Christian Chavagneux |
Chủ nghĩa tư bản chuyên quyền
Cái chết của nhà lãnh đạo Singapore
Lee Kwan Yew, vào ngày 23 tháng 3, là cơ hội để nhìn thấy sự nở rộ của thành
ngữ "chủ nghĩa tư bản chuyên quyền".
Đúng là vị cựu Thủ tướng đã lãnh đạo sự phát triển nền kinh tế của quốc gia
ông ấy bằng một bàn tay sắt và với một hiệu quả nhất định. Đây cũng là trường
hợp của Trung Quốc cũng như của Hàn Quốc ... và của những nước công nghiệp hóa
cũ. Như kinh
tế gia Ha Joon Chang thường nhắc nhở, phổ thông đầu phiếu – trong thực
tế, dành cho nam giới và người da trắng – đã bắt đầu lan rộng sau sự phát triển
kinh tế. Từ đó mà câu hỏi thường được đặt ra là: sự phát triển tư bản chủ nghĩa
có đi cùng với chế độ dân chủ không?
Các nhà kinh tế học không phải lúc nào cũng là những nhà dân chủ
Chắc chắn ý tưởng
trên đã tồn tại trong một số nhà kinh tế học. Và từ lâu nữa. "Không một
quốc gia nào phồn thịnh được nếu sự thịnh vượng chỉ tồn tại ở nơi có được sự tự
do hoàn hảo và sự công bằng hoàn hảo", Adam Smith viết trong tác phẩm Của
cải của các quốc gia (The Wealth of Nations – Tập IV, Chương IX).
Tương tự, nếu Jean-Baptiste
Say, trong tác phẩm của ông Cours complet d’économie politique pratique
(Giáo trình hoàn chỉnh về kinh tế học chính trị thực hành), quyết nhấn
mạnh rằng chỉ một chính quyền đại diện mới có thể đáp ứng các nhu cầu của xã
hội, thì ông cũng đồng thời cho rằng chế độ chuyên quyền của minh quân, có
nghĩa là tự do về kinh tế, có khả năng đạt được kết quả: "Vua Henry IV
không phải là một vị vua ít chuyên quyền của nước Pháp, nhưng nước Pháp thịnh
vượng dưới triều đại của ngài, bởi vì người ta không làm phiền tư nhân"
Friedrich von Hayek (1899-1992) |
Chân lý kép của Hayek
Gần với chúng ta
hơn, một
công trình nghiên cứu xuất sắc về sự hồi sinh đương đại của tư tưởng tự
do cho thấy các quan điểm chống lại nghiệp đoàn được xây dựng dần dần như thế
nào, trong việc bảo vệ sự độc quyền, lợi ích của các doanh nghiệp, v.v. Đoạn
kết của chương cuối trong tác phẩm trên trở lại với vấn đề kết hợp giữa chủ
nghĩa tự do kinh tế và chuyên quyền chính trị.
Nhà nghiên cứu
Philip Mirowski phát triển ý tưởng về một "chân lý kép", được
Friedrich von Hayek khái niệm hóa, theo đó tự do sẽ là điều tốt đối với các
tầng lớp tinh hoa tự do tiến bộ còn chuyên quyền sẽ là điều tốt đối với người
dân. Đúng là những câu
trả lời phỏng vấn của Hayek trên tờ báo Chile El Mercurio vào tháng
Tư năm 1981, ngay dưới chế độ của Pinochet, theo đó một chế độ độc tài "mà
biết tự định ra những giới hạn cho mình thì có thể dẫn dắt một chính sách tự do
hơn một quốc hội dân chủ mà không có giới hạn", bổ sung thêm rằng ông
"thà hy sinh tạm thời chế độ dân chủ – tôi lặp lại là, tạm thời – hơn
sự tự do", có điều để gây bối rối.
Không có quan hệ rõ ràng
Ngày nay, các nhà
kinh tế học đã không thiết lập những quan hệ rõ ràng giữa bản chất của một chế
độ chính trị và các thành quả kinh tế của nó. Nhà kinh tế học người Mỹ Robert
J. Barro đã khiến dư luận nổi sóng gió cách đây hai mươi năm khi "chứng
minh" trong một
nghiên cứu – theo cách của các nhà kinh tế học, với những hồi quy thống
kê chung chung, mà không quan tâm đến trường hợp cụ thể của những đất nước thực
tế – rằng càng nhiều dân chủ không làm cho tăng trưởng tăng thêm. Ông kết luận
rằng các quyền tự do chính trị trong thực tế là một sự xa xỉ của các nước giàu
có, đủ khả năng để hy sinh sự tăng trưởng bởi vì họ đã phát triển thành công...
Dani Rodrik (1957-) |
Một kết quả bị Dani
Rodrik tranh cãi mạnh mẽ, người đặt vấn
đề từ một góc độ khác: một phân tích lịch sử cho thấy rằng các chế độ chuyên
quyền không hưởng lợi về mặt tăng trưởng, trường hợp của Singapore là một ngoại
lệ hơn là một quy luật. Ngoại lệ lớn khác chắc chắn là trường hợp của Trung
Quốc. Nhưng, Rodrik nhấn mạnh rằng, mặc cho sự phát triển tăng tốc, Trung Quốc
vẫn là một nước tương đối nghèo và câu hỏi về tương lai của hệ thống chính trị
của nó vẫn còn để mở. Đáng tiếc là, đối với "khoa học kinh tế"
hiện nay, việc làm sáng tỏ, một cách chính xác, về mặt lịch sử, trong những
trường hợp cụ thể, các quan hệ năng động giữa chế độ chính trị và các biến đổi
kinh tế không phải là những chủ đề nghiên cứu xác đáng ...
Tiến sĩ khoa học
kinh tế, tốt nghiệp London School of Economics, nguyên tổng biên tập tạp chí Economie politique
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Du
capitalisme autoritaire”, Alterecoplus,
27/03/2015