18.12.15

Tham nhũng chỉ là triệu chứng, không phải là căn bệnh



Tham nhũng chỉ là triệu chứng, không phải là căn bệnh

Để xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu, thì hãy ngừng dung túng các thể chế quốc gia phục vụ cho các giới tinh hoa tham lam và moi sạch nhẵn các nước nghèo.
Những người biểu tình vào năm 2012 chỉ trích Chính phủ tại Lagos, Nigeria khi loại bỏ trợ cấp nhiên liệu. ẢNH: SUNDAY ALAMBA/ASSOCIATED PRESS
Nếu hỏi các chuyên gia về phát triển, các chính trị gia và học giả phương Tây về cách thức xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu, thì bạn sẽ được nghe một câu trả lời nhiều hơn bất cứ câu trả lời nào khác: Chống tham nhũng. Ngay cả Giáo hội Công giáo cũng đồng ý. Tại Nairobi tuần trước, Giáo hoàng Francis kêu gọi giới trẻ Kenya, "Xin đừng phát triển vị giác của loại đường ngọt được gọi là tham nhũng." Tại một sân vận động đầy p người cũng tại thành phố này vào tháng Bảy, Tổng thống Barack Obama thậm chí còn thẳng thừng hơn, khi nói: "Tham nhũng kìm hãm mọi khía cạnh của đời sống kinh tế và dân sự. Đó là một mỏ neo nặng kéo bạn xuống đáy và ngăn cản bạn đạt được những gì bạn có thể." Tại Addis Ababa, Ethiopia, hai ngày sau đó, Tổng thống Barack Obama nói với Liên minh châu Phi, "Không có điều gì có thể giải phóng cho tiềm năng kinh tế của châu Phi ngoài việc chấm dứt căn bệnh ung thư về tham nhũng."
Nhưng lẽ phải thông thường này luôn có mặt trái của nó. Đối với tất cả những chi phí khủng khiếp, tham nhũng là một triệu chứng, không phải là một căn bệnh. Để thoát khỏi tham nhũng (và, điều này liên quan đến vấn đề đói nghèo trên toàn cầu), chúng ta phải xây dựng và củng cố những thể chế vì người dân của thế giới đang phát triển, hơn là dung túng các cơ cấu hiện tại, thường phục vụ cho một tầng lớp nhỏ các giới tinh hoa đút lót hối lộ, moi sạch nhẵn các quốc gia nghèo.
Dilma Rousseff (1947-)
Tham nhũng mang đến tan thương ở mọi ngóc ngách của thế giới. Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới vào năm 2009, 70% các công ty của Brazil nhận diện việc đút lót hối lộ là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, ngay cả theo tiêu chuẩn của Brazil, quy mô của một vụ bê bối gần đây liên quan đến tập đoàn dầu mỏ Petrobras—vừa được mở rộng với việc bắt giữ một thượng nghị sĩ hàng đầu và một quan chức ngân hàng đầu tư hàng đầu và còn có thể nhấn chìm Tổng thống Dilma Rousseff—là một cú sốc.
Người dân Trung Quốc có lẽ giờ đây đã quen nhiều với những kiểu tiết lộ như vậy. Vào tháng Tám, báo chí loan tin rằng một kho hóa chất phát nổ ở Thiên Tân, làm thiệt mạng 173 người, đã xin được giấy phép thông qua các mối quen biết chính trị. Và chỉ hôm thứ hai tuần trước, có báo cáo cho rằng J.P. Morgan Chase & Co. đã cầu cạnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc bằng cách tuyển dụng bạn bè và người thân của họ. Tham nhũng cũng đã bôi trơn cho sự bùng nổ trong ngành xây dựng lâu dài của đất nước. Phong trào xây dựng các khu phức hợp dân cư khổng lồ, các nhà kho, cầu, đường sắt đã biến hàng trăm nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở cấp địa phương và cấp quốc gia trở thành triệu phú.
Lamido Sanusi (1961-)
Rồi còn có châu Phi. Tại Nigeria, năm ngoái, Lamido Sanusi đã bị buộc thôi chức thống đốc ngân hàng trung ương do đã tiết lộ một khoản doanh thu dầu mỏ trị giá 20 tỷ đô-la đã biến mất. Ngay trong tuần này, có báo cáo về một khoản 2 tỷ đô-la khác để Nigeria mua máy bay và đạn dược để chiến đấu chống lại Boko Haram cũng đã biến mất.
Quy mô không thể tin được của tham nhũng cũng không kém ở Argentina, Ấn Độ, Pakistan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngân hàng Thế giới cho rằng có hơn 1 nghìn tỷ đô-la hối lộ được chi trả trên toàn thế giới mỗi năm. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính chi phí đút lót hối lộ trên toàn cầu chiếm hơn 5% tổng sản phẩm quốc nội trên thế giới —nhưng ngay cả khi con số trên có thể được giảm nhẹ, như gợi ý của một số nghiên cứu khoa học, tham nhũng cũng làm chậm sự tăng trưởng kinh tế.
Tham nhũng không đến từ hư không. Nó là kết quả của việc các thể chế kinh tế và chính trị giao quyền cho các giới tinh hoa không đại diện, trong khi lại đóng cửa đối với phần còn lại của đất nước. Sự giao quyền ấy cho phép các chính trị gia, các quan chức và binh lính chiếm đoạt các nguồn lực và làm giàu từ tham nhũng. Điều làm cho họ thoát khỏi sự chế tài là sự thiếu vắng trách nhiệm giải trình dân chủ và tính hiệu quả của việc kiểm tra và cân bằng, như Nhà nước pháp quyền và tự do báo chí. Khi không có sự thay đổi mang tính cơ bản trong các thể chế này, thì cuộc chiến chống tham nhũng không có khả năng cải thiện được đời sống kinh tế của người dân thường. Giới tinh hoa tham lam, những người đang thống trị phần lớn các nước nghèo, sẽ tìm ra những cách khác để làm giàu trên lưng công chúng.
Nếu tham nhũng thực sự là một vấn đề, thì sự vắng bóng nó có nghĩa là sự thịnh vượng sẽ lan rộng, nhưng chúng ta biết rằng không phải như vậy. Lấy ví dụ của Nam Phi vào thời trước năm 1994, khi chế độ cầm quyền là những người ủng hộ thuyết cho rằng người da trắng là ưu việt, lãnh đạo đất nước thì họ có một bộ máy quan liêu chuyên nghiệp có hiệu quả và phần nào đó độc lập với tư pháp. Dẫu cho không có tham nhũng, nhưng nhà nước phân biệt chủng tộc này cũng áp bức thẳng tay đa số người da đen nghèo khó và bị tước quyền bầu cử.
Hay lấy ví dụ của Cuba, mà ngày nay tổ chức Minh bạch quốc tế cho là ít tham nhũng hơn Hy Lạp. Ngày nay, Cuba nghèo hơn vào thời điểm cuộc cách mạng của Fidel Castro năm 1958. Lý do không phải là do đút lót hối lộ hay sự giàu lên của giới tinh hoa của đất nước. Vấn đề là chế độ độc tài cộng sản: các thể chế kinh tế được anh em nhà Castro thiết lập không khuyến khích đầu tư, đổi mới và tinh thần kinh doanh.
Recep Tayyip Erdogan (1954-)
Trừ khi thay đổi các thể chế kinh tế và chính trị, thì ngay cả một phong trào chống tham nhũng hiệu quả cũng không thể đảm bảo thành công. Sau cuộc khủng hoảng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2001, nền kinh tế của đất nước này đã tiến hành những cải cách lớn về kinh tế theo hướng dẫn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Một mục tiêu quan trọng là vấn đề tham nhũng—cực kỳ to lớn —trong hệ thống mua sắm của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Một đạo luật năm 2002 được thiết kế để hạn chế tham nhũng đã làm cho quá trình mua sắm minh bạch hơn và có tính cạnh tranh hơn. Nó tỏ ra hiệu quả, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng cầm quyền của ông tập trung quyền hành trong thập niên sau đó và bịt miệng nhiều nhà chỉ trích, thì luật pháp đã bị suy yếu rất nhiều. Những tiết lộ vào tháng 12 năm 2013 cho thấy những mức độ tham nhũng chưa từng có ở các cấp cao nhất của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù xem tham nhũng là một nguyên nhân hay một triệu chứng thì nó vẫn luôn có những hậu quả to lớn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh đến việc phải dập tắt tham nhũng, nhưng ông chưa bao giờ xử lí vấn đề cơ bản này: sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản, tiếp tục tạo ra sự mất cân bằng kinh tế, kiềm chế cơ hội và làm giàu cho những thân hữu của đảng.
Tham nhũng thường gây được sự chú ý bởi vì những nguyên nhân bất ổn và đói nghèo sâu xa nói trên khó được giải quyết. Nhưng các chính trị gia phương Tây, các công ty đa quốc gia và các thể chế quốc tế cũng rút ra được bài học từ ý tưởng chống tham nhũng, bởi vì các quy định hiện hành về cam kết quốc tế đặt ra ngoài giới hạn những cội nguồn chính trị của vấn đề này.

James Robinson (1960-)

Daron Acemoglu (1967-)
Hãy thử xem Các Điều khoản Thỏa ước của Ngân hàng Thế giới. Theo bản điều lệ này, các quan chức ngân hàng, "không được can thiệp vào các vấn đề chính trị của bất cứ thành viên nào; cũng như không được gây ảnh hưởng đến quyết định của bất cứ thành viên nào thông qua đặc điểm chính trị của một thành viên hay các thành viên có liên quan. Chỉ được xem xét các yếu tố kinh tế có liên quan đến các quyết định của họ".
Thật không may, đối với Ngân hàng Thế giới và những người nghèo mà họ được cho là phải giúp đỡ, việc gỡ rối "các vấn đề kinh tế" khỏi "đặc điểm chính trị" của một đất nước là điều bất khả. Bất cứ ai muốn hiểu vì sao sự hỗ trợ phát triển đã có những kết quả đáng thất vọng như vậy trong vòng 50 năm qua nên bắt đầu với các điều khoản sáng lập của ngân hàng. Như vậy sẽ dễ đổ lỗi cho tham nhũng hơn là cho các thể chế chính trị đang thực sự kìm hãm các nước nghèo.
Vào mùa hè vừa qua, trong bài phát biểu tại Nairobi, Tổng thống Obama đã đến gần sự thật hơn khi kêu gọi người Kenya tiếp tục "theo con đường vì một nền dân chủ vững chắc, toàn diện, có trách nhiệm và minh bạch hơn" và kêu gọi tổng thống các nước châu Phi không nên tại vị vĩnh viễn. Nếu việc tập trung vào thể chế chính trị này có thể lan rộng đến các thể chế tài chính quốc tế và chương trình viện trợ, thì chúng ta có thể chặn đứng việc xem tham nhũng như vật tế thần—và có được một số tiến bộ trong việc xóa đói giảm nghèo.
Giáo sư Acemoglu và giáo sư Robinson là đồng tác giả của cuốn "Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty (Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng, và nghèo đói)" (Crown Business)
Daron ACEMOGLU James A. ROBINSON
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Corruption Is Just a Symptom, Not the Disease, The Wall Street Journal, Dec. 3, 2015.

------
Bài có liên quan: 
·         Động lực mới từ kinh tế tư nhân
Print Friendly and PDF