19.11.23

Trung Đông: sự trở lại của “chính nghĩa của Palestine”

TRUNG ĐÔNG: SỰ TRỞ LẠI CỦA “CHÍNH NGHĨA CỦA PALESTINE”

Myriam Benraad[1]

Cuộc biểu tình ủng hộ Palestine ở Cairo, ngày 18 tháng 10 năm 2023. Khaled Desouki/AFP

Các cuộc biểu tình được tổ chức ở nhiều quốc gia Ả Rập và Hồi giáo để ủng hộ người dân Dải Gaza, kể từ khi vùng đất nhỏ bé của người Palestine bị Israel pháo kích cả ngày lẫn đêm để đáp trả các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, đã đặt lại vấn đề về “chính nghĩa của Palestine” vào tâm điểm của các cuộc thảo luận.

Cuộc bùng nổ lớn ở Trung Đông thực sự đã đặt lại tương lai của người Palestine vào hàng đầu của các cuộc thảo luận, ở Gaza cũng như ở Cisjordanie và Đông Jerusalem, nơi tình hình đã bùng lên trong những ngày gần đây. Chính nghĩa của người Palestine – một công thức, như chúng ta sẽ thấy, bao hàm nhiều ý nghĩa, đôi khi rất khác nhau – dường như đã đoàn kết dư luận quần chúng trong thế giới Ả Rập-Hồi giáo, và như thế từ nhiều thập kỷ rồi. Nhưng chính xác Chính nghĩa của người Palestine là gì, và trong mức độ sự leo thang hiện nay của cuộc xung đột có thể củng cố những tình cảm này của người dân các quốc gia này?

Sự hồi sinh ấn tượng của sự ủng hộ dành cho Palestine

Cuộc tấn công của Hamas – mà kết quả là sự ám sát khoảng 1.400 người Israel, hầu hết là dân thường và nhiều hành động man rợ đối với các nạn nhân, chưa kể đến việc bắt giữ khoảng 200 con tin, bao gồm cả trẻ em - đã không nhận được sự nhất trí trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Thực sự là một sự biếm họa nếu khẳng định rằng theo một cách nào đó toàn bộ Trung Đông đã đứng đằng sau những hành động tàn bạo này.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các sự kiện ngày 7 tháng 10 được một số thành phần xã hội trong khu vực coi là một biểu hiện có thể hiểu được của sự “kháng cự” trước sự chiếm đóng lâu dài của Israel đối với các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Ngay từ những giờ đầu tiên của cuộc tấn công, hàng trăm người, từ Ramallah đến Beirut, qua Cairo, Baghdad và Damascus, đã xuống đường ca hát, nhảy múa và hô vang sự ủng hộ của họ đối với người dân Palestine và chính nghĩa lịch sử của họ. Các mạng xã hội cũng tràn ngập những biểu hiện đoàn kết với Hamas, được mô tả là “anh hùng” trước số phận của người Palestine từ nhiều thập kỷ, trong khi hashtag #Palestine-is-my-cause đang lan truyền như một trào lưu trên X (trước đây là Twitter).

Phần lớn lãnh đạo các quốc gia Ả Rập láng giềng đã đả kích mạnh mẽ Israel và ủng hộ Gaza, bao gồm cả những nước đã từng ủng hộ việc nối lại quan hệ với Tel Aviv. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi mô tả phản ứng quân sự của Israel là một “phản ứng vượt quá quyền tự vệ” được đồng hóa với một “sự trừng phạt tập thể” đối với người dân Gaza. Tại Irak, Thủ tướng Mohammed al-Soudani nhắc lại sự ủng hộ không thể lay chuyển của đất nước ông đối với chính nghĩa của người Palestine. Tại Syrie, Ngoại trưởng coi hoạt động của Hamas là “danh dự” và là “cách duy nhất để người Palestine có được các quyền chính đáng của mình”. Chúng ta có thể đặt câu hỏi về tính chân thành của những tình cảm được bày tỏ ở đây, ngay cả khi tất cả chúng đều phản ánh, ở mức tối thiểu, một tư thế bị áp đặt bởi nhận thức mà các nhà lãnh đạo này có về những kỳ vọng của dư luận quần chúng của họ.

Nhiều người tin rằng chính nghĩa của người Palestine đã bị chôn vùi, hoặc ít nhất, bị xếp xuống hàng thứ hai, trong bối cảnh của sự bế tắc trong các cuộc đàm phán hòa bình và sự gia tăng của các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông khiến sự chú ý lại tập trung trở lại vào các khu vực xung đột khác (Iraq, Syria, Yemen, Afghanistan, v.v.). Tuy nhiên, “vấn đề Palestine” hiện đã trở lại trong tâm trí của các dân tộc trong khu vực và rộng hơn trên trường quốc tế.

Tính ác liệt của các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong những tuần gần đây, và thảm họa nhân đạo gây ra bởi lệnh phong tỏa toàn diện do Nhà nước Do Thái áp đặt, chắc chắn là những nhân tố làm tăng sự hỗ trợ dành cho người Palestine.

Chính xác chúng ta phải hiểu “chính nghĩa của Palestine” như thế nào?

Tuy nhiên, việc bày tỏ sự ủng hộ đối với chính nghĩa của người Palestine và thể hiện tình đoàn kết đối với Gaza cũng như thảm kịch mà người dân ở đây phải trải qua không làm cho việc xác định các đặc trưng chính xác của chính nghĩa này trở nên dễ dàng hơn. Theo trực giác, những người ủng hộ nó gắn nó với ý tưởng chung về sự vi phạm lịch sử các quyền của một dân tộc mà không phải lúc nào họ cũng có thể giải thích những quyền này bao gồm những gì.

Đối với một số người, chính nghĩa của người Palestine có mục đích chính là thành lập một Nhà nước Palestine độc ​​lập, mặc dù không có sự đồng thuận nào về lãnh thổ và biên giới của nước này: đây có phải là Palestine lịch sử, Palestine trước năm 1948 không? Có phải chúng ta đang nói về Palestine sau năm 1948, Palestine sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967? Palestine được hiểu theo góc độ của giải pháp hai Nhà nước hay trong một quốc gia duy nhất với Israel - một quốc gia do đó sẽ bao gồm có hai dân tộc?

Đối với một số người khác, chính nghĩa của người Palestine trước hết là quyền của những người tị nạn Palestine trở về lại vùng đất gốc của họ, nơi họ đã buộc phải chạy trốn vào năm 1948 trong cuộc lưu vong Nakba – thảm họa, tai họa trong tiếng Ả Rập.

Xét sự phức tạp của tình hình Trung Đông và thời gian đã trôi qua kể từ khi Nhà nước Israel được thành lập, tính bất định về mặt định nghĩa như vậy không có gì đáng ngạc nhiên. Sự xấu đi của cuộc xung đột Israel-Palestine và tình hình ở Gaza cũng như ở Cisjordanie cũng góp phần to lớn vào sự tan rã dần của những gì trước đây có thể xuất hiện như một chính nghĩa thống nhất thành nhiều chính nghĩa riêng biệt và không nhất thiết phải khớp nối với nhau.

Về mặt triệu chứng, chính Chính quyền Palestine, trong quá trình tìm kiếm tầm nhìn cho tương lai, ngày nay đang băn khoăn về bản chất của chính nghĩa này - tuy nhiên một cách không rõ ràng - và về các phương tiện để tập hợp số lượng ủng hộ lớn nhất. Vào tháng 12 năm 2021, Mahmoud Abbas đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin về “những diễn biến mới nhất của chính nghĩa của người Palestine”, sau đó gặp Nguyên soái Sissi tại Sharm el-Sheikh, ở Sinai, để yêu cầu Ai Cập ủng hộ người Palestine. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, không có đề xuất cụ thể nào nhằm thúc đẩy mục tiêu này.

Áp lực từ đường phố: sự kết thúc của Hiệp định Abraham[2]?

Phải thừa nhận rằng một số quốc gia Ả Rập, bắt đầu từ Ai Cập, có hòa bình chính thức với Israel từ năm 1978, cảm thấy lúng túng trước chuỗi các sự kiện gần đây; trong khi đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza, Ai Cập cũng từ chối chào đón làn sóng người tị nạn Palestine vào lãnh thổ của mình. Bài phát biểu của chính quyền Ai Cập ủng hộ chính nghĩa của Palestine bắt nguồn nhiều hơn từ áp lực từ đường phố Ai Cập, với hàng nghìn người biểu tình tuyên bố đoàn kết với Gaza trên khắp đất nước.

Sự tức giận đang dâng cao ở nhiều thủ đô Ả Rập khác, đặc biệt là sau khi Hamas và Hezbollah, với sự đỡ đầu của Iran, kêu gọi tổ chức nhiều “ngày nổi giận” để đáp trả cuộc tấn công của Israel cũng như số người chết và bị thương ngày càng tăng trong dân thường ở Gaza. “Hãy diệt nước Mỹ! Hãy diệt Israel!”, có thể được nghe thấy ở đây và ở đó trong các đoàn người khác nhau, điều này minh họa rõ ràng cho sự dai dẳng của chính nghĩa Palestine, không hề bị lãng quên trong trí tưởng tượng tập thể của người Ả Rập và do đó tiếp tục gây tiếng vang trong ý thức chính trị địa phương.

Jordanie, một quốc gia Trung Đông khác có hòa bình với nước láng giềng (Israel), đã thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ Gaza, đặc biệt là người Palestine là một bộ phận đáng kể của dân số. Tại Libya, hàng trăm người biểu tình vẫy cờ mang màu sắc của Palestine và che mặt bằng keffieh nổi tiếng của người Palestine, tuần hành để tưởng nhớ các “liệt sĩ hy sinh vì lý tưởng” ở Gaza và Cisjordanie. Những đám đông lớn tập trung ở Thổ Nhĩ KỳIran, bên ngoài đại sứ quán Israel, cũng như các đại sứ quán Anh, Mỹ và Pháp, để bày tỏ sự phẫn nộ trước tình hình và sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, câu hỏi chắc chắn được đặt ra là tương lai của Hiệp định Abraham được ký vào tháng 9 và tháng 12 năm 2020 giữa Israel với một số quốc gia Ả Rập và Hồi giáo (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, sau đó là Maroc và Sudan), cũng như của tương lai của các hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do Thái và các quốc gia quan trọng khác ở Trung Đông, bắt đầu từ Ả Rập Saudi, quốc gia từ nay đình chỉ mọi tiến trình thiết lập quan hệ giao hảo về mặt ngoại giao với Israel.

Quốc tế hóa: cuộc chơi sẽ thay đổi như thế nào?

Trên phạm vi quốc tế, cuộc đấu tranh công nhận các quyền của người dân Palestine không phải là điều gì mới; nhưng chiến tranh Gaza đã làm sống lại chính nghĩa này. Nếu chúng ta biết các hành động của phong trào BDS (Boycott, Divestment and Sanctions/Tẩy chay, thoái vốn và trừng phạt) ở phương Tây, nhằm mục đích gây áp lực lên Israel cho đến khi người Palestine có quyền tự quyết đầy đủ và chủ quyền, chúng ta cũng thấy một số xu hướng nhất định xuất hiện trong những năm gần đây, chẳng hạn như cuộc vận động “Palestinian Lives Matter”, lấy cảm hứng từ phong trào Black Lives Matter chống phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ.

Tất nhiên, người Palestine hoan nghênh sự đoàn kết mới này, bởi vì họ luôn cho rằng nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ bên ngoài, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của họ sẽ không thể thực hiện được. Chúng ta hãy nhớ rằng chính nghĩa của người Palestine đã được quốc tế hóa vào những năm 1960; Vào thời đó, nó chủ yếu được các phong trào chính trị và sinh viên cánh tả ủng hộ, những người luôn coi chính nghĩa này là cuộc đấu tranh giải phóng chống lại sự áp bức của thực dân đế quốc. Thế hệ trẻ Palestine tập trung hầu hết các yêu cầu của mình xung quanh ý tưởng về quyền bình đẳng với người Israel, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội tụ mục tiêu của chính nghĩa của họ với các cuộc đấu tranh khác, đặc biệt là các cuộc đấu tranh chống thực dân.

Vượt lên trên những nguy cơ bị công cụ hóa mà nó luôn phải gánh chịu, chính nghĩa của người Palestine đang được tái định hình trước mắt chúng ta, cởi mở với thế giới và những khả năng khác nhau. Nhưng vẫn cần phải đánh giá xem trong mức độ nào, những tái cấu hình hiện tại, một khi mà tính thời sự của chiến tranh qua đi, có báo trước tiến bộ nào ở cấp độ chính trị trong trung và dài hạn.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Proche-Orient: le retour de la « cause palestinienne », The Conversation, 29.10.2023

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Myriam Benraad Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế và Ngoại giao/Đại học Quốc tế Schiller - Giáo sư/Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Khoa học Chính trị (ILERI), Trường Quản lý IÉSEG.

[2] Hiệp định Abraham là hai hiệp ước hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và giữa Israel và Bahrain. Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố vào ngày 13 tháng 8 năm 2020. Chúng được ký kết vào ngày 15 tháng 9 năm 2020 tại Nhà Trắng ở Washington, kèm theo tuyên bố ba bên cũng được tổng thống Mỹ ký với tư cách nhân chứng. Những thỏa thuận này được mở rộng bởi những thỏa thuận với Sudan và Maroc.

Những thỏa thuận này thể hiện sự phát triển chiến lược của các quốc gia vùng Vịnh, làm nổi bật, trong bối cảnh địa chính trị tổng thể của Trung Đông, khoảng cách giữa các quốc gia theo dòng Sunni và Iran theo dòng Shiite, đồng thời phản ánh sự yếu kém của người Palestine trong việc đạt được giải pháp cho vấn đề hai quốc gia — một nhà nước Israel và một nhà nước Palestine bao gồm một phần Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem - được hầu hết cộng đồng quốc tế ủng hộ (ND).

Print Friendly and PDF