CÁC NHÀ KINH TẾ ĐƯA RA CÁC QUY TẮC ĐẠO ĐỨC
BEN CASSELMAN
CHICAGO – Một nhóm các nhà kinh tế hàn lâm hàng
đầu đã thông qua các quy tắc xung đột lợi ích để đáp lại những phê phán cho
rằng ngành kinh tế học không những thất bại trong việc dự đoán cuộc khủng hoảng
tài chính 2007-2008, mà trong thực tế có thể còn giúp tạo ra nó.
Chính sách mới này quyết định không đi tới cùng trước lời kêu
gọi của một số người trong ngành kinh tế học về những hướng dẫn chung về mặt
đạo đức.
Nhiều nhà kinh tế còn làm tư vấn cho các công ty, các chính
phủ và các tập đoàn khác, những công việc ngoài lãnh vực học thuật chính thức
của họ. Các nhà phê bình, cả bên trong và bên ngoài ngành kinh tế học, đã biện
luận rằng các mối quan hệ đó – thường có lợi và đôi khi không được công bố – có
thể đã gây ảnh hưởng đến công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế, khiến họ,
trước tiên, bỏ lỡ những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng sắp xảy đến và tiếp
đó khuyến nghị những giải pháp về chính sách chỉ phục vụ cho lợi ích của các
khách hàng của họ, với cái giá mà nền kinh tế nói chung phải gánh trả.
Charles Ferguson (1955-) |
Những phê phán nổi bật nhất đã được đưa ra trong bộ phim
"Inside Job
(Cuộc Khủng
Hoảng Kinh Tế)" năm 2010, bộ phim đã giành được giải thưởng
Oscar về phim tài liệu hay nhất năm 2011. Bộ phim nhấn mạnh đến mối quan hệ
giữa các nhà kinh tế lỗi lạc với các công ty và các chính phủ, để rồi sau đó
sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính. Giám đốc Charles Ferguson đã cáo buộc
các nhà kinh tế hàn lâm là những người "tham nhũng", những người đã góp phần trực tiếp vào cuộc khủng
hoảng.
Theo quy định mới của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (AEA, American Economic Association) được
thông qua tại cuộc họp thường niên ở đây tuần trước, các nhà kinh tế sẽ phải
thông tin các mối quan hệ tài chính và các xung đột lợi ích tiềm tàng khác
trong các bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học. Những người ủng hộ
chính sách mới này biện luận rằng những thông tin được công bố ấy sẽ giúp khôi
phục lại niềm tin vào giới kinh tế học, bằng cách cung cấp cho các nhà hoạch
định chính sách và công chúng có thêm thông tin để đánh giá sự tư vấn của các
nhà kinh tế.
Michael Woodford (1960-) |
"Người dân, khi
nghe những gì chúng ta nói, có quyền được biết chúng ta là ai, chúng ta vướng
mắc những gì, lý do vì sao những vướng mắc ấy tồn tại để có thể bị cho là đáng
ngờ," Michael Woodford, giáo sư Đại học Columbia, ủy viên ban điều
hành của Hiệp hội, người đã nhất trí thông qua chính sách, đã nói. "Hầu như chắc chắn đã có một số suy nghĩ ngây
ngô nào đó. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng: "Vâng, chúng tôi nghĩ
chúng tôi là những người không thể chê vào đâu được, nên đó là điều hiển nhiên".
Một vài nhà kinh tế đã biện luận trong nhiều năm rằng kinh tế
học cần có những hướng dẫn rõ ràng về mặt đạo đức giống như bên các ngành y
học, kỹ sư và các lĩnh vực khác. Nhưng vấn đề không được cộng đồng kinh tế rộng
rộng lớn hơn hưởng ứng.
John Y. Campbell (1958-) |
Trưởng khoa kinh tế của Đại học Harvard John Campbell, người
được thấy trong bộ phim "Inside Job"
lúng túng bảo vệ ngành kinh tế học, hôm chủ nhật cho biết rằng những phê phán
của công chúng cho thấy cần phải minh bạch hóa nhiều thông tin hơn. Nhưng ông
cũng lưu ý một sự khác biệt giữa các lĩnh vực như y học, nơi mà các nhà nghiên
cứu có thể ngăn chặn những dữ liệu nào không hỗ trợ cho kết quả mong muốn của
họ hoặc của các nhà tài trợ của họ, thì trong kinh tế học, đa số các nghiên cứu
đều dựa trên những thông tin công khai có sẵn. Và ông bác bỏ quan điểm cho rằng
xung đột lợi ích góp phần vào sự thất bại trong việc đoán trước cuộc khủng
hoảng. "Phần thưởng đối với các nhà
kinh tế khi dự đoán hoặc cảnh báo đúng một cuộc khủng hoảng là rất lớn",
ông Campbell nói.
George Demartino |
David Colander (1947-) |
Tuy nhiên, bộ phim đã làm cho một số nhà kinh tế phải tự vấn
lương tâm. Tại một buổi họp chuyên đề về đạo đức nghề nghiệp ở đây vào hôm thứ bảy,
David Colander, nhà kinh tế học của trường Middlebury College, đã kêu gọi xây
dựng một bộ quy tắc đạo đức dựa trên bộ quy tắc đã được Hiệp hội quốc gia các
kỹ sư chuyên nghiệp thông qua. George Demartino, giáo sư tại Đại học Denver,
dẫn đầu buổi hội thảo, thậm chí đã biện luận rằng việc thông qua một "lời thề của các nhà kinh tế" rộng
lớn hơn sẽ giải quyết được những vấn đề như đạo đức của việc tham mưu cho các
nhà độc tài và trách nhiệm của các nhà kinh tế đấu tranh vì người nghèo. Giáo
sư Deirdre McCloskey, thuộc Đại học Illinois, nói với hội nghị rằng các nhà
kinh tế thường hành động giống như các luật sư, đấu tranh vì một quan điểm nào
đó mà không quan tâm đến bằng chứng.
Deirdre McCloskey (1942-) |
"Cái tội chủ yếu,
đặc biệt trong kinh tế học Mỹ, là biện hộ mà không quan tâm đến chân lý,"
Bà McCloskey cho biết.
Chính sách mới này không giải quyết những vấn đề lớn như vậy,
mà thay vào đó, bám lấy những vấn đề mà thông tin được minh bạch hóa ít gây
tranh cãi hơn.
Theo chính sách này, sẽ được ban hành vào năm sau, các tác
giả khi gửi bài nghiên cứu cho các tạp chí khoa học phải thông tin cho các biên
tập viên của tạp chí tất cả các nguồn tài trợ cho việc nghiên cứu và tất cả các
quan hệ tài chính "đáng kể"
với các nhóm hoặc cá nhân có một "quyền
lợi tài chính, ý thức hệ hoặc chính trị" trong nghiên cứu. Chính sách
định nghĩa thuật ngữ "đáng kể"
là một sự hỗ trợ tài chính dành cho tác giả và cho các thành viên trực hệ trong
gia đình một số tiền tổng cộng bằng ít nhất 10.000 USD trong vòng ba năm qua.
Các tạp chí, sau đó, sẽ công khai những gì mà các biên tập viên của họ cho là
"xung đột lợi ích tiềm tàng có liên
quan."
Gerald Epstein |
Ben Casselman |
Về mặt chính thức, chính sách này chỉ áp dụng cho bảy tạp chí
được hiệp hội AEA xuất bản, nhưng các nhà xuất bản học thuật khác có khả năng
làm theo. Chính sách này cũng kêu gọi các nhà kinh tế áp dụng các nguyên tắc
tương tự trong các cuộc phỏng vấn với báo chí, các lời chứng với chính phủ và
các công trình phi học thuật khác.
Gerald Epstein, giáo sư tại Đại học Massachusetts tại
Amherst, người trước đây đã phê phán việc các nhà kinh tế thiếu minh bạch,
trong một email đã gọi chính sách này là "một bước tiến lớn về phía trước." Ông cho biết lời kêu gọi
bạch hóa thông tin trong các công trình phi học thuật, mặc dù không bị bắt
buộc, là điều đặc biệt quan trọng vì nó giúp "thiết lập các chuẩn mực ứng xử mà các đồng nghiệp, báo chí, sinh viên
và người dân có thể giúp các nhà kinh tế có trách nhiệm giải trình."
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Economists
Set Rules on Ethics, The Wall Street Journal, January 9, 2012.