CÁC “QUỶ MÁY” TẠO CÔNG TY KHỞI NGHIỆP LÀM BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI
PHẦN 2: HỆ SINH THÁI CỦA NỀN KINH TẾ KHỞI NGHIỆP
Tác giả: Nguyễn Trung Dân[*]
Đằng sau thành công của các công ty khởi nghiệp Apple và Microsoft mà ngày nay là hai đại công ty số 1 và số 2 toàn cầu (có giá trị khoảng 3 nghìn tỷ USD, khoảng sáu lần GDP Việt Nam với 100 triệu dân), không chỉ là tầm nhìn và tài năng phi thường của các tay “quỷ máy” mà còn có nhiều yếu tố quan trọng khác. Một trong số đó là một hệ sinh thái (ecosystem) hỗ trợ vô cùng đắc lực cho các công ty khởi nghiệp của nước Mỹ.
![]() |
Máy tính chủ IBM 360 (ảnh chụp 1975). |
IBM, một hiện tượng lịch sử của nền kinh tế dựa trên KH&CN
Những chiếc máy tính cá nhân (personal computer – PC) đầu tiên ra đời vào những năm 1975 – 1977. Đến năm 1980, doanh thu về PC đã lên tới 1 tỷ USD nhưng đó vẫn chưa được coi là một lĩnh vực kinh doanh nghiêm túc. Hầu hết những người mua và sử dụng PC là những người đam mê điện tử nghiệp dư hoặc viết phần mềm để giải trí. Giới khoa bảng cũng chỉ mới bắt đầu sử dụng PC giải những bài toán đơn giản thay vì phải dựa vào các máy tính chủ vốn phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê. Tuy vậy, ngành công nghiệp PC phát triển từ con số không lên đến hàng trăm tỷ đô la không thể chỉ dựa vào các tay quỉ máy mà cần có sự can thiệp của một hệ sinh thái đặc biệt.
