10.11.23

SMITH Adam, 1723-1790

SMITH Adam, 1723-1790

Adam Smith sinh năm 1723 tại Kirkcaldy (Scotland). Sau khi được đào tạo vững chắc tại đại học Glasgow, nơi ông theo học F. Hutcheson, rồi tại đại học Oxford, năm 1751 ông được bổ nhiệm làm giáo sư đại học Glasgow. Tại đây ông giảng dạy triết học đạo đức, và như vậy tiếp nối F. Hutcheson. Ngày nay ta biết nội dung giảng dạy của ông nhờ hai phiên bản những ghi chép về những bài giảng của ông, được biết dưới tựa Lectures on Jurisprudence. Cùng với nguời bạn David Hume, Smith tham gia vào hoạt động tri thức đặc biệt nổi bật, một hoạt động đặc trưng của Scotland vào thời buổi ánh sáng.

Năm 1759, ông công bố Lí thuyết những tình cảm đạo đức (dưới đây viết tắt là TCĐĐ) và được tái bản năm lần trong lúc ông còn sống. Năm 1764, Smith bỏ ghế giáo sư để làm gia sư cho công tước trẻ Buccleuch cùng ông chu du lục địa châu Âu, chủ yếu là ở Pháp, nơi ông gặp Voltaire, dAlembert, dHolbach, Helvétius và nhất là QuesnayTurgot. Trở về Anh năm 1767, Smith bắt đầu viết Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của của cải các dân tộc (dưới đây viết tắt CCDT). Việc hoàn thành tác phẩm dường như là phức tạp và bị trễ do có tính đến cuộc cách mạng Mĩ cho đến 1776. Được bổ nhiệm làm quan chức thuế quan, cho đến lúc chết vào năm 1790, ông tập trung vào việc tái bản hai tác phẩm chính của mình.

Từ Lí thuyết những tình cảm đạo đức đến Của cải các dân tộc

Mục đích của TCĐĐ là giải đáp câu hỏi đâu là nguồn gốc những đánh giá của chúng ta về điều thiện và điều ác, điều đúng và điều bất công, cái đẹp và cái xấu. Việc nối khớp hai tác phẩm của Smith trong một thời gian dài bị đặt thành vấn đề vì sự đồng cảm là một khái niệm trung tâm của TCĐĐ trong lúc trao đổi dựa trên tính ích kĩ giữ một vị trí tương tự trong CCDT (đây là Das Adam Smith Problem). Nếu vấn đề này ngay nay đã được giải quyết nhờ việc làm rõ là sự đồng cảm không kéo theo lòng nhân từ, thì vẫn còn vấn đề được đặt ra trong TCĐĐ của đánh giá đạo đức liên quan đến hoạt động kinh tế. Quả thế Smith chia sẻ cùng với những người cùng thời cách nhìn một xã hội chia thành hai nhóm xã hội: những người nghèo lao động và những người giàukhông lao động, lại hoang phí và tham tiền hám của. Tất nhiên bình thường người nghèo là đối tượng của một đánh giá tích cực (phù hợp với truyền thống Do thái-Kitô giáo) và người giàu (cũng theo truyền thống này) bị lên án.

Thế mà, ngay từ TCĐĐ, Smith sử dụng ẩn dụ nổi tiếng bàn tay vô hình (theo một nghĩa không chính xác bằng nghĩa sẽ được ông xác định trong CCDT) để chỉ ra là chi tiêu của người giàu cho phép người nghèo có việc làm. Việc sử dụng ẩn dụ này đưa chúng ta vào lĩnh vực của lí thuyết kinh tế. Vì vấn đề không còn là vì sao sự xa hoa và sự hám của tham tiền là một điều vô đạo đức (Mandeville từng nói là có những điều vô đạo đức có ích, nhưng dù gì đi nữa vẫn là điều vô đạo đức, và chính xoay quanh nghịch lí này mà cuộc tranh luận về sự xa hoa đã nổ ra) nhưng là nghiên cứu trong những điều kiện nào thì những hành vi trên của những giai cấp thực hiện chúng (địa chủ và nhà chế tạo) là tương hợp với lợi ích chung (tỉ suất tăng trưởng của việc làm và do đó của của cải thực tế).

Và trong thực tế CCDT bắt đầu bằng nhận định sau: chênh lệch thu nhập ở Tây Âu là quan trọng hơn nhiều chênh lệch giữa người da đỏ ở Mĩ. Thế mà nguời Anh nghèo nhất có cuộc sống tốt hơn ngưòi da đỏ giàu nhất. Nhận định này không phải là mới. Điều mới là câu hỏi được đặt ra: đâu là những điều kiện giải thích một hiện tượng như thế? Hay nói cách khác, với những điều kiện nào thì việc tích luỹ tư bản là tương hợp với sự tăng trưởng của việc làm và do đó của tỉ suất lương thực tế?

Của cải của các dân tộc

Tác phẩm này gồm có 5 quyển. Quyển thứ nhất trình bày lí thuyết giá cả và lí thuyết phân phối, quyển thứ hai bàn về lí thuyết tiền tệ, lãi suất và tăng trưởng. Hai quyển đầu này có tính phân tích, quyển III (ngắn) thoạt nhìn là đáng chú ý hơn. Quyển này chủ yếu có tính lịch sử và mô tả lịch sử kinh tế của châu Âu kể từ sự sụp đổ của đế chế La Mã. Đối với Smith, vấn đề là giải thích hệ thống trọng thương (một tập những ý tưởng sai lầm và nhất là những cách làm chính trị tai hại), một hệ thống mà CCDT được viết ra để chống lại, và việc phê phán hệ thống này chiếm phần chủ yếu của quyển IV.

Thật vậy, chương cuối của quyển II (kinh tế học vĩ mô của Smith) mô tả điều được Smith gọi bằng trật tự tự nhiên của vạn vật mà ta có thể kiến giải như một mô hình phát triển. Trong trật tự tự nhiên của vạn vật sự phát triển bắt đầu bằng việc khai thác nông nghiệp, rồi các công trường thủ công, và cuối cùng là thương mại ở xa. Nếu nền kinh tế phát triển theo mô hình này (điều mà chúng tôi không bàn đến ở đây) thì sự phát triển sẽ là tối ưu theo nghĩa của Smith, vì nó đảm bảo được tỉ suất tăng trưởng tối đa của khối lượng tiền công (khối lượng này được đồng hoá với của cải thực tế ngay từ chương 5 của quyển I). Thế mà theo Smith, trật tự này giống với trật tự những sở thích của các nhà đầu tư (với những tỉ suất lợi nhuận giống nhau). Chính sự trùng khớp đáng chú ý này giữa những sở thích của các nhà tư bản và trật tự tự nhiên của vạn vật mà Smith gọi bằng bàn tay vô hình trong CCDT (IV, 2).

Thế mà sự sụp đổ của đế chế La Mã đã gây nên sự đảo ngược trật tự này ở châu Âu. Và hệ quả của sự đảo ngược này là làm giảm tỉ suất tăng trưởng và đặt gần nhau một cách quá đáng sức mạnh kinh tế của những thương gia với quyền lực chính trị. Do đó tính thiên vị của quyền lực này, một quyền lực lẫn lộn bộ phận (lợi ích của thương gia) với tổng thể (lợi ích chung), sự thiên vị này là nguồn gốc của hệ thống trọng thương.

Rõ ràng là nếu chủ nghĩa tự do kinh tế được định nghĩa như một học thuyết chống lại những can thiệp không đúng chỗ của Nhà nước vào lĩnh vực kinh tế, thì sẽ là sai lầm khi đọc trong CCDT những cơ sở của một học thuyết như thế vì Smith, ngược lại, đấu tranh chống những sự can thiệp không đúng chỗ của các thương gia vào những công việc của Nhà nước, mà hệ quả là hệ thống trọng thương.

Chính vì thế quyển V được dành cho chi tiêu công cộng và việc tài trợ chi tiêu này.

Lí thuyết giá cả và lí thuyết phân phối

Quyển I của CCDT được dành cho lí thuyết giá cả và lí thuyết phân phối. Diễn ngôn của Smith nối khớp hai bước logic (được trình bày như hai giai đoạn lịch sử). Trong một giai đoạn đầu (được gọi là thời kì nguyên thuỷ), Smith xét đến một nền kinh tế tiền công không thôi. Tất cả các tác nhân đều là những người lao động độc lập. Thu nhập duy nhất được phân phối là tiền công. Trong khuôn khổ này ông trước tiên nghiên cứu sự phân công lao động và một cách tổng quát hơn sự trao đổi. Ví dụ nổi tiếng của xưởng sản xuất đinh ghim (trích từ bộ bách khoa của dAlembert và Diderot) được dùng để minh hoạ bằng cách nào chính những tiến bộ của sự phân công lao động cho phép làm giàu. Từ đó Smith suy ra một cách logic là việc trở nên giàu có không bị cung ràng buộc, nhưng bị cầu ràng buộc khi khẳng định rằng sự phân công lao động bị giới hạn bởi bề rộng của thị trường. Ở đây bề rộng của thị trường chỉ điều mà nơi khác Smith gọi là cầu thực tế”, tức là sức mua có mặt trên thị trường. Do đó đây không phải là một số lượng vật lí mà là tích của một số lượng với giá cả.

Cũng vẫn trong khuôn khổ của nền kinh tế tiền công này mà Smith đưa tiền tệ vào (chương 4) để dẫn đến (chương 5) sự đối lập giữa giá thực tế (real price) và giá danh nghĩa. Giá thực tế của một hàng hoá là giá tính bằng lượng lao động. Giá này cho biết hàng hoá này mua được (chiếm dụng được) bao nhiêu lượng lao động hay ngược lại người làm công phải bỏ ra bao nhiêu lượng lao động để mua hàng hoá đó. Do đó có định nghĩa của cải thực tế như là sức mua lao động (hay sản phẩm của lao động) của người khác. Sự đối lập này còn được nhấn mạnh hơn bởi giả thiết của một tính ổn định lớn hơn của lao động như đơn vị thước đo giá cả. Mặc dù giả thiết này bị Ricardo phê phán (và theo chúng tôi phê phán này là chính đáng) mạnh mẽ như là không có cơ sở trong trường hợp tổng quát ngay trong những trang đầu của Những nguyên lí của kinh tế chính trị học và thuế khoá, cần nhận thấy là giả thiết này vẫn còn được vận dụng mỗi khi ta điều chỉnh những giá danh nghĩa bằng chỉ số giá tiêu dùng.

Kể từ chương 6 của quyển I, Smith từ bỏ thời kì nguyên thuỷ và dẫn chúng ta đến thời kì tiên tiến”, một thời kì được đặc trưng bằng sự tồn tại của lợi nhuận và địa tô. Sau khi nhấn mạnh đến việc là những thu nhập này không phải là thù lao cho một đóng góp vào sản xuất, Smith thiết kế (chương 7) sự phân biệt giá tự nhiên và giá thị trường của một hàng hoá. Giá tự nhiên không phụ thuộc vào cung và cầu hàng hoá (khác với giá thị trường) nhưng được định nghĩa như là giá sao cho tiền công, địa tô và lợi nhuận cần thiết phải chi trả để thu hút một số lượng tự nhiên những hàng hoá trên thị trường được trả theo những tỉ suất tự nhiên của chúng (ở đây được Smith coi là cho trước). Smith giả định rằng sự cạnh tranh làm cho giá thị trường xoay quanh giá tự nhiên.

Những chương tiếp theo của quyển I được dành cho việc nghiên cứu vào chi tiết những qui luật giải thích tiền công, lợi nhuận và địa tô.

Đương nhiên kinh tế học vi mô của Smith khơi lên nhiều vấn đề mà chỉ xin nêu ở đây một số quan trọng nhất. 1) Một trong những vấn đề đầu tiên được những người kế tục Smith đề cập liên quan đến địa tô. Lí thuyết xác định địa tô của Smith là phức tạp. Lí thuyết địa tô chênh lệch, do Anderson và West phát triển độc lập với nhau (và được Ricardo sử dụng lại) có thể được kiến giải như giải pháp cho vấn đề này, đồng thời ấn định số tiền của địa tô. 2) Một vấn đề khó hơn nữa là Smith xem những tỉ suất tiền công và lợi nhuận là cho trước. Nếu những người kế tục ông sẽ chấp nhận tỉ suất tiền công là cho trước thì ta cũng biết rằng Ricardo từ chối thừa nhận rằng tỉ suất tiền công và tỉ suất lợi nhuận có thể được cho một cách độc lập với nhau. Do đó ông xem lí thuyết phân phối (quan hệ giữa giá cả, tỉ suất tiền công và tỉ suất lợi nhuận) như là vấn đề chính của kinh tế chính trị học.

Lí thuyết tiền tệ và lí thuyết tăng trưởng

Đối tượng của quyển II của CCDT là việc tích luỹ tư bản và do đó là sự tăng trưởng, được xét trên quan điểm của toàn bộ nền kinh tế. Smith đề cập đến vấn đề, của những quan hệ giữa tiền tệ và vốn, một vấn đề khó. Đối với Smith, vàng và bạc thuộc về vốn lưu động của một dân tộc nhưng không được tính vào thu nhập của dân tộc đó. Do đó vấn đề tế nhị của cương vị kinh tế của những kim loại quí (điểm quan trọng trong cuộc tranh luận giữa ông với các nhà trọng thương). Ta đành phải nhận xét rằng Smith né tránh hơn là xử lí vấn đề này, bằng cách đề cập cung tiền tệ thông qua việc phân tích các ngân hàng. Điểm này chắc chắn là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy rằng Smith không phải là một luật sư vô điều kiện của tự do kinh doanh (J. Viner). Một mặt Smith xem việc thiết lập những qui định cẩn trọng có tính ràng buộc (khi tính đến những kinh nghiệm của Scotland trên vấn đề này) là thiết yếu đến độ là có thể xem ông như một trong những người cha của học thuyết những hiệu ứng thực tế , mặt khác, và nhất là, ông bảo vệ nguyên tắc một lãi suất cao do Nhà nước ấn định gần nhất có thể với lãi suất bình thường của lợi nhuận, nhằm loại khỏi thị trường cho vay những tay thao túng dự án. Rõ ràng là kinh nghiệm của ngân hàng của Law và của South Sea Bubble, khiến ông đề cập, để nói nhẹ nhàng, một cách vô cùng thận trọng vai trò của các ngân hàng như những trung gian tài chính. Điểm này cần được nhấn mạnh và không chỉ vì những thách thức về mặt học thuyết, mà còn vì nó làm rõ một đặc điểm của tư duy của Smith khó được những người kế thừa ông (ngoại trừ Malthus) chấp nhận, tức là khả năng dư cung vốn và do đó khả năng của những cuộc khủng hoảng kinh tế. Vả lại, định hướng không đúng này của vốn là một trong những hệ quả của chế độ trọng thương.

Tóm lại, điểm chủ yếu của lí thuyết tăng trưởng của Smith dựa trên việc phân biệt, được coi là thiết yếu, giữa lao động sản xuất và lao động phi sản xuất. Tỉ suất tăng trưởng chủ yếu dựa vào phần lợi nhuận được tái đầu tư trong việc sử dụng người lao động sản xuất, phần lợi nhuận này được xem là một biến ngoại sinh.

Do đó ở đây ta gặp lại biến then chốt làm cho gia tăng của của cải thực tế của một dân tộc phụ thuộc vào hành vi của những nhà chế tạo. Như thế ông khai trương truyền thống lớn của Anh (Ricardo, Marshall, Keynes), một truyền thống bao giờ cũng đưa lên hàng đầu những quyết định của các doanh nhân.

· An Inquiry into the Nature and the Causes of the Weath of Nations (1776), Oxford, Clarendon Press, 1976. The Theory of Moral Sentiments (1759), Oxford, Clarendon Press, 1976. Enquête sur la nature et les causes de la richesse des nations (1776), trad. fr. P. Taieb, Paris, PUF, 1995, trad. fr. G. Garnier, Paris, Flammarion, 1991.

HALÉVY E., La formation du radicalisme philosophique (1903), Paris, PUF, 1995. HOLLANDER S., The Economics of Adam Smith, Toronto/Bufalo, University of Toronto Press, 1973. HONTI I. & IGNATIEFF M. éd., Weath and Virtue, the Sphaping of Political Economy in the Scottish Enlightenment, London, Cambridge University Press, 1983. MATHIOT J., Adam Smith, philosophie et économie, Paris, PUF, 1990. RAPHAEL D. D., Adam Smith, Oxford, Oxford University Press, 1985. SKINNER A. & WILSON T., ed., Essays on Adam Smith, Oxford, Clarendon Press, 1976. VINER J., Adam Smith and laisser-faire, (1928), Adam Smith, 1776-1926, fac-similé de léd. de 1928, New York, A. M. Kelley, 1966. WEST E. G., Adam Smith and Modern Economics, Aldershot, E. Elgar, 1990. WINCH D., Adam Smith Politics. An Essay in Historiographic Revision, London, Cambridge University Press, 1978.

 Daniel Diatkine

Giáo sư đại học Évry-Val d’Essone (Évry)

 Nguyễn Đôn Phước dịch

® Bàn tay vô hình; Cân bằng; Chủ nghĩa tự do; Của cải; Giá trị; Kinh tế thị trường; Phân phối thu nhập; Tăng trưởng kinh tế; Tối ưu; Tự do thương mại.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF