1.5.15

Duncan Foley và Lance Taylor được Giải thưởng Leontief 2015



Duncan Foley và Lance Taylor được Giải thưởng Leontief 2015

Thuyết trình của các khôi nguyên trên chủ đề:
"Kinh tế học vĩ mô trong thời đại biến đổi khí hậu"
Thứ Hai ngày 23 tháng 3, 2015
ASEAN Auditorium, Cabot Intercultural Center, 160 Packard Ave., Medford, MA

Năm 2015, Viện GDAE sẽ trao Giải thưởng Leontief vì việc mở rộng biên giới của tư tưởng kinh tế (Leontief Prize for Advancing the Frontiers of Economic Thought) cho Duncan Foley và Lance Taylor. Giải thưởng thừa nhận những đóng góp mà các nhà nghiên cứu trên đã thực hiện về sự thông hiểu các mối quan hệ giữa chất lượng môi trường và kinh tế vĩ mô. Buổi lễ và bài thuyết trình của những người đoạt giải thưởng sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng 3 năm 2015 tại trường Đại học Tufts ở Medford.
“Các công trình của Viện chúng tôi đã chịu nhiều ảnh hưởng, và đã hưởng lợi rất nhiều, bởi cách thức mà TS. Foley và TS. Taylor đã vượt qua ranh giới giữa kinh tế học và các ngành học khác để tạo ra một kiểu công trình phân tích nghiêm ngặt mà giải thưởng Leontief được thành lập để thừa nhận”, Neva Goodwin, Đồng Giám đốc của GDAE cho biết. "Nghiên cứu của TS. Taylor đã tích hợp các mối quan hệ xã hội xác đáng vào các mô hình kinh tế vĩ mô, có tầm quan trọng then chốt để thông hiểu các thực tiễn và thách thức về môi trường hiện tại và tương lai. Phương pháp tiếp cận độc đáo của TS. Foley khi kết hợp nghiên cứu về kinh tế chính trị với những tiến bộ về thống kê và thế mạnh rộng rãi của các dữ liệu có liên quan đã tạo ra một sự đánh giá sâu sắc hơn về những hệ quả của sự lựa chọn chính sách của các nhà kinh tế trong các lý thuyết và mô hình."
Cả hai người đoạt giải thưởng đã đóng góp các chương viết cho cuốn sách của GDAE xuất bản năm 2009 Twenty-First Century Macroeconomics: Responding to the Climate Challenge (Kinh tế học vĩ mô thế kỷ XXI: Lời đáp đối với thách thức về khí hậu). TS. Taylor đã viết một chương về "Energy Productivity, Labor Productivity, and Global Warming (Năng suất năng lượng, năng suất lao động và sự nóng lên toàn cầu)", trong khi TS. Foley là tác giả của chương “The Economic Fundamentals of Global Warming (Các nguyên lý kinh tế cơ bản về sự nóng lên toàn cầu)." Giải thưởng năm nay sẽ vinh danh những nỗ lực không ngừng của họ để mở rộng nhận thức của chúng ta về những tác động kinh tế vĩ mô của sự biến đổi khí hậu.
Duncan Foley (1942-)
TS. Duncan Foley là giáo sư Leo Model về kinh tế học tại trường New School for Social Research. Ông tốt nghiệp B.A. về Toán học tại trường Swarthmore College năm 1964, và nhận bằng tiến sĩ về Kinh tế học tại Đại học Yale năm 1966.
Là một nhà kinh tế hữu hiệu khác thường, TS. Foley đã có những đóng góp then chốt trong nhiều lĩnh vực, như lý thuyết kinh tế vi mô, kinh trắc học, kinh tế chính trị và kinh tế học về biến đổi khí hậu. Năm 2003, ông là tác giả cuốn Unholy Trinity: Labor, Capital and Land in the New Economy  (Ba ngôi phàm tục: lao động, tư bản và đất đai trong nền kinh tế mới) và năm 2006, ông xuất bản cuốn Adam's Fallacy: A Guide to Economic Theology (Ảo tưởng của Ađam: một chỉ dẫn về thần học kinh tế), bàn về lịch sử kinh tế học chính trị và kinh tế học. Nghiên cứu gần đây của ông đã phân tích những vấn đề đương đại nghiêm trọng như sự bất ổn tài chính, sự tăng trưởng kinh tế bền vững, và sự nóng lên toàn cầu từ viễn cảnh kinh tế chính trị.
Lance Taylor (1940-)
TS. Lance Taylor là giáo sư ưu tú về kinh tế học tại trường New School for Social Research và là cựu giáo sư Arnhold về hợp tác và phát triển quốc tế. Trước đây, ông là giáo sư về kinh tế học tại Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts, và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Universidade da Brasilia, Đại học Delhi, và trường Stockholm School of Economics. Ông từng là học giả khách mời hay cố vấn chính sách tại hơn 25 quốc gia, bao gồm Chile, Brazil, Mexico, Nicaragua, Cuba, Nga, Ai Cập, Tanzania, Zimbabwe, Nam Phi, Pakistan, Ấn Độ và Thái Lan. Ông nhận bằng tiến sĩ về kinh tế học tại Đại học Harvard năm 1968.
TS. Taylor đã xuất bản rất nhiều sách trong các lĩnh vực về kinh tế học vĩ mô và kinh tế học phát triển, tập trung vào sự tương tác giữa tăng trưởng, sự ổn định và phân phối thu nhập theo nhiều quan hệ xã hội khác nhau. Trong hoạt động nghiên cứu và tư vấn, ông đã có những bước tiến lớn theo phương pháp tiếp cận "cấu trúc" đối với chính sách kinh tế vĩ mô, một lựa chọn thay thế chính đối với truyền thống tân cổ điển. Gần đây, TS. Taylor đã đưa lên sự phân tích về biến đổi khí hậu từ viễn cảnh kinh tế vĩ mô. Cuốn sách gần đây nhất của ông dành cho đối tượng độc giả không chuyên môn là Maynard’s Revenge: The Collapse of Free Market Macroeconomics (Sự trả thù của Maynard: Sự sụp đổ của kinh tế học vĩ mô thị trường tự do).

Về giải thưởng Leontief

Viện GDAE trao giải thưởng kinh tế học đầu tiên vào năm 2000 để tưởng nhớ Wassily Leontief, nhà kinh tế đoạt giải Nobel và là thành viên ban cố vấn của GDAEGiải thưởng Leontief vì việc mở rộng biên giới của tư tưởng kinh tế công nhận công trình của những nhà kinh tế, giống như công trình của học viện và của bản thân Leontief, kết hợp các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm để thúc đẩy một sự thông hiểu toàn diện hơn về các quá trình xã hội và môi trường. Giải thưởng đầu tiên đã được trao vào năm 2000 cho John Kenneth Galbraith và Amartya Sen, người đoạt giải Nobel.
Viện GDAE được thành lập vào năm 1993 với mục tiêu là khuyến khích một sự thông hiểu tốt hơn những cách thức các xã hội có thể theo đuổi các mục tiêu kinh tế và cộng đồng của mình trong sự bền vững về môi trường và xã hội. Viện phát triển những sách giáo khoa và tài liệu học tập, phát hành bằng sách và trên trang web của Viện, kết hợp một sự thông hiểu rộng rãi về tính bền vững xã hội, tài chính và môi trường. Viện cũng tiến hành những nghiên cứu về chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, vai trò của thị trường trong chính sách môi trường, và toàn cầu hóa và phát triển bền vững.
Ngoài Amartya Sen và John Kenneth Galbraith, Viện GDAE đã trao giải thưởng Leontief cho Paul Streeten, Herman Daly, Alice Amsden, Dani Rodrik, Nancy Folbre, Robert Frank, Richard Nelson, Ha-Joon Chang, Samuel Bowles, Juliet Schor, Jomo Kwame Sundaram, Stephen DeCanio, José Antonio Ocampo, Robert Wade, Bina Agarwal, Daniel Kahneman, Martin Weitzman, Nicholas Stern, Michael Lipton, C. Peter Timmer, Albert O. Hirschman (truy tặng), Frances Stewart, Angus Deaton, and James K. Galbraith.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

 

Giải Leontief năm 2015

Wassily Leontief (1906-1999)
Kể từ năm 2000, Viện Phát triển toàn cầu và Môi trường của đại học Tufts (Hoa Kì) trao “giải Leontief”. Năm nay giải được trao cho hai nhà nghiên cứu Mĩ, Duncan Foley và Lance Taylor, theo thứ tự là giáo sư và giáo sư ưu tú của New School for Social Research ở New York.
Thể theo thông báo của Global Development And Environment Institute (GDAE), hai khôi nguyên được thưởng vì đã “gia tăng hiểu biết của chúng ta về những quan hệ giữa chất lượng môi trường và kinh tế học vĩ mô”. Đối với ông Viện trưởng, đây là dịp để công nhận giá trị của những công trình đa ngành xứng đáng với “công việc phân tích chặt chẽ” mà giải thưởng tìm cách biểu dương.

Duncan Foley: lí thuyết marxist về giá trị phục vụ cho việc hiểu biết chủ nghĩa tư bản đương đại

Duncan Foley (1942-)
Như Foley đã phát biểu trong một tham luận năm 2013, một qui luật được biết rõ cho thấy là khi thu nhập của cá thể tăng thì họ tiêu dùng một phần lớn hơn cho các dịch vụ: nhàn rỗi, di chuyển, giáo dục, y tế, v.v. Thế mà chủ nghĩa tư bản lại làm tăng chi phí giáo dục (gia tăng của học phí), tạo ra những vấn đề về sức khỏe (ô nhiễm, stress trong lao động) và nhân bội việc cầu viện đến những dịch vụ pháp lí do những xung đột mà nó tạo ra.
Nhất là Foley không tin vào huyền thoại về “nền kinh tế mới” dựa trên dịch vụ và do đó trên việc sử dụng giới hạn các tài nguyên thiên nhiên, không ngừng tiến triển nhờ các công nghệ mới cho phép có được hiệu suất theo quy mô tăng dần. Thật vậy, cần nhớ là ngay cả các dịch vụ có thể tiêu tốn nhiều năng lượng, như ví dụ của các máy chủ trong hệ thống Internet đòi hỏi dùng đến những lượng điện đáng kể.
Đối với Foley, kinh tế học thông tin là “một hình thức đổi mới của việc chiếm hữu giá trị thặng dư, chứ không phải là một cách mới tạo ra giá trị”. Kinh tế học mới này không thoát khỏi “những nan đề xưa cũ về sự khan hiếm các nguồn lực, về những ràng buộc môi trường và sự phân phối bất bình đẳng thành quả của lao động con người”.
Một ý tưởng độc đáo của Foley cho rằng mỗi doanh nghiệp chỉ tượng trưng cho một phần nhỏ của tổng giá trị thặng dư và đó không thể tác động đến nó. Chẳng hạn, ông ước lượng tổng sản phẩm (GDP) của hành tinh là từ 60 đến 80 tỉ tỉ đôla, và nếu giả sử tỉ suất giá trị thặng dư là từ 60 đến 80 % thì tổng giá trị thặng dư tối thiểu sẽ vào khoảng 30 tỉ tỉ đôla. Thế mà lợi nhuận của Exxon, doanh nghiệp lớn nhất thế giới chỉ khoảng 36 tỉ đô la. Do đó, theo ông, “khối lượng giá trị thặng dư dường như vô tận”.

Một kinh tế học chính trị về tô

Về cơ bản, Foley phát triển một kinh tế học chính trị về tô, tức là những phương thức chiếm hữu khác nhau giá trị gia tăng (kết quả của việc bóc lột sức lao động). Đặc biệt, ông tố cáo tô tài chính, hay những tô là kết quả của các quyền sở hữu trí tuệ vốn “đảm bảo quyền lực của những kẻ nắm giữ thông tin hay kiến thức rất được tìm kiếm, như các bài hát thời trang, các công nghệ then chốt, những liệu pháp y tế mũi nhọn, v.v.”.
Thế mà các rào cản cạnh tranh này không gì khác hơn là những hình thức đương đại tương đương với các hàng rào đất đai mà, ở buổi bình minh của cuộc cách mạng công nghiệp, đã chấm dứt việc quản lí tập thể đất nông nghiệp và đẩy nhanh hàng triệu nông dân về thành phố tìm việc làm.
Tuy nhiên, ông ghi nhận là chính các nước phát triển tính dựa vào các tô tài chính và quyền sở hữu trên để sống còn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, và như vậy tìm cách bắt chước sự thành công của các nước sản xuất dầu lửa dựa trên tô năng lượng của họ. Nhưng các tô này theo định nghĩa tạo nên những tình thế đặc quyền đặc lợi cho ai chiếm hữu chúng và do đó chỉ có thể dẫn đến những mức “phân cực hóa chính trị và xã hội” ngày càng cao. Vì thế, các định chế hỗ trợ cho các nền kinh tế này “sẽ phải gánh chịu một áp lực chính trị và xã hội ngày càng mạnh”.
Đối với Foley, chủ nghĩa tư bản đương đại còn ở xa sự hài hòa của “xã hội thông tin” không tưởng tuy dựa trên những phương thức mới về chiếm hữu giá trị nhưng đã không tìm ra được những phương thức mới tạo ra giá trị có khả năng đảm bảo sự ổn định và tồn tại lâu dài cho nó.  
Ta gặp lại ở Lance Taylor tầm nhìn phê phán này đối với chủ nghĩa tư bản đương đại, lần này từ vấn đề những bất bình đẳng. 

Lance Taylor: hệ thống hiện tại không thể sửa chữa những bất bình đẳng thu nhập

Lance Taylor (1940-)
Trong một công trình tập thể (có thể truy cập vào trang của ông trên cổng của INET) về sự phân phối thu nhập tại Hoa Kì, Lance Taylor và các đồng sự phân tách thu nhập của các tầng lớp dân số khác nhau và tiến hóa của các thu nhập này.
Qua đó, ta biết rằng thu nhập từ lao động bằng dưới một nữa của GDP Mĩ (chính xác là 45,8%) và các hộ gia đình nhận được 13% của GDP dưới dạng chuyển nhượng, tức thấp hơn rất nhiều số 30% thường quan trắc được ở châu Âu. Con số này thấp hơn những chuyển nhượng tài chính từ doanh nghiệp cho hộ gia đình (tiền lãi, thu nhập từ quyền sở hữu …) vốn lên đến 15% của GDP.
Mặt khác các tác giả nhắc lại rằng chi tiêu công bằng 33% của GDP, điều này tương đối hóa ý tưởng theo đó Nhà nước hoàn toàn vắng bóng trong nền kinh tế ở Hoa Kì.
http://ineteconomics.org/people/lance-taylor
Các tác giả còn cung cấp những con số về tầm quan trọng của những bất bình đẳng ở Hoa Kì mà, cho dù ta đã bắt đầu quen thuộc, vẫn khiến ta lạnh xương sống. Chẳng hạn, họ giải thích rằng thu nhập trung bình của 1% tầng lớp giàu nhất tương đương với 40 lần thu nhập bình quân của 40% tầng lớp nghèo nhất so với 20 lần trong những năm 1980, Nói cách khác, chỉ 1% những người giàu nhất chiếm một phần lớn hơn trong GDP phần của 40% những người nghèo nhất!  
Các tác giả kết thúc bài viết bằng những mô phỏng ước lượng những hiệu ứng của các biện pháp keynesian cổ điển (tăng chi tiêu công, đánh thuế nặng hơn các thu nhập cao, tăng lương tối thiểu) trên việc làm và thu nhập. Họ nhận thấy rằng các hiệu ứng này là khiêm tốn.
Kết luận: “Những biện pháp chính sách “khả thi” (về mặt chính trị) sẽ không thay đổi một cách cơ bản sự phân phối thu nhập trong nền kinh tế Mĩ (…) Chỉ có những thay đổi xã hội chủ yếu – nhằm tước đoạt những kẻ tước đoạt như cách nói ngày xưa – mới có thể bước đầu đảm nhận được nhiệm vụ này.”

Về sự khó khăn trong đối thoại giữa các nhà kinh tế

Các công trình của Foley và Taylor không chỉ làm hầu hết các nhà kinh tế ngạc nhiên bởi tính triệt để của các kết luận của các tác giả (phản ảnh lựa chọn chính trị của họ).
Các công trình này ít nhất là khó đọc vì các tác giả không sử dụng ngôn ngữ của khoa học kinh tế chuẩn định dưới dạng được chúng ta biết đến ngày nay: một mặt là tối đa hóa dưới ràng buộc một hàm mục tiêu ở cấp độ cá thể, và mặt khác là “cân bằng chung khả tính”.
Foley quy chiếu về lí thuyết marxist (và cổ điển) về giá trị lao động và bóc lột. Taylor cầu viện đến những công cụ thống kê độc đáo, như các “ma trận tài khoản xã hội” (social accounting matrix).
Trong cả hai trường hợp, phải có động lực, khi không quen thuộc với những công cụ như trên, để hiểu các công trình của họ. Và khi không nhận được bất kì sự đào tạo nào về trào lưu phi chính thống thì đó là một nỗ lực mà người ta không muốn bỏ ra.
Như vậy ta càng hiểu sự khó khăn của việc đối thoại giữa các nhà kinh tế thuộc những truyền thống khác nhau – và tầm quan trọng của những giải như giải Leontief để cho sự đa nguyên là sống động và quảng bá cho các nhà kinh tế đang làm việc để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Gilles Raveaud
Phó giáo sư kinh tế học Đại học Paris 8 Saint Denis
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Le prix Nobel alternatif 2015 a étéannoncé”, Altereco +, 29/03/2015

Print Friendly and PDF