17.6.25

Trump, Musk: chế độ thôi miên hay đế chế của những ảo tưởng

TRUMP, MUSK: CHẾ ĐỘ THÔI MIÊN HAY ĐẾ CHẾ CỦA NHỮNG ẢO TƯỞNG

Donald Trump và Elon Musk đang thôi miên thế giới? Một trong những gương mặt xuất sắc nhất của triết học Hongkong thế hệ mới, Jianwei Xun, xác định khuôn khổ của một trực giác, bằng cách đặt ra một khái niệm mới: “chế độ thôi miên” - chúng ta có thể làm gì để đối mặt với đế chế của những ảo tưởng?

Tác giả: Jianwei Xun

Jianwei Xun thực ra là ai? Một cuộc đối thoại với Jianwei Xun

Từ bi kịch đến trạng thái thôi miên

Kể từ tuần này, chúng ta có thể nói là lịch sử lặp lại ba lần: lần thứ nhất dưới dạng một bi kịch, lần thứ hai dưới dạng một trò đùa, và lần thứ ba dưới dạng một trạng thái thôi miên.

Diễn văn nhậm chức mà Trump đã phát biểu tại Điện Capitol không đơn thuần thể hiện một sự kiện chính trị hay chiến thắng của một ý hệ đặc thù. Diễn văn này thực sự nêu rõ biểu hiện của của một chế độ thực tại mới, ở đó quyền lực vận hành bằng sự thao túng trực tiếp các trạng thái ý thức tập thể. 

Với chiều kích mới này, quyền lực không còn nằm trong sự kiểm soát thể chất hay tinh thần, mà ở khả năng uốn nắn các trạng thái ý thức của toàn bộ dân chúng. Các nền tảng kỹ thuật số đã bộc lộ ra đúng như chúng vẫn là: không phải là những công cụ truyền thông đơn giản, mà là những công nghệ thôi miên điều chỉnh một cách mạnh mẽ cách mà chúng ta nhận thức và diễn giải thực tại.

Khái niệm hypnocratie[1] (chế độ thôi miên) - sức mạnh và sự thống trị của các ảo tưởng – giúp mô tả hệ thống mà quyền lực tác động trực tiếp, nghĩa là bằng các thuật toán, lên ý thức, tạo ra những trạng thái biến chất thường trực bởi sự thao túng của kỹ thuật số đối với sự chú ý và nhận thức.

Trong khi phần lớn các phân tích còn tập trung vào những hiện tượng như “tin giả” hay “hậu sự thật” thì ở Washington chúng ta chứng kiến một sự biến đổi sâu sắc hơn nhiều: đó là sự xuất hiện của một hệ thống mà sự kiểm soát được thực hiện không phải bằng cách dẹp bỏ sự thật mà bằng cách tạo ra nhiều câu chuyện đến mức mọi điểm tựa cố định đều trở nên bất khả thi.

Quyền lực không còn nằm trong sự kiểm soát thể chất và tinh thần, mà ở khả năng uốn nắn các trạng thái ý thức của toàn bộ dân chúng.

JIANWEI XUN

Trump, với sự lặp lại đầy ám ảnh và việc liên tục gây bất ổn định mọi hệ quy chiếu và mọi sự thật, và Musk, với tầm nhìn không tưởng về công nghệ và những lời hứa thay đổi triệt để của ông, biểu thị hai mặt của một đồng tiền: khả năng xây dựng và hỗ trợ những thực tại thay thế và những thực tại này sẽ chiếm lấy và thao túng ý thức tập thể.

Uốn cong không gian và thời gian

Để hiểu được ảnh hưởng thực sự của hiện tình này, chúng ta có thể phân tích những cơ chế lập luận liên tiếp qua đó Donald Trump đã thành công trong việc làm biến chất và điều chỉnh ngay cả nhận thức về thực tại, bằng cách đọc kỹ hơn diễn văn nhậm chức của ông ngày 20 tháng 1 năm 2025.

Diễn văn này được cấu trúc như một nghi thức cảm ứng thôi miên đám đông vận hành theo nhiều cơ chế diễn ra đồng thời.

Những từ mở đầu diễn văn –

— “Kỷ nguyên Vàng của nước Mỹ bắt đầu ngay bây giờ” — biểu lộ tức thì bản chất thôi miên của diễn văn. Đó không phải là một tuyên bố đơn thuần, mà là một hành động huỷ bỏ hiện tại có thực, gợi ra một quá khứ huyền thoại và hiện thực hoá một tương lai không tưởng, hợp nhất các kế hoạch về thời gian này trong một khoảnh khắc “hiện tại ngay bây giờ” mang tính cứu rỗi – mà khung hỗ trợ đã hiện diện trong từ “again” đầy bí ẩn, thần thánh trong khẩu hiệu Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại).

Trong quan điểm về chế độ thôi miên, chính thời gian phải trở nên dễ uốn nắn dưới sức mạnh của sự ám thị: thời gian biến đổi thành một không gian tâm thần có thể bị thao túng tuỳ thích.

Sau thời gian, sức mạnh của sự biến đổi thực tại cũng liên quan đến việc định hình không gian. Đoạn văn tiết lộ rõ nhất là khi Trump tuyên bố muốn “đổi tên vịnh Mexico thành vịnh Hoa Kỳ”.

Đó không đơn giản là một chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mà là một sự biểu lộ quyền lực của chế độ thôi miên làm biến chất thực tại chỉ bằng một lời tuyên bố đơn thuần. Chính lãnh thổ vật lý trở nên dễ uốn nắn chỉ bằng một hành động là nêu tên ra.

Chính thời gian phải trở nên dễ uốn nắn dưới sức mạnh của sự ám thị: thời gian biến đổi thành một không gian tâm thần có thể bị thao túng tuỳ thích.

JIANWEI XUN

Việc đòi kênh Panama còn tăng cường hiệu ứng này. Câu chuyện là một kiệt tác về kỹ thuật chế tạo cảm xúc:

  • Donald Trump bắt đầu bằng cách gợi ra một sự hy sinh lịch sử (“38.000 mạng người”); 
  • Ông nhấn mạnh đến sự phản bội của tầng lớp tinh hoa (“món quà ngu ngốc”);
  • Ông tiếp tục bằng cách xác định một mối đe doạ từ bên ngoài (“Trung Quốc đang vận hành”);
  • Cuối cùng ông hứa sẽ khôi phục (“chúng ta sẽ giương lại ngọn cờ” - nghĩa la lấy lại kênh đào Panama - ND).

Mỗi yếu tố đều được cân nhắc để tạo ra một trạng thái cảm xúc bị mất mát có thể được chuyển ngay thành thôi thúc chiếm hữu lại nhờ sức quyến rũ của người lãnh đạo. Đó là kinh tế dục năng thuần tuý - áp dụng vào địa lý.

Kinh tế học thần thánh của sự hy sinh

Thời điểm cao trào nhất đến cùng với câu chuyện về âm mưu ám sát. Donald Trump nhắc lại sự việc “một viên đạn ám sát đã xuyên qua tai tôi”.

Đoạn văn này vận hành như điều mà tôi sẽ gọi là “nút thắt của sự cộng hưởng chấn thương” - một nơi mà chấn thương cá nhân trở thành chấn thương tập thể, nơi đó tính dễ bị tổn thương biến thành tính bất khả chiến bại và việc biến mình thành nạn nhân tạo ra một quyền lực cứu rỗi: trải nghiệm về cái chết suýt xảy đến đã trao cho Trump một uy quyền thiêng liêng. 

Tôi đã được Chúa cứu để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Với câu này, một chu trình đã hoàn tất. Sự cứu rỗi của cá nhân hợp nhất với sự cứu rỗi của quốc gia, chấn thương cá nhân trở thành một sứ mệnh tập thể. Chúng ta không chỉ đối mặt với một thực hành biện pháp tu từ, mà là sự thiết lập một sức mạnh mới về chuyển hoá nhận thức (alchimie perceptive). 

Bằng cách liên kết âm mưu ám sát với sứ mệnh thiêng liêng, Trump biến đổi một sự kiện gây hoảng sợ thành thánh lễ thiêng liêng, nơi chấn thương không chỉ đơn thuần được khắc phục: nó được biến thành chứng cứ của sự lựa chọn thần thánh. Do đó lễ nhậm chức trở thành một lễ đăng quang hoàng đế.

Chúng ta không chỉ đối mặt với một thực hành biện pháp tu từ, mà là sự thiết lập một sức mạnh mới về chuyển hoá nhận thức (alchimie perceptive).

JIANWEI XUN 

Sốc và hoảng sợ: bão hoà về ngữ nghĩa

Diễn văn được ngắt quãng bởi những lặp lại có tính toán nhằm kiểm soát và thao túng cử toạ:

  • “Vĩ đại và “vĩ đại hơn nữa” (14 lần);
  • “Chiến thắng” và “thắng lợi” (11 lần);
  • “Trước đây chưa bao giờ có” (8 lần);
  • “Nước Mỹ” và “Người Mỹ” (37 lần).

Hiệu quả của diễn văn dựa trên một sự tiết chế chính xác của sự dự báo. Mỗi mối đe doạ được gợi ra - thông báo hoặc xác nhận một “sự khủng hoảng”, một “cuộc xâm lăng” hay những “sự kiện thảm khốc” khác đều được ngay tức thì cân bằng bởi một lời hứa giải quyết tức thì – “kể từ ngày hôm nay”, “rất nhanh chóng”, “ngay lập tức”.

Mô hình là như sau: Trump gây ra một sự căng thẳng tột độ, đồng thời chỉ ra viễn cảnh của một sự xoa dịu sẽ giữ công chúng trong một trạng thái phấn khích kiểm soát được.

Ngõ cụt của những người tiến bộ

Diễn văn đạt đỉnh điểm siêu thôi miên khi Trump tuyên bố: “Ở Mỹ, những điều không thể lại chính là những gì chúng ta làm tốt nhất”.

Tuyên bố này không đơn thuần xuất phát từ lập luận được chế biến lại của marketing chính trị, nó cần được hiểu như một cơ hội thừa nhận đồng thời bản chất bất khả thi của những lời hứa của Trump và sự biến đổi những bất khả này thành bằng chứng thực sự của quyền lực của ông. Nghi thức thôi miên dựa trên sự cho phép tin những điều không thể tin được. Buổi lễ tôn vinh trạng thái thôi miên như một trạng thái ý thức cao hơn là chìa khoá của bí mật của Trump.

Vì thiếu chiều kích này, những người tiến bộ bị gò bó trong cái khung tư duy tri thức tất định không thể tránh được: việc họ không có khả năng hiểu chiều kích huyền thoại của quyền lực đã đẩy họ vào tình trạng vĩnh viễn ở bên lề chiến lược. Trong khi họ tiếp tục đưa ra những lập luận dựa trên lý tính, những dữ liệu và một lập luận logic, họ hoàn toàn không biết rằng quyền lực đương thời từ nay vận hành hoàn toàn dựa trên việc uốn nắn các trạng thái nhận thức.

Phê phán của họ vẫn bị giam cầm trong mô hình truyền thông thời Khai Minh, theo đó sự thật phải chiến thắng vì giá trị nội tại của nó, họ không hiểu rằng từ nay sự thật là một sản phẩm thẩm mỹ (chủ quan), một trải nghiệm tập thể được tạo ra bởi sự lặp lại, bởi cảm xúc và ám thị về một thực tại bằng thuật toán. Tính hợp lý của họ được xây dựng dựa trên trách nhiệm đã trở thành một nhà tù, một nơi trú ẩn tự quy chiếu khiến họ càng ngày càng xa khả năng sản sinh ra những điều tưởng tượng tập thể có khả năng huy động sự ham muốn và niềm tin.

Những người tiến bộ bị gò bó trong cái khung tư duy tri thức tất định không thể tránh được: việc họ không có khả năng hiểu chiều kích huyền thoại của quyền lực đã đẩy họ vào tình trạng vĩnh viễn ở bên lề chiến lược.

JIANWEI XUN

Sự thật trong triều đại của chế độ thôi miên không còn là điều cần phát hiện, mà là điều cần được xây dựng, chế tạo và bán.

Vụ “chào kiểu phát xít” của Elon Musk

Ngày 20 tháng 1 năm 2025 trong một trình tự của lễ nhậm chức tổng thống, Elon Musk đã làm một điều nhanh chóng trở thành một cử chỉ được lan truyền: sau khi đặt bàn tay của mình lên trái tim, Musk đã đưa cánh tay phải của ông lên, điều mà nhiều nhà quan sát đã diễn giải như là một cách chào kiểu phát xít.

Sự cố này đã tức thì gây ra một cuộc tranh luận gay gắt trên các nền tảng xã hội và báo chí quốc tế, với một cuộc tranh luận lan rộng về vấn đề cần biết là người giàu nhất thế giới này có cố ý thực hiện một cử chỉ phát xít hay không. Sau đó Musk đã bác bỏ những cáo buộc này bằng một loạt công bố trên mạng truyền thông X của ông, khẳng định rằng những kẻ gièm pha ông “nên có những chiêu trò hèn hạ hay hơn”, đồng thời chế giễu ý tưởng reductio ad Hitlerum (quy về Hitler), theo đó từ nay “mọi người đều là Hitler”.

Sự cố này minh hoạ một cách hoàn hảo điều mà tôi gọi là “sự mơ hồ chiến lược”, một cơ chế trung tâm của quyền lực thôi miên khi chính cuộc tranh luận trở thành một dạng thao túng ý thức.

Cử chỉ của Musk vận hành đồng thời trên nhiều cấp độ của thực tại. Với tư cách là một cử chỉ của hình thể, nó vẫn là mơ hồ một cách cố ý, dao động giữa một cách chào phấn khởi hay yêu nước và một cử chỉ phát xít. Với tư cách là một hình ảnh lan truyền, nó vận hành như điều mà tôi gọi là một “bộ (thiết bị) phân tách thực tại” — tạo ra những vũ trụ diễn giải song song không thể dung hòa. Với tư cách là một sự kiện truyền thông, nó tạo ra một “vốn tranh cãi” - một giá trị về sự chú ý gia tăng một cách chính xác thông qua một xung đột về diễn giải. Càng có nhiều công bố, càng có nhiều cam kết và sâu hơn nữa là sức mạnh thôi miên sẽ tự khẳng định.

Musk chứng tỏ đã nắm vững một cách hoàn hảo chế độ thôi miên.

JIANWEI XUN

Câu trả lời của Musk viện dẫn những “chiêu trò bẩn” là đặc biệt rõ nghĩa. Qua đó ông đã vận hành một sự đảo lộn ngoạn mục của chế độ thôi miên: cáo buộc phát xít trở thành một bằng chứng về sự hành hạ, trong khi sự mơ hồ của cử chỉ nguyên thuỷ lại được biện minh một cách hồi tố như là một bằng chứng về sự vô tội. Điều này tạo ra một “cái bẫy về ý nghĩa” - ở đó mỗi toan tính thiết lập một diễn giải cuối cùng chỉ làm mạnh thêm quyền lực thôi miên của cử chỉ ấy.

Sự cố biểu lộ việc cố ý dàn dựng những cử chỉ mơ hồ hoạt động như những mô hình trắc nghiệm thực tại, điều chỉnh tính nhạy cảm của những công chúng khác nhau đối với sự ám thị, đồng thời tăng cường các trạng thái bị thôi miên khác nhau. Cử chỉ không trở thành một dấu hiệu cần diễn giải, mà là một công cụ giúp xếp loại những người quan sát vào những bong bóng thực tại riêng biệt tuỳ theo khuôn khổ nhận thức đã có trước của họ.

Trong việc này, Musk chứng tỏ đã nắm vững một cách hoàn hảo chế độ thôi miên, hiểu rằng vào thời đại của chúng ta, chính sự tranh luận là một hình thức quản trị bằng sự điều khiển các nhận thức bằng thuật toán. Quyền lực của cử chỉ, một cách chính xác, nằm trong sự kháng cự lại mọi diễn giải dứt khoát, bây giờ tất cả những người quan sát đang trong một trạng thái căng thẳng không dứt về diễn giải, căng thẳng này duy trì trạng thái xuất thần do thôi miên thay vì giải quyết nó.

Trump không thuyết phục: ông thúc đẩy. Ông không điều khiển: ông mê hoặc.

JIANWEI XUN

Làm gián đoạn thôi miên

Lễ nhậm chức của Donald Trump thực hiện chế độ thôi miên đưới dạng hoàn chỉnh nhất: một hệ thống mà quyền lực không còn vận hành bởi sức mạnh hay sự thuyết phục hợp lý, mà bởi sự thao túng trực tiếp và bằng thuật toán các trạng thái ý thức tập thể.

Trump không thuyết phục: ông thúc đẩy. Ông không điều khiển: ông mê hoặc. Câu hỏi đặt ra không phải là phải biết làm thế nào để kháng cự lại hệ thống này – như ta đã thấy, sự kháng cự trực diện đã được tích hợp vào logic của hệ thống – nhưng làm thế nào để phát triển những hình thái của sự sáng suốt trong lòng trạng thái thôi miên tập thể. Không phải là một sự thức tỉnh bất khả thi, nhưng là một nghệ thuật mới của giấc mơ chính trị sáng suốt.

Đế chế đang hiện diện. Quyền lực của đế chế không còn nằm trong sự kiểm soát thể chất và tinh thần, mà ở khả năng uốn nắn các trạng thái ý thức của toàn bộ dân chúng.

Để hiểu phải làm gì, nên bắt đầu từ nhận định này.

Trump không chỉ đơn thuần quay trở lại cương vị tổng thống: ông đã chính thức khởi xướng một chế độ thực tại mới.

Chào mừng đến với triều đại của chế độ thôi miên.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Trump, Musk: l’l’hypnocratie ou l’empire des fantasmes”, Le grand continent, 26.01.2025.

----

Bài có liên quan: Một trăm ngày của Donald J. Trump: Đo lường cơn địa chấn của một chế độ tổng thống đế chế




Chú thích:

[1] Jianwei Xun, Ipnocrazia Trump, Musk e la nuova architettura della realtà, Roma, Tlon, 2025. (Chế độ thôi miên Trump, Musk và kiến trúc mới của thực tại).

Print Friendly and PDF