21.12.15

Vị trí của nền kinh tế trong các xã hội



Vị trí của nền kinh tế trong các xã hội

Ngày nay, ít có chuyên gia khoa học xã hội nào chấp nhận toàn bộ quan niệm ngây thơ của Thế kỉ Ánh sáng liên quan đến con người nguyên thủy tận hưởng tự do và đánh đổi sản phẩm của mình trong rừng để tổ chức xã hội và kinh tế. Những khám phá của Comte, Quetelet, Marx, Maine, Weber, Malinowski, Durkheim và Freud giữ một vị trí cao hơn trong sự gia tăng của tri thức hiện đại, theo đó tiến trình xã hội là một thể những quan hệ giữa con người với tư cách một thực thể sinh học và cấu trúc duy nhất những biểu tượng và kĩ thuật cho phép duy trì sự tồn tại của con người. Nhưng dù chúng ta đã khám phá thực tế của xã hội, tri thức mới không sản sinh ra một cách nhìn về xã hội so sánh được về mặt tiếng tăm với hình ảnh truyền thống của cá thể luận nguyên tử. Trên những điểm thiết yếu, chúng ta rơi trở lại vào những duy lí hóa trước đây về con người được quan niệm như một nguyên tử duy lợi. Và không đâu mà sự rơi trở lại này lại rõ ràng hơn những gì liên quan đến các ý tưởng của chúng ta về kinh tế. Trong cách tiếp cận nền kinh tế, bất luận khía cạnh nào được xem xét, chuyên gia khoa học xã hội vẫn còn lấn cấn bởi một quan niệm được thừa hưởng, theo đó con người là một thực thể có một khuynh hướng bẩm sinh là đánh đổi và trao đổi vật này với vật khác. Mặc những phản kháng chống lại “con người kinh tế” và những toan tính từng lúc để cung cấp một khung xã hội cho nền kinh tế, ý tưởng trên vẫn được duy trì.
Auguste Comte (1798-1857)
Max Weber (1864-1920)
Sigmund Freud (1856-1939)







Duy kinh tế luận mà chúng ta thừa hưởng đặt thành nguyên lí một kiểu hành động được xem là mang đặc tính kinh tế. Theo cách nhìn này, một tác nhân – một cá thể, gia đình hay xã hội nói chung – được quan niệm trong mối quan hệ với một môi trường tự nhiên chỉ dần dần cho con người những yếu tố để tồn tại. Hành động kinh tế, hay chính xác hơn hành động tiết kiệm tượng trưng cho tinh túy của tính duy lí, được xem như một cách sử dụng thời gian và năng lượng, khiến cho thông qua quan hệ này giữa con người và tự nhiên, một số mục tiêu được đạt đến. Kinh tế trở thành trung tâm của hành động này. Tất nhiên điều được thừa nhận là trong thực tế hành động kinh tế có thể chịu ảnh hưởng theo nhiều cách của những nhân tố phi kinh tế khác, có tính chính trị, quân sự, nghệ thuật hay tôn giáo. Nhưng ý tưởng then chốt về tính duy lí duy lợi vẫn tiếp tục sống dai như là mô hình của nền kinh tế. 
Émile Durkheim (1858-1917)
Adolphe Quetelet (1796-1874)
Bronisław Malinowski (1884-1942)








Quan niệm này về kinh tế như là trung tâm của những hiện tượng như sự phân bổ các nguồn lực, tiết kiệm, thặng dư mua bán, sự hình thành giá cả bắt nguồn từ môi trường Tây phương trong thế kỉ XVIII và chắc chắn là xác đáng trong trường hợp của những bố trí thể chế của một hệ thống thị trường, một khi những điều kiện thực tế về đại thể đáp ứng các giả thiết do định đề kinh tế đặt ra. Nhưng định đề này có cho phép chúng ta kết luận về tính phổ biến của hệ thống thị trường trong hiện thực thực nghiệm không? Tham vọng của kinh tế học hình thức nhằm được ứng dụng vào tất cả các trường hợp lịch sử kéo theo một câu trả lời khẳng định. Thật ra, câu trả lời này giả định sự có mặt ít nhất là tiềm tàng của một hệ thống thị trường trong mọi xã hội, cho dù hệ thống này có tồn tại hay không trên thực nghiệm. Như thế, mọi nền kinh tế của con người có thể được xem như một cơ chế tiềm tàng của cung và cầu và bất luận quá trình thực tế nào cũng được giải thích như sự cụ thể hóa của cơ chế này.
Nếu một ngày nào đó nghiên cứu thực nghiệm phải làm tăng hiểu biết của chúng ta về những phương thức vận động cơ bản của những hình thái kinh tế khác nhau và vị thế của các hình thái này trong những xã hội khác nhau thì chúng ta buộc phải kiểm định tính xác đáng của định đề trên. Khi tiếp cận quá trình kinh tế từ vị thế mà kiến thức mới ưu đãi chúng ta, thì về tính hiện thực của xã hội, chúng ta có thể nói rằng không có bất kì quan hệ tất yếu nào giữa hành động tiết kiệm và nền kinh tế thường nghiệm. Cấu trúc thể chế của nền kinh tế không tất yếu quyết định một hành động “kinh tế” như trong hệ thống thị trường. Những hệ luận của một quan điểm như thế đối với tất cả các khoa học xã hội phải đề cập đến kinh tế có một tầm quan trọng không lường hết được. Bằng mọi giá, cần phải có một điểm xuất phát khác một cách cơ bản cho việc phân tích nền kinh tế của con người như là quá trình xã hội.
Trong nghiên cứu của chúng tôi về một điểm xuất phát mới, chúng tôi chuyển từ định nghĩa kinh tế như là hành động tiết kiệm sang một định nghĩa thực chất, cho dù định nghĩa sau này dường như không còn là thời thượng nữa. Không phải chúng tôi không biết đến định nghĩa bình dân của từ “kinh tế” vốn kết hợp những ý tiết kiệm và tính vật chất: chúng tôi chỉ đơn giản làm hiển lộ khả năng giới hạn trong việc áp dụng sự kết hợp của nghĩa thông thường này. Trừ phi con người có gì để ăn thì con người ấy buộc phải chết đói, dù người ấy có duy lí hay không; nhưng sự an toàn, và ngay cả giáo dục, nghệ thuật và tôn giáo của con người ấy cũng đòi hỏi những phương tiện vật chất như vũ khí, trường học và đền thờ, bằng gỗ, đá hay thép. Đương nhiên điều này chưa bao giờ bị xem nhẹ. Lúc này hay lúc khác, người ta đánh giá rằng “kinh tế” phải đặt cơ sở trên việc thỏa mãn toàn bộ những nhu cầu của con người – một mặt nhu cầu vật chất, và mặt khác, những phương tiện, vật chất hay không, để thỏa mãn các nhu cầu này.
Như các chuyên gia nhất trí thừa nhận, những nỗ lực để biện minh cho một cách nhìn tự nhiên về kinh tế đều vô vọng. Lí do là đơn giản. Không có bất kì khái niệm thuần túy tự nhiên nào về kinh tế có thể cạnh tranh, ngay cả một cách xấp xỉ, với phân tích kinh tế trong việc giải thích những cơ chế qua đó con người đảm bảo sự tồn tại của mình trong một hệ thống thị trường. Và do kinh tế thường được xem như tương đương với hệ thống thị trường nên các toan tính ngây thơ nhằm thay thế phân tích kinh tế bằng một sơ đồ tự nhiên, một cách chính đáng đã bị mất tín nhiệm.
Karl Bücher (1847-1930)
Nhưng phải chăng đây là một luận chứng có tính quyết định để bác bỏ việc sử dụng khái niệm kinh tế thực chất trong các khoa học xã hội? Tất nhiên là không. Người ta quên rằng lí thuyết kinh tế hay phân tích kinh tế hay kinh tế học thuần túy chỉ là một trong những bộ môn quan tâm đến kinh tế, nghĩa là đến sự tồn tại của con người từ quan điểm vật chất. Cụ thể, lí thuyết này không gì khác hơn là việc nghiên cứu những hiện tượng thị trường. Ngoại trừ vài điểm chung chung, giá trị giải thích của nó đối với những hệ thống khác hơn là hệ thống thị trường, ví dụ trong trường hợp của một nền kinh tế kế hoạch hóa, là không đáng kể. Đâu là lợi ích của lí thuyết kinh tế đối với nhà nhân học khi vấn đề, ví dụ, là tách kinh tế ra khỏi bối cảnh chung của một xã hội trong đó hệ thống gia đình là thống trị? Khi không có thị trường hay giá thị trường thì nhà kinh tế không giúp được người nghiên cứu những nền kinh tế nguyên thủy; trong thực tế, nhà kinh tế còn gây lúng túng cho nhà nghiên cứu. Còn trường hợp của nhà xã hội học đối mặt với vấn đề sự thay đổi vị trí của nền kinh tế trong các xã hội được quan niệm như những thể thống nhất. Trừ phi giới hạn vào những thời kì và vùng miền có tồn tại những thị trường tạo ra giá cả thì kinh tế không cung cấp định hướng nào có giá trị cho nhà xã hội học cả. Điều này càng tỏ ra đúng hơn nữa đối với sử gia kinh tế, ngoại trừ thời kì ngắn vài thế kỉ khi những thị trường tạo ra giá cả, và do đó tiền tệ, trở nên phổ biến. Thời tiền sử, cổ sử và trong thực tế - như Karl Bücher là người đầu tiên tuyên bố - cả toàn bộ lịch sử, ngoại trừ vài thế kỉ qua, có những nền kinh tế mà sự tổ chức khác với tất cả những gì nhà kinh tế giả định. Và sự khác biệt, mà chúng ta bây giờ bắt đầu cảm nhận bằng suy luận, có thể được tóm tắt bằng một khẳng định duy nhất: các nền kinh tế này không có những thị trường tạo ra giá cả. Trong tất cả các bộ môn kinh tế, điểm quan tâm chung được xác định bởi quá trình qua đó việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất được đảm bảo. Chỉ có thể định vị được quá trình này và xem xét tác động của nó bằng cách dịch chuyển sự nhấn mạnh đến kiểu hành động duy lí sang cấu hình những chuyển động của sản phẩm và con người cấu thành trong thực tế nền kinh tế.
Karl Polanyi (1886-1964)
Conrad M. Arensberg (1910-1997)
Trong các khoa học tự nhiên, dịch chuyển từ một khuôn khổ khái niệm này sang một khuôn khổ khái niệm khác là một việc; làm được điều này trong các khoa học xã hội là một điều khác. Cũng giống như khi phải xây dựng lại một căn nhà, từ móng, tường, đến phần còn lại mà vẫn phải tiếp tục ở trong đó. Chúng ta phải tự tháo gỡ ý niệm đã bắt rễ sâu theo đó kinh tế là một trường thực nghiệm mà bao giờ con người cũng tất yếu ý thức được. Để dùng một ẩn dụ, các sự kiện kinh tế ban đầu được lồng kết trong những tình thế vốn không có tính kinh tế, cũng như các mục đích và phương tiện không chủ yếu có tính vật chất. Sự kết tinh hóa khái niệm kinh tế là một vấn đề thời gian và lịch sử. Nhưng thời gian lẫn lịch sử đã không cung cấp cho chúng ta những công cụ khái niệm để xâm nhập vào mê cung những quan hệ xã hội trong đó kinh tế được lồng kết. Đây là nhiệm vụ của điều ở đây chúng tôi sẽ gọi là phân tích thể chế. 
Karl Polanyi, Conrad M. Arensberg Harry W. Pearson
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “The Place of Economies in Societies”, chương XII của Trade and Market in the Early Empires. Economies in History and Theory, Glencoe, Ill. Free Press, 1957.

------
Bài có liên quan trên PTKT:
- Karl Polanyi: nhà tiên tri về sự kết thúc của nền kinh tế tự do
Print Friendly and PDF