16.6.25

Lễ duyệt binh của Trump: Một 'lễ kỷ niệm lớn thật lớn' hay nghi thức độc tài?

LỄ DUYỆT BINH CỦA TRUMP: MỘT 'LỄ KỶ NIỆM LỚN THẬT LỚN' HAY NGHI THỨC ĐỘC TÀI?

Binh lính Quân đội Hoa Kỳ diễu hành dọc Đại lộ Pennsylvania ở Washington, DC trong Lễ diễu hành nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng 1 năm 2017. (Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ/Kalie Jones)

Năm 2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (sinh năm 1946) sẽ bước sang tuổi 79 vào ngày 14 tháng 6 — trùng ngày Quân đội Hoa Kỳ kỷ niệm 250 năm thành lập (14/6/1775-14/6/2025). Để đánh dấu ngày kỷ niệm, Trump tuyên bố rằng “chúng ta sẽ có một đại lễ vô cùng hoành tráng”.

Các kế hoạch do quân đội vạch ra huy động 6.600 binh lính, 150 xe, 50 trực thăng, bảy ban nhạc quân đội và hàng ngàn thường dân. Theo nguồn tin, cuộc diễu hành còn sẽ bao gồm 34 con ngựa, hai con la và một con chó.

Một số người cho rằng đây là một dự án tự phụ tốn kém, nhưng cuộc diễu hành lại đặt ra một câu hỏi sâu sắc hơn: một buổi lễ sinh nhật như thế này thực sự phục vụ mục đích chính trị nào?

Không hề tầm thường hay vô hại, màn trình diễn của Trump khai thác một truyền thống lâu đời của các nhà lãnh đạo độc tài, những người sử dụng các buỗi lễ mang tính nghi thức để gắn kết quyền lực cá nhân với bản sắc dân tộc. Ví dụ khét tiếng nhất là Adolf Hitler, người đã biến sinh nhật của mình thành các sự kiện quốc gia quy mô lớn với các cuộc diễu binh, mít tinh quần chúng và những cảnh ăn mừng hân hoan trong nước được dàn dựng một cách tinh vi.

Những màn trình diễn này đã xóa nhòa ranh giới giữa sự thống trị và thân mật, giữa tình phụ tử và vũ lực — một cách tiếp cận đã hồi sinh trong kỷ nguyên số ngày nay, nơi hình tượng được tuyển chọn tỉ mỉ và phương tiện truyền thông xã hội gán năng lực lãnh đạo với những màn trình diễn đầy xúc động.

Nhân viên Quân đội Hoa Kỳ đang đưa xe tăng quân sự lên xe lửa để vận chuyển đến Washington, DC, vào ngày 22 tháng 5 năm 2025, tại Fort Cavazos gần Killeen, Texas. (Ảnh AP/Eric Gay)

Văn hóa sinh nhật phát xít

Tôi sinh ra và lớn lên ở Đức. Tôi nhận thức sâu sắc rằng ngày sinh của Hitler vẫn còn ảnh hưởng và những ngày như vậy vẫn mang sức nặng chính trị, với các nghi lễ liên quan đang tạo ra tác động chính trị lâu dài.

Trong thời kỳ Đệ tam Đế chế, sinh nhật của Führer (lãnh tụ trong tiếng Đức – danh hiệu của Hitler – ND) – mô phỏng theo ngày sinh của Kaiser (Kaiser Wilhelm II hoàng đế Đức cuối cùng, thoái vị năm 1918 – ND) – đã trở thành sự kiện tuyên truyền đại chúng, hòa trộn màn trình diễn trước công chúng với sự gắn bó cá nhân.

Như triết gia người Đức Theodor Adorno đã lưu ý, các nghi lễ phát xít mô tả nhà lãnh đạo độc tài vừa như một “siêu nhân” vừa là một “người bình thường” có khuyết điểm như bao người. Hình ảnh mâu thuẫn này khuyến khích sự đồng cảm thân thiết lẫn lòng kính sợ, giống như mối quan hệ giữa người cha gia trưởng và đứa con.

Trump phản ánh động lực này thông qua sự kết hợp giữa việc ra vẻ như một người chakhoe mẽ sự nam tính thái quá và chủ nghĩa dân tộc bành trướng. Trong khi Hitler dựa vào công nghệ chụp ảnh và quay phim mới nhất thời bấy giờ, thì những màn trình diễn ngày nay được khuếch đại bởi văn hóa tham gia của truyền thông số.

Lãnh tụ Đức Adolf Hitler đang duyệt binh trong cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm sinh nhật lần thứ 47 của ông vào ngày 20 tháng 4 năm 1936. (Lưu trữ Liên bang Đức)CC BY

Các nhóm Tân Quốc xã trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu vẫn kỷ niệm sinh nhật Hitler bằng bánh ngọt, bánh quy, meme và các dòng tweet; thường là những hình ảnh trông “dễ thương” vô hại nhưng được phủ thêm biểu tượng chữ thập ngoặc và những câu đùa đáng lo ngại. Trong bài báo năm 2017 của mình, nhà xã hội học Christian Fuchs cho thấy bài đăng được chia sẻ lại nhiều nhất của Tân Quốc xã trong nghiên cứu của ông là “Thức dậy và phê pha #HitlersBirthday #420” (ngày 20/4 hằng năm được gọi là “International Weed Day”, ngày lễ quốc tế cần sa – ND), pha trộn văn hóa cần sa với nỗi hoài niệm phát xít để làm dịu nỗi kinh hoàng bằng sự hài hước.

Ranh giới mờ nhạt giữa quốc gia và cá nhân nuôi dưỡng văn hóa meme, nơi mà, như học giả truyền thông Limor Shifman viết, “các đơn vị văn hóa nhỏ” lan truyền thông qua sự bắt chước, thường được che đậy bằng vẻ đùa cợt.

Trong bối cảnh các định chế ở Mỹ đang chịu áp lực ngày càng lớn — trường đại họctòa án và diễn ngôn công cộng — cuộc diễu hành quân sự/sinh nhật là sự phô trương pha trộn giữa mỹ học và tuyên truyền nhằm củng cố quyền uy, đàn áp tiếng nói bất đồng và tập trung quyền lực.

Vẻ đẹp đầy quyền lực trong các cuộc diễu binh

Bằng cách kết hợp phô diễn quân sự với lễ kỷ niệm cá nhân, cuộc diễu hành mừng sinh nhật của Trump đã dựng nên một màn trình diễn hoành tráng về quyền lực. Điểm mấu chốt ở đây là sự hiện diện của hàng nghìn binh lính trong quân phục, tạo nên “một nhân cách và sự hiện diện tập thể đầy uy quyền”, như học giả thời trang Jennifer Craik đã viết.

Đồng phục vừa thể hiện kỷ luật và tình đồng đội, vừa có tác dụng đe dọa và uy hiếp. Nhà văn thời trang Colin McDowell gọi đồng phục là một “màn trình diễn” thấm đẫm liên tưởng đến quyền lực và sự gợi tình, thứ trang phục từ lâu đã gắn liền với tính kịch hóa và trò nhập vai.

Điều này thể hiện rõ nhất dưới thời phát xít và chủ nghĩa thực dân châu Âu. Đồng phục được thiết kế để quyến rũ, thường được tôn sùng: dáng người thon gọn, áo khoác bó và đôi bốt da đen. Như Craik lưu ý, đó không phải kiểu hình tượng ngẫu nhiên; mà là ngữ pháp thị giác của sự thống trị. Như nhà xã hội học Klaus Theweleit quan sát, quyền lực phát xít phải được nhìn thấy, khao khát và thậm chí là mơ tưởng.

Cuộc diễu hành của Trump là một cuộc phô trương vũ lực. Quy mô khổng lồ của nó — các ban nhạc, xe, trực thăng — thể hiện sức mạnh và tính chính đáng, phân định rõ “chúng ta” và “chúng nó”. Nhưng lễ mừng sinh nhật cũng hướng sự chú ý trở lại chính con người đó, nhắc nhở chúng ta rằng chủ nghĩa chuyên quyền không chỉ là về sự đe dọa mà còn về nhân cách của kẻ độc tài.

Các cuộc diễu hành được tổ chức nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của Adolf Hitler.

Kịch bản độc tài, xưa và nay

Các chế độ độc tài luôn nỗ lực biến nhà lãnh đạo thành người của nhân dân: quen thuộc, gần gũi và đáng ngưỡng mộ. Hãy nghĩ đến cảnh Hitler trên đoàn xe hộ tống, giơ tay về phía đám đông.

Cha tôi, lúc đó mới 10 tuổi, trong chuyến đi bắt buộc của nhà trường, đã xếp hàng dọc đường để dự phần vào màn trình diễn ấy tại một trong những cuộc diễu hành như vậy. Thế nhưng khi đoàn xe tiến đến gần, ông đã bị xô sang một bên bởi đám đông chen lấn. Điều còn lại trong ký ức của ông không phải là Hitler — ông chẳng bao giờ nhìn thấy ông ta — mà là người phụ nữ cuồng tín đã đẩy ông để chen lên gần hơn.

Trọng điểm là bản thân đám đông, luôn trong trạng thái phấn khích với những màn trình diễn mới lạ như sinh nhật lần thứ 50 của Hitler vào ngày 20 tháng 4 năm 1939, ngày được tuyên bố là ngày lễ quốc gia. Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Joseph Goebbels đã dàn dựng sự kiện này như những gì mà nhà sử học Ian Kershaw gọi là “sự phô trương đáng kinh ngạc của giáo phái Führer”; một màn trình diễn quân sự và thị giác được phát sóng rộng rãi.

Một món quà, chiếc máy bay dòng FW 200 Condor, sau này đã trở thành máy bay chính thức của Hitler. Chiếc Air Force One xa hoa mới của Trump, “một món quà” từ Qatar, cũng là một phần trong câu chuyện hình ảnh của ông. Tính biểu trưng này thật đáng ngại: một lần nữa, quyền lực cá nhân lại khoác áo quyền lực quốc gia.

Sự sùng bái MAGA[i]

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhảy múa sau bài phát biểu về 100 ngày đầu tiên của ông tại Warren, Mich. vào ngày 29 tháng 4 năm 2025. (Ảnh AP/Paul Sancya)

Rốt cuộc, cuộc diễu hành mừng sinh nhật theo kiểu quân sự của Trump không chỉ nhắm tới sự ngưỡng mộ mà còn cả lòng trung thành chính trị. Giống như các nghi thức độc tài trong quá khứ, nó thao túng cảm xúc thông qua sự phô trương quân sự để nâng cao vị thế của nhà lãnh đạo như một biểu tượng lẫn một vị tổng tư lệnh tối cao.

Màn trình diễn này đòi hỏi sự quy phục về mặt cảm xúc với mục tiêu là đồng nhất công chúng với nhà lãnh đạo. Nó đánh đổi tự do dân chủ cho viễn cảnh thống nhất dưới một nhân vật duy nhất. Dù được bao bọc bằng sự hài hước hay lòng yêu nước hào nhoáng, cuộc diễu hành của Trump diễn tập cho một kịch bản độc tài với những tín hiệu quen thuộc đến đáng lo ngại.

Điều tưởng chừng như một lễ kỷ niệm thực chất là một cuộc diễn tập. Nó báo hiệu một sự chuyển biến nguy hiểm hướng tới tôn vinh cá nhân và một nền văn hóa chính trị nơi mà sự phô trương thay thế sự tham gia và sự tôn thờ thay thế sự bất đồng chính kiến.

Như lịch sử đã cảnh báo, đó là lúc nền dân chủ bắt đầu bị phản bội.

Tác giả

Irene Gammel

Irene Gammel

Giáo sư & Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu và phòng trưng bày văn học và văn hóa hiện đại, Đại học Toronto Metropolitan

Tuyên bố công khai

Irene Gammel nhận tài trợ từ Hội đồng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Canada.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Trump’s military parade: A ‘big big celebration’ or an authoritarian ritual?, The Conversation, May 29, 2025.



[i] Make America Great Again – Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại

Print Friendly and PDF