4.8.16

Vì sao các nhà kinh tế ưu tiên cho y tế


Apurva Sanghi
Kenneth Arrow (1921-)

Vì sao các nhà kinh tế ưu tiên cho y tế

Kenneth Arrow và Apurva Sanghi
PALO ALTO – Trong một thế giới lý tưởng, tất cả mọi người, ở mọi nơi, sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết mà không phải trả nhiều hơn những gì mà họ có khả năng. Nhưng "chăm sóc y tế cho mọi người" – còn được gọi là bảo hiểm y tế toàn dân – có thực sự là điều khả thi, không chỉ ở các nước giàu, mà cả ở những nước nghèo nhất không?
Tóm lại, câu trả lời là có. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã tham gia cùng hàng trăm nhà đồng nghiệp kinh tế thuộc gần 50 nước thúc giục các nhà lãnh đạo trên thế giới ưu tiên đầu tư vào bảo hiểm y tế toàn dân. Và động lực to lớn hơn đằng sau bản Tuyên bố của các nhà kinh tế về bảo hiểm y tế phổ quát này, được Quỹ Rockefeller tập hợp và giờ đây có hơn 300 chữ ký, đã đặt y tế và sự phát triển toàn cầu vào một khúc quanh lịch sử.
Vào tháng Chín, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một loạt các mục tiêu toàn cầu mới trong 15 năm để hướng dẫn các nỗ lực của thế giới nhằm chấm dứt đói nghèo, thúc đẩy sự thịnh vượng cho mọi người, và đảm bảo một hành tinh khỏe mạnh vào năm 2030. Khi các nhà lãnh đạo trên thế giới chuẩn bị ban hành các mục tiêu phát triển tham vọng nhất cho đến nay – các Mục tiêu Phát triển Bền vững sẽ khởi động vào ngày 01 tháng Giêng – thì quá trình quyết định việc bắt đầu từ đâu có vẻ là một nhiệm vụ khó khăn.
Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế, câu trả lời thì rõ ràng: Chương tiếp theo của chiến lược phát triển cần dành ưu tiên cao cho việc cải thiện y tế – và không bỏ sót một ai.
Cung cấp cho tất cả mọi người các dịch vụ y tế chất lượng cao, các dịch vụ y tế thiết yếu mà không đe dọa làm phá sản tài chính, là điều cần phải làm đầu tiên và quan trọng nhất. Y tế và sự sống là những giá trị cơ bản cho mọi cá nhân. Hơn nữa, không giống như các hàng hóa có giá trị khác, chẳng hạn như thực phẩm, chúng không thể được cung cấp mà không có một chính sách xã hội thận trọng.
Vấn đề "những cái chết có thể phòng tránh" vẫn còn phổ biến ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là một triệu chứng của các hệ thống chăm sóc y tế không được tôn trọng hoặc thiếu nguồn lực, chứ không phải là vấn đề thiếu bí quyết y tế. Nếu tăng đầu tư vào ngành y tế hiện nay, thì đến năm 2030 chúng ta có thể tiến gần đến một thế giới mà không có cha mẹ nào còn phải chịu cảnh mất con cái – và không có đứa trẻ nào còn phải chịu cảnh mất cha mẹ – vì những nguyên nhân có thể phòng ngừa được.
Bảo hiểm y tế toàn dân cũng là một lựa chọn thông minh. Khi mọi người đều khỏe mạnh và ổn định về tài chính, thì kinh tế của họ trở nên mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn. Và, với lợi ích lớn hơn gấp mười lần chi phí ban đầu, việc đầu tư vào y tế cuối cùng có thể tài trợ cho các mục tiêu còn lại của nghị trình phát triển toàn cầu.
Vì vậy, vấn đề không phải là liệu bảo hiểm y tế toàn dân có giá trị hay không, mà là làm thế nào để làm cho nó trở thành hiện thực. Hơn một trăm nước đã tiến hành các bước theo con đường này; khi làm như vậy, họ đã khám phá các cơ hội và chiến lược quan trọng để đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu chăm sóc y tế cho mọi người. Đặc biệt, chúng tôi tin rằng ba lĩnh vực – công nghệ, khuyến khích, và đầu tư vào những lĩnh vực dường như "không liên quan đến y tế"– có tiềm năng thúc đẩy việc bảo hiểm y tế toàn dân một cách đáng kể.
Trước nhất, công nghệ đang nhanh chóng trở thành người thay đổi luật chơi, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi mà sự cách biệt trong việc tiếp cận dịch vụ y tế là rộng lớn nhất. Ở Kenya, một nước đã dẫn đầu thế giới về việc chuyển tiền qua điện thoại di động nhờ hệ thống "m–PESA," một sự bùng nổ trong hệ thống chăm sóc y tế từ xa cho phép các bệnh nhân và nhân viên y tế ở nông thôn tương tác, qua phương tiện hội nghị truyền hình, với đội ngũ nhân viên tại các bệnh viện chính của Kenya – do đó làm tăng chất lượng chăm sóc y tế với mức chi phí rất nhỏ.
Tổ chức m–PESA Foundation, trong quan hệ đối tác với Quỹ nghiên cứu y tế châu Phi (African Medical Research Foundation), đã bắt đầu triển khai công tác đào tạo trực tuyến các tình nguyện viên về y tế cộng đồng và bổ sung các khóa đào tạo này với một lượng lớn tin nhắn của các nhóm qua SMS / WhatsApp để kết nối các nhóm với nhau và chia sẻ những thông tin quan trọng được cập nhật. Đầu tư vào các ngành công nghệ giá trị cao, chi phí thấp sẽ giúp chúng ta đạt được nhiều hơn với từng đồng đô la được đầu tư.
Khai thác sức mạnh của các biện pháp khuyến khích là một cách khác để tăng tốc các cải cách về y tế. Điều này có thể và nên được thực hiện mà không buộc người nghèo phải chi trả các dịch vụ y tế tại nơi được chăm sóc. Ví dụ, khi nhà nước thanh toán cho khu vực tư nhân dựa trên cơ sở các kết quả (ví dụ, số lượng hay tỷ lệ các trẻ em được tiêm chủng), thì vấn đề trách nhiệm giải trình và kết quả đã được cải thiện qua đó. Các chương trình phiếu trả tiền chăm sóc thai sản ở Uganda và Kenya hiện đang cho phép phụ nữ tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, từ khu vực tư nhân.
Cuối cùng, xây dựng các hệ thống chăm sóc y tế có sức chịu đựng – đủ linh hoạt để gồng mình, nhưng không đỗ vỡ, trước các cú sốc – có nghĩa là cải thiện những hàng hóa công cộng khác gắn chặt với y tế con người. Đó là vấn đề nước sạch và vệ sinh, đường xá và cơ sở hạ tầng, thuận tiện cho việc cung cấp các dịch vụ cấp cứu và chăm sóc. Các hệ thống y tế không tồn tại trong một môi trường chân không, và nếu chúng ta nghiêm túc về một sự phát triển bền vững, thì đã đến lúc phải hiểu rằng việc đầu tư vào các hệ thống bổ sung là những đầu tư mang tính "tận dụng" chứ không phải là đánh đổi. Chúng ta nên cảnh giác trước việc xem y tế là con đường duy nhất hướng tới việc chăm sóc y tế tốt hơn.
Sự thành công của các mục tiêu phát triển của thế giới phụ thuộc vào khả năng tiếp cận những người dân nghèo nhất và thiệt thòi nhất, những người phải tiếp tục gánh chịu phần lớn tác động của cái chết và thương tật trên toàn thế giới. Một sự tiến triển tự nhiên theo nguyên trạng sẽ không đủ để tiếp cận họ. Thay vào đó, chúng ta phải đẩy mạnh các hệ thống y tế công cộng ngoài ranh giới thông thường của chúng bằng cách đầu tư và thúc đẩy các công nghệ mới, hoàn thiện các biện pháp khuyến khích, và thừa nhận rằng các hệ thống chăm sóc y tế không tồn tại trong một môi trường chân không.
Bảo hiểm y tế toàn dân là một mục tiêu đúng, thông minh, và quá chậm. Để tiến đến một thế giới mà nhu cầu chăm sóc y tế cho tất cả mọi người đều được đáp ứng và không ai phải chịu cảnh nghèo đói, các nhà lãnh đạo của chúng ta phải chú ý đến thông điệp này và hành động vì nó.
Kenneth Arrow, giải Nobel kinh tế năm 1972, là giáo sư danh dự về kinh tế học và là giáo sư về vận trù học tại Đại học Stanford.
Apurva Sanghi là kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Kenya, Rwanda, Uganda, và Eritrea.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Why Economists Put Health First, Project Syndicate, Dec 14, 2015
----
Những bài liên quan trên PTKT:
Print Friendly and PDF