28.6.15

Huyền thoại của tăng trưởng chuyên chế


Dani Rodrik (1957-)

Huyền thoại của tăng trưởng chuyên chế

CAMBRIDGE – Vào một buổi sáng thứ bảy gần đây, hàng trăm nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã tụ họp tại quảng trường ở Moscow để phản đối việc chính phủ hạn chế quyền tự do hội họp. Họ giơ cao biểu ngữ có chữ "31", viện dẫn Điều 31 của Hiến pháp Nga, đảm bảo quyền tự do hội họp. Họ nhanh chóng bị cảnh sát bao vây, cố gắng giải tán cuộc biểu tình. Một nhà phê bình hàng đầu chống đối điện Kremlin và nhiều người khác đã bị vội vã kéo lê vào một chiếc xe cảnh sát và chở đi.
Những sự kiện như trên xuất hiện hầu như hàng ngày ở Nga, nơi mà Thủ tướng Vladimir Putin cai trị đất nước với một bàn tay cứng rắn, và việc đàn áp những người phản đối chính phủ, vi phạm nhân quyền, và lạm dụng pháp luật đã trở thành chuyện thường nhật. Vào một thời điểm khi mà nền dân chủ và nhân quyền đã trở thành những chuẩn mực toàn cầu, thì những vi phạm trên ít làm nâng cao uy tín của Nga trên thế giới. Các nhà lãnh đạo chuyên quyền như Putin hiểu rõ điều ấy, nhưng dường như họ xem đó như là cái giá phải trả để thực thi quyền lực vô hạn ở đất nước họ.
Điều mà các nhà lãnh đạo như ông Putin ít hiểu được là các chính sách của họ cũng gây hại đến tương lai kinh tế và vị thế kinh tế toàn cầu của đất nước họ.
Mối quan hệ giữa đường lối chính trị và triển vọng kinh tế của một quốc gia là một trong những chủ đề cơ bản nhất – và được nghiên cứu nhiều nhất – trong tất cả các ngành khoa học xã hội. Điều gì tốt hơn cho sự phát triển kinh tế – một chế độ cai trị cứng rắn không bị áp lực cạnh tranh chính trị, hay một chế độ đa nguyên về lợi ích cạnh tranh nhau, khuyến khích sự cởi mở trước những ý tưởng mới và các tác nhân chính trị mới?
Những ví dụ ở các nước Đông Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) dường như hỗ trợ cho lựa chọn thứ nhất. Nhưng làm thế nào để có thể giải thích một thực tế là hầu hết các nước giàu – ngoại trừ những nước giàu chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên của họ – lại là những nước dân chủ? Liệu sự cởi mở chính trị có nên đi trước, thay vì đi theo sau, tốc độ tăng trưởng kinh tế?
Lý Quang Diệu (1923-2015)
Khi nhìn vào bằng chứng lịch sử mang tính hệ thống, thay vì những trường hợp riêng lẻ, chúng ta thấy rằng chủ nghĩa chuyên chế ít hiệu quả về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cứ mỗi nước chuyên quyền đã từng quản trị để phát triển nhanh, thì có rất nhiều nước đã thất bại. Cứ mỗi trường hợp như nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu của Singapore, thì có rất nhiều nhà lãnh đạo giống như Mobutu Sese Seko của Congo.
Các chế độ dân chủ không những thành công hơn so với các chế độ độc tài về mặt tăng trưởng kinh tế dài hạn, mà còn vượt hơn hẳn trong nhiều lãnh vực quan trọng khác. Các chế độ đó tạo ra sự ổn định kinh tế lớn hơn, được đo lường bởi những giai đoạn thăng trầm của chu kỳ kinh doanh. Và điều chỉnh tốt hơn trước các cú sốc kinh tế từ môi trường bên ngoài (ví dụ như sự suy giảm các tỉ số mậu dịch hoặc sự đột ngột ngừng chảy của luồng vốn nước ngoài). Các chế độ ấy tạo ra nhiều sự đầu tư hơn vào nguồn nhân lực – sức khỏe và giáo dục. Và tạo ra những xã hội công bằng hơn.
Ngược lại, các chế độ chuyên chế cuối cùng cũng tạo ra những nền kinh tế mang tính mỏng manh như hệ thống chính trị của chúng. Tiềm năng kinh tế, nếu có, dựa vào thế mạnh của cá nhân các nhà lãnh đạo, hoặc trên cơ sở những hoàn cảnh thuận lợi nhưng mang tính tạm thời. Nó không khao khát sự đổi mới kinh tế liên tục hay vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu.
Thoạt nhìn, Trung Quốc dường như là một ngoại lệ. Từ cuối những năm 1970, tiếp sau những thí nghiệm thảm khốc của chủ tịch Mao, Trung Quốc đã phát triển cực kỳ tốt, với những tỉ lệ tăng trưởng kinh tế không thể sánh kịp. Cho dù họ đã dân chủ hóa một vài quá trình ra quyết định ở cấp độ địa phương, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn duy trì nắm chặt về mặt chính trị quốc gia và bức tranh nhân quyền bị vấy bẩn do thường xuyên bị chà đạp.
Nhưng Trung Quốc vẫn là một đất nước tương đối nghèo. Sự phát triển kinh tế trong tương lai phụ thuộc một phần không nhỏ vào năng lực quản lý hệ thống chính trị khi mở ra cho sự cạnh tranh, giống như cách mà họ đã mở cửa nền kinh tế. Nếu không có sự biến đổi này, thì việc thiếu các cơ chế được thể chế hóa để lên tiếng và tổ chức những bất đồng chính kiến ​​cui cùng s to ra xung đột và lấn át khả năng đàn áp của chế độ. Sự ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn và mạnh. Nhưng tấm gương của hai chế độ này có thể ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo ở các nước khác, khiến họ nghĩ rằng có thể hy vọng đạt được thế thượng phong kinh tế trong khi vẫn siết chặt các phần tử đối lập chính trị trong nước.
Recep Tayyip Erdogan (1954-)
Hãy xem trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc kinh tế đang lên ở Trung Đông mà cho đến gần đây dường như có sứ mệnh là trở thành nền dân chủ Hồi giáo duy nhất trong khu vực. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan nới lỏng một số hạn chế đối với người Kurd thiểu số và thông qua những cải cách phù hợp với một hệ thống tư pháp theo chuẩn mực của châu Âu.
Nhưng gần đây, Erdogan và các đồng minh của ông đã phát động một chiến dịch gần như hăm dọa các đối thủ chính trị và thắt chặt sự kiểm soát của chính phủ đối với các phương tiện truyền thông và các định chế công. Họ đã bắt giam hàng trăm sĩ quan quân đội, học giả và nhà báo về những tội danh bịa đặt về xúi giục khủng bố và âm mưu đảo chính. Vì vậy, việc nghe lén điện thoại và sách nhiễu những người chỉ trích Erdogan lan rộng đến mức một số người tin rằng đất nước đã biến thành một "nền cộng hòa của sự sợ hãi”.
Bước ngoặt theo hướng chuyên quyền này báo trước một nguy cơ đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, bất luận những nền tảng vững chắc của họ. Sẽ có những hiệu ứng mang tính phá hủy dần chất lượng hoạch định chính sách, cũng như làm suy yếu sự khẳng định về vị thế kinh tế toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với các cường quốc kinh tế đang lên thật sự, chúng ta nên hướng về các nước như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, những nước đã hoàn thành quá trình quá độ lên chế độ dân chủ và có nhiều khả năng phát triển. Tất nhiên, không có nước nào trong số đó mà không có vấn đề. Brazil vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sự năng động kinh tế của họ và chưa tìm ra con đường dẫn tới sự tăng trưởng nhanh. Nền dân chủ của Ấn Độ có thể nổi điên trong việc kháng cự lại sự thay đổi kinh tế. Và Nam Phi thì đau đầu với một tỷ lệ thất nghiệp cao kinh hoàng.
Tuy nhiên, những thách thức trên không là gì so với những nhiệm vụ quan trọng về biến đổi thể chế mà các nước chuyên quyền đang chờ đợi. Đừng ngạc nhiên nếu cuối cùng Brazil qua mặt Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi vượt qua Nga, và Ấn Độ vượt trội hơn hẳn Trung Quốc.
Dani Rodrik là Giáo sư về khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp, Đại học Princeton, New Jersey. Ông là tác giả của One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth (Một kinh tế học, nhiều công thức: toàn cầu hóa, thể chế, và tăng trưởng kinh tế), và gần đây nhất, The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy (Nghịch lý toàn cầu hóa: dân chủ và tương lai của nền kinh tế thế giới).
Dani Rodrik
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “The Myth of Authoritarian Growth”, Project Syndicate, Aug 9, 2010.
------ 
Các bài có liên quan trên PTKT: 
Print Friendly and PDF