TRÍ THỨC VÀ KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Trần Hữu Quang
Mục tiêu của bài này là bàn luận về vai trò của trí thức trong không gian công cộng xét trong bối cảnh xã hội hiện đại. Nội dung bài viết chủ yếu dựa trên những tư tưởng và luận điểm của một số tác giả khoa học xã hội trên thế giới mà chúng tôi cho là quan trọng và mang tính gợi mở cho tiến trình suy tư về những vấn đề của xã hội Việt Nam đương đại. Bài này bao gồm ba phần: trước hết là một vài đặc trưng của người trí thức; kế đến, những đặc trưng của không gian công cộng nói chung và của báo chí nói riêng; và cuối cùng, sứ mệnh của người trí thức trong xã hội hiện đại.
Một vài đặc trưng của người trí thức
Trí thức là một từ khá thông dụng trong đời sống xã hội, nhưng thường được hiểu theo nhiều cách khác nhau và dưới những góc độ khác nhau, ngay cả nơi giới nghiên cứu khoa học xã hội, đến mức mà John Peter Nettl (1970, tr. 59) từng nêu câu hỏi như sau: “Trí thức là một định chế, một tập thể, một vai trò, một loại người, hay là gì?”
Wright Mills (1916-1962) |
Talcott Parsons (1902-1979) |
Talcott Parsons (1970, tr. 4) định nghĩa trí thức là người “được [mọi người] kỳ vọng là [...] đặt những mối quan tâm văn hóa lên trên những mối quan tâm xã hội” trong các hoạt động của mình. Ở đây, Parsons (1970, tr. 3) hiểu mối quan tâm “xã hội” là cái phụ thuộc vào những nhu cầu cấp bách của sự tương giao giữa các tác nhân; còn mối quan tâm “văn hóa” là cái phụ thuộc vào những “hệ thống ý nghĩa”, ít nhiều mang tính chuẩn tắc (normative) vì chúng quy định cái gì buộc phải làm. Hiểu theo nghĩa này, người trí thức khác biệt rõ rệt so với người đứng đầu một tổ chức, người chủ xí nghiệp, hay một người gia trưởng. Lẽ tất nhiên, hai chiều kích “xã hội” và “văn hóa” vừa nêu trên không loại trừ nhau, vì chiều kích văn hóa thường là điều kiện thiết yếu để một hệ thống xã hội có thể vận hành suôn sẻ. Nhưng theo Parsons (1970, tr. 4), xét trong ngắn hạn, “những người có chức trách xã hội thường dễ sẵn sàng hy sinh những lợi ích văn hóa cho những lợi ích xã hội”. Có thể diễn giải ý của Parsons một cách nôm na (tuy hơi giản lược hóa) qua thí dụ sau: người ta thường mong một vị bác sĩ luôn luôn coi “những mối quan tâm” y học của mình cao hơn, quan trọng hơn so với “những mối quan tâm” xã hội, thí dụ như chỉ muốn lấy lòng bệnh nhân hoặc chỉ biết tuân phục mệnh lệnh của giám đốc bệnh viện, chứ không hành xử theo kiến thức và lương tâm y học của mình.
J. Schumpeter (1883-1950) |
Karl Mannheim gọi giới trí thức là những người “không bị ràng buộc về mặt xã hội” (freischwebende Intelligenz, socially unattached intelligentsia), tức là một loại tầng lớp nằm xen kẽ giữa các tầng lớp xã hội khác và tương đối độc lập với các lợi ích giai cấp (dẫn lại theo P. Berger và T. Luckmann, 2015, tr. 21). J.P. Nettl (1970, tr. 59) cũng nhấn mạnh rằng cần quan niệm trí thức chủ yếu là những người “tách rời khỏi mọi dạng ràng buộc định chế”.
Karl Mannheim (1893-1947) |
Theo Bourdieu, trí thức là người vừa có “đặc quyền” nắm giữ vốn văn hóa, vừa có “thẩm quyền” phát biểu một cách đầy uy quyền về những lãnh vực vượt ra ngoài thẩm quyền chuyên môn của mình, nhất là về lãnh vực chính trị. Vì thế, một mặt, họ có nguy cơ “tiếm đoạt” thẩm quyền này để làm ra vẻ mình là kẻ biết mọi lời giải về mọi chuyện. Nhưng mặt khác, cũng chính nhờ cái “đặc quyền” là có những điều kiện để phân tích và hiểu ra ngọn nguồn của sự vận hành của xã hội, nên người trí thức có thể “tự giải phóng mình (ít ra phần nào) và cung cấp cho người khác những phương tiện giải phóng” (ibid., tr. 72). Theo Bourdieu, “xã hội học mang lại một khả năng là phá vỡ sự mê muội”, giải thoát những người tưởng mình là “trí thức tự do” ra khỏi “ảo tưởng mình là kẻ thống trị thời đại” trong khi thực ra mình đang là “kẻ bị thời đại thống trị” (ibid., tr. 70).
Với đặc thù là hoạt động trong lãnh vực trí tuệ, người trí thức không thể phát huy cái “thẩm quyền phát biểu” của mình nếu không có một không gian công cộng trong xã hội.
Không gian công cộng và báo chí
I. Kant (1724 - 1824) |
Jürgen Habermas (1929-) |
Không gian công cộng đóng vai trò trung gian giữa xã hội công dân và nhà nước, buộc nhà nước phải chịu trách nhiệm trước xã hội do “tính công cộng” của mình. Không gian công cộng tự nó mang tính chất phê phán bởi lẽ nó giả định rằng phải có những thông tin về các hoạt động của nhà nước để công luận có thể xem xét và bình phẩm (A. Létourneau, 2001, tr. 49).
Daniel Lerner (1917-1980) |
Xã hội hiện đại là một xã hội mang tính chất thế tục, nghĩa là trong đó phương thức tổ chức đời sống xã hội không còn dựa trên nền tảng của những trật tự siêu nhiên hay siêu việt nữa, mà là thông qua sự thảo luận, tức là thông qua hoạt động truyền thông, nhờ đó con người mới có thể đi đến một sự thỏa thuận, tức một khế ước, về chuyện chung sống với nhau như thế nào một cách chính đáng (legitimate).
Georg Hegel (1770-1831) |
Vào tháng 5-1842, trên tờ nhật báo Rheinische Zeitung, Karl Marx viết rằng có thể có ba loại công chúng khi một nền báo chí sa vào tệ giả dối và tệ tiêu cực: một là nhóm “mê tín về chính trị”, hai là nhóm “không tin tưởng về chính trị”, và ba là nhóm “hoàn toàn quay lưng lại với cuộc sống của quốc gia, biến thành đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư”. Và Marx còn nhấn mạnh rằng nền báo chí ấy “có tác dụng làm suy đồi đạo đức” trong xã hội (C. Mác, Ph. Ăng-ghen, 1995, tr. 102-105).
Sứ mệnh của trí thức trong xã hội hiện đại
Pierre Bourdieu (1930-2002) |
Ralf Dahrendorf từng ví vai trò của người trí thức trong xã hội hiện đại tương tự như vai “anh hề” (fool hay jester) trong triều đình Âu châu thời xưa, vốn thường xuất hiện bên cạnh nhà vua hay hoàng hậu để kể chuyện diễu cợt hoặc đùa giỡn. Theo Dahrendorf, bất cứ xã hội nào cũng đều có những người “ở bên trên” chuyên ra lệnh, và những người “ở bên dưới” chuyên làm theo luật lệ được ban hành bởi những kẻ bên trên; ngoài ra, còn có những người ở giữa, không chỉ ra lệnh mà cũng không chỉ thi hành, chẳng hạn kế toán viên hay cảnh sát viên. Tuy nhiên, ngoài ba hạng người ấy, còn có một loại nữa mà người ta thường bỏ quên, đó là chính là nhân vật “anh hề”. Không giống như những người ở bên trên, ở giữa hay ở bên dưới vốn luôn luôn phải đóng đúng vai của mình, anh hề được coi là diễn viên nằm ngoài mọi vai. “Vai của anh ta là không đóng vai nào”: “điều mà mỗi người phải làm” và “cách mà mỗi người phải diễn” chính là những điều mà anh hề không tuân theo (R. Dahrendorf, 1970, tr. 53-54).
Ralf Dahrendorf (1929-2009) |
Dahrendorf viết (ibid., tr. 55): “Với tư cách là những anh hề cung đình của xã hội hiện đại, mọi trí thức đều có nghĩa vụ phải hoài nghi tất cả những gì hiển nhiên, coi mọi quyền hành đều mang tính tương đối, đặt ra tất cả những câu hỏi mà không ai khác dám nêu lên.” Anh hề không gánh vác một trách nhiệm nào, và lẽ tất nhiên cũng chẳng có quyền lực gì, nhưng không phải vì thế mà sự thật anh ta nói ra bị kém giá trị. “Một xã hội có dung nạp hay không những anh hề cung đình trí thức chuyên phê phán và chất vấn các định chế của mình, và cách thức mà xã hội khoan dung chấp nhận những người này, đấy chính là thước đo cho sự trưởng thành và sự vững chắc nội tại của xã hội ấy” (ibid., tr. 56).
Hans Gerth (1908-1978) |
Peter Berger (1929-) |
T. Luckmann (1927-2016) |
Hiểu theo chiều hướng ấy, hiển nhiên là người trí thức không thể nào đảm nhiệm được sứ mệnh của mình nếu thể chế xã hội không xác lập được một không gian công cộng tự do thực thụ, mà trong đó quan trọng trước hết là không gian báo chí.
Sài Gòn, ngày 5-1-2017
Trần Hữu Quang
Tài liệu tham khảo
Berger, Peter L., và Thomas Luckmann (2015), Sự kiến tạo xã hội về thực tại. Khảo luận về xã hội học nhận thức [1966], Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức.
Dahrendorf, Ralf (1970), “The Intellectual and Society. The Social Function of the ‘Fool’ in the Twentieth Century” [1953], in Philip Rieff (Ed.), On Intellectuals, New York, Anchor Books, pp. 53-56.
Gerth, Hans, and C. Wright Mills (1964), Character and Social Structure. The Psychology of Social Institutions [1953], New York, Harcourt, Brace and World, Inc.
Habermas, Jürgen (1993), L'Espace public: Archéologie de la publicité comme dimension constitutive de la société bourgeoise [1962], Paris, Payot.
Hegel, Georg W.F. (2010), Các nguyên lý của triết học pháp quyền [1821], Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức.
Kant, Immanuel (2006a), “An Answer to the Question: What Is Enlightenment?” [1784], in Immanuel Kant, “Toward Perpetual Peace” and Other Writings on Politics, Peace, and History, edited and with an introduction by Pauline Kleingeld, trans. David L. Colclasure, New Haven and London, Yale University Press, pp. 17-23.
Kant, Immanuel (2006b), “The Contest of the Faculties, Part Two. The Contest of the Faculty of Philosophy with the Faculty of Law” [1798], in Immanuel Kant, “Toward Perpetual Peace” and Other Writings on Politics, Peace, and History, op. cit., pp. 150-163.
Lerner, Daniel (1973), “Systèmes de communications et systèmes sociaux”, in Francis Balle et Jean Padioleau (Dir.), Sociologie de l’information, Textes fondamentaux, Paris, Larousse, pp. 131-145.
Létourneau, Alain (2001), “Remarques sur le journalisme et la presse au regard de la discussion dans l'espace public”, in Patrick J. Brunet, L'éthique dans la société de l'information, Québec et Paris, Presses Université Laval, L'Harmattan.
Mills, C. Wright (1974), White Collar. The American Middle Classes [1951]. London, Oxford University Press.
Nettl, John Peter (1970), “Ideas, Intellectuals, and Structures of Dissent”, in Philip Rieff (Ed.), On Intellectuals, New York, Anchor Books, pp. 57-134.
Parsons, Talcott (1970), “‘The Intellectual’: A Social Role Category”, in Philip Rieff (Ed.), On Intellectuals, New York, Anchor Books, pp. 3-26.