15.8.16

Định nghĩa lại Tư bản chủ nghĩa



ĐỊNH NGHĨA LẠI TƯ BẢN CHỦ NGHĨA

Nick Hanauer & Eric Beinhocker
Sự thịnh vượng là gì? Tăng trưởng bắt nguồn từ đâu? Tại sao các thị trường vận hành? Chúng ta giải quyết sự căng thẳng giữa một thế giới thịnh vượng và một thế giới đạo đức (moral world) như thế nào?
Đối với tất cả mọi người, ngoại trừ nhóm 1 phần trăm người có thu nhập cao nhất, nền kinh tế Mỹ là bị rạn nứt. Từ những năm 1980, đã có một sự thiếu kết nối ngày càng lớn giữa đời sống của những người Mỹ bình thường với số liệu thống kê - thể hiện rằng sự thịnh vượng của chúng ta đang tăng lên. Mặc dù có sự thụt lùi do cuộc Đại suy thoái, nền kinh tế Mỹ đã tăng qui mô hơn gấp đôi trong ba thập kỷ qua, trong khi thu nhập của tầng lớp trung lưu và sức mua đã chững lại. Của cải khổng lồ được tạo ra trong khi những người sinh ra trong thời kì bùng nổ dân số (ND: 1946- 1964) mất tiền tiết kiệm hưu trí của mình. Lợi nhuận doanh nghiệp đạt mức cao kỷ lục trong khi tính cơ động xã hội đạt mức thấp kỷ lục, tụt hậu so với các nước phát triển khác. Đối với rất nhiều gia đình, giấc mơ Mỹ ngày càng trở thành một kí ức lịch sử hơn là một hiện thực có thể đạt được.
Những sự thật này không chỉ làm nổi bật những vấn đề bất bình đẳng và sức mạnh ngày càng lớn của giới tài phiệt. Chúng cũng buộc chúng ta đưa ra một bộ câu hỏi sâu sắc hơn về cách thức mà nền kinh tế của chúng ta vận hành, và về cách thức mà chúng ta đánh giá, cũng như đo lường các ý tưởng về tiến bộ kinh tế.
Nick Hanauer (1959-)
Eric Beinhocker (1968-)
Làm thế nào sự giàu có được tạo ra ở Phố Wall bằng các sản phẩm như hợp đồng hoán đổi tín dụng (credit-defaut swaps) mà đã phá hủy sự giàu có của những người Mỹ bình thường, lại được chúng ta xem là sự phát triển? Tương tự như vậy, của cải được tạo ra bằng các sản phẩm thực phẩm sản xuất hàng loạt mà khiến cho người Mỹ béo hơn, bệnh tật nhiều hơn, và chết sớm hơn. Và chúng ta vẫn xem nó như sự tăng trưởng - dù rằng nó bao gồm các chi phí thêm về y tế rất lớn. Sự ấm lên toàn cầu tạo ra các cơn bão thường xuyên hơn, phá hủy các thành phố và cuộc sống của con người. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế nhằm tái thiết những thiệt hại này cũng được tính vào sự tăng trưởng.
Các cuộc thảo luận chính sách kinh tế của chúng ta gần như luôn luôn tập trung vào việc làm cho chúng ta giàu có hơn và tạo ra sự tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được sự giàu có đó. Có rất nhiều cuộc tranh luận ác liệt về việc tăng hay giảm lãi suất, hoặc tăng hay giảm quy định, và hệ thống chính trị của chúng ta bị tê liệt do một đấu tranh tư tưởng gay gắt về ngân sách. Nhưng có quá ít cuộc tranh luận về việc thực hiện tất cả những điều này nhằm làm gì (what it is all for)? Hiếm ai đặt câu hỏi: Loại tăng trưởng nào chúng ta muốn? “Sự giàu có” có nghĩa là gì? Và điều gì sẽ hữu ích cho cuộc sống của chúng ta?
Giá của mọi thứ, giá trị của con số không
M. Abramovitz (1912-2000)
Simon Kuznets (1901-1985)
Thước đo cơ bản nhất về tăng trưởng kinh tế mà chúng ta có là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). GDP được phát triển từ công trình của nhà kinh tế học người Mỹ Simon Kuznets trong những năm 1930 và nó đã trở thành chỉ số được chấp nhận rộng rãi để đo lường sản lượng kinh tế kể từ sau hội nghị Bretton Woods năm 1944. Nhưng ngay từ đầu, Kuznets và các nhà kinh tế học khác nhấn mạnh rằng GDP không phải là thước đo của sự thịnh vượng. Năm 1959, nhà kinh tế học người Mỹ Moses Abramovitz cảnh báo rằng “chúng tôi rất hoài nghi về quan điểm cho rằng những thay đổi dài hạn trong tỷ lệ tăng trưởng phúc lợi có thể được phản đoán dù ở mức độ tương đối từ những thay đổi trong tỷ lệ tăng trưởng sản lượng.”
Joseph Stiglitz (1943-)
Nicolas Sarkozy (1955-)
Trong năm 2009, một hội đồng các nhà kinh tế học hàng đầu đã triệu tập theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và được chủ trì bởi người đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz đã báo cáo về những bất cập của GDP. Họ đã lưu ý những vấn đề được nhiều người thừa nhận, như sự thật rằng GDP không phản ảnh những thay đổi về chất lượng của các sản phẩm (hãy nghĩ đến điện thoại di động trong 20 năm qua) hay giá trị của lao động không được trả lương (chăm sóc cho một người mẹ già ở nhà). Hội đồng này cũng trích dẫn bằng chứng cho thấy rằng tăng trưởng GDP không phải luôn luôn song hành với sự tăng lên trong thước đo về sự thịnh vượng như sức khỏe hay tự báo cáo về hạnh phúc, và kết luận rằng sự tăng trưởng GDP có thể có tác động xấu đến môi trường. Một số quốc gia đã thử nghiệm các thước đo khác để bổ sung cho GDP, như “chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia” (gross national happiness index- GNH) của Bhutan.
Adam Smith (1723-1790)
Vấn đề của chúng ta không phải là bản thân GDP. Như người Anh có câu, “nó thực hiện chính xác những điều đã nói” (“It does what it says on the tin”)- nó đo lường hoạt động kinh tế hay sản lượng. Thay vào đó, vấn đề của chúng ta là bản chất của chính các hoạt động. Câu hỏi của chúng ta là liệu các hoạt động của nền kinh tế mà được tính vào GDP có thực sự làm gia tăng sự thịnh vượng của xã hội chúng ta hay không?
Ngày từ khi khởi đầu của lĩnh vực này, các nhà kinh tế học đã quan tâm đến việc tại sao vật này lại có giá trị hơn vật kia, và những điều kiện gì sẽ làm gia tăng sự thịnh vượng- hay phúc lợi xã hội, như cách gọi của các nhà kinh tế học. Nghịch lý kim cương- nước nổi tiếng của Adam Smith cho thấy giá thị trường của một vật nào đó không phải lúc nào cũng phản ánh các ý niệm trực quan về giá trị nội tại của nó. Kim cương - với giá trị nội tại rất ít, thường đắt hơn rất nhiều so với nước – thứ rất cần thiết cho cuộc sống. Đây là cách mà các thị trường vận hành, ở hầu hết mọi nơi, nước thì dồi dào hơn nhiều so với kim cương, và do đó, quy luật cung cầu quyết định rằng nước rẻ hơn.
Gérard Debreu (1921-2004)

Sau rất nhiều cuộc tranh luận về bản chất của giá trị kinh tế trong thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, các nhà kinh tế học xem vấn đề đã được giải quyết vào giữa thế kỷ XX. Nhà kinh tế học vĩ đại người Pháp Gerard Debreu lập luận trong Lý thuyết về giá trị (Theory of value) của ông năm 1959 rằng, nếu các thị trường là cạnh tranh và mọi người đều duy lý và có thông tin hoàn hảo, thì các thị trường sẽ tự động thu xếp mọi thứ, nhằm đảm bảo giá cả phản ánh qui luật cung cầu và mọi thứ được phân bổ theo cách thức mà phúc lợi của mọi người là tối đa, và rằng không ai có thể được giàu hơn mà không khiến người khác nghèo đi. Về bản chất, giá thị trường của một cái gì đó phản ánh một phán quyết tập thể về giá trị của cái đó. Quan điểm về giá trị nội tại luôn luôn có vấn đề bởi vì nó vốn đã có tính tương đối và khó để quan sát hay đo lường. Nhưng giá thị trường là mức giá không thể tranh cải (cold hard facts). Nếu giá thị trường cung cấp một phán xét của xã hội về giá trị và phân bổ các hàng hóa sao cho việc sử dụng chúng đạt hiệu quả cao nhất và phúc lợi cao nhất, thì chúng ta không còn phải lo lắng về những ý tưởng cảm tính giống như giá trị nội tại; chúng ta chỉ cần nhìn vào giá của một cái gì đó để biết giá trị của nó.
Kenneth Arrow (1921-)
Paul Samuelson (1915-2009)
Debreu không quan tâm đến khía cạnh chính trị trong lý thuyết của mình - thực tế, ông xem nó như là một bài tập toán thiếu thực tế và liên tục cảnh báo về sự giải thích quá mức ứng dụng của nó trong các nền kinh tế thế giới thực. Tuy nhiên, công trình của ông, cũng như các công trình liên quan trong thời đại đó của Kenneth ArrowPaul Samuelson, đã đặt nền móng cho các nhà kinh tế học như Milton FriedmanRobert Lucas, những người đã đưa ra một sự phê phán nặng nề chủ nghĩa Keynes trong thập niên 1960 và thập niên 1970, và người đoạt giải Nobel gần đây Eugene Fama, người tiên phong trong lý thuyết thị trường hiệu quả trong tài chính những năm 1970 và 80. Theo lý thuyết tân cổ điển xuất hiện từ thời kỳ này, nếu thị trường là hiệu quả và do đó “tối đa hóa phúc lợi”, thì chúng ta nên giảm đến mức tối thiểu bất kỳ sự méo mó nào đẩy xã hội ra xa trạng thái tối ưu này, cho dù đó là việc các công ty thực hiện hành vi độc quyền, các nghiệp đoàn can thiệp vào các thị trường lao động, hay các chính phủ tạo ra những méo mó thông qua các loại thuế và quy định.
Milton Friedman (1912-2006)
Robert Lucas (1937-)
Những ý tưởng này trở thành nền tảng tri thức của một phong trào bảo thủ hồi sinh trong những năm 1980 và đã dẫn đến một làn sóng bãi bỏ quy định trong thị trường tài chính, làn sóng này tiếp diễn trong những năm 1990 và cho đến cuộc khủng hoảng 2008. Theo logic này, nếu các thị trường tài chính là những thị trường cạnh tranh và hiệu quả nhất trên thế giới, thì chúng nên được điều tiết ở mức thấp nhất. Và những sự đổi mới giống như các chứng khoán phái sinh phức tạp ắt hẳn là có giá trị, không chỉ có các ngân hàng thu được những khoản phí lớn từ việc tạo ra chúng, mà còn có những người mua chúng và xã hội nói chung. Bất kỳ sự can thiệp nào cũng sẽ làm giảm hiệu quả của thị trường và làm giảm phúc lợi của xã hội. Tương tự như vậy các khoản tiền khổng lồ trả cho các nhà quản lý quỹ phòng hộ (hedge- fund) mua bán các chứng khoán phái sinh đó phải phản ánh giá trị mà chúng đang bổ sung thêm cho xã hội - chúng đang làm cho thị trường hiệu quả hơn. Trong thị trường hiệu quả, nếu ai đó sẵn sàng trả tiền cho một cái gì đó, thì cái đó ắt hẳn phải có giá trị. Giá và giá trị thực sự là một.
Eugene Fama (1939-)
Robert Shiller (1946-)
Ngay trước cuộc khủng hoảng, một số nhà kinh tế học đã bắt đầu hoài nghi những ý tưởng này. Trớ trêu thay, Robert Shiller thuộc Đại học Yale, người đã chia sẻ giải Nobel năm nay với Fama, cho thấy rằng trong những năm đầu của thập niên 1980, giá thị trường của cổ phiếu không phải lúc nào phản ánh giá trị cơ bản (fundamental value), và đôi khi có sự chênh lệch lớn giữa chúng. Tương tự như vậy, các nhà kinh tế học hành vi như Daniel Kahneman đã bắt đầu cho thấy rằng con người thật không hành xử theo cách siêu duy lý như lý thuyết của Debreu đã giả định. Các nhà nghiên cứu khác trong những năm 1980 và những năm 1990, thậm chí Arrow đồng tác giả nổi tiếng với Debreu, bắt đầu đặt câu hỏi về toàn bộ khái niệm của nền kinh tế tự điều chỉnh đến một điểm nghỉ ngơi hay “điểm cân bằng”, nơi mà phúc lợi của tất cả mọi người được tối ưu.­­­
Daniel Kahneman (1934-)
Một cách nhìn đang nổi lên về nền kinh tế trong thế kỷ XXI là: nền kinh tế như là một hệ thống động, không ngừng phát triển, và có tính phức hợp cao- nó giống như một hệ sinh thái hơn là một cỗ máy. Trong một hệ thống như vậy, các thị trường có thể có tính đổi mới và hiệu quả cao, nhưng đôi khi chúng không hề hiệu quả. Và tương tự như vậy, con người có thể là sáng suốt, nhưng đôi khi người ta cũng không hề duy lý. Bởi vậy, nếu các thị trường không phải lúc nào cũng hiệu quả và mọi người không phải lúc nào cũng duy lý, thì kinh tụng niệm trong thế kỷ XX rằng giá cả bằng giá trị có thể không đúng nữa. Nếu điều này là đúng, thì các thuật ngữ như giá trị, sự giàu có, sự tăng trưởng và thịnh vượng nghĩa là gì?
Sự thịnh vượng không phải là tiền, mà chính là giải pháp
Trong mọi xã hội, một số người khấm khá hơn so với những người khác. Nhận thức rõ những sự khác biệt thì khá đơn giản. Khi ai đó có nhiều tiền hơn so với hầu hết những người khác, chúng ta gọi anh ta là người giàu có. Nhưng một sự khác biệt quan trọng giữa sự giàu có kiểu này với sự có giàu xã hội mà chúng ta gọi là “thịnh vượng” phải được chỉ ra. Những gì cần để làm cho một xã hội thịnh vượng thì phức tạp hơn nhiều so với những gì cần để làm cho một người nào đó khấm khá hơn người khác.
Bằng trực giác, phần lớn chúng ta tin rằng càng nhiều người có tiền trong một xã hội thì xã hội đó càng thịnh vượng. Thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình trong năm 2010 ở Mỹ là 38.001 USD, trong khi ở Canada là 28.194 USD; do đó Mỹ thịnh vượng hơn so với Canada.

Nhưng ý tưởng cho rằng thịnh vượng chỉ đơn thuần là “có tiền” thì có thể dễ dàng bị bác bỏ bằng một phép thử tưởng tượng đơn giản. (Phép thử tưởng tượng này và các yếu tố khác trong phần này được phỏng theo tác phẩm Nguồn gốc của sự giàu có (The Origin of Wealth) của Eric Beinhocker, được đăng trên tạp chí của Trường kinh doanh Harvard vào năm 2006). Hãy tưởng tượng bạn có thu nhập 38.001 USD giống như một người Mỹ điển hình, nhưng bạn lại sống ở một ngôi làng của tộc người Yanomami, một bộ tộc săn bắn hái lượm biệt lập nằm sâu trong khu rừng nhiệt đới của Brazil. Bạn sẽ dễ dàng trở thành người Yanomami giàu có nhất (họ không sử dụng tiền nhưng các nhà nhân chủng học ước tính mức sống của họ tương đương với khoảng 90 USD/năm). Nhưng bạn vẫn sẽ cảm thấy nghèo hơn rất nhiều so với người Mỹ có thu nhập trung bình. Ngay cả khi bạn đã sửa sang túp lều của mình, mua chậu đất sét tốt nhất trong làng, và ăn các bữa ăn do các đầu bếp giỏi nhất của người Yanomami nấu, tất cả sự giàu có của bạn không thể giúp bạn có được thuốc kháng sinh, máy điều hòa không khí, hay một chiếc giường thoải mái. Tuy nhiên, ngay cả những người Mỹ nghèo nhất cũng có thể tiếp cận những thành phần cốt yếu của hạnh phúc này.
Và đó chính là sự khác biệt giữa một xã hội nghèo và một xã hội thịnh vượng. Nó không phải là lượng tiền lưu thông trong xã hội, cho dù là đô la, euro, hột cườm, hay chuỗi hạt làm bằng vỏ sò. Thay vào đó, nó là sự sẵn có của những thứ tạo ra hạnh phúc - giống như thuốc kháng sinh, máy điều hòa không khí, thực phẩm an toàn, khả năng để đi du lịch, và thậm chí cả những thứ phù phiếm như các trò chơi video. Nó là sự sẵn có của các “giải pháp” cho những vấn đề của con người - những thứ làm cho cuộc sống tốt hơn - thứ làm cho chúng ta thịnh vượng.
Đây là lý do tại sao sự thịnh vượng trong xã hội loài người không thể được hiểu chuẩn xác bằng cách chỉ nhìn vào thước đo tiền tệ của thu nhập hay sự giàu có. Thịnh vượng trong một xã hội là sự tích lũy các giải pháp cho các vấn đề của con người.
Những giải pháp này đi từ tầm thường, như một lát khoai tây chiên giòn hơn, đến uyên thâm, như phương pháp điều trị những căn bệnh chết người. Cuối cùng, thước đo sự giàu có của một xã hội là một loạt các vấn đề của con người mà xã hội đã tìm thấy cách để giải quyết và sao cho các giải pháp đó là sẵn có cho người dân tiếp cận. Mỗi sản phẩm trong các cửa hàng bán lẻ khổng lồ mà người Mỹ mua sắm có thể được coi là một giải pháp cho một loại vấn đề riêng biệt nào đó - ăn như thế nào, quần áo chúng ta, làm cho ngôi nhà của chúng ta thoải mái hơn, đi lại, giải trí cho bản thân… . Khi các giải pháp càng nhiều và càng tốt sẵn có cho chúng ta thì chúng ta càng có thịnh vượng.
Quá trình tiến bộ của loài người có thể được xem như là một sự tích lũy của các giải pháp, được thể hiện qua các hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế. Nền kinh tế Yanomami, điển hình cho xã hội săn bắn hái lượm của tổ tiên chúng ta 15.000 năm trước, có tối đa hàng trăm hoặc hàng ngàn loại hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, nền kinh tế hiện đại của Mỹ có đến hàng chục hoặc hàng tỉ loại sản phẩm. Đo lường bằng tiền, người Mỹ giàu có hơn người Yanomami trên 500 lần. Đo bằng khả năng tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ hầu cung cấp các giải pháp cho các vấn đề của con người, sự thịnh vượng của chúng ta gấp hàng trăm triệu lần.
Tăng trưởng giống như tốc độ tạo ra giải pháp
Nếu thước đo thực sự về sự thịnh vượng của một xã hội là sự sẵn có của các giải pháp cho những vấn đề của con người, thì tốc độ tăng trưởng không thể chỉ đơn giản được đo bằng sự thay đổi trong GDP. Thay vào đó, tăng trưởng phải là một thước đo của tốc độ mà các giải pháp mới cho những vấn đề của con người trở nên có sẵn. Hơn nữa, vì tầm quan trọng của các vấn đề là khác nhau, nên cũng cần phải quan tâm cách nhìn mới về tăng trưởng; việc tìm ra một vắc-xin cúm phổ biến quan trọng hơn việc tạo ra lát khoai tây giòn hơn. Nhưng nói chung, tăng trưởng kinh tế là sự trải nghiệm thực sự của việc có một cuộc sống được cải thiện. Đi từ nỗi ám ảnh về cái chết do bệnh nhiễm trùng xoang vào một ngày nào đó, đến việc có thể tiếp cận với thuốc kháng sinh duy trì cuộc sống trong thời gian tiếp theo là sự tăng trưởng. Đi từ sự oi bức trong cái nóng của một ngày nào đó, đến việc sống cùng với điều hòa nhiệt độ trong thời gian tiếp theo là tăng trưởng. Đi từ việc cuốc bộ những quảng đường dài đến việc lái xe là tăng trưởng. Đi từ việc buộc phải đến một thư viện để tìm kiếm những thông tin cơ bản đến việc tất cả những thông tin trên thế giới đều có sẵn ngay lập tức trong điện thoại của bạn là tăng trưởng. (Rõ ràng là một số giải pháp, như điều hòa không khí, có thể tạo ra những vấn đề khác, như sự ấm lên toàn cầu. Thực hiện các đánh đổi giữa các giải pháp và các vấn đề như thế nào là một trong những thách thức trọng tâm của mọi xã hội - một vấn đề chúng ta sẽ quay trở lại sau trong bài viết này.)
Tất cả điều này hàm ý rằng chúng ta phải tìm ra những cách thức mới để đo lường sự tiến bộ. Cùng một logic rằng, không có bác sĩ giỏi nào có thể đánh giá sức khỏe của một người chỉ qua một chỉ số duy nhất - nhiệt độ của người đó chẳng hạn - nền kinh tế cũng không nên được đo lường chỉ bằng chỉ tiêu GDP. Không có thước đo đơn nhất nào như GDP có thể phản ánh được cách thức mà các hoạt động kinh tế thực sự cải thiện cuộc sống của hầu hết người dân và sức khỏe tổng thể của nền kinh tế.
Thật không thể nhận thấy rõ ràng ngay lập tức cách thức đo lường trực tiếp tốc độ mà một xã hội giải quyết các vấn đề của con người. Tuy nhiên, có thể có nhiều cách để làm điều đó một cách gián tiếp. Ví dụ, chúng ta đo lường lạm phát bằng cách theo dõi giá của một rổ hàng hóa. Cái gì đo lường khả năng tiếp cận một “rổ giải pháp” cho những vấn đề của con người? Có bao nhiêu người có khả năng tiếp cận chế độ dinh dưỡng tốt, y tế, giáo dục, nhà ở, giao thông, môi trường trong sạch, thông tin, truyền thông, và nhiều thứ khác, cái mà tác động rõ rệt đến chất lượng của cuộc sống? Chúng ta cũng có thể hỏi bản thân rổ giải pháp đang thay đổi theo thời gian như thế nào, bởi sự đổi mới tạo ra các giải pháp mới. Ví dụ, giải quyết các vấn đề lấy thông tin đã được cải thiện đáng kể với sự phát triển của Web và điện thoại thông minh. Tăng trưởng và thịnh vượng có thể được đo lường như một sự kết hợp khả năng tiếp cận các giải pháp hiện có và bổ sung các giải pháp mới thông qua đổi mới.
Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, bao gồm nhiều thước đo như bình đẳng giới, tỷ lệ tử vong ở trẻ em, và tính bền vững môi trường, là một ví dụ về một nỗ lực để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế và sự thịnh vượng của xã hội một cách đa chiều hơn. Cách tiếp cận này có thể được mở rộng để bao gồm ý tưởng về khả năng tiếp cận một rổ giải pháp. Tương tự như vậy, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới sử dụng các phương thức tiếp cận đa chiều để xác định sức khỏe của các nền kinh tế phát triển, và đã thu thập nhiều dữ liệu cần thiết để đánh giá khả năng tiếp cận cũng như sự đổi mới trong một rổ giải pháp. Các thước đo này chắc chắn sẽ không được gọn gàng và đơn giản như GDP, nhưng việc tìm kiếm các cách thức để đo cả tốc độ mà chúng ta giải quyết những vấn đề mới và mức độ mà chúng ta khiến cho những giải pháp đó có thể được tiếp cận một cách rộng rãi là một cách hoàn thiệt hơn để đo lường sức khỏe của nền kinh tế của chúng ta.
Chủ nghĩa tư bản: Một Hệ thống có tính tiến hóa, giải quyết vấn đề
Nếu sự thịnh vượng được tạo ra bằng cách giải quyết các vấn đề của con người, thì câu hỏi quan trọng đối với xã hội là loại hệ thống kinh tế nào sẽ giải quyết hầu hết những vấn đề đối với hầu hết mọi người một cách nhanh nhất? Nhiều thế kỉ qua đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, các nền kinh tế tư bản thực hiện tốt hơn trong việc cung cấp mức sống cao cho công dân của họ so với các nền kinh tế được điều hành bởi các hệ thống cộng sản, chuyên quyền, hay phi thị trường khác. Lời giải thích cho điều này trong kinh tế học chính thống (standard economics) là chủ nghĩa tư bản sử dụng tín hiệu giá để cung cấp các động lực sản xuất và phân bổ hàng hóa nhằm tối đa hóa phúc lợi cho mọi người. Nhưng nếu các thị trường thế giới thực không phải những hệ thống cơ học đơn giản được tưởng tượng bởi các nhà tư tưởng của những thế kỷ trước, mà chúng phức tạp, có khả năng thích nghi, và khá giống như các hệ sinh thái hơn, thì lợi ích của chủ nghĩa tư bản có thể khác và lớn hơn những gì chúng ta tưởng tượng.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Mỗi doanh nghiệp được dựa trên một ý tưởng làm thế nào để giải quyết một vấn đề, từ tầm thường nhất (“Bạn làm một lát khoai tây chiên giòn hơn như thế nào?”) đến uyên thâm nhất (“Chúng ta tạo ra một loại thuốc chữa ung thư mới nhằm cứu người như thế nào?”). Quá trình chuyển đổi các ý tưởng lớn thành những hàng hóa và dịch vụ hầu đáp ứng hiệu quả các nhu cầu thay đổi nhanh chóng của con người, là cái xác định hầu hết các doanh nghiệp. Nhưng việc tìm kiếm các giải pháp tốt một cách hiệu quả đòi hỏi một hệ thống có khả năng cung cấp các yếu tố động viên và cho phép sự sáng tạo, cùng với sự thử và sai. Một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa được hiểu tốt nhất như là một hệ thống tiến hóa, sáng tạo không ngừng và nỗ lực đưa ra các giải pháp mới cho những vấn đề theo cách tương tự như quá trình tiến hóa của tự nhiên. Một vài giải pháp là “phù hợp hơn” những giải pháp khác. Giải pháp phù hợp nhất sẽ tồn tại và nhân rộng. Giải pháp không phù hợp sẽ bị đào thải. Nhà kinh tế vĩ đại Joseph Schumpeter gọi quá trình tiến hóa này là “sự tiêu diệt sáng tạo” (“creative destruction”). Và ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nhân chấp nhận rủi ro để làm cho nó trở thành hiện thực.
Vì vậy, đóng góp chủ yếu của các doanh nhân cho sự thịnh vượng của một xã hội là một ý tưởng để giải quyết một vấn đề. Những ý tưởng này sau đó được chuyển hóa thành các hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta tiêu thụ, và cuối cùng tổng các giải pháp đó thể hiện sự thịnh vượng của xã hội đó.
Sản xuất tất cả các sản phẩm, ngoại trừ các sản phẩm đơn giản nhất, và đáp ứng nhu cầu của khách hàng thường đòi hỏi nhiều hơn một người, bởi vậy các doanh nhân với các giải pháp mới phải thuê mướn lao động. Đến lượt những việc làm đó cung cấp tiềm lực để mọi người mua hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp khác, điều này sau đó tạo ra cầu, từ đó tạo ra nhiều việc làm và tuyển dụng. Vòng lặp hồi tiếp tích cực này là động lực trung tâm trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Sức mạnh của vòng lặp hồi tiếp này càng lớn thì nền kinh tế càng tạo ra nhiều tăng trưởng và thịnh vượng.
Sức mạnh to lớn của chủ nghĩa tư bản trong việc tạo ra sự thịnh vượng đến từ cách thức tiến hóa, qua đó nó khuyến khích các cá nhân khám phá không gian gần như vô tận của các giải pháp tiềm tàng cho những vấn đề của con người, và sau đó tăng cường và nhân rộng các ý tưởng nào tỏ ra thích hợp, đồng thời giảm quy mô hoặc loại bỏ những ý tưởng không phù hợp. Việc hiểu sự thịnh vượng như các giải pháp, và chủ nghĩa tư bản như một hệ thống giải quyết vấn đề có tính tiến hóa, giúp chúng ta hiểu rõ tại sao nó là công nghệ xã hội hiệu quả nhất nhằm nâng cao mức sống.
Nhập nhằng giữa hiệu quả (efficiency) và hiệu lực (effectiveness)
Quan điểm kinh tế học chính thống cho rằng chủ nghĩa tư bản hoạt động được bởi vì nó hiệu quả (efficient). Nhưng quan điểm xem nền kinh tế như một hệ thống tiến hóa phức hợp cho thấy rằng chủ nghĩa tư bản hoạt động bởi vì nó có tính hiệu lực (effective). Trong thực tế, sức mạnh to lớn của chủ nghĩa tư bản chính là sự sáng tạo của nó, và điều thú vị là sự sáng tạo này khiến nó tất yếu trở thành một quá trình tiến hóa cực kỳ thiếu hiệu quả và lãng phí. Gần một trong những ngôi nhà của chúng ta, hàng năm có người nào đó sẽ mở một nhà hàng và buộc phải đóng cửa chỉ sau vài tháng. Mỗi lần như vậy, các thợ xây dựng sẽ đến loại bỏ các đồ nội thất và trang trí cũ, và đưa vào một vài thứ mới. Sau đó, cuối cùng là một doanh nhân phát hiện ra công thức đúng và nhà hàng đã trở thành một thành tựu lớn, vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tìm giải pháp cho vấn đề về những thứ mà người dân địa phương muốn ăn là không dễ dàng và đòi hỏi ít nhiều nỗ lực. Chủ nghĩa tư bản có hiệu lực (effective) cao trong việc tìm kiếm và bổ sung các giải pháp nhưng chắc chắn nó đòi hỏi quá trình thử sai, và điều này hiếm khi có hiệu quả (efficient).
Một yếu tố then chốt của việc hiểu chủ nghĩa tư bản như một hệ thống tiến hóa, giải quyết vấn đề là ý tưởng cho rằng không phải mức độ khó khăn của chúng ta trong việc giải quyết một vấn đề là điểm mấu chốt, nhưng đúng hơn, như nhà lý thuyết Scott Page của Đại học Michigan cho thấy, chính sự đa dạng của các ý tưởng và cách tiếp cận mới là quan trọng nhất trong hiệu lực giải quyết vấn đề. “Nguyên tắc khác biệt” này giúp làm rõ lý do tại sao các thị trường mở và công bằng, sự đa dạng, và các thể chế dung nạp (inclusive institutions) là những đặc trưng nổi bật của các nền kinh tế thành công.
Đặc trưng này của chủ nghĩa tư bản thành công cũng nhấn mạnh lý do tại sao đầu tư vào các tầng lớp trung lưu với phương pháp tiếp cận “xem trọng giới trung lưu” (“middle-out”) trong việc hoạch định chính sách tạo ra một nền kinh tế giàu mạnh hơn. [Xem “the middle- out moment”, Issue # 29.] Ngay cả những người giỏi nhất trong số chúng ta chỉ có một vài ý tưởng. Bill Gates, doanh nhân giàu có nhất thời đại của chúng ta, cũng được cho là chỉ có một ý tưởng lớn. Cắt giảm thuế cho những người giàu có như ông ta cũng sẽ không đột nhiên khuyến khích họ có thêm ý tưởng. Sẽ tốt hơn nhiều cho đất nước của chúng ta khi cho phép mọi công dân có thể tham gia vào nền kinh tế tư bản của chúng ta bằng cách đảm bảo rằng họ có sự giáo dục và khả năng tiếp cận vốn, cũng như sự đào tạo cần thiết để chuyển những ý tưởng của họ thành sản phẩm để giải quyết các vấn đề của thế giới. Một phương pháp tiếp cận “xem trọng giới trung lưu” công nhận rằng chính sách hiệu lực là nhằm tạo ra cả những doanh nghiệp mới với những ý tưởng mới và nhiều khách hàng hơn cho những doanh nghiệp này. Nếu người lao động không có tiền thì các doanh nghiệp cũng không có khách hàng. Các chính sách tư bản thành công nhận ra và cổ vũ cho vòng lặp này bằng cách cân bằng các yếu tố khác nhau trong nền kinh tế để tạo ra một vòng thoát của sự tăng trưởng và sự thịnh vượng chung.
Steve Jobs (1955-2011)
Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa tư bản là cách thức mà nó tán thưởng những người giải quyết các vấn đề của người khác. Những người giải quyết các vấn đề lớn cho một số lượng lớn những người khác một cách có hiệu lực thì có thể được thưởng đậm. Steve Jobs làm cho cuộc sống của rất nhiều người trở nên tốt hơn thông qua các sản phẩm mà công ty ông tạo ra, và ông được đền đáp lớn cho điều này. Như Adam Smith quan sát cách đây 230 năm, một nền kinh tế tư bản được quản lý và quy định thận trọng gắn tư lợi của mọi người vào lợi ích chung của xã hội.
Chính sự tự do và sự động viên mọi công dân giải quyết vấn đề đã giải thích tại sao các nước tư bản trở nên giàu có, và tại sao các nước chuyên quyền cũng như các nước cộng sản nhìn chung là nghèo. Ở các nước như thế sự sáng tạo các giải pháp cho các vấn đề của con người bị hạn chế, hoặc bị cấm, hoặc thường hay hướng vào giải quyết các vấn đề của chế độ. Sự khác biệt lạ thường giữa sự nghèo nàn của Bắc Triều Tiên theo chế độ cộng sản và sự thịnh vượng của Hàn Quốc theo chế độ tư bản là một minh chứng cho điều này.
Tuy nhiên, cũng rất quan trong để thừa nhận rằng, không phải tất cả các giải pháp cho các vấn đề của con người đều được những doanh nhân tạo ra. Một nhà nghiên cứu tại một trường đại học tìm ra một cách mới để làm cho máy tính làm việc nhanh hơn có thể giải quyết một vấn đề quan trọng và dễ dàng như một nhà tư bản (mặc dù nó có thể đòi hỏi một nhà tư bản để sản xuất và truyền bá ý tưởng của nhà nghiên cứu). Tương tự, một giáo viên tìm ra một cách tốt hơn để dạy đại số cũng được xem là người giải quyết một vấn đề quan trọng cho xã hội. Nhân viên chính phủ siêng năng tìm ra một cách để cung cấp dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn cho công chúng cũng thế.
Nhưng khu vực công đôi khi phải nỗ lực để tạo ra một văn hóa và các yếu tố động viên, hầu cho phép không gian để thử nghiệm, chấp nhận rủi ro, và thất bại, những điều rất cần thiết để giải quyết vấn đề một cách hiệu lực. Nạn quan liêu và các thế lực chính trị có thể kiềm chế hoặc bóp méo sự thăm dò tiến hóa. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề mà chỉ có chính phủ mới có thể giải quyết, từ việc cung cấp hàng hóa công như đường xá và cơ sở hạ tầng khác, đến việc giải quyết các ngoại tác như giảm ô nhiễm, thực thi quyền sở hữu, đảm bảo an ninh, và giải quyết những bất công xã hội. Trong thực tế, các khu vực công đang đóng một vai trò lớn trong nhiều thành phần của nền kinh tế cũng như trong nhiều khía cạnh của xã hội. Vì vậy, chính phủ cũng cần phải giải quyết vấn đề. Điều bắt buộc là chúng ta mang quá trình tiến hóa của giải quyết vấn đề vào bên trong các bức tường của chính phủ và xây dựng các thể chế công có động lực để đổi mới và không gian để thử nghiệm.
Quan điểm cho rằng sự thịnh vượng là giải pháp, và tăng trưởng là tốc độ mà chúng ta tạo ra chúng, cũng làm rõ hơn tầm quan trọng cốt yếu của các khoản đầu tư của các chính phủ vào công nghệ, sự đổi mới, và giáo dục. Công nghệ và sự đổi mới là những nền tảng cho khả năng của bất cứ xã hội nào để tạo ra những ý tưởng và giải pháp mới. Trong hầu hết các trường hợp, nó sẽ được các doanh nghiệp và các doanh nhân mang lại những giải pháp này cho công dân. Nhưng chính tri thức của lực lượng lao động và các sáng kiến khoa học, kỹ thuật và xã hội sẵn có trong xã hội, mới là cái sẽ trao quyền cho các doanh nghiệp này. Vì vậy, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới, và giáo dục không phải là sự xa xỉ có thể được thực hiện bởi sự tăng trưởng và thịnh vượng, như nhiều nhà làm chính sách có vẻ tin. Thay vào đó, các khoản đầu tư này là cần thiết để tạo ra sự tăng trưởng và thịnh vượng.
Những hạn chế của chính sách tự do kinh doanh (Laissez- Faire)
Nhưng thực tế cho thấy rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chuyên quyền thất bại, không có nghĩa là chủ nghĩa tư bản không bị trói buộc là thành công. Lý thuyết kinh tế học truyền thống sùng bái thị trường hoàn hảo, và bất kỳ sự chệch hướng nào cũng làm cho tình trạng người nào đó tồi tệ hơn (worse off), làm giảm phúc lợi của xã hội. Nhưng thị trường hoàn hảo như vậy không thể và không tồn tại trong thế giới thực. Hơn nữa, quan điểm này không thể nhận ra rằng những điểm tài tình nhất của chủ nghĩa tư bản - giải quyết các vấn đề của con người, cũng có mặt trái của nó: Giải pháp cho vấn đề của một người nào đó có thể tạo ra một vấn đề cho người khác hoặc thậm chí cho chính người đó.
Đây là vấn đề muôn thuở của kinh tế học chính trị. Làm thế nào để một hệ thống kinh tế giải quyết các xung đột và phân phối lợi ích? Một sản phẩm phái sinh đúng khẩu vị có thể giúp một thủ quỹ của công ty giải quyết vấn đề của mình trong quản lý rủi ro của công ty, và nó có thể làm cho một chủ ngân hàng giàu có hơn, nhưng nó cũng có thể tạo ra một vấn đề về rủi ro hệ thống lớn hơn cho toàn bộ hệ thống tài chính. Tương tự như vậy, ăn thịt xông khói phô mai có thể giải quyết vấn đề thỏa mãn những ham muốn không có ý thức của người nào đó, vốn được lập trình bởi sự tiến hóa ngàn năm, nhưng cũng có thể tạo ra những vấn đề mới về tắc nghẽn động mạch và gánh nặng xã hội về các chi phí y tế trong tương lai của người đó.
Bằng chứng mạnh mẽ từ các lĩnh vực tâm lý học xã hội và kinh tế học hành vi cho chúng ta thấy rằng con người không phải là rất giỏi trong việc xoay xở những đánh đổi này, giải quyết các xung đột, hay nhận biết sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. Chúng ta đã quá lạc quan để tin rằng giá nhà sẽ tiếp tục tăng và rằng chúng ta có thể được tái cấp vốn sau khi lãi suất khởi động (teaser rate) hết hiệu lực. Thủ quỹ công ty có thể không thực sự nhận thức được quyết định mua một chứng khoán phái sinh của mình có thể tác động ngược trở lại công ty của mình (gậy ông đập lưng ông) và góp phần vào sự sụp đổ của hệ thống tài chính như thế nào.
Hiểu được sự thịnh vượng và tăng trưởng theo cách mới này cho phép chúng ta thực hiện sự phân biệt quan trọng giữa các loại hoạt động kinh tế khác nhau. Bây giờ chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa hoạt động kinh tế “không có giá trị” thậm chí là “có hại” (“empty” or even “harmful”) với hoạt động kinh tế “có lợi” (“useful”). Rõ ràng rằng một kỹ sư có thu nhập 100.000 USD mỗi năm, khi tạo ra một công nghệ để đảm bảo rằng những vụ tai nạn ô tô nghiêm trọng trở nên “bình an vô sự” là đang tạo ra sự thịnh vượng. Nhưng khó đánh giá hơn trong trường hợp của một nhà quản lý quỹ phòng hộ (hedge-fund manager) kiếm 500 triệu USD mỗi năm thông qua việc giao dịch tần suất cao (high-frequency trading) nhằm chộp lấy những lợi thế về thông tin so với các nhà đầu tư bình thường. Và nếu việc giao dịch tần suất cao (high-frequency trading) cũng khiến cho nền kinh tế toàn cầu trở nên mỏng manh hơn, thì nó ngụ ý rằng hành động này thậm chí có hại nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc phân biệt giữa hoạt động kinh tế “giải quyết vấn đề” với hoạt động kinh tế tạo ra vấn đề có thể là một thách thức. Và ai là người có quyền nhân thân (moral right) để quyết định? Trong khuôn khổ truyền thống, điều này khá đơn giản - mọi người bỏ phiếu thông qua hầu bao của mình, và nếu một hoạt động được đánh giá cao bởi thị trường, thì nó ắt hẳn là tốt. Nhưng khi một hoạt động nhằm giải quyết một vấn đề cho một số người nào đó nhưng lại tạo ra một vấn đề cho những người khác, thậm chí cho chính người đó về sau, hay cho thế hệ tương lai thì ai sẽ quyết định hoạt động kinh tế đó là tốt hay xấu, và tốt hay xấu như thế nào?
Câu trả lời thông thường là những người điều hành chính phủ sẽ quyết định. Nhưng cũng giống như các thị trường, những người điều hành tạo ra vấn đề ngang ngữa với giải quyết chúng. Bởi vậy, chúng ta cũng cần có những cơ chế để điều tiết những người điều hành. Dân chủ là cơ chế tốt nhất mà con người đã tìm ra để điều hướng các đánh đổi và điểm yếu cố hữu trong chủ nghĩa tư bản giải quyết vấn đề. Các nền dân chủ cho phép những cuộc xung đột không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản được giải quyết một cách nhằm tối đa hóa sự công bằng và tính hợp pháp, và phản ánh các quan điểm của xã hội.
Mặc dù những quy định trong các nền kinh tế là cần thiết, nhưng chi phí của xã hội về việc hạn chế sự tự do để đổi mới, sáng tạo, và cạnh tranh đôi khi khá lớn, như những người bảo thủ đã chỉ ra. Nhưng cũng cần phải công nhận rằng đôi khi hoạt động kinh tế mới thực sự tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề và nó cần phải được hạn chế. Những cũng đôi khi, hoạt động kinh tế mới đe dọa trật tự cũ ở mức không đáng kể và nó cần được khuyến khích. Tìm kiếm sự cân bằng giữa các nhu cầu cạnh tranh là khó khăn. Các chính phủ dân chủ là những tổ chức độc quyền (mang tính hợp pháp và chịu trách nhiệm giải trình) thực hiện các đánh đổi này, và đó là lý do tại sao sự bào mòn các thể chế dân chủ thông qua sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thân hữu đang đe dọa đến sự thịnh vượng dài hạn của chúng ta. Điều đó cũng có nghĩa là những người thật sự quan tâm đến chủ nghĩa tư bản nên chú trọng hơn đến chất lượng và tính hiệu lực của các quy định chứ không phải chỉ đơn giản là số lượng của nó. [Xem “A Truer Form of Capitalism,” Issue # 29.]
Nhưng trách nhiệm về việc tìm kiếm sự cân bằng phù hợp không chỉ dành riêng cho các chính phủ, mà còn dành cho công dân. Quan điểm xem sự thịnh vượng như các giải pháp cho những vấn đề giúp công dân sử dụng ý thức đạo đức thông thường để phân biệt rõ hơn những loại hoạt động kinh tế thực sự làm cho cộng đồng của họ trở nên tốt hơn với những hoạt động kinh tế chỉ làm giàu cho một số thành viên trong cộng đồng. Cũng như thuyết chính thống tân tự do vào cuối thế kỷ XX đã dẫn tới sự thay đổi quan trọng trong văn hóa và niềm tin dân gian, chúng ta tin rằng những quan điểm mới về kinh tế học và một định nghĩa mới về sự thịnh vượng cũng có tiềm năng để thay đổi văn hóa của ta.
Ngày nay, văn hóa của chúng ta tôn vinh tiền bạc và sự giàu có như những chuẩn mực của thành công. Hãy tưởng tượng nếu thay vào đó chúng ta tôn vinh các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề của con người. Còn có chỗ cho một mệnh lệnh như thế chiếm ưu thế - ví dụ, ở Phòng thí nghiệm truyền thông của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT Media Lab), nơi những người rất tài giỏi từ khắp nơi trên thế giới làm việc không mệt mỏi để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất mà họ có thể tìm thấy, chẳng hạn như việc sử dụng robot để giúp đỡ những người khuyết tật, hoặc việc sử dụng công nghệ thông tin để gia tăng sự tham gia dân sự, hoặc việc thiết kế các thành phố bền vững hơn. Họ có thể không nhất thiết kiếm nhiều tiền từ việc làm của mình, nhưng họ đã xác định cương vị của họ trong việc giải quyết những vấn đề lớn, những vấn đề khủng khiếp nhằm giúp đỡ mọi người và xã hội. Ngược lại, cách Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) 200 dặm về phía nam - tại Phố Wall, một nhóm người có tài năng không kém xác định địa vị dựa trên lượng tiền lương của họ. Nhiều người trong số họ có thể cũng làm những điều tuyệt vời đối với xã hội - bao gồm việc giúp đỡ chuyên gia máy tính của MIT thương mại hóa những phát minh của mình - nhưng văn hóa và các giá trị thì khác nhau đáng kể.
Thuyết chính thống trong kinh tế học truyền thống khiến cho những người ở MIT có vẻ thiếu duy lý và những người ở Phố Wall có vẻ duy lý. Định nghĩa của chúng ta về sự giàu có và thịnh vượng đảo ngược điều này. Việc giải quyết các vấn đề làm lợi cho mọi người là mục tiêu, chứ không phải việc kiếm tiền. Kiếm tiền có thể là một điều kiện cần thiết cho việc giải quyết nhiều vấn đề - các doanh nghiệp cần lợi nhuận để tồn tại và phát triển. Nhưng nói rằng lợi nhuận chính là mục tiêu là đang lẫn lộn giữa phương tiện và mục tiêu. Nói lợi nhuận như là mục tiêu chẳng khác gì nói rằng mục đích của cuộc sống là ăn - cơ thể chúng ta cần thực phẩm, nhưng nó là một phương tiện để đạt được mục tiêu chứ không phải là mục tiêu.
Có quá nhiều hàm ý đạo đức phát sinh từ định nghĩa lại sự thịnh vượng. Thẳng thắn mà nói, chúng tôi không có đủ không gian lẫn khả năng để giải quyết tất cả những câu hỏi ở đây. Nhưng chúng tôi tin rằng những hàm ý đạo đức rõ ràng về việc đánh giá hoạt động kinh tế thông qua các giá trị xã hội của vấn đề mà nó giải quyết, chứ không phải là tiền mà nó tạo cho các cá nhân cụ thể, có thể dẫn tới những thay đổi trong văn hóa và hành vi hơn hẳn ảnh hưởng của bất kỳ quy định nào.
Sự thịnh vượng và sự bất bình đẳng
Horatio Alger (1832- 1899)
James Heckman (1944-)
Chủ nghĩa tư bản có thể là hệ thống giải quyết vấn đề tuyệt vời nhất của nhân loại, nhưng quan điểm này cho biết rất ít về cách thức mà những lợi ích của việc giải quyết vấn đề như vậy có thể được phân phối. Trong bất kỳ xã hội phức tạp nào, những lợi thế và những bất lợi ban đầu rất nhiều - bạn được sinh ra ở đâu, cha mẹ của bạn là ai, bạn nhận được nền giáo dục nào, những cơ hội và rào cản mà bạn phải đối mặt…. Một trong những điểm hấp dẫn lớn của chủ nghĩa tư bản là nó không quan tâm cha mẹ của bạn là ai - nếu bạn giải quyết một vấn đề lớn cho nhiều người, bạn có thể nhận được một phần thưởng lớn. Các xã hội tư bản chủ nghĩa thực sự có những câu chuyện Horatio Alger (ND: Horatio Alger (1832- 1899) là tiểu thuyết gia nổi tiếng của Mỹ trong thế XIX. Những tác phẩm của ông xoay quanh những câu chuyện thành công của một thiếu niên xuất thân từ hoàn cảnh khốn khó, và những câu chuyện này chấp cánh cho giấc mơ Mỹ). Nhưng đồng thời, sự năng động và tính phụ thuộc quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản có thể củng cố cho những lợi thế và bất lợi ban đầu. Công trình nghiên cứu của người đoạt giải Nobel James Heckman và sáng kiến Cơ hội kinh tế và vốn con người INET (INET Human Capital and Economic Opportunity) tại Viện Friedman Becker của Đại học Chicago cho thấy các yếu tố như dinh dưỡng và giáo dục thời mầm non có thể có những hệ quả kinh tế phức hợp kéo dài đến khi trưởng thành như thế nào.
Matt Ridley (1958-)

Kinh tế học truyền thống nhìn sự bất bình đẳng thông qua một lăng kính tiền tệ - ví dụ, tỉ trọng thu nhập của nhóm 1% trong tổng thu nhập là bao nhiêu? Nhưng chúng ta cũng có thể xem nó như một câu hỏi trong việc tiếp cận với các giải pháp cho những vấn đề của con người. Bao nhiêu phần trăm dân số được tiếp cận với nhà ở, giao thông, y tế, vui chơi giải trí… tốt? Chất lượng của việc tiếp cận đó khác nhau như thế nào giữa người giàu và người nghèo? Trong cuốn sách Người lạc quan duy lý (The Rational Optimist) của mình, Matt Ridley tạo ra cuộc tranh luận mạnh mẽ rằng nhìn từ góc độ này, nhiều thứ đã trở nên tốt hơn và công bằng hơn đáng kể - đặc biệt khi nhìn dưới góc độ của lịch sử lâu dài. Chênh lệch về dinh dưỡng giữa một lãnh chúa và một nông nô trong thời Trung cổ là rất lớn. Trong khi đó, chế độ dinh dưỡng Warren Buffet không tốt hơn mấy so với mức trung bình của tầng lớp trung lưu Mỹ (trong thực tế, nó có thể tệ hơn, khi Buffett tự thú là một người rất chuộng coca và thịt băm có pho mát). Tương tự như vậy, Donald Trump có thể sở hữu khá nhiều Tivi rất tốt, nhưng hiện nay hơn một nửa hộ gia đình Mỹ có từ 3 chiếc Tivi trở lên. Sự thu hẹp chênh lệch trong ý nghĩa thịnh vượng này không chỉ diễn ra ở  Mỹ mà còn ở các nước đang phát triển, như hơn một tỷ người dân Trung Quốc và Ấn Độ đang gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu và tiếp cận với các giải pháp quan trọng như hệ thống ống nước trong nhà, điện thoại di động, và vận tải cơ giới.
Donald Trump (1946-)
Warren Buffet (1930-)
Theo quan điểm truyền thống với thước đo dựa trên tiền tệ, sự bất bình đẳng trong thực tế như một kết quả đầu ra có thể không quá nghiêm trọng. Nhưng nếu chúng ta xem sự bất bình đẳng không chỉ là một kết quả đầu ra mà còn là một yếu tố đầu vào của một hệ thống tư bản chủ nghĩa, thì nhiều thứ trông có vẻ khó giải quyết hơn - đặc biệt, nếu nó đang hạn chế quyền tiếp cận các cơ hội. Như đã thảo luận, chủ nghĩa tư bản hiệu lực phụ thuộc vào số người giải quyết các vấn đề đa dạng có tính cạnh tranh. Nếu xã hội không tiến hành đầu tư thích đáng vào số dân cư này và cung cấp sự bình đẳng trong việc tiếp cận với các cơ hội, thì vòng lặp tăng trưởng thịnh vượng sẽ bị phá hủy. Trong một cuộc khảo sát quốc tế gần đây của OECD về các kỹ năng của người trưởng thành - khảo sát đầu tiên về vấn đề này - Mỹ xếp hạng vị trí 21 trong tổng số 23 nước khảo sát về khả năng tính toán, và thứ 14 trong tổng số 19 nước khảo sát về “giải quyết vấn đề trong một môi trường công nghệ tiến tiến”. Ấn tượng nhất là cách phân cực kết quả đối với Mỹ. Không giống như bất kỳ nước nào khác trong cuộc khảo sát, Mỹ có nhiều người ở nằm ở top đầu và cuối bảng xếp loại đối với nhiều tiêu chí. Tương tự như vậy, hầu hết các nước cho thấy những người trẻ tuổi có kỹ năng cao hơn so với những lớn tuổi. Ngược lại, thế hệ trẻ của Mỹ có thành tích gần giống như người Mỹ lớn tuổi. Sự thiếu đầu tư về các kỹ năng của tầng lớp trung lưu trong nhiều thập kỷ đã đe dọa làm cỗ máy tạo ra thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản ngưng hoạt động.
Tiền tập trung vào tay của càng ít người thì càng có tác động xấu. Nó cho phép những người giàu nhất đẩy giá của các sản phẩm tạo cho cuộc sống trong xã hội tốt đẹp lên, chẳng hạn như nhà cửa, giáo dục và y tế. Bên cạnh đó, sự tập trung tiền bạc và sự giàu có cũng làm chậm vòng chu chuyển giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, hạn chế sự năng động sáng tạo, giải quyết vấn đề, tăng trưởng và thịnh vượng. Cuối cùng, nó cũng làm suy yếu tính chính đáng chính trị của bản thân chủ nghĩa tư bản.
Sự thịnh vượng, sự tăng trưởng và giấc mơ Mỹ
Người Mỹ đúng khi tin rằng chủ nghĩa tư bản là nguồn gốc của sự thịnh vượng lịch sử của chúng ta. Nhưng việc biết rằng nó vận hành được khác với việc hiểu tại sao nó vận hành và nó vận hành như thế nào? Tổ tiên của chúng ta biết rằng các ngôi sao và các hành tinh di chuyển trên bầu trời. Nhưng quan điểm cách mạng của Copernicus đã lấy Mặt Trời làm trung tâm của hệ mặt trời thay thế cho Trái đất, và định luật hấp dẫn của Newton giúp con người hiểu tại sao nó di chuyển và nó di chuyển như thế nào.
Kinh tế học truyền thống chính thống giả định rằng các thị trường thì hiệu quả, con người thì duy lý, và các nền kinh tế tự điều chỉnh đến một trạng thái tối ưu. Nhưng bây giờ chúng ta hiểu rằng các thị trường có thể không hề hiệu quả, con người không phải lúc nào cũng duy lý, và các nền kinh tế là một hệ thống giải quyết vấn đề phức tạp, năng động và tiến hóa - nó giống như một hệ sinh thái phụ thuộc lẫn nhau hơn là một cổ máy hiệu quả. Sự thay đổi gần đây trong quan điểm, giống như thuyết Copernius, cung cấp một khuôn khổ mới mạnh mẽ cho sự hiểu tại sao chủ nghĩa tư bản vận hành và nó vận hành như thế nào, sự giàu có thực sự là gì, và tăng trưởng đến từ đâu. Quan điểm về các nền kinh tế trong thế kỹ XXI này cho phép chúng ta hiểu chủ nghĩa tư bản như một hệ thống, có tính tiến hóa, giải quyết vấn đề. Nó cho phép chúng ta thấy rằng những giải pháp mà chủ nghĩa tư bản sản xuất ra là những thứ tạo nên sự thịnh vượng thực sự cho cuộc sống của con người, và tốc độ mà chúng ta tạo ra các giải pháp chính là sự tăng trưởng kinh tế thực sự. Quan điểm này cũng cho phép chúng ta thấy rằng những lựa chọn đạo đức tốt sẽ là những cái tạo nên sự thịnh vượng thật sự.
Quan điểm mới này cũng làm sáng tỏ lí do tại sao cả những chính sách tự do kinh doanh của phe cực hữu và thuyết trung ương tập quyền (statism) của phe cực tả đều thất bại. Những chính sách nhằm tạo cơ hội cho mọi người dân phát huy tiềm năng của họ, và các khoản đầu tư cho phép mọi người mở rộng tiềm năng của họ, là những cách chắc chắn nhất để cổ vũ cho sự thịnh vượng và tăng trưởng. Nhận thức các nền kinh tế giống như các hệ sinh thái tự nhiên làm nổi bật vòng lặp (feedback loop) thiết yếu giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính sách phải nhằm tạo ra người tiêu dùng cũng như những doanh nhân, và nhằm tạo ra nhiều vòng lặp đến mức có thể.
Chúng ta cần phải khuyến khích ban hành các chính sách có lợi cho chủ nghĩa tư bản một cách rộng rãi, chứ không phải những chính sách có lợi cho một vài nhà tư bản. Có thể có một sự khác biệt rất lớn. Chúng ta phải nhận thức rằng một tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ không phải là một hệ quả của sự tăng trưởng, mà là nguyên nhân của sự tăng trưởng và thịnh vượng.
Đo lường số lượng, chất lượng, và khả năng tiếp cận những giải pháp cho các vấn đề của con người, chứ không phải chỉ một tiêu chí GDP, có thể có một tác động tích cực triệt để đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Bằng cách tạo ra động lực nhằm giải quyết vấn đề và không khuyến khích để tạo ra vấn đề, chúng ta có thể tập trung sự sáng tạo và năng lực tiềm tàng đáng kinh ngạc của quốc gia vào những thứ mà thực sự làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn. Những thất bại thị trường, những thất bại về đạo đức, những vấn đề ảnh hưởng chung, và các ngoại tác gây khó khăn cho nền kinh tế và cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay có thể được làm giảm nhẹ bằng cách tái tập trung vào chất lượng tăng trưởng, chứ không chỉ là số lượng. Giải quyết sự căng thẳng mà tư duy kinh tế chính thống tạo ra giữa một thế giới đạo đức và một thế giới thịnh vượng có thể kết nối chúng ta xung quanh một bộ các nguyên tắc kinh tế và xã hội mới. Việc xem sự thịnh vượng như sự đóng góp mà chúng ta tạo ra cho cộng đồng cho thấy hành động kinh tế phi pháp và tìm kiếm đặc lợi rõ ràng hơn về những gì chúng đang làm, cùng lúc tái khẳng định những bài học lâu đời của các niềm tin và truyền thống đạo đức của chúng ta.
Đất nước tuyệt vời của chúng ta được đan xen với nhau bởi giấc mơ Mỹ, ý tưởng rằng nếu chúng ta làm việc chăm chỉ và hành xử theo các quy tắc, chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt hơn so với cha mẹ của chúng ta, và rằng con cái chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt hơn so với cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, thời hoàng kim của chủ nghĩa tư bản Mỹ trong thập niên 1950 và thập niên 1960 đã không được đánh dấu nổi bật bởi sự tích lũy của cải lớn, nhưng bởi sự nhân rộng mạnh mẽ của các giải pháp mới cho vấn đề của con người mà hầu như tất cả các gia đình Mỹ đều được tận hưởng nhà ở, xe hơi, tivi, máy rửa chén, và trường học tốt. Đó cũng là một giai đoạn đầu tư lớn trong nghiên cứu và cơ sở hạ tầng, và một giai đoạn mở ra các cơ hội cho các dân tộc thiểu số và phụ nữ, những việc này đã làm tăng vọt sự đa dạng và năng lực giải quyết vấn đề của xã hội chúng ta. Chúng ta tin tưởng sâu sắc trong ý tưởng cốt lõi của giấc mơ Mỹ - không chỉ vì nó là một mệnh lệnh đạo đức, mà còn vì nó là cách chắc chắn nhất để xây dựng sự thịnh vượng cho mọi người dân Mỹ.
Nguyễn Minh Cao Hoàng dịch
Nguồn: “Capitalism Redefined”, Democracy, n021, Winter 2014.
Print Friendly and PDF