27.6.25

Xuất bản, in ấn, kỹ thuật số: làm thế nào để sách được tương thích với sinh thái?

XUẤT BẢN, IN ẤN, KỸ THUẬT SỐ: LÀM THẾ NÀO ĐỂ SÁCH ĐƯỢC TƯƠNG THÍCH VỚI SINH THÁI?

Tác giả: Louis Wiart

Bộ môn truyền thông, Đại học Tự do Bruxelles (ULB)

Gần 97% lượng giấy do các nhà xuất bản mua được xác nhận bởi các nhãn hiệu liên quan đến quản trị rừng bền vững. Desintegrator/Shutterstock

Như cụm từ “tài sản văn hoá” nêu ra, sách là một sản phẩm, nghĩa là một tài sản mà người ta mua và bán. Tuy nhiên, những điểm đặc thù của sách khiến nó phát triển trong một môi trường đặc biệt mà Louis Wiart và Philippe Chantepie quan tâm nghiên cứu, họ là tác giả của quyển sách Économie du livre (Kinh tế học về sách), do nhà xuất bản La Découverte ấn hành (bộ sách “Repères”). Chúng tôi đăng một trích đoạn bàn về một trong những thách thức quan trọng của ngành sách trong những năm sắp tới: sự thích ứng của mô hình kinh tế của sách với những đòi hỏi của chuyển đổi sinh thái. Sách kỹ thuật số hay sách giấy, liệu sách có tìm được một con đường để tương thích với những đòi hỏi mới này không?

--------

Cũng như các ngành công nghệ văn hoá, ngành sách đang đối mặt với thách thức của chuyển đổi sinh thái về ba khía cạnh: khí hậu, đa dạng sinh học và chất thải. Chuyển đổi sinh thái biểu thị một thách thức quan trọng cho toàn bộ chuỗi giá trị của sách: chu trình sản xuất (giấy, có nghĩa là năng lượng, nước, các loài thảo mộc, thành tạo các màu mực), chu trình phân phối (vận chuyển) và chu trình tiêu thụ (chất thải). Như vậy, chuyển đổi sinh thái liên quan đến tất cả các giai đoạn hoạt động của sách, từ thiết kế sinh thái đến tái sử dụng và tái chế.

Thách thức đã bắt đầu được lĩnh vực xuất bản tính đến trên quy mô quốc tế về các phương thức sản xuất và tiêu thụ, được thể hiện trong các mục tiêu phát triển bền vững (ODD) của Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc (ONU) vào năm 2019. Thách thức này cũng liên quan đến xuất bản và sách kỹ thuật số đang phát triển và có vẻ ít thuận lợi hơn cho môi trường so với phương thức sản xuất và tiêu thụ giấy truyền thống.

Ở Pháp, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dựa trên quy tắc gọi là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (REP). Đối với từng ngành công nghệ, quy tắc này tính đến trách nhiệm của nhà sản xuất, từ đầu đến cuối, qua mỗi mắc xích của các chuỗi cung ứng cho đến tận người tiêu dùng. Theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, đó là làm cho nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tác động môi trường của sản phẩm của họ bằng cách bảo đảm với tư cách cá nhân hoặc tập thể việc thu gom, quản lý và tạo giá trị từ chất thải của các sản phẩm này (giấy, mực).

Các chuỗi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (REP) đã được thiết lập cho thuỷ tinh, nhựa, điện tử…. Giấy bao bì từ năm 1993 và giấy hoạ đồ (in ấn) đã liên quan đến lĩnh vực báo chí từ năm 2007. Lĩnh vực xuất bản sách không nằm trong cách tiếp cận trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, vì sách giấy không được xem là có thể biến thành rác thải sinh hoạt….

[Từ khi nộp bản thảo của quyển sách này, một kế hoạch chuyển đổi sinh thái cho lĩnh vực xuất bản đã được phổ biến ra công chúng. (Xác nhận của các tác giả quyển sách, ghi chú của ban biên tập)]

Do đó, từ những năm 2010, dần dần nổi lên một sự nâng cao nhận thức về những thách thức của chuyển đổi sinh thái từ những người chuyên môn về ngành sách, trong đó có các nhà xuất bản. Còn manh mún và rời rạc, cách tiếp cận này tuỳ thuộc vào các sáng kiến xuất phát từ những mắc xích của chuỗi sản xuất thông qua những cam kết tự nguyện. Các sáng kiến lúc đầu là cá nhân hoặc của tập thể chiếm ưu thế đối với một số khía cạnh của hoạt động vốn hướng đến quảng bá các mô hình sản xuất và thương mại hoá sách có tính chất tôn trọng môi trường hơn.

Có ít giấy được tái chế

Do đó, về phía thượng nguồn sản xuất, áp lực về khả năng cung ứng và giá của nguồn nguyên liệu (giấy, năng lượng, nước và vận chuyển) là ưu tiên, cho dù có biểu hiện của những nhạy cảm mới với sinh thái. Những phương thức tốt hơn về mua giấy tiến bộ dần: 97% lượng giấy do các nhà xuất bản mua được xác nhận bởi các nhãn hiệu (PEFC[*], FSC)[**] liên quan đến quản trị rừng bền vững, trong khi giấy tái chế chỉ chiếm 1% của tổng lượng giấy.

Việc sản xuất giấy phục vụ cho xuất bản sách không được tính đến trong trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (REP) đối với giấy đồ hoạ, điều này tạo thành một phân khúc đặc biệt nguy hại trong việc tiêu thụ năng lượng và nước, nhưng nhất là trong việc vận chuyển. Thực vậy, sản xuất giấy chủ yếu đến từ nước ngoài, vì nước Pháp nhập siêu giấy. Về hạ nguồn của chuỗi sản xuất, về phía các nhà sách, người ta dựa vào việc quy hoạch các nơi bán (chiếu sáng, sưởi ấm, cách âm, thu hồi đồ nội thất, v.v.), tối ưu hoá việc mua sách để giảm việc trả lại hay còn là việc sử dụng các sản phẩm có tác động nhỏ (giấy gói quà, túi giấy, v.v.). 

Cuối cùng, về phía các thư viện, dưới sự thúc đẩy của Liên đoàn quốc tế các hiệp hội và tổ chức thư viện (IFLA - International Federation of Library Associations and Institutions -), một cách tiếp cận mang tính tập thể cũng đang chiếm ưu thế, chẳng hạn như Chương trình nghị sự 2030 của các thư viện tại Pháp chứng tỏ điều đó. Các mục tiêu được theo đuổi coi trọng việc chia sẻ các nguồn lực giữa các cơ sở và sự cải tiến tổ chức hậu cần để hạn chế tác động đến môi trường của việc cho mượn sách.

Thách thức của việc bọc nhựa bìa sách cho mượn cũng được nêu lên. Trong tương lai, những sáng kiến này cần hướng tới việc tính đến các nhân tố khác, chẳng hạn như phương tiện đi lại của những người tiêu dùng và nhân viên.

Câu hỏi về một mô hình kinh tế

Thách thức về chuyển đổi sinh thái của ngành xuất bản đặc biệt tập trung vào những yếu tố có tính chất công nghiệp nhất của ngành, điều được minh hoạ bởi phần sản xuất in ấn ở ngoài nước Pháp (Tây Ban Nha, các nước Đông Âu, và cả Trung Quốc). Về phân khúc sản xuất và thương mại hoá, thách thức của chuyển đổi sinh thái ảnh hưởng đến trung tâm của mô hình kinh tế cấu trúc của ngành xuất bản sách. Thực vậy, ngành công nghiệp xuất bản dựa trên logic cung ứng cao hơn bán xét về phương diện cấu trúc, dù là chỉ để vươn tới những công chúng đang trong tình trạng sản xuất và phân phối không đủ, họ không được thông tin về sự hiện hữu của nguồn cung cũng như không có khả năng đề xuất nguồn cung cho mình. 

OPC Culture 2023.

Kinh tế quy mô từ ngành in ấn không cản trở mô hình này. Cũng vậy, toàn bộ chuỗi phân phối (dự trữ và vận chuyển đến và trả về từ các điểm bán) được duy trì lâu dài.

Kinh tế quy mô được thể hiện trong khối lượng được phân phối cũng như trong khối lượng trả về, và trong tỷ lệ tiêu huỷ sách không bán được. Những công cụ của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể cải thiện việc quản lý hoạt động sản xuất, dự trữ và vận chuyển, nhưng chúng cũng có tác động đến môi trường.

Louis Wiart

Chuyển đổi sinh thái có thể hiện ra như một trong những thách thức khó vượt qua nhất đối với ngành xuất bản. Ngành xuất bản đã tỏ ra có một năng lực lớn về đổi mới sáng tạo và thích nghi với các kỹ thuật, nhưng với mô hình kinh tế trung tâm không đổi. Ngược lại, thách thức về sinh thái nêu lên vấn đề về chính những nền tảng của mô hình kinh tế của ngành xuất bản.

Bài báo này có nguồn từ tác phẩm Économie du livre - Kinh tế học về sách - (Nhà xuất bản La Découverte) do Philippe Chantepie viết và các tiểu đề là của ban biên tập The Conversation Pháp.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Édition, imprimerie, numérique: comment rendre le livre compatible avec l’écologie?”, The Conversation, 28.5.2025.




Chú thích:

[*] PEFC: “Programme for the Endorsement of Forest Certification”

[**] PEFC: “Programme for the Endorsement FSC: Forest Stewardship Councilof Forest Certification”

Print Friendly and PDF