6.8.16

Tại sao Kinh tế học tân cổ điển và Kinh tế học hành vi sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có Darwin


Tại sao Kinh tế học tân cổ điển và Kinh tế học hành vi sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có Darwin 
Terry Burnham 
Kinh tế học đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng thầm lặng, rơi vào sự chia rẽ từ bốn mươi năm trước [những năm 1970] và hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong nghiên cứu “Hướng đến sự kết hợp theo thuyết Darwin mới của kinh tế học tân cổ điển và kinh tế học hành vi”, tôi đã tranh luận về việc những môn khoa học tự nhiên đã đưa ra được một lộ trình để tái thống nhất kinh tế học theo hướng tốt nhất.
Kinh tế học được chia thành trường phái tân cổ điển (the neoclassical school), vốn cho rằng con người là những sinh vật tối đa hóa một cách duy lí, và trường phái hành vi (the behavioral school) vốn chỉ ra rằng con người - theo cách nói của Richard Thaler - “ngớ ngẩn và tử tế” hơn nhiều so với những giả định của các nhà kinh tế học tân cổ điển.
Eugene Fama (1939-)
Richard Thaler (1945-)
Kinh tế học hành vi đã và đang trở nên có sức nặng hơn bởi nó đã ghi nhận hàng loạt chênh lệch giữa hành vi của con người thực tế (actual living people) và hành vi được Con người kinh tế (Homo economicus) tiên đoán.
Sự chia rẽ giữa hai phe kinh tế có thể nhìn thấy qua ví dụ về mối quan hệ của Giáo sư Thaler và giáo sư Eugene Fama, đồng nghiệp của mình ở Đại học Chicago. Trên tờ New York Times, Fama bác bỏ công trình của Thaler như sau: "Về cơ bản việc Thaler đã làm chỉ là một thứ tò mò ... Làm thế nào mà mấy thứ này [kinh tế học hành vi] lại được xuất bản cơ chứ?".
Ở đây bạn thấy được 2 giáo sư chính thức của đại học Chicago, một trong những trường kinh tế tốt nhất thế giới, bất đồng ý kiến với nhau về những giả thuyết cốt lõi trong lĩnh vực này. Kinh tế học vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn.
Amos Tversky (1937-1996)
Daniel Kahneman (1934-)
Những nghiên cứu đầu tiên về kinh tế học hành vi được Daniel Kahneman và Amos Tversky công bố vào những năm 1970. Sau gần nửa thế kỷ, các học giả tân cổ điển và hành vi vẫn chưa nhích lại gần nhau hơn. Trên thực tế, bài báo năm 2001 trên tờ New York Times mà Eugene Fama bác bỏ kinh tế học hành vi vẫn là một sự mô tả tốt về tình trạng của kinh tế học. Chẳng có gì thay đổi trong 15 năm qua.
Trong thực tế, kinh tế học vẫn chưa tìm ra lối thoát trong nhiều thập kỷ. Lúc này đây, sinh học mở ra một hướng đi hàn gắn sự chia rẽ và đưa kinh tế tiến về phía trước. Những cuộc thảo luận cốt lõi trong kinh tế học đang hòa giải những hành vi phức tạp, ‘thông minh’ với những hành vi phi lí (silly), ‘ngớ ngẩn’ (‘dumb’). Lý thuyết thống nhất của sinh học có thể giải thích cho cả hai loại hành vi, và không hề có sự chia rẽ như thế trong sinh học.
[Bây giờ chúng ta] xem xét công trình của nhà khoa học đạt giải Nobel Niko Tinbergen trên những chú mòng biển (herring gulls). Những chú chim này đều tung ra mọi loại chiến lược tinh vi để sống sót và sinh sôi nảy nở trong những môi trường nghiệt ngã. Một nhà kinh tế học tân cổ điển có thể ngạc nhiên về khả năng bay, tìm thức ăn, và nuôi con của chúng.
Niko Tinbergen (1907-1988)
Tuy nhiên, công trình Tinbergen đã chứng minh một số hành vi của chú mòng biển có vẻ phi lí. Trong tự nhiên, chú mòng biển con đòi ăn bằng cách mổ vào mỏ của con trưởng thành, ngay nơi có đốm đỏ. Tinbergen phát hiện ra rằng chú mòng biển con bẩm sinh có khuynh hướng mổ vào đốm đỏ ngay cả với những chú chim nhân tạo. Hơn nữa, những chú mòng biển con (gull chicks) còn thích những cây bút chì với những cục tẩy màu đỏ hơn cả những chú chim mô hình, như thật nhưng không có vết đỏ.
Nếu Richard Thaler từng nghiên cứu những chú mòng biển, người ta có thể hình dung ông sẽ viết một bài nghiên cứu kinh tế học hành vi về hành vi ‘bất thường’ của chúng. Loài chim này ngốc nghếch đến nỗi cố gắng đòi ăn cả những cây bút chì. Giáo sư Thaler có thể tiếp tục kết luận rằng lý thuyết của Darwin là sai lầm bởi những chú mòng biển trong những sắp đặt nhân tạo (artificial settings) đã không thể sống sót và sinh sôi nảy nở.
Tuy nhiên, các nhà sinh học không có vấn đề gì với những con mòng biển hành xử theo những cách có vẻ vừa thông minh vừa phi lí. Chọn lọc tự nhiên hình thành nên những kết quả thông minh như việc bay. Tuy nhiên, hành vi được các cơ chế thần kinh cụ thể tạo ra có thể hình thành nên hành vi bất thường trong một vài sắp đặt nhất định.
Thật vậy, Tinbergen đã không xem hành vi mổ bút chì là bất thường, thay vào đó ông nhìn nhận điều này là kết quả của các cơ chế thích nghi nảy sinh trong thế giới mòng biển không có những cục tẩy bút chì.
Quan điểm sinh học này đưa ra một phương thức để dung hòa kinh tế học hành vi và kinh tế học tân cổ điển. Con người, cũng như các loài động vật khác, đang chịu áp lực tiến hóa để tối đa hóa. Việc tối đa hóa này gần giống với dự đoán của các nhà kinh tế học tân cổ điển. Tuy nhiên, khi các cơ chế ra-quyết định được kích hoạt trong những môi trường cụ thể sẽ tạo ra những bất thường của kinh tế học hành vi.
Terry Burnham
Kinh tế học có thể học tập theo sinh học, hàn gắn sự chia rẽ, và tiến lên phía trước với một cách tiếp cận liên kết chặt chẽ và phù hợp với hành vi con người.
Giới thiệu tác giả: 
Terry Burnham là nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu nền tảng sinh học và tiến hóa của hành vi con người. Ông là Phó Giáo sư tại đại học Chapman. Có thể theo dõi ông trên Twitter: @TerenceBurnham. 
Nguyễn Thị Trà Giang, Nguyễn Việt Anh dịch 

Print Friendly and PDF