Jeffrey D. Sachs (1954-) |
Kinh tế học về sự phát triển bền vững
Về Jeffrey D. Sachs
Jeffrey D. Sachs, Giáo Sư về lĩnh vực Phát
Triển Bền Vững, Giáo Sư về Chính Sách Sức Khỏe và Quản Lý, giữ chức Giám Đốc
Viện Nghiên Cứu Trái Đất tại Đại Học Columbia, kiêm Chuyên Gia Tư Vấn Đặc Biệt
cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc về Các Mục tiêu Thiên Niên Kỷ (Millennium
Development Goals - MDGs). Các tác phẩm của ông gồm The End of Poverty (Đoạn
Cuối Của Sự Nghèo Đói), Common Wealth (Thịnh Vượng Chung), và gần đây nhất là
The Age of Sustainable Development (Kỷ Nguyên của Sự Phát Triển Bền Vững).
Kinh Tế Học Về Sự Phát Triển Bền Vững
PARIS - Hiện tồn tại hai trường phái có xu
hướng thống trị các cuộc tranh luận đương thời trong kinh tế học. Theo các kinh
tế gia thuộc trường phái thị trường tự do, chính phủ nên cắt giảm thuế, nới
lỏng các quy định, cải cách luật lao động, rồi tiếp đến là đứng sang một bên để
cho người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và người sản xuất tạo ra công ăn
việc làm. Theo kinh tế học thuộc trường phái Keynesian, chính phủ nên thúc đẩy
tổng cầu thông qua biện pháp nới lỏng định lượng và chính sách kích thích tài
khóa. Tuy nhiên, không cách tiếp cận nào đang mang lại kết quả khả quan. Chúng
ta cần kinh tế học mới về sự phát triển bền vững, mà theo đó, chính phủ thúc
đẩy các loại hình đầu tư mới.
Kinh tế học thị trường tự do mang lại cho
người giàu kết quả hoàn mỹ, trong khi những người khác lại nhận được kết cục
rất đắng lòng. Chính phủ Mỹ và các chính phủ của một số nước châu Âu đang cắt
giảm ngân sách dành cho chi tiêu xã hội, tạo công ăn việc làm, đầu tư cơ sở hạ
tầng, và đào tạo nghề bởi lẽ chính giới chủ giàu có là những nhà tài trợ cho
chiến dịch tranh cử của các chính trị gia đang rất ăn nên làm ra, ngay cả khi
các xã hội xung quanh họ đang đổ nát.
Song, các giải pháp Keynesian - chi tiền dễ
dàng và thâm hụt ngân sách khổng lồ - vẫn chưa hề mang lại được thành quả gì
như đã hứa hẹn. Nhiều chính phủ cố gắng gia tăng chi tiêu công sau cuộc khủng
hoảng tài chính 2008. Xét cho cùng thì hầu hết các chính trị gia đều thích tiêu
tiền của người khác. Các giải pháp kích cầu ngắn hạn đã thất bại ở hai điểm chủ
yếu.
Thứ
nhất, nợ của các chính phủ tăng vọt và xếp hạng tín dụng của họ tụt dốc. Ngay
cả nước Mỹ cũng rơi ra khỏi hạng AAA. Thứ hai, khu vực tư không đáp lại các
giải pháp kích cầu bằng cách gia tăng đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh
và thuê mướn thêm đủ số lao động mới. Thay vào đó, họ đã tích trữ lượng tiền
mặt khổng lồ, mà phần lớn là gởi trong các tài khoản miễn thuế ở nước ngoài.
Vấn
đề chung của kinh tế học thị trường tự do và kinh tế học Keynesian là cả hai
cùng hiểu nhầm bản chất của đầu tư hiện đại. Cả hai trường phái đều tin rằng
đầu tư được dẫn dắt bởi thành phần tư nhân, bởi chính sách thuế và các quy định
được nới lỏng (trong mô hình thị trường tự do) hoặc bởi tổng cầu ở mức cao (trong
mô hình Keynesian).
Nhưng
đầu tư của thành phần tư nhân ngày nay lại phụ thuộc vào đầu tư công. Chính mối
quan hệ bổ sung này xác định các đặc trưng của thời đại của chúng ta. Trừ khi
khu vực công đầu tư, và đầu tư khôn ngoan, nếu không thì khu vực tư sẽ tích trữ
vốn của họ hoặc hoàn lại cho các cổ đông dưới dạng cổ tức hoặc dưới hình thức
mua lại cổ phần.
Vấn
đề cốt lõi là phải cân nhắc kỹ lưỡng về sáu loại hàng hóa vốn: vốn kinh doanh, cơ
sở hạ tầng, vốn con người, vốn trí tuệ, vốn tự nhiên và vốn xã hội. Tất cả đều
hữu ích, nhưng mỗi loại vốn có vai trò chuyên biệt.
Vốn
kinh doanh gồm nhà xưởng, máy móc, phương tiện vận tải và hệ thống thông tin
của các doanh nghiệp tư nhân. Cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường sắt, hệ thống điện,
hệ thống nước, cáp quang, đường ống, sân bay và hải cảng. Vốn con người là
trình độ học vấn, kỹ năng và sức khỏe của lực lượng lao động. Vốn trí tuệ gồm
bí quyết khoa học và công nghệ cốt lõi của xã hội. Vốn tự nhiên là hệ sinh thái
và những nguồn lực cơ bản hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, sức khỏe, và các đô thị.
Và vốn xã hội là lòng tin trong cộng đồng hình thành cơ sở cho các hoạt động
giao thương, tài chính và quản lý công có thể diễn ra hiệu quả.
Sáu
dạng thức vốn hoạt động theo kiểu bổ sung cho nhau. Đầu tư kinh doanh mà không
có cơ sở hạ tầng và vốn con người thì không thể sinh lời được. Các thị trường
tài chính cũng không thể vận hành nếu vốn xã hội (lòng tin) bị khô kiệt. Không
có vốn tự nhiên (bao gồm khí hậu an toàn, đất đai màu mỡ, nguồn nước sẵn có, và
các biện pháp chống lũ lụt), thì các loại vốn còn lại dễ dàng bị mất đi. Và nếu
không có được sự tiếp cận phổ cập đến các hoạt động đầu tư công cho vốn con
người thì các xã hội sẽ chìm đắm trong sự bất bình đẳng trầm trọng về thu nhập
và của cải.
Đầu
tư vốn là một vấn đề không hề đơn giản. Chìa khóa của sự phát triển từng là
giáo dục cơ bản, là một mạng lưới đường sá và năng lượng điện, là một bến cảng
đang hoạt động, và khả năng tiếp cận thị trường thế giới. Tuy nhiên, ngày nay, chỉ
dừng lại ở giáo dục cơ bản công lập thôi thì chưa đủ; người lao động cần những
kỹ năng hết sức chuyên biệt được trang bị thông qua hoạt động đào tạo hướng
nghiệp, các trình độ nâng cao, và các chương trình huấn nghiệp kết hợp vốn công
và tư. Giao thông phải linh động hơn là chỉ xây dựng những con đường công quản;
lưới điện phải thể hiện nhu cầu cấp thiết đối với loại điện năng có hàm lượng
carbon thấp; và chính phủ khắp nơi phải đầu tư vào vốn trí tuệ mới để đối phó
với các vấn đề bất trắc về sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi
trường, quản lý hệ thống thông tin, và các vấn đề khác.
Tuy vậy,
ở hầu hết các quốc gia, các chính phủ không đang lãnh đạo, hướng dẫn, hay thậm
chí là chia sẻ trong quá trình đầu tư. Họ đang cắt giảm. Những người theo chủ
thuyết thị trường tự do cho rằng chính phủ không thể đầu tư có hiệu quả. Các
kinh tế gia Keynesian cũng không cân nhắc xem loại hình đầu tư công nào là cần
thiết; đối với họ, chi tiêu chỉ đơn thuần là chi tiêu. Kết quả là sự thiếu vắng
khu vực công và sự khan hiếm đầu tư công, chính kết quả này sẽ kìm hãm hoạt
động đầu tư cần thiết của khu vực tư.
Ngắn
gọn là các chính phủ cần có chiến lược đầu tư dài hạn và giải pháp tài chính
tương ứng. Họ cần phải hiểu thấu đáo hơn làm thế nào để ưu tiên cho đầu tư xây
dựng đường bộ, đường sắt, lưới điện và bến cảng; làm thế nào để đầu tư bền vững
về mặt môi trường bằng cách chuyển đổi sang hệ thống năng lượng có trữ lượng
carbon thấp; làm thế nào để đào tạo lao động trẻ đảm trách những công việc tử
tế, không chỉ làm những công việc lương thấp trong ngành dịch vụ; và làm thế
nào để hình thành vốn xã hội trong một thời đại mà lòng tin bị mai một và tham
nhũng lộng hành.
Tóm
lại, các chính phủ cần học cách tính xa. Điều này một lần nữa đi ngược lại với
kinh tế học dòng chính. Trường phái thị trường tự do không muốn chính phủ phải
suy nghĩ gì cả; và trường phái Keynesian muốn chính phủ chỉ suy tính trong ngắn
hạn, bởi vì họ hứng thú với câu châm biếm rất nổi tiếng của John Maynard Keynes:
” In the long run we are all dead.” (“Trong dài hạn chúng ta đều không còn
sống”).
Đây
là một tư tưởng bị ghét cay ghét đắng ở Washingtin, DC, nhưng đáng để cân nhắc.
Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Trung Quốc, dựa vào các kế hoạch 5
năm trong đầu tư công, được điều hành bởi Ủy ban Phát Triển và Cải Cách Quốc
Gia. Nước Mỹ không có định chế nào tương tự, hay bất cứ cơ quan nào quản lý các
chiến lược đầu tư công một cách có hệ thống. Nhưng tất cả các quốc gia hiện cần
nhiều hơn các kế hoạch 5 năm; họ cần 20 năm, cần các chiến lược có tầm nhìn xa
tương đương một thế hệ để tạo lập các kỹ năng, xây dựng nền kinh tế xanh của
thế kỷ 21.
Nhóm
G20 gần đây đã có một bước tiến nhỏ đi đúng hướng, bằng cách đặt
trọng tâm mới trong đầu tư cơ sở hạ tầng,
theo đó trách nhiệm được san sẻ cho khu vực công lẫn khu vực tư. Chúng ta cần
nhiều hơn nữa cách thức tư duy theo kiểu này trong những năm tới, khi các chính
phủ sẽ đàm phán các thỏa thuận toàn cầu mới về vấn đề tài trợ cho phát triển
bền vững (ở Addis Ababa vào tháng 7/2015); Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững
(tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 9/2015), và biến đổi khí hậu (tại Paris vào tháng
12/2015).
Những thỏa thuận này hứa hẹn sẽ định hình một tương lai
tốt đẹp hơn cho nhân loại. Nếu thành công, Kỷ Nguyên Mới của Sự Phát Triển Bền
Vững cũng sẽ sản sinh ra Kinh Tế Học Mới của Sự Phát Triển Bền Vững.
Jeffrey Sachs
Trần Thị Minh Ngọc dịch