Đọc lại học thuyết Trọng nông
... bài viết dưới đây thử đề nghị một cách đọc mới, khả dĩ soi sáng một số đặc điểm tư tưởng của quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường tại những xã hội - như ở Trung Quốc hay Việt Nam hiện nay - vừa có chủ trương tự do kinh tế, vừa chuyên chế chính trị... Bài này đã được đăng lần đầu trong tập TỪ ĐÔNG SANG TÂY, nxb Đà Nẵng, 2005, mừng thọ giáo sư Lê Thành Khôi. CHUYỂN SANG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ CHUYÊN CHẾ CHÍNH TRỊ: ĐỌC LẠI HỌC THUYẾT TRỌNG NÔNG
Từ ngữ “trọng nông” phiên dịch thuật ngữ tiếng Pháp ‘Physiocratie’, đúng nghĩa từ nguyên là “quyền lực của tự nhiên” (pouvoir de la nature), “chế độ cai trị của tự nhiên” (gouvernement de la nature). Lịch sử tư tưởng kinh tế thường ghi nhận nó như là một học thuyết Pháp thuộc thế kỷ thứ 18 và có “quỹ đạo sao băng” [Schumpeter 1954: I, 321]: trước năm 1750, không ai biết đến nó; giữa các năm 1760 và 1770, trở thành từ ngữ thời thượng của giới thượng lưu và triều đình vương quốc Pháp, không ai không nói đến nó; sau năm 1780, và ngoài các sử gia tư tưởng kinh tế, không còn ai nhắc đến nó nữa. Suốt thế kỷ thứ XIX - thời kỳ của kinh tế học cổ điển ngự trị - trường phái trọng nông hầu như rơi vào lãng quên. Duy chỉ có Karl Marx thừa nhận đóng góp của nó: Marx xác lập vị trí của François Quesnay - giáo chủ của học phái và tác giả năm 1758 của Biểu kinh tế - như là “người cha đẻ thực sự của kinh tế học hiện đại”, và xác định tầm quan trọng của Biểu kinh tế là “sáng kiến cực kỳ thiên tài, không thể chối cãi là thiên tài nhất cho đến nay trong chính trị kinh tế học” [Marx 1862-1863: I, 31; 399].
|
François Quesnay (1694-1774) |
|
Karl Marx (1818-1883) |
Đối với các học thuyết kinh tế ngày hôm nay, Biểu kinh tế là mô hình đầu tiên phác hoạ nền kinh tế thị trường như một tổng thể, và Quesnay là người báo trước nhiều nguyên lý cơ bản của khoa học kinh tế như: mối liên hệ phụ thuộc nhau giữa các hoạt động kinh tế (học thuyết Walras về cân bằng chung), tính chất tiền tệ của quy trình kinh tế vĩ mô (học thuyết Keynes về kinh tế tiền tệ), tính chu trình của sản xuất hàng hoá (học thuyết Sraffa về hệ giá cả). Và mọi lý luận bàn về bảng đầu vào - đầu ra của Leontief, hệ thống tài khoản quốc gia hay mô hình kế hoạch hoá, không thể không viện dẫn Biểu kinh tế nổi tiếng. Nhưng đồng thời, các nhà kinh tế cận đại hầu như cũng nhất trí gạt bỏ các luận điểm chính yếu của học thuyết Quesnay mà họ cho là lạc hậu, phi khoa học như: trật tự tự nhiên của xã hội và tính chất chuyên chế của nhà nước, thuộc tính của nông nghiệp độc nhất sản sinh sản phẩm ròng và chế độ thuế độc nhất.
|
Piero Sraffa (1898-1983) |
|
W. Leontief (1906-1999) |
Bài viết sau đây không nhắm nói về phần ”khoa học” trong học thuyết Quesnay. Nó tập trung bàn về phần gọi là siêu hình, “tín ngưỡng”[1] nhằm lý giải “nghịch lý trọng nông”[2] theo đó: trật tự xã hội tự nhiên đi đôi với nhà nước chuyên chế (phần I.A); và trật tự của một nền kinh tế tự do thị trường - mà Biểu kinh tế là biểu hiện - gắn với những điều kiện điều tiết mang tính chuyên chế (phần I.B). Có thể phân tích nghịch lý này như là đặc trưng tư tưởng hệ của một xã hội quá độ sang chủ nghĩa tư bản: Marx đã đề xuất đầu tiên quan điểm này khi xử lý tính nhập nhằng của Biểu kinh tế, song cách đọc Quesnay mà ông đề ra có những điểm không thuyết phục (phần II.A). Từ sự phê phán diễn giải đó của Marx, bài viết dưới đây thử đề nghị một cách đọc mới, khả dĩ soi sáng một số đặc điểm tư tưởng của quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường tại những xã hội - như ở Trung Quốc hay Việt Nam hiện nay - vừa có chủ trương tự do kinh tế, vừa chuyên chế chính trị (phần II.B). I. NGHỊCH LÝ TRỌNG NÔNG
|
Nicolas Baudeau (1730-1792) |
|
V. Mirabeau (1715-1789) |
Trong lịch sử tư tưởng kinh tế, Quesnay và các môn đồ - V. Mirabeau, P. Du Pont de Nemours, P. Mercier de la Rivière, N. Baudeau, G. Le Trosne... - được biết đến như là trường phái tạo ra từ ngữ “khoa học kinh tế” (science économique) và tên gọi “nhà kinh tế học” (économiste). Ý đồ của “phái các nhà kinh tế học” là, theo bước chân của R. Descartes và I. Newton, triển khai khoa học tự nhiên sang lĩnh vực nhận thức xã hội: “Mọi sự vật dưới thế gian này đều phục tùng những quy luật của tự nhiên: con người có đủ trí tuệ cần thiết để nhận thức và tôn trọng các quy luật đó” [Quesnay 1766b: 797].
Trong quan niệm về “trật tự tự nhiên” (ordre naturel) của Quesnay, trật tự của xã hội không do con người mà do tự nhiên tạo lập. Trật tự tự nhiên, ở đây, đối lập với trật tự nhân tạo: “Con người không thể tạo ra và hình thành trật tự tự nhiên, cũng như con người không thể tự tạo ra nó”. Từ chối các học thuyết về khế ước xã hội, trường phái trọng nông cho rằng trật tự xã hội xuất phát từ tính tất yếu của tự nhiên, chứ không phải từ ý chí chung của những con người hợp thành xã hội[3]. Bàn về “quyền lập pháp mà vua và dân thường tranh giành nhau”, Quesnay viết: “Nguyên thuỷ, nó không thuộc về bên này cũng không thuộc về bên kia; nguồn gốc của nó là ý chí tối thượng của Tạo hoá [...]. Đấng Toàn năng đã xếp đặt và dự kiến tất cả trong trật tự chung của vũ trụ: con người chỉ mang đến sự mất trật tự, và chỉ bằng cách tôn trọng đích xác các quy luật tự nhiên thì nó mới tránh được tình trạng hỗn độn này” [Quesnay 1767a: 921-922]. Trong cách đặt vấn đề đó, các quy luật của xã hội mang tính “phổ biến” và “bất biến”, như mọi quy luật tự nhiên [Baudeau 1771, trong Daire 1846: I, 820]: độc lập với các hình thái xã hội và phi lịch sử, đó là những quy luật “bất di bất dịch” và “không thể phủ nhận” [Quesnay 1765: 740]. Ở đây, khoa học xã hội được quan niệm rập khuôn khoa học tự nhiên mà chuẩn mực, lúc ấy, là các khoa học vật lý, đặc biệt là cơ học: “Bởi vì khoa học kinh tế chính là sự ứng dụng trật tự tự nhiên trong việc cai trị xã hội, cho nên các nguyên lý của nó mang tính cố định và khả dĩ được chứng minh như các khoa học vật lý chắc chắn nhất” [Du Pont de Nemours 1768, trong Daire 1848: I, 337]. Với tư tưởng duy khoa học đó, các tác giả trọng nông đặt cho khoa học kinh tế nhiệm vụ phát hiện các quy luật của trật tự tự nhiên để xã hội loài người có thể tuân theo. Họ khẳng định rằng con người khám phá quy luật tự nhiên không phải với lòng tin mà với lý tính, và những nhận thức về tự nhiên, còn được họ gọi là “sự hiển nhiên” – tựa đề bài viết đầu tiên của Quesnay cho Bách khoa toàn thư –, là “những xác tín mà người ta không thể không thừa nhận” [Quesnay 1756: 398].
A. Trật tự xã hội tự nhiên và nhà nước chuyên chế
1. Quesnay định nghĩa “quy luật tự nhiên của trật tự xã hội chính là các quy luật vật lý của sự tái sản xuất liên tục của cải cần thiết để con người sinh hoạt, tồn tại và hưởng thụ”. Nhấn mạnh đến tính “vật lý” của trật tự xã hội, ông cho rằng: ”Không có trật tự vật lý làm cơ sở, xã hội sẽ không có trật tự vững chắc, tất cả trong xã hội sẽ lộn xộn và tuỳ tiện” [Quesnay 1767a: 921]. Người đứng đầu phái trọng nông còn khẳng định: “Đối với chúng tôi, tất cả đều là vật lý, và tinh thần phát sinh từ đó” [Quesnay, Manuscrits du marquis de Mirabeau et de Quesnay, trong Weulersse 1910b: 122]. Trong quan niệm duy vật lý này, trật tự tự nhiên của xã hội đồng nghĩa với “trật tự vật lý có lợi nhất cho loài người” [Quesnay 1767a: 921].
|
G. Weulersse (1874-1950) |
Cách đặt vấn đề của Quesnay khởi đi từ lợi ích của “loài người”, tức là của toàn thể xã hội, nó không xuất phát từ lợi ích của từng con người cá thể: “Một quốc gia không phải là một cá nhân, nó kết cấu những cá nhân mà sự hợp nhất tạo nên trạng thái của mỗi cá nhân, cho nên việc từng cá nhân cai quản công việc và của cải của mình nằm trong trật tự cai quản chung của xã hội” [Quesnay, Manuscrits du marquis de Mirabeau et de Quesnay, trong Weulersse 1910b: 94-95]. Với phương pháp luận đi từ toàn thể, các tác giả trọng nông đồng nhất hoá mọi lợi ích cá thể với lợi ích chung: “Bản chất của trật tự là lợi ích riêng của bất cứ con người nào cũng không thể tách khỏi lợi ích của tất cả” [Mercier de la Rivière 1767, trong Daire 1846: 617][4]. Quyết định sự tồn tại và phát triển của loài người, trật tự tự nhiên là một trật tự thiết yếu, mang tính sống còn đối với một xã hội. Nhưng đồng thời, đó không phải là một trật tự tất yếu, nhất thiết hiện thực, bởi vì con người không chỉ là sinh vật có lý tính mà còn là sinh vật tự do: nó có thể tuân theo hay không các quy luật tự nhiên. “Sử dụng sai quyền tự do của mình”, con người có thể đi ngược lại lợi ích của nó và xã hội, do đó, có thể tách khỏi trật tự tự nhiên. Song, điều không tránh khỏi được là hậu quả mà con người và xã hội đó phải hứng chịu khi xã hội suy đồi, loài người suy vong. Có thể nói rằng điều tất yếu trong trật tự tự nhiên là “sự trừng phạt đích đáng không thể không xẩy ra” khi con người vi phạm quy luật [Quesnay 1765: 734]. Nói cách khác, đối với một xã hội, trật tự tự nhiên không phải là trạng thái tự nhiên: nó không phải là một trật tự hiện thực, mà một trật tự cần được thực hiện. Do tính chuẩn tắc này mà khái niệm trật tự tự nhiên của xã hội đặt ra cho các tác giả trọng nông một vấn đề khá nan giải: một mặt, họ khẳng định rằng trật tự xã hội không xuất phát từ con người mà từ tự nhiên; mặt khác, họ công nhận rằng trật tự đó không hiện hữu tự nhiên mà phải được con người tái tạo theo các quy luật tự nhiên. Nghịch lý của học thuyết trọng nông xuất hiện ở đây.
2. Vấn đề của trật tự tự nhiên, như vậy, là: làm thế nào định chế hoá trật tự tự nhiên? Trong văn bản tựa đề Pháp quyền tự nhiên [1765], Quesnay phân biệt hai phạm trù: “pháp quyền tự nhiên” (droit naturel) và “pháp quyền thực định” (droit positif), hay nói cách khác, quy luật tự nhiên và pháp luật thực định. Luật tự nhiên do đấng Tạo hoá thiết lập: con người nhận thức nó với lý tính vì “sự hiển nhiên” của nó; và do tính hiển nhiên đó, người ta buộc phải tôn trọng nó “mà không cần đến cưỡng bức”. Pháp luật thực định là định chế của con người tạo nên: người ta tôn trọng nó “vì hình phạt mà luật quy định khi có vi phạm” [Quesnay 1765: 731]. Trong định nghĩa này của Quesnay, “pháp luật thực định là các quy tắc chân chính do một quyền lực tối cao [tức nhà nước] thiết lập [...] nhằm đảm bảo các quy luật tự nhiên được tôn trọng” [Quesnay 1767a: 918]. Ông còn nhấn mạnh rằng “quy luật tự nhiên xuất hiện đối với mọi người, song người ta không diễn giải nó giống nhau; cần thiết có những quy tắc thực định để mọi người xác định và bảo đảm cách ứng xử” [Quesnay 1756: 425]. Đây là một khía cạnh khác của nghịch lý trọng nông. Một mặt, thuyết này khẳng định con người có đủ trí tuệ để nhận thức và tôn trọng trật tự tự nhiên. Nhưng, mặt khác, nó lại tỏ ra không mấy tin tưởng vào lý tính của những con người tự do: “Bản chất của con người là tự do và trí tuệ, song đôi khi nó không có tự do mà cũng chẳng có trí tuệ” [Quesnay 1765: 736].
Trong những điều kiện đó, bàn về trật tự tự nhiên tức là bàn đến các định chế qua đó xã hội hình thành trật tự có lợi nhất cho loài người. Định chế đầu tiên là quyền sở hữu bởi vì nó là pháp quyền tự nhiên chính yếu của con người. “Quyền sở hữu là nền tảng và mối liên hệ chính trong xã hội. Người ta có thể bàn tán và tranh cãi vô tận về tính chất của các chế độ cai trị, nhưng đối với tôi chỉ có hai loại; loại vững chắc và phồn thịnh, đó là chế độ cai trị tôn trọng và duy trì quyền sở hữu; loại phù du và khốn khổ, đó là chế độ cai trị công kích và xâm phạm quyền sở hữu” [Mirabeau 1758: 27]. Thiết chế hoá quyền sở hữu có nghĩa là xác lập quy chế của con người như là chủ sở hữu: bắt đầu với sở hữu của con người trên bản thân mình và sở hữu của con người trên kết quả lao động của mình; rồi đến sở hữu tư về động sản và bất động sản, mà quan trọng nhất là quyền tư hữu đất đai: “Sự tất yếu vật lý của quyền sở hữu đất đai là nguồn gốc của mọi định chế xã hội hình thành trật tự tự nhiên thiết yếu của xã hội” [Mercier de la Rivière 1767: 16]. Các tác giả trọng nông chủ trương giải phóng đất đai khỏi những ràng buộc phong kiến và phân chia công điền công thổ cho các địa chủ (và chỉ cho họ). Họ còn nhấn mạnh đến tính bất khả xâm phạm của sở hữu vốn doanh nghiệp (sở hữu động sản) và xác lập nguyên lý theo đó các chế độ thuế khoá cũng như địa tô không được quyền xâm phạm vào vốn của chủ doanh nghiệp.
Trong pháp quyền tự nhiên – và đi đôi với quyền sở hữu mà nó là hệ luận –, còn có quyền tự do của con người, bất đầu là quyền tự do bản thân, điều kiện để người lao động thoát ra các ràng buộc phong kiến và có thể đi làm thuê: nói cách khác, đó là điều kiện của tự do lao động. Song quan tâm của các tác giả trọng nông tập trung vào quyền tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh, đặc biệt với chủ trương thiết lập tự do buôn bán lương thực và giải thể các phường hội. “Phải có tự do hoàn toàn, đầy đủ, khái quát [...] bởi vì đó là xuất phát điểm của mọi hoạt động sản xuất và mọi của cải” [Du Pont de Nemours, xem Weulersse 1910a: II, 30]. Công luận còn gán cho học thuyết Quesnay khẩu hiệu khét tiếng của chủ nghĩa tự do kinh tế ‘laissez faire, laissez passer’ (hãy để cho tự do làm, hãy để cho tự do đi lại), dù rằng tác giả của nó không thuộc trường phái trọng nông. Thật ra, Quesnay không hề cực đoan trong quan niệm về quyền tự do của con người. Trái lại, ông phê phán ý niệm tự do tuyệt đối và cho rằng tự do là một “khả năng tương đối”, phụ thuộc vào nhiều động cơ của con người có thể tác động ngược nhau, nhắm nhiều lợi ích có thể đối lập nhau, và chỉ có lý tính “ít nhiều” sáng suốt mới “ít nhiều” đánh giá nó được. Vì vậy mà Quesnay thường đề cập trường hợp của những con người “sử dụng sai quyền tự do”, “sử dụng nó mù quáng và không cẩn trọng”, “sử dụng nó vô độ”. Từ đó, vấn đề mà quyền tự do đặt ra là: con người phải “học sử dụng nó”, phải ”bồi dưỡng” nó [1765: 734-736].
Câu hỏi cũng đặt ra đối với lý tính, tức “năng lực của con người tiếp thu tri thức”. Nói rằng lý tính là thuộc tính của con người không hề có nghĩa rằng con người đương nhiên có tri thức và biết sử dụng nó: cần “thực hành, mở rộng, bồi dưỡng” lý tính để nó trở thành “lý tính sáng suốt”. Quesnay còn nhấn mạnh: không hiểu biết, “vô minh”, cũng là “thuộc tính của con người” và đó chính là “khuyết tật tai hại nhất” của nó [Quesnay 1765: 741-742][5]. Cho nên vấn đề quan trọng hàng đầu là xã hội được giáo dục để triển khai “tự do của trí tuệ” thay vì dừng ở “tự do thú tính” [Quesnay 1756: 425]. Quesnay tuyên bố đạo luật thực định đầu tiên cần được xã hội ban hành chính là “định chế về giảng dạy các quy luật của trật tự nhiên”. Phái trọng nông chủ trương đưa “khoa học” mới này vào chương trình dạy tại mọi trường học, công và tư. Họ còn yêu cầu niêm yết Biểu kinh tế tại các công sở và cả ở nhà thờ. Thiếu định chế tuyên truyền và giáo dục này, cách ứng xử của con người trong xã hội chỉ có thể “sai lệch, lộn xộn, hỗn độn”: con người sẽ không phân biệt được “lợi ích chung với lợi ích riêng”, “quyền thiêng liêng của người chỉ huy với nghĩa vụ của người phải tuân theo” [Quesnay1765: 740-741]. 3. Có thể nói rằng các lập luận của thuyết trọng nông dẫn dắt người đọc đến nhận định theo đó trật tự nhiên đòi hỏi con người không chỉ đặt mình dưới sự bảo hộ của pháp luật thực định: nó còn phải “đặt mình dưới sự bảo hộ của một quyền lực tối cao”, là “quyền lực bảo hộ” của nhà nước. Nhưng không phải bất cứ nhà nước nào: Quesnay nhận xét rằng nhà nước cũng có thể “sai lầm”, pháp luật thực định có thể “lạm quyền” hay “nhầm lẫn”, nó có thể “làm hại” và “đi ngược lại” trật tự tự nhiên [Quesnay 1865; 738 và 741; 1867a: 927]. Để thực hiện trật tự này, thuyết trọng nông trông cậy vào một nhà nước có đủ trí tuệ để hiểu biết tường tận các quy luật tự nhiên và có đủ quyền hạn để áp đặt luật pháp thực định chân chính. Đánh giá những chế độ cai trị, Quesnay gạt bỏ các chính thể quý tộc, dân chủ và quân chủ đại nghị. Cả ba chế độ này đã tỏ ra không gắn bó với trật tự tự nhiên, chịu sự chi phối của những lợi ích riêng: hoặc vì chính quyền vào tay của thiểu số đại địa chủ mà thế lực vượt qua sức mạnh của pháp luật (chính thể quý tộc); hoặc vì nó nằm trong tay của đa số tiện dân mà sự dốt nát dẫn đến hành động cuồng tín (chính thể dân chủ) [Quesnay 1767a: 918-919]. Quesnay tập trung các phê phán vào thể chế chia quyền giữa nhà vua và các đẳng cấp (chính thể đại nghị) mà kết quả là các lợi ích riêng xung đột triền miên, “lợi ích chung bị thủ tiêu”. Cho rằng quyền lực tối cao phải “duy nhất” và tập trung vào một nhà vua đứng trên mọi công dân, ông đặc biệt công kích cơ chế phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp: “Hệ thống đối trọng là một ý kiến tai hại” [Quesnay 1767b: 949].
Trường phái trọng nông chọn lựa chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng nhắn mạnh rằng “quyền chuyên chế” (despotisme), ở đây, không hề có nghĩa là nhà vua có thể cai trị một cách tuỳ tiện và bất chấp nguyên tắc, bởi vì bản thân nhà vua khi cai trị phải tuân theo các quy luật của tự nhiên: đó là quyền chuyên chế của trật tự tự nhiên được thực hiện thông qua nhà vua[6]. Các tác giả trọng nông còn gọi đó là “quyền chuyên chế cá nhân và pháp luật” (despotisme personnel et légal) với giải thích như sau: “Quyền chuyên chế cá nhân chỉ là quyền chuyên chế pháp luật của sự hiển nhiên về trật tự thiết yếu. Sự hiển nhiên chỉ đạo trước khi nhà vua chỉ thị”. Cũng như có thể nói rằng “Euclide là một người chuyên chế thật sự và các chân lý hình học mà ông đã truyền cho chúng ta là những quy luật thật sự chuyên chế” [Mercier de la Rivière 1767: 460; 471]. Luận điểm chính trị của học thuyết trọng nông là: chính thể nhà nước phù hợp với quy luật tự nhiên là nhà nước chuyên chế và sáng suốt, chuyên chế bởi vì sáng suốt. Song, nếu tính chất “chuyên chế” của nhà nước là một hiện thực vào thời của các tác giả trọng nông, tính chất “sáng suốt” của nó là một điều kiện mà họ chỉ có thể giả định.
|
|
Phải chăng vì vậy mà Quesnay đã tìm cách minh hoạ luận điểm chính trị của ông bằng một mô hình lấy ở Trung Hoa? Trong văn bản tựa đề Chế độ chuyên chế của Trung Hoa [1767a], Quesnay viết rằng nước Trung Hoa “xứng đáng là mẫu mực của mọi quốc gia”. Xuất phát từ những du ký phóng sự của tác giả phương Tây, ông vẽ lên một nước Trung Hoa huyền thoại, tồn tại hàng vạn thế kỷ với những phương châm cai trị bất di bất dịch. Ngoài Trung Hoa, không có vương quốc nào khác biết lấy giáo dục về trật tự tự nhiên làm nền tảng cho chế độ cai trị. Sở dĩ Trung Hoa đã không suy đồi như mọi đế chế khác, đó là vì “chế độ cai trị của các nhà nho” biết phục tùng các quy luật của tự nhiên và lãnh đạo dân bằng trí tuệ. Sai lầm và tham nhũng trong bộ máy nhà nước được chế độ phát giác và công khai hoá thường xuyên; luật chống lạm quyền của quan chức cũng như quyền tự do khiếu kiện của người dân đảm bảo chế độ không biến chất. Tính ổn định, trường tồn của đế chế Trung Hoa không thể giải thích được bởi hoàn cảnh đặc biệt của nước này: “Đó là một trật tự mà bản chất là ổn định” [Quesnay 1767a: 917; 934]. Theo các tác giả trọng nông, hoàng đế Trung Hoa điển hình cho nhà vua chuyên chế: “Ý chí quyền lực duy nhất và tối cao đó thật ra không phải là ý chí của một con người, đó chính là tiếng nói của Tự nhiên, lệnh của Trời. Người Trung Hoa dường như là dân tộc độc nhất mà triết gia đều thấm nhuần chân lý nguyên thuỷ này. Bởi vì vậy mà họ đã gọi nhà vua là Thiên tử” [Baudeau 1771: 798]. Và bởi vì Quesnay đã thấu hiểu chân lý đó, các môn đồ của ông đã không ngần ngại gọi ông là “Khổng tử của châu Âu” (Thư của Mirabeau trả lời Rousseau, 30.7 1767 [Weulersse 1910a: I, 159]).
B. Biểu kinh tế và điều tiết chuyên chế
1. Trật tự tự nhiên được học thuyết trọng nông biểu thị trong Biểu kinh tế mà khái niệm trung tâm là “sản phẩm ròng” (produit net). Quesnay định nghĩa khái niệm này như là số chênh lệch giữa của cải sản xuất ra và của cải tiêu hao trong sản xuất (tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt của người sản xuất), với chú thích là từ “của cải” không chỉ định sản phẩm vật chất mà giá trị trao đổi bằng tiền của nó: chính “giá trị trao đổi với tiền hình thành của cải”, nếu bỏ qua tính chất này thì “từ của cải không còn ý nghĩa gì chính xác” [Mirabeau - Quesnay 1763: 691-692]. Biểu kinh tế, như vậy, biểu thị trật tự tự nhiên của một nền kinh tế thị trường, và sản phẩm ròng chỉ giá trị của sản phẩm thừa ngoài chi phí sản xuất, hay nói cách khác: “giá trị thặng dư” [Quesnay 1766b: 887][7]. Theo quan điểm trọng nông, trong các hoạt động kinh tế, duy chỉ nông nghiệp mới có thuộc tính sản sinh ra sản phẩm ròng. Chỉ trong nông nghiệp, hoạt động sản xuất căn cứ vào tự nhiên, lao động của con người kết hợp với tính phì nhiêu của đất đai: “Đất đai là nguồn gốc độc nhất của của cải, và nông nghiệp chính là hoạt động nhân của cải đó lên” [Quesnay 1767b: 950]. Trái lại, công nghiệp và thương nghiệp đều “vô sinh”, theo nghĩa các hoạt động sản xuất này không sinh ra giá trị thặng dư. Trong một nền kinh tế tự do cạnh tranh, thương nghiệp hoạt động theo quy luật trao đổi ngang giá, cho nên không thể có giá trị thặng dư: nếu trong trao đổi, có người hưởng được lợi thì có người khác bị mất mát, và tổng giá trị không thay đổi. Còn trong sản xuất công nghiệp, ngoài các vật tư bị tiêu hao mà giá trị được tính vào giá trị của thành phẩm, lao động của con người chế biến vật tư quả có làm tăng thêm giá trị của của cải, song giá trị mới này tương ứng với giá trị của tư liệu sinh hoạt mà người lao động tiêu dùng, cho nên cũng không thể có sản phẩm ròng. Nếu tự do cạnh tranh không được bảo đảm thì trong giá trị trao đổi của sản phẩm công nghiệp có thể xuất hiện một khoản lợi nhuận doanh nghiệp: nhưng đó không phải là sản phẩm ròng mà chỉ là một khoản giá trị mà doanh nghiệp tước đoạt của xã hội từ một thế độc quyền nhân tạo và từ những đặc quyền do pháp luật - thiên vị công nghiệp - thiết lập. Sản phẩm ròng của nông nghiệp, đúng ra, cũng xuất phát từ độc quyền và đặc quyền, song đó là độc quyền của tự nhiên, đặc quyền do đấng Tạo hoá xác lập. Với ý nghĩa đó, và bởi vì mọi tác nhân góp phần vào sản xuất đều được trả công, “sản phẩm ròng không hề tốn kém cho bất cứ ai”, (Du Pont de Nemours 1764 [Weulersse 1910a: I, 273]).
Trong lập luận trọng nông, tính “vô sinh” của thương nghiệp và công nghiệp không có nghĩa rằng các hoạt động này vô ích. Sản xuất công thương nghiệp, cũng như sản xuất nông nghiệp, đều “có ích” và không thể thiếu trong xã hội: sự khác nhau với nông nghiệp chỉ ở chỗ công thương nghiệp không sản sinh ra sản phẩm ròng [Quesnay 1767b: 886]. Mặt khác, nếu trong sản xuất nông nghiệp, đất đai và lao động đều “cần thiết” để sản sinh sản phẩm ròng, lao động của con người, tự nó, là hoạt động vô sinh, trong nông nghiệp cũng như trong công thương nghiệp: “Con người không hề sáng tạo”, chỉ có tự nhiên mới có thể tạo ra sản phẩm ròng [Le Trosne 1777, in Daire 1846: 942]. Cuối cùng, luận điểm trọng nông đưa đến khẳng định: sản phẩm ròng là tặng vật miễn phí của tự nhiên, “tặng vật của đất đai” [Quesnay 1758: 656]. Một khẳng định khó lòng thuyết phục được ai ngoài các tác giả trong trường phái, cho nên họ thường nêu nó như là một quy luật tự nhiên, một sự hiển nhên mà người ta không thể bác: “Chân lý vật lý theo đó đất đai là nguồn gốc của mọi của cải, tự nó, quá hiển nhiên cho nên không ai có thể nêu nghi vấn để bác nó” [Le Trosne 1777, in Daire 1846: 887].
2. Thông qua Biểu kinh tế, con người nhận ra rằng sự tồn tại của nó, về mặt vật chất, phụ thuộc vào một tặng vật miễn phí của tự nhiên; và tặng vật này sẽ tối đa khi trật tự xã hội tuân thủ các quy luật tự nhiên. Trong Biểu kinh tế, các quan hệ xã hội được quy thành năm loại giao dịch giữa ba loại “giai cấp” [Quesnay 1766a: 793-794].
· Giai cấp “sản sinh” chỉ các tác nhân mà hoạt động là nông nghiệp, gồm cả chủ trang trại lẫn người lao động làm thuê: nó làm ra sản phẩm ròng.
· Giai cấp “vô sinh” chỉ các tác nhân mà hoạt động là công nghiệp, gồm các chủ công xưởng với người lao động làm thuê: nó không làm ra sản phẩm ròng mà chỉ tạo ra giá trị nuôi sống nó.
· Giai cấp “chủ sở hữu” chỉ các tác nhân sở hữu đất đai, gồm các địa chủ tư nhân, nhà thờ và nhà nước: nó thu sản phẩm ròng từ giai cấp sản sinh dưới dạng địa tô.
Các mối liên hệ giữa ba giai cấp là những giao dịch bằng tiền, trên cơ sở của giá cả “tự do cạnh tranh”:
· Trong nông nghiệp, giá hàng hoá bằng chi phí sản xuất cộng với sản phẩm ròng.
· Trong công nghiệp, giá hàng hoá bằng đúng chi phí sản xuất.
· Tiền lương bằng giá trị tư liệu sinh hoạt vừa đủ cho người lao động làm thuê tồn tại (các chủ doanh nghiệp có thể áp đặt mức tối thiểu này bởi vì các người lao động “cạnh tranh giành nhau việc làm”) [Quesnay 1766b: 895].
· Địa tô bằng tất cả sản phẩm ròng (các địa chủ có thể áp đặt mức “tối đa” này bởi vì các chủ trang trai cạnh tranh lẫn nhau để thuê mướn đất đai) [Mercier de la Rivière 1767: 172].
Trong văn bản Phân tích công thức số học của Biểu kinh tế năm 1766, Quesnay giả định một nền kinh tế ở vào tình trạng tối ưu, “nông nghiệp phát triển ở trình độ cao nhất”, sản phẩm ròng đạt mức tối đa 2 tỉ đồng bảng [Quesnay 1766a: 794]. Sản phẩm ròng này là số chênh lệch giữa sản phẩm gộp của nông nghiệp là 5 tỉ đồng và vốn mà giai cấp sản sinh ứng ra để sản xuất là 3 tỉ đồng (gồm 2 tỉ đồng vốn lưu động và 1 tỉ đồng khấu hao vốn cố định). Với vốn ứng trước này, giai cấp sản sinh mua hàng hoá - 2 tỉ đồng hàng nông nghiệp và 1 tỉ đồng hàng công nghiệp - làm vật tư và lương thực cần thiết cho sản xuất nông nghiệp. Muốn ổn định xã hội ở mức tối ưu của nó, các giao dịch giữa ba giai cấp phải được thiết lập như sau.
· Giai cấp chủ sở hữu: Nắm trong tay 2 tỉ địa tô, là sản phẩm ròng của thời kỳ trước, các địa chủ tiêu dùng hết thu nhập, phân nửa vào hàng nông nghiệp (1 tỉ đồng) mua ở giai cấp sản sinh và phân nửa vào hàng công nghiệp (1 tỉ đồng) mua ở giai cấp vô sinh.
· Giai cấp vô sinh: Với 1 tỉ đồng vốn ứng ra ban đầu, các chủ công xưởng mua hàng nông nghiệp làm nguyên liệu và lương thực nhằm sản xuất 1 tỉ đồng hàng công nghiệp bán cho giai cấp chủ sở hữu. Thu 1 tỉ đồng từ các địa chủ, các chủ công xưởng mua trở lại lương thực và nguyên liệu nông nghiệp để sản xuất tiếp 1 tỉ đồng hàng công nghiệp bán cho giai cấp sản sinh. Thu 1 tỉ đồng từ các nhà nông, giai cấp vô sinh tái tạo vốn ban đầu và có điều kiện tiếp tục chu trình kinh doanh.
· Giai cấp sản sinh: Nhận 1 tỉ đồng từ giai cấp chủ sở hữu, các nhà nông mua 1 tỉ đồng vật tư công nghiệp ở giải cấp vô sinh; và, với 2 tỉ đồng lương thực và nguyên liệu mà nông nghiệp sản xuất để tự tiêu dùng, giai cấp sản sinh tái tạo vốn ứng ra là 3 tỉ đồng. Nó có điều kiện tái sản xuất 5 tỉ đồng hàng nông nghiệp và tiếp tục nộp tô 2 tỉ đồng cho giai cấp chủ sở hữu[8]. Qua Biểu kinh tế, các tác giả trọng nông đồng nhất hoá trật tự xã hội tự nhiên với trật tự canh nông: “Quy luật tự nhiên [...] chính là các quy luật đảm bảo sự thành công của nông nghiệp” [Quesnay 1767a: 926].
3. Biểu kinh tế xác lập trong những điều kiện nào nền kinh tế thị trường tương ứng với trật tự nhiên. Quesnay nhấn mạnh đến hai điều kiện.
· Điều kiện thứ nhất: Giai cấp chủ sở hữu phải tiêu xài hết sản phẩm ròng, “không tích trữ tiền tệ”. Nó không được giữ “tiền của nhàn rỗi”, “tiết kiệm vô sinh” mà phải tiêu dùng tất cả thu nhập để mua hàng hoá ở các giai cấp sản sinh và vô sinh: nếu (a) là tỉ lệ tiêu dùng của giai cấp chủ sở hữu so với thu nhập của nó thì a = 1. Trong trường hợp giai cấp chủ sở hữu không tiêu xài hết thu nhập (a < 1) thì giai cấp sản sinh không thể tái tạo vốn của nó ở quy mô tối ưu, sản phẩm ròng suy giảm, nền kinh tế đi vào con đường suy thoái. Trái lại và trong trường hợp nền kinh tế không ở vào tình trạng tối ưu, nếu giai cấp chủ sở hữu chi tiêu quá mức thu nhập (a >1), tức là nếu nó gia tăng tiêu dùng bằng cách giảm bớt tiền của tích trữ, thì giai cấp sản sinh có thể mở rộng quy mô vốn, sản phẩm ròng tăng trưởng, nền kinh tế bước vào con đường phát triển [Quesnay 1767b: 951; 954].
· Điều kiện thứ hai: Giai cấp chủ sở hữu phải tôn trọng sự phân phối thu nhập tối ưu giữa tiêu dùng hàng nông nghiệp kể cả “hàng sinh hoạt xa xỉ”, và tiêu dùng hàng công nghiệp kể cả “hàng trang trí xa xỉ”. Theo ví dụ của Quesnay, nếu (b) là tỉ lệ tiêu dùng hàng nông nghiệp so với thu nhập và (c) là tỉ lệ tiêu dùng hàng công nghiệp so với thu nhập, b = 0,5 và c = 0,5. Trong trường hợp giai cấp chủ sở hữu sắm hàng trang trí xa xỉ nhiều hơn (c > 0,5) và mua hàng sinh hoạt xa xỉ ít đi (b < 0,5), vốn dành cho giai cấp sản sinh sản xuất bị thu hẹp, sản phẩm ròng suy giảm và nền kinh tế suy thoái. Trái lại và trong trường hợp nền kinh tế chưa đạt đến tình trạng tối ưu, nếu giai cấp chủ sở hữu chuyển tiêu dùng xa xỉ từ hàng công nghiệp (c < 0,5) sang hàng nông nghiệp (b > 0,5), nó mở rộng quy mô vốn của giai cấp sản sinh, làm cho sản phẩm ròng tăng trưởng và nền kinh tế phát triển [Quesnay 1766a: 802; 804].
Thật ra, lập luận của Quesnay trong điểm thứ hai này không đúng: thay đổi hướng tiêu dùng giữa hàng nông nghiệp và hàng công nghiệp không hề ảnh hưởng đến quy mô tái sản xuất của nền kinh tế. Trong mô hình mà Quesnay xây dựng, tất cả những gì giai cấp vô sinh thu vào từ giai cấp chủ sở hữu được nó chi ra lại hoàn toàn nhằm mua lương thực và nguyên liệu nông sản cần thiết để làm ra hàng công nghiệp (đó cũng là cách khẳng định tính vô sinh của sản xuất công nghiệp). Cho nên, mua hàng của giai cấp vô sinh hoàn toàn tương đương với mua hàng của giai cấp sản sinh. Như vậy, điều kiện cần và đủ để nền kinh tế thị trường ổn định được ở tình trạng tối ưu là: tỉ lệ tiêu dùng so với thu nhập a = 1 hay, nếu phân biệt trong tiêu dùng hàng nông nghiệp và tiêu dùng hàng công nghiệp, b + c = 1. Song, bất luận diễn giải những điều kiện của Quesnay như thế nào, ý nghĩa cốt yếu của Biểu kinh tế khá rõ ràng: 1/ Nền kinh tế tự do thị trường, tự nó, không dẫn xã hội đến trật tự tự nhiên, và nó không có khả năng tự điều tiết theo quy luật tự nhiên; hay nói cách khác, trật tự kinh tế tự nhiên không có tính ổn định. 2/ Quy trình tái sản xuất xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào ứng xử của giai cấp chủ sở hữu khi sử dụng sản phẩm ròng; tuỳ theo quyết định của nó mà nền kinh tế tăng trưởng, suy thoái hay ổn định ở trạng thái tối ưu.
Trong giai cấp chủ sở hữu, quyết định tối hậu thuộc về nhà nước trung ương mà nhà vua là biểu tượng. Với thuế khoá, nhà nước có thể điều chỉnh ứng xử của các địa chủ tư nhân và, qua đó, nó điều tiết toàn bộ nền kinh tế cho đúng với trật tự xã hội tự nhiên. Theo Quesnay, thuế duy nhất mang tính tự nhiên là thuế thu trên sản phẩm ròng, tính trên địa tô, tức là thuế đánh vào sở hữu đất đai. Các loại thuế khác - từ thuế thân, thuế đinh đánh vào các giai cấp sản sinh hay vô sinh cho đến các thuế đánh vào vốn của chủ doanh nghiệp, vào tiền lương của người lao động hay vào giá cả hàng hoá - đều đi ngược lại quy luật của tự nhiên: đó là những thuế mang tính “cưỡng đoạt”, có tính “huỷ hoại”, bởi vì nó đánh vào các điều kiện sản xuất, thu hẹp quy mô tái sản xuất, làm cho sản phẩm ròng suy giảm và đưa bản thân nhà nước đến chỗ phá sản [Quesnay 1767b: 950-951]. Với quan điểm về thuế độc nhất này, trường phái trọng nông chủ trương miễn thuế đối với các giai cấp sản sinh và vô sinh, và chỉ thu thuế từ giai cấp chủ sở hữu. Đúng ra, các địa chủ tư nhân không phải trả thuế trên phần sản phẩm ròng mà họ sở hữu. Như các tác giả trọng nông lý giải, toàn bộ sản phẩm ròng thuộc về giai cấp chủ sở hữu, trong đó có nhà nước là “đồng chủ sở hữu” đất đai với các địa chủ tư nhân [Du Pont de Nemours 1768, in Daire: I, 360]. Là “chủ sở hữu phổ quát”, tức nắm quyền sở hữu tối cao trên đất đai, nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tư nhân và, với tư cách đó, nó có “quyền nguyên thuỷ” phân chia sản phẩm ròng [Mirabeau - Quesnay 1763: 68; Quesnay 1767b: 950]. Cho nên cái được gọi là thuế đất đai, thật ra, chỉ là phần địa tô nguyên thuỷ của nhà nước do các địa chủ tư nhân trao lại và, theo nghĩa đó, “không ai trả thuế cả” [Mirabeau 1760: 157]. Trong trật tự xã hội tự nhiên, tính chính đáng của thuế khoá không căn cứ vào sự ưng thuận của người dân mà xuất phát từ quyền lực tối cao của nhà nước đồng chủ sở hữu đất đai.
Quyền sở hữu “phổ quát” này của nhà nước thể hiện ra khi các địa chủ tư nhân không tôn trọng quy luật tự nhiên theo đó họ phải tiêu dùng hết thu nhập và không được tích trữ tiền tệ. Khi trường hợp này xẩy ra, nhà nước có quyền tước lấy, bằng thuế, khoản tiết kiệm nhàn rỗi đó: “Nếu các địa chủ giữ lại trong tay thu nhập này, nhà nước buộc phải tước lấy những khoản đó; của cải này [sản phẩm ròng] là sở hữu của các địa chủ cũng như nó là sở hữu của nhà nước; các địa chủ được hưởng lợi [sản phẩm ròng] với điều kiện họ tiêu xài nó”. Theo Quesnay: các địa chủ tư nhân chỉ có ích cho xã hội qua hành vi tiêu dùng của họ; nắm trong tay sản phẩm ròng, họ khỏi phải lao động; họ không sản xuất gì cả. Nhưng nếu họ không phân phối lại toàn bộ thu nhập đó thì nhà nước sẽ ra tay: “Luật pháp sẽ chống đối lại những con người này, vô ích cho xã hội và nắm trong tay của cải quốc gia” [Quesnay 1757a: 582]. Trong Biểu kinh tế, nhà nước không những có vai trò điều tiết nền kinh tế thị trường mà sự điều tiết đó còn mang tính chuyên chế[9]. Đó là biểu hiện kinh tế của nghịch lý trọng nông. II. CHUYỂN SANG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ HỆ TƯ TƯỞNG TRỌNG NÔNG
Học thuyết trọng nông, hiện nay, vẫn là đối tượng thảo luận và tranh cãi giữa các nhà kinh tế bởi những mặt nhập nhằng, nước đôi của Biểu kinh tế mà biểu hiện nổi bật nhất là tính vô định của phạm trù lợi nhuận. Trong Biểu kinh tế, lợi nhuận có hai định nghĩa khác nhau mà cả hai đều không xác đáng. Một mặt, Quesnay định nghĩa lợi nhuận như là thù lao của nhà doanh nghiệp tương tự như tiền công của người lao động làm thuê và tương đương với giá trị các tư liệu sinh hoạt cần thiết cho mọi người lao động tồn tại: trong nghĩa này, lợi nhuận thuộc về phạm trù tiền lương, chứ nó không phải là phạm trù thu nhập của nhà doanh nghiệp với tư cách là chủ vốn. Mặt khác, Quesnay định nghĩa lợi nhuận như là khấu hao của vốn cố định, nó không gắn với lao động mà với vốn của chủ doanh nghiệp: tuy nhiên, khấu hao thuộc về phạm trù chi phí sản xuất chứ không thể xem đó là thu nhập của chủ vốn, và nó chỉ tỉ lệ với phần cố định của vốn chứ không phải với toàn bộ vốn do chủ doanh nghiệp ứng ra. Trong Biểu kinh tế, quả có sản phẩm ròng là một thu nhập tỉ lệ với tổng số vốn của chủ trang trại - trong ví dụ nói trên của Quesnay, tỉ lệ này là 2/5, tức là một tỉ suất 40%: song, sản phẩm ròng lại là thu nhập của chủ đất đai chứ không phải của chủ vốn doanh nghiệp.
Cũng có thể giả định rằng chủ trang trại là nhà tư bản mà tỷ suất lợi nhuận bằng không, bởi vì toàn bộ lợi nhuận của nông nghiệp bị chủ đất chiếm đoạt dưới dạng địa tô: nhưng, nếu đúng như vậy, làm sao giải thích rằng chủ công xưởng là nhà tư bản ở vào cùng tình trạng tỷ suất lợi nhuận bằng không, trong khi nó không hề đương đầu với địa chủ? Bất luận lý giải như thế nào, có thể nói rằng, trong học thuyết trọng nông, vắng mặt phạm trù lợi nhuận hiểu như là thu nhập của tư bản. Đặc tính lý luận này của Quesnay gắn với luận điểm về thuộc tính của nông nghiệp độc nhất sản sinh sản phẩm ròng. Nó đặt ra câu hỏi cơ bản: tính chất của các quan hệ sản xuất mà Quesnay phân tích trong Biểu kinh tế là gì? Quan hệ phong kiến, quan hệ tư bản hay quan hệ xã hội nào khác? Marx là người đầu tiên nêu lên vấn đề này và tìm cách giải đáp nó[10]. A. Marx đọc Quesnay
1. Trong Các học thuyết về giá trị thặng dư, Marx đánh giá Quesnay có công lao lớn xác lập sản phẩm ròng, là tiền thân của phạm trù “giá trị thăng dư”; đồng thời, Marx vạch những hạn chế của học thuyết trọng nông khi nó giới hạn sản phẩm ròng vào sản xuất nông nghiệp. Marx giải thích tính hạn chế này bởi quan niệm sai lầm của Quesnay về giá trị: do “không hiểu bản chất của giá trị”, Quesnay có xu hướng “quy giá trị về giá trị sử dụng, và quy giá trị sử dụng này vào sản phẩm vật chất”. Cho nên, đối với các tác giả trọng nông, “giá trị thặng dư hiện ra một cách vật chất, dưới hình thái sờ mó nó được, không phải nhờ đến quá trình lưu thông” [Marx 1862-1863: I, 34-35]. Marx giải thích: Trên nguyên tắc, không thể phân tích giá trị thặng dư nếu không có lý luận đúng đắn về giá trị. Trừ một trường hợp đặc biệt: khi đầu ra và đầu vào trong sản xuất đều cùng là một sản phẩm; hay nói cách khác, nếu sản phẩm làm ra đồng nhất về mặt vật chất với vốn ứng vào sản xuất. Trường hợp này xẩy ra trong ngành nông nghiệp khi, chẳng hạn, lúa mì được sản xuất với tư liệu sản xuất (hạt giống) và tư liệu sinh hoạt (lương thực) đều là lúa mì. Trong điều kiện đó, Quesnay có thể xác định sản phẩm ròng như số chênh lệch giữa lượng lúa mì sản xuất ra và lượng lúa mì sử dụng trong sản xuất, không cần đến lý luận về giá trị: bởi vì giá trị thặng dư, ở đây, biểu hiện thành “thặng dư giá trị sử dụng”. Ngược lại, ngành công nghiệp không thể tự sản xuất mọi nguyên liệu (tư liệu sản xuất) và lương thực (tư liệu sinh hoạt) cần thiết để tạo ra sản vật công nghiệp: không thể có đồng nhất về vật chất giữa sản phẩm làm ra và vốn ứng vào sản xuất. Muốn xác định sản phẩm ròng, ở đây, phải nhất thiết thông qua quan hệ trao đổi, tức là cần lập luận với hình thái giá trị của hàng hoá, chứ không chỉ căn cứ vào hình thái hiện vật, tức hình thái giá trị sử dụng của nó. Cho nên, trong điều kiện thiếu vắng “phân tích khái quát về giá trị”, các tác giả trọng nông vẫn có thể xác định giá trị thặng dư của nông nghiệp, nhưng họ không thể nắm bắt nó trong công nghiệp. Từ đó, theo Marx, người ta có thể hiểu rằng vì sao, đối với Quesnay, sản phẩm ròng chỉ xuất hiện trong nông nghiệp; và vì sao sản phẩm ròng này của nông nghiệp chỉ có thể xem là “tặng vật của tự nhiên” [Marx 1862-1863: I, 34; 39].
Giải đáp mà Marx đưa ra cho bài toán về sản phẩm ròng của phái trọng nông quả là lý thú, và P. Sraffa, đã sử dụng nó làm cơ sở xây dựng lý thuyết tỷ suất lợi nhuận trong nền kinh tế thị trường[11]. Song, cho dù nó tài tình về mặt lý luận, cách giải thích của Marx không khớp với cách lập luận trong những văn bản của Quesnay. Trước hết, phải nói rằng học thuyết trọng nông là học thuyết đầu tiên đã lấy giá trị làm đối tượng của khoa học kinh tế: “Giá trị trao đổi bằng tiền là cơ sở của mọi đánh giá và tính toán trong chính trị kinh tế học” [Mirabeau - Quesnay 1763: 692][12]. Các tác giả trọng nông không hề nhầm lẫn giá trị trao đổi với giá trị sử dụng: “Không thể lẫn lộn giá trị trao đổi của của cải và giá trị sử dụng của nó bởi vì hai giá trị này không có tương quan gì với nhau” - Quesnay xác định điều này trong văn bản có tựa đề Con người [Quesnay 1757b: 526]. Soạn cho Bách khoa toàn thư, văn bản đó chứa đựng phân tích khái quát của Quesnay về giá trị, song bài viết không được xuất bản, rồi bị thất lạc cho đến đầu thế kỷ thứ XX mới được phổ biến, cho nên Marx đã không đọc được nó. Mặt khác, Biểu kinh tế không hề giả thiết sự đồng nhất vật chất giữa vốn sản xuất và sản phẩm làm ra trong nông nghiệp: trái lại, giả định của Quesnay là sản xuất trong nông nghiệp đòi hỏi nó phải mua một phần tư liệu sản xuất từ công nghiệp (1 tỉ đồng) - chính Marx giải thích điều đó khi phân tích “quá trình lưu thông giữa chủ trang trại và chủ công xưởng” [Marx 1862-1863: I, 384-385]. Cho nên sản phẩm ròng không thể là sản phẩm hiện vật, thặng dư về giá trị sử dụng, mà nhất thiết phải là thăng dư về giá trị. Khi đánh giá học thuyết trọng nông, Marx không chỉ ghi nhận “công lao lớn” của Quesnay đã chuyển việc phân tích giá trị thăng dư “từ lĩnh vực lưu thông sang lĩnh vực sản xuất” [Marx 1862-1863: I, 33;37]; tác giả Tư Bản còn nhấn mạnh đến một “công lao lớn” khác của tác giả Biểu kinh tế là người “đầu tiên” trình bày sản xuất hàng hoá “như nó xuất phát từ lưu thông”, tức từ trao đổi hàng hoá - tiền tệ [Marx 1890: 662]. Như vậy, sản phẩm ròng của Quesnay là thặng dư giá trị sử dụng hay thăng dư giá trị? Mặc dù Các học thuyết về giá trị thặng dư nhấn mạnh trên lối diễn giải thứ nhất, cũng có thể nói rằng chính cách đọc Quesnay của Marx mang tính nhập nhằng, nước đôi.
2. Theo Marx, “mâu thuẫn” của khái niệm trọng nông về sản phẩm ròng giới hạn vào nông nghiệp thể hiện mâu thuẫn của một xã hội trong thời kỳ quá độ từ phương thức sản xuất phong kiến sang phương thức sản xuất tư bản: “Đó là mâu thuẫn của sản xuất tư bản đang thoát thai từ xã hội phong kiến, và tạo nên một lối diễn giải tư sản về xã hội phong kiến này, trong khi bản thân sản xuất tư bản chưa tìm được hình thái đặc thù của mình”. Xã hội quá độ chỉ có thể mang tính nước đôi: “Trong khi chế độ phong kiến có dáng tư sản thì xã hội tư sản mang vẻ phong kiến” [Marx 1862-1863: I, 37-40]. Như vậy thì tư tưởng trọng nông đại diện cho phong kiến đội lốt tư bản hay cho tư bản trá hình phong kiến? Trong Các học thuyết về giá trị thặng dư, Marx nghiêng về lối diễn giải thứ hai, nhấn mạnh tính chất tiến bộ và hiện đại của trường phái trọng nông. Dưới bề ngoài phong kiến, ẩn nấp bản chất tư sản của học thuyết trọng nông: Marx phê phán lối diễn giải “lẫn lộn bề ngoài với bản chất”, nhầm tưởng rằng học thuyết Quesnay “tôn vinh giai cấp quý tộc địa chủ” trong khi đó là tư tưởng “báo trước sự hình thành của hệ thống sản xuất tư sản trên tàn tích của hệ thống phong kiến” [Marx 1862-1863: I, 41; 446]. Theo cách đọc của Marx, chủ nghĩa tư bản biểu hiện trong Biểu kinh tế là một chủ nghĩa tư bản núp dưới bình phong của chế độ phong kiến; và bởi vì đặc điểm của chế độ phong kiến nằm ở chỗ đất đai giữ vai trò tư liệu sản xuất hàng đầu, Biểu kinh tế khoanh lại chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp. Trong khu vực này, quan hệ giữa giai cấp chủ sở hữu và giai cấp sản sinh là quan hệ sản xuất tư bản: một bên là người địa chủ giữ vị trí của nhà tư bản nắm tư liệu sản xuất, chủ yếu là đất đai; và bên kia là những người lao động làm thuê, do bị tách ra khỏi đất đai là điều kiện sản xuất chính yếu: “Người địa chủ đương đầu người lao động với tư cách là chủ tư bản. [...] Người địa chủ hiện ra là nhà tư bản thực sự” [Marx 1862-1863: I, 38-39]. Từ đó, theo Marx, có thể hiểu vì sao, trong Biểu kinh tế, giai cấp chủ sở hữu chiếm đoạt toàn bộ sản phẩm ròng từ giai cấp sản sinh; cũng như vì sao nông nghiệp là ngành độc nhất có thuộc tính sản sinh ra sản phẩm ròng.
Cách đọc Biểu kinh tế của Marx xuất phát từ nhận xét xác đáng rằng học thuyết trọng nông không bênh vực nông nghiệp nói chung mà bệnh vực nông nghiệp kinh doanh theo phương thức tư bản chủ nghĩa: phân tích sản xuất nông nghiệp, Quesnay không căn cứ trên quan hệ địa chủ - tá điền (métayage) của nông nghiệp phong kiến, mà trên quan hệ địa chủ - chủ trang trại (fermage) của nông nghiệp tư bản, trong đó nhân vật chủ trang trại là một “nhà doanh nghiệp” làm chủ vốn sản xuất, sử dụng lao động làm thuê và chỉ thuê mướn đất canh tác [Quesnay 1757a: 483]. Song, trong diễn giải của Marx, nhân vật trung tâm này biến mất khỏi giai cấp sản sinh (“Trong giai cấp sản sinh duy chỉ có người lao động nông nghiệp”) và bị đồng hoá với địa chủ trong giai cấp chủ sở hữu (“Trong học thuyết trọng nông, chủ sở hữu là người thuê lao động”) [Marx 1862-1863: I, 24; 47]. Từ đó mà có sự lẫn lộn giữa địa chủ với chủ trang trại, trong khi Biểu kinh tế đối lập hai vị trí xã hội này: theo Quesnay, đất đai nằm trong tay của địa chủ, nhưng các tư liệu sản xuất khác đều thuộc sở hữu của chủ trang trại (địa chủ chỉ nắm tất cả tư liệu sản xuất trong chế độ tá điền của nông nghiệp phong kiến); người thuê mướn lao động là chủ trang trại, chứ không phải địa chủ (chỉ có trong chế độ tá điền thì địa chủ mới quan hệ trực tiếp với người lao động, nhưng đó không phải là lao động làm thuê); sản phẩm ròng do chủ trang trại nặn ra từ chênh lệch giữa sản phẩm gộp và chi phí sản xuất, rồi nộp cho địa chủ dưới dạng địa tô (chỉ có trong chế độ tá điền, địa chủ mới tước đoạt trực tiếp sản phẩm thặng dư). Nhưng nếu trong Biểu kinh tế, rõ ràng, địa chủ không hoạt động như là chủ tư bản thì chủ trang trại cũng không tự khẳng định được là nhà tư bản, bởi vì sự vắng mặt của phạm trù lợi nhuận trong lý luận của Quesnay đặt chủ trang trại ở một vị trí gần người lao động làm thuê hơn là nhà tư bản.
Để khẳng định tính chất tư sản và chống phong kiến của học thuyết Quesnay, Marx còn dẫn chứng chủ trương trọng nông về thuế độc nhất đánh vào sản phẩm ròng: “Mọi thứ thuế đều chuyển lên địa tô [...] - không khác nào nhà nước tịch thu sở hữu đất đai một cách tiềm tàng”. Đồng thời, ý nghĩa của nó cũng là nhà nước miễn thuế tư bản công nghiệp: “Công nghiệp không phải chịu thuế và, từ đó, nó được giải thoát khỏi mọi can thiệp của nhà nước” [Marx 1862-1863: I, 40-41; 58]. Giải thích của Marx, ở đây, khá mâu thuẫn. Một mặt, công nghiệp không trả thuế bởi vì, trong lập luận trọng nông mà Marx ghi nhận, giá trị mà nó sản xuất ra chỉ bằng chi phí sản xuất, không có sản phẩm ròng để có thể đánh thuế. Mặt khác, nếu đồng hoá địa chủ với chủ trang trại - như Marx lập luận - thì đánh thuế độc nhất vào sản phẩm ròng có nghĩa là mọi thứ thuế đều chuyển lên lợi nhuận của tư bản nông nghiệp. Bất luận cách diễn giải như thế nào, Marx khó lòng chứng minh một cách thuyết phục rằng, trong học thuyết trọng nông, “sự tôn vinh bề ngoài của sở hữu đất đai biến thành sự phủ định về mặt kinh tế của quyền sở hữu đất đai và sự khẳng định của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa” [Marx 1862-1863: I, 40].
B. Đọc lại Quesnay
|
Jean Cartelier (1942-) |
1. Trong các tác giả phê phán cách Marx đọc Quesnay, đáng kể nhất là Jean Cartelier [1976; 1977; 1991]: cách diễn giải của ông đi từ quan điểm của Marx về phê phán chính trị kinh tế học, nhưng đưa đến chỗ hầu như lật ngược đánh giá của Marx về trường phái trọng nông và tính chất các quan hệ xã hội mà nó đại biểu. Trong cách đọc của Cartelier, trường phái trọng nông mang tính “lạc hậu và cổ lỗ” của một hệ tư tưởng gắn với trật tự xã hội cũ: nó biểu hiện “một ý đồ chính trị bảo thủ” [1991: 60; 53]. Xã hội trọng nông biểu thị trong Biểu kinh tế là trật tự xã hội phong kiến nhưng được Quesnay giải thích và biện bạch với các phạm trù của nền kinh tế thị trường: đây là “một hình thái xã hội trong đó chủ nghĩa phong kiến thống trị và chứng tỏ nó có năng lực tự củng cố bằng cách lợi dụng những yếu tố tư bản chủ nghĩa” [1977: 69]. Thay vì làm tan rã chế độ phong kiến, quan hệ tiền tệ và hàng hoá được giai cấp địa chủ vận dụng để duy trì xã hội phong kiến và ngăn chặn sự phát triển của giai cấp tư sản: đó cũng là ý nghĩa của chủ trương trọng nông về “vương quốc nông nghiệp” chỉ tập hợp giai cấp chủ sở hữu và giai cấp sản sinh, gạt ra bên lề giai cấp vô sinh, tức các nhà tư sản công thương nghiệp, cả về mặt kinh tế lẫn về mặt chính trị (“Trong một quốc gia, chỉ có nhà nông và chủ sở hữu tạo thành nhà nước theo đúng nghĩa của nó” - Quesnay, xem Weulersse [1910a: II, 77]). Trong nghĩa đó, học thuyết trọng nông không phải là chủ nghĩa tư bản “đội lốt” chế độ phong kiến mà là chủ nghĩa tư bản “lệ thuộc” chế độ phong kiến [1977: 64]. Thay vì đại biểu cho xu thế tiến bộ và hiện đại của chủ nghĩa tư bản đang hình thành, học thuyết Quesnay hiện ra, ở đây, như là một đề án chính trị “không tưởng phản động”, bởi ý đồ của nó là dùng những quan hệ xã hội của chủ nghĩa tư bản để kéo dài sự thống trị của trật tự phong kiến [1976: 87]. Giữa Marx (chủ nghĩa tư bản khoác áo chế độ phong kiến) và Cartelier (chế độ phong kiến khoác áo kinh tế thị trường), dường như có chỗ cho một cách diễn giải khác. Khác với Marx, trong cách đọc này, học thuyết Quesnay không đại biểu cho lợi ích của giai cấp tư sản đang lên mà cho lợi ích của giai cấp thống trị đang thoái thủ; hay chính xác hơn, nó đại biểu cho dư luận sáng suốt và cải cách trong giai cấp chủ sở hữu. Khác với Cartelier, trong cách đọc đó, ý đồ của trường phái Quesnay không phải là duy trì xã hội phong kiến mà là tiến hành cuộc cải cách chuyển sang kinh tế thị trường để giữ gìn chính quyền; hay nói cách khác, trong bối cảnh “khủng hoảng” của chế độ phong kiến Pháp vào giữa thế kỷ thứ XVIII, điều mà thành phần sáng suốt trong chính quyền nhắm đến là bảo toàn quyền lực hơn là cứu vãn một trật tự xã hội đã ruỗng nát[13]. Thế đứng vô cùng nhập nhằng này của học thuyết Quesnay, một mặt, lý giải nội dung chống phong kiến của chương trình cải cách kinh tế - xã hội trọng nông; mặt khác, nó cũng giải thích sự đối lập về chính trị và triết học mà trường phái trọng nông gặp phải trong phong trào Khai sáng.
|
J.-P. de Gaudemar (1947-) |
Đối với chế độ phong kiến, thái độ của trường phái Quesnay thể hiện tập trung trong chế độ đất đai. Các tác giả trọng nông quan niệm trật tự xã hội tự nhiên trên cơ sở của một khái niệm về sở hữu đất đai phi phong kiến. Họ chủ trương bãi bỏ các đặc quyền phong kiến trong luật lệ đất đai, và xác lập một quan điểm về quyền sở hữu trong đó quan hệ giữa người chủ đất và người thuê đất là một quan hệ bình đẳng về pháp lý: “người chủ đất và người chủ vốn trong nông nghiệp đều là chủ sở hữu cho nên phẩm cách hai bên đều ngang nhau” [Quesnay 1767b: 971]. Họ còn chủ trương bãi bỏ chế độ phong kiến về thuế, và thay vào đó nguyên tắc thuế độc nhất đánh vào địa tô. Cho dù Quesnay có chứng minh rằng các chủ trương đưa ra đều phục vụ lợi ích của giai cấp địa chủ - bởi vì chúng nhắm làm tăng sản phẩm ròng -, khó có thể nói theo Cartelier rằng chế độ trọng nông mang tính chất “bảo thủ” hay có ý nghĩa “phản động”. Hơn thế, xoá bỏ sở hữu phong kiến về đất đai cũng có nghĩa là xoá bỏ tính phong kiến của giai cấp thống trị. Trong quan điểm trọng nông, giai cấp chủ sở hữu không còn đồng nhất hoá với giai cấp quý tộc, nó là giai cấp của các địa chủ không phân biệt quý tộc hay bình dân: “Giai cấp quý tộc vẫn sở hữu nhiều đất đai, nhưng các nhà tài chính sở hữu nhiều đất đai hơn nữa, và còn có các thương gia, các nhà giàu đủ loại... Chỉ có tiện dân [...] mới không có sở hữu đất đai” (Mirabeau, Les économiques [Weulersse 1959: 103-104]). Giai cấp chủ sở hữu trở thành một giai cấp mở nhằm đón nhận những người tư sản có đất đai: xu hướng địa chủ hoá này trong giai cấp tư sản đang hình thành đươc G. Weulersse [1910a: II, 710] đặc biệt nhấn mạnh. Qua sở hữu đất đai, giai cấp quý tộc cũ tìm cách kết nạp giới tư sản mới vào giai cấp thống trị: chí ít về mặt hình thức, học thuyết Quesnay biến các nhà tư sản thành những thành viên của giai cấp chủ sở hữu, dưới quyền lực tối cao của nhà nước đồng chủ sở hữu. Hay, nói như J.P Gaudemar [1983: 196], học thuyết Quesnay thể hiện ý đồ “liên minh giai cấp” của quý tộc với tư sản, trên cơ sở cùng là địa chủ và dưới sự bảo hộ của nhà vua chuyên chế.
|
J. J. Rousseau (1712-1778) |
|
Voltaire (1694-1778) |
Trong phong trào Khai sáng, chỗ đứng của trường phái trọng nông thể hiện qua mối quan hệ với nhóm các nhà triết học của Bách khoa toàn thư. Bản thân Quesnay xuất thân từ Bách khoa toàn thư, nơi đã xuất bản các văn bản đầu tiên của ông cho đến lúc tạp chí bị đình bản; sau đó, do thận trọng chính trị, người đứng đầu trường phái trọng nông không tiếp tục sự cộng tác với tạp chí khi nó được phép ra trở lại. Phải nói rằng, trong nhóm “các nhà triết học”, những ý kiến về trường phái Quesnay khá phân tán: nếu các chủ trương tự do hoá kinh tế được hầu hết tán thành, chủ trương của nhóm “các nhà kinh tế” trong lĩnh vực chính trị đụng chạm trực tiếp nhiều quan niệm của Montesquieu, Voltaire hay Rousseau. Cũng phải nói rằng nhóm Quesnay có một thế đặc biệt - được nhà vua “cải cách”, Louis XV, bảo hộ - cho phép họ phát biểu một cách tự do hơn các tác giả khác[14]. Chính điểm này làm cho Diderot quý nhóm trọng nông, và bênh vực quan điểm hỗ trợ họ tiếp tục phát biểu: “Sự tự do kèm với sự can đảm nói lên tất cả, theo ý tôi, là điểm mạnh của trường phái này” [Thư gửi Sartine, 10.3 1770, xem Weulersse [1910a: I, 222]. Bách khoa toàn thư chọn thái độ trung lập khách quan, cho đăng cả bài ủng hộ lẫn bài chống đối học thuyết Quesnay; cho tới lúc, không giữ được thế quân bình nữa, tạp chí mới công khai “tuyên chiến” với các tác giả trọng nông [Weulersse 1910a: I, 231]. Là môn đồ của Rousseau, G. Mably có xuất bản một văn bản phê phán có hệ thống những chủ trương trọng nông trong lĩnh vực chính trị: thuyết về “chuyên chế pháp luật”, thuyết về “quyền đồng chủ sở hữu” của nhà vua; ông cũng vạch rõ nền tảng triết lý của các chủ trương đó: sự đồng hoá trật tự xã hội với một “trật tự vật lý”, tính không thể bác của “sự hiển nhiên”[15]. Mọi điều mà tinh thần Khai sáng khó lòng chấp nhận được.
|
Denis Diderot (1713-1784) |
|
Jacques Turgot (1727-1781) |
Vì vậy mà khó có thể theo Marx khi ông viết rằng: “Mặc dù có vẻ phong kiến, các tác giả trọng nông làm việc tay trong tay với các tác giả Bách khoa toàn thư” [Marx 1862-1863: I, 59]. Đúng ra, Marx viết điều này khi nói đến A. R. Turgot, một tác giả thường bị xếp vào nhóm trọng nông, mặc dù ông kiên quyết đứng ngoài trường phái này do những khác biệt trên bình diện chính trị. Turgot không thể minh bạch hơn khi ông viết rằng chế độ chuyên chế pháp luật là “phần xấu hổ” của chủ thuyết trọng nông, “nó xúc phạm các lỗ tai tự do” (Thư gửi Du Pont de Nemours, 25.3 1774 [Turgot 1913: III, 662-663]); rằng “các ông ‘nhà kinh tế’ không bỏ được cái tật nói về quyền lực bảo hộ” trong khi “con người không cần ai bảo hộ nó”, và đó là “điều bất nhất nhứt trong giáo điều về sự hiển nhiên” (Thư gửi Du Pont de Nemours, 21.12 1770 [Turgot 1913: III, 398-399]). Turgot cũng phủ nhận rằng quyền sở hữu đất đai xuất phát từ pháp quyền tự nhiên của con người và có tính chính đáng tự nhiên: theo ông, nó bắt nguồn từ sự kiện lịch sử là đất có người chiếm và tính chính đáng của nó chỉ do pháp luật thực định thiết lập. Vì vậy, nếu “địa chủ cần đến nhà nông là điều tất yếu của trật tự vật lý bởi vì đất đai không sản sinh nếu không có lao động” thì trái lại “nhà nông cần đến địa chủ chỉ vì các quy ước do con người tạo lập, vì luật pháp dân sự” [Turgot 1997: 166].
2. Theo cách đọc đề nghị ở đây, học thuyết trọng nông chỉ một hệ tư tưởng của thời kỳ quá độ từ phong kiến sang tư bản - như Marx nhận định. Đó là hệ tư tưởng của một giai cấp quí tộc thoái thủ phải đương đầu với giai cấp tư sản đang lên - như Cartelier xác định. Song - khác với cả Marx lẫn Cartelier -, trong cách đọc này, học thuyết Quesnay là hệ tư tưởng của sự quá độ sang chủ nghĩa tư bản do giai cấp quí tộc tiến hành. Đề án chính trị của giai cấp này là chuyển hoá xã hội sang nền kinh tế thị trường mà không để mất chính quyền; hay nói cách khác, nó là vừa cải cách kinh tế-xã hội, vừa duy trì quyền lực chính trị. Đó là cốt lõi của cách đặt vấn đề trọng nông với hai mặt kinh tế và chính trị của nó. Khi phân tích nó một cách phiến diện, đề án này hiện ra như một “nghịch lý” giữa tự do kinh tế và chuyên chế chính trị. Thật ra, “nghịch lý trọng nông” chỉ là sự đối lập bề ngoài giữa hai mặt của một đề án khá nhất quán. Đề án của Quesnay, tất nhiên, không mang tính “cách mạng” - như trong diễn giải của Marx khi ông cho rằng các tác giả trọng nông, cùng với Turgot, “mở màn quá trình dẫn đến Cách mạng Pháp” [Marx 1862-1863: I, 59]. Song, đề án của Quesnay cũng không nhất thiết là “không tưởng” - như trong diễn giải của Cartelier khi ông cho rằng ý đồ của các tác giả trọng nông là sử dụng quan hệ thị trường để cứu vãn chế độ phong kiến. Trong lịch sử các thế kỷ XVIII và XIX, không phải không có những xã hội - ở châu Âu và Nhật Bản - đã quá độ sang chủ nghĩa tư bản từ một liên minh giai cấp giữa tư sản và quí tộc dưới sự bảo hộ của nhà nước ít nhiều chuyên chế. Trong sự quá độ này, kinh tế học trọng nông đại biểu ở một số xã hội cho hệ tư tưởng của giai cấp quí tộc còn thống trị[16]; trong khi giai cấp tư sản hình thành hệ tư tưởng của nó với kinh tế học cổ điển - mà Turgot là người báo trước và Nghiên cứu nguồn gốc và nguyên nhân của cải của các dân tộc của A. Smith [1776] là tác phẩm mở màn[17]. Ngày hôm nay và trong những điều kiện lịch sử khác, một đề án chính trị tương tự được nêu lên trong những xã hội - như Trung Quốc, Việt Nam hay nhiều cộng hoà thuộc Liên xô cũ - chuyển từ chủ nghĩa xã hội quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường hay quá độ sang chủ nghĩa tư bản, tuỳ theo cách nói. Tuy hình thái có khác nhau, thời kỳ quá độ ở các xã hội này đặt ra một số vấn đề tư tưởng hệ mà học thuyết trọng nông - khi đọc lại - có thể góp phần làm sáng tỏ. Những vấn đề này liên quan, một mặt, đến học thuyết trọng nông như là hệ tư tưởng của giai cấp đang thống trị nhưng thoái thủ; và mặt khác, hệ tư tưởng nhắm thay thế nó là chủ nghĩa tự do kinh tế của giai cấp tư sản đang tự khẳng định.
Để duy trì trong thời kỳ quá độ vị trí thống trị của nó, giai cấp quý tộc cần đến một hệ tư tưởng xác lập quyền chính đáng của địa chủ tiếp tục chiếm hữu sản phẩm ròng trong xã hội mới. Hệ tư tưởng trọng nông đóng vai trò đó. Những nét sau đây chứng tỏ:
Thứ nhất, đây là một hệ tư tưởng chính thức, theo nghĩa nó chủ trương sử dụng quyền lực của nhà nước để tuyên truyền ở mọi nơi công cộng, đưa vào giảng dạy tại mọi nhà trường, buộc mọi công dân phải học tập. Vượt qua nội dung của học thuyết Quesnay, phải nói rằng điều làm cho nhóm Bách khoa toàn thư và Turgot dị ứng với các tác giả trọng nông chính là thái độ độc tôn và tinh thần giáo điều của họ, đặc biệt là giáo điều về sự hiển nhiên “không thể không thừa nhận”. Điều này càng lạc hậu vào thời đại Khai sáng, khi xã hội dân sự đã bắt đầu hình thành với những không gian thảo luận công cộng, và khi các giáo điều đưa ra được xem xét với lý tính phê phán của công dân.
Thứ hai, đó là một hệ tư tưởng về tính quy luật, luôn luôn viện dẫn tính tự nhiên, tính thiết yếu, tính hợp quy luật của trật tự xã hội trọng nông. Nó nhân danh tính khách quan của khoa học, và đồng hoá khoa học xã hội với khoa học tự nhiên: quan niệm duy vật của nó, cuối cùng, là một “chủ nghĩa vật lý”, đồng nhất hoá trật tự xã hội với trật tự vật chất, trật tự kinh tế với trật tự canh nông. Cho rằng nông nghiệp duy nhất có tính sản sinh, rằng sản phẩm ròng là tặng vật của đất đai, thật ra, chỉ là tín điều nhằm biện minh độc quyền của giai cấp quí tộc địa chủ chiếm hữu sản phẩm ròng và, từ đó, độc quyền lãnh đạo chính trị của nó. Đặc quyền đó có thể có lý do lịch sử, gắn với đòi hỏi bảo vệ đất nước chống ngoại xâm, như J. Gray - một tác giả Anh ủng hộ quan điểm trọng nông trong tranh luận với học thuyết Smith - có nhận xét. Song, ông cũng công nhận rằng lý do đó không còn nữa, rằng “đặc quyền” của địa chủ thu sản phẩm ròng đã mất tính chính đáng và trở thành “áp bức”[18]. Thứ ba, đó cũng là một hệ tư tưởng phi chính trị, xem việc nước không phải là việc công, việc của người dân, mà là công việc của một bộ phận trong xã hội nắm vững các quy luật tự nhiên. Thật vậy, cho rằng luật pháp chỉ là thể hiện quy luật tự nhiên, tức là phủ nhận rằng nó hình thành từ ý chí của toàn dân, trong một quá trình dân chủ. Với ý nghĩa đó, “chế độ cai trị tốt nhất là chế độ càng ít việc công càng tốt”; trái lại với “dân chủ, là chế độ cai trị biến mọi việc thành việc công” [Mirabeau, xem Weulersse 1950: 110]. Cho nên, trước tình hình khủng hoảng của chế độ quân chủ chuyên chế Pháp, và trong khi công luận chờ đợi cải cách chính trị, trường phái trọng nông đề nghị bầu ra quốc hội nhưng chỉ với chức năng của một hội đồng nhà nước, không có quyền lập pháp và chỉ có thẩm quyền phân phối thuế khoá.
Cuối cùng, đó còn là một hệ tư tưởng phi hiện thực, từ chối nhận diện xu thế phát triển của xã hội. Nó phủ nhận lợi nhuận của tư bản là một phạm trù thu nhập đặc thù của nhà doanh nghiệp: lợi nhuận, nếu hiện hữu, chỉ là do doanh nghiệp bán buôn không có ngang giá, là vì tự do thương mại chưa được xác lập. Hệ tư tưởng trọng nông cũng phủ nhận tư sản là một giai cấp đặc thù tách rời giai cấp lao động. Giải pháp nó đề nghị đối với giới tư sản doanh nghiệp là kết nạp họ vào giai cấp thống trị bằng con đường “địa chủ hoá”: qua đó, giai cấp quí tộc hy vọng có thể giành về nó quyền đại diện chính trị cho cả giai cấp tư sản đang lên. Đó là mâu thuẫn chính của hệ tư tưởng trọng nông, làm cho nó khó lòng tồn tại được lâu dài trong sự đối đầu với hệ tư tưởng tư sản: mọi cuộc tranh luận với học thuyết Smith chấm dứt sau khi Ricardo cho ra đời các Nguyên lý chính trị kinh tế học và thuế khoá [1817] - tác phẩm hoàn thành về mặt lý luận kinh tế học cổ điển[19]. Từ đó, hệ tư tưởng trọng nông cũng biến mất khỏi chính trường[20].
|
J. M. Keynes (1883-1946) |
Chiếm vị trí thống trị, hệ tư tưởng tư sản kế tục chủ thuyết về tự do kinh tế của Quesnay, đồng thời nó loại trừ chủ thuyết trọng nông về chuyên chế chính trị. Song, kinh tế học tự do chủ nghĩa chỉ vượt qua nghịch lý trọng nông một cách phiến diện, không biện chứng. Nó quan niệm nền kinh tế thị trường như tự điều tiết và phủ nhận vai trò điều tiết của nhà nước, là điều xác đáng nhất còn lại trong nghịch lý trong nông khi đã gạt bỏ tính chuyên chế của nhà nước. Điều này có nghĩa rằng, đối với Quesnay, nền kinh tế thị trường không chỉ là quan hệ xã hội chiều ngang, có tính phi tập trung (mối quan hệ giữa các chủ thể kinh tế với nhau), mà còn là quan hệ xã hội chiều dọc, mang tính tập trung (mối quan hệ giữa các chủ thể kinh tế với nhà nước): hay nói cách khác, các phạm trù kinh tế thị trường (tiền tệ, lao động làm thuê hay địa tô) không thể hiện hữu độc lập với nhà nước. Trái lại, tách rời kinh tế khỏi chính trị là cách đặt vấn đề của chủ nghĩa tự do kinh tế, và điểm tranh chấp sau cùng với các tác giả trọng nông. Đứng đầu trường phái kinh tế tự do chủ nghĩa ở Pháp, J. B. Say đặt học thuyết Quesnay ra ngoài khoa học kinh tế khi ông xác định rằng: “Cho đến thời điểm Smith viết, người ta đã nhầm lẫn chính trị, là khoa học cai trị, với chính trị kinh tế học là khoa học lý giải sự hình thành, phân phối và tiêu thụ của cải” [Say 1803: I, ii]. Đối với Du Pont de Nemours, chính trường phái của Say “đã thu hẹp lại sự nghiệp của chính trị kinh tế học khi quan niệm nó như là khoa học về của cải”, trong khi “nó là khoa học cai trị”: quên đi điều này, người cai trị sẽ bị “truất phế trong cuộc sống” và, “khi mất đi, sẽ bị lịch sử sỉ nhục” (Thư gửi J.B. Say, 22.4 1815 [Fischman 1998: 68-69]). Phát biểu lúc ấy, lời cảnh báo này dường như lạc điệu và lạc hậu, cho đến khi - sang thế kỹ thứ XX -, J.M. Keynes xác lập lại nó, trong bối cảnh của một nhà nước mang hình thức dân chủ: đó là thông điệp của Lý thuyết khái quát về nhân dụng, tiền lãi và tiền tệ [1936]. Với tất cả những ý nghĩa đó, và đối với nhiều xã hội đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, học thuyết trọng nông mang tính thời sự không chỉ trong phần “khoa học” mà cả ở phần “siêu hình” của nó.
Văn bản của Quesnay và các tác giả trọng nông:
QUESNAY, F. [1756], ‘Evidence’, Encyclopédie, in INED [1958, II]
QUESNAY, F. [1757a], ‘Grains’, Encyclopédie, in INED [1958, II]
QUESNAY, F. [1757b], ʹHommesʹ, Revue des doctrines économiques et sociales n° 1, 1908, in INED [1858, II]
QUESNAY, F [1757c], ‘Impôts’, Philosophie rurale, in INED [1858, II]
QUESNAY, F. [1758], Questions intéressantes sur la population, l’agriculture et le commerce, in INED [1958, II]
QUESNAY, F. [1765], ‘Le droit naturel’, Journal de l’agriculture, du commerce et des finances, in INED [1958, II]
QUESNAY, F. [1766a], ‘Analyse de la formule arithmétique du tableau économique’, Journal de l’agriculture, du commerce et des finances, in INED [1858, II].
QUESNAY, F. [1766b], ‘Sur les travaux des artisans’, Journal de l’agriculture, du commerce et des finances, in INED [1858, II]
QUESNAY, F. [1767a], ‘Despotisme de la Chine’, Ephémérides du citoyen, in INED [1958, II]
QUESNAY, F. [1767b], ‘Maximes générales du gouvernement d’un royaume agricole’, Physiocratie, in INED [1858, II]
DAIRE, E (ed.) [1846], Physiocrates, Guillaumin
DU PONT DE NEMOURS, P (ed.) [1767], Physiocratie, Merlin
INED (ed.) [1958], François Quesnay et la Physiocratie, INED-PUF
BAUDEAU, N. [1771], Introduction à la philosophie économique, in Daire [1846].
DU PONT DE NEMOURS, P. [1764], De l’exportation et de l’importation des grains.
DU PONT DE NEMOURS, P. [1768], De l’origine et des progrès d’une science nouvelle, Dessaint, in Daire [1846]
LE TROSNE, G. [1777], De l’intérêt social par rapport à la valeur, à la circulation, à l’industrie et au commerce intérieur et extérieur, Debure, in Daire [1846]
MERCIER DE LA RIVIERE, P. [1767], L’ordre naturel et essentiel des sociétés politiques, Geuthner 1910.
MIRABEAU, V. [1758/1760], L’Ami des hommes, Rouxel.
MIRABEAU, V., QUESNAY, F. [1763], Philosophie rurale, in INED [1958, II]
MIRABEAU, V., QUESNAY, F., Manuscrits du marquis de Mirabeau et de Quesnay, Archives nationales, in Weulersse [1910b]
Những văn bản khác
CARTELIER, J. [1976], Surproduit et reproduction, PUG-Maspéro.
CARTELIER, J. [1977], ‘Quesnay, Marx et la société d’ancien régime - Quelques aperçus’, in C. Benetti, J. Cartelier et al., Marx et l’économie politique, PUG-Maspéro.
CARTELIER J. [1991], ‘L’économie politique de François Quesnay ou l’utopie du royaume agricole’, in J. Cartelier (ed.), Quesnay - Physiocratie, Flammarion.
DELMAS, B., DEMALS, T., STEINER, P.(ed.) [1995a], La diffusion internationale de la Physiocratie (XVIIIe-XIX), PUG.
DELMAS, B., DEMALS, T. [1995a], ‘Karl Marx et la Physiocratie’, in B. Delmas, T. Demals, P. Steiner (ed.) [1995].
DELMAS, B., DEMALS, T. [1995b], ‘La physiocratie en Grande Bretagne au début du XIXe siècle: errances ou déshérence?’, in B. Delmas, T. Demals; P. Steiner (ed.) [1995].
DEMIER, F., [1995], ‘Néo-physiocratie et première industrialisation française’, in B. Delmas, T. Demals, P. Steiner (ed.) [1995].
FISHMAN M. [1998], ‘Le concept quesnayen d’ordre naturel’, Cahiers d’économie politique N° 32.
GAUDEMAR J.P. [1983], ‘La régulation despotique - Un commentaire du Tableau économique de Quesnay’, Revue d’économie politique n° 2.
|
Montesquieu (1689-1775) |
KEYNES, J.M. [1936], The general theory of employment, interest and money, bản dịch tiếng Pháp: Théorie générale de l’emploi, de l’intérêt et de la monnaie, Payot 1977.
MARX, K. [1862-1863], Théories sur la plus-value, Editions Sociales 1974.
MARX, K. [1890], Le Capital, Livre I, 4e éd. allemande, Editions Sociales 1983.
MONTESQUIEU [1748], De l’esprit des lois, Gallimard 1955.
NGUYỄN Văn Trình, NGUYỄN Văn Luân, VŨ Văn Nghinh [1997], Lịch sử các học thuyết kinh tế, nxb Thống Kê.
NGUYỄN Văn Trình (chủ biên) [1999], Lịch sử các học thuyết kinh tế - Hướng dẫn nghiên cứu và ôn tập, nxb Thống Kê.
RICARDO, D. [1817], Principles of political economy and taxation, bản dịch tiếng Pháp: Des principes de l’économie politique et de l’impôt, Flammarion 1992.
ROSANVALLON, P. [1979], Le capitalisme utopique, Seuil.
ROUSSEAU, J.J. [1762], Oeuvres complètes III - Ecrits politiques, Gallimard 1964.
SAY, J.B. [1803], Traité d’économie politique, Déterville
|
J. Schumpeter (1883-1950) |
SCHUMPETER, J. [1954], History of economic analysis, bản dịch tiếng Pháp: Histoire de l’analyse économique, Gallimard 1983.
SMITH, A. [1776], An inquiry into nature and causes of the wealth of nations, bản dịch tiếng Pháp: Recherches sur la nature et les causes de la richesse des nations, Flammarion 1991.
SRAFFA, P. [1959], Production of commodities by means of commodities, bản dịch tiếng Pháp: Production des marchandises par des marchandises, Dunod 1972.
STEINER, P. [1992], ‘L’économie politique du royaume agricole - François Quesnay’, in A. Béraud, G. Faccarello (ed.), Nouvelle histoire de la pensée économique, t. 1, La Découverte.
STEINER, P. [1995], ‘Quels principes pour l ‘économie politique? Charles Ganilh, Germain Garnier, Jean-Baptiste Say et la critique de la Physiocratie’, in B. Delmas, T. Demals, P. Steiner (ed.) [1995].
TURGOT A.R. [1913], Oeuvres de Turgot et documents le concernant, G. Schelle (ed), Alcan.
TURGOT, A.R. [1997], Formation et distribution des richesses, J.T. Ravix, P.M. Romani (ed.), Flammarion
RAVIX, J.T., ROMANI, P.M. [1997], ‘Le système économique de Turgot’, in Turgot [1997].
WEULERSSE G. [1910a], Le mouvement physiocratique en France. De 1756 à 1770, édition de Paris, Slatkine Reprints.
WEULRESSE, G. [1910b], Les manuscrits économiques de F. Quesnay et du marquis de Mirabeau aux Archives nationales, Geuthner.
WEULERSSE, G. [1950], La Physiocratie sous les ministères de Turgot et de Necker (1774-1781), PUF.
WEULERSSE, G. [1959], La Physiocratie à la fin du règne de Louis XV (1770-1774), PUF.
[*] Trường đại học Paris XIII, Pháp↩
[1] J. Schumpeter phân biệt trong học thuyết Quesnay một phần “khoa học” và một phần “tín ngưỡng tôn giáo” và cho rằng hai phần này độc lập với nhau, cho nên có thể chấp nhận phân tích kinh tế học của Quesnay mà để hệ tư tưởng triết học của ông qua một bên [Schumpeter 1954: I, 61-62; 327-328]. Xuất phát từ lãnh vực khoa học tự nhiên, phương pháp luận của Schumpeter có xác đáng đối với khoa học xã hội hay không? Học thuyết trọng nông là trường hợp điển hình cho thấy khoa học và hệ tư tưởng khó lòng có thể tách bạch trong lĩnh vực kinh tế học.↩
[2] P. Rosanvallon [1979: 154] đề xuất từ “nghịch lý trọng nông” để chỉ mâu thuẫn của học thuyết Quesnay khi nó quan niệm rằng trật tự xã hội có tính tự nhiên đồng thời chủ trương rằng nhà nước đảm bảo trật tự đó phải có tính chuyên chế.↩
[3] Tuy không nói đích danh, phê phán này nhắm đặc biệt J.J. Rousseau, tác giả của Khế ước xã hội [1762], xuất bản ba năm trước văn bản Pháp quyền tự nhiên [1765] của Quesnay. Mặc dù cùng suy nghĩ từ tự nhiên, lý luận của Quesnay và Rousseau hoàn toàn đối lập nhau. Theo Rousseau, sau khi trạng thái xã hội tự nhiên đã biến chất, trật tự xã hội phải được xác lập từ lý tính của những con người kết hợp thành “ý chí toàn dân”. Đối với Quesnay, trạng thái tự nhiên có thể biến chất nhưng, với lý tính, con người có khả năng phát hiện lại và xác lập trật tự xã hội tự nhiên.↩
[4] Phương pháp luận xuất phát từ toàn thể này đối lập học thuyết Quesnay với học thuyết của A. Smith mà phương pháp luận đi từ cá thể. Theo lý luận về “bàn tay vô hình” của Smith trong Nghiên cứu về bản chất và nguồn gốc của cải các dân tộc [1776: 42], lợi ích chung của xã hội không thể là kết quả của hành động nhắm thực hiện nó: lợi ích xã hội chỉ có thể là kết quả hành động của những con người cá thể đeo đuổi lợi ích riêng của mình.↩
[5] Quan niệm của Quesnay về con người ứng xử theo tự do và lý tính khá xa lạ với các ý niệm giản đơn về tự do và lý tính làm cơ sở cho “con người kinh tế” (homo oeconomicus) trong kinh tế học tân cổ điển.↩
[6] Quesnay nhắm, ở đây, Tinh thần pháp luật của Montesquieu. Khởi đi từ định nghĩa của Montesquieu phê phán chế độ chuyên chế như là chế độ cai trị “không có pháp luật” và dựa trên “cái sợ” [1748: I, 97; 125], các tác giả trọng nông khẳng định sự hiện hữu của chế độ chuyên chế tuân thủ pháp quyền và căn cứ trên sự hiển nhiên. Hơn thế, trong khi sự phê phán của Montesquieu viện dẫn những ví dụ ở châu Á là nơi chế độ chuyên chế “biến hoá thành tự nhiên” [1748: I, 180], các tác giả trọng nông đề cao Trung Hoa như là điển hình cho chế độ chuyên chế của trật tự tự nhiên.↩
[7] Từ “sản phẩm ròng” (‘produit net’) của Quesnay (sản phẩm ròng = sản phẩm gộp – chi phí sản xuất) khác nội dung với phạm trù sản phẩm ròng trong hệ thống tài khoản quốc gia (sản phẩm ròng = sản phẩm gộp - khấu hao tư bản cố định). Trái lại, từ “giá trị thặng dư” (‘plus-valeur’) của Le Trosne [1777, chương VI, § V] có định nghĩa tương đương với khái niệm giá trị thặng dư của Marx (‘plus-value’ hay ‘survaleur’).↩
[8] Biểu kinh tế trình bày theo bảng đầu vào - đầu ra (đơn vị tiền tệ: tỉ đồng bảng Pháp)
Chi
Thu | Giai cấp
sản sinh | Giai cấp
chủ sở hữu | Giai cấp
vô sinh | Tổng cộng
chi |
Giai cấp
sản sinh | 2 | 1 | 2 | 5 |
Giai cấp
chủ sở hữu | 2 | 0 | 0 | 2 |
Giai cấp
vô sinh | 1 | 1 | 0 | 2 |
Tổng cộng
thu | 5 | 2 | 2 | 9 |
↩
[9] J.P. Gaudemar [1983: 194] đề xuất từ chế độ “điều tiết chuyên chính” để chỉ hình thái kinh tế của chế độ “chuyên chính pháp luật” trong học thuyết trọng nông.↩
[10] Marx đề cập đến Quesnay và học thuyết trọng nông trong nhiều tác phẩm: Bản thảo 1844, Bản thảo 1857-1858, Chống Duhring, Tư Bản và nhất là Các học thuyết về giá trị thặng dư. Xem B. Delmas, T. Demals [1995: 150-173]. Hai tác giả nhận xét: một mặt, Marx đã không có điều kiện đọc mọi văn bản của Quesnay (như các bản đầu tiên của Biểu kinh tế, các Bản thảo Mirabeau - Quesnay hay các bài viết mà Bách khoa toàn thư không có xuất bản), và đã sử dụng nguồn gián tiếp của tác giả khác; mặt khác, các đánh giá của Marx về học thuyết Quesnay đôi khi không nhất quán, có những khía cạnh nhập nhằng, nước đôi.
Trong những điều kiện đó, cần đọc một cách phê phán các văn bản của Marx nói về Quesnay; và nhất là cần phân biệt rõ điều mà Quesnay viết và điều Marx đọc trong văn bản của Quesnay. Nhiều sách giáo khoa Việt Nam không có thái độ phê phán khi đọc Marx và chỉ thông qua đọc Marx mà đánh giá Quesnay. Xem Nguyễn Văn Trình [1997: 62 và tiếp; 1999: 18 và tiếp].↩
[11] Xem P. Sraffa, Sản xuất hàng hoá với hàng hoá [1959: 117]↩
[12] Chính Marx đã công nhận điều đó: “Giá trị trao đổi bằng tiền chính là điều chủ yếu đối với các tác giả trọng nông” [Marx 1862-1863: I, 451].↩
[13] Từ “khủng hoảng” (‘crise’), trước thời của Quesnay, là một thuật ngữ dành cho ngành y học: bản thân là bác sĩ, Quesnay đã vận dụng nó vào lĩnh vực xã hội-kinh tế. Nói về tình hình của nước Pháp vào giữa thế kỷ thứ XVIII, ông viết: “Cuộc khủng hoảng khiếp sợ sẽ đến và chúng ta sẽ phải vận dụng ánh sáng của y học” (Thư gửi Mirabeau 1758, xem Steiner [1992: I, 225]).↩
[14] Quesnay có nuôi ý đồ tìm sự bảo hộ “chính thức” của hoàng thái tử cho tạp chí Bản nhật sự của công dân (Les Ephémérides du citoyen) của trường phái trọng nông. Ông đã vận động được một “chứng chỉ chính trị” của cơ quan kiểm duyệt ghi nhận và biết ơn trường phải trọng nông đã đứng về phía chế độ quân chủ chuyên chế, chống lại những chủ trương về chế độ cộng hoà. Song đề án của Quesnay đã không thành vì nó gặp phải sự chống đối của Baudeau và Mirabeau nhất quyết bảo vệ quyền tự do phát biểu [Weulersse 1910a: I, 162].↩
[15] Xem G. Mably, Nghi vấn nêu lên đối với các nhà triết học kinh tế về trật tự tự nhiên và thiết yếu của các xã hội chính trị, 1768 [‘Doutes proposés aux philosophes économistes sur l’ordre naturel et essentiel des sociétés politiques’, in Collection complète des oeuvres de l’abbé Mably, t. IX, 1794-1795].↩
[16] Mặc dù các vấn đề đặt ra cho các xã hội châu Âu vào phần sau của thế kỷ thứ XVIII tương đối giống nhau (cải cách kinh tế và chính trị để vượt qua khủng hoảng xã hội), học thuyết trọng nông được đón nhận tương đối khác nhau tuỳ theo các đặc điểm kinh tế và chính trị của mỗi xã hội. Một số nước (Pháp, Anh, Bắc Ý) tiếp thu đặc biệt học thuyết Quesnay trong nội dung kinh tế của nó (cải cách kinh tế thị trường). Một số nước khác (Thuỵ Điển, Ba Lan, Đức, Áo, Nam Ý, Tây Ban Nha) tiếp thu, chính yếu, nội dung chính trị (nhà nước chuyên chế). Mặt khác, ở nhiều nơi, học thuyết trọng nông bị lẫn lộn với những học thuyết khác như chủ trương quản lý kinh tế của nhà nước (caméralisme) hay chủ trương bảo vệ lợi ích của địa chủ (agrarisme). Xem B. Delmas, T. Demals, P. Steiner (chủ biên), Sự phổ biến quốc tế của học thuyết trọng nông (thế kỷ XVIII-XIX) [1995a], đặc biệt bài tổng hợp của L. Agemi, J.L. Cardoso, E. Lluch [1995].↩
[17] Học thuyết Turgot báo trước các phạm trù của kinh tế học cổ điển: tư bản, tỷ suất lợi nhuận bình quân, tiết kiệm, lãi suất, địa tô chênh lệch, giá cả sản xuất của hàng hoá... Xem Ravix và Romani [1997: 32-59]. Đối với Schumpeter [1954: I, 349-351], các đóng góp của Turgot cho kinh tế học hiện đại vượt trội cả đóng góp của Smith.
Ngoài ra, cả Suy nghĩ về sự hình thành và phân phối của cải [1766] của Turgot lẫn Nghiên cứu nguồn gốc và nguyên nhân của cải các dân tộc [1776] của Smith đều là những tác phẩm thuộc thời kỳ quá độ, giai cấp tư sản đang lên nhưng chưa thắng thế. Tác phẩm của Turgot ghi nhận giai cấp chủ sở hữu là giai cấp duy nhất có thu nhập mà không phải lao động: là “giai cấp nhàn rỗi”, nó có điều kiện phụ trách việc nước [Turgot 1997: 165]; trong khi giới kinh doanh “cần gì quan tâm đến cai trị” [Turgot 1913: II, 301]. Còn tác phẩm của Smith nhận định rằng giai cấp địa chủ có lợi ích “gắn chặc với lợi ích chung” cho nên, trong khi bàn việc nước, tiếng nói của nó chắc chắn không làm cho nhà nước “lầm lạc”; trong khi đó, lợi ích của giới công thương nghiệp “không thể trung hợp với lợi ích của xã hội”, cho nên mọi đề xuất của nó phải được công luận xem xét trong tinh thấn “đa nghi”, “ngờ vực tối đa” [Smith 1776: I, 334; 336].↩
[18] Xem J. Gray, Các nguyên lý chủ yếu về của cải các dân tộc, minh hoạ đối lập với những học thuyết sai lầm của tiến sĩ Smith và tác giả khác, 1797 [Essential principles of the wealth of nations, illustrated in opposition to some false doctrines of Dr. Adam Smith and others, M. Kelley 1969, p. 61].↩
[19] Trong khi tác phẩm 1776 của Smith được ông xây dựng trong mối tương quan thuận hay nghịch, nhưng lúc nào cũng trọng thị học thuyết Quesnay, tác phẩm 1817 của Ricardo không dành một chương, một đoạn hay một chú thích nào cho Quesnay cả. Xem Delmas, Demals [1995b: 118] và Steiner [1995: 224].↩
[20] Đó cũng là thời điểm giai cấp địa chủ ở Pháp quay lưng lại với học thuyết Quesany, từ bỏ chủ trương trọng nông về tự do mậu dịch, theo đó: đối với một nước nông nghiệp, tự do xuất nhập khẩu tạo nên thị trường xuất khẩu, nâng cao giá nông sản, làm cho địa tô gia tăng. Suốt thời gian giá cả nông sản theo xu thế dài hạn đó (từ thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX), giới địa chủ Pháp đã nêu cao ngọn cờ tự do mậu dịch chống chủ trương bảo hộ kinh tế của giới công nghiệp. Khi thời kỳ chiến tranh của Napoléon kết thúc (vào năm 1814), giá cả nông sản bắt đầu xu thế giảm dài hạn: lúa mì của Pháp không cạnh tranh được trên thị trường với lúa mì Nga, giới địa chủ thay đổi quan điểm chiến lược với yêu sách bảo hộ nông nghiệp giống như công nghiệp (1820 là năm quay ngoặt lịch sử đó). Xem Démier [1995].↩