24.8.16

25 công ty này quyền lực hơn rất nhiều nước trên thế giới



25 công ty này quyền lực hơn rất nhiều nước trên thế giới

Không được xem là một nhà nước, để tối đa hóa lợi nhuận, các công ty đa quốc gia đang thi đua với các chính phủ về quyền lực toàn cầu. Ai là người chiến thắng?
PARAG KHANNA
Thoạt nhìn, câu chuyện của công ty Accenture giống như nguyên mẫu giấc mơ của người Mỹ. Là một trong những công ty tư vấn lớn nhất thế giới, có doanh thu hàng chục tỷ đô-la hàng năm, được thành lập vào những năm 1950 như là một bộ phận nhỏ của công ty kế toán Arthur Andersen. Dự án lớn đầu tiên của họ là tư vấn cho công ty General Electric để lắp đặt một máy tính tại một cơ sở ở bang Kentucky nhằm tự động hóa quy trình thanh toán. Họ trải qua nhiều thập niên tăng trưởng tiếp theo sau đó, và đến năm 1989, bộ phận đã trưởng thành đủ lớn để trở thành một tổ chức riêng: công ty tư vấn Andersen Consulting.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào doanh nghiệp thì sẽ thấy một sự thẳng tiến chạy khỏi đường đua Mỹ. Điều này không phải bởi vì họ mở các văn phòng hải ngoại tại Mexico, Nhật Bản, và các nước khác; sự mở rộng hoạt động quốc tế mang tính chiếu lệ đối với nhiều công ty Hoa Kỳ. Đúng hơn, công ty Andersen Consulting thấy được lợi ích – ít thuế hơn, lao động rẻ hơn, các quy định ít phiền hà hơn – vượt ra ngoài biên giới và tiến hành tái cấu trúc nội bộ để tận dụng lợi thế. Vào năm 2001, khi họ đăng ký lên sàn chứng khoán sau khi đặt lại tên là Accenture, họ đã biến thành một mạng lưới các công ty nhượng quyền phối hợp lỏng lẻo với một công ty mẹ của Thụy Sĩ. Họ đăng ký thành lập công ty tại Bermuda và hoạt động ở đó cho đến năm 2009, khi họ dời địa chỉ về lại Ireland, thì đã có một chính sách thuế thấp khác có hiệu lực. Ngày nay, Accenture có khoảng 373.000 nhân viên nằm rải rác trên hơn 200 thành phố ở 55 quốc gia. Các chuyên viên tư vấn được chuyển công tác đến nhiều nơi để làm những công việc được ủy ​​quyền, nhưng thường báo cáo cho các văn phòng khu vực, chẳng hạn như Prague và Dubai, với mức thuế suất thấp hơn. Để tránh quy chế cư trú phiền nhiễu, bộ phận nhân sự đảm bảo cho nhân viên không lưu lại quá lâu tại các địa điểm có dự án của họ.

Yves Doz (1947-)
Chào mừng bạn đến với thời đại của những công ty siêu quốc gia: những công ty, như Accenture, là những công ty thật sự vô tổ quốc. Khi Yves Doz, José Santos và Peter Williamson, các chuyên gia về kinh doanh và chiến lược, tạo ra thuật ngữ trên trong một cuốn sách được xuất bản vào năm 2001, thì thuật ngữ metanationals (công ty siêu quốc gia) là một hiện tượng mới nổi, một tách biệt khỏi truyền thống của những tập đoàn hãnh diện về nguồn gốc quốc gia của họ. (Vào những năm 1950, Charles Wilson, Chủ tịch công ty General Motors, đã có một câu nói nổi tiếng, "Điều gì tốt cho đất nước của chúng ta là điều tốt cho General Motors, và ngược lại".) Ngày nay, sự cắt đứt dây rốn với nhà nước đã trở thành một việc bình thường.
ExxonMobil, Unilever, BlackRock, HSBC, DHL, Visa – tất cả các công ty này đều lựa chọn các địa điểm đóng quân cho nhân viên, đặt các nhà máy, các văn phòng điều hành, hoặc mở các tài khoản ngân hàng dựa vào việc nơi nào có những quy định thân thiện, nguồn lực dồi dào, và đường kết nối liền mạch. Các siêu công ty tài giỏi thường đăng ký địa chỉ pháp lý tại một quốc gia, văn phòng quản trị doanh nghiệp tại một quốc gia khác, văn phòng quản trị tài sản tài chính tại một quốc gia thứ ba, và nhân viên hành chính được trải rộng tại nhiều quốc gia khác nữa. Một số công ty (có quốc tịch) Mỹ lớn nhất – GE, IBM, Microsoft, chỉ kể ra một số mà thôi – nắm giữ hàng nghìn tỷ đô-la miễn thuế tại nước ngoài, do có doanh thu từ các thị trường ở nước ngoài và thanh toán cho các công ty mẹ đăng ký thành lập công ty tại Thụy Sĩ, Luxembourg, quần đảo Cayman, hoặc Singapore. Trong một minh họa thú vị về sự căng thẳng mà xu hướng này tạo ra cho các nhà hoạch định chính sách, một số nhà quan sát đã gọi những tiền đó là "thu nhập vô quốc gia", trong khi Tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ gọi những công ty tích trữ số tiền này là các "công ty đào tẩu" của nước Mỹ.
Tất nhiên là không có gì đáng ngạc nhiên, khi các công ty tìm những cách mới để hoạt động vì lợi ích riêng của họ; điều đáng ngạc nhiên là khi họ không làm như vậy. Tuy nhiên, sự nổi lên của các công ty siêu quốc gia không chỉ liên quan đến những cách thức kiếm tiền mới. Họ còn làm đảo lộn định nghĩa về "siêu cường toàn cầu."
Cuộc tranh luận về thuật ngữ này thường tập trung vào khái niệm quốc gia – có nghĩa là, liệu có bất cứ nước nào có thể cạnh tranh với địa vị và ảnh hưởng của nước Mỹ không? Vào tháng 6 năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu Pew khảo sát người dân tại 40 nước và cho thấy bình quân 48% người được khảo sát nghĩ rằng Trung Quốc đã hoặc sẽ vượt qua Hoa Kỳ như là một siêu cường, trong khi chỉ có 35% nói rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, Trung tâm Pew có thể xem xét mở rộng phạm vi nghiên cứu của họ – với những tập đoàn có nhiều khả năng vượt qua tất cả các quốc gia về quyền lực.
Margrethe Vestager (1968-)
Hiện tại, tiền mặt mà Apple có trong tay vượt quá GDP của hai phần ba các nước trên thế giới. Các doanh nghiệp cũng đang dẫn đầu trước các nhà điều tiết của chính phủ trong một trò chơi mèo và chuột bất tận. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Dodd-Frank, can ngăn các ngân hàng không nên tăng trưởng quá lớn và dễ đổ vỡ. Tuy nhiên, trong khi luật pháp đè bẹp một số định chế tài chính nhỏ, thì những ngân hàng lớn nhất – với các hoạt động tác nghiệp trải rộng tại nhiều nước – thực sự trở nên lớn hơn, tích lũy thêm vốn và cho vay ít hơn. Ngày nay, 10 ngân hàng lớn nhất vẫn kiểm soát gần 50% tài sản thuộc quyền quản lý trên toàn thế giới. Trong khi đó, một số quan chức Liên minh châu Âu, trong đó có Ủy viên về cạnh tranh Margrethe Vestager, đang thúc đẩy một chính sách chung về cơ sở tính thuế giữa các quốc gia thành viên để ngăn chặn các tập đoàn hưởng lợi từ các mức thuế ưu đãi. Nhưng nếu điều đó xảy ra (và với một chữ “nếu” rất lớn), các doanh nghiệp chỉ cần có cái nhìn xa hơn lục địa để có cơ hội trở thành các công ty siêu quốc gia.
Gary Gereffi (1948-)
Thế giới đang bước vào một thời đại mà pháp luật mạnh nhất không phải là pháp luật về chủ quyền, mà là pháp luật về cung và cầu. Như học giả Gary Gereffi của Đại học Duke đã lập luận, sự phi quốc hữu hóa ngày nay liên quan đến những công ty có khả năng tập hợp được năng lực của nhiều địa phương khác nhau thành một chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đã tạo ra những công ty thành đạt, chẳng hạn như công ty kinh doanh nguyên liệu Glencore và công ty cung ứng hậu cần Archer Daniels Midland, những công ty không tập trung chủ yếu vào hàng hóa sản xuất, nhưng là những chuyên gia trong việc có được các nguyên vật liệu của những gì mà các công ty siêu quốc gia làm tại bất cứ nơi nào có nhu cầu.
Liệu các doanh nghiệp có thể tiến một bước xa hơn nữa không, chuyển từ công ty vô quốc gia thành công ty ảo? Một số người nghĩ rằng điều đó là khả thi. Năm 2013, Balaji Srinivasan, nay là một đối tác của công ty vốn mạo hiểm Andreessen Horowitz, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi, trong đó ông khẳng định rằng Silicon Valley đang trở nên quyền lực hơn Wall Street và chính phủ Hoa Kỳ. Ông mô tả "lối thoát tối ưu của Silicon Valley ", hay việc tạo ra "một xã hội lựa chọn, tối ưu là nằm bên ngoài Hoa Kỳ, được vận hành bởi công nghệ." Ý tưởng là vì các cộng đồng xã hội ngày càng hiện diện trực tuyến, các doanh nghiệp và các hoạt động tác nghiệp của họ có thể chuyển dịch hoàn toàn vào đám mây.
David Francis
Parag Khanna (1977-)
Cũng giống như khái niệm đánh thuế một công ty siêu quốc gia dựa vào địa điểm của trụ sở chính nay có vẻ đã lỗi thời, lối thoát tối ưu của Srinivasan có thể báo hiệu một chủ nghĩa không tưởng công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu các công ty vô tổ quốc phải sống theo một quy tắc, thì luôn có một nơi khác để đến, một nơi có lợi nhuận cao hơn, sự giám sát thân thiện hơn và có nhiều cơ hội hơn. Niềm tin này đã giúp các tập đoàn nhanh trí, cơ động, và thông minh phát triển nhanh hơn các bậc thầy nguyên thủy của họ, bao gồm các siêu cường thống trị thế giới. Nhìn theo hướng này, các công ty siêu quốc gia tách ra từ các hạn chế trên mặt đất và khai thác được thế mạnh của đám mây là bất cứ cái gì nhưng mang tính gượng gạo. Điều này thậm chí có thể không tránh khỏi.
25 công ty quyền lực hàng đầu (DAVID FRANCIS)

Parag Khanna (@paragkhanna) là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản Connectography: Mapping the Future of Global Civilization.
David Francis (@davidcfrancis) là phóng viên cao cấp của trang Foreign Policy.
Một phiên bản của bài viết này xuất hiện ban đầu trên số tháng Ba/tháng Tư năm 2016 của FP dưới tựa đề "Rise of the Titans".
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: These 25 Companies Are More Powerful Than Many Countries, Foreign Policy, 2016/03/15.
Print Friendly and PDF