29.11.23

Phương Nam Toàn Cầu đang nổi lên - nhưng chính xác Phương Nam Toàn Cầu là gì?

PHƯƠNG NAM TOÀN CẦU ĐANG NỔI LÊN - NHƯNG CHÍNH XÁC PHƯƠNG NAM TOÀN CẦU LÀ GÌ?

Tác giả: Jorge Heine

Giám đốc lâm thời của Trung tâm Nghiên cứu Tương lai Tầm xa Frederick S. Pardee, Đại học Boston

Thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu Wilson và thành viên nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cựu đại sứ Chile tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi.

The world turned upside down. iStock/Getty Images Plus

Việc nhiều quốc gia hàng đầu ở Châu Phi, Châu ÁChâu Mỹ Latinh không sẵn lòng đứng về phía NATO trong cuộc chiến ở Ukraine đã một lần nữa làm nổi bật thuật ngữ “Phương Nam Toàn Cầu/Global South”.

Một tiêu đề gần đây đặt câu hỏi: “Tại sao lại có nhiều nước của Phương Nam Toàn Cầu ủng hộ Nga?”; một tiêu đề khác tuyên bố: “Ukraine tranh thủ ‘Phương Nam Toàn Cầu’ nhằm thách thức Nga”.

Nhưng thuật ngữ đó có nghĩa là gì và tại sao nó lại trở nên phổ biến trong những năm gần đây?

Phương Nam Toàn Cầu chỉ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đôi khi được mô tả là “đang phát triển”, “kém phát triển hơn” hoặc “kém phát triển”. Nhiều quốc gia trong số này - mặc dù không phải tất cả - đều nằm ở Nam bán cầu, phần lớn ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh.

Nhìn chung, các quốc gia này nghèo hơn, có mức độ bất bình đẳng thu nhập cao hơn và có tuổi thọ thấp hơn cũng như điều kiện sống khắc nghiệt hơn so với các quốc gia ở “Phương Bắc Toàn Cầu/Global North - tức là các quốc gia giàu có hơn chủ yếu nằm ở Bắc Mỹ và Châu Âu, cộng thêm một số quốc gia ở Bắc Mỹ, Châu Đại Dương và những nơi khác.

Vượt xa hơn ‘Thế Giới Thứ Ba’

Carl Oglesby (1935-2011)

Thuật ngữ Global South dường như được nhà hoạt động chính trị Carl Oglesby sử dụng lần đầu tiên vào năm 1969. Viết trên tạp chí Công giáo tự do Commonwealth, Oglesby lập luận rằng cuộc chiến ở Việt Nam là đỉnh điểm của lịch sử của “sự thống trị của Phương Bắc đối với Phương Nam Toàn Cầu”.

Nhưng chỉ sau sự tan rã của Liên Xô năm 1991đánh dấu sự kết thúc của cái gọi là “Thế Giới Thứ Hai”thuật ngữ này mới giành được ưu thế.

Cho đến lúc bấy giờ, thuật ngữ phổ biến hơn để chỉ các quốc gia đang phát triển – những quốc gia chưa công nghiệp hóa hoàn toàn – là “Thế Giới Thứ Ba”.

Alfred Sauvy (1898-1990)

Thuật ngữ Thế Giới Thứ Ba được Alfred Sauvy đặt ra vào năm 1952, tương tự với ba giai tầng trong lịch sử của Pháp: thành phần quý tộc, giới tăng lữ và giai cấp tư sản. Thuật ngữ “Thế Giới Thứ Nhất” dùng để chỉ các quốc gia tư bản tiên tiến; “Thế Giới Thứ Hai” chỉ các nước xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo; và “Thế Giới Thứ Ba” chỉ các quốc gia đang phát triển, trong đó, vào thời điểm ấy, còn có nhiều quốc gia vẫn còn dưới ách thực dân.

Cuốn sách năm 1964 của nhà xã hội học Peter Worsley, “Thế Giới Thứ Ba: Một lực lượng mới quan trọng trong các vấn đề quốc tế (The Third World: A Vital New Force in International Affairs),” đã phổ biến rộng rãi hơn nữa thuật ngữ này. Cuốn sách cũng lưu ý đến việc “Thế Giới Thứ Ba” tạo nên xương sống của Phong Trào Không Liên Kết, được thành lập chỉ ba năm trước đó như sự đáp trả đối với liên minh lưỡng cực trong Chiến tranh Lạnh.

Mặc dù quan điểm của Worsley về “Thế Giới Thứ Ba” này là tích cực, thuật ngữ này đã trở nên gắn liền với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự nghèo đói, sự nghèo khổ và sự bất ổn. “Thế Giới Thứ Ba” trở thành từ đồng nghĩa với các nước cộng hòa chuối được cai trị bởi những kẻ độc tài bù nhìn – một biếm họa được truyền thông phương Tây lan truyền.

Sự sụp đổ của Liên Xô – và cùng với đó là sự kết thúc của cái gọi là Thế Giới Thứ Hai – đã tạo ra một lý do thuận tiện cho sự biến mất của thuật ngữ “Thế Giới Thứ Ba”. Việc sử dụng thuật ngữ này giảm nhanh chóng vào những năm 1990.

Trong khi đó, các thuật ngữ nước “phát triển”, “đang phát triển” và “kém phát triển” cũng vấp phải sự chỉ trích vì coi các nước phương Tây là lý tưởng, đồng thời miêu tả những nước bên ngoài câu lạc bộ đó là lạc hậu.

Thuật ngữ ngày càng được sử dụng để thay thế chúng là “Phương Nam Toàn Cầu/Global South” nghe có vẻ trung lập hơn.

Biểu đồ thể hiện một đường mô tả cách việc sử dụng thuật ngữ ‘Thế Giới Thứ Ba’ bùng nổ vào giữa những năm 1980.

Biểu đồ cho thấy việc sử dụng ‘Phương Nam Toàn Cầu’, ‘Thế Giới Thứ Ba’ và ‘Các quốc gia đang phát triển’ trong các tài liệu tiếng Anh theo thời gian. Google Books Ngram Viewer, CC BY

Địa chính trị, chớ không phải địa lý

Thuật ngữ “Phương Nam Toàn Cầukhông mang tính địa lý. Thật vậy, hai quốc gia lớn nhất của Phương Nam Toàn Cầu – Trung Quốc và Ấn Độ – nằm hoàn toàn ở Bắc Bán Cầu.

Đúng hơn, cách sử dụng nó biểu thị sự kết hợp của những điểm tương đồng về chính trị, địa chính trị và kinh tế giữa các quốc gia.

Các quốc gia ở Phương Nam Toàn Cầu hầu hết đều ở giai đoạn cuối của sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc và thực dân, trong đó các quốc gia châu Phi có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về điều này. Thuật ngữ “Phương Nam Toàn Cầu” mang lại cho họ một cái nhìn rất khác về điều mà các nhà lý thuyết về sự phụ thuộc đã mô tả là mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi trong nền kinh tế chính trị thế giới – hay nói một cách đơn giản là mối quan hệ giữa “Phương Tây và phần còn lại”.

Với mối quan hệ mất cân bằng trong quá khứ giữa nhiều quốc gia ở Phương Nam Toàn Cầu và Phương Bắc Toàn Cầu - cả vào thời đại đế quốc và Chiến tranh Lạnh - không có gì ngạc nhiên khi ngày nay nhiều quốc gia lựa chọn không liên kết với bất kỳ một cường quốc nào.

Và trong khi các thuật ngữ “Thế Giới Thứ Ba” và “Kém Phát Triển” truyền tải hình ảnh về sự bất lực về kinh tế, thì điều đó không đúng với “Phương Nam Toàn Cầu”.

Kể từ đầu thế kỷ 21, “sự thay đổi về sự giàu có” như Ngân hàng Thế giới đã nhắc đến, từ Bắc Đại Tây Dương đến Châu Á Thái Bình Dương đã đảo ngược phần lớn quan niệm thông thường về những nơi tạo ra của cải trên thế giới.

Đến năm 2030, dự kiến ba trong số bốn nền kinh tế lớn nhất sẽ đến từ Phương Nam Toàn Cầu – theo thứ tự là Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Indonesia. GDP tính theo sức mua của các quốc gia thuộc Phương Nam Toàn Cầu - do nhóm BRICS thống trị - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – vượt qua câu lạc bộ G7 của Phương Bắc Toàn Cầu. Và hiện nay ở Bắc Kinh có nhiều tỷ phú hơn ở New York.

Phương Nam Toàn Cầu đang tiến lên

Sự thay đổi kinh tế này đi đôi với sự hiển thị chính trị được nâng cao. Các quốc gia ở Phương Nam Toàn Cầu đang ngày càng khẳng định mình trên trường quốc tế - như việc Trung Quốc làm trung gian cho việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa Iran và Ả Rập Saudi hay nỗ lực của Brazil để thúc đẩy một kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Sự thay đổi quyền lực kinh tế và chính trị này đã khiến các chuyên gia về địa chính trị như Parag KhannaKishore Mahbubani viết về triển vọng của một “Thế kỷ châu Á”. Những người khác, như nhà khoa học chính trị Oliver Stuenkel, đã bắt đầu nói về một “thế giới hậu phương Tây”.

Có một điều chắc chắn: Phương Nam Toàn Cầu đang phô trương sức mạnh chính trị và kinh tế mà “các nước đang phát triển” và “Thế Giới Thứ Ba” chưa bao giờ có được.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:The Global South is on the rise – but what exactly is the Global South”, The Conversation, 3.7.2023.

----

Bài có liên quan

Print Friendly and PDF