Bruno S. Frey (1941-) |
Bruno S. Frey: "Việc làm là nhân tố then chốt của hạnh phúc"
Hội
thảo khoa học Saint-Gall thứ hai, ngày 11/5/2015
Bruno
S. Frey, nhà kinh tế người Zurich có ảnh hưởng, giải thích lý do hạnh phúc của
các quốc gia nhỏ và các cá nhân. Ông đề xuất tạo ra một kiểu thực thể mới để
giảm bớt vai trò của Nhà nước-dân tộc.
Bruno S. Frey, giáo sư kinh tế tại Đại
học Zurich, được xếp hạng 7 trên 21715 nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất ở châu
Âu, đề xuất việc từ bỏ ý tưởng về nhà nước-quốc gia, vào ngày thứ năm, nhân Hội
thảo khoa học St. Gallen lần thứ 45. Theo ông, các thực thể chính trị nên được
xác định dựa trên những vấn đề cụ thể, chứ không nên dựa trên những biên giới
phát sinh thường từ những ngẫu nhiên của lịch sử.
Là nhà nghiên cứu về kinh tế học hạnh
phúc, Bruno S. Frey đã cho thấy trong các tác phẩm của ông rằng con người hạnh
phúc hơn ở các quốc gia nhỏ.
Le Temps:
Những quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận từ bỏ ý tưởng Nhà nước-dân tộc?
Bruno
S. Frey: Không có ai
cả, tôi đồng ý với điều đó. Các giới chính trị và các quan chức đều quan tâm
đến việc duy trì nguyên trạng. Nhưng tôi nghĩ rằng có khả năng thành lập những
thực thể linh hoạt và năng động làm giảm đi ý nghĩa của ý tưởng Nhà nước-dân
tộc. Ví dụ, nếu một sự hợp tác giữa Pháp và Đức được hình thành, thì Nhà nước-dân
tộc sẽ mất đi một phần ảnh hưởng của nó với thời gian.
-
Có tồn tại không những quan hệ đối tác như vậy nhằm làm giảm ý nghĩa của nhà
nước-dân tộc?
- Ví dụ, EFTA, hay sự hợp tác về sự đi
lại trên sông Rhin. Để quản lý hồ Constance, người ta tập hợp ba quốc gia, hai
vùng lãnh thổ (Länder) của Đức, một vùng lãnh thổ của Áo và ba bang của Thụy
Sĩ, Thurgau, Schaffhausen và St. Gallen. Chính quyền của tất cả các vùng lãnh
thổ trên đều họp với nhau thường xuyên.
-
Ảnh hưởng của các thỏa thuận linh hoạt trên đến bản thân hệ thống chính trị, ví
dụ đến thể chế dân chủ trực tiếp sẽ như thế nào?
- Theo đề nghị của tôi, những thực thể
trên, mà tôi gọi là những “thẩm quyền
chức năng chồng chéo và cạnh tranh” (functional
overlapping competing jurisdictions-FOCJ) cần được tổ chức một cách dân
chủ. Người dân sẽ bỏ phiếu theo những vùng xung quanh những FOCJ đó.
-
Các quốc gia nhỏ đang dẫn đầu bảng xếp hạng về hạnh phúc, nhưng điều đó có bền
vững không?
- Có, đó thực sự là một lợi thế của
một quốc gia nhỏ bởi vì các nhà chính trị dễ tiếp cận hơn và đáp ứng tốt hơn
những mong muốn của người dân. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên. Iceland, mặc
cho thời tiết lạnh lẽo và năng suất lao động khiêm tốn, là một trong những quốc
gia đứng đầu về hạnh phúc.
-
Iceland đã duy trì một tỷ lệ thất nghiệp thấp trong khủng hoảng. Tình trạng
thất nghiệp có phải là một nhân tố then chốt trong hạnh phúc của con người
không?
- Có, hoàn toàn đúng. Thất nghiệp phá
hủy hạnh phúc. Thật thú vị khi xem một người bị sa thải trở nên khốn khổ nhanh
chừng nào. Chúng tôi cũng quan sát thấy rằng, không giống như nam giới, hạnh
phúc của phụ nữ thất nghiệp tăng lên khá nhanh. Có lẽ điều này liên quan đến
những kỳ vọng gắn với vai trò truyền thống của nam giới và phụ nữ.
- Thụy
Sĩ là quốc gia số một về hạnh phúc. Người Thụy Sĩ có hạnh phúc hơn mười lăm năm
trước đây không?
- Có, nhưng phải lưu ý rằng năm quốc
gia đứng đầu về hạnh phúc rất gần với nhau, với Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Hà
Lan, Iceland và Thụy Sĩ.
-
Nghiên cứu về hạnh phúc phát triển như thế nào trong những năm gần đây?
- Chúng tôi đã phân tích các chức năng
của hạnh phúc, có nghĩa là những nguyên nhân tại sao hạnh phúc được thể hiện ở
con người. Những so sánh luôn có chất lượng tốt nhất, kể cả ở những quốc gia
mới nổi. Những kết quả bước đầu được xác nhận. Ví dụ, có thu nhập cao làm cho
con người hạnh phúc hơn. Nhưng cũng có những nhân tố khác xen vào. Người ta
phải xem xét đến các mối quan hệ xã hội, bạn bè, môi trường chính trị, các thể
chế. Con người không hạnh phúc trong một chế độ độc tài. Con người thích tham
gia vào đời sống chính trị.
-
Tính minh bạch của cá nhân không ngừng phát triển. Liệu điều này có làm giảm
hạnh phúc không?
- Những nghiên cứu vẫn còn thiếu về
vấn đề này. Cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng cần phải duy trì một không gian riêng tư.
"Người khác" có nguy cơ không những biết được những gì tôi làm, mà
còn cả những gì tôi nghĩ. Sự tự do của con người kết thúc nếu người ta thâm
nhập được vào đầu của con người.
-
Daron Acemoglu, giáo sư kinh tế của MIT, nhấn mạnh đến vai trò của các thể chế
cho sự thành công hay thất bại của một quốc gia. Ông có cùng quan điểm đó
không?
- Chúng tôi luôn nhấn mạnh đến vai trò
của Hiến pháp và của các thể chế khác trong sự thành công của một quốc gia và
hạnh phúc của người dân của quốc gia đó, bất luận đó là hoạt động của Toà án
hay việc thực thi các quyền sở hữu. Đó là một ý tưởng đã có từ lâu trong lý
thuyết kinh tế. Douglass North và James Buchanan đã được trao giải thưởng Nobel
vì những nghiên cứu kinh tế của các ông ấy về thể chế.
Emmanuel Garessus
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “L’emploi
est le facteur clé du bonheur”. Le
Temps, 11 mai 2015.