đi theo con đường của các biện pháp bảo hộ có thể dẫn đến sự phân mảnh địa kinh tế.

MICHELE RUTA

Cách tiếp cận thực dụng cũng thừa nhận rằng một số quốc gia rất có thể quyết định áp dụng các biện pháp đơn phương mà không cần tham khảo ý kiến ​​của bất kỳ ai. Hệ quả từ những hành động đơn phương này có thể là rất lớn. Trong trường hợp này, “các biện pháp rào cản” nhằm ngăn chặn các hành động gây hại hoặc giảm thiểu tác động của chúng đối với các quốc gia khác, có thể giúp giảm thiểu chi phí. Những biện pháp rào cản này có thể bao gồm các tiêu chuẩn ứng xử đã được các bên cùng thống nhất. Ví dụ, cộng đồng quốc tế có thể quyết định duy trì hành lang an toàn cho các tổ chức nhân đạo, chẳng hạn như Chương trình Lương thực Thế giới hoặc Tổ chức Y tế Thế giới, ngay cả khi một số biện pháp được áp đặt và dẫn đến việc giảm đáng kể thương mại quốc tế về thực phẩm và thuốc men. Các biện pháp rào cản cũng có thể bao gồm các cuộc tham vấn đa phương nhằm cho phép các thành viên của cộng đồng quốc tế chia sẻ thông tin về các dự định chính sách của họ, xem xét tác động mà các biện pháp quốc gia có thể gây ra đối với phần còn lại của thế giới và thảo luận, trong phạm vi có thể, các cách khắc phục vấn đề này.

Cách tiếp cận này có tính đến việc những sở thích của các quốc gia không phải lúc nào cũng phù hợp với nhau. Khi các ưu tiên của quốc gia hoàn toàn phù hợp với nhau, chẳng hạn như trong việc chuẩn bị đối phó đại dịch, thì định dạng đa phương vẫn là hình thức cam kết tốt nhất. Khi các sở thích chưa phù hợp với nhau, các thỏa thuận nhiều bên đi cùng với các biện pháp bảo vệ cởi mở và không phân biệt đối xử đi cùng có thể là một giải pháp. Và khi một quốc gia quyết định tiếp tục tiến bước và áp dụng các chính sách đơn phương, một số biện pháp rào cản nhất định có thể giúp duy trì, ở mức tối thiểu, sự tiếp tục các vụ giao dịch thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như các cuộc thảo luận đa phương.

Kurt Schwitters, Difficult, 1942-1943, Albright-Knox Art Gallery, Buffalo, NY, US

Vai trò của IMF trong cách tiếp cận ba trụ cột này có thể là gì?

MICHELE RUTA

Louis de Catheu

Cách chúng tôi nhìn nhận tình hình tại IMF rất đơn giản. Trong 10 năm nữa, chúng ta có thể phải đối mặt với một kịch bản tiêu cực, trong đó thế giới tiếp tục đi theo con đường của các biện pháp bảo hộ có thể dẫn đến sự phân mảnh địa kinh tế. Đó chính là kịch bản mà chúng tôi muốn tránh và chúng tôi nhận thức rõ rằng những gì Quỹ có thể làm là hạn chế, nhưng có một số điều mà IMF có thể làm được và đã làm. Nói chung, Quỹ thực hiện sự giám sát đa phương, chẳng hạn như tài liệu về sự phân mảnh kinh tế mà chúng tôi đã công bố và có một số tài liệu khác đang được chuẩn bị liên quan đến các lĩnh vực phân mảnh cụ thể hơn. Những tài liệu này rất quan trọng vì chúng giúp nâng cao nhận thức về chi phí và rủi ro của sự phân mảnh đối với nền kinh tế toàn cầu. Thứ hai, có cái mà chúng tôi gọi là giám sát song phương. Đây là lời khuyên về chính sách mà Quỹ dành cho các quốc gia. Ở đây một lần nữa, chúng ta có thể chỉ ra các biện pháp có khả năng làm tăng nguy cơ phân mảnh địa kinh tế vì chúng có những hệ quả gián tiếp tiêu cực đến các quốc gia khác và làm tăng nguy cơ leo thang. Thứ ba, Quỹ có thể lợi dụng vai trò là tổ chức mời gọi, tốt nhất là liên kết với các tổ chức quốc tế khác. Trong bài báo, chúng tôi đề xuất cùng với Tổ Chức Thương Mại Thế Giới/WTO tạo ra một nền tảng đa phương tập hợp các chủ thể chính có liên quan. Vai trò của nó là cải thiện thông tin về các biện pháp được triển khai, đưa ra phân tích về hệ quả của chúng và thảo luận về các giải pháp khả thi.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Le dissensus de Washington: la doctrine du FMI face à la fragmentation”, Le Grand Continent, 01.3.2023.




Chú thích:

[*] Thuật ngữ “Sự bất đồng Washington/Le dissensus Washington” đối lập với thuật ngữ “Sự đồng thuận Washington/Le consensus de Washington”. “Đồng thuận Washington” là một thỏa thuận ngầm nhằm cung cấp viện trợ tài chính có điều kiện cho các nước đang phát triển dựa trên các thông lệ quản trị tốt theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Những “thực hành tốt” mang cảm hứng tân tự do mạnh mẽ này đã được John Williamson chính thức hóa vào năm 1989. Chính sách này đặc biệt nhắm đến việc giải điều tiết (dérégulation) nền kinh tế và bao gồm một số biện pháp và chủ trường như mở cửa thị trường, tư nhân hóa, kiểm soát lạm phát, bãi bỏ quy định, kỷ luật ngân sách, v.v.. Chiến lược này được nhiều nhà kinh tế học (Joseph Stiglitz, Maurice Allais …) chỉ trích mạnh mẽ vì những hậu quả nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra ở những quốc gia nơi các chính sách này được áp dụng nghiêm ngặt nhất.

Trong cuộc phỏng vấn hai nhà kinh tế học thuộc IMF, Louis de Catheu, tác giả của bài viết, sử dng thuật ngữ “Sự bất đồng Washington” để cho thấy, trong cấu hình kinh tế thế giới mới với tiến trình toàn cầu hóa, sự chuyển hướng của các thiết chế đã từng tán thành và áp dụng chính sách này nhm tránh hay thoát khỏi các cơn khủng hoảng và các nguy cơ về một sự phân mảnh nền kinh tế thế giới gắn với các chính sách bảo hộ đang thu hút nhiều quốc gia (ND).

[**] Louis de Catheu là thành viên ban biên tập của Le GRAND CONTINENT (“Chủ nghĩa tư bản chính trị trong chiến tranh”), là nhà phân tích trong một tổ chức công cộng của Pháp. Chuyên gia về chính sách công trong lĩnh vực kỹ thuật số và công nghệ mới.

Print Friendly and PDF