8.4.23

Cải cách hưu trí: châu Á đang ở đâu?

CẢI CÁCH HƯU TRÍ: CHÂU Á ĐANG Ở ĐÂU?

Tác giả: Hubert Testard[*]

(Source: Rane)

Vào lúc cải cách hưu trí tại Pháp làm dấy lên sự tức giận mãnh liệt và một phong trào chống đối rộng lớn của quần chúng, chúng ta cũng cần quan tâm nhìn qua nơi khác để so sánh các thách thức và các động thái. Toàn châu Á đang đối mặt với tình trạng già hóa của dân số - với mức độ nhanh chóng khác nhau tùy theo nước -, tình trạng này cũng đặt vấn đề hưu trí vào trọng tâm của các cuộc thảo luận chính trị. Các chế độ hưu trí là khác nhau, các khởi điểm của bảo hiểm xã hội rất là đa dạng, nhưng không ai thoát khỏi sự cần thiết của các cải cách, và vấn đề tuổi bắt đầu nghỉ hưu được đặt ra hầu như khắp nơi.

Nhiều phúc trình mới đây của OCDE (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) và những dự báo của các nhà nhân khẩu học của Liên Hiệp Quốc giúp cho chúng ta có một tầm nhìn khá chính xác về cách thức mà các nước châu Á đề cập đến vấn đề hưu trí.

DÂN SỐ CHÂU Á GIÀ NHANH

Sự giảm sút mức sinh và sự gia tăng tuổi thọ là những xu hướng căn bản liên quan đến tất cả các nước châu Á, và hậu quả là sự gia tăng nhanh chóng thành phần người già trên 65 tuổi (gọi là “người cao tuổi”) trong tổng dân số. Trong khi nước Pháp phải cần 70 năm – từ 1950 đến 2020 – để tăng gần gấp đôi tỷ lệ người cao tuổi và đạt 21% dân số, thì châu Á chỉ cần 35 năm để tỷ lệ số người cao tuổi tăng gấp đôi, và đạt 9,1% dân số châu Á năm 2020. Các nhà nhân khẩu học của Liên Hiệp Quốc đã dự đoán tỷ lệ số người cao tuổi ở châu Á sẽ tăng gấp đôi một lần nữa vào khoảng năm 2050 và thành phần người cao tuổi sẽ chiếm trung bình 19% dân số châu Á. Trong cùng thời gian, thành phần người cao tuổi tại Pháp chỉ tăng thêm một phần ba và đạt 28,5% dân số.

Nếu ta phân tích các xu hướng theo từng quốc gia, thì có ít nhất bốn nước ở châu Á sẽ có tỷ lệ người cao tuổi trong dân số cao hơn nước Pháp (đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan). Còn Trung Quốc sẽ thực sự ở mức như nước Pháp.

Nguồn: Nations Unies. Perspectives de la population mondiale, édition 2022 - Liên Hiệp Quốc. Triển vọng dân số thế giới, xuất bản năm 2022.-

Việc duy trì một động thái sinh sản nhất định ở Nam Á và Đông Nam Á sẽ giúp hạn chế tỷ lệ người cao tuổi ở mức từ 10 đến 15% vào năm 2050, trừ Việt Nam với tỷ lệ người cao tuổi vượt ngưỡng 20%.

Kỳ vọng sống của những người trên 65 tuổi sẽ gần với hay vượt hơn nước Pháp vào năm 2050. Người cao tuổi của Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore hiện nay đã có kỳ vọng sống vào hàng cao nhất thế giới. Vào năm 2050, một phụ nữ Nhật Bản 65 tuổi sẽ có một kỳ vọng sống là 28 năm so với hơn 23 năm một ít của một phụ nữ Pháp. Một phụ nữ Trung Quốc, Thái Lan hay Việt Nam hầu như có kỳ vọng sống như một phụ nữ Pháp. Chỉ có vùng Nam Á và Indonesia là chậm trễ đáng kể về kỳ vọng sống (từ 3 dến 5 năm).

CÁC CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ CÒN ĐANG ĐƯỢC XÂY DỰNG

Có thể phân các chế độ hưu trí ở châu Á làm ba loại: một số nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan hay Philippines đã thiết lập chế độ hưu trí như nước Pháp: dùng tiền đóng quỹ bảo hiểm hưu trí của những người đang làm việc và của doanh nghiệp để trả lương hưu cho những người đã nghỉ hưu (régimes de retraite par répartition – tạm gọi là chế độ hưu trí theo cơ chế phân phối ND); những nước hay vùng lãnh thổ liên hệ với đế quốc Anh trong lịch sử (Singapore, Malaysia, Úc, New Zealand) áp dụng chế độ hưu trí theo đó người lao động tích lũy tiết kiệm góp vào quỹ lương hưu cho bản thân họ sau này (régimes de retraite par capitalisation – tạm gọi là chế độ hưu trí theo cơ chế kinh doanh vốn; và những chế độ hỗn hợp kết hợp chế độ hưu trí cơ bản dựa trên một logic phân bố quỹ hưu trí bắt buộc và một chế độ bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện dựa vào tích lũy tự nguyện của cá nhân người lao động. Các chế độ hỗn hợp này đã được thiết lập ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Như vậy, các chế độ hỗn hợp này tiêu biểu cho một bộ phận rất lớn của dân số châu Á.

Ngoài ra, nhiều hình thức khác nhau của “trợ cấp người già” (“minimum vieillesse”) đã hình thành. Tại các nước đang phát triển hay những nước công nghiệp mới ở châu Á, các chế độ hưu trí mới có gần đây thôi, với những mức thụ hưởng khá khiêm tốn.

Hãy lấy một ví dụ. Tại Hàn Quốc, chế độ hưu trí chính là chế độ hưu trí theo cơ chế phân phối chỉ mới được thiết lập năm 1988. Để thụ hưởng lương hưu toàn phần phải có ít nhất 40 năm tham gia đóng góp quỹ hưu. Nhưng vào năm 2023, những người góp quỹ hưu đầu tiên cũng chỉ mới góp được 35 năm, điều này có nghĩa là chưa có ai được hưởng lương hưu toàn phần. Người lao động ăn lương Hàn Quốc bắt đầu tham gia lao động lúc 20 tuổi vào năm 1988 sẽ đạt 40 năm góp quỹ hưu trí vào năm 2028, nhưng chỉ có thể hưởng lương hưu vào năm 2032 vì tuổi bắt đầu về hưu của nước này lúc đó là 64 tuổi.

Ngoài ra, đã dự trù một chế độ trợ cấp người già từ 65 tuổi, đặc biệt quan tâm đến những người lao động độc lập hay những phụ nữ có thời gian lao động bị hạn chế. Số tiền trợ cấp người già là 220 euro mỗi tháng vào năm 2020, nghĩa là chỉ bằng một phần tám mức lương trung bình, điều này khiến hàng triệu người cao tuổi rơi vào tình trạng rất nghèo khó, phần lớn là phụ nữ.

CÒN LÂU LƯƠNG HƯU MỚI TRỞ THÀNH PHỔ QUÁT Ở CHÂU Á

Thách thức đầu tiên của châu Á đang phát triển là tính phổ quát của các chế độ (hưu tri). Lúc đầu, lương hưu chủ yếu liên quan đến nhân viên trong khu vực công, tiếp đến là những người có việc làm chính thức trong những doanh nghiệp lớn. Nhưng những thành phần khác – chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa, lao động độc lập, lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân hay người giúp việc nhà – chưa góp vào bất kỳ quỹ hưu nào và sẽ không có lương hưu. Các công trình của OCDE cho thấy cùng lúc tỷ lệ dân số trong tuổi lao động (với các lớp tuổi từ 15 đến 64 tuổi) và tỷ lệ dân số lao động thực tế không hưởng một chế độ hưu trí nào. Đôi khi có sự khác biệt quan trọng giữa hai nhóm dân số này vì hai lý do chính: một mặt một tỷ lệ ngày càng gia tăng của nhóm từ 15 đến 24 tuổi tiếp tục đi học, mặt khác, tại những nước như Ấn Độ, phụ nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp không được kể là dân số lao động.

Nguồn: OCDE Pensions at a glance 2022 - OCDE Điểm qua lương hưu 2022.

Tại một số nước phát triển như Úc, những người thụ hưởng các chế độ hưu trí vượt cao hơn 100% vì họ có thể thêm một chế độ lương hưu cá nhân tự nguyện vào các chế độ bắt buộc. Nhưng thành phần dân số lao động thực tế được hưởng một chế độ hưu trí giảm sút rõ rệt xuống dưới 100% tại Singapore và Hàn Quốc. Thành phần này nằm vào khoảng 60% dân số lao động thực tế tại Trung Quốc vì cho dù chế độ hưu trí của Trung Quốc muốn được là phổ quát thì trong thực tế 80% lao động nhập cư từ nông thôn không được hưởng một chế độ hưu trí nào cả. Tại phần còn lại của châu Á đang phát triển, chưa đầy một nửa dân số lao động được hưởng chế độ hưu trí, ngoại trừ Philippines. Trong trường hợp Ấn Độ, tiêu chí 15-64 tuổi gần với thực tại hơn vì hoạt động của phụ nữ rất ít được tính vào.

Tại sao tỷ lệ hưởng chế độ hưu trí lại thấp như thế tại những nước đang phát triển của châu Á?

Chủ yếu là do vai trò nổi trội của việc làm phi chính thức, chiếm từ 70 đến 90% dân số lao động tại những nước như Ấn Độ và Indonesia. Năm 2018, Ấn Độ đã thiết lập một chế độ hưu trí cho lao động phi chính thức, nhưng hiện nay chưa đến năm triệu lao động hưởng chế độ này, nghĩa là 0,6% dân số lao động cả nước.

Cuộc chiến đầu tiên cần được tiến hành tại các nước này là mở rộng dần việc làm chính thức, nếu không thì phần lớn dân số sẽ không có hưu trí và cũng không có bảo hiểm y tế.

“TỶ LỆ LƯƠNG HƯU SO VỚI LƯƠNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG (TỶ SUẤT THAY THẾ) RẤT KHÁC NHAU TÙY THEO NƯỚC

Mục tiêu đầu tiên của người châu Á là có lương hưu, còn mục tiêu thứ hai là lương hưu phải đúng mực. Về mặt này, tình trạng giữa các nước khá tương phản nhau. Các nước hay vùng lãnh thổ phát triển của châu Á – Thái Bình Dương – Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc – có tỷ suất thay thế khoảng 40% đối với các mức lương trung bình, vậy là thấp so với mức 60,2% của Pháp. Liên quan đến các nước đang phát triển, các tỷ suất thay thế của Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia là gần với tỷ suất của Pháp và có phần tốt hơn tỷ suất của các nước phát triển của châu Á, và Philippines luôn là một ngoại lệ với một tỷ suất đặc biệt thuận lợi là 80%. Các tỷ suất của Ấn Độ là vào khoảng 50%.

Nguồn: OCDE Pensions at a glance 2022 - OCDE Điểm qua lương hưu 2022

Các tỷ suất thay thế tương đối thuận lợi của các nước đang phát triển ở châu Á liên quan đến t lệ thụ hưởng các chế độ hưu trí thấp: những người thụ hưởng lương hưu tương đối ít nhưng họ có mức thụ hưởng tương đối tốt vì nói chung họ thuộc tầng lớp dân cư được bảo vệ tốt nhất: nhân viên của khu vực công và các doanh nghiệp tư nhân lớn. Việc phổ quát hóa chế độ hưu trí chắc chắn sẽ làm giảm tỷ suất thay thế một khi số người cao tuổi gia tăng khắp nơi. Cần ghi nhận kết quả tốt của Philippines, về tỷ lệ thụ hưởng chế độ hưu trí cũng như tỷ suất thay thế (nhưng với tuổi về hưu được ấn định là 65 tuổi). Thành tích này có mối liên hệ với một dân số trẻ, với một động thái dân số mạnh mẽ giúp hạn chế thành phần người cao tuổi trong dân số.

Mặt khác, ta có thể ghi nhận một sự khác biệt giữa nam và nữ trong tỷ suất thay thế tại một vài nước, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore hay Malaysia. Chắc hẳn sự khác biệt này là do cách tính lương hưu trong chế độ hưu trí theo chế độ kinh doanh vốn (régimes de capitalisation), chế độ này tính đến kỳ vọng sống từ lúc bắt đầu về hưu. Đối với phụ nữ, chế độ hưu trí bắt buộc (la retraite par répartition) rõ ràng là bảo vệ họ tốt hơn.

TUỔI NGHỈ HƯU, THUẬN LỢI TẠI NHỮNG NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN, NHƯNG SẼ KHÔNG KÉO DÀI LÂU

Trong số những tiêu chí của các chế độ hưu trí, chắc hẳn tuổi hưu là yếu tố sẽ phải trải qua diễn biến quan trọng nhất. Tại các nước phát triển của châu Á và tại Philippines, tuổi hưu đã là 65 tuổi (hoặc 66 tuổi đối với Úc, theo mô hình của Mỹ). Tại các nước đang phát triển, tuổi hưu còn mang dấu ấn của di sản của thời kỳ tuổi thọ trung bình còn thấp hơn nhiều. Đối với nam giới, tuổi hưu là 62 tuổi tại Hàn Quốc, 60 tuổi tại Trung Quốc, Việt Nam và Pakistan, 58 tuổi tại Ấn Độ, 57 tuổi tại Indonesia và ngay cả 55 tuổi tại Thái Lan và Malaysia.

Nguồn: OCDE Pensions at a glance 2022 - OCDE Điểm qua lương hưu 2022

Ngoài ra, một số nước cho phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn, ví dụ 55 tuổi tại Trung Quốc, Việt Nam và Pakistan, và nữ công nhân tại Trung Quốc được nghỉ hưu lúc 50 tuổi. Thực ra, ưu đãi này bị các nhà nữ quyền Trung Quốc phản đối, họ muốn ngang hàng với những điều kiện nghỉ hưu như nam giới, vì họ xem thun lợi này là một sự phân biệt đối xử: nó phù hợp với ý tưởng cho rằng nữ giới ít có năng lực chống chọi với các công việc nặng nhọc, và nhất là họ có trách nhiệm lo cho việc học của con cái và chăm sóc người già.

Trong tương lai, tuổi nghỉ hưu sẽ biến chuyển nhiều. Hàn Quốc đã thông qua một cải cách đưa tuổi hưu lên 64 tuổi vào năm 2032 (nghĩa là đúng như diễn tiến đang được tranh luận tại Pháp). Indonesia đã dự trù gia tăng dần cứ ba năm tăng một tuổi để đạt 65 tuổi vào năm 2043. Việt Nam dự trù tăng lên 62 tuổi cho nam giới vào năm 2028 và 58 tuổi cho nữ giới vào năm 2035 (như vậy chênh lệch tuổi hưu giữa nam và nữ được giảm một năm). Mông Cổ dự trù tuổi hưu là 65 tuổi kể từ năm 2035. Trung Quốc chưa quyết định, nhưng mục tiêu đang được thảo luận trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc là 65 tuổi cho nam giới vào năm 2045. Tại Ấn Độ, chế độ đặc biệt của khu vực công dự trù tuổi hưu là 62 tuổi (chênh lệch 4 tuổi so với các chế độ của nhân viên thuộc khu vực tư nhân) và sẽ được nâng lên 63 tuổi sắp tới đây.

Hubert Testard

Trong rất nhiều tiêu chí của các chế độ hưu trí ở châu Á, rõ ràng là tuổi về hưu trùng hợp với cuộc tranh luận hiện nay tại Pháp. Nhưng không chỉ có tuổi hưu. Ví dụ tại Hàn Quốc, chế độ được áp dụng năm 1988 có một hiệu ứng tái phân phối vốn không có ở nước Pháp. Phân nửa lương hưu được tính dựa trên mức độ đóng góp của cá nhân (nghĩa là dựa trên mức lương của mỗi người), và phân nửa kia dựa trên mức trung bình của những đóng góp của tất cả mọi người, điều này giúp gia tăng được những lương hưu thấp và giảm bớt những lương hưu cao tỷ lệ với các mức lương trước đây. Một gii pháp đáng để suy ngẫm?

 Hubert Testard

Người dịch: Thái Thị Ngoc Dư

Nguồn:Réformes des retraites: où en est l’Asie?, Asialist, 11.02.2023.

----

Bài có liên quan

·         Ở Hàn quốc, người nghỉ hưu đối mặt một mình với cảnh nghèo khó




Chú thích:

[*] Vài dòng về tác giả:

Hubert Testard là một chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông đã từng là cố vấn kinh tế và tài chính tại các đại sứ quán của Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore về ASEAN. Ông cũng đã tham gia vào việc soạn thảo các chính sách châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại hoặc của Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc các cuộc thương thảo với các quốc gia châu Á. Từ tám năm nay, ông giảng dạy tại trường các vấn đề quốc tế thuộc trường Sience Po về phân tích dự báo châu Á. Ông là tác giả của quyển sách nhan đề “Pandémie, le basculement du monde”- Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới - xuất bản vào tháng ba năm 2021, nhà xuất bản Aube, và tham gia vào số báo tháng 12 năm 2022 của “Revue économique et financière” – Tạp chí kinh tế và tài chính- nói về những hậu quả kinh tế và tài chính của cuộc chiến tại Ukraine.

Print Friendly and PDF