23.6.25

Trump 2.0: Công kích khoa học dù ở đâu thì cũng là công kích nền khoa học toàn cầu

TRUMP 2.0: CÔNG KÍCH KHOA HỌC DÙ Ở ĐÂU THÌ CŨNG LÀ CÔNG KÍCH NỀN KHOA HỌC TOÀN CẦU

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang phá nát nền khoa học và các tổ chức quốc tế. Cộng đồng nghiên cứu toàn cầu phải tỏ thái độ phản đối những cuộc tấn công này.

Chính quyền của Donald Trump đã phát động một cuộc tấn công vô tiền khoáng hậu vào nền khoa học Hoa Kỳ. Ảnh: David Turnley/Corbis/VCG/Getty

Đã một tháng trôi qua kể từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ lần thứ hai. Trong một lá thư gửi cho vị tổng thống mới, Nature đã thúc giục Trump và chính quyền của ông phát huy di sản và thành tựu của quốc gia trong khoa học, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu vì sự thịnh vượng và an ninh (Nature 637, 517; 2025). Chính quyền đã chọn con đường ngược lại, phát động một cuộc tấn công vô tiền khoáng hậu vào nền khoa học, vào các viện nghiên cứu và vào những tổ chức cũng như sáng kiến quốc tế quan trọng.

Gần như ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20 tháng 1, Trump đã ký vào hàng loạt sắc lệnh hành pháp hủy bỏ hoặc đóng băng hàng chục tỷ đô la tiền tài trợ cho nghiên cứu và viện trợ quốc tế, và chấp thuận hàng ngàn vụ sa thải. Các hạn chế theo kiểu Orwell (xuất phát từ tiểu thuyết 1984 của George Orwell, mô tả xã hội độc tài với sự giám sát tuyệt đối – ND) đã được áp dụng đối với nghiên cứu, bao gồm lệnh cấm các nghiên cứu đề cập đến các thuật ngữ cụ thể liên quan đến giới và giới tính, chủng tộc, khuyết tật và các đặc tính được bảo vệ khác.

Các cơ quan liên bang và trường đại học đang trong tình trạng hỗn loạn. Hàng ngàn nhà nghiên cứu đang trong tình trạng bấp bênh khi họ chờ đợi việc nới lỏng lệnh đóng băng tài trợ đáng ngờ này. Và trên khắp thế giới, hàng triệu người nhận tài trợ từ các chương trình hỗ trợ của Hoa Kỳ đã bị bỏ rơi.

Rất khó để diễn tả được mức độ thiệt hại khủng khiếp đang xảy ra với ngành nghiên cứu Hoa Kỳ, vốn có giá trị gần như không thể đong đếm được đối với chính quốc gia này lẫn thế giới. Các tổ chức đại diện cho cộng đồng khoa học toàn cầu đang bắt đầu phản ứng. Cần có thêm nhiều tiếng nói lên án để ủng hộ các đồng nghiệp Mỹ. Cộng đồng khoa học và giáo dục Hoa Kỳ phải biết rằng họ không đơn độc. Việc công kích vào khoa học và các nhà khoa học dù ở đâu cũng là công kích nền khoa học và các nhà khoa học ở khắp mọi nơi.

Các cá nhân và tổ chức đang thách thức một số hành động của chính quyền Trump tại tòa án, và có thể Nhà Trắng sẽ buộc phải điều chỉnh hoặc đảo ngược một số quyết định của mình. Tuy nhiên, xu hướng tổng thể đã rõ ràng: họ muốn hạ thấp, nếu không muốn nói là loại bỏ hoàn toàn, các bằng chứng độc lập dựa trên khoa học và lời khuyên của chuyên gia; đồng thời còn có sự coi thường trắng trợn đối với các thỏa thuận quốc tế.

Cơn lốc phá hoại

Chính quyền đang sa thải các nhân viên liên bang khỏi các cơ quan quốc gia, kể cả những cơ quan tuyển dụng nhà nghiên cứu lẫn cơ quan dựa vào nghiên cứu để hoạt động, thường là trong các lĩnh vực then chốt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường và sự an toàn và an ninh của con người. Chính quyền đang thực hiện các đợt cắt giảm đột ngột và quyết liệt đối với chi tiêu công. Các tổ chức bị ảnh hưởng bao gồm cả các cơ quan có uy tín toàn cầu như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Viện Y tế Quốc gia (NIH). Các cuộc họp của các hội đồng đánh giá tài trợ nghiên cứu của NIH đã bị đình chỉ ngay từ đầu nhiệm kỳ của Trump và đến nay vẫn vậy. Cục Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia, đơn vị lưu giữ hồ sơ chính thức của đất nước, cũng bị ảnh hưởng, tương tự cho các thư viện công và bảo tàng.

Trên mặt trận quốc tế, quyết định rút khỏi hoặc cắt giảm mạnh các cam kết lâu dài sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hoa Kỳ thường là bên đóng góp lớn nhất cho các sáng kiến ​​toàn cầu có liên quan trực tiếp đến Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, kế hoạch toàn cầu nhằm chấm dứt đói nghèo và đạt được tính bền vững về môi trường. Quốc gia này cũng đóng góp khoảng 1/5 ngân sách hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Trump đã tuyên bố về ý định rút khỏi WHO. Tuy việc rút lui chính thức phải đợi đến năm sau nhưng tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã yêu cầu hơn 8.000 nhân viên WHO tạm dừng mọi chuyến công tác, ngoại trừ những chuyến cực kỳ cần thiết.

Trump cũng đã hủy bỏ tài trợ liên bang của Hoa Kỳ cho các dự án quốc tế về biến đổi khí hậu, với tổng trị giá khoảng 11 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng nguồn tài chính công toàn cầu dành cho khí hậu hằng năm. Cùng với quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, đây là một đòn nặng giáng vào việc giải quyết biến đổi khí hậu và sẽ trì hoãn các nỗ lực tăng cường hỗ trợ tài chính cho những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ sự nóng lên toàn cầu.

Đóng băng viện trợ

Ít nhất một triệu phụ nữ ở các quốc gia trên thế giới đã mất khả năng tiếp cận dịch vụ tránh thai do hậu quả của việc “tạm dừng” 90 ngày đối với nguồn tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nguồn viện trợ lớn nhất từ một quốc gia đơn lẻ, bao gồm cả hỗ trợ khoa học. Năm 2023, Hoa Kỳ đã giải ngân 72 tỷ đô la viện trợ quốc tế, trong đó có khoảng 60% được cung cấp thông qua USAID.

Phần lớn trong số hơn 10.000 nhân viên của cơ quan này đã bị cho nghỉ việc tạm thời. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các tòa nhà của USAID hiện không thể tiếp cận được, website cũng rơi vào tình trạng tương tự. Mặc dù về mặt lý thuyết, các chương trình cứu sống được miễn trừ khỏi mọi thay đổi tức thì, nhưng trên thực tế, có rất ít, thậm chí là không có, nhân viên USAID hoặc hệ thống tài chính nào còn vận hành để duy trì các khoản thanh toán tài trợ cho các chương trình này. Nguồn tài trợ từ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về AIDS (President's Emergency Plan for AIDS Relief – PEPFAR), đã giải ngân hơn 100 tỷ USD cho việc phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS kể từ năm 2003, vẫn đang trong tình trạng bấp bênh.

Cùng nhau, những hành động này sẽ khiến người dân ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới trở nên kém thịnh vượng hơn và dễ bị tổn thương hơn.

Loại trừ sự hòa nhập

Một sắc lệnh hành pháp khác ra lệnh hủy bỏ các chính sách và sáng kiến ​​về đa dạng, công bằng và hòa nhập, mà chính quyền Trump đã xuyên tạc thành những thứ bất hợp pháp, cực đoan và lãng phí. Hủy bỏ các sáng kiến ​​công tạo ra không gian hòa nhập và chào đón, và ngừng tài trợ liên bang cho việc nghiên cứu các vấn đề này, có thể gây hại. Tương tự như vậy, không có lý do chính đáng nào để hủy bỏ các chính sách và tài trợ cho các sáng kiến ​​công nhận sự phức tạp của giới tính và giới, điều mà Nhà Trắng gọi một cách sai trái là “chủ nghĩa cực đoan về giới”.

Đây là những cuộc tấn công không thể chấp nhận được vào quyền con người và quyền tự do học thuật. Chúng sẽ ngăn chặn, nếu không muốn nói là đảo ngược, nhiều thập kỷ tiến bộ trong nghiên cứu khoa học. Trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu đều đồng thuận rằng dữ liệu chi tiết và phân tách cụ thể hơn là điều thiết yếu để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Ai trong chúng ta cũng biết rằng việc đưa giới và giới tính vào thiết kế nghiên cứu sẽ cải thiện khoa học và y học, bao gồm cả chẩn đoán và điều trị.

Luôn tồn tại những quan điểm khác nhau giữa các nhà nghiên cứu trong mọi lĩnh vực khoa học. Thảo luận và nghiên cứu sâu hơn là cách tốt nhất để đạt được sự hiểu biết chung. Việc đóng cửa hoạt động học thuật không phải là giải pháp.

Phải ứng phó thế nào?

Vậy thì, chúng ta, những người là một phần trong mạng lưới toàn cầu về giáo dục, y tế, khoa học và kỹ thuật nên phản ứng như thế nào? Có một ưu tiên phải là tố cáo những hành động này, lên tiếng mạnh mẽ về những tác động tiêu cực của chúng, ủng hộ các nhà nghiên cứu và bảo vệ quyền được làm việc cũng như nghiên cứu mà không phải lo sợ mất việc làm. Không khó hiểu, khi những người làm việc tại — hoặc thậm chí là lãnh đạo — các cơ quan liên bang có lẽ thấy bản thân không thể lên tiếng, nhưng các nhà nghiên cứu tại các tổ chức khác, chẳng hạn như các trường đại học, hội khoa học, doanh nghiệp, nghiệp đoàn và các nhóm vận động có nhiều tự do hơn, và phải sử dụng quyền tự do đó bằng cách thể hiện sự ủng hộ các đồng nghiệp bị ảnh hưởng.

Các tổ chức khoa học toàn cầu cũng phải thể hiện sự ủng hộ của mình, bao gồm cả những tổ chức đại diện cho các nhà khoa học trẻ, các học viện khoa học và các nhà nghiên cứu có nguy cơ trên toàn thế giới. Chúng tôi kêu gọi tất cả họ hãy lên tiếng vì các đồng nghiệp tại Hoa Kỳ — cũng như công trình quan trọng mà các vị ấy đang làm — giống như cách họ ủng hộ các nhà nghiên cứu gặp nguy hiểm ở những nơi khác.

Sứ mệnh của Nature là “phục vụ các nhà khoa học thông qua việc nhanh chóng công bố những tiến bộ quan trọng trong bất kỳ ngành khoa học nào, và cung cấp một diễn đàn để báo cáo và thảo luận các tin tức cũng như vấn đề liên quan đến khoa học”. Trong suốt phần lớn 155 năm lịch sử của chúng tôi, Hoa Kỳ đã là quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, bao gồm cả việc cung cấp tài trợ cho giáo dục và đào tạo khoa học, mang lại lợi ích to lớn cho chính nước này và thế giới. Với những thay đổi đang diễn ra, chính quyền mới dường như có xu hướng mạo hiểm giới hạn điều trên vào lịch sử. Nature tố cáo cuộc công kích khoa học này. Và chúng tôi khuyến khích cộng đồng nghiên cứu toàn cầu, từ bất cứ nơi nào khả dĩ, hãy lên tiếng phản đối.

Nature 639, 7-8 (2025)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-025-00562-w

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Trump 2.0: an assault on science anywhere is an assault on science everywhere, Nature, 25 February 2025.

Print Friendly and PDF