15.6.25

Chuyến công du Đông Nam Á của Macron: xác lập sự hiện diện của Pháp và châu Âu

CHUYẾN CÔNG DU ĐÔNG NAM Á CỦA MACRON: XÁC LẬP SỰ HIỆN DIỆN CỦA PHÁP VÀ CHÂU ÂU

Tác giả: Hubert Testard

Emmanuel Macron. Chụp selfie với sinh viên ở Jakarta. Ảnh: X/Emmanuel Macron

Đông Nam Á đang trong tình trạng báo động đỏ, với cuộc tấn công bảo hộ của Hoa Kỳ đang đe dọa sự tăng trưởng của khu vực này và mối đe dọa địa chính trị từ Trung Quốc hiện hữu hơn bao giờ hết. Chuyến công du của Emmanuel Macron tới khu vực này nhằm chứng minh rằng Pháp và Châu Âu không nên bị lãng quên và rằng họ có thể là đối tác đáng tin cậy, cả về mặt kinh tế và chiến lược. Một cuộc đánh cược tương đối khá thành công.

-----------------------------------------------------------------------

Emmanuel Macron đã đến thăm Đông Nam Á từ ngày 26 đến 30 tháng 5, bắt đầu bằng hai ngày ở Hà Nội, Việt Nam, sau đó là hai ngày nữa ở Indonesia, bao gồm chuyến thăm cố đô Yogyakarta và ngôi đền Borobudur nổi tiếng, cuối cùng, một ngày ở Singapore được dành cho các cuộc họp song phương và một bài tham luận với tư cách là khách mời danh dự tại cuộc họp chiến lược thường niên có tên “Đối thoại Shangri-la”. Chuyến thăm này được đánh dấu bằng một loạt các thỏa thuận, chủ yếu là kinh tế ở Việt Nam và quân sự ở Indonesia. Nó cũng cho phép Tổng thống Pháp phác thảo một phiên bản mới của chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp, dựa trên sự hình thành của một liên minh các cường quốc trung bình ở Châu Á và Châu Âu.

Thiết lập các điểm chặn lửa ở Hà Nội

Việt Nam đang trong tình trạng sôi sục dưới sự đe dọa của các lệnh trừng phạt kinh tế rộng lớn của Hoa Kỳ - mức thuế 46% được công bố vào ngày 2 tháng 4, sau đó bị đình chỉ trong 90 ngày - trong khi xuất khẩu của nước này sang Hoa Kỳ chiếm 25% GDP. Theo Donald Trump, nhà lãnh đạo chính của Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tô Lâm, đã không ngần ngại đề xuất, trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại vào đầu tháng 4, việc hủy bỏ hoàn toàn tất cả các mức thuế áp dụng cho hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam. Trong 24 giờ Việt Nam đã làm nhiều hơn so với tám năm đàm phán với Châu Âu cho đến năm 2020 và mười năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, Hiệp định này sẽ duy trì một số mức thuế đối với hàng xuất khẩu của Châu Âu vào thị trường Việt Nam cho đến năm 2030 và sau đó.

Các thông báo quan trọng khác – đặc biệt là các đơn đặt hàng máy bay lớn từ Boeing của các hãng hàng không Việt Nam và việc chỉ đón nhận có Starlink - có thể tạo cảm tưởng rằng Việt Nam sẵn sàng hy sinh Liên Minh Châu Âu để làm hài lòng Washington.

Bản thân hiệp định thương mại tự do song phương với Châu Âu chủ yếu mang lại lợi ích cho Hà Nội. Xuất khẩu của Châu Âu sang Việt Nam chỉ chiếm 22% lượng nhập khẩu của nước này vào năm 2024 và thặng dư thương mại của Việt Nam đã tăng 50% kể từ khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực vào năm 2020.

Nguồn: Eurostat

Một thỏa thuận có thể có với Washington, dành ưu thế cho các hàng xuất khẩu của Mỹ, sẽ là một đòn giáng nữa vào sự cân bằng của quan hệ EU-Việt Nam, và Ủy Ban Châu Âu chắc chắn sẽ yêu cầu nhận sự đối xử tương đương đối với hàng xuất khẩu của Châu Âu nếu Hà Nội nhượng bộ đáng kể với Nhà Trắng.

Emmanuel Macron đã đến Việt Nam “đi tiên phong” đối với những biến động thương mại trong tương lai. Ông được tháp tùng bởi các lãnh đạo cao cấp của nền công nghiệp Pháp, và những kết quả đạt được về mặt hợp đồng và thỏa thuận hợp tác là rất đáng kể.

Đáng chú ý nhất là hợp đồng cung cấp 20 máy bay thân rộng Airbus A 330-900 cho hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air với giá niêm yết là 7,8 tỷ đô la. Hợp đồng này tiếp nối một đơn đặt hàng khác cho 20 chiếc A330-300 vào năm ngoái và cho phép Airbus bảo vệ thị phần của mình trước ý định mua ồ ạt gần đây của cùng công ty Vietjet Air đối với 200 chiếc Boeing 737, bao gồm 50 chiếc cho công ty con Thai Vietjet Air.

Trong một lĩnh vực chiến lược liên quan đến giám sát không gian đối mặt với người hàng xóm Trung Quốc lớn, Airbus Defence and Space đã ký một lá thư bày tỏ ý định cung cấp vệ tinh quan sát. Trong lĩnh vực dược phẩm, Sanofi đã thiết lập quan hệ đối tác với chính phủ Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp tiêm chủng tại địa phương.

Pháp cũng đang tìm cách định vị mình trong lĩnh vực điện hạt nhân và vận tải đường sắt, hai lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt và là lĩnh vực mà các đối thủ cạnh tranh đã đi trước một bước. Trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, Việt Nam hiện có một chương trình đầy tham vọng sau một thời gian dài do dự để thực hiện nó. Các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết với công ty Westinghouse của Mỹ, công ty Rosatom của Nga, một tập đoàn Nhật Bản có tên là JINED và công ty Kepco của Hàn Quốc.

Ngoài ra, Pháp và Việt Nam cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác về hiện đại hóa mạng lưới đường sắt của Việt Nam, tập trung vào dự án đường sắt cao tốc khổng lồ dài 1.540 km nối Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 10 năm 2024. Cạnh tranh ở đây một lần nữa hứa hẹn sẽ rất khốc liệt, với chuyên môn, khả năng cạnh tranh về giá và nguồn tài chính khổng lồ của Trung Quốc ở vị trí hàng đầu.

Cũng đáng chú ý là khoản đầu tư 527 triệu euro do tập đoàn CMA-CGM công bố cho một nhà ga cảng mới tại Hải Phòng, miền bắc Việt Nam. Nhìn chung, Emmanuel Macron và phái đoàn của ông đã tìm cách tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của Pháp trong các dự án lớn đang định hình sự phát triển kinh tế và năng lượng nhanh chóng của đất nước. Họ dựa vào chiếc ô ngoại giao của Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện đã ký kết vào năm ngoái trong chuyến thăm Pháp của Tô Lâm. Một chiếc ô mà sự vững chắc sẽ được xác minh khi nào chúng ta biết được tác động của “thỏa thuận” thương mại toàn cầu có thể có giữa Việt Nam và Donald Trump.

Thắt chặt mối quan hệ chiến lược với Jakarta

Nếu các dự án kinh tế lớn là trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Emmanuel Macron, quan hệ đối tác quân sự và chiến lược chi phối quan hệ với Indonesia, ngoài thỏa thuận hợp tác được Eramet và quỹ đầu tư quốc gia Indonesia ký kết trong lĩnh vực chế biến niken. Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto là một vị tướng có quá khứ tai tiếng, được biết đến vì liên quan đến một số vụ thảm sát ở Tây Papua ở phía tây Indonesia, ở Timor-Leste trong cuộc chiến giành độc lập và ở chính Jakarta trong các cuộc bạo loạn ủng hộ dân chủ năm 1998. Kể từ khi được bầu làm Tổng thống vào tháng 10 năm 2024, quá khứ này dường như đã bị lãng quên và nhân quyền không nằm trong chương trình nghị sự của các cuộc thảo luận song phương.

Prabowo nói tiếng Pháp và khá thân Pháp. Ông chia sẻ với Macron cam kết về khái niệm tự chủ chiến lược, điều này đã khiến ông, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 2019, tích cực tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng của đất nước và đa dạng hóa các nhà cung cấp. Ông là người đóng vai trò chính trong quá trình xích lại gần về mặt quân sự với Pháp, quyết định mua 42 chiếc Rafale vào năm 2022, mà chiếc đầu tiên sẽ được giao vào năm sau, và vào năm 2023 mua mười ba radar giám sát từ Thales và hai tàu ngầm lớp Scorpène từ Naval Group, sẽ được lắp ráp tại Indonesia.

Trong chuyến thăm của mình, Emmanuel Macron đã ký một bức ý định thư với Prabowo Subianto có thể mở đường cho việc bán thêm mRafale và tàu ngầm, cũng như các chiến hạm phòng thủ và can thiệp loại Belharra. Mặc dù Pháp là đối tác thương mại nhỏ của Indonesia - với khối lượng thương mại giới hạn ở mức 3 tỷ đô la - nhưng nước này đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Indonesia sau Hoa Kỳ và trước Hàn Quốc.

Nhìn chung, Pháp là một tác nhân chiến lược đáng tin cậy ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo dữ liệu do SIPRI (Stockolm International Peace Research Institute/Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm) thu thập, Pháp là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai thế giới trong giai đoạn 2020-2024, với thị phần 9,6%, Pháp đã dành một phần ba doanh số bán vũ khí của mình cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó hai khách hàng lớn nhất là Ấn Độ và Indonesia. Pháp cũng duy trì sự hiện diện quân sự trực tiếp với 8.000 quân đồn trú tại các vùng lãnh thổ khác nhau của Pháp trong khu vực, cũng như sự hợp tác quân sự tích cực với các nước ASEAN chính, bao gồm các cuộc tập trận chung, các thỏa thuận cho phép quân đội hiện diện trực tiếp và sự tăng cường khả năng tương tác. Tổng doanh số bán vũ khí của Pháp tại Châu Á - Thái Bình Dương tương đương với Trung Quốc, nhưng đa dạng hơn nhiều, vì Trung Quốc dành gần 80% doanh số bán vũ khí của mình cho một quốc gia duy nhất là Pakistan. Do đó, thật tự nhiên khi Emmanuel Macron là khách mời danh dự tại Đối thoại Shangri-La do IISS (International Institute for Strategic Studies/Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế) tổ chức, nơi quy tụ các quan chức an ninh và quốc phòng của khu vực này hàng năm tại Singapore.

Shangri-La, đối thoại của những người điếc

Các diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La đã đưa ra một phân tích chiến lược hoàn toàn khác, giống như một cuộc đối thoại của những người khiếm điếc. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth đã trình bày một tầm nhìn cực kỳ tiến công về sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mặc dù ông khẳng định lại rằng đất nước của ông “không có, cũng không muốn có, kẻ thù vĩnh viễn, và không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc Cộng sản. Chúng tôi không tìm cách thống trị hay bóp nghẹt Trung Quốc, và chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ [ở Bắc Kinh].”

Nhưng đối với Pete Hegseth, Trung Quốc mới là nước “muốn trở thành một thế lực bá quyền ở Châu Á và đã chứng minh rằng họ muốn thay đổi nguyên trạng của khu vực.” “Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội của mình có khả năng xâm lược Đài Loan vào năm 2027 [...] Mối đe dọa từ Trung Quốc là có thật và có thể sắp xảy ra.” Trước mối đe dọa này, Hoa Kỳ đang triển khai một chiến lược ba mũi nhọn: bố trí quân đội Hoa Kỳ theo thỏa thuận với các đối tác của mình. Các ví dụ được trích dẫn bao gồm Philippines, với việc triển khai hệ thống tên lửa chống tàu chiến có tên gọi là NMESIS, một nỗ lực chung giữa Hải quân Philippines và Trung đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ số 3. Các ví dụ khác bao gồm việc hiện đại hóa trụ sở Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ tại Nhật Bản và sự tiếp tục các cuộc tập trận bắn đạn thật tầm trung với Úc.

Yếu tố thứ hai của chiến lược Hoa Kỳ là hỗ trợ các nỗ lực phòng thủ của các nước đồng minh trong khu vực. DOD (Bộ Quốc phòng) đã thành lập một Liên đoàn An ninh Hàng hải với ngành công nghiệp Hoa Kỳ, để phát triển tàu và máy bay không người lái để giám sát vùng biển. Những công cụ mới này sẽ được đề nghị cho các đối tác của Hoa Kỳ trong ASEAN.

Trục thứ ba liên quan đến việc phát triển một cơ sở công nghiệp chung thông qua việc thành lập Partnership for Indopacific Industrial Resilience/Đối tác vì sự bền vững Công nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (PIPIR), tập hợp DOD và 14 quốc gia trong khu vực. Cấu trúc phối hợp này sẽ cho phép sửa chữa và bảo dưỡng các máy bay phản lực chiến đấu do Hoa Kỳ cung cấp trong khu vực thay vì trên đất Hoa Kỳ, cũng như xác lập các tiêu chuẩn chung cho việc triển khai máy bay không người lái thế hệ mới nhất.

Bài phát biểu tiến công và chính xác về mặt kỹ thuật của Pete Hegseth không khỏi gây ra phản ứng từ phái đoàn Trung Quốc. Do sự vắng mặt của Bộ trưởng Quốc phòng, phái đoàn này không được vinh dự phát biểu tại phiên họp toàn thể, do đó đại diện cấp cao nhất của phái đoàn, Chuẩn đô đốc Hồ Cương Phong, đã phát biểu trong phiên họp dành riêng cho hợp tác và an ninh hàng hải. Ông nhấn mạnh rằng một số tuyên bố (rõ ràng là nhắm vào Pete Hegseth) là “hoàn toàn bịa đặt, giống như lời của một tên trộm đang hô hoán có trộm”. Ông nhắc lại rằng Trung Quốc “phản đối chủ nghĩa đơn phương, áp lực bá quyền và việc biến vùng biển Châu Á - Thái Bình Dương thành trò chơi quyền lực”. Ông nói thêm rằng, dưới chiêu bài bảo vệ quyền tự do hàng hải, một số quốc gia “cố tình ủng hộ các lực lượng ly khai đòi độc lập cho Đài Loan. Chúng tôi kiên quyết phản đối các hành động bất hợp pháp tạo ra sự chia rẽ, ngăn cản việc thống nhất và ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của các quốc gia có chủ quyền”.

Con đường thứ ba của Macron

Sự can thiệp của Emmanuel Macron tại Đối thoại Shangri-la là mang tính chính trị nhất. Đầu tiên, ông nhấn mạnh đến những rủi ro của một tầm nhìn chỉ giới hạn trong các cuộc khủng hoảng khu vực lân cận, giữa những nước láng giềng, khiến một số người đặt Nga và Ukraine ngang hàng, những người khác thì trao cho Israel toàn quyền tấn công Gaza, hoặc các nước phát triển thì phớt lờ các thách thức về khí hậu.

Sau đó, ông giới thiệu Pháp là bạn và đồng minh của Hoa Kỳ và là một quốc gia sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc bất chấp một số bất đồng, trước khi nhấn mạnh tầm nhìn của mình về quyền tự chủ chiến lược. “Chúng tôi muốn hợp tác, nhưng chúng tôi không muốn phụ thuộc. Chúng tôi không muốn nhận được hướng dẫn hàng ngày về những gì được phép và không được phép. Châu Âu và Châu Á có lợi ích chung trong việc theo đuổi đường lối tự chủ chiến lược này vào thời điểm các liên minh cũ đang bị xói mòn và uy tín của chúng bị đe dọa”, ông nhấn mạnh.

Ông tiếp tục giải thích rằng những thách thức chiến lược mà hai khu vực trên thế giới phải đối mặt ngày càng đan xen vào nhau. Vài năm trước, Emmanuel Macron đã phản đối sự hiện diện của NATO ở Châu Á, tin rằng hiệp ước nên được giới hạn trong khu vực địa lý của mình. Nhưng “nếu Trung Quốc không muốn NATO quan tâm đến Đông Nam Á, họ nên ngăn chặn Triều Tiên can dự vào lãnh thổ Châu Âu”, ông nhấn mạnh.

Ông cũng nhấn mạnh rằng quy mô là yếu tố cốt lõi đối với các vấn đề quan trọng như trí tuệ nhân tạo, không gian và giám sát mạng. Theo ông, Châu Âu đang thực hiện phần việc của mình để có được quyền tự chủ chiến lược trong các lĩnh vực quốc phòng, công nghệ cao, tái công nghiệp hóa, năng lượng và thị trường tài chính nhằm giảm sự phụ thuộc và “giảm rủi ro” cho mô hình của mình.

Sau đó, ông nhắc lại những phát biểu mà ông đã đưa ra tại Hà Nội trước sinh viên tại Đại học Khoa học và Công nghệ ủng hộ một liên minh giữa các cường quốc trung bình ở Châu Á và Châu Âu. EU cần liên minh với Ấn Độ, ASEAN và các nước Châu Á - Thái Bình Dương khác. “Nếu chúng ta liên minh với nhau, chúng ta sẽ đại diện cho một phần ba tăng trưởng toàn cầu... thời điểm cho các liên minh hành động đã đến. Hãy xây dựng các liên minh vì một nền thương mại cởi mở, một môi trường ổn định và một cuộc đối thoại về cách giảm rủi ro cho các mô hình của chúng ta”, ông tuyên bố. Trong một khu vực tập trung nhiều vào thương mại tự do, Emmanuel Macron không ngần ngại đề xuất một sự xích lại gần giữa Liên minh châu Âu và CPTPP, hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương bao gồm mười hai quốc gia mà Vương quốc Anh vừa tham gia. Một đề xuất táo bạo khi xét đến sự ủng hộ chính trị rất yếu trong quốc hội Pháp đối với các vấn đề thương mại tự do.

Kết thúc bài phát biểu của mình, ông thừa nhận rằng uy tín chung của Hoa Kỳ và Châu Âu trong các vấn đề chiến lược và đối với Châu Á phụ thuộc vào khả năng giải quyết thỏa đáng xung đột ở Ukraine.

Về tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về Châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng tham gia vào việc phát triển các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, về WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Từ tám năm nay ông đã giảng dạy tại Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Khoa học Chính trị về phân tích triển vọng của Châu Á. Ông là tác giả của cuốn sách có tựa đề “Pandémie, le basculement du monde (Đại dịch, sự chuyển đổi của thế giới)”, được NXB Aude xuất bản vào tháng 3 năm 2021, và ông đã đóng góp cho ấn bản tháng 12 năm 2022 của “Revue économique et financière” dành riêng cho những hệ quả về kinh tế và tài chính của cuộc chiến ở Ukraine.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Tournée de Macron en Asie du Sud-Est: faire exister la France et l’Europe“, Asialyst, 4.6.2025.

Print Friendly and PDF