22.11.23

Giới thiệu sách Danh nhân khoa học và lược sử khoa học thế giới và Đáp lời “Bài giới thiệu” của tác giả

Một cuốn sách sử khoa học

DANH NHÂN KHOA HỌC VÀ LƯỢC SỬ KHOA HỌC THẾ GIỚI

Hà Dương Tường

Thay lời nói đầu

Sách sử, như càng ngày càng được thừa nhận rộng rãi, không thể chỉ được gói ghém trong việc thuật lại những diễn biến chính trị của một quốc gia, những công việc “triều chính” đối nội hay đối ngoại của nó, những quyết định của người cầm quyền dù là để bảo đảm cho sự vận hành trôi chảy của xã hội hay chỉ để bảo vệ vị thế quyền lực của mình, những cuộc chiến tranh với nước ngoài dù là bị động hay chủ động, v.v.. Sử còn phải bao gồm những ghi chép về cuộc sống tinh thần và vật chất của xã hội, của những con người trong đó, ứng xử của họ với nhau và với thiên nhiên. Những loại sách chuyên ngành, sử kinh tế, văn hoá, sử báo chí, sử khoa học... ra đời (từ lâu ở Âu Mỹ) để đáp ứng những nhu cầu ghi chép đó, nhưng có vẻ còn rất ít được quan tâm ở Việt Nam.

Trên mặt báo này, chúng tôi đã giới thiệu những cuốn sách sử tạm gọi là “phi chính thống” như thế, gần đây nhất là cuốn “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp Dân báo và Tràng An báo” của Trần Viết Ngạc, thuộc lĩnh vực lịch sử báo chí. Cũ hơn, là bài viết về cuốn sách rất giá trị của sử gia Philippe Peycam, “Làng báo Sài Gòn 1916-1930”. Dưới đây xin nhảy sang lĩnh vực lịch sử khoa học, thể loại còn có quá ít sách vở so với yêu cầu hiển nhiên của một xã hội đang có tham vọng “sánh vai cùng bè bạn năm châu” đi vào con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tất nhiên phải nói tới những cuốn sách đầy chất học thuật của NXB Tri Thức, với nỗ lực kiên trì, bền bỉ của người giám đốc đầu tiên của nó, GS Chu Hảo, trước khi ông phải từ bỏ chức vụ này vì những lý do chính trị mà hẳn là nhiều người còn nhớ. Ngoài những bản dịch các tác phẩm của những nhà khoa học lừng danh trong tủ sách Tinh hoa như Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein, Vật lý và triết học của Werner Heisenberg, Sự hình thành tinh thần khoa học của Gaston Bachelard, Ngẫu nhiên và tất yếu của Jacques Monod..., những người muốn đi sâu vào khoa học có thể nào không tìm đọc (ít nhất là một vài bài trong lĩnh vực mình quan tâm) năm cuốn kỷ yếu về khoa học và giáo dục đại học mà TS Nguyễn Xuân Xanh là người chủ trì cùng với một số nhà khoa học trong và ngoài nước. Tôi muốn nói tới các cuốn “Mừng Max Planck, nhà khai sáng thuyết lượng tử 150 tuổi”, “400 năm thiên văn học & Galileo Galilei”, “150 năm Thuyết tiến hoá & Charles Darwin”, “Đại học Humboldt 200 năm”, “Hạt Higgs và mô hình chuẩn, cuộc phiêu lưu kỳ thú của khoa học”. Bạn đọc có thể bấm vào đường dẫn trên đây để đọc các bài giới thiệu về năm cuốn kỷ yếu này của TS Nguyễn Xuân Xanh. Mới đây hơn là cuốn Cơ học lượng tử & Thuyết tương đối: Hai trụ cột của vật lý hiện đại của GS Phạm Xuân Yêm.

Trong buổi ra mắt cuốn sách này ở Hà Nội, GS Chu Hảo lưu ý: “Cuốn sách đòi hỏi sự kiên trì của người đọc bởi nó không hấp dẫn theo lối của sách văn chương và tác giả đưa vào khá nhiều các biểu thức toán học để diễn tả độ chính xác của ý tưởng” (trích theo bài viết của Thái Thanh trên báo Khoa học & Phát triển ngày 06/01/2023). Thật ra cả 6 cuốn sách trên đây trừ cuốn Đại học Humboldt đều có những khó khăn tương tự (không luôn luôn là từ những biểu thức toán học!) và nói chung, dành cho độc giả có trình độ đại học, không nhất thiết là chuyên về khoa học (tự nhiên hay/và xã hội) nhưng đã trải qua một quá trình (tự) rèn luyện trong một lĩnh vực hoạt động trí tuệ, để có thể đáp ứng đòi hỏi “kiên trì” như GS Chu Hảo nêu trên. 

Cuốn sách được giới thiệu trong bài viết này hướng tới diện người đọc rộng rãi hơn, những học sinh các năm cuối bậc trung học phổ thông có thể đọc - và hiểu. Theo thiển ý của người viết bài, sự chọn lựa về trình độ độc giả này cũng cần thiết và hữu ích không kém những cuốn đã kể trên.

*

Như nhan đề của nó cho thấy, đây là một cuốn “lược sử khoa học” thông qua chuyện kể về những con người đã để lại dấu ấn rõ rệt trong quá trình tiến triển của khoa học thế giới với các khám phá, phát minh của họ, những người được tác giả gọi là “danh nhân khoa học”. 

Tác giả sách là giáo sư Lâm Thành Mỹ, trước khi về hưu đã là giáo sư hoá ở các đại học công nghiệp INSA[*] (Institut National des Sciences Appliquées) ở Lyon và ENSAIT (École Nationale Supérieure Des Arts Et Industries Textiles), thuộc Đại học Lille.

Trở lại tên sách, hiển nhiên chỉ có thể là “Lược sử”, vì chỉ trong hơn 400 trang, chữ to, khổ 16x24cm, với tham vọng bao quát lịch sử khoa học đã diễn ra hầu khắp thế giới trong hơn hai nghìn năm, chẳng thể nào khác! Nhưng đối với người Việt Nam, kể cả những người đã học xong trung học phổ thông, hẳn là sách mang lại nhiều kiến thức hữu ích về thế giới tự nhiên và một phần nào xã hội con người, cả trong quá khứ và hiện tại, ở những vùng trời mà người Việt mới hơn 100 năm trước chưa hề biết tới, và ngày nay cũng vẫn còn xa lạ với một số lớn. Những kiến thức đã thành phổ biến trong thế giới hiện nay nhưng vẫn chưa được coi trọng đúng mức ở nhà trường trong nước. Từ những câu chuyện kể về các nhân vật được coi là “danh nhân khoa học” ấy và sự nghiệp của họ, tác giả mong muốn thúc đẩy trí tò mò của lớp trẻ, và từ đó, tạo ra “hứng thú học giỏi, hành nghề giỏi”, để trở thành “những kỹ sư, kỹ thuật viên, thợ giỏi và các nhà khoa học giỏi” cần thiết cho đất nước, như ông viết trong Lời nói đầu. 

Lần theo mục lục, người ta gặp những tên tuổi như Thalès, Pythagoras, Aristoteles, Euclid, Archimedes thời cổ đại hay Kopernik thời Phục hưng ở châu Âu, rồi Tycho Brahe, Kepler, Galilei, Descartes, Fermat, Pascal, Huyghens, Leibniz, Newton... vào thế kỷ 17, gia đình Bernouilli, Euler, d'Alembert, Lagrange, Laplace, Cassini, Buffon, Lamark... trong thế kỷ 18. Đây chỉ là những danh nhân mà tiểu sử được viết thành mục riêng trong sách, chưa kể nhiều tên tuổi khác “chìm” trong các mục theo chủ đề (như Khoa học Ả-rập, chương 7, Khoa học thời Phục hưng ở châu Âu, chương 10, v.v.). Ước chi mỗi học sinh Việt Nam có thể trả lời tóm tắt câu hỏi về những người có vị trí quan trọng nhất trong số đó, những đóng góp có ý nghĩa nhất của họ, và... mơ ước theo chân những người khổng lồ đó.

Nhưng chính việc kể ra một số tên nói trên cũng cho thấy cái khó của tác giả khi chọn trình bày lịch sử khoa học thế giới qua tiểu sử của các “danh nhân khoa học”. Vì làm sao kể hết những tên tuổi của Khoa học Trung Quốc (chương 5, 22 trang), Khoa học Ấn Độ (chương 6, 13 trang)? Ngay cả khoa học Ả-rập (chương 7, 30 trang), quen thuộc hơn với “dòng chính” của khoa học Tây Âu, với vai trò người bắc cầu từ thời trung đại tới thời Phục hưng qua những công trình dịch thuật các tác phẩm Hy Lạp gần như đã thất truyền sang tiếng Ả-rập và rồi từ đó được các nhà khoa học châu Âu dịch lại sang tiếng La tinh. Tác giả kể ra một số nhà nghiên cứu nổi tiếng của người Ả-rập về toán, thiên văn hay y học..., nhưng những Al-Tusi (thiên văn), Al-Khwarizmi (toán), Ibn-Sina (Y, với tên Âu hoá là Avicenne) phải chăng cũng xứng đáng được chép tiểu sử thành mục riêng? 

Việc bao quát thời gian và không gian rộng lớn như đã nói, còn mang theo hệ luận là khó lòng cân bằng các chương, mục trong sách (cả về nội dung và chiều dài), nhiều chương mục ít nhiều độc lập với nhau như những bài viết cho báo chí, đôi khi bao gồm những giai thoại khó kiểm chứng - một đặc tính cố hữu của loại sách tiểu sử! Việc dành chỗ chính viết về đời (tiểu sử trong nghĩa hẹp) của những nhà khoa học nổi trội và cho các mô tả những đóng góp của họ nhiều hơn là đi sâu vào những nội dung, ý tưởng mà người sau có thể rút ra từ những thí nghiệm, mầy mò của người đi trước, cũng là một hạn chế của cuốn sách. Chỉ xin lấy hai ví dụ. Một, tính chất vec-tơ của các lực cơ học mà nghiên cứu của Simon Stevin (tr. 234) cho thấy - qua sự phân tích tác động của lực trên hai hướng khác nhau theo hình bình hành -, tiếc là đã bị bỏ qua. Toàn bộ cơ học sẽ ra sao nếu các lực chỉ là những đại lượng vô hướng (scalaire)? Hai, thí nghiệm của nhà vật lý người Ý Torricelli chỉ được nhắc tới như một chứng minh chân không là có thực (và tên tuổi của ông cũng chỉ được nói tới trong mục viết về Pascal khi ông này tìm cách lập lại thí nghiệm), trong khi trực giác thiên tài của Torricelli còn là làm bộc lộ khái niệm áp suất, qua thực tế là áp suất của không khí (vật vô hình, không nắm bắt được). Khái niệm này mở ra ngành nghiên cứu khí động học vô cùng quan trọng trong vật lý, cả về lý thuyết và thực tiễn. Người đọc cũng có thể tiếc là vai trò của các cơ chế có tính quyết định trong sự phát triển khoa học, như các mạnh thường quân (mécène) thời cổ và trung đại, hay các đại học ở châu Âu từ thời Phục Hưng, dù được nói tới qua tiểu sử của các nhân vật, nhưng không được phân tích thành mục riêng, vai trò và những chỗ mạnh yếu của chúng...

Trên đây, tôi đã phác qua nội dung cuốn sách và nói lên một vài nhận xét riêng về chọn lựa của tác giả viết lịch sử khoa học thông qua tiểu sử của những “danh nhân khoa học”.

Cuối cùng, xin nói tới hai điều đáng tiếc mong được tác giả và nhà xuất bản chú ý khi tái bản sách (mới chỉ được in lần thứ nhất có 1000 cuốn). Một là sự thiếu vắng của một danh sách các từ khoá (index) - cả tên riêng và danh từ, trong một cuốn sách hơn 400 trang, điều dễ dàng thực hiện với một văn bản số hoá, và vô cùng cần thiết đối với một tác phẩm khoa học (phi hư cấu nói chung) nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu của người đọc. Hai là NXB cần cẩn trọng hơn khi biên tập một cuốn sách khoa học. Chỉ xin kể vài ví dụ những chỗ có vấn đề mà biên tập viên lẽ ra cũng phải thấy là có gì không ổn để hỏi lại, trao đổi thêm với tác giả:

- “vào ngày đông chí, bóng ngắn nhất và chỉ về hướng bắc” (tr.43). Ngày hạ chí, giữa trưa, mặt trời lên cao nhất, bóng của cọc tiêu mới ngắn nhất chứ;

- “ông mô tả các vi khuẩn - vi-rút...” (tr.197). Tác giả đang nói về Ibn-Sina, nhà khoa học Ả-rập ở thế kỷ 11, sáu thế kỷ trước phát minh kính hiển vi!;

- “Với những số vuông, Pythagoras và môn đệ có thể tìm ra dễ dàng những “bộ ba Pythagoras”, tức những số a, b, c liền nhau theo công thức a2=b2+c2” (tr.64). Nếu “liền nhau” thì ngoài bộ ba 3, 4, 5 không biết có còn đáp số nào nữa không?

- “tỷ lệ điều hoà: a-b/c = b-c/c” (tr.66). c/c hiển nhiên là bằng 1, vậy công thức trên chắc phải viết là 

hay (a-b)/c=(b-c)/c, nhưng như vậy cũng không ổn vì sau khi đơn giản hoá mẫu số chung, nó chỉ còn là a+c=2b, tức b là trung bình cộng của ac, cần chi đưa ra một định nghĩa mới! 

Đúng ra, ba số dương c < b < a có tỷ lệ điều hoà với nhau khi (a-b)/a = (b-c)/c hay b=2ac/(a+c), số giữa bằng trung bình điều hoà của hai số kia. Điều này, có thể biên tập viên không biết, nhưng tại sao thấy một công thức với c/c mà không hỏi tác giả tại sao không thay bằng 1?

- “log(a+b) = log a + log b” (tr.340);

vân vân.

Hai lỗi sau rõ ràng là lỗi “typo”, còn ba lỗi đầu, khi một tác giả viết nhầm hay tối nghĩa, biên tập viên có vô can khi bỏ qua - nhất là những nhầm lẫn hiển nhiên?

Kết luận, như đã nói, đây là một cuốn sách hữu ích cho diện người đọc mà tác giả nhắm tới. Theo người viết bài này, nó cần và xứng đáng được đặt chung với nhiều cuốn sách khác trong một Tủ sách riêng về lịch sử khoa học mà người viết mong rằng NXB sẽ nghĩ tới, góp sức với Tủ sách Tinh hoa của NXB Tri Thức để người đọc Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với loại tri thức này.

Hà Dương Tường

Nguồn: Giới thiệu sách Danh nhân khoa học và lược sử khoa học thế giới, DienDan.Org, 09/07/2023

__________________

ĐÁP LỜI BÀI ’GIỚI THIỆU DANH NHÂN KHOA HỌC VÀ LƯỢC SỬ KHOA HỌC THẾ GIỚI’

Đáp lời bài ‘Giới thiệu Danh nhân khoa học và lược sử khoa học thế giới’ của anh Hà Dương Tường (đăng trên Diễn Đàn ngày 09/07/2023)

Lâm Thành Mỹ

Trước bài của anh Hà Dương Tường, sách đã được anh Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu trong bài ‘Giới thiệu sách được tặng’ đăng trên blog Rosetta của anh và được Diễn Đàn giới thiệu lại trong mục ‘Thấy trên mạng’. Anh Nguyễn Xuân Xanh nhận ra ngay rằng tác giả là ‘người mới vào làng sách’. Sau khi bàn về tầm quan trọng của các Danh nhân khoa học, anh kết luận ‘Sách này rất có ý nghĩa’. Đó là một câu động viên tôi rất nhiều, người ‘tay mơ’ mới vào làng sách.

Chắc anh Xanh không có thời giờ đọc quyển sách từ đầu đến cuối nên ít nói về nội dung của sách. Anh Hà Dương Tường đã dành thời giờ để đọc kỹ sách từ đầu đến cuối và tôi rất cám ơn anh về việc này.

Anh Tường nhận ra rất đúng là quyển sách đã nói nhiều về đời sống của các nhà khoa học, vì tôi cho rằng điều đó thường cho ta thấy rõ hơn tầm quan trọng và những đặc điểm của đóng góp của họ. Các nhà viết sử về khoa học thường có cái hướng là bỏ qua đời sống của các nhà khoa học, tỷ như nói về thành quả khoa học của Pythagoras mà không cần biết đời sống của ông. Tôi làm khác: nói rõ Pythagoras là giáo chủ một môn phái, đào tạo môn sinh chẳng những về khoa học mà còn về đạo lý ở đời (ăn chay, tập thể dục, sống thanh bạch…) vì vậy ảnh hưởng của ông được truyền bá rộng rãi, kể cả ảnh hưởng khoa học.

Cách viết của tôi vì thế ít trừu tượng hơn. Và theo tôi độc giả vẫn thấy được con đường tiến triển của khoa học khi đi qua những cái mốc là những danh nhân. Ví dụ, từ Kopernik qua Galilei rồi Tycho Brahe, Kepler và cuối cùng Newton, độc giả thấy rõ con đường tiến triển từng bước gay go của thuyết nhật tâm.

Anh Tường nêu ra hai trường hợp để cho rằng tầm quan trọng của đóng góp của hai danh nhân khoa học đã bị bỏ qua.

Trường hợp đầu là Simon Stevin, Anh Tường viết: Tính chất vec-tơ của các lực cơ học mà nghiên cứu của Simon Stevin cho thấy - qua sự phân tích tác động của lực trên hai hướng khác nhau theo hình bình hành -, tiếc đã bị bỏ qua. Phần tôi, tôi có trình bày thí nghiệm (tưởng tượng) chuỗi hình cầu và có viết rằng nó góp phần phát động nghiên cứu về tương quan giữa các lực không đồng hướng.

Tôi đã viết theo các sử gia khoa học mà tôi tham khảo: Vincent Julien, René Taton, Colin Ronan (cf Tài liệu tham khảo). Họ không nêu ra tính vec-tơ của lực, có lẽ họ cho là đương nhiên? Sau khi trình bày thí nghiệm (tưởng tượng) chuỗi hột trên hai mặt phẳng nghiêng của Stevin, Vincent Julien[1] viết ‘Từ đó, Stevin - và những người khai thác công trình của ông - có thể hiểu cách các lực hợp nhau và cộng nhau trong sự thăng bằng của của các vật nặng.’).

 (Nguyên văn: A partir de cela, Stevin-et ceux qui exploitent ses travaux- purent comprendre comment se composent et s’additionnent les forces en jeu dans l’équilibre des corps pesants’.

Colin Renan[2] viết: Les résultats sont les fondements de ce que nous nommons aujourd’hui le ‘parallélogramme des forces’; Kết quả là nền móng của cái mà ngày nay ta gọi là ‘hình bình hành của các lực’.

René Taton[3] không thêm gì sau thí nghiệm chuỗi hạt nhưng cho biết: trong khi nghiên cứu thăng bằng của vật được dây buộc lại, Stevin đưa ra sự hợp nhất của các thành phần thẳng góc qua hình bình hành của các lực (Nguyên văn: Dans l’étude de l’équilibre des corps maintenus par des fils, Stevin arrive à formuler, pour les composantes rectangulaires, la règle du parallélogramme des forces.)

Thật ra, cách trình bày rõ ràng về việc hợp nhất hai lực không đồng hướng qua hình bình hành là của Varignon Pierre[4] (1654-1722, thành viên của Hàn lâm viện khoa học Paris) trong quyển ‘Projet de nouvelle mécanique sur les propriétés des poids suspendus à des cordes’ (Về tính chất của các trọng lượng được dây treo), xuất bản năm 1687.

Về Toricelli, tôi nghĩ rằng tôi đã tóm tắt đầy đủ công trình của ông trong vấn đề được đưa ra: bơm nước không lên cao hơn 10m, thầy Galilei không giải quyết vấn đề, ông là môn sinh đã giải quyết, tìm ra nguyên nhân của hiện tượng, đưa ra khái niệm áp suất của khí quyển, đồng thời khám phá ra chân không. Các sự kiện được đưa vào đoạn dành cho Pascal vì ông này tiến thêm một bước khi nhờ anh rể mang ống chứa cột thủy ngân lên núi, cho thấy mức thủy ngân được hạ xuống khi ở độ cao, chứng tỏ ảnh hưởng của khí quyển. Sách của tôi có đoạn dành cho Pascal vì đoạn này có nội dung dồi dào. Tôi không thể mở ra một đoạn dành cho Toricelli.

Anh Tường đã nêu ra một số lỗi. Các lỗi anh nêu ra hầu hết do lơ đểnh khi đánh máy, có chỗ ý không rõ vì viết quá ngắn. Tôi chép lại theo thứ tự của anh đã ghi ra:

Lỗi đầu tiên nằm trong câu ‘Ngày đông chí, bóng ngắn nhất và hướng về phía bắc’ (trang 43), tức nhiên phải sửa lại là ‘Ngày hạ chí, bóng ngắn nhất và hướng về phía bắc’. Tôi không biết lỗi từ đâu đến! Trong phần về Ai-Cập, có câu ‘họ biết rằng bóng ngắn nhất của cột tiêu hướng về phía Bắc’ (trang 29).

- Về câu ‘Ibn Sina mô tả các vi khuẩn, vi rút (trang 197)’, anh Tường nói đúng, phải bỏ mấy chữ ‘mô tả các vi khuẩn, vi-rút’

- Với những số vuông, Pythagoras và môn đệ có thể tìm ra dễ dàng những ‘bộ ba Pythagoras, tức những số a, b, c liền nhau theo công thức a2=b2+c2 (trang 64). Anh Tường đặt câu hỏi: Nếu ‘liền nhau’ thì ngoài bộ ba 3,4,5 không biết có còn đáp số nào nữa không? Tôi xin trả lời rằng ba số liền nhau theo công thức chứ không phải liền khít nhau.

- Về công thức trung bình điều hòa (trang 66) thì đúng là có lỗi lơ đễnh khi đánh máy; công thức đúng là: (a-b)/a = (b-c)/c, b là trung bình điều hòa của a và c. Khi áp dụng qua số thì công thức được viết đúng.

- Về lỗi log(a+b)=log a+log b (trang 340), cũng là lỗi lơ đễnh khi đánh máy, phải sửa lại thành log(a.b) = log a +log b.

Tôi sẽ viết Errata cho các lỗi này, nhờ Nhà Xuất bản giúp truyền đến những tiệm sách còn sách đang bán. Riêng tôi cũng tìm cách phổ biến Errata.

Anh Hà Dương Tường kết luận rằng đây là một cuốn sách hữu ích cho diện người đọc mà tác giả nhắm tới. Kết luận này làm cho tôi rất phấn khởi. Một lần nữa, tôi xin rất cám ơn anh Hà Dương Tường đã dành thời giờ đọc hết, đọc kỹ sách của tôi và đã viết bài giới thiệu.

Lyon, ngày 14/07/2023.

Lâm Thành Mỹ

Nguồn: Đáp lời bài ’Giới thiệu Danh nhân khoa học và lược sử khoa học thế giới’, DienDan.Org, 19/07/2023




Chú thích:

[*] Tôi dùng cụm từ “đại học công nghệ” để chỉ chung các trường kỹ sư này, vì cũng như phần lớn các trường kỹ sư của Pháp, hệ đào tạo của họ là trong 5 năm sau tú tài (trung học phổ thông), và bằng kỹ sư được coi như tương đương với bằng “master” mà ta gọi là “thạc sĩ”. Trừ những người muốn đi theo ngạch nghiên cứu khoa học, những kỹ sư tốt nghiệp các trường này không ai cần “khoe” là mình có bằng tương đương với “thạc sĩ” hoặc ghi danh học thêm ở đại học (universités) để có bằng thạc sĩ như ở nước ta. Đơn giản là vì với tấm bằng kỹ sư, họ sẽ dễ kiếm việc và có lương cao hơn các thạc sĩ từ đại học ra. Sự khác biệt giữa một nước công nghiệp với nước ta có thể thấy ngay từ cái nhìn đối với bằng cấp như vậy.

Tài liệu tham khảo:

[1] Vincent Julien-2016, L’Histoire des sciences pour les nuls, Editions First, trang 177

[2] Ronan Colin A.1988, Histoire des sciences, bản dịch từ tiếng Anh của Claude Bonnefont, Nxb Ed.du Seuil, trang 421

[3] Taton René, 1969, La science moderne, Nxb Presses Universitaires de France, trang 105.

Print Friendly and PDF