18.4.23

Giảm thải CO2: Ba giới hạn trong cam kết của các doanh nghiệp

GIẢM THẢI CO₂: BA GIỚI HẠN TRONG CAM KẾT CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

Natacha Tréhan

Khoảng 75% tổng lượng khí thải của các doanh nghiệp gắn liền với hoạt động của các nhà cung ứng hoặc khách hàng của họ. PxhereCC BY-SA

Những cam kết giảm thải CO2 của các doanh nghiệp, thuộc bảy nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, đang phát triển trên một quỹ đạo tăng nhiệt độ ở mức 2,7°C, từ nay đến cuối thế kỷ này. Đây là những gì được rút ra từ những công trình nghiên cứu mới nhất của tổ chức phi lợi nhuận của Anh CDP (Carbon Disclosure Project – Dự án công khai tác động của khí thải carbon) liên quan đến 4.000 doanh nghiệp. Vì thế, chúng ta còn ở rất xa các cam kết của thỏa thuận Paris về hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C.

Làm thế nào để giải thích điều nói trên? Chúng tôi ghi nhận có ba hạn chế cơ bản.

Giảm theo cường độ so với giảm theo số tuyệt đối

Hạn chế đầu tiên liên quan đến việc đo lường các cam kết giảm thiểu phát thải CO2. Cam kết giảm thiểu phát thải này có thể ở dạng giảm theo cường độ hoặc giảm theo số tuyệt đối. Cam kết giảm theo cường độ được đo bằng đơn vị tấn CO2 thải ra trên mỗi đơn vị sản xuất hoặc trên mỗi đơn vị doanh thu. Với cách đo lường này, nếu sản xuất tăng thì lượng khí thải sẽ tăng theo số tuyệt đối, chứ không giảm. Ngược lại, trong một cam kết giảm theo số tuyệt đối, thì bất luận sự phát triển sản xuất, mục tiêu vẫn là một con số cố định.

Khi thế giới đang lao vào “địa ngục khí hậu, với một chân nhấn ga tăng tốc”, như cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vào cuối năm 2022, thì mục tiêu không phải là giảm thiểu sự gia tăng của thiệt hại về môi trường. Chính tổng lượng phát thải CO2 theo giá trị tuyệt đối mới là vấn đề quan trọng: cần phải giảm thiểu, chứ không phải làm tăng ít nhanh hơn lưu lượng phát thải hàng năm.

Tổng thư ký LHQ António Guterres phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới | #COP27

“Thế giới đang lao vào địa ngục khí hậu, với một chân nhấn ga tăng tốc”, Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (tháng 11 năm 2022).

Những gì được rút ra từ các công trình nghiên cứu đang được tiến hành của chúng tôi cho thấy các doanh nghiệp không muốn cam kết theo số tuyệt đối. Họ lo ngại để đạt được mục tiêu giảm thải, thì phải giảm tăng trưởng, và tất nhiên là giảm hiệu suất hoạt động. Ví dụ, ở Pháp, đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Pháp CAC 40, chúng tôi quan sát thấy chỉ có 12,5% các doanh nghiệp cam kết giảm thiểu toàn bộ lượng khí thải theo số tuyệt đối.

Tuy nhiên, có một giải pháp khả dĩ để một doanh nghiệp có thể giảm đáng kể lượng khí thải CO2 theo số tuyệt đối, mà không ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. Chìa khóa nằm ở việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang nền kinh tế tuần hoàn (dựa trên một vòng lặp phát triển bền vững, bao gồm sự Quan niệm lại, Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế), và cả chuyển sang bán việc sử dụng một sản phẩm chứ không bán chính sản phẩm (“product as a service”). Ví dụ: doanh nghiệp IPP không còn bán các pallet kê hàng nữa, mà chỉ việc sử dụng các pallet của IPP (“pallets as a service [bán dịch vụ sử dụng pallet]”). Nhờ vào các thiết bị cảm biến, doanh nghiệp bán một dịch vụ cung ứng và tối ưu hóa các quy trình tạo ra được việc giảm khí thải CO2 trong chuỗi cung ứng của khách hàng. Doanh nghiệp sửa chữa các pallet kê hàng, tái sử dụng gỗ, và thu hồi gỗ vào giai đoạn cuối vòng đời của sản phẩm.

Vì doanh nghiệp vẫn là chủ sở hữu sản phẩm, nên họ sẽ tìm cách kéo dài vòng đời sản phẩm, tối ưu hóa việc sử dụng sản phẩm, hạn chế việc vứt bỏ sản phẩm, phục hồi càng nhiều sản phẩm càng tốt... Cuối cùng, điều đó có nghĩa là giảm thải CO2 theo số tuyệt đối.

Cam kết một phần so với cam kết toàn diện

Giới hạn thứ hai liên quan đến phạm vi cam kết. Tổng lượng phát thải của một doanh nghiệp có ba phạm vi mục tiêu: phạm vi 1 (phát thải trực tiếp), phạm vi 2 (phát thải gián tiếp liên quan đến năng lượng), và phạm vi 3 (các hình thức phát thải gián tiếp khác trong toàn bộ chuỗi cung ứng, ở phía thượng nguồn với nhà cung ứng và ở phía hạ nguồn với khách hàng).

Trung bình, phạm vi mục tiêu 3 chiếm 75% tổng lượng phát thải của các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề cộng lại. Phạm vi này chiếm hơn 90% trong các ngành sản xuất trang thiết bị, kim loại, xây dựng, dịch vụ tài chính, v.v..

Tự thân phạm vi mục tiêu 3, phần ở phía thượng nguồn liên quan đến các nhà cung ứng, chiếm tỷ lệ trung bình, trong tất cả các lĩnh vực cộng lại, lớn hơn gấp 11,4 lần so với lượng phát thải trực tiếp.

Ví dụ, ở công ty Apple, đại gia về kỹ thuật số của Mỹ, lượng phát thải liên quan đến các nhà cung ứng chiếm tới 78% tổng lượng phát thải của công ty. Đối với Nestlé, công ty đa quốc gia về nông sản thực phẩm, lượng phát thải thuộc phạm vi 3 từ các nhà cung ứng nguyên liệu, đóng gói bao bì, và vận chuyển chiếm 83,3% tổng lượng phát thải của công ty.

Tuy nhiên, chỉ có một số ít doanh nghiệp hạch toán toàn bộ cả ba phạm vi mục tiêu nói trên. Trong năm 2022, chỉ có 10% các doanh nghiệp, chiếm 40% lượng phát thải toàn cầu, đã tiến hành đo lường các phạm vi 1, 2 và 3. Và chỉ có 12% những doanh nghiệp được khảo sát coi phạm vi 3 là mục tiêu ưu tiên.

Có nhiều giải thích cần được nhấn mạnh ở đây. Trước hết, dễ đo các mục tiêu thuộc phạm vi 1 và 2 hơn so với phạm vi 3. Tiếp theo, việc chỉ công bố các mục tiêu thuộc phạm vi 1 và 2 giúp đưa ra những kết quả “nhẹ” hơn về khí thải carbon, và từ đó hạn chế được các nỗ lực giảm thải. Cuối cùng, việc công bố kết quả các mục tiêu thuộc phạm vi 3, cho đến nay, mang tính tự nguyện và không chịu sự ràng buộc của quy định điều tiết. Tuy nhiên, từ nay, nhiều quốc gia đã yêu cầu tham chiếu các khuyến nghị của Nhóm công tác Đặc nhiệm về Công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD), yêu cầu các doanh nghiệp công bố kết quả các mục tiêu thuộc phạm vi 3 nếu kết quả đó chiếm phần quan trọng.

Từ nay, Châu Âu đã tham chiếu các khuyến nghị của TCFD trong văn bản Chỉ thị mới về Báo cáo Phát triển Bền vững của Doanh nghiệp (CSRD, Corporate Sustainaibility Reporting Directive). Nhật Bản, New Zealand, Vương quốc Anh cũng đã tham chiếu các khuyến nghị của TCFD đối với các doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán. Canada áp đặt các khuyến nghị nói trên trong lĩnh vực tài chính, và ở Hoa Kỳ, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC, Securities and Exchange Commission) đã đề xuất việc tuân thủ các khuyến nghị của TCFD đối với các doanh nghiệp niêm yết, kể từ tháng 3 năm 2022.

Việc không tuân thủ các khuyến nghị của TCFD có khả năng tiềm tàng khiến các doanh nghiệp bị xếp hạng kém về các mặt tài chính khác, và vì thế phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài, hoặc thậm chí có nguy cơ bị các cổ đông, khách hàng hoặc nhân viên từ bỏ.

Vấn đề mấu chốt trong phạm vi mục tiêu 3 nằm ở đo lường. Tuy thế, liên quan đến phạm vi 3 ở phía thượng nguồn, các doanh nghiệp sẽ chuyển trách nhiệm cho các nhà cung ứng và yêu cầu họ cung cấp các số liệu về phát thải (theo thực thể, theo sản phẩm, v.v.) và quỹ đạo giảm thải khí carbon của họ. Nhưng xét đến tính phức tạp của yêu cầu giảm thải và chi phí tăng thêm của các nhà cung ứng, thì yêu cầu đó có nguy cơ tạo ra sự phản kháng và trở thành sự đối đầu xung đột.

Trong một nghiên cứu mới nhất, chúng tôi đã chỉ ra rằng cách tiếp cận dựa trên biện pháp gây áp lực đã lỗi thời, và cách đánh giá ngược sẽ giúp mang lại những kết quả tốt hơn. Thật vậy, cách đánh giá ngược là hình thức tham gia cuối cùng của nhà cung ứng, do tự thân nhà cung ứng, theo yêu cầu của khách hàng, phải tiến hành đánh giá khách hàng đó (về phương pháp làm việc, tổ chức, yêu cầu của khách hàng, v.v.), chứ không phải điều ngược lại như trong các cách tiếp cận truyền thống.

Cách đánh giá ngược, vốn tạo ra sự tin tưởng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà cung ứng hội nhập trong mối quan hệ và giải phóng họ khỏi áp lực của khách hàng. Thế nên, cách đánh giá ngược này tạo điều kiện cho việc phê bình các phương pháp, các yêu cầu của khách hàng, đưa ra các đề xuất cải tiến, thậm chí là các đề xuất sáng tạo đổi mới nhiều hơn nữa. Vì thế, trong các trường hợp báo cáo về khí hậu, việc hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng để đo lường và giảm thiểu các mục tiêu thuộc phạm vi 3 có thể mang tính quyết định.

Ít có cam kết được xác thực

Giới hạn thứ ba liên quan đến hiệu lực của các cam kết sau khi được công bố. Cho đến nay, phương pháp luận được công nhận trên thế giới là sáng kiến dựa trên cơ sở khoa học: Sáng kiến Khoa học Dựa trên cơ sở Mục tiêu (SBTI, Science Based Target Initiative).

Dựa vào khoa học khí hậu, SBTI xác nhận (hoặc không) những cam kết của các doanh nghiệp phù hợp với thỏa thuận Paris. SBTI cũng đánh giá liệu các cam kết của doanh nghiệp có giúp, hoặc không giúp, đạt được mức phát thải ròng bằng không, chậm nhất là từ nay đến năm 2050.

Trong năm 2023, chỉ có hơn một chút 4.500 doanh nghiệp trên thế giới cam kết tuân thủ các tiêu chí của SBTI. Tổng cộng, các cam kết của hơn 2.270 doanh nghiệp đã được phê duyệt. Điều này cho thấy vẫn còn quá ít doanh nghiệp trên toàn thế giới mà cam kết giảm phát thải được xác thực.

Natacha Tréhan

Tóm lại, việc các doanh nghiệp cam kết giảm thiểu lượng khí thải CO2 theo số tuyệt đối, trên toàn bộ các phạm vi mục tiêu, đặc biệt là phạm vi 3, và việc SBTI hợp thức hoá các cam kết về khí hậu, là ba điểm chính để các cam kết về khí hậu của các doanh nghiệp có một tác động có ý nghĩa. Điều này đặc biệt đòi hỏi cần phải xem xét lại các mô hình kinh tế và hợp tác với các nhà cung ứng.

Tác giả

Natacha Tréhan, Phó Giáo sư về Quản trị Mua sắm. Chuyên ngành phi cacbon hóa các chuỗi cung ứng, Trường quản trị Grenoble IAE Graduate School of Management.

Tuyên bố công khai

Natacha Tréhan là thành viên Hội đồng quản trị CNA (Hội đồng quốc gia về mua sắm).

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Réduction des émissions de CO₂ : les trois limites des engagements des entreprises, The Conversation, ngày 8 tháng 3 năm 2023.

Print Friendly and PDF