6.6.15

Hướng tới một sự thay đổi hệ chuẩn trong kinh tế học?


Cyril Hédoin

Hướng tới một sự thay đổi hệ chuẩn trong kinh tế học?

Thư trả lời gửi đến James K. Galbraith
Cyril Hédoin, ngày 06 Tháng tư 2010
Sự hồi sinh của lý thuyết kinh tế xuất phát từ đâu? Từ vùng biên hay từ vùng trung tâm của lí thuyết này? Để trả lời tiểu luận của James K. Galbraith, Cyril Hédoin cho rằng kinh tế học tự thân đã mang trong lòng nó những cách tiếp cận mang tính cách tân cho phép hiểu được những hiện tượng như cuộc khủng hoảng tài chính.
Trong bài báo của ông "Nhưng những nhà kinh tế đó, họ là ai?", James K. Galbraith tiến hành làm rõ ai là những nhà kinh tế đã có đủ sự sáng suốt để báo trước cuộc khủng hoảng tài chính. Galbraith bảo vệ luận thuyết cho rằng các nhà kinh tế đó không ở nơi mà người ta mong đợi, có nghĩa là ở vùng trung tâm của kinh tế học. Ngược lại, người ta phải tìm họ ở vùng biên, hoặc thậm chí ở bên ngoài lĩnh vực kinh tế học hàn lâm.
Như ông đã giải thích rõ cho đọc giả, danh sách các nhà kinh tế mà ông đưa ra hoàn toàn chưa phải là đầy đủ. Dĩ nhiên nó được xác định một phần bởi sự nhạy cảm và sự hiểu biết của tác giả. Một cách lộn xộn, Galbraith viện dẫn những cái tên sau đây: Dean Baker, Hyman Minsky, Wynne Godley hay Gary Dimsky. Các tác giả trên có những nguồn gốc trí thức khác nhau, nhưng tất cả họ đều có một điểm chung, theo Galbraith, là có khả năng dự đoán cuộc khủng hoảng tài chính, hoặc trong trường hợp của Minsky (mất năm 1996), đã cung cấp những công cụ lý thuyết để hiểu được các cơ chế của sự bất ổn tài chính. Các tác giả trên cũng có một điểm chung khác: họ không xuất phát từ vùng trung tâm của nghề nghiệp, điều mà một số người đôi khi còn gọi là "dòng chính thống" (“mainstream”) hay một cách vụng về hơn là "lý thuyết tân cổ điển". Nền tảng trong lập luận của Galbraith là nhận định trên chỉ cho biết, hoặc làm hiển nhiên hơn, sự việc cho rằng kinh tế học từ lâu đã đi sai đường. Do đó, vấn đề quan trọng là nhân cơ hội cuộc khủng hoảng tài chính này mà trở lại đúng đường, thậm chí cho dù phải đoạn tuyệt hoàn toàn với khoa học chuẩn định. Như Galbraith đã viết ở phần cuối của bài báo ông: "Do đó, không cần thiết phải giới hạn các cuộc thảo luận trong phạm vi hẹp của một môn khoa học kinh tế truyền thống. Vấn đề cấp bách ở đây là mở rộng nhiều hơn nữa không gian học thuật và tầm nhìn của công chúng đối với những công trình thực sự hữu ích để đối phó với những vấn đề sâu sắc về kinh tế trong thời đại của chúng ta. [...] Ý tưởng không phải là tranh luận bất tận về vấn đề kẻ tám lạng và người nửa cân, mà là vượt qua những cuộc tranh cãi về vỏ dưa và vỏ dừa nằm bên ngoài các cuộc tranh cãi ấy, nơi có những giải pháp nhất quyết nằm ở đâu đó, và đúng thực sự đang ở đó."
Quan điểm mà Galbraith bảo vệ là thú vị và, ít nhất, xứng đáng để quan tâm: nó mang tính xây dựng, theo nghĩa mong muốn xuất phát từ, và làm tăng giá trị, những phân tích mặc dầu ở vùng ngoại vi của kinh tế học, nhưng có tham vọng đề xuất một giải pháp thay thế cho cách tiếp cận đang thống trị. Như sẽ được nhấn mạnh nhiều hơn ở phần dưới, nhiều nhà kinh tế đã thể hiện sự bất mãn của họ đối với trạng thái kinh tế học hiện nay, và đặc biệt đối với kinh tế học vĩ mô. Paul Krugman [2009] là người nổi tiếng nhất trong số đó, nhưng ông ấy không phải là người duy nhất. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Galbraith về điểm này. Tuy thế, quan điểm của chúng tôi vẫn khác với quan điểm của Galbraith ở chỗ là, nếu chúng ta đồng ý với ý tưởng cho rằng kinh tế học là một khoa học cần phải tiến hóa, thì chúng ta đã không định vị những mầm mống định hướng lại ở trùng một nơi. Theo nghĩa trên, chúng tôi bảo vệ quan điểm cho rằng sự tiến hóa của kinh tế học sẽ diễn ra từ trong nội bộ hơn là sẽ có một "cuộc cách mạng khoa học" được khởi xướng vùng ngoại vi của bộ môn.

Một cuộc khủng hoảng "có hệ thống" của kinh tế học?

Paul Krugman không phải là nhà kinh tế duy nhất băn khoăn với tình trạng hiện tại của khoa học kinh tế. Chẳng hạn, ngày 22 tháng Bảy 2009, các nhà kinh tế Tim Besley và Peter Hennessy, thuộc trường London School of Economics, gửi một lá thư cho Nữ hoàng Anh[1], trong đó các ông đề cập đến "một sự thất bại của trí tưởng tượng tập thể của nhiều người thông minh, ở đất nước này cũng như trên quốc tế, trong việc hiểu được những rủi ro đối với hệ thống như một toàn thể". Người ta có thể xem cách giải thích trên là không mấy thỏa đáng và, một vài ngày sau, đến lượt một nhóm các nhà kinh tế Anh lại gửi một lá thư khác cho Nữ hoàng để giải thích sự thất bại của chuyên ngành của họ trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng. Những phê phán của họ mang tính chính xác hơn và mạnh mẽ hơn, tập trung vào việc cách thức các nhà kinh tế được đào tạo, mà theo họ góp phần đào tạo nên những "nhà bác học ngốc nghếch", được đào luyện để xây dựng những mô hình toán học phức tạp nhưng đầy những lỗ hổng nghiêm trọng về văn hóa khoa học. Một làn sóng phản ứng cuối cùng, có lẽ nổi bật hơn, xuất phát từ một bài viết của một nhóm các nhà kinh tế nổi tiếng, mà một số người trong đó, đã góp công rất lớn vào việc làm cho kinh tế học "chính thống" tiến hóa (đặc biệt có Alan Kirman và Michael Goldberg). Trong bài viết đó, các tác giả phê phán mạnh mẽ kinh tế học vĩ mô, mà theo họ không có khả năng tích hợp những phát triển gần đây nhất trong một số lĩnh vực cụ thể (phân tích mạng, kinh tế học về tính phức hợp), những lãnh vực có thể giúp giải thích và nhất là dự đoán cuộc khủng hoảng tài chính. Một lần nữa, giới kinh tế là đối tượng bị nhắm tới:
"Chúng tôi tin rằng kinh tế học đã bị kẹt trong một cân bằng dưới tối ưu, trong đó nhiều nỗ lực nghiên cứu đã không hướng tới những nhu cầu phổ biến nhất của xã hội. Một nghịch lý là những hiệu ứng phản hồi tự gia cố trong giới kinh tế có thể đã dẫn đến sự thống trị của một hệ chuẩn không có cơ sở phương pháp luận vững chắc và những thực hành thực nghiệm, để nói giảm nhẹ đi, mang tính khiêm tốn. Bỏ qua những vấn đề kinh tế phổ biến nhất của các nền kinh tế hiện đại và không truyền đạt những hạn chế và giả định của các mô hình được phổ biến rộng rãi, giới kinh tế học chịu một số trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng hiện nay. Giới này đã thất bại trong nhiệm vụ đối với xã hội nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc càng nhiều càng tốt về hoạt động của nền kinh tế và trong việc cung cấp những cảnh báo về các công cụ được nó tạo ra. Nó cũng miễn cưỡng nhấn mạnh đến những hạn chế trong phân tích của nó. Chúng tôi tin rằng sự thất bại, ngay cả trong việc nhìn thẳng những vấn đề hiện tại của hệ thống tài chính thế giới và sự bất lực của các mô hình chuẩn về kinh tế vĩ mô và tài chính trong việc cung cấp bất cứ một cái nhìn sâu sắc nào về các sự kiện đang diễn ra, buộc chúng ta phải có một sự định hướng lại trọng đại trong các lĩnh vực trên và xem xét lại các cơ sở cơ bản của chúng".
Thomas Kuhn (1922-1996)
Tuy nhiên, bài viết trên chủ yếu chỉ ra rằng sự thất bại của khoa học kinh tế là do không có khả năng tích hợp những phát triển mới nhất của bản thân bộ môn mình để dự đoán cuộc khủng hoảng tài chính. Quan điểm cuối này đưa chúng ta đi xa với luận thuyết của James Galbraith: vâng, kinh tế học đã thất bại với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, cũng giống như nó đã thất bại với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1929-1932. Nhưng, nơi mà Galbraith nhìn thấy sự giải thoát nằm ở vùng ngoại vi của kinh tế học, thì ngược lại các nhà kinh tế khác cho rằng rằng sự hồi sinh đã bắt đầu ngay từ bấy giờ chính từ trong lòng của hệ chuẩn thống trị. Sự đối lập trên làm người ta nhớ đến cuộc tranh luận về bản chất của sự tiến hóa của các ý tưởng khoa học, đã từng tiếp thêm sinh lực cho triết học về các khoa học trong những năm 1960 và 1970, đặc biệt qua các bài viết của Karl Popper và Thomas Kuhn[2]. Về điểm này, chúng tôi đọc bài viết của James Galbraith như một lời kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng khoa học theo kiểu của Kuhn. Thực vậy, mọi yếu tố cấu thành đã hội đủ: một hệ chuẩn thống trị không có khả năng giải thích cuộc khủng hoảng tài chính quan trọng nhất trong gần tám mươi năm qua, một sự bất lực cho thấy sự bất cập của các khái niệm lý thuyết và quan điểm mang tính phương pháp luận của các nhà kinh tế khi tham gia vào khoa học chuẩn định. Đặc biệt, nếu theo Galbraith, thì hiện có những đối chọn và chúng có thể thay thế hệ chuẩn đang tồn tại. Tình huống có vẻ như được thiết lập cho một cuộc cách mạng khoa học thật sự trong kinh tế học.

Lý thuyết tân cổ điển đã chết, lý thuyết đa nguyên chính thống vạn tuế?

Tuy nhiên, luận điểm của James Galbraith không những dựa trên một tầm nhìn chọn lọc và hạn chế về những phát triển lý thuyết gần đây trong lòng kinh tế học, mà còn dựa trên một quan niệm về dòng chính thống, có thể được mô tả như hơi lỗi thời. Luận điểm đó được triển khai từ sự đối lập giữa một bên là một hệ chuẩn thống trị, mà phương pháp luận chủ yếu dựa trên việc sử dụng các mô hình toán học, được thống nhất bên ngoài các cuộc thảo luận nội bộ riêng biệt trong mọi khoa học chuẩn định, và một bên là một tập hợp các cách tiếp cận ở vùng ngoại vi hoặc thậm chí ở bên ngoài kinh tế học, mà Galbraith nghĩ rằng ngày nay chúng phải trở thành là vùng trung tâm của bộ môn. Tuy nhiên, sự mô tả trên bỏ qua phần lớn những tiến hóa nội tại đã từng tác động đến hệ chuẩn thống trị từ hơn hai mươi lăm năm qua và làm thay đổi đáng kể bộ mặt của nó.
Đầu những năm 2000, nhà sử học về tư tưởng kinh tế David Colander thông báo cái chết của kinh tế học tân cổ điển [Colander, 2002], dòng tư tưởng này được sinh ra vào những năm cuối thế kỷ XIX và làm cơ sở cho cốt lõi của những nghiên cứu về kinh tế học trong gần một thế kỷ. Colander chứng minh một cách thuyết phục rằng nội dung của thuật ngữ "tân cổ điển", có niên đại từ đầu thế kỷ XX và đã được hồi sinh bằng những cuộc tranh luận trong những năm 1970, không còn phù hợp với những gì mà các nhà kinh tế đang thực sự làm trong nhiều thập kỷ qua. Gần đây hơn, Colander và các nhà quan sát quan tâm khác đã nhấn mạnh đến sự biến đổi quan điểm lý thuyết của các nhà kinh tế và đặc biệt là sự gia tăng nhanh các cách tiếp cận mới từ chính vùng trung tâm của ngành kinh tế học. Như vậy, David Colander, Richard Holt và Barkley Rosser Jr. [2004] gợi lên “bộ mặt thay đổi của dòng chính thống". Đặc biệt, họ nhấn mạnh đến sự chênh lệch ngày càng lớn giữa, một bên là các thực hành hiệu quả của những nhà kinh tế thường xuyên viện dẫn đến việc sử dụng những cách tiếp cận mới (kinh tế học thực nghiệm, lý thuyết trò chơi tiến hóa, kinh tế học về tính phức hợp) và, một bên là nội dung môn học được giảng dạy trong trường đại học, vẫn còn thấm đậm những ý tưởng và lý thuyết cũ xưa hơn. John B. Davis, giáo sư triết học kinh tế tại Đại học Rotterdam, gần đây đã lưu ý đến sự nổi lên của một hình thức chủ nghĩa đa nguyên phương pháp luận trong lòng của dòng tư tưởng chính thống [Davis, 2006]. Chủ nghĩa đa nguyên mới này được cụ thể hóa trong thực tế bằng việc là các nguyên lý phương pháp luận và lý thuyết vốn trước đây được coi là những yếu tố cấu thành của mọi hình thức phân tích kinh tế (lý luận bằng khái niệm cân bằng chung, giả thuyết về tính duy lý hoàn hảo) thì nay có xu hướng trở thành không có tính bắt buộc. Ngày càng có nhiều những công trình, được cộng đồng các nhà kinh tế công nhận và chấp nhận, tự giải phóng khỏi những giả thuyết hạn chế đã từng một thời đặc trưng cho hệ chuẩn tân cổ điển.
Sự tiến hóa trên, như nó được một số nhà quan sát tái hiện lại, mâu thuẫn với tầm nhìn "Kuhnian" về cơ năng khoa học như là một chuỗi các cuộc cách mạng. Thật vậy, đó là một quá trình sắp xếp lại nội bộ mà chúng ta đang chứng kiến ​​ngày nay, một quá trình dẫn hệ chuẩn thống trị đến một sự biến đổi để rồi cuối cùng thành một hình thức mới, hoặc thậm chí bị vỡ vụn. Điều này không có nghĩa là các cách tiếp cận ở vùng ngoại vi không có vai trò gì trong quá trình trên; trái lại, có một thực tế được cách điệu hóa trong lịch sử tư tưởng kinh tế là xu hướng của hệ chuẩn thống trị để tích hợp các ý tưởng và đóng góp của các lý thuyết cạnh tranh và, dưới tác động của các ý tưởng và đóng góp này, thì bản thân hệ chuẩn cũng biến đổi theo. Nhưng điều này lại dẫn chúng ta nghĩ rằng, giống như nhiều nhà bình luận phê phán khác đối với kinh tế học, James Galbraith đánh giá thấp sự biến đổi của lĩnh vực học thuật này.

Tương lai của kinh tế học

Vậy các cách tiếp cận mới góp phần hình thành nên bộ mặt mới của kinh tế học là gì? Chúng ta sẽ nêu lên một số cách tiếp cận, nhưng sự lựa chọn của chúng tôi không hề có tham vọng là đầy đủ.
George Akerlof (1940-)
Quan điểm đầu tiên hứa hẹn là quan điểm của kinh tế học thực nghiệm (kinh tế học hành vi). James Galbraith lướt nhanh quan điểm trên ở phần cuối bài viết của ông, nhưng chỉ để chê bai. Đây là một sự lựa chọn võ đoán và không thể biện minh. Được khởi xướng bởi các công trình của những tác giả như Daniel Kahneman (giải Nobel kinh tế năm 2002) và Richard Thaler, kinh tế học thực nghiệm đã đóng một vai trò then chốt trong việc đặt lại câu hỏi về nhân vật truyền thống của homo economicus. Từ những thí nghiệm được kiểm soát trong phòng thí nghiệm, các nhà kinh tế làm việc theo quan điểm này đã có khả năng làm bộc lộ một số hành vi thiên lệch (ví dụ như sự không thích mất mát) hoặc một số sở thích nào đó (ví dụ như việc đi tìm sự công bằng) dẫn đến những hành vi thực tế mâu thuẫn có hệ thống với các dự đoán của phân tích chuẩn. Bác bỏ kinh tế học hành vi càng gây tranh cãi hơn khi cách tiếp cận này trực tiếp thích đáng cho kinh tế học tài chính và cho việc thông hiểu các cuộc khủng hoảng tài chính, như cuốn sách gần đây của George Akerlof và Robert Shiller [2009] đã chứng minh. Lấy lại công thức nổi tiếng của Keynes, hai tác giả trên phát triển luận điểm cho rằng các chu kỳ kinh tế (bị gây ra, trong số nhiều nguyên nhân khác, bởi các cuộc khủng hoảng tài chính) có nguồn gốc từ "bản năng động vật" của mỗi cá nhân. Thuật ngữ bản năng động vật được dùng để chỉ chính xác một số ​​độ chênh hành vi dẫn đến sự lạc quan thái quá trong những thời kỳ hưng phấn, tiếp theo sau là sự bi quan thái quá trong những thời kỳ khủng hoảng. Nói chung, kinh tế học thực nghiệm cung cấp, đặc biệt chung quanh các công trình của Richard Thaler, một đối chọn thực sự cho kinh tế học tài chính so với những cách tiếp cận dựa trên những giả thuyết về sự kỳ vọng duy lý và về thị trường hiệu quả, như chúng từng được phát triển trong hơn ba mươi năm đặc biệt bởi "trường phái Chicago"[3]. Nhân vật homo œconomicus không còn là dấu hiệu phân biệt của khoa học kinh tế, và kinh tế học thực nghiệm đã góp phần rất lớn làm nổi bật tác động của sự thay đổi này để hiểu các hiện tượng kinh tế.
Robert Shiller (1946-)
Một tập hợp thứ hai các nghiên cứu sáng tạo là tập hợp các nghiên cứu về vai trò và sự tiến hóa của các thể chế. Thể chế là các chuẩn mực, quy định và quy ước điều tiết các mối quan hệ tương tác kinh tế và xã hội. Mặc dù một số nhà kinh tế (Schmoller, Veblen, Commons) đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chúng từ cuối thế kỷ XIX, nhưng phải đợi đến tương đối khá muộn, bắt đầu từ những năm 1980, kinh tế học mới bắt đầu tích hợp chúng vào phân tích và xem xét chúng một cách có hệ thống. Cái mà người ta gọi là kinh tế học thể chế ngày nay là một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển mạnh và sử dụng nhiều công cụ phương pháp luận đa dạng. Trên thực tế tất cả các nhà kinh tế đều đồng ý rằng người ta không thể giải thích các hiện tượng kinh tế mà không xét đến các thể chế. Thể chế đóng một vai trò đặc biệt mang tính quyết định khi có những thông tin bất đối xứng (có nghĩa là, trong khuôn khổ của một giao dịch kinh tế, một tác nhân có nhiều thông tin hơn một tác nhân khác), và có những lý do vững chắc để tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn một phần từ những thông tin bất đối xứng như trên, giữa các thể chế tài chính và các cơ quan điều tiết cũng như trong chính các định chế tài chính (làm thế nào các nhà lãnh đạo ngân hàng biết được nghề của các nhân viên kinh doanh chứng khoán trong ngân hàng họ?). Trong một động tác tương tự, ngay từ năm 2005, nhà kinh tế Raghuram Rajan [Rajan, 2005] đã chỉ ra rằng những thay đổi về thể chế đã từng gây ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính trong hai mươi năm qua là những thủ phạm mang mầm mống rủi ro có hệ thống. Như vậy Rajan cho thấy sự hiện diện của một nguy cơ đáng kể về cú sốc tài chính là do một số biện pháp khuyến khích nguy hại được tạo ra bởi các quy định của hệ thống tài chính. Kết luận của ông có một đặc tính mang tính tiên tri không kém gì đặc tính tiên tri trong các công trình của các tác giả được James Galbraith đề cập đến:
"Với khả năng một số quốc gia cùng nhau đưa ra những biện pháp khuyến khích nguy hại, thì điều quan trọng là cần phải có một cách tiếp cận quản lý rủi ro để điều tiết các hoạt động tài chính, nhằm ngăn ngừa các quốc gia trên, thông qua một quá trình triển khai đúng đắn chính sách tiền tệ và thông qua các biện pháp quản lý thận trọng về mặt vĩ mô. [...] Chúng ta phải chuẩn bị đối phó một cuộc suy thoái, tuy có một xác suất thấp xảy ra, nhưng sẽ rất tốn kém. Trong tình huống như vậy, có khả năng những tổn thất nào bắt nguồn từ một thảm họa tài chính thì các thế hệ hiện tại không có khả năng chống đở được hoàn toàn mà còn phải chia sẻ tốt hơn với các thế hệ tương lai".
Tuy nhiên, những cảnh báo của Rajan, cũng như của những Cassandra khác, đã không được xem xét một cách nghiêm túc, mặc dù trong thực tế tác giả của nó nằm ở vùng "trung tâm" của bộ môn. Trong một cách nhìn xa hơn các vấn đề tài chính, người ta cũng đã thấy nổi lên trong những năm gần đây những công trình nỗ lực kết hợp các mô hình hình thức của lý thuyết trò chơi với các nghiên cứu tình huống lịch sử, nhằm mục đích phân tích tầm quan trọng và nguồn gốc những đặc điểm riêng của các nền kinh tế khác nhau trên thế giới[4]. Một số lượng ngày càng lớn các nghiên cứu hiện nay huy động các mô hình trò chơi tiến hóa (xem hộp bên dưới), được du nhập ban đầu từ sinh học, để hiểu rõ hơn cách thức mà những cá nhân có tính duy lý hạn chế có thể học hỏi từ các quan hệ tương tác trước đây của họ và thích nghi hành vi của họ một cách phù hợp. Những mô hình trên cũng cho phép khu biệt tốt hơn những cơ chế chi phối sự diễn tiến của các thể chế. Một trong những thành tích lớn lao của các mô hình trên, so với các mô hình kinh tế học tân cổ điển của thế kỷ trước, là cho thấy rằng không nhất thiết phải có một cân bằng duy nhất và tối ưu, rằng một nền kinh tế có thể sẽ bị mắc kẹt lâu dài với những thể chế không hiệu quả. Cuối cùng, kinh tế học thể chế ngày nay hoàn toàn có khả năng giúp hiểu được những hiệu ứng cả tích cực lẫn tiêu cực mà một số thể chế, ví dụ như các quy tắc thận trọng trong các thị trường tài chính có thể tạo ra cho các nền kinh tế, cũng như cho các quỹ đạo được những thể chế trên chọn làm lộ trình.

Lý thuyết trò chơi tiến hóa

Lý thuyết trò chơi là một công cụ toán học mà những phát triển đầu tiên vào những năm 1940. Mục đích của công cụ này là cho phép nghiên cứu các tương tác chiến lược có sự can dự của các tác nhân duy lý. Được ứng dụng ban đầu chủ yếu vào những vấn đề xung đột quốc tế trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh Lạnh, lý thuyết trò chơi kể từ đó đã được tích hợp hoàn toàn vào kinh tế học để nghiên cứu nhiều hiện tượng, chẳng hạn như các quá trình đàm phán, chiến lược của các doanh nghiệp hoặc những vấn đề về sự danh tiếng.
Lý thuyết trò chơi tiến hóa đã được chủ yếu phát triển một cách độc lập từ những năm 1960 và 1970 bởi các nhà sinh học [Maynard Smith, 1982]. Nó khác biệt rõ với lý thuyết trò chơi cổ điển, do ngay từ đầu nó đã được phát triển để nghiên cứu hành vi động vật và mô hình hóa các cơ chế lựa chọn và đột biến của Darwin. Trong các mô hình trò chơi tiến hóa, người ta bác bỏ giả thuyết về tính duy lý hoàn hảo của các tác nhân; các tác nhân được giả định tuân theo những quy tắc ứng xử rất đơn giản và hoàn toàn không mang tính tối ưu hóa. Các mô hình này được sử dụng để nghiên cứu những cơ chế qua đó một hành vi hay một nét kiểu hình được lan truyền trong nội bộ một quần thể. Kể từ những năm 1980, lý thuyết trò chơi tiến hóa đã được các nhà kinh tế sử dụng rộng rãi, một mặt để nghiên cứu các cơ chế học tập của cá nhân và mặt khác để giải thích sự tiến hóa của các quy ước và chuẩn mực xã hội.
Một tập hợp cuối cùng các phát triển mà chúng tôi sẽ đề cập quy chiếu đến cả một nhánh nghiên cứu, có thể được gọi là "kinh tế học về tính phức hợp". Như các trào lưu kinh tế được đề cập ở trên, nhánh này xuất phát từ việc du nhập ban đầu các công cụ và kỹ thuật mang tính phương pháp luận từ các khoa học xã hội và khoa học tự nhiên khác. Các công trình về tính phức hợp chủ yếu dựa trên việc sử dụng các mô phỏng bằng máy tính để tìm hiểu những hệ quả có hệ thống của những hành vi cá nhân phi tập trung hóa. Ưu điểm của hình thức mô hình hóa này là cho phép nghiên cứu những động thái phi tuyến tính, vốn khó mô hình hóa được theo cách truyền thống của các nhà kinh tế. Trong các mô hình trên, các tác nhân không được giả định là những người duy lý hoàn hảo; thay vào đó họ tuân theo một số quy tắc ứng xử ít nhiều đơn giản hơn. Thế mạnh của các máy tính ngày nay cho phép xây dựng những mô hình thực tế hơn, mô hình hóa các quần thể không đồng nhất với những tác nhân có những sở thích và những quy tắc ứng xử rất khác nhau. Cơ năng của những hệ thống phát sinh từ đó thường mang tính phức hợp và khó lường trước, do sự tồn tại của những quá trình cộng dồn những vòng lặp có có tính phản hồi. Như được đề cập trên đây, kinh tế học phức hợp rất hữu ích để hiểu được sự nổi lên của các thể chế và cơ năng của các hành vi cá nhân. Nhưng nó cũng trực tiếp thích đáng cho việc nghiên cứu các hiện tượng kinh tế vĩ mô và tài chính. Chẳng hạn như, các phân tích của Hyman Minsky, mà Galbraith nhắc đến trong bài báo của ông, có thể được đào sâu đáng kể bằng cách vận dụng kinh tế học phức hợp [Gallegati, Palestrini và Rosser Jr., 2010], khi xác định một cách hình thức các điều kiện nhờ đó mà giả thuyết bất ổn tài chính của Hyman Minsky được chứng thực. Còn Phân tích mạng, một cách tiếp cận khác thuộc kinh tế học phức hợp, có thể cho phép hiểu rõ hơn tầm quan trọng của những liên kết giữa các tác nhân trong nội bộ hệ thống tài chính [Allen và Babus, 2008]. Nó đặc biệt cung cấp một khung phân tích thích hợp để hiểu được những cơ chế ẩn mình đằng sau cụm từ "quá lớn để thất bại" (“too big to fail”): thật vậy, sự ổn định của một mạng lưới có thể gặp phải nguy cơ lớn trong trường hợp nó quá tập trung xung quanh một số nút (tác nhân). Như vậy, sự sụp đổ của một tác nhân quá quan trọng có khả năng tạo ra những hiệu ứng có tính hệ thống cùng với những hệ quả nghiêm trọng. Một sự hiểu biết tốt hơn về các cơ chế này có thể cho phép xây dựng một pháp chế thích hợp hơn đặc biệt nhắm đến việc ngăn chặn sự nổi lên của một tác nhân quá quan trọng. Viện Santa Fe Institute, một trung tâm nghiên cứu liên ngành, cho đến ngày nay vẫn là trung tâm hàng đầu để phát triển những công trình thuộc kiểu trên. Nhưng những công trình đó ngày càng phổ biến hơn trong kinh tế học.[5]
Ba tập hợp các phương pháp tiếp cận vừa được đề cập có điểm chung là nằm ở vùng trung tâm của kinh tế học. Điều này không có nghĩa là chúng được khai thác hoàn toàn hoặc được thừa nhận theo đúng giá trị của chúng. Sự tích hợp và phát triển vì vậy chưa hoàn chỉnh. Bài viết của Kirman và các đồng sự, được nhắc đến trên đây, cáo buộc một cách chính xác sự bất lực của kinh tế học nhằm tích hợp các đóng góp của phân tích các mạng và kinh tế học phức hợp. Trong khi đó các kết quả của kinh tế học thực nghiệm thì được tranh luận rộng rãi, một số nhà kinh tế đánh giá thấp tầm quan trọng của chúng, vì lý do phương pháp luận được sử dụng. Cuối cùng, bản thân kinh tế học thể chế phải đối mặt với chính những cuộc tranh luận nội bộ. Một số phê phán gần đây chống lại những nghiên cứu cố gắng kết hợp các mô hình lý thuyết trò chơi và các nghiên cứu tình huống lịch sử xác thực rằng kinh tế học vẫn chưa mở cửa hoàn toàn cho các đối chọn thay thế khác nhau về phương pháp luận. Mặt khác, lý thuyết trò chơi tiến hóa đôi khi bị chuyển hướng khác với thiên hướng thực nghiệm ban đầu của nó khi được ứng dụng vào các bài tập toán học với tính thích đáng thực nghiệm đáng ngờ[6]. Tuy nhiên, những phương pháp tiếp cận này được thảo luận trong chính bối cảnh của khoa học chuẩn định. Những bài viết liên quan đến chúng được công bố trên những tạp chí hàn lâm hàng đầu. Trên tất cả, chúng liên quan trực tiếp đến những nỗ lực để thông hiểu các hiện tượng kinh tế thực sự, chẳng hạn như một cuộc khủng hoảng tài chính.

Kết luận

Chúng tôi chia sẻ nhận định của James Galbraith và của nhiều nhà kinh tế khác: khủng hoảng tài chính năm ngoái bộc lộ sự bất lực của một bộ phận nhất định của kinh tế học (chủ yếu là kinh tế học vĩ mô và kinh tế học tài chính) trong việc giải thích những hiện tượng thực nghiệm quan trọng. Nguyên nhân thì chắc chắn là rất nhiều. Một khi đã phát biểu nhận định trên, thì vấn đề còn lại là xác định hướng giải quyết. Trong bài viết của ông, James Galbraith đề xuất hướng tới vùng ngoại vi của kinh tế học, và cho rằng đã đến lúc để khởi động một cuộc cách mạng khoa học thực sự. Ngoài những thành tích không thể chối cãi của các phương pháp tiếp cận được Galbraith giới thiệu, luận điểm này đã bỏ qua không xem xét những biến đổi gần đây của kinh tế học.
Người ta có thể ghi nhận, cùng các nhà quan sát khác, rằng những gì cấu thành, ba mươi năm trước, hệ chuẩn thống trị thì nay bị chia nhỏ thành nhiều cách tiếp cận ít nhiều tương thích với nhau. Sự tiến hóa hiện nay của kinh tế học dường như phủ định luận thuyết của Kuhn cho rằng khoa học nhất thiết phải diễn tiến thông qua các cuộc cách mạng. Ngày nay có những cách tiếp cận lý thuyết được công nhận, ít nhất là nằm một phần ở vùng trung tâm của khoa học kinh tế, có được một quyền lực giải thích thực sự để phân tích một hiện tượng chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính. Chúng tôi đã trình bày ba cách tiếp cận, biết rằng còn có những cách tiếp cận khác: kinh tế học thực nghiệm, kinh tế học thể chế và kinh tế học phức hợp. Ngày nay, có lẽ người ta chú trọng nhiều đến lĩnh vực giảng dạy, hơn là nghiên cứu kinh tế học, vì việc giảng dạy không đồng bộ với những tiến hóa gần đây. Ngoài nhận định, mà sự đồng thuận thường được chia sẻ, theo đó việc giảng dạy kinh tế học hiện tại tập trung quá nhiều vào tính kỹ thuật hơn là vào nội dung chính, điều không nghi ngờ gì nữa có lẽ là một sự tích hợp tốt hơn những phát triển gần đây nhất của bộ môn mới tỏ ra là cần thiết.

Bài trả lời Cyril Hédoin của James K. Galbraith

Cyril Hédoin xác lập một sự phân biệt giữa vùng "ngoại vi" và vùng "trung tâm", hay dòng chính thống (mainstream) của kinh tế học. Sau đó ông lập luận rằng dòng chính thống có một tập hợp các dữ liệu khoa học cho phép hiểu rõ bản chất của cuộc khủng hoảng tài chính. Tất nhiên tôi có sử dụng các từ "chính thống" và "quy ước" – mà ý nghĩa không hề mơ hồ đối với bất kỳ nhà kinh tế nào –nhưng tôi dứt khoát bác bỏ ý tưởng cho rằng đối chọn của dòng chính thống mang tính "ngoại vi " - hay thậm chí, như Hédoin cố gợi ý, là tìm kiếm đối chọn này bên ngoài lĩnh vực học thuật.
Tôi viện dẫn trong tiểu luận của mình năm nhóm các nhà kinh tế, mỗi nhóm trong số đó đều có thể khẳng định, một cách chính đáng, đã nhìn thấy trước cuộc khủng hoảng. Mỗi nhóm được đại diện bởi những nhà nghiên cứu có thành tích học thuật hoàn hảo. Những người Marxian gần như là những nhà triết học kinh viện. Dean Baker, dù không công tác trong đại học, là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về kinh tế học ứng dụng - và người ta còn thấy cách tiếp cận của ông nằm trong khung của lý thuyết cân bằng chung. Ba nhóm khác, bằng cách này hay cách khác, theo đuổi con đường đã được John Maynard Keynes vạch ra. Wynne Godley là nhân vật chủ yếu của khoa kinh tế học ứng dụng tại Đại học Cambridge. Hyman Minsky đã nghiên cứu toán tại Đại học Chicago và kinh tế học tại Đại học Harvard. Bố tôi, được đào tạo ở Berkeley, đã giảng dạy tại Đại học Harvard và từng là chủ tịch của Hội Kinh tế Mỹ.
Tương tự, mỗi một nhà nghiên cứu đương thời mà tôi viện dẫn các công trình của họ rõ ràng đều là những người xuất sắc như Barkley Rosser Jr. - Cyril Hédoin không bổ sung thêm gì cho tiểu luận của tôi khi viện dẫn ông ấy trong thư trả lời (tôi cũng viện dẫn Peter Albin, đã quá cố, một nhà tiên phong trong lĩnh vực kinh tế học phức hợp). Gary Dymski, một trong số ít các nhà kinh tế đã nghiên cứu trên thực địa những khoản cho vay bất động sản được gọi là tín dụng dưới chuẩn (subprime), là một giáo sư kinh tế học tại Đại học California. Ping Chen chắc chắn là một nhà vật lý, nhưng những đóng góp của ông cho lý thuyết kinh tế được nhiều nhà kinh tế biết đến, đặc biệt nhờ những bài báo của ông được công bố trên Tạp chí Journal of Economic Behavior and Organization (Kinh tế học hành vi và tổ chức). William K. Black là một nhà tội phạm học và hiện đang giảng dạy kinh tế học và luật học tại đại học; George Akerlof, người đoạt giải Nobel kinh tế, đã viết trong cuốn sách của ông về cuộc khủng hoảng tài chính của các quỹ " Savings & Loans" từng diễn ra ở Hoa Kỳ trong những năm 1980 rằng "không ai hiểu hơn ông ấy cách thức diễn ra các cuộc cướp bóc".
Như vậy, không có gì là vùng "ngoại vi" trong công trình của các nhà kinh tế mà tôi trích dẫn. Tôi viện dẫn các công trình này vì chúng là những bài viết xuất sắc nhất được công bố gần đây, theo hiểu biết của tôi, về các cuộc khủng hoảng tài chính nói chung và đặc biệt về cuộc khủng hoảng mới đây. Theo tôi, người nào không trích dẫn chúng đơn giản là đã vi phạm các quy tắc của lao động tri thức, và người ta không thể biện minh sự vi phạm đó bởi ý tưởng cho rằng những công trình trên bằng cách nào đó nằm ở ngoài lề. Chúng không nằm ngoài lề. Nói như vậy chỉ là một cách lười biếng để tránh các lập luận và bằng chứng thực nghiệm mà người ta không muốn giáp mặt.
Cũng xin lưu ý rằng sự bất đồng của chúng tôi không liên quan gì đến việc sử dụng các mô hình toán học. Rosser và Chen sử dụng toán học thuần túy. Baker và Godley sử dụng các thống kê kinh tế. Nghiên cứu của Black chủ yếu nằm trong lĩnh vực luật học, sử học và phân loại học. Trong khi bài của Rajan, chính cái bài báo mà Cyril Hédoin rất thích tôi viện dẫn, không có gì mang tính toán học. Bài đó trở nên nổi tiếng chủ yếu bởi vì giáo sư Rajan đã thành công khi trình bày nó ở Cục dự trữ liên bang. Điều này không nhất thiết phải là một ví dụ tốt.
Cyril Hédoin nhấn mạnh đến niềm hy vọng mà kinh tế học hành vi dấy lên và sự tan rã của cách tiếp cận tân cổ điển. Chúng tôi đồng ý về tình trạng của lý thuyết tân cổ điển; bài của tôi thậm chí không sử dụng thuật ngữ đó. Nhưng sự sụp đổ của tư tưởng tân cổ điển chính thống để lại một khoảng trống vẫn chưa được các cách tiếp cận chính thống mới lấp vào. Đặc biệt, theo chỗ tôi biết, không có người nào ngưỡng mộ Kahneman và Thaler, khẳng định rằng họ mang lại điều gì đó thực sự là xác đáng cho việc dự đoán cuộc khủng hoảng tài chính.
Đối với Akerlof và Shiller, quả thật là cách tiếp cận tâm lý của họ vận dụng một yếu tố của quan điểm Keynesian (animal spirits –bản năng động vật), nhưng cách tiếp cận đó thất bại trong việc đưa yếu tố trên vào bối cảnh rộng lớn hơn của lý thuyết Keynesian. Vì thế, lập luận này yếu và không phù hợp (theo ý kiến ​​của tôi) để giải thích những gì đã xảy ra hai năm qua, bất luận vị thế học thuật có uy tín của các các tác giả trên.
Vấn đề thật đơn giản. Trong nhiều trường hợp, những "nhà kinh tế hàng đầu" mà Cyril Hédoin thích viện dẫn không tốt bằng những nhà kinh tế khác, mà ông không thích viện dẫn. Nhưng khi nào mà các nhà kinh tế đó không được coi là đáng để đọc, thì sinh viên kinh tế và người dân sẽ không có cơ hội để biết đến.
Cuối cùng, Cyril Hédoin đồng ý rằng kinh tế học vĩ mô chính thống và lí thuyết tài chính đã chứng tỏ là không có khả năng dự đoán tình huống một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra và khả năng đối phó với chính cuộc khủng hoảng đó. Sự thất bại này là rất lớn và rất bất lợi. Do đó phải làm điều gì đó. Chúng tôi đồng ý về điều này. Sự bất đồng của chúng tôi chỉ là vấn đề có nên để cho những "người gác đền" (arbitrary gatekeepers) quyết định cách tiếp cận nào được tính đến hay không được tính đến, trong từng lãnh vực.
Wojtek Kalinowski và Aurore Lalucq dịch từ bản tiếng Anh (tiếng Mỹ)
Cyril Hédoin
Tiến sĩ kinh tế, giảng dạy kinh tế và quản trị tại Đại học Reims Champagne-Ardenne
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Vers un changement de paradigme en économie?”, La vie des idées, 6 avril 2010   

Để tìm hiểu thêm:

Bài viết của James K. Galbraith,“Nhưng những nhà kinh tế đó, họ là ai?”, La Vie des idées, 23 février 2010.
Akerlof George, Shiller Robert, Les Esprits animaux: comment les esprits animaux mènent la finance et l’économie, Pearson Education, Paris, 2009 (bản dịch tiếng Việt: Tinh thần động vật, NXB Thời đại, Hà Nội, 2011 - ND). Xem bài điểm sách này của Arnaud Parienty sur La Vie des Idées.
Allen Franklin, Babus Ana, “Networks in Finance”, Wharton Financial Institutions Center Working Paper, n° 08-07, 2008.
Colander David, “The Death of Neoclassical Economics”, Middlebury College Economics Discussion Paper, n° 02-37, 2002.
Colander David, Holt Richard, Rosser Jr. Barkley, “The Changing Face of the Mainstream”, Review of Political Economy, vol. 16, n° 4, 2004, p. 485-499.
Davis John B., “The turn in economics: neoclassical dominance to mainstream pluralism?”, Cambridge Journal of Economics, vol. 2, n° 1, 2006, p. 1-20.
Fox Justin (2009), The Myth of the Rational Market, HarperBusiness.
Gallegati Mauro, Palestrini Antonio, Rosser Jr. Barkley, “The period of financial distress in speculative markets: interacting heterogeneous agents and financial constraints”, Macroeconomic Dynamics.
Greif Avner, Institutions and the Path to the Modern Economy, Cambridge, Cambridge University Press, 2006.
Krugman Paul, “How Did Economists Get It So Wrong?”, The New York Times Magazine, 6 septembre 2009.
Maynard Smith John, Evolution and the Theory of Games, Cambridge, Cambridge University Press, 1982.
Rajan Raghuram, “Has Financial Development Made the World Riskier?”, NBER working paper, n° 11728, 2005.
Sugden Robert, “The evolutionary turn in game theory”, Journal of Economic Methodology, vol. 8, n° 1, 2001, p. 113-130.




[1] Cuối năm 2008, trong chuyến viếng thăm trường London School of Economics, Nữ hoàng đã đặc biệt hỏi các nhà kinh tế hiện diện tại buổi đó giải thích lý do tại sao họ đã không thể dự đoán sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng tài chính.

[2] Trong cuốn La Connaissance objective (Tri thức khách quan) (1972), Karl Popper phát triển một khoa học luận tiến hóa bằng cách chuyển dịch các cơ chế lựa chọn và duy trì của Darwin sang diễn tiến của các ý tưởng khoa học. Trung thành với câu châm ngôn của Darwin “natura non facit saltum (Tự nhiên không tạo ra những bước nhảy vọt)", Popper xem sự tiến hóa của các ý tưởng khoa học như là một quá trình tiệm tiến từng bước, một "cuộc cách mạng thường trực" theo lời của ông. Đối với nhà triết học các khoa học này, các lý thuyết khoa học sẽ được biến đổi và được lựa chọn qua một quá trình liên tục những phỏng đoán và bác bỏ, bất kỳ lý thuyết nào bị kiểm sai sẽ từng bước bị loại bỏ để được thay thế bằng những lý thuyết vững chắc hơn. Đối với Popper, không có sự gián đoạn trong tiến hóa của khoa học, mà thay vào đó là một sự đổi mới liên tục làm cho kiến thức từng bước phát triển trong xã hội. Còn Thomas Kuhn, là nhà sáng tạo ra khái niệm nổi tiếng "hệ chuẩn", được phát triển trong tác phẩm chính của ông, The Structure of Scientific Revolutions (Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học) (1962). Đối với Kuhn, và trái ngược với Popper, khoa học tiến hóa thông qua những gián đoạn, thông qua cuộc cách mạng. Cơ năng khoa học không mang tính từng bước và darwinian, mà là được ngắt quãng bởi những sự lật đổ triệt để quy mô lớn qua đó các nhà khoa học sẽ chấp nhận một cách tư duy mới trong một khoảng thời gian tối đa từ một vài thập kỷ. (Có thể tham khảo thêm trên trang PTKT các bài “Triết học về các khoa học” và “Các triết gia đối mặt với khoa học” – ND).

[3] Về một trình bày xuất sắc và dễ đọc những cuộc tranh luận xung quanh giả thuyết thị trường hiệu quả và sự đóng góp của kinh tế học thực nghiệm trong bối cảnh này, chúng tôi mời độc giả xem công trình gần đây của Justin Fox (2009).

[4] Xem đặc biệt những phân tích mang tính kích thích của Avner Greif [2006] về những thể chế của các nền kinh tế châu Âu và Bắc Phi thời Trung Cổ.

[5] Tạp chí Journal of Economic Behavior and Organization (Hành vi kinh tế và thể chế), một tạp chí hàn lâm nổi tiếng, xuất bản nhiều công trình liên quan đến kinh tế học phức hợp.

[6] Xem bài viết của Robert Sugden [2001] liên quan đến vấn đề trên.


Print Friendly and PDF