Tiền tệ được dùng vào việc gì?
Là một công cụ trao đổi đơn giản đối với các nhà kinh tế, tiền tệ trước hết là một sự được mất về quyền lực và là một vec-tơ gắn kết xã hội mạnh mẽ. Các đường nét của nó không ngừng tiến hóa theo thời gian, để trở nên mờ nhạt với sự tài chánh hóa nền kinh tế.
1. Tiền tệ là gì và ai tạo ra nó?
Jézabel COUPPEY–SOUBEYRAN
Tiền tệ đóng vai trò then chốt trong hoạt động của các nền kinh tế và của các xã hội. Vì vậy làm chủ được việc tạo ra tiền luôn là một sự được mất mang tính quyết định.
Những khía cạnh khác nhau của tiền tệ
Không dễ để định nghĩa tiền tệ, bởi vì nó có nhiều chiều kích. Trước tiên, đây là một tài sản riêng theo nghĩa, giống như các hàng hóa khác, nó là đối tượng của cung cầu và việc nắm giữ tiền có một cái giá, trong trường hợp này đó là chi phí cơ hội: cái giá của điều mà nó không mang lại, cụ thể là lãi suất được trả cho những khoản đầu tư với thanh khoản thấp hơn và rủi ro hơn đối với một số tiền tương tự.
Nhưng tiền tệ cũng là một sản phẩm công cộng hay tài sản tập thể, bởi tính sẵn có của nó, khả năng lưu thông của nó và tính bảo tồn giá trị của nó là điều cần thiết để các giao dịch thương mại hoạt động trơn tru. Như vậy, việc sử dụng tiền thuộc phạm vi lợi ích chung. Vả lại, bản chất tập thể này cũng biện minh cho sự quan tâm của các chính quyền đối với tiền tệ khi quy định các tác nhân tạo ra nó.
David Ricardo (1772-1823) |
Jean-Baptiste Say (1767−1832) |
Tiền tệ, được các cá nhân nắm giữ như là tài sản riêng, có những đặc điểm vừa là của một sản phẩm "độc quyền" (số lượng tiền mà tôi nắm giữ là tài sản độc quyền của riêng tôi) và vừa là của một sản phẩm "cạnh tranh" (phần tổng lượng tiền mà tôi nắm giữ sẽ tước đi cơ hội của những người khác sử dụng nó khi mà tôi không chi tiêu nó). Nhưng chiều kích tập thể của việc sử dụng tiền cũng làm cho nó trở thành một "sản phẩm mạng": khi càng có nhiều người tham gia vào "câu lạc bộ" những người sử dụng tiền, thì sự thừa nhận nó và chấp nhận nó càng tăng lên, và điều này càng làm cho nó trở thành một công cụ trao đổi hiệu quả.
Carl Menger (1840-1921) |
Ludwig von Mises (1881-1973) |
Ngoài ra, là một thuộc tính then chốt của một nền kinh tế trao đổi nên tiền tệ là một sản phẩm kinh tế. Đối với những nhà kinh tế cổ điển đầu tiên của thế kỷ XVII và XIX (Adam Smith, David Ricardo, Jean-Baptiste Say...), điều này có nghĩa là tiền tệ chỉ là một phương tiện trao đổi trung gian, không gây ra một ảnh hưởng đặc biệt nào, giống như một miếng vải mỏng trùm lên nền kinh tế thực. Quan niệm này được gọi là "sự trung tính của tiền tệ" trong một thời gian dài chiếm ưu thế độc quyền trong giới các nhà kinh tế. Phải chờ đến các công trình nghiên cứu của những người sáng lập ra trường phái Áo (Carl Menger, Ludwig von Mises) và trường phái Thụy Điển (Knut Wicksell), vào cuối thế kỷ XIX và trong suốt thế kỷ XX, và tất nhiên các công trình của John Maynard Keynes, vào đầu thế kỷ XX, để sức mạnh của tiền tệ mới được nhấn mạnh trong nền kinh tế thực (xem thêm bài Les théories de la monnaie: côté pile côté face – Các lý thuyết tiền tệ: mặt phải mặt trái, trong hồ sơ này).
Knut Wicksell (1851-1926) |
Keynes nói, người ta nắm giữ tiền, không chỉ để thanh toán các giao dịch trao đổi trước mắt, mà còn là một biện pháp cẩn trọng hay chờ đợi những cơ hội đầu tư tốt hơn, khi lãi suất sẽ tăng cao hơn. Do tiền tệ cũng là một dự trữ giá trị, nên toàn bộ số tiền được nắm giữ không được sử dụng hết cho việc tiêu dùng. Chính vì vậy mà mức chi tiêu có thể sẽ không đủ để hấp thụ hết lượng sản xuất. Do đó, mức tăng trưởng và việc làm phụ thuộc vào lượng tiền đang lưu thông và vào cách sử dụng nó.
Tuy nhiên, cho dù các cuộc tranh luận giữa họ với nhau về tiền tệ có gay gắt đến đâu, các nhà kinh tế không có độc quyền về ý tưởng đối với chủ đề này. Tiền tệ cũng làm cho các nhà sử học, các nhà triết học, các nhà xã hội học, các nhà khoa học chính trị quan tâm, bởi vì nó là một sản phẩm lịch sử, xã hội và chính trị. Một khi tiền tệ có được một chỗ dựa (bằng kim loại hay bằng giấy), tất cả các quân vương và tất cả các nước cộng hòa đều cho in dấu ấn của họ lên đó để làm cho nó trở thành biểu tượng quyền lực của họ. Đồng thời dùng quyền lực của họ đảm bảo cho giá trị của nó (xem thêm bài Les théories de la monnaie: côté pile côté face – Các lý thuyết tiền tệ: mặt phải mặt trái, trong hồ sơ này).
Tiền tệ cũng là một sản phẩm xã hội, bởi vì việc sử dụng nó phụ thuộc vào sự tán thành của mọi người và sự tin tưởng mà người sử dụng đặt vào nó. Đến mức mà giá trị trao đổi của nó thường không có bất cứ mối quan hệ nào với giá trị của điểm nó tựa vào: chỉ tốn vài xu để chế tạo ra một tờ tiền giấy ngân hàng. Đó cũng là điều tương tự cho các công cụ thanh toán (các phương tiện lưu thông của tiền tệ): một thẻ tín dụng chỉ có giá trị bởi vì nó được các thương nhân chấp nhận, chứ không phải bởi giá trị của miếng nhựa mà nó được tạo ra.
Ngay cả trong số các loại tiền-hàng hóa của thời cổ đại, một số đồng tiền, chẳng hạn như đồng tiền vỏ ốc, được sử dụng ở Trung Quốc từ thiên niên kỷ đầu tiên, hay đồng tiền vỏ sò (wampum) của các bộ lạc người da đỏ ở Bắc Mỹ, có được giá trị về biểu tượng hay ý nghĩa nhiều hơn là giá trị nội tại của nó. Vả lại, lịch sử của các hình thức tiền tệ, từ tiền hàng hóa đến tiền kim loại và từ tiền giấy đến tiền gửi ngân hàng, là lịch sử của một quá trình phi vật thể hóa được phát triển từng bước. Tiền tệ, như những công cụ giúp nó lưu thông (thẻ tín dụng, ngân phiếu, ví tiền điện tử...), chỉ có giá trị khi chúng có khả năng mua bán: tự bản thân các công cụ này không có giá trị gì cả.
Ngân hàng tạo ra tiền
Mario Draghi (1947-) |
Với những vai trò đa dạng của tiền tệ, điều quan trọng là phải biết ai là người kiểm soát việc tạo ra nó. Biểu tượng truyền thống về vấn đề này là biểu tượng của cái máy in tiền giấy ngân hàng, được điều hành, ví dụ ở châu Âu, bởi Mario Draghi, Chủ tịch của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, hình ảnh của cái "máy in tiền" này dễ đánh lừa.
Tiền giấy và huống hồ là tiền xu – loại tiền được gọi là "tiền tín dụng" – chỉ tượng trưng một phần rất nhỏ lượng tiền trong lưu thông. 90% của cung tiền tệ là bút tệ, có nghĩa là một động tác viết đơn giản trên một tài khoản ngân hàng, được lưu thông thông qua nhiều phương tiện thanh toán khác (thẻ ngân hàng, chuyển khoản, thu tiền tự động, ngân phiếu...). Và những người đầu tiên tạo ra bút tệ là các ngân hàng.
Ngân hàng tạo ra tiền qua các khoản tín dụng mà họ cung cấp. Bằng một động tác ghi chép đơn giản, ngân hàng ghi vào bên có của khách hàng và khách hàng thấy mình sở hữu thêm một lượng tiền. Điều tương tự cũng xảy ra khi ngân hàng quyết định mua một chứng khoán tài chính (một trái phiếu do một doanh nghiệp hay một Nhà nước phát hành...) hay một tòa nhà, và ngân hàng cũng ghi điều tương tự vào bên có của người bán. Không quan trọng bản chất của tài sản mua được: trong mọi trường hợp, ngân hàng tạo ra tiền bằng cách tiền tệ hóa các tài sản không phải là tiền tệ. Cơ chế này cũng vận hành theo chiều ngược lại: đó là sự tiêu hủy tiền tệ khi ngân hàng nhận lại tiền trả của một khoản tín dụng đến hạn phải thanh toán mà họ đã cấp, hay nhận lại tiền trả của một chứng khoán nợ mà họ đã mua.
Tuy nhiên, tất cả các khoản tín dụng ngân hàng không tương ứng với việc tạo ra tiền. Nếu ngân hàng cấp một khoản tín dụng hay mua một chứng khoán trên cơ sở các nguồn lực mà họ đã có, như các khoản tiền gửi mà khách hàng gửi tại ngân hàng, thì đó chỉ là một sự chuyển giao nguồn lực chớ không phải là tạo ra tiền. Ngân hàng chỉ làm tăng khối tiền tệ trong lưu thông khi mà họ tạo ra tiền từ con số không.
Quyền lực này có vẻ là quá đáng. Dường như nó trao cho các ngân hàng một ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động của nền kinh tế và xã hội, khi xét đến nhiều vai trò khác nhau của tiền tệ. Nhưng nếu các ngân hàng có được quyền tạo ra những nguồn lực cần thiết cho hoạt động của họ, điều mà không có tác nhân kinh tế nào khác có thể làm được, thì cái quyền tạo ra tiền nói trên bị hạn chế.
Trước tiên, quyền này bị hạn chế vì một khi khoản tín dụng được cấp, doanh nghiệp hay cá nhân thụ hưởng sẽ chi tiêu số tiền có được, số tiền này sẽ chạy vào tài khoản của một ngân hàng khác. Tùy theo các giao dịch mua và bán của toàn bộ các tác nhân kinh tế, một số ngân hàng sẽ nhận được nhiều tiền hơn so với số tiền chạy qua các tổ chức tín dụng khác, và một số ngân hàng khác thì ngược lại. Lúc ấy, thanh khoản sẽ được giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, có nghĩa là giữa các ngân hàng với nhau. Đối với những ngân hàng nào có yêu cầu, thì giao dịch sẽ chịu một phí, mức phí này sẽ làm giảm lợi nhuận của các khoản tín dụng và hạn chế việc tạo ra tiền. Đối với những ngân hàng có nguồn để cung, thu nhập sẽ được giới hạn bởi một mức trần, được gọi là lãi suất chủ đạo và mức lãi suất này do ngân hàng trung ương ấn định. Đây là mức lãi suất mà ngân hàng trung ương cấp các khoản vay cho các tổ chức có yêu cầu, các khoản vay này tượng trưng cho một nguồn tài trợ khác cho các ngân hàng.
Các ngân hàng cũng phải chú ý đến việc có sẵn đủ lượng tiền giấy và tiền xu (do ngân hàng trung ương phát hành) để khách hàng có thể đến rút tiền. Số lượng không lớn, nhưng các ngân hàng phải duy trì một số lượng cần thiết ở mọi thời điểm.
Cuối cùng, ngân hàng trung ương không cho phép việc tạo ra tiền mà không có bất kỳ sự kiểm soát nào. Mỗi ngân hàng trong khu vực đồng euro, ví dụ, sẽ mở một tài khoản tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), để gửi các khoản dự trữ bắt buộc, tương ứng với một trị giá cố định các nguồn lực của họ và mức dự trữ bắt buộc này do ngân hàng ECB ấn định.
Như vậy, một ngân hàng phải duy trì, tại tài khoản của họ ở mọi thời điểm, một lượng "tiền (ngân hàng) trung ương" đủ để tuân thủ các khoản dự trữ bắt buộc, chi trả cho các khách hàng rút tiền mặt và thanh toán các khoản giao dịch liên ngân hàng. Trong trường hợp cần thiết, ngân hàng có thể huy động nguồn lực từ các ngân hàng khác (thị trường liên ngân hàng), từ ngân hàng trung ương (tự tài trợ) hay từ thị trường (thị trường chứng khoán nợ thương lượng được, thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu), đảm bảo luôn luôn có sẵn đủ một lượng nguồn tiền bền vững. Vả lại, ngân hàng trung ương quy định trong khung hoạt động của các ngân hàng, phải đảm bảo một lượng vốn tự có tối thiểu bằng 10,5% tổng tài sản rủi ro của họ[1].
Cuối cùng ai quyết định số lượng tiền?
Do quy định ràng buộc về các khoản dự trữ bắt buộc, các ngân hàng bị hạn chế trong khả năng tạo ra tiền. Thực vậy, họ bị ràng buộc bởi lượng tiền mà ngân hàng trung ương để cho họ sử dụng, được gọi là cơ sở tiền tệ, có nghĩa là lượng tiền làm nền tảng để tạo ra tiền. Tại châu Âu, ngân hàng ECB quyết định mức cơ sở tiền tệ qua việc cấp nhiều hay ít tín dụng cho các ngân hàng và qua việc mua lại nhiều hay ít các tài sản tài chính – thường là các trái phiếu không có rủi ro được các Nhà nước phát hành, các trái phiếu Kho bạc. Như vậy, ngân hàng trung ương quản lý chặt chẽ lượng tiền trung ương mà họ phát hành: lượng tiền trung ương càng nhiều, thì các ngân hàng càng có nhiều cơ hội để tự tạo ra nhiều tiền tệ, và ngược lại khi ngân hàng trung ương hạn chế phát hành lượng tiền trung ương.
Do đó, mỗi ngân hàng hầu như chỉ có thể cấp các khoản tín dụng theo tỷ lệ tương ứng với các khoản dự trữ của mình tại ngân hàng trung ương. Ngược lại, lượng tiền được toàn ngành ngân hàng cho lưu thông là một bội số của cơ số tiền (tiền giấy + tiền gửi của các ngân hàng bằng tiền trung ương) được tạo ra bởi ngân hàng trung ương. Đây là điều mà các nhà kinh tế gọi là nguyên lý số nhân.
Giải thích. Hãy thử xem một ngành ngân hàng trong đó ngân hàng trung ương ấn định một tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 20% (con số này, được lựa chọn để phục vụ cho ví dụ của chúng tôi, ít tương ứng với thực tế của khu vực đồng euro, nơi nó bằng 1% tiền gửi, và phù hợp với Trung Quốc hơn, nơi mà chính quyền duy trì ở mức 16,5%). Giả sử một ngân hàng huy động được 1.000 euro tiền gửi. Như vậy, ngân hàng cần duy trì liên tục trong tài khoản tiền trung ương 200 euro tiền dự trữ bắt buộc và ngân hàng có thể cung cấp các khoản tín dụng tương ứng với 800 euro còn lại, vì thế tạo ra 800 euro tiền gửi.
Các khoản tiền gửi này sẽ sớm đi vào lưu thông. Chúng sẽ được sử dụng để thanh toán một giao dịch mua mà người thụ hưởng có tài khoản ở một ngân hàng khác. Như vậy, ngân hàng thụ hưởng này có được thêm 800 euro tiền gửi và sẽ phải lập 20% (tức là 160 euro) tiền dự trữ bắt buộc tại ngân hàng trung ương. Như vậy, ngân hàng thứ hai sẽ có 640 euro (800 – 160) tiền mặt có sẵn để cấp một khoản tín dụng mới. Và cứ như vậy cho đến khi cơ chế 20% dự trữ bắt buộc làm cho lượng tiền mặt có sẵn hướng đến con số không. Do đó, tổng số tiền được tạo ra từ các khoản tiền gửi 1000 euro ban đầu sẽ bằng tổng số tiền các khoản tín dụng đã cấp, giảm đi mỗi lần bằng một lượng tiền dự trữ bắt buộc. Tổng cộng, trong ví dụ này, ngân hàng sẽ tạo ra 5000 euro tiền tệ, hay năm lần số tiền gốc của các khoản tiền gửi. Chúng ta sẽ nói rằng "số nhân tín dụng" bằng 5. Vì vậy, tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc càng cao, thì sức mạnh tạo ra tiền của các ngân hàng càng bị hạn chế.
Cơ chế số nhân này giúp cho ngân hàng trung ương có thể kiểm soát được cung tiền tệ, bởi vì nó phụ thuộc phần lớn vào các khoản dự trữ mà ngân hàng trung ương áp đặt đối với các ngân hàng và lượng tiền trung ương mà ngân hàng trung ương để lại cho các ngân hàng sử dụng. Đây là lý do vì sao mà các nhà kinh tế nói rằng tiền tệ là một lượng tiền "ngoại sinh" hoàn toàn bị ngân hàng trung ương kiểm soát.
Tuy nhiên điều này khá thiếu thực tế, bởi vì các ngân hàng có thể vay tiền trung ương mà họ có nhu cầu từ các ngân hàng khác có mức dự trữ dư thừa. Họ không cần phải có trước một lượng tiền trung ương mới cho vay. Họ cấp các khoản tín dụng, rồi tự tài trợ, có nghĩa là họ sẽ đi tìm lượng tiền trung ương mà họ có nhu cầu để đáp ứng các quy định ràng buộc. Trong trường hợp này, các ngân hàng tạo ra lượng tiền mà họ mong muốn để đáp ứng mức cầu tín dụng của khách hàng và tiến hành điều chỉnh cơ sở tiền tệ sau đó. Trong sơ đồ này cung tiền tệ không còn là bội số của cơ sở tiền tệ, mà chính là điều ngược lại, cơ sở tiền tệ bị phân chia bởi lượng tiền được các ngân hàng đưa vào lưu thông: lần này một cơ chế như vậy được gọi là "số chia tín dụng".
Trong sơ đồ này, tiền tệ mang tính "nội sinh", bởi vì nó phát sinh từ một cầu riêng của hệ thống kinh tế (các doanh nghiệp và các cá nhân có nhu cầu về các khoản tín dụng từ ngân hàng hoặc phát hành chứng khoán để các ngân hàng mua lại), chứ không phát sinh từ ý muốn của ngân hàng trung ương. Trong một hệ thống tạo ra tiền như vậy, khả năng kiểm soát tiền tệ và từ đó khả năng điều hành một chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương bị đặt thành vấn đề. Tuy nhiên, việc ngân hàng trung ương vẫn nắm giữ được quyền kiểm soát số lượng tiền và các phương thức tự tài trợ (ngân hàng trung ương quyết định mức lãi suất chủ đạo, ảnh hưởng đến lãi suất mà các ngân hàng cho vay tiền lẫn nhau) cho phép họ duy trì được ảnh hưởng đến việc tạo ra tiền, mặc dù gián tiếp nhưng mang tính quyết định đối với hoạt động của ngành ngân hàng.
Các giai đoạn khủng hoảng, như cuộc khủng hoảng tiếp theo sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008, khi mà sự hoảng loạn làm cho các ngân hàng không cho vay lẫn nhau nữa vì lo sợ có một con nợ bị phá sản, cho thấy điều nói ở trên là có sức thuyết phục. Nếu không có tiền do ngân hàng trung ương cấp, hệ thống ngân hàng toàn cầu đã sụp đổ hoàn toàn. Các biện pháp can thiệp của ngân hàng trung ương để cung cấp tiếp thanh khoản cho các ngân hàng đã lên đến mức khổng lồ và thậm chí chưa từng có tiền lệ: các ngân hàng trung ương đã cấp hàng ngàn tỷ đô-la cho các ngân hàng vay (trong trường hợp của ngân hàng ECB) hay để mua lại chứng khoán (trong trường hợp của ngân hàng Fed). Điều này cũng củng cố lý thuyết về tiền tệ nội sinh, bởi vì các ngân hàng trung ương đã cố tăng hơn bao giờ hết cơ sở tiền tệ của họ, trong khi bản thân lí thuyết thì không tiến triển bao nhiêu.
Liệu số nhân tiền tệ vẫn còn hiệu lực hay không? Câu trả lời sẽ có trong một vài năm tới, không loại trừ khả năng biến thái của nó là: nếu tiền tệ trung ương không còn khả năng duy trì tỷ lệ tiền tệ thích đáng lưu thông trong nền kinh tế thực, thì sẽ có khả năng tìm lại sự giảm tốc tiền tệ thực sự trên các thị trường tài chính... để hình thành các bong bóng của ngày mai.
Jezebel COUPPEY–SOUBEYRAN
Để tìm hiểu thêm
• Parlons banque en 30 questions (Nói về ngân hàng qua 30 câu hỏi), par Jézabel Couppey–Soubeyran et Christophe Nijdam, coll. Document en poche, La Documentation française, 2014.
• La monnaie entre violence et confiance (Tiền tệ giữa bạo lực và niềm tin), par Michel Aglietta et André Orléan, Odile Jacob, 2002.
• D’or et d’argent. La monnaie en France du Moyen Age à nos jours (Về vàng và bạc. Tiền tệ tại Pháp từ thời Trung cổ đến ngày nay), par Jean Favier, Jean Tulard et Alain Plessis (dir.), Comité pour l’histoire économique et financière, 2006.
• La monnaie et ses mécanismes (Tiền tệ và các cơ chế của nó), par Dominique Plihon, coll. Repères, La Découverte, 2013.
• Théorie de la monnaie et de la banque. Tome I: L’essence de la monnaie (Lý thuyết tiền tệ và ngân hàng. Tập I: Bản chất của tiền tệ), par Joseph Schumpeter, L’Harmattan, 2005.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Qu’est-ce que la monnaie et qui la crée”, Alternatives Economiques no 289, Mars 2010.
[1] Lên đến 3% khi các giám sát viên nhận định đang ở giai đoạn cao của chu kỳ tài chính, và lên đến 15,5% khi áp dụng các khoản phụ thu lên các ngân hàng, đặc biệt do quy mô và các mối liên kết của ngân hàng với các định chế tài chính khác, có một rủi ro mang tính hệ thống.↩