VỚI CHATGPT, NÊN CHĂNG PHẢI SỢ CON NGƯỜI HƠN CÁC THUẬT TOÁN?
Tác giả: Charles Hadji
Giáo sư danh dự (Khoa học giáo dục), Đại học Grenoble Alpes
Đứng trước sự cạnh
tranh của trí tuệ nhân tạo, có phải máy sẽ thay thế con người? Shutterstock
Từ khi được đưa lên mạng internet vào cuối tháng 11, phần mềm ChatGPT, một công cụ đàm thoại (Chatbot) sử dụng những năng lực tuyệt diệu của mạng lưới nơ-ron nhân tạo to lớn toàn cầu hiện nay (GPT-3), nó đã gây ra một cơn sóng thần những câu hỏi về các chủ đề đa dạng nhất của những yêu cầu viết bài tập, bài báo, thư từ, v.v.. Với mục đích thử thách nó, thăm dò những hạn chế của nó, những cách sử dụng rất đa dạng này cũng đã làm nảy sinh, hoặc tăng cường, những nỗi lo sợ đáng kể.
Xa hơn những mối nguy trông thấy ngay tức thì (khả năng tạo tin giả, gian lận trong thi cử, hỗ trợ các doanh nghiệp bất hợp pháp hay còn non nớt), và cần thận trọng tự vệ chống lại chúng bằng những quy tắc thích hợp, phải chăng công cụ trí tuệ nhân tạo này có tính chất thay thế con người vốn đã trở nên lỗi thời? Có phải thời khắc kết thúc “cái đơn nhất” đã đến, khi mà trí tuệ nhân tạo vượt qua trí tuệ của con người? Có phải máy móc sẽ đẩy con người vào những xó xỉnh bị quên lãng của lịch sử?
__________________________
Đọc thêm: ChatGPT: pourquoi tout le monde en parle? (Vì sao mọi người nói nhiều về ChatGPT?)
__________________________
Câu hỏi muốn biết là nên sợ máy vươn lên ngang tầm con người, thậm chí vượt hơn con người, thực ra gợi lên hai câu hỏi khác mà chúng tôi đề nghị khảo sát nhanh. Câu hỏi thứ nhất liên quan đến phạm vi những gì mà một mặt nào đó trí tuệ nhân tạo có thể bứt ra khỏi con người. Đó là cần biết cái gì thực sự nằm trong tầm với của “các máy trí tuệ”. Có tồn tại chăng những năng lực đặc thù của con người khiến họ trở nên không thể thay thế, bảo vệ họ tránh khỏi những xâm lấn mang tính hủy diệt của trí tuệ nhân tạo?
Câu hỏi thứ hai liên quan đến cường độ, và cả tính chất của sự sợ hãi mà con người cảm nhận khi có vấn đề liên quan đến quyền năng của họ trong các lĩnh vực nhận thức và hành động. Con người phải sợ điều gì nhất: sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, hay sức mạnh và tính thường trực của những cám dỗ và băng hoại của họ? Phải chăng con người, hơn cả máy móc, là kẻ thù chính của Con người?
__________________________
Đọc thêm: ChatGPT, une IA qui parle très bien... mais pourquoi faire? (ChatGPT, một trí tuệ nhân tạo phát ngôn rất hay... nhưng để làm gì?)
__________________________
Câu hỏi thứ nhất mời gọi chúng ta nêu ý kiến về sự tồn tại của những năng lực của con người “không thể thuật toán hóa được”, thuật toán hóa nghĩa là có thể chia cắt ra thành một chuỗi logic các thao tác cho phép đạt được một cách chắc chắn kết quả mong muốn. Cần nói rõ là lời đáp cho câu hỏi này chắc hẳn thuộc về ngành nhân học, và triết học hơn là ngành học về robot và về trí tuệ nhân tạo. Bởi vì ta có thể lường trước rằng trí tuệ nhân tạo đảm nhận tất cả những gì mà con người có thể làm trên phương diện nhận thức, ngoại trừ những điều mà duy chỉ có con người có khả năng làm được: nghi ngờ, sai lầm, và đau khổ.
Điều thoát khỏi thuật toán hóa
Những thành tựu của ChatGPT đặc biệt gây ấn tượng trong phạm vi của những gì có thể tính toán được. Nhưng tính toán không phải là suy nghĩ. Tính toán thiếu một chiều kích lấy khoảng cách, nói cách khác là chiều kích nghi ngờ. Một thuật toán không có khả năng ra khỏi chính nó, như chuyên gia khoa học ngành robot Raja Chatila đã giải thích trên báo Le Monde năm 2020. Nó mở ra chuỗi thao tác của nó mà không bộc lộ một tâm trạng nào. Trong khi đó con người không những có khả năng sản xuất mà còn liên tục tự vấn về những sản phẩm của mình.
Từ khi được đưa lên mạng vào cuối tháng 11-2022, phần mềm ChatGPT đã gây nên một cơn sóng thần những câu hỏi về những chủ đề đa dạng nhất. Shutterstock |
ChatGPT có thể viết lại rất tốt Cogito của Descartes, nhưng trong khi chỉ bắt chước lối viết của ông mà chính nó không lấy quyết định thoát khỏi mối quan hệ thường ngày với thực tại, và không thực hiện công việc trí óc nhờ đó mà quyết định này trở nên thao tác được. Nó không có khả năng sản sinh ra những ý tưởng, vì ý tưởng không phải là “một bức tranh câm trên một tấm biển”. “Ý tưởng, cách suy nghĩ không nằm trong hình ảnh của một vật, cũng không phải trong những ngôn từ” Spinoza đã nói như vậy trong l’Ethique (Đạo đức học).
Phát ra những ngôn từ (tạo một văn bản, điều mà ChatGPT có khả năng làm) cũng không phải là có suy nghĩ hơn sự tính toán đơn thuần. Mặt khác, Blaise Pascal, người sáng tạo ra cái được xem là chiếc máy tính đầu tiên) gọi là “la pascaline”, đã nhận ra những giới hạn của các thuật toán: “Chiếc máy số học có những hiệu ứng gần với tư duy hơn tất cả những gì loài vật làm; nhưng nó không làm điều gì để có thể nói là nó có ý chí, như những loài vật”.
Phải có ý chí để suy nghĩ đúng: “Vậy chúng ta hãy tập suy nghĩ đúng: đó là nguyên tắc của đạo đức”. Chắc hẳn rằng “chúng ta là người máy [Pascal gọi đó là “chiếc máy”] cũng như trí tuệ. Nhưng trật tự của máy móc tự động ở đó các phần mềm có thể thống lĩnh là thấp hơn trật tự của trí tuệ ở đó tư duy thống lĩnh: “Từ toàn bộ các thể xác, ta không thể làm chúng thực hiện thành công một suy nghĩ nhỏ. Điều đó là không thể, và thuộc về một trật tự khác”.
Khi nó thao tác trong phạm vi ứng dụng của nó (ở đây, từ ngữ đã được chọn rất đúng), thuật toán (hầu như) không thể sai lầm. Nó làm tan biến mọi điều bất định. Nhưng con người phải khổ sở với một khả năng sai lầm nội tại. Con người phạm sai lầm, phạm lỗi. Tâm hồn con người yếu đuối. Cùng với sự nghi ngờ là sự bất định. Cực độ của khả năng sai lầm này chắc hẳn là sự ngu ngốc (để không nói là “connerie” vì từ này là thích hợp nhất).
Khả năng nói những điều ngu ngốc, mà bất kỳ người nào tự xác định theo trường phái dân túy đều lạm dụng, là một dấu hiệu rất đáng tin cậy về nhân loại. “Con người rất có khả năng có những ý kiến ngông cuồng nhất”. “Đó là tình trạng của tôi, đầy yếu đuối và bất định” (lại Pascal). Tất nhiên phải đặt câu hỏi là nên biết trong ý nghĩa nào sự yếu đuối này có thể là một sức mạnh. Nhưng chúng ta thấy rằng suy nghĩ của chúng ta về sức mạnh và những hạn chế của công cụ ChatGPT buộc chúng ta phải suy nghĩ về sức mạnh và những hạn chế của nhận thức con người!
__________________________
Đọc thêm: Beau parleur comme une IA (Nói hay như một trí tuệ nhân tạo)
__________________________
Cuối cùng, con người có những cảm xúc. Spinoza nêu ra hai cảm xúc chính (thêm vào lòng mong muốn): niềm vui, luôn luôn là tích cực, với tư cách là “niềm đam mê nhờ đó trí tuệ đạt đến một sự hoàn thiện to lớn hơn”; và nỗi buồn, luôn luôn là tiêu cực, với tư cách là “niềm đam mê qua đó trí tuệ tiến đến một sự hoàn thiện thấp hơn”. Cảm xúc là một trạng thái mà thể xác chịu tác động. Một thuật toán sẽ không bao giờ biết đến một giây phút cảm xúc. Ta sẽ không bao giờ thấy nó khóc, không hề biết vui buồn.
Vấn đề những lựa chọn của con người
Vậy khi một robot có thể thực sự nghi ngờ (suy nghĩ), sai lầm, và khóc, ta sẽ chào mừng người anh em mới này với tình nhân loại! Nhưng nếu tư duy hiển nhiên là một sức mạnh, tức thì khả năng sai lầm và sự đau khổ là những yếu đuối. Điều đó đưa chúng ta đến câu hỏi thứ hai: cái gì là đáng sợ nhất đối với con người? Chắc chắn là những lệch hướng mà những yếu đuối của con người có thể đưa đến đó – nhưng những yếu đuối cũng là nguồn gốc của điểm mạnh chính của con người, tính sáng tạo. Bởi vì, không có cảm xúc thì không có năng lượng để bắt tay thực hiện công việc.
Dù một robot có
thể bắt chước những hành vi của con người đi nữa thì nó cũng không bao giờ cảm
nhận được cảm xúc. Shutterstock
Trong quyển sách La psychologie de l’intelligence (Tâm lý học trí tuệ), Piaget đã cho chúng ta hiểu rằng “mọi hành vi bao hàm một năng lượng hay một “cách tổ chức” tạo nên khía cạnh cảm xúc” cũng như một “thiết kế cấu trúc” (“structuration”) tổ chức “các mối quan hệ giữa môi trường và cơ thể” trong đó có “khía cạnh nhận thức của nó”. Không có năng lượng đến từ cảm xúc thì không có đời sống trí thức, không có sáng tạo.
Nghĩa là nơi con người, sức mạnh và yếu đuối liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều tạo nên sự yếu đuối cũng là điều tạo nên sức mạnh của con người, và ngược lại. Vậy dù robot có sức mạnh do việc làm chủ mà một phần mềm trao cho nó, thì nó không có sức mạnh do khả năng có cảm xúc, hay đau khổ, trao cho. Và nó không có tính sáng tạo được trao bởi khả năng thử, đồng thời dám lấy rủi ro bị sai lầm, và lạc lối. Trong khi nơi con người, sự “thấp hèn”, mà Pascal thừa nhận là có ngay cả nơi Jésus-Christ (Chúa Giê-su), không thể ngăn đạt đến trật tự, “siêu nhiên”, của “minh triết” và của “bác ái”.
__________________________
Đọc thêm: Que doit-on craindre davantage: l’intelligence artificielle ou la bêtise humaine? (Ta phải sợ điều gì hơn: trí tuệ nhân tạo hay sự ngu ngốc của con người?
__________________________
Thế nhưng tại sao lại có sự cùng tồn tại trong con người sức mạnh và sự yếu đuối, nó (sự cùng tồn tại) có đáng sợ hơn một sự chiếm quyền giả định bởi các thuật toán, mà kẻ vô địch là ChatGPT? Bởi vì, do tính chất của cái làm nên sức mạnh của con người, nếu con người có khả năng làm điều tốt nhất thì con người cũng rất thường là thủ phạm của điều tồi tệ nhất! Nhưng điều tốt nhất hay điều xấu nhất đều không chắc chắn xảy ra.
Con người là động vật duy nhất có khả năng lựa chọn và làm điều xấu một cách có ý thức: giết chóc vì tàn bạo; gây đau khổ vì lạc thú. Không phải một thuật toán đã tạo ra các darknet (Darknet là mạng của các trang web không thể truy cập từ công cụ tìm kiếm (công cụ truy vấn dữ liệu - ND). Nhưng mặt khác, ta có thể thấy trong bộ ba suy tưởng, sai lầm, cảm nhận ba trụ cột cơ bản của tự do. Tự do khiến cho sự lựa chọn điều xấu, cũng như điều tốt trở nên khả dĩ.
Cuối cùng, cần phải sợ chính ChatGPT không? Đó chỉ là một công cụ mà giá trị tùy thuộc vào cách nó được sử dụng. Cách sử dụng này lại tùy thuộc vào sự lựa chọn thuộc về đạo đức. Theo sự lựa chọn này, cũng như đối với tất cả, con người sẽ tỏ ra có khả năng làm điều tốt nhất, bằng cách cho công cụ phục vụ sự phát triển và sự nâng cao giá trị của con người, tạo thuận lợi cho việc học tập và hoàn thành các hoạt động của mình. Hay con người là thủ phạm của điều xấu nhất, bằng cách biến nó thành một công cụ thống trị và bóc lột con người, đồng thời rơi vào những chệch hướng có thể có.
Sự chọn lựa thuộc về con người. Máy móc (cũng như Thượng Đế, theo Platon) là vô tội: nó không có quyền năng chọn lựa… Kẻ thù lớn nhất của con người sẽ luôn luôn là con người.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Avec ChatGPT, ne faut-il pas craindre l’homme plus que les algorithmes?”, The Conversation, 22.02.2023.
----
Bài có liên quan:
· Tóm tắt do ChatGPT viết qua mặt các nhà khoa học
· Vì sao người ta nói nhiều về Chat-GPT?
· Tương lai nào cho các nhà sản xuất nội dung? Cuộc trò chuyện với... ChatGPT
· ChatGPT được đưa vào danh sách tác giả trên các bài nghiên cứu: nhiều nhà khoa học không tán thành
· ChatGPT sẽ làm chúng ta bớt cả tin không
· ChatGPT: bạn, thù hay nhàm chán?
· ChatGPT, một trí tuệ nhân tạo phát ngôn rất hay nhưng để làm gì?
· ChatGPT và các “trí tuệ” nhân tạo: làm sao phát hiện thật giả?
· ChatGPT: Chatbot có thể giúp chúng ta khám phá lại lịch sử phong phú của việc đối thoại
· ChatGPT sẽ làm một cuộc đảo lộn mà giới học thuật đang cần?
· AI sẽ thay đổi toán học như thế nào? Sự trỗi dậy của chatbot làm bật lên cuộc thảo luận
· ChatGPT: (lại thêm) một “cuộc cách mạng nhân học”?