16.12.15

Ngay cả các nữ kinh tế gia nổi tiếng cũng không hề được trọng vọng



Ngay cả các nữ kinh tế gia nổi tiếng cũng không hề được trọng vọng

Angus Deaton và Anne Case
Tiếng nói của nam giới có xu hướng lấn át trong các tranh luận thuộc lĩnh vực kinh tế học, mặc dù có lẽ thực tế này được hình thành từ cách thức chúng ta bàn về những đóng góp của các nữ kinh tế gia. Điều này dễ nhận ra nhất khi chúng ta nhìn vào các cặp vợ chồng kinh tế gia quyền lực.
Nhìn lại hình ảnh sáo rỗng của báo chí cho rằng lần thứ nhất là một ví dụ, lần thứ hai là một sự trùng hợp và lần thứ ba là một xu hướng, tôi nhận thấy rằng cần phải tìm hiểu xem các nữ kinh tế gia được đối xử như thế nào.
Adam Davidson
Thứ nhất, lấy một ví dụ đăng tên tờ The New York Times. Trong một bài viết gần đây, Adam Davidson đã viết rằng “Lawrence Katz, giáo sư tại trường Harvard đồng thời là một học giả hàng đầu về kinh tế học giáo dục, người đã cùng Claudia Goldin công bố một bài báo cách đây vài năm…”. Bài viết về giáo sư Katz rõ ràng là đã không đề cao uy tín của người đồng tác giả trong khi bà cũng đã từng là giáo sư tại Harvard, một học giả hàng đầu về kinh tế học giáo dục, chủ tịch Hiệp Hội Kinh Tế Học Hoa Kỳ gần đây và là một trong các sử gia kinh tế học quan trọng nhất của nước Mỹ. Hơn nữa, thực ra giáo sư Goldin mới là tác giả thứ nhất của bài báo, một thực tế mà công chúng và các phóng viên có thể đã không chú ý nhiều đến, nhưng lại là một chi tiết hết sức quan trọng trong cộng đồng học thuật.
Lawrence Katz (1959-)
Claudia Goldin (1946-)
Thông thường, các kinh tế gia không sắp xếp tên tác giả theo thứ tự chữ cái chỉ khi họ muốn đánh tín hiệu rằng ai đó là một tác giả non hơn hay đứng thứ hai, và bài báo này không được ký tên theo kiểu “Katz và Goldin”. Sau đó, ông Davidson đã điều chỉnh lại bài viết của mình và xin lỗi giáo sư Goldin. (Cung cấp thêm đầy đủ thông tin: ông Katz từng là thầy hướng dẫn luận văn của tôi, và bà Goldin, cộng sự lãng mạn của ông ấy, là một người bạn thân thiết.)
Ralph Nader (1934-)
Thứ hai, Ralph Nader quyết định tham gia cuộc tranh luận về chính sách tiền tệ gần đây bằng một thư ngỏ gửi cho Janet Yellen, chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang (FED). Rộng lượng mà nói thì đó là một bức thư rất dễ gây nhầm lẫn tới mức đủ khiến cho lịch sử có thể đánh giá ông Nader với tư cách là một ứng viên tổng thống thành công thay vì là một kinh tế gia. Nhưng điều tệ hại thực sự chính l lời khuyên của ông ta dành cho bà Yellen: “Tôi nghĩ rằng bà nên bàn với ông George Akerlof, người chồng thắng giải Nobel của bà.” Ông ta tiếp tục chỉ thị: “Cùng nhau tìm ra giải pháp.”
Không rõ tại sao bà Yellen lại cần chồng bà giúp để giải quyết vấn đề này. Bản thân bà là một nhà kinh tế giỏi, đồng thời được nhìn nhận là một kinh tế gia quyền lực nhất thế giới. Hơn nữa, trong trường hợp bà Yellen cần sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề nào đó, bà không nhất thiết phải dựa vào chồng mình, vì bà có cả trăm tiến sĩ kinh tế đang làm việc cho bà. Và trong khi Akerlof là một lý thuyết gia kinh tế xuất sắc – ông thực sự là một trong những kinh tế gia mà tôi yêu thích – ông sẽ là người đầu tiên thừa nhận rằng bản thân ông không phải là một chuyên gia hàng đầu về chính sách tiền tệ.
Janet Yellen và George Akerlof
David Plotz (1970-)
Ross Douthat
Và gần đây nhất, ấn bản phát thanh trên internet về chính trị mới nhất của trang Slate, “Political Gabfest” (Họp chính trị), đã đặt trọng tâm vào cuộc tranh luận về một nghiên cứu thu hút nhiều sự chú ý của Anne Case và Angus Deaton, nghiên cứu này khám phá ra rằng tỷ lệ chết của người Mỹ da trắng ở độ tuổi trung niên đang gia tăng, mặc dù tỷ lệ chết ở các quốc gia khác đang giảm. Khi mô tả về nghiên cứu này, David Plotz của trang Slate đã viết rằng đây là một nghiên cứu được thực hiện bởi "kinh tế gia đạt giải Nobel, Angus Deaton, và Anne Case, vợ ông và cũng là một nhà nghiên cứu.”  Tương tự như vậy, Ross Douthat, người viết mục Sunday Review trên tờ The New York Times, đã mô tả nghiên cứu trên là một công trình được thực hiện bởi “khôi nguyên giải Nobel, Angus Deaton, và phu nhân của ông, Anna Case.”
Bà Case không đơn giản là một người vợ và một nhà nghiên cứu. Bà là giáo sư kinh tế học và các vấn đề công cộng tại Princeton, một trong những kinh tế gia về lĩnh vực sức khỏe hàng đầu thuộc thế hệ của bà, từng được bầu là thành viên của Hiệp Hội Kinh Trắc. Bà cũng là tác giả thứ nhất của nghiên cứu về tử suất.
Gina Kolata (1948-)
Martin Sandbu
Cũng giống như ông Plotz và ông Douthat đã nhầm lẫn về thứ tự của tác giả, Martin Sandbu, người phụ trách chuyên mục kinh tế học của tờ The Financial Times, và Gina Kolata của tờ The New York Times, người đã gọi nghiên cứu trên là “phân tích Deaton-Case” cũng mắc lỗi tương tự. Lỗi này có thể phản ánh xu hướng của báo chí nhằm thực hiện lối tường thuật hấp dẫn hơn, và dĩ nhiên là giải Nobel gần đây của ông Deaton đã khiến ông trở thành một nhân vật có giá trị truyền thông. Nhưng ngay cả Paul Krugman, người tạo nên tên tuổi của mình với tư cách là một kinh tế gia chứ không phải là một ký giả, là người đã có nhiều năm làm đồng nghiệp với bà Case và ông Deaton, cũng đã mắc lỗi tương tự trong chuyên mục của mình trên tờ The New York Times.
Paul Krugman (1953-)
Trong thực tế, có lẽ đó không phải là một xu hướng đánh giá thấp đóng góp của các nữ kinh tế gia, nhưng chính xác hơn là một vài lỗi bất cẩn. Háo hức tìm hiểu thêm, tôi đã tiếp cận cánh mày râu của những cặp đôi quyền lực này, để tìm hiểu xem có bao giờ họ vô tình bị đẩy xuống vị trí tác giả thứ hai hay không hoặc có bao giờ họ không được tín nhiệm đúng mực hay không. Ông Katz nói rằng những sai sót như vậy rất hiếm, nhưng theo như kinh nghiệm của ông thì bản thân ông dường như ít khi nào bị người ta tín nhiệm thấp hơn Bà Goldin.
Ông Akerlof trả lời rằng: “Không, tôi chưa bao giờ bị xem thường theo kiểu như vậy.” Và ông Deaton nói rằng: “Tôi không thể nhớ được bất cứ trường hợp nào mà tôi bị xem thường hay không được tín nhiệm đúng mực.” Ông cũng đã nói với tôi rằng theo ông loại vấn đề này “không tốt cho phụ nữ trong lĩnh vực khoa học, và cũng tác động tiêu cực đến sự hòa hợp nội bộ (hay thậm chí là sự sẵn lòng của Anne khi hợp tác với tôi).” Ông nhận định về vấn đề như sau: “Tôi cho rằng vấn đề này thực sự cần phải chấm dứt.”
Anne-Marie Slaughter (1958-)
Tập hợp các sự coi nhẹ này lại cho thấy rằng ngay cả những kinh tế gia nữ giỏi nhất thế giới cũng thường bị ngồi chiếu dưới. Và không ai trong số họ có ý định đặt vấn đề về động cơ của bất cứ nhà phê bình kinh tế nào. Thay vào đó, tôi hoài nghi rằng có một sự thiên lệch mang tính vô thức đơn giản trong công việc. Hãy nhắm mắt lại trong chốc lát, và mường tượng hình ảnh của một kinh tế gia. Cá là bạn đã hình dung ra một người đàn ông. (Rất có thể ông ta cũng da trắng, nhiều khả năng là người trung niên, và có lẽ là khá tự tin.) Phản xạ này dễ dàng nhắc chúng ta nhớ đến những người đã mang định kiến về các nhà kinh tế trông như thế nào.
Stevenson và Wolfers
Dĩ nhiên, tôi có hứng thú với vấn đề này, vì tôi cũng đang sống cùng với một nhà kinh tế. Và vì vậy mà tôi có thể góp thêm một câu chuyện. Anne-Marie Slaughter đã đăng một bài báo được biết đến rộng rãi trên tạp chí The Atlantic nhan đề “Why Women Still Can’t Have It All” (Tại sao phụ nữ vẫn không thể có tất cả). Cộng sự của tôi, Betsey Stevenson, hài lòng khi thấy nghiên cứu chung của chúng tôi được mô tả trong bài báo, nhưng đã rất thất vọng khi phát hiện ra rằng bà Slaughter đã giáng cô từ vị trí tác giả thứ nhất xuống vị trí thứ hai trên bài báo. Vào thời điểm mà bài báo của bà Slaughter được đăng, Betsey đang giữ chức kinh tế trưởng của Sở Lao Động Hoa Kỳ, nơi mà cô đã tạo ra dấu ấn lớn hơn nhiều với các nghiên cứu về vấn đề cân bằng giữa công việc và gia đình mà bản thân tôi chưa bao giờ đạt được.
Điều này khiến Betsey nữa đùa nữa thật cho rằng lý do tại sao mà phụ nữ không thể có tất cả chính bởi do ngay cả những người đấu tranh cho nữ quyền hàng đầu cũng không công nhận vị trí của chính mình.
Justin Wolfers
Giáo sư kinh tế học và chính sách công tại trường Đại học Michigan
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn:Even Famous Female Economists Get No Respect”, The New York Times, 11/11/2015.
Print Friendly and PDF