CUỘC CHIẾN TỐN KÉM VÀ BẤT TẬN CHỐNG LẠI HOẠT ĐỘNG CÁC NHÓM BUÔN NGƯỜI Ở EO BIỂN MANCHE
London, quyết tâm đóng cửa biên giới với người di cư, tài trợ phần lớn của việc săn lùng các nhóm buôn người. Nhưng những nhóm nhỏ này, thường do người nước ngoài cầm đầu, không ngừng được chuyên nghiệp hóa, làm thất bại sự giám sát của cảnh sát.
Hơn 140 người lưu vong đã bị chính quyền phát hiện hoặc bắt giữ trên các bãi biển của eo biển Manche vào đêm thứ Bảy ngày 7 tháng 10 đến Chủ nhật ngày 8 tháng 10. Biển lặng và thời tiết trong xanh. Được phát hiện trên hòm những chiếc xe tải hoặc trên các bãi biển giữa Quend (Somme) và Etaples (Pas-de-Calais), những người tị nạn này, được khuyến khích bởi thời tiết thuận lợi, mưu toan vượt biển đến bờ biển nước Anh, nằm cách đó từ 60 đến 70 km theo đường chim bay.
Vài giờ sau, sáng Chủ nhật, nhà chức trách Pháp cũng thông báo phát hiện một thi thể dạt vào, gần bãi biển Merlimont (Pas-de-Calais). Theo chính quyền thành phố của thị trấn nhỏ ven biển này, đó là một đứa trẻ công dân Eritrea, cũng muốn đến Vương quốc Anh.
Các nỗ lực vượt eo biển Manche hoặc Bắc Hải thường xuyên diễn ra trên các bãi biển của Bờ biển Opal, cách Boulogne-sur-mer, Calais hay Dunkerque không xa. Theo các tổ chức phi chính phủ địa phương, những người tị nạn bị thu hút bởi Vương quốc Anh, hiện nay là khoảng 2.000 đến 2.500 người đang chờ đợi trong điều kiện bấp bênh trên bờ biển gần Calais và Dunkerque, những điểm dừng cuối cùng trên hành trình từ quê hương của họ.
Trong nhiều thập kỷ, nguồn gốc dân tộc/quốc tịch của họ đã thay đổi tùy theo những diễn tiến địa chính trị, khủng hoảng kinh tế và xung đột toàn cầu. Vẫn còn rất nhiều người Afghanistan, Eritrea, người Kurd ở Iraq, Sudan, Việt Nam… muốn vượt qua eo biển có rất nhiều tàu bè qua lại này với dòng chảy mạnh.
Năm 2023, 28.900 người đã ra biển trên những chiếc thuyền nhỏ. Trong số đó, 3.800 người đã được cứu và đưa về Pháp, theo số liệu từ tỉnh Manche và Bắc Hải.
“Ít chuyến vượt biển hơn, nhưng thuyền chở nhiều hơn”
Xung quanh sự lưu vong của họ, một sự buôn bán khổng lồ đã phát triển. Đó là sự buôn bán của những nhóm nhỏ buôn người tạo điều kiện cho những chuyến khởi hành này dọc một biên giới ngày càng khép kín. Sự buôn bán này đã nổi lên vào những năm 1990. Kỹ thuật lịch sử của nó: giấu những người lưu vong trong một trong ba triệu xe tải[1] đi qua Đường hầm Eurotunnel, mở cửa năm 1994, hay qua cảng Calais mỗi năm.
Theo lời khai của những người tị nạn và số liệu do cảnh sát biên phòng ghi lại, việc vượt biên bất hợp pháp bằng xe tải qua cái gọi là “cửa ngõ” của nước Anh này có giá từ 4.000 đến 10.000 euro mỗi người. Trong hệ thống trong bóng tối này, các giá bấp bênh thay đổi tùy theo nhiều nhân tố khác nhau: nét mặt hoặc mức độ nguy hiểm của dịch vụ gắn với sự hiện diện ít nhiều của lực lượng cảnh sát.
Lợi nhuận ước tính của những kẻ buôn người thật kinh khủng: chúng có thể vận chuyển 10 đến đôi khi 25 người mỗi đêm trên mỗi chiếc xe tải mà tài xế ngủ gà ngủ gật không hề hay biết. Theo chính quyền tỉnh Pas-de-Calais, vào năm 2021, 13.900 người tị nạn đã bị chặn lại trên các xe tại cảng Calais và Đường Hầm Eurotunnel.
Trong những năm qua, đối mặt với sự gia tăng các biện pháp kiểm soát tại cảng Calais và Đường Hầm Eurotunnel, các nhóm đã bổ sung thêm cách vượt biển bằng xuồng bơm hơi vào các “vụ vượt biên bằng xe tải” này. Kể từ năm 2018, những chuyến đi bằng thuyền nhỏ này dễ bị chính quyền phát hiện hơn nhưng lại ít tốn kém hơn. Theo sự tính toán của Pascal Marconville, tổng luật sư tại Tòa phúc thẩm Douai, các chuyến đi, được tổ chức vào ban đêm từ những bãi biển biệt lập, có giá từ 2.000 đến 3.000 euro mỗi người.
Ông giải thích vào chi tiết: “Những nhóm nhỏ có tổ chức này, mà đa số hiện nay là những người đến từ vùng Kurdistan ở Iraq hoặc từ Sudan, nhập khẩu những chiếc thuyền chất lượng kém do Trung Quốc sản xuất được vận chuyển đến đây qua Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, rồi Bỉ. Giờ đây, những kẻ buôn người đang phát triển thứ gọi là kỹ thuật “taxi thuyền": trong khi trước đây, họ chôn thuyền trong cát rồi thổi phồng chúng trên bãi biển thì giờ đây, họ thổi phồng chúng trên đất liền và vận chuyển chúng ra biển qua các con sông nhỏ. Ngoài ra, do có sự hiện diện của công an nên việc vận chuyển thiết bị trên các bờ biển ngày càng khó khăn nên họ để ít thuyền đi hơn, vẫn giữ giá cũ nhưng lại chở quá tải, có tới 70-80 người, một điều nguy hiểm hơn.”
Thật vậy, các viên chức truy lùng các đường dây/mạng lưới này, theo dõi chúng. Theo một số nguồn tư pháp, hậu cần của những kẻ buôn người cũng tương tự như của những kẻ buôn lậu ma túy. Mỗi thành viên có một vai trò: điều phối viên, người chứa chấp, người hậu cần, v.v.. Antoine Berthelot, phó tổng chưởng lý của Douai nhấn mạnh: “Họ thường được trang bị vũ khí và đụng độ với nhau để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình”.
Chẳng hạn, tháng 6 năm ngoái, 13 nghi phạm buôn người đã bị bắt cách Dunkerque không xa, bị tình nghi đứng sau hàng loạt vụ xả súng khiến 3 người thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương kể từ năm 2022. “Giống như các vụ buôn bán ma túy, những kẻ chân tay bộ hạ – những kẻ điều khiển các xe cộ, những người chứa chấp người di cư hoặc những người lùa, dồn họ đi – đều ở tuyến đầu,” phó tổng chưởng lý nói. Những kẻ cầm đầu các hoạt động buôn bán này ở xa địa bàn hoạt động, cũng như tài sản của chúng được tiếp nhận thông qua các nhà môi giới hoặc môi giới chứng khoán ở nước ngoài.
Vào năm 2022, Cục Phòng Chống Buôn Bán Người Di cư Bất hợp pháp (OLTIM) tự hào về việc triệt phá 32 đường dây buôn người điều hành các chuyến đi bằng thuyền, so với 27 đường dây vào năm 2021. Tuy nhiên, thường là những “kẻ chân tay bộ hạ” diễu hành tại các tòa án ở khu vực Bắc và có nguy cơ phải ngồi tù tới mười năm.
“Đây là mặt tàn nhẫn của loại công lý chóng vánh này ở Pháp, cũng như đối với buôn bán ma túy, trong đó một cá nhân có một viên crack nhỏ trên người sẽ bị tù nặng hơn những tên cướp, trên thực tế, chúng ta không nhằm mục đích tiêu diệt những kẻ thực sự làm cho tội ác phát đạt”, một nguồn tư pháp giấu tên tố cáo, chỉ trích hệ thống trình tòa ngay lập tức này.
Năm 2019, Cơ quan tài phán quốc gia chịu trách nhiệm về cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức (Junalco) đã được thành lập để cố gắng đánh vào đỉnh cao nhất của hệ thống trên phạm vi quốc tế.
Hàng triệu euro của/từ Vương quốc Anh
Đối mặt với một hoạt động không hề cạn kiệt, kinh phí luôn luôn càng quan trọng hơn. Nước chính chi tiền là Vương quốc Anh, quyết tâm làm cho biên giới biển này không thể vượt qua. Với tư cách là quốc gia đến, hiện nay việc trợ cấp cho các quốc gia quá cảnh lân cận để hãm lại các chuyến khởi hành/xuất phát điểm là một chính sách phổ biến ở châu Âu.
Do đó, Liên Minh châu Âu trợ cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Libya trong việc giám sát bờ biển của họ, Vương quốc Anh cũng làm như vậy với Pháp. Thủ tướng hiện tại thuộc Đảng Bảo thủ, Rishi Sunak, nắm quyền được một năm, đã nhắc lại vào tuần trước rằng ông sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn những con thuyền” của người di cư. Mọi thứ được triển khai để ngăn cản việc họ đến Vương quốc Anh.
Vào tháng 7, Quốc hội Anh đã thông qua một đạo luật gây nhiều tranh cãi chống lại việc nhập cư bất hợp pháp, bị Liên Hợp Quốc lên án là “trái ngược” với quyền của người tị nạn. Trong số những biện pháp, có biện pháp cản trở những người di cư đến lãnh thổ Anh “bất hợp pháp” xin tị nạn ở Vương quốc Anh.
Chính phủ bảo thủ cũng hy vọng rằng những người di cư sẽ nhanh chóng bị trục xuất về quê hương của họ hoặc đến một nước thứ ba, chẳng hạn như Rwanda, một quốc gia mà chính quyền này đã ký thỏa thuận. Tòa án Tối cao sẽ phải sớm ra phán quyết về tính hợp pháp của việc đưa người di cư (thuộc bất kỳ quốc tịch nào) đến quốc gia châu Phi này.
Chính phủ cũng đã thả neo một sà lan nổi ba tầng trên eo biển Manche ở Portland, một hòn đảo ở phía tây nam nước Anh. “Trại tiếp nhận” này có tên Biby Stockholm sẽ chứa tới 500 người đàn ông. Sự tức giận đang bùng lên trên đảo Portland, nơi một số tổ chức phi chính phủ và người dân lên án một cơ sở hạ tầng “vô nhân đạo”, ví nó như một nhà tù.
Ngay từ thập kỷ qua, London đã đầu tư rất nhiều để ngăn chặn các chuyến khởi hành từ bờ biển Pháp. Vào năm 2016, ngay sau khi dỡ bỏ trại có biệt danh là “Rừng Calais”, nơi che chở cho 10.000 người tị nạn, London đã hoàn thành một bức tường chống người di cư dọc đường vành đai của cảng với số tiền 2,7 triệu euro để ngăn chặn bất kỳ sự xâm nhập nào bằng các xe chở hàng nặng.
Trong khuôn khổ hiệp ước hợp tác Sandhurst về sự kiểm soát nhập cư, được ký kết vào năm 2018 giữa London và Paris, Pháp cũng nhận được 149,8 triệu euro đóng góp của Anh cho đến năm 2022. Trong ngân sách này, 24,6 triệu euro được dành riêng vào năm 2021 và 2022 để đảm bảo an ninh của các cơ sở hạ tầng xuyên eo biển Manche.
13,3 triệu euro cũng tài trợ thiết bị cho lực lượng an ninh và tăng cường giám sát trên không, trên bộ và trên biển. Cuối cùng, 17,8 triệu euro đã được sử dụng để tăng cường “sự hiện diện của con người” trên bờ biển cùng với lực lượng dự bị bổ sung từ lực lượng hiến binh và cảnh sát quốc gia, được triển khai 24 giờ một ngày, theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ.
“Không có chính sách tiếp nhận”
Vào tháng 3 năm 2023, chính quyền Anh và Pháp đã ký một thỏa thuận khác. Trong ba năm tới, khoản đóng góp của Vương quốc Anh sẽ là 541 triệu euro để “tăng cường” hợp tác và các phương tiện để “kiểm soát dòng người di cư”.
Một thành viên của Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRO) có mặt ở Calais tố cáo “Sự hiện diện của cảnh sát rất dày đặc. Nhà nước có mặt ở Calais, nhưng chỉ bằng chính sách đàn áp, không có chính sách tiếp nhận người di cư và điều này đáng lo ngại vì hiện nay có nhiều người lưu vong hơn đầu năm”, để "thu thập tư liệu về bạo lực của Nhà nước ở biên giới", bà giải thích.
Nhóm báo cáo về “những vụ trục xuất thường xuyên những người lưu vong, chính thức nhằm mục đích tránh việc thành lập một trại mới. Việc Nhà nước chỉ áp dụng chính sách bạo lực, sách nhiễu đối với những người này khiến họ phát điên, tạo ra tổn thương nơi họ và khuyến khích họ chấp nhận nhiều rủi ro hơn để rời đi. Chính sách này do Nhà nước lựa chọn đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của những kẻ buôn người tổ chức các cuộc vượt biển.” Ngoài ra, biên giới càng bị rào chắn thì giá do những kẻ buôn người áp đặt càng tăng và các tuyến đường mà người tị nạn đi qua càng nguy hiểm.
Trong mắt nhiều tổ chức phi chính phủ hiện diện trên thực địa, vụ đắm tàu dường như không thể tránh khỏi được các phương tiện truyền thông phổ biến rộng rãi vào tháng 11 năm 2021, khiến 27 người chết đuối, chủ yếu là công dân người Kurd ở Iraq, đã nêu bật tính chất nguy hiểm của những chuyến vượt biển này. Tổng cộng, kể từ năm 2019, đã có 53 người thiệt mạng trên biển và 5 người mất tích. Theo số liệu chính thức.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “La lutte onéreuse et sans fin contre le business des passeurs dans la Manche”, Alternatives économiques, 30.10.2023
[*] Élisa Perrigueur là một nhà báo độc lập. Bà quan tâm đến các vấn đề di cư và các phong trào xã hội. Năm 2017, bà đã giành được Giải thưởng Báo chí Châu Âu Louise Weiss cho phóng sự Vượt biển/Passage des mers. Cuộc điều tra của bà về các biên giới châu Âu, được xuất bản trên Mediapart, tập trung vào biên giới giữa Pháp và Anh, Libya và Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp (ND).