14.11.23

Vai trò nào cho BRICS trong nền kinh tế thế giới?

VAI TRÒ NÀO CHO BRICS TRONG NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI?

Mary-Françoise Renard

Giáo sư kinh tế học, Đại học Clermont Auvergne (UCA)

Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi vào tháng 8 năm ngoái. Marco Longari/AFP

Tự giải phóng mình khỏi ảnh hưởng của các cường quốc phương Tây và tạo thành một lực lượng kinh tế và địa chính trị mới. Đây là mong muốn được BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) bày tỏ trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 8 năm 2023. Đây cũng là điều nổi lên trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của G77 kết thúc vào ngày 16 tháng 9 tại Havana.

Vấn đề không phải là cắt đứt với những cường quốc này mà là khẳng định bản thân khi đối mặt với chúng. Các quốc gia trên, giống như các quốc gia mới nổi khác, cho rằng họ đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ sự phát triển của các nền kinh tế tiên tiến, chẳng hạn như vấn đề môi trường, trong khi vẫn phải trả giá (cho sự phát triển này). Do đó, họ mong muốn hạn chế sự phụ thuộc và tăng quyền ra quyết định của mình.

Có nhiều tình huống rất khác nhau giữa các nước trong nhóm BRICS. Điểm chung chính giữa các nước này là họ đều là những nền kinh tế mới nổi nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, biểu thị những thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế và không còn thuộc nhóm các nước đang phát triển tuy vẫn chưa gia nhập nhóm các nước phát triển.

Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg kết thúc với sự gia nhập của 6 quốc gia mới bắt đầu từ năm 2024: Ả Rập Saudi, Argentina, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ethiopia và Iran. Có rất nhiều ứng cử viên và một sự mở rộng rất có thể xảy ra trong tương lai. Hội nghị thượng đỉnh được rất nhiều phương tiện truyền thông theo dõi đã thành công, đặc biệt đối với Trung Quốc, vốn rất ủng hộ các sự gia nhập mới, liên quan đến các quốc gia mà họ đã có được những quan hệ vững chắc.

Những lý do của sự tiến hóa này là gì? Và hệ quả của nó có thể là gì?

Tác động đến sự cai quản toàn cầu

Hai ngày trước hội nghị thượng đỉnh, tổng thống Nam Phi khẳng định quyết tâm không liên kết với các cường quốc. Qua đó, ông khẳng định quan điểm của nhiều nước không lên án hành động xâm lược của Nga ở Ukraine để không đi theo ý muốn của châu Âu và Mỹ.

Do đó, hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội để nhắc lại tham vọng của nhiều quốc gia Phương Nam trong việc tái cấu trúc vai trò của họ trong sự cai quản toàn cầu. Trong nhiều năm, BRICS đã muốn tăng cường trọng lượng của mình trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới. Đặc biệt mong muốn này được thể hiện trong G20 đầu tiên vào năm 2008.

Những yêu cầu lặp đi lặp lại này là chủ đề của một cuộc bỏ phiếu về nguyên tắc vào năm 2012 tại IMF và của sự sửa đổi cái mà chúng ta gọi là “các hạn ngạch” vào năm 2015. Hạn ngạch của một quốc gia xác định lượng nguồn tài chính tối đa mà quốc gia đó cam kết cung cấp cho IMF cũng như số tiền vay tối đa mà nó có thể nhận được từ định chế này. Trên hết, trong vấn đề cai quản, nó thể hiện quyền lực biểu quyết trong các quyết định của cơ quan toàn cầu này. Các hạn ngạch này được Hội đồng Thống đốc xem xét lại ít nhất 5 năm một lần.

Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế phát triển vẫn tiếp tục chiếm đa số trong quyền ra quyết định này. Bản sửa đổi lần thứ 15 được đưa ra vào năm 2020 không dẫn đến bất kỳ sửa đổi nào về hạn ngạch, làm cho sự bất bình của các nước mới nổi trầm trọng thêm: BRICS vẫn ở vị thế yếu so với các nền kinh tế tiên tiến. Một số sửa đổi đã được đề xuất, đặc biệt là trong phương pháp tính toán, cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Hiện nay phương pháp này vẫn tính đến, theo thứ tự, mức độ quan trọng của GDP, mức độ mở của nền kinh tế, sự ổn định của nền kinh tế và dự trữ vàng và ngoại tệ của quốc gia.

Sự sửa đổi tổng quát lần thứ 16 về hạn ngạch đang được tiến hành và sẽ hoàn thành vào giữa tháng 12 năm 2023. Trong khi đó, đối mặt với điều mà Trung Quốc cho là sự đánh giá thấp vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu, nước này, bằng cách triển khai sáng Kiến “Một vành đai, Một con đường(thường được gọi là Dự án các con đường Tơ lụa), muốn tạo điều kiện cho việc thành lập các định chế được coi là giải pháp thay thế cho IMF và Ngân hàng Thế giới. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) được thành lập vào năm 2013 và Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) vào năm 2015, đôi khi được gọi là Ngân hàng BRICS, có trụ sở chính tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

Trung Quốc nắm giữ 26% quyền biểu quyết trong ngân hàng đầu, so với 16% của khu vực đồng euro, và do đó làm tăng vai trò của họ trong sự cai quản toàn cầu. Việc mở cửa ngân hàng thứ hai cho các quốc gia mới như Ả Rập Saudi sẽ tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng này đồng thời cho phép Trung Quốc đa dạng hóa đầu tư của mình. Nó không phải là sự thay thế cho IMF hay Ngân hàng Thế giới nhưng nó tăng cường sức mạnh đàm phán của BRICS.

Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Ngoài các tổ chức quốc tế, BRICS cũng đang cố gắng đạt được một trọng lượng mới thông qua thị trường ngoại tệ. Được Tổng thống Brazil đề cập ngắn gọn, sự tồn tại của một đồng tiền chung cho các quốc gia này đã không được giữ lại và dường như rất khó xảy ra do tính không đồng nhất của các nước này. Tính không đồng nhất này lại càng trở nên lớn hơn với sự mở rộng của nhóm.

Tính chất quốc tế của một đồng tiền được đánh giá bằng việc sử dụng nó bên ngoài lãnh thổ quốc gia, trong trao đổi thương mại và tài chính, làm dự trữ ngoại hối và trên thị trường ngoại hối. Nó là một vectơ của sự tin cậy trong các giao dịch quốc tế. Kể từ khi đồng euro được tạo ra vào năm 1999, tỷ trọng của đồng đô la trong dự trữ của các ngân hàng trung ương đã giảm từ 71% xuống 54,7% vào năm 2023, tỷ lệ của đồng euro là 18,3% và của đồng nhân dân tệ là 2,39%. Do đó, sự sụt giảm trọng lượng của đồng đô la là có thật, nhưng đồng tiền này vẫn tiếp tục thống trị rõ ràng các đồng tiền khác, đồng nhân dân tệ chiếm vị trí thứ 7.

Chính Trung Quốc dường như có khả năng tốt nhất để đưa ra một giải pháp thay thế và cho phép một số quốc gia thoát khỏi sự thống trị của đồng đô la. Bối cảnh vẻ thuận lợi vì nhiều lý do.

Bằng cách sử dụng đặc quyền ngoài lãnh thổ của luật pháp của mình (quyền ngoại trị), có được nhờ vị thế tiền tệ quốc tế của đồng đô la, để trừng phạt đặc biệt là các công ty nước ngoài, Hoa Kỳ theo một cách nào đó đã phá vỡ hiệp ước ngầm liên kết nước này với phần còn lại của thế giới. Bằng cách trừng phạt các quốc gia giao dịch với các đối thủ của mình, Washington đã tạo ra mối lo ngại lớn ở nhiều quốc gia ngần ngại tuân theo quan điểm của Mỹ. Vả lại, từ năm 2014, khi các lệnh trừng phạt của Phương Tây chống lại Nga bắt đầu, ngay cả các công ty của Pháp cũng giảm sử dụng đồng đô la.

Trong khi sự đóng băng tài sản của Nga và việc loại nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift sau cuộc xâm lược Ukraine bị nhiều nước Phương Nam đón nhận rất tệ, Nga cũng đã chuyển sang hệ thống thay thế do Trung Quốc thiết lập vào năm 2015, được gọi là CIPS “Hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc/China International Payment System”.

Do đó, quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ tiến triển khá chậm, nhưng việc sử dụng nó ở các nước mới nổi và đang phát triển ngày càng tăng. Nó đã được tích hợp vào Quyền rút vốn đặc biệt của IMF vào năm 2016. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang tăng số lượng thỏa thuận hoán đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tiền tệ và các khoản vay cho các quốc gia nằm trong dự án Con đường tơ lụa vẫn tiếp tục.

Đồng đô la vẫn là đồng tiền tham chiếu

Vào tháng 7 năm 2023, đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 3,06% thanh toán bằng ngoại tệ so với 46,46% của đồng đô la và 24,42% của đồng euro, được xếp ở vị trí thứ 5. Quy mô của Trung Quốc, trọng lượng của nó trong nền kinh tế thế giới và đặc biệt là trong thương mại quốc tế có thể hỗ trợ vị thế của đồng nhân dân tệ như một đồng tiền quốc tế.

Mary-Françoise Renard (1952-)

Nếu chúng ta quan sát thấy sự đa dạng hóa trong việc sử dụng các đồng tiền, thì sự phát triển rất có thể xảy ra là xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục, với việc khu vực hóa cho phép sử dụng đồng tiền địa phương và việc tiếp tục quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, nhưng đồng đô la vẫn là đồng tiền quốc tế tham chiếu. Tính không thể chuyển đổi của đồng nhân dân tệ, các biện pháp kiểm soát vốn và quy mô thị trường vốn chưa đủ lớn của Trung Quốc vẫn ngăn cản nước này biến đồng tiền của mình thành một giải pháp thay thế cho đồng đô la. Đồng đô la vẫn giữ vai trò trung tâm trong hệ thống tiền tệ quốc tế do sức nặng chính trị, quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ vốn đưa ra những đảm bảo cho phép nước này có một đồng tiền quốc tế: một hệ thống tài chính lớn, sự cai quản minh bạch hệ thống này dựa trên các quy tắc và sự phân biệt yếu kém giữa cư dân trong nước và cư dân nước ngoài.

Tính không đồng nhất của nhóm BRICS và sự khác biệt về lợi ích của các nước trong nhóm khiến việc phối hợp chính sách của họ trở nên khó khăn. Vì họ không muốn đoạn tuyệt với Hoa Kỳ và Châu Âu, những mối quan hệ hợp tác này vẫn có thể cho phép họ tăng cường khả năng đàm phán và tác động đến việc cai quản toàn cầu về các chủ đề cơ bản như cuộc chiến chống đói nghèo hoặc tính bền vững về môi trường của sự phát triển.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Quel rôle pour les BRICS dans l’économie mondiale, The Conversation, 26.9.2023

----

Bài có liên quan

Print Friendly and PDF