Tác giả: Yves Laszlo[*]
Tóm tắt
|
Những thập niên vừa qua có thể được xem như thời hoàng kim của khoa học: các cuộc cách mạng về bộ gen và lượng tử, triều đại Internet, chiến thắng của học thuyết tương đối – đó là chỉ dẫn ra vài yếu tố - đã cho phép biến đổi cuộc sống của chúng ta. Và khi khoa học tiến triển, đem lại những lời giải thích và những mô hình mới, chúng ta cũng chờ đợi công nghệ cung cấp cho chúng ta những công cụ mới để giải quyết những thách thức toàn cầu mà chúng ta đang đối mặt.
Tuy nhiên, quá khứ gần đây cũng đã chỉ ra rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ hậu-sự thật (post-vérité), ở đó những “sự kiện đối chọn” (hoặc “tin giả”) là phổ biến, cũng như sự nghi ngờ đối với khoa học. Ta thường cho rằng các mạng xã hội phải chịu trách nhiệm, nhưng không phải chỉ một mình chúng.
Bóp méo thông tin đang khuyến khích một dạng văn hóa nghi ngờ đối với các “sự kiện khoa học”. Tuy nhiên, không phải chỉ ra điều đó như vậy là đủ để xóa bỏ sự nghi ngờ đối với khoa học; sự tin tưởng vào khoa học có thể được diễn giải như một “ý kiến” chủ quan và có thể tạo ra tác dụng ngược, càng tăng cường sự hoài nghi nơi một “kẻ hoài nghi”.
Do đó tình hình có vẻ nan giải. Liệu chúng ta có khả năng phục hồi sự tin tưởng vào phương pháp khoa học, hay chúng ta bị buộc phải chiến đấu chống lại một sự hoài nghi phi lý, vượt ra khỏi trình độ của tư duy phê phán cần thiết để tiến bộ trong sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ?
Một điểm xuất phát có thể là xem xét sự khác nhau giữa “sự kiện khoa học” và “ý kiến”. Những sự kiện khoa học là những kết luận mà các nhà khoa học đạt đến, điều này gần như là thành phần của định nghĩa chúng, nhưng chúng có những tiêu chuẩn định nghĩa chính xác và phổ quát. Điều này có nghĩa là những sự kiện này có thể được dùng để thiết lập các giả thuyết mà sự hợp thức hóa chúng dựa trên những thí nghiệm có khả năng lặp lại được xác định tiên nghiệm và xác nhận hậu nghiệm. Cuối cùng, một trong những khác biệt chính giữa các “sự kiện khoa học” và các “ý kiến” chính là những giả thuyết được kiểm định bằng các thí nghiệm phải có thể được phản bác một cách khách quan.
Các sự kiện có những giới hạn được xác định rõ
Một sự kiện khoa học khác biệt với một ý kiến ở chỗ nó nằm trong một khuôn khổ được xác định rõ; ta không thể mô tả nó “một cách hời hợt”, không một sự chính xác tối thiểu. Ví dụ, có thể thảo luận về chỗ đặt bộ xa lông trong một căn phòng. Bạn có thể muốn đặt nó ở đây, bởi vì chỗ này có nhiều ánh sáng tự nhiên, tôi thì có thể muốn đặt nó ở đằng kia, vì có thể di chuyển thuận lợi hơn. Đó là hai ý kiến chấp nhận được, nhưng chúng không phải là sự kiện, vì cả hai chúng ta lấy quyết định căn cứ vào các thông số của riêng chúng ta (thường là không được xác định). Hơn nữa, kết quả sẽ không có tính phổ quát, nó tùy thuộc vào chủ sở hữu của bộ xa lông và tâm trạng của anh ta.
Tuy nhiên, nếu chúng ta thỏa thuận rằng bộ xa lông phải được đặt ở nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên nhất – điều mà chúng ta có thể xác định được bằng cách quy định một sự phân bố cường độ của ánh sáng cho những độ dài sóng đặc thù – lúc đó chúng ta có một thông số được xác định và có thể đo lường được một cách khách quan. Như vậy, bằng cách sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, chúng ta có thể tìm tòi vị trí chính xác trong căn phòng ở đó ánh sáng tự nhiên có cường độ mạnh nhất, bằng cách dựa vào đo lường thực nghiệm các tia UV, sức nóng, thời gian phơi ra ánh sáng mặt trời trong 24 giờ… Từ những kết quả này, chúng ta có thể lập mô hình toán vị trí thích hợp nhất một cách khách quan của bộ xa lông trong căn phòng, tùy thuộc vào ánh sáng tự nhiên và độc lập với tâm trạng của người sở hữu nó.
Để là “thật”, sự kiện phải là phổ quát
Các sự kiện khoa học có thể được sử dụng để thực hiện những tiên đoán
Một khi chúng ta đã xác định các thông số và phương pháp để nghiên cứu chúng, các biện pháp và thí nghiệm phải có khả năng lặp lại. Khả năng lặp lại được định nghĩa là “sự đạt được những kết quả tương đồng giữa những nghiên cứu nhằm trả lời cùng một vấn đề khoa học, mỗi nghiên cứu trong số đó đã đạt được những dữ liệu riêng của nó[1]”. Do đó, bất kỳ ai cũng có khả năng tạo ra lại cùng một kết quả bằng cách áp dụng cùng một quy trình. Trong trường hợp bộ xa lông, sẽ không khó lắm, nhưng khi thực hiện những cấu trúc phức tạp, ví dụ như các hệ thống sống (système vivant), thì khả năng lặp lại các nghiên cứu là một thách thức rất to lớn.
Hơn nữa, để là “thật”, sự kiện phải là phổ quát – cùng các định luật lực hấp dẫn như nhau đều có hiệu lực dù bạn đang ở Paris, New York hay ở Bắc Cực. Thực ra, cũng là các luật đó dù bạn ở trên Trái Đất hay trên sao Hoả, bởi vì ngay cả khi bạn không cảm nhận được trọng lực cùng một cách, thuyết tương đối của Einstein vẫn hoạt động dù bạn đang ở bất kỳ đâu trong vũ trụ.
Như thế, bằng cách tính đến những điểm đầu tiên, khi các sự kiện khoa học là như nhau ở khắp nơi và có thể lặp lại chúng trong cùng những điều kiện như nhau, thì chúng có thể được sử dụng để thực hiện những tiên đoán. Vì chúng ta biết rằng mỗi ngày mặt trời mọc ở phương đông và lặn ở phương tây, chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng nó sẽ như vậy ngày mai và tất cả những ngày sau đó. Và điều đó cứ diễn ra dù chúng ta tin hay không: trong bất cứ mọi trường hợp, mặt trời không bận tâm đến ý kiến chúng ta có về nó.
Các lý thuyết thường được làm cho tinh tế hơn là bị phản bác
Một khi sự kiện đã được xác định, kiểm định, được tái lập và có thể được dùng để thiết lập các tiên đoán, chỉ còn việc kiểm định những giới hạn của một sự kiện khoa học mà thôi. Trong lý thuyết chuyển động của mình[2], Isaac Newton nêu định lý vận tốc của chuyển động luôn luôn là tương đối và thời gian là tuyệt đối, dù người tính toán là ai. Trong một trong những bài báo chính yếu của ông vào năm 1905[3], Einstein đã khẳng định vận tốc của ánh sáng c trong chân không là tuyệt đối, điều này hàm ý thời gian là tương đối. Tính chất phi nội tại này của thời gian chính xác là một phương tiện để “phản bác” lý thuyết, nhưng may thay nó chưa bị phản bác.
Ngay cả khi tuyết tương đối của Einstein dường như chôn vùi vật lý Newton, ông đã không thực sự phản bác các lý thuyết của những người đi trước. Ông chỉ làm cho chúng tinh tế hơn. Cả hai ông Newton và Einstein đều đã có lý: vật lý Newton là đúng đắn đối với những vận tốc “chậm” (đừng quên rằng ngay cả một hỏa tiễn siêu thanh cũng có một vận tốc chậm trong bối cảnh này!) nhưng nó không đúng đối với những vận tốc gần với c (vận tốc ánh sáng). Đối với những vận tốc chậm, các lý thuyết của Einstein và Newton trùng hợp nhau. Đơn giản là Einstein đã cung cấp một cách giải thích đầy đủ hơn về vũ trụ.
Một ví dụ khác về di truyền học. Khi Mendel nghiên cứu sự di truyền của cây đậu Hà Lan, ông đã biết rằng những đặc điểm có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cùng một loài. Sau đó chúng ta được biết sự tồn tại của ADN (tiếng Anh: DNA deoxyribonucleic acid – ND), chúng ta đã phát hiện ra rằng sự di truyền được chứa trong những gen mà cha mẹ truyền cho con cháu. Như vậy, trong một khoảng thời gian nhất định, hiện thực khoa học là di sản di truyền chỉ được xác định bởi ADN được truyền qua lúc chào đời.
Gần đây hơn, chúng ta đã phát hiện ra di truyền biểu sinh: sự tồn tại của những đứt đoạn phân tử có khả năng kích hoạt gen hay làm gen ngưng hoạt động trong một tiến trình có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào trong đời sống của một sinh vật. Như vậy, điều đó có nghĩa là các thí nghiệm có thể ảnh hưởng đến các chức năng của gen bằng cách đưa lại những điều chỉnh nhỏ cho ADN của chúng ta, và hơn thế nữa, những thay đổi “đã đạt được” này có thể được truyền cho con cháu chúng ta qua các thế hệ. Một lần nữa, vai trò của ADN trong sự di truyền đã không bị phản bác; đúng hơn đó là sự hiểu biết của chúng ta về toàn bộ một thực trạng đã chín muồi.
Những ví dụ này cho thấy tầm quan trọng chính yếu của một sự hoài nghi khoa học, có tính tập thể và có lợi, trái ngược với những khẳng định kiên quyết thường vây quanh các ý kiến hay tệ hơn nữa là “những sự kiện đối chọn”.
Hoài nghi là lành mạnh, còn nghi ngờ thì không
Chính sự “hoài nghi tập thể” thể hiện bởi các nhà khoa học đã giúp làm cho tri thức trở nên tinh tế. Sự việc người này người kia chất vấn nhau, đặt lại vấn đề các phương pháp sử dụng và thêm những thông tin mới từ nhiều nguồn khác nhau làm cho các sự kiện khoa học trở nên vô cùng khó phản bác. Như vậy, thay vì làm suy yếu các sự kiện khoa học, hình thức đặc biệt này của hoài nghi trong thực tế đang góp phần vào việc tăng cường chúng.
Chính vì vậy, rốt cuộc lại, rất hiếm khi các sự kiện khoa học đã được hợp thức hóa lại hoàn toàn bị vứt vào sọt rác sau khi có những phát hiện mới. Trái lại, chúng có xu hướng được làm cho tinh tế hơn. Chúng ta xác định những đường biên mới của chúng và phát triển những phương pháp mới, điều này cho phép chúng ta khắc họa một hình ảnh chính xác hơn của sự thật, như hình ảnh của một màn hình máy tính với độ phân giải trở nên rõ hơn cùng với sự gia tăng số pixels. Trong thực tế, mục đích của khoa học là không ngừng cải tiến sự xác định hình ảnh mà chúng ta có về vũ trụ.
Về tác giả
Yves Lazlo
Yves Laszlo (1964-) |
Ông là giám đốc đào tạo và nghiên cứu thuộc Viện Bách khoa Paris (Institut Polytechnique de Paris) và là tổng biên tập khoa học của tạp chí Polytechnique Insights.
Tốt nghiệp tiến sĩ toán học tại Đại học Paris-Sud, Yves Laszlo nhà một chuyên gia danh tiếng toàn cầu về hình học đại số. Tiếp theo sự nghiệp của ông ở CNRS (Centre national de la recherche scientifique - Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) rồi ở UPMC (Université Pierre et Marie Curie – Pháp), ông trở thành giáo sư tại trường Đại học Bách khoa Paris, thành viên của Trung tâm toán học Laurent Schwartz (CMLS, một đơn vị nghiên cứu hỗn hợp CNRS và Đại học Bách khoa) mà ông là giám đốc từ năm 2006 đến 2010. Sau đó ông trở thành giáo sư của Đại học Paris-Sud, và thành lập rồi lãnh đạo Quỹ toán học Jacques Hadamard và LabEx LMH với sứ mệnh tập hợp các nhà toán học vùng cao nguyên Saclay. Từ 2012 đến 2019, ông được đề bạt làm phó giám đốc phụ trách khoa học của trường Đại học Sư phạm Paris. Từ tháng 11/2019, Yves Laszlo phụ trách Hội đồng đào tạo và nghiên cứu của Viện Bách khoa Paris.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Pourquoi la science se moque de votre opinion sur la vérité”, Polytechnique Insights”, 23.6.2021.
Chú thích: [*]
Giám đốc đào tạo và nghiên cứu Viện Bách khoa Paris (Institut Polytechnique de Paris) và là tổng biên tập khoa học của tạp chí Polytechnique Insights. [2]
Philosophiae naturalis principia mathematica, 1687. [3]
Zur Elektrodynamik bewegter Körper, Annalen der Physik.