17.10.15

Angus Deaton, người mới đoạt giải "Nobel kinh tế" thực sự là ai?



Angus Deaton (1945-)
Angus Deaton, người mới đoạt giải "Nobel kinh tế" thực sự là ai?
Nhà giáo đã được trao giải thưởng "vì phân tích của ông về tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi."
Thế là sẽ không có điều gì thay đổi trong tỷ lệ 70% những khôi nguyên người Mỹ của giải thưởng "Nobel", kể từ năm 1969. Chính xác là "giải thưởng về khoa học kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel". Bởi vì khi trao giải thưởng cho Angus Deaton, ngân hàng này tôn phong một người Scotland mang quốc tịch Mỹ. Vị giáo sư này tại Đại học Princeton, từng kinh qua Đại học Cambridge vì những phẩm chất chơi bóng bầu dục hơn là khả năng học tập của mình, đã được trao giải thưởng "vì phân tích của ông về tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi". Một cách tiên nghiệm, không có gì thật độc đáo. Một giải thưởng của một ngân hàng trung ương lâu đời nhất trên thế giới vì đã nghiên cứu tiêu dùng của các hộ gia đình. Tất cả cũng vì chuyện đó thôi, như Michel Onfray nhắc nhở:


“Giải Nobel kinh tế đã kết nối tiêu dùng và những biến thiên của thu nhập. Quả thật điều này xứng đáng để được trao giải Nobel!”
Michel Onfray (1959-)
Như mọi khi, ở đây có hơi phức tạp một chút. Nhưng nhìn kỹ lại, thì các công trình của Angus Deaton giúp hiểu thêm không ít điều về cách ứng xử của các hộ gia đình và đặc biệt là điều mà các nhà kinh tế gọi là hàm tiêu dùng. Ngay cả ngày nay, các sách giáo khoa về kinh tế học trong học kỳ đầu ở cấp đại học đều quy giản tiêu dùng của các hộ gia đình thành một mối quan hệ khá máy móc: mức tiêu dùng sẽ tăng dần khi thu nhập tăng lên. Tuy nhiên, nếu có tồn tại một mối quan hệ, thì nó không hoàn toàn mang tính tuyến tính, bởi vì mức tiêu dùng này có xu hướng giảm bớt khi thu nhập tiếp tục tăng lên. Mặt trái của cách ứng xử này, mà các nhà kinh tế đã công thức hóa bằng các công cụ toán học tương đối phức tạp, là một sự gia tăng của tiết kiệm. Càng kiếm được nhiều tiền, thì người ta càng tiết kiệm. Không cần phải là một người được gọi một cách thậm xưng là "giải Nobel kinh tế" để nhận ra rằng người giàu có xu hướng tiêu dùng thấp hơn đáng kể so với những người có mức thu nhập thấp nhất.
"Một công việc cần mẫn"
Jean–Paul Fitoussi (1942-)
Nhưng Angus Deaton vượt xa quan sát thông thường đơn giản này. Đối với ông, trước hết đó là vấn đề về đo đạc. Bất luận là tiêu dùng, nghèo đói, y tế, tiết kiệm, kì vọng sống theo mức thu nhập ... trước hết phải thống nhất với nhau về những phương pháp đo lường biến được quan sát. Lĩnh vực đầu tiên ưa thích nhất của ông tất nhiên là kinh trắc học. Và chính từ đó mà ông bắt đầu các công trình nghiên cứu về tiêu dùng. "Những công trình ấy không có điều gì ngoạn mục cả ... Nhưng đó là một ấn tượng đánh lừa, bởi vì trong thực tế Angus Deaton đã làm một công việc thực sự cần mẫn", Jean–Paul Fitoussi, giáo sư danh dự tại trường Sciences Po Paris, giải thích. Ông nhắc lại rằng người mới đoạt giải Nobel là một thành viên của Ủy ban về đo lường thành tích và tiến bộ xã hội (làm việc cùng với hai người đoạt giải "Nobel" khác là Joseph StiglitzAmartya Sen).
Về vấn đề nghèo đói và phúc lợi, vị giáo sư của Đại học Princeton đã cho thấy là cần thiết biết mấy phải quay trở lại với các hành vi cá nhân để hiểu được những gì đang xảy ra, hơn là vẽ ra các ngưỡng nghèo đói từ các mức trung bình trên thế giới. "Những cuộc điều tra của ông ấy về tiêu dùng của các hộ gia đình đã giúp hoàn chỉnh các chính sách kinh tế phù hợp hơn với các vấn đề nghèo đói", nhà kinh tế Philippe Aghion chia sẻ.
Philippe Aghion (1956-)
Ông nói thêm: "Ông ấy đã không ngừng đối chiếu lý thuyết với thực tế và ngược lại. Ông bao giờ cũng bắt tay làm cụ thể. Nhờ các công trình của ông, người ta biết được rằng làm tăng thu nhập của những người nghèo nhất là không đủ, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi phải đối mặt với vấn đề nghèo đói, để cải thiện được ngay vấn đề dinh dưỡng. Cho dù có vẻ là kì lạ nhưng việc tăng thu nhập không làm thay đổi bất cứ điều gì về vấn đề suy dinh dưỡng. Ngược lại, nó có thể tạo ra một sự gia tăng nhu cầu về điện thoại di động, ví dụ". Bằng kiểu quan sát này, người mới đoạt giải Nobel cho thấy rằng có thể tinh tế hóa thước đo phúc lợi và rằng nó không đơn giản chỉ là vấn đề mức thu nhập.
Không phải là một người lạc quan mù quáng
"Để thiết kế các chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy phúc lợi và xóa đói giảm nghèo, trước hết phải hiểu được những lựa chọn tiêu dùng của con người. Hơn ai hết, Angus Deaton đã cải thiện sự hiểu biết này", ban giám khảo Thụy Điển đã nói rõ như thế. Jean–Paul Fitoussi đánh giá là "những nghiên cứu của ông đã góp phần làm biến đổi các lĩnh vực nghiên cứu của kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô và kinh tế học phát triển".
Daniel Kahneman (1934-)
Vào năm 2010, người ta chú ý đến Angus Deaton nhờ một nghiên cứu, được viết cùng với Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2002, khi ông chỉ ra là ở Hoa Kỳ tiền bạc tạo ra hạnh phúc, nhưng chỉ khi thu nhập dưới 75.000 đô la mỗi năm (hay 58.000 euros). ông giải thích rằng: "Có thể 75.000 đô la là một ngưỡng mà nếu vượt qua đó thì những khoản tăng thu nhập không còn cải thiện được năng lực của con người làm những gì được cho là quan trọng nhất cho cảm xúc về phúc lợi của họ, như dành thời gian cho những người thân của họ, tránh né sự đau đớn và bệnh tật, và tận hưởng giải trí."
Trong cuốn The Great Escape, Health, Wealth, and the Origins of Inequality (Cuộc vượt thoát vĩ đại: Vấn đề y tế, sự giàu có, và nguồn gốc của sự bất bình đẳng), được phát hành vào năm 2013, ông khẳng định rằng "cuộc sống ngày nay tốt hơn bao giờ hết trong lịch sử" của nhân loại. Ông nhắc lại là hàng trăm triệu người, đặc biệt ở châu Á, đã thoát được cảnh nghèo đói cùng cực. Và khẳng định rằng thế giới bình đẳng hơn bao giờ hết.
"Vâng, nghèo đói cùng cực đã giảm, nhưng không vì thế mà lạc quan mù quáng: 800 triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo đói", ông cho biết vào hôm thứ Hai này. Trước khi đưa ra những cảnh báo chống lại sự biến đổi khí hậu, có nguy cơ thúc đẩy sự phát triển những bất bình đẳng và nghèo đói. Và tố cáo những hạn chế của các chương trình viện trợ phát triển quốc tế được các nước phương Tây tiến hành trong những thập niên gần đây. Những chương trình chưa bao giờ giúp làm tăng GDP của các nước dễ bị tổn thương. Đối với ông, không cần phải hỏi chúng ta có thể làm gì để giúp các nước nghèo: "Đó chính xác là một câu hỏi tồi, và đặt câu hỏi đó chắc chắn là một phần của vấn đề chứ không phải là một phần của giải pháp".
Sự chuyên chế của các chuyên gia

Về chủ đề này, ông bảo vệ các quan điểm bài báng truyền thống, đấu tranh vì sự phát triển của thương mại tự do, theo cách của Dambisa Moyo, tác giả cuốn Dead Aid: Why Aid Is Not Working And How There Is A Better Way For Africa (Sự giúp đỡ tai hại) và vấp phải trên đường hoạt động những người gièm pha nổi tiếng, như ONG Oxfam. Ngay cả Bill Gates cũng phê phán phân tích của ông và khẳng định rằng viện trợ "tìm cách cải thiện phúc lợi, đặc biệt là trong lãnh vực nông nghiệp, y tế" hay giáo dục, chứ không để kích thích sự tăng trưởng của một quốc gia. Trong một bài viết gần đây, trong đó ông đặt lại vấn đề nhân cuốn sách của William Easterly, một nhà kinh tế khác về phát triển, ví dụ như "sự chuyên chế của các chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài". Ông khẳng định rằng viện trợ phát triển làm suy yếu khế ước giữa chính phủ và những người bị cai trị, một liên kết chủ yếu để phát triển hiệu quả và có thể gây tổn hại cho nền dân chủ.
Ông cáo buộc các cơ quan phát triển "với tu từ học" tập trung vào việc giúp đỡ những người nghèo nhất, mà bỏ qua những "quyền lợi đặc thù của họ", nghị trình đặc thù của họ. Và nhắc lại rằng có thể phát triển y tế mà không cần đến dân chủ, như trường hợp của Trung Quốc vào những năm 70 về tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, hay gần đây hơn, ở Ethiopia, Uganda và Rwanda. "Viện trợ, kể cả viện trợ y tế, làm cho các nhà lãnh đạo kém dân chủ hơn và, cuối cùng, làm tổn hại đến y tế".
Bill Gates (1955-)
Angus Deaton cũng đặt lại vấn đề về những tác động tiêu cực của thuốc men và vắc xin. "Những tác động tồi tệ hơn cả những căn bệnh đã giết hàng triệu người mỗi năm từ hàng trăm năm qua?" Gates châm biếm. Có phải ông thực sự là một người phê phán mạnh mẽ viện trợ không? Phức tạp hơn thế, một chuyên gia của Cơ quan Phát triển của Pháp nói. "Trong thực tế, trên vấn đề viện trợ ông luôn tự cho mình là một người theo thuyết bất khả tri. Ông không có niềm tin đặc biệt, trái với tầm nhìn tự do của Dambisa Moyo. Ông đã tiến hành đánh giá Ngân hàng Thế giới, và công trình này đã trở thành một báo cáo quyết liệt và nguy hiểm chống lại ngân hàng. Ông cũng đã góp phần tìm cách đổi hướng hoạt động nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới bằng việc khởi động một phong trào ủng hộ khoa học, mà một trong những người hưởng ứng là Esther Duflo, một nhà kinh tế về phát triển".
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
------
Bài có liên quan trên PTKT:
Print Friendly and PDF