19.6.25

Thời Đại Khai Sáng – Cách Mạng Pháp Năm 1789 (1)

THỜI ĐẠI KHAI SÁNG – CÁCH MẠNG PHÁP NĂM 1789 (1)

Phần 1: Nguyên nhân chính trị, kinh tế, tài chính
Biên soạn: Tôn Thất Thông – Hiệu đính: Hoàng Lan Anh

Hậu bán thế kỷ 18 là thời kỳ đầy rẫy khủng hoảng cho các chế độ cũ ở châu Âu với hệ thống kinh tế và chính trị cổ hủ lúc ấy. Những thập niên cuối của thế kỷ 18 chứa đầy những biến cố chính trị mà đôi lúc đã đạt đến đỉnh điểm của sự nổi loạn, song song với các phong trào đòi tự trị khắp nơi. Không riêng trường hợp Mỹ (1776 – 1783) ở bên kia Đại Tây Dương, mà cả những thuộc địa ngay tại châu Âu, như Ái Nhĩ Lan (1782 – 1784), Bỉ (1787 – 1790), Hà Lan (1783 – 1787), Thụy Sĩ, và ngay cả Vương quốc Anh cũng đối diện với hỗn loạn (1779). Nhiều sử gia sau này đều xem hậu bán thế kỷ 18 là “thời đại cách mạng dân chủ”, mà trong đó cách mạng Pháp đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất, lâu dài nhất[1].
(Sử gia Anh Eric Hobsbawm).

1789 không chỉ là năm định mệnh của Pháp, mà của cả lục địa già và cả thế giới. Một cơn địa chấn chính trị mà ít người tưởng tượng có thể xảy ra lúc đó tại kinh đô của quốc gia hùng mạnh nhất nhì châu Âu. Đó là một biến cố lịch sử lớn lao, khi nhà chuyên chế tuyệt đối Louis XVI mất hết quyền lực vào tay nhân dân Pháp. Người dân Paris, không hề có sự hậu thuẫn của cảnh sát và quân đội, đã đứng lên thách thức hệ thống quyền lực của Vương triều và vô hiệu hóa bộ máy chuyên chế một cách bất ngờ chỉ sau vài tháng. Tất cả bắt đầu bằng cuộc phản kháng phi bạo lực của những người dân nghèo trong tay không có vũ khí. Và thú vị hơn, lực lượng đã ép buộc Louis XVI rời cung điện Versailles để trở về chịu giam lỏng ở Paris, là 6000 phụ nữ chợ cá Paris, những người chỉ có gậy gộc trong tay, đa số không biết chữ, và cũng không có kiến thức gì cao siêu của giới trí thức tư sản.

Tiếc thay, khi cách mạng đã thành công, và chế độ phong kiến đã hoàn toàn sụp đổ, thì những người nắm quyền cực đoan thuộc cánh Jacobins[2], với nhà lãnh đạo trẻ tuổi Maximilien de Robespierre, đã dẫn cuộc cách mạng đến những biến động đẫm máu đầy bạo lực chính trị để tạo nên những biến động lịch sử làm thay đổi bộ mặt của thế giới hiện đại. Cuộc cách mạng bắt đầu bằng lý tưởng cao đẹp “tự do, bình đẳng, huynh đệ[3]”, rồi nhân danh cách mạng, nó trở nên cuồng tín, cực đoan, bạo loạn, khủng bố. Nó bắt đầu bằng sự hưng phấn vui mừng của nhiều lớp người trên khắp lục địa, rồi bị nguyền rủa như quỷ sứ ở trần gian. Điều gì đã xảy ra trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 18, thập niên đáng nhớ nhất của lịch sử Pháp và của cả loài người?

La Liberté Guidant le Peuple (Tự do lãnh đạo nhân dân). Tranh của danh họa Eugène Delacroix, 1830.

Nguyên nhân dẫn đến cách mạng

Thế hệ chúng ta vốn rất ấn tượng về những lý giải lịch sử các cuộc cách mạng đứng trên quan điểm kinh tế, một phương pháp luận mà các sử gia Marxist ở hậu bán thế kỷ 20 đã hăng hái bênh vực. Những người này không ngần ngại dùng luận cứ đấu tranh giai cấp để lý giải rằng, nguyên nhân cuộc cách mạng Pháp chủ yếu nằm ở tình trạng khốn khó của những người bần cùng, xem kinh tế là nguồn gốc sâu xa, và xem giai cấp vô sản là động lực của cách mạng. Điều đó có thể đúng phần nào cho một số cuộc cách mạng trước đó và sau này. Nhưng đối với cuộc cách mạng Pháp năm 1789, kinh tế tỏ ra chỉ là yếu tố châm ngòi cho những bất mãn đã âm ỷ qua nhiều thế hệ trong một tầng lớp dân chúng, mà ở Pháp thuở đó được gọi là tầng lớp thứ ba (le tiers état), bao gồm không chỉ nông dân, lao động mà cả trung lưu, trí thức, học giả, thương nhân thành đạt, tức lớp người mà Karl Marx sau này đã khái quát hóa là tầng lớp tư sản. Những bất mãn đó chỉ đợi có cơ hội là bộc phát thành hành động cách mạng.

Nói cho cùng, nghèo khó có thể dẫn đến bạo loạn, nhưng khó lòng tạo nên một cuộc cách mạng vốn dĩ có nguồn gốc rất sâu xa như cách mạng Pháp. Vả lại, cuộc sống người Pháp cho đến năm 1788 không thể gọi là nghèo, ngược lại là khác. Tài liệu đáng tin cậy thuở đó để lại cho thấy là sự phồn vinh của Pháp kể từ giữa thế kỷ 18 có tăng lên, và tình trạng vật chất của mọi lớp người trong xã hội, từ giàu đến nghèo, đều được cải thiện[4].

Thời gian 50 năm trước cách mạng, kim ngạch ngoại thương tăng lên bốn lần; đội thương thuyền viễn dương tăng từ 7 chiếc vào năm 1738 lên 33 chiếc sau bốn mươi năm. Thương mại nội địa cũng tăng trưởng không kém nhờ hệ thống giao thông đường bộ và sông ngòi kênh rạch không ngừng được cải thiện. Không có nước nào mà người ta có thể du lịch nhiều, nhanh, thoải mái và rẻ tiền như ở Pháp. Công nghiệp cũng bắt đầu phát triển, dù chậm hơn Anh 20 năm, nhưng tốc độ thì không kém. Khác với hầu hết các nước khác ở châu Âu, chế độ nông nô ở Pháp không còn hoặc chỉ tồn tại ở mức độ thấp trong những vùng hẻo lánh như Jura hoặc Bourbonnais. Đa số tiểu nông đều có ruộng vườn riêng, nhiều hoặc ít, nhưng cộng lại cũng chiếm được 50% tổng diện tích đất canh tác, và nếu nông sản làm ra không  đủ ăn, họ cũng có thể làm việc thêm cho các điền chủ giàu có[5].

Từ đó, vài câu hỏi nghiêm chỉnh cần được đặt ra: Ở bên dưới ánh hào quang của một xã hội giàu sang như thế, làm sao còn tồn tại một đám đông nông dân nghèo khổ đến độ không đủ ăn? Và những người này có sẵn sàng chịu rủi ro khi lao vào những cuộc bạo động cách mạng với tương lai không thấy trước? Nếu kinh tế không phải là nguyên nhân sâu xa của cách mạng, vậy thì điều gì?

Cảm nhận từ sự quan sát có thể thay đổi năm này qua năm khác, vùng này sang vùng khác. Vì vậy, để đi tìm nguyên nhân, có lẽ chúng ta cần một phân tích toàn diện, bao gồm sự tổng hợp của nhiều yếu tố phức tạp, nhiều nguyên nhân sâu xa. Để thấy rõ hơn, chúng ta thử khảo sát bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của Pháp trong một thời kỳ đặc thù của lịch sử, khi trào lưu khai sáng ở Pháp đã thăng hoa đến đỉnh cao chưa từng có.

Sau đây chúng ta thử phân tích các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc bùng nổ cách mạng, qua việc khảo sát các chủ đề sau đây, bao gồm hai phần:

Phần thứ nhất: Nguyên nhân chính trị, kinh tế và tài chính
Phần thứ hai: Nguyên nhân xã hội, sự vươn dậy của trào lưu khai sáng, ảnh hưởng của cách mạng Mỹ năm 1776.

Nguyên nhân chính trị

Từ giữa thế kỷ 17, vua Louis XIV (1638–1715) lên ngôi năm 1643 lúc mới 5 tuổi, và mãi đến 1660, ông mới thực sự nắm quyền lúc vừa 22 tuổi, và tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng về mọi mặt. Suốt gần một thế kỷ, nếu như văn chương, nghệ thuật, kiến trúc chứng kiến một thời đại phát triển vàng son, nước Pháp trở thành một nước giàu có và quyền lực nhất nhì châu Âu, thì người dân Pháp cũng phải trả một giá chính trị rất đắt: Pháp trở thành một quốc gia quân chủ chuyên chế tuyệt đối, một khái niệm vốn còn xa lạ tại châu Âu vào thế kỷ 17.

Nhà vua trở thành một nhân vật có quyền hành tuyệt đối, chỉ đứng sau Thượng Đế, điều mà các vị tiền nhiệm chưa hề đạt được suốt nhiều thế kỷ, và điều mà các Vương triều châu Âu nằm mơ cũng chưa thấy. Nhà vua cai trị quốc gia và đứng trên cả luật pháp, vì “nhà nước chính là ta” như các vị vua từ đó về sau xem là châm ngôn. Cung điện Versailles vĩ đại được xây dựng ở trước cửa ngõ Paris là biểu tượng của sự chuyên chế tuyệt đối và trật tự châu Âu. Toàn bộ quyền lực quốc gia đều nằm trong tay nhà chuyên chế. Không có khái niệm phân quyền, tất cả đều nằm trong tay một cá nhân duy nhất là nhà vua, với mệnh lệnh xuất phát từ một vị trí duy nhất là cung điện Versailles.

Khi vua Louis XIV mất vào năm 1715, người kế vị mới 5 tuổi và chịu dưới quyền giáo huấn của công tước Philipp. Ông này nộp đơn lên quốc hội để xin đổi nội dung di chúc, biến hệ thống chuyên chế tuyệt đối thành hệ thống chuyên chế hội đồng (Conseil) mà ông là chủ tịch, nhưng thực chất chế độ cai trị chỉ thay đổi bề ngoài[6]. Khi vua Louis XV (1710–1774) thực sự nắm quyền, thể chế chính trị chuyên chế tuyệt đối vẫn hoạt động như trước. Nhưng với năng lực cai trị non kém của nhà vua, nội bộ Vương triều đã xuất hiện những phe phái đối lập nhau, tranh giành quyền lực và triệt hạ lẫn nhau, đồng thời tình trạng tài chính quốc gia ngày càng khó khăn. Trong bối cảnh đó, kể từ 1745, vị Tổng Thanh tra Tài chính (Controlleur Géneral) Jean-Baptiste de Machault d’Arnouville cố gắng tìm cách cải tổ hệ thống thuế khóa để một mặt nâng cao ngân sách, đồng thời cân bằng gánh nặng tài chính cho mọi tầng lớp. Ông chủ trương rằng, giới tăng lữ và giới quý tộc phải chịu nhiều nghĩa vụ hơn trước[7].

Cuộc cải tổ này tất nhiên gặp sức kháng cự của nhà thờ, một thế lực mạnh vốn có nhiều vây cánh chung quanh nhân tình của nhà vua, bà Marquise de Pompadour. Kết quả là Tổng Thanh tra bị sa thải, đạo luật mới về thuế bị rút lui. Dù trật tự cũ vốn giành nhiều ưu đãi cho giới tăng lữ và quý tộc được tái lập, nhưng sự kiện này đã làm phát sinh một cuộc khủng hoảng chính trị lớn, đồng thời ý thức phản kháng của người dân bắt đầu thành hình. Có lúc, nhà vua suýt chết vì bị ám sát vào năm 1757.

Marquise de Pompadour. Tranh của danh họa François Boucher.

Khi nhà vua đột ngột qua đời năm 1774 vì bệnh đậu mùa, ông để lại cho người kế vị một nền tài chính kiệt quệ và một đất nước trên bờ vực sụp đổ. Vua Louis XVI (1754–1793) lên kế vị lúc vừa mới 20 tuổi, chưa được huấn luyện đầy đủ về vai trò làm vua, không có kinh nghiệm gì về chính trị, thiếu năng lực lãnh đạo, thiếu tính quả quyết để đưa ra quyết định.

Thế mà ông phải thừa hưởng một gia sản èo uột của vua Louis XV: cuộc khủng hoảng chính trị vẫn còn âm ỉ, chưa được giải quyết tận gốc, và dường như ngày càng phải đối đầu gay gắt với giới tư sản đòi dân chủ; hòa ước Paris 1763 đã làm suy yếu vai trò của Pháp ở Bắc Mỹ cũng như trên lục địa châu Âu; cuộc chiến tranh với Anh ở Bắc Mỹ đã để lại 1,7 tỷ livres nợ nần. Cuộc khủng hoảng tài chính trong bối cảnh mới đã dẫn đến khủng hoảng tín dụng, như hồi chuông cảnh báo cho một cuộc khủng hoảng chính trị có thể làm lung lay cả hệ thống. Một cuộc cách mạng dường như đã được thấy trước ngay từ lúc vua Louis XVI vừa lên ngôi.

Lúc này cũng là thời đại phát triển huy hoàng của trào lưu khai sáng Pháp. Sự ra đời của Bách khoa Toàn thư, đi kèm với kỹ thuật in ấn ngày càng nhanh và rẻ, là bước đột phá trong việc quảng bá tri thức và nâng cao ý thức của người dân thuộc mọi giới. Ai ai, bất kể giàu hay nghèo, bất kể học giả hay thành phần lao động, cũng có thể tiếp cận đến tri thức mới. Qua trào lưu khai sáng, người ta bắt đầu thấy sự phi lý của chế độ chuyên chế tuyệt đối, bắt đầu bất mãn vì sự ưu đãi quá đáng dành cho hai tầng lớp tăng lữ và quý tộc, trong lúc mọi gánh nặng tài chính đều đổ lên vai họ ở tầng lớp thứ ba. Sự thay đổi trong tư tưởng dần dần trở thành ý thức chính trị sống động, tạo thành sức mạnh chính trị tiềm ẩn trong mọi tầng lớp dân chúng, chỉ đợi một lực lượng lãnh đạo đứng lên là có thể biến nó thành hành động cách mạng.

Mặt khác, Vương triều Louis XVI chưa nhận thức được rằng, sự thay đổi trong tư tưởng của dân chúng, nếu không được giải quyết kịp thời, sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị cho cả hệ thống cai trị. Cuộc sống trong cung điện Versailles vẫn xa hoa vô độ, như bức thư phản kháng của luật sư trẻ Maximilien de Robespierre gửi đến nhà vua[8]: “Ngài có biết tại sao có nhiều người nghèo đói? Tại vì đời sống xa hoa phung phí của Ngài mỗi ngày tiêu hết một số tiền đủ để nuôi sống hàng ngàn người”. Trong lúc đó, nhà vua vẫn khư khư cho rằng, ngoài Thượng Đế, không ai có thể ngăn cản ông làm bất cứ chuyện gì. Chế độ kiểm duyệt ngày càng khắt khe. Không hiếm học giả khai sáng bị tù đày thậm chí bị trục xuất ra ngoại quốc. Voltaire là một trường hợp điển hình, có lúc ông phải ngồi trong ngục Bastille, lúc khác thì lưu vong nương nhờ Friedrich II Đại đế ở Phổ.

Những chính sách khắc nghiệt ấy đối với thành phần tinh hoa của đất nước chỉ làm cho tình hình khó khăn hơn. Dù không hoạt động chính trị, nhưng ngòi bút của Voltaire có tác dụng còn mạnh hơn cả một tổ chức chính trị dân sự. Kể từ thập niên 1770, Vương triều Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động. Cuộc khủng hoảng chính trị lần này mang tính chất nội bộ, nhưng rõ ràng Vương triều đã mất dần uy lực đến mức dường như không thể cứu vãn được.

Thực ra, trong triều đại Louis XVI cũng có những quan chức tài ba, có tầm nhìn xa rộng, thấy rõ mâu thuẫn giữa Vương triều và nhân dân đồng thời cũng có năng lực để giải quyết. Đó là những học giả tiếng tăm nhìn thấy xu hướng của thời đại, họ thường lui tới và được trọng vọng trong các câu lạc bộ học thuật Paris (Salons de Paris), nơi thường xuyên thảo luận các vấn đề về chính trị và triết học khai sáng.

Với chức vụ cao cấp trong chính phủ của Vương triều, họ cố gắng áp dụng những học thuyết mới mẻ để tiến hành cải cách về chính trị, kinh tế, tài chính. Tiếc thay, những cố gắng đó gặp phải sức kháng cự của những phe phái thủ cựu trong Vương triều, trong đó nhóm thân cận với hoàng hậu Marie-Antoinette là bảo thủ nhất và có ảnh hưởng lớn nhất lên nhà vua. Những cải cách của họ hoặc bị gạt ngay từ đầu, hoặc chỉ được thi hành một thời gian rồi bị rút lại, và bản thân họ cũng bị sa thải. Hai gương mặt tiêu biểu trong những người này là Anne Robert Jacques Turgot và Jacques Necker, cả hai đều là những nhà kinh tế lỗi lạc, đã từng tham chính lâu năm và nắm giữ những chức vụ trọng yếu.

Turgot là nhà kinh tế theo xu hướng trọng nông, vốn là một xu hướng tiến bộ trong thời đại đó. Ông chủ trương một chính sách khai khẩn đất đai thật hiệu quả, tự do thành lập doanh nghiệp và tự do kinh doanh, bãi bỏ tất cả các hạn chế và thiết lập sự công bằng trong xã hội. Tất nhiên, sáng kiến cải cách của Turgot đã thất bại thảm hại trong triều đại Louis XVI, và đó cũng là điều hiển nhiên. Những cải cách mang tính chất như trên, ngay với tầm mức khiêm tốn nhất, cũng không phù hợp và khó chấp nhận trong một thể chế chuyên chính[9].

Đặc biệt ở Pháp lúc đó, những cải cách triệt để mang tính cách mạng của Turgot khó lòng thực hiện khi gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của tầng lớp được ưu đãi, vì họ sợ sẽ tiếp tục còn những cải cách cực đoan tiếp theo. Đó là giới tăng lữ cấp cao và giới quý tộc có hưởng quyền thừa kế, nhất là những thành phần gần gũi với cung đình. Có lẽ sáng kiến cải cách của Turgot đến quá sớm, chỉ mới thỏa mãn ao ước của công luận, nhưng chưa phù hợp với giai đoạn lịch sử đặc thù, khi những thành phần ưu đãi nói trên vẫn còn ảo tưởng với quyền lực hiện hữu, khi họ chưa nhận thức sự cần thiết phải thay đổi và cương quyết chống lại mọi cố gắng cải cách.

Ngay cả với Jacques Necker, một Tổng Thanh tra ôn hòa với những cải cách mềm dẻo, cũng gặp phải sự chống đối mãnh liệt của các thành phần ưu đãi và sau cùng bị nhà vua sa thải. Khi tình trạng kinh tế, xã hội và học thuật đã thay đổi sâu sắc, mà nền chính trị vẫn giữ nguyên cứng nhắc như cũ, thì cách mạng dường như là con đường duy nhất để cải thiện tình hình.

Anne R. Jacques Turgot (1727-1781, trái) và Jacques Necker (1732-1804, phải).
Nguồn: Wikipedia, vùng công cộng

Phong trào vận động chính trị khắp nơi đã tạo nên những Bảng điều trần (cahiers de doléances) trên nhiều cấp độ, từ thành phố lớn đến các vùng địa phương. Nếu có điều kiện nghiên cứu nội dung chừng vài chục bảng điều trần tiêu biểu, sử gia có thể thấy một bức tranh toàn cảnh các đòi hỏi cụ thể của người dân thuộc mọi tầng lớp, một dạng thăm dò dư luận rất sáng tạo, đầy đủ và mang tính thời sự cao. Quả thực, chính những bảng điều trần này đã cung cấp chất liệu cho chính phủ cách mạng lâm thời sau năm 1789 có thể nhanh chóng soạn thảo nên một chương trình chính trị hợp lòng dân và những văn kiện lịch sử, ngay sau khi nắm được chính quyền[10].

Bảng điều trần, tổng kết nguyện vọng của dân địa phương.
Nguồn Wikipedia, vùng công cộng.

Các bảng điều trần địa phương thường mang tính chất ôn hòa, phản ánh lối sống tỉnh lẻ và không làm chói tai Vương triều. Nhưng ở Paris thì khác. Ngôn từ ở đó rất quyết liệt, nội dung mang tính khái quát hóa cao và họ không ngần ngại đặt ra những vấn đề về tự do ngôn luận, báo chí, xuất bản, bình đẳng, quyền tự nhiên, sáng kiến về quyền lực của công dân và cả vấn đề phân quyền vốn dĩ là điều cấm kỵ trong một chính thể chuyên chế tuyệt đối như ở Pháp lúc đó.

Qua những bảng điều trần đó, chúng ta thấy rằng đa số người dân Pháp, kể cả nhiều học giả tiến bộ ở Paris, vẫn chưa thấy sự cần thiết về một cuộc cách mạng, thậm chí không ai đặt ra vấn đề triệt hạ vai trò của nhà vua. Ý muốn chung của họ là kêu gọi một cuộc cải tổ sâu rộng: cải tổ thuế khóa và tài chính, cải tổ chính phủ và guồng máy hành chính, cải tổ quan hệ xã hội ở vùng thôn quê, bãi bỏ hệ thống phong kiến, cải tổ hệ thống luật pháp để bảo vệ các quyền tự do căn bản của công dân.

Nếu vua Louis XVI có năng lực giải quyết ổn thỏa các đòi hỏi về cải tổ nói trên với tinh thần thỏa hiệp, thì có lẽ cuộc cách mạng năm 1789 đã không xảy ra, và một hình thức nào đó về chế độ quân chủ đại nghị cũng có thể được thiết lập, như nước Anh chẳng hạn. Tuy nhiên, không ai có thể quay ngược bánh xe lịch sử, và vua Louis XVI thì lại không có tinh thần thỏa hiệp cần thiết.

Những phong trào vận động chính trị từ cuối năm 1788 đã dẫn đến hai hiện tượng vô cùng mới lạ, thú vị và tạo nên những tiền đề tích cực cho cuộc cách mạng:

Thứ nhất, giới tăng lữ cấp thấp, tức là những linh mục giảng đạo trong nhà thờ, vốn có nhiều liên hệ tiếp xúc và đồng cảm với giáo dân vô sản, bắt đầu có xu hướng ủng hộ những đòi hỏi của dân nghèo về cuộc cải cách cần thiết sắp tới.

Thứ hai, một bộ phận không nhỏ trong giới quý tộc, nhất là quý tộc cấp thấp ít quyền lợi, tỏ ra sẵn sàng hợp tác với tầng lớp thứ ba trong Hội đồng Tổng quát (États Généraux) đang được vận động để triệu tập. Xu hướng này xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu: khá nhiều người trong giới quý tộc – nhất là những quý tộc không thừa kế, có học thức cao và ở ngoài phạm vi cung đình – đã hấp thụ và tán thành những tư tưởng mới của trào lưu khai sáng. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là, họ nhìn thấy trong các đòi hỏi của tầng lớp thứ ba thể hiện trong cuộc vận động chính trị lúc đó có thể giúp họ thoát khỏi sự khống chế của cung đình và củng cố vai trò chính trị sẵn có của mình. Nhìn những biến cố tiếp theo về sau, chúng ta thấy sự chờ đợi đó tỏ ra là ảo tưởng. Nói cách khác, giới quý tộc đã đặt những nhát cuốc đầu tiên để tự đào mồ chôn vùi vai trò chính trị của chính giai cấp mình.

Nói chung giới tinh hoa lúc đó đã nhận thức ngày càng rõ rệt rằng, chế độ chuyên chế tuyệt đối đã đến hồi cáo chung và việc ban hành một hiến pháp mới với những quyền cơ bản cho công dân là việc không tránh được. Tuy nhiên trong thực tế, ngôn ngữ giữa Vương triều và công luận quá khác nhau, không có sự tin cậy và hợp tác giữa các bộ phận để thực hiện cải cách và nhất là, nhà vua quá yếu đuối để có thể khống chế các nhóm quyền lực trong cung đình để buộc họ phải lánh xa các hoạt động chính trị. Nói cho cùng, cuộc cách mạng năm 1789 xảy ra cũng vì sự yếu kém cũng như thiếu tinh thần thỏa hiệp của vua Louis XVI và nhóm cận thần bảo thủ chung quanh hoàng hậu Marie-Antoinette[11].

Nguyên nhân kinh tế và tài chính

Trong thế kỷ 18, nền kinh tế của Pháp vẫn chủ yếu là nền sản xuất nông nghiệp. Nhưng phương pháp canh tác thì thô sơ cho nên sản lượng trong cả nước còn thấp. Tình trạng này bộc lộ rõ rệt ở những nông trại gia đình: dụng cụ thiếu hụt, ít tư bản để mua giống, phân bón và đầu tư vào kho bãi. Chủ đất cho thuê, nhất là Vương triều và Giáo hội, thì có người sở hữu rất nhiều đất đai nhưng không canh tác hết. Hậu quả là rất nhiều đất đai bỏ hoang, nhất là các vùng Bretagne và vùng núi ở miền trung nước Pháp[12].

Phần lớn ruộng đất khắp nơi được sản xuất với phương pháp thô sơ cổ điển. Thêm vào đó, nông dân đã quen với lối canh tác cổ truyền, cho nên mặc dù từ 1760, nhiều nhà nông học cố gắng hướng dẫn việc thực hiện những phương pháp canh tác mới, nhưng cũng gặp phải sức ỳ của cả hệ thống nông nghiệp. Mức tăng trưởng lương thực không đủ để phục vụ cho dân số ngày càng tăng nhanh chóng. Năm 1715, dân số Pháp chỉ có 17 triệu, đến thập niên 1780 đã tăng lên 25 triệu[13], trong lúc nông sản không tăng kịp. Cân bằng việc cung cầu lương thực ngày càng trở nên khó khăn. Giá cả thường xuyên tăng cao.

***

Bắt đầu hậu bán thập niên 1780, Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng nông nghiệp. Thêm vào đó, hạn hán xảy ra thường xuyên. Trong những năm 1788 và 1789, tình trạng nông dân trở nên vô cùng khốn đốn, nhất là ở miền nam nước Pháp. Trong những năm đó, chỉ nhờ những chương trình bố thí của Vương triều, tăng lữ và tinh thần tương trợ của cư dân thành thị, một nửa dân số Pháp mới tránh được thảm họa chết đói.

Phương thức sử dụng đất đai canh tác trong toàn nước Pháp đều giống nhau: Chủ đất – đa số thuộc Vương triều, tăng lữ cao cấp và quý tộc địa chủ – giao cho các nông dân nghèo thuê đất, họ cũng cung cấp giống, phân bón và dụng cụ canh tác cho người lao động làm thuê. Nông sản thu hoạch được giao lại cho chủ đất một nửa, có nơi còn nhiều hơn. Trong lúc đó, con cái của nông dân phải phục vụ quân đội với đồng lương vừa đủ sống. Cũng chính giới nông dân phải đóng góp vào việc phục vụ cộng đồng bằng cách tham gia việc tu sửa đường sá, cầu cống, kênh rạch. Đấy là chưa kể gánh nặng thuế má rất phi lý đổ lên đầu tầng lớp thứ ba, nhất là nông dân. Nhà thờ cũng không buông tha cho họ bằng những hình thức cúng dường tự nguyện, vì họ là những người rất mộ đạo.

Có phải sự nghèo khó của nông dân là nguyên nhân dẫn đến cách mạng? Chắc chắn họ là động lực rất lớn trong một chuỗi nguyên nhân phức tạp. Nhưng những người nông dân nghèo nhất thì quá yếu để có thể nổi loạn. Dù họ chịu gánh nặng kinh tế nặng nhất trong hệ thống chính trị thối rữa, nhưng lại không có đủ kiến thức, năng lực và phương tiện để tổ chức việc nổi loạn. Tuy nhiên, một khi quyền lực của nhà nước phải thoái lui trước sức phản kháng của giới trí thức tư sản thành thị, khi những ý tưởng cực đoan trong đám đông đã trở thành hiệu lệnh lôi cuốn, khi chính quyền địa phương bất lực, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ quân sự từ chính quyền trung ương, lúc đó nông dân sẽ trở thành lực lượng cách mạng, lại là lực lượng hăng hái nhất, cuồng nhiệt nhất. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân cho phong trào cách mạng, và cũng dễ bị lôi cuốn vào các hành động bạo lực vô chính phủ[14].

Với tình trạng phát triển kinh tế và công nghiệp không đến nỗi tồi tệ, so với các nước khác trên lục địa châu Âu, tại sao Pháp vẫn rơi vào khủng hoảng tài chính? Ở đây có nhiều yếu tố có thể khảo sát. Trước hết là nợ nần còn để lại do bảy năm chiến tranh ở Bắc Mỹ. Khi cuộc chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ bùng nổ để chống lại chính phủ Anh, vua Louis XVI nhìn thấy cơ hội làm suy yếu quân đội Anh và trả thù cho sự thua trận thảm bại của Pháp trước đó 80 năm. Ông quyết định gửi quân cũng như cung cấp vũ khí để hỗ trợ cho quân nổi dậy Bắc Mỹ, mặc dù ông không phải là vị vua tiến bộ có tư tưởng ủng hộ các cuộc nổi dậy ở thuộc địa. Quyết định này đã khiến ngân quỹ quốc gia phải lấy tín dụng hơn hai tỷ livres sau bảy năm[15], một số tiền khổng lồ có thể cung cấp nhà cửa, thực phẩm và áo quần cho 7 triệu dân Pháp trong vòng một năm[16]. Số nợ nần đó tương đương với bốn lần ngân sách năm 1788. Không có tiền để trả nợ, nền tài chính của Pháp thực chất đã phá sản. Sự tham chiến của Pháp vào cuộc chiến giành độc lập ở Bắc Mỹ thực chất đã làm phá sản nền tài chính Pháp. Và số nợ nần mà Pháp gánh chịu để chi phí cho cuộc chiến đó, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bế tắc của hệ thống tài chính Pháp.

Bên cạnh đó là cuộc sống xa hoa của Vương triều, nhất là sự phung phí của hoàng hậu Marie Antoinette (1755–1793) mới vừa ngoài 30 tuổi. Bên trong cung điện Versailles, “khủng hoảng tài chính” vẫn là một thuật ngữ xa lạ, và cũng không ai dám nói tới. Cuộc sống thường nhật của cung đình vẫn luôn luôn theo lịch trình có sẵn, ngày ngày là những chuỗi dài liên hoan xa xỉ.

Ngoài ra, nhà vua còn phải trả lương hậu hĩ cho quan lại và quý tộc để đổi lại lòng trung thành tuyệt đối với chế độ, mà vua cũng biết rõ là không được lòng dân. Ngân sách năm 1788 của Pháp là 475 triệu livres bao gồm 256 triệu tiền thuế cộng thêm các thu nhập khác; trong lúc đó, tổng chi phí được phỏng đoán là 600 triệu, tức là thâm hụt 125 triệu livres mỗi năm[17]. Nói cách khác, tỉ lệ thâm hụt ngân sách là 25%.

Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie-Antoinette.

Nhìn vào bảng cân đối ngân sách theo thống kê sau này, số bội chi đó không xuất phát từ nhu cầu chính đáng để phát triển quốc gia, mà chủ yếu từ sự hoang phí của Vương triều và hệ thống quản lý tài chính yếu kém. Mỗi năm, ngân quỹ dành riêng cho cung điện Versailles là 34 triệu để phục vụ gia đình nhà vua, các hoàng tử, quan lại phục dịch và các buổi liên hoan xa xỉ triền miên; 93 triệu cho hưu bổng của gia đình các vị tiên hoàng Louis XV và Louis XIV. Đó là chưa kể 100 triệu cho bộ chiến tranh và 47 triệu cho bộ hải quân. Chỉ riêng bốn khoản chi phí đó, ngân sách đã mất đi 280 triệu livres. Chưa kể tiền lời của nợ nần, tiền trả lại các công trái đã đáo hạn, tổng cộng không dưới 200 triệu. Chỉ chừng đó đã vượt quá mức thu nhập ngân sách. Thực tế là, chính phủ không còn xu nào để phục vụ cho phúc lợi người dân.

Nếu Vương triều Louis XIV không xa hoa, không ban phát hậu hĩ cho giới quý tộc, giảm bớt tham vọng thống trị châu Âu qua chiến tranh, đồng thời biết sử dụng nhân tài để quản lý tài chính, thì có thể ngòi nổ cách mạng cũng chưa chắc đã bùng cháy. Để có một tổng kết ngắn gọn về tình trạng kinh tế tài chính của Pháp trước ngưỡng cửa cách mạng 1789, chúng ta có thể dùng một câu quen thuộc: Pháp lúc đó là “một quốc gia giàu có với nhà nước trên đà phá sản”. 

./.

Còn tiếp phần 2: Nguyên nhân xã hội, sự vươn dậy của trào lưu khai sáng, ảnh hưởng của cách mạng Mỹ năm 1776.

Và phần 3: Di sản của cách mạng Pháp

Xem video của bài này:

Tôn Thất Thông & Hoàng Lan Anh – Cập nhật tháng 3/2025

Tài liệu tham khảo

1.     Barudio, Günter: Das Zeitalter des Absolutismus und der Aufklärung 1648-1779. ISBN 3-596-60025-1. (Thời đại quân chủ chuyên chế và khai sáng). Fischer Weltgeschichte Band 25.

2.     Brinton, Crane (1), Christopher, John B. và Wolff, Robert Lee: A history of civilization – 1715 to the present. ISBN 0-13-389593-9. (Lịch sử văn minh – 1715 đến hôm nay).

3.     Brinton, Crane (2): The Anatomy of Revolution (Mổ xẻ các cuộc cách mạng). Vintage Books 1965.

4.     Châtelet, François chủ biên và nhiều tác giả: Geschichte der Philosophie Band IV – Die Aufklärung (Lịch sử triết học tập IV – Khai sáng). ISBN 3-548-03063-7. (Eva Brückner-Pfaffenberger và Donald Watts Tuckwiller dịch từ gốc tiếng Pháp: Les Lumières).

5.     Durant, Will và Ariel (3): Das Zeitalter Voltaires (Thời đại Voltaire). Kulturgeschichte der Menschheit – Band 14. ISBN 3-548-36114-5. (Elinor Lipper dịch từ tiếng Anh: The Story of Civilization, Vol. IX).

6.     Durant, Will và Ariel (4): Am Vorabend der Französischer Revolution (Đêm trước của cách mạng Pháp). Kulturgeschichte der Menschheit – Band 16. ISBN 3-548-36116-1. (Leopold Völker dịch từ tiếng Anh: The Story of Civilization, Vol. X).

7.     Gaxotte, Pierre: Die Französische Revolution (Cuộc cách mạng Pháp). Bản dịch của Otto Watzke từ nguyên tác tiếng Pháp: L’histoire de la révolution Française. ISBN 3-8082-0035-9.

8.     Guizot, François: The History of Civilization in Europe (Lịch sử Văn minh châu Âu – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997.

9.     Hartig, Paul: Die Französische Revolution im Urteil der Zeitgenossen und der Nachwelt (Cách mạng Pháp dưới phán xét của người đương thời và hậu thế). ISBN 3-12-425400-7

10.Hazard, Paul (2): European Thought in the Eighteenth Century (Tư tưởng Châu Âu thế kỷ 18). Pelican Book 1965 (J. Lewis May dịch từ tiếng Pháp: La Pensée européenne au XVIIIè siècle: de Montesquieu à Lessing).

11.Hinrichs, Ernst chủ biên và nhiều tác giả: Kleine Geschichte Frankreich (Tóm tắt lịch sử Pháp). ISBN 978-3-89331-663-2.

12.Hobsbawm, Eric J. (2): The Age of Revolution. ISBN 978-0-349-10484-3. (Thời đại cách mạng)

13.Hogen, Hildegard và Ban biên tập DIE ZEIT: Welt- und Kulturgeschichte Band 10 – Zeitalter der Revolution (Lịch sử văn hóa và thế giới, Bộ 10 – Thời đại Cách mạng). ISBN 3-411-17600-8.

14.Pleticha, Heinrich (1) chủ biên và nhiều tác giả: Aufklärung und Revolution – Europa in 17. und 18. Jahrhundert (Khai sáng và Cách mạng – Châu Âu trong thế kỷ 17 và 18). ISBN 3-577-15008-4 (Bertelsmanns Weltgeschichte – Band 8).

15.Schmitt, Eberhard chủ biên và nhiều tác giả: Die Französiche Revolution – Anlässe und lanfristige Ursachen (Cách mạng Pháp – Biến cố khởi đầu và những nguyên nhân sâu xa). ISBN 3-534-05014-2.

Ghi chú:

[1] Xem E. Hobsbawm (2) trang 74.

[2] Thuật ngữ Jacobins có xuất xứ từ buổi họp đầu tiên của những người quá khích, được lãnh đạo bởi Robespierre, họp tại tu viện Couvent des Jacobins ở Paris.

[3] Khẩu hiệu của cách mạng 1789: “Liberté, Egalité, Fraternité”

[4] Xem P. Gaxotte trang 40-41.

[5] Xem Gaxotte trang 44.

[6] Xem G. Barudio trang 127.

[7] Xem E. Hinrichs trang 230.

[8] Xem History Channel phút 18:50.

[9] Xem Hobsbawm (2), trang 76.

[10] Xem E. Hinrichs trang 249-250. (Tóm tắt Lịch sử Pháp)

[11] Xem E. Hinrichs, trang 240-243.

[12] Xem E. Schmitt trang 2.

[13] Xem Durant (4) trang 513 (Đêm trước của cách mạng Pháp).

[14] Xem Durant (4), trang 518.

[15] Để so sánh, một bửa ăn nhà hàng có giá 1 Livre (quan Pháp). Một người thợ tay chân có lương tháng khỏang 50-70 Livres.

[16] Xem ZDF History, phút 7:24.

[17] Xem Gaxotte, trang 51-52.

Print Friendly and PDF