14.4.17

Niết bàn của các nhà kinh tế học (2): Các định luật



NIẾT BÀN CỦA CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC (2): CÁC ĐỊNH LUẬT

Định luật sắt của tiền lương
Người ta thường gán định luật này cho Marx, trong khi nó được phát biểu (và được sử dụng rộng rãi trong các cuộc mít tinh của những nhà xã hội chủ nghĩa) bởi Ferdinand Lassalle (1825-1864), một chính trị gia người Đức thuộc cánh cực tả. Ông cho rằng, trên thị trường lao động, sự cạnh tranh giữa người lao động với nhau sẽ không tránh khỏi việc kéo tiền lương trở về mức lương tối thiểu, một mức lương chỉ đủ đảm bảo tái tạo sức lao động. Trong thực tế, lập luận này đã được David RicardoThomas Malthus sử dụng, nhưng đã được biện minh bằng các quan điểm nhân khẩu học: dân số, do đó là số lượng người lao động, được cho là sẽ tăng nhanh hơn năng lực sản xuất nông nghiệp, do lợi tức giảm dần của đất khi lần lượt đưa vào canh tác những vùng đất kém mầu mỡ. Về phần mình, Lassalle đặt định luật của ông trên cơ sở ngưỡng của tương quan sức mạnh: các chủ sử dụng lao động có nhiều quyền lực hơn so với người làm công ăn lương, vì vậy người lao động cần phải phối hợp với nhau và lật đổ hệ thống tư bản chủ nghĩa để thay thế nó bằng hệ thống của các nghiệp đoàn lao động.
F. Lassalle (1825-1864)
Karl Marx (1818-1883)
Luận đề này không phải là của Marx. Đối với Marx, thù lao của sức lao động (mức lương) phụ thuộc vào những yếu tố mang tính “đạo đức và lịch sử”, cũng như vào trình độ lao động. Đó là điều không tương thích với “định luật sắt về tiền lương”, một định luật, mà giống như một la bàn, được cho là làm cho mức lương trở lại cùng một điểm cố định một cách tất yếu: mức lương tối thiểu đủ để người lao động và gia đình họ sinh tồn. Lassalle, người muốn qua mặt Marx từ cánh tả, cuối cùng đã qua mặt Marx từ cánh hữu, khi trở thành người sáng lập Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Nhưng nhà hoạt động [chính trị] này cũng là một người tình cảm. Phải lòng yêu con gái của một nhà ngoại giao, hơn nữa lại thuộc dòng dõi quý tộc, ông vấp phải sự từ chối của người cha, người có ý định gả con gái mình cho một người quý tộc khác. Điên tiết, Lassalle thách đấu tay đôi với người cha [của cô gái] và đối thủ của mình. Đó là một ý tồi: trận đấu là một thảm bại đối với ông, và ông chết ba ngày sau đó, ở tuổi 39.
Định luật về chi phí so sánh (hay định luật về lợi thế so sánh)
Sẽ là điều đáng tiếc khi Mozart, người dường như nấu ăn rất giỏi, lại dành thời gian của mình để nấu ăn, trong khi ông có khả năng sáng tác âm nhạc tuyệt vời. Ngay cả nếu (đây không phải là trường hợp này) ông là người nấu ăn giỏi nhất thế giới, thì thực tế là ông chỉ hơn các đối thủ nấu ăn của ông có một cái đầu [nhỏ], trong khi trong lĩnh vực âm nhạc không có ai đạt đến trình độ ở mắt cá chân của ông. Và như thế Salieri, mặc dù kém tài nấu ăn hơn Mozart, đã có thể chuyên tâm vào việc nấu ăn, bởi vì, nói cho cùng, ưu thế âm nhạc của Mozart đã bù đắp lớn hơn nhiều mọi phẩm chất nấu ăn của Salieri.
Bertil Ohlin (1899-1979)
Eli Heckscher (1879-1952)
Đó là kiểu lý luận hình thành nên định luật các chi phí so sánh, được David Ricardo (1772-1823) phát triển vào năm 1817: trong giao dịch quốc tế, nếu mỗi quốc gia chuyên sản xuất một hoặc nhiều mặt hàng mà họ có lợi thế so sánh lớn nhất (chớ không phải tuyệt đối) so với các đối thủ cạnh tranh, thì toàn thể thế giới sẽ hưởng lợi nhiều hơn, bởi vì mỗi quốc gia sẽ sản xuất những mặt hàng mà họ có lợi thế nhất (một cách tương đối). Và, cảm ơn trời đất, thương mại tự do giúp phát hiện những lợi thế so sánh của từng quốc gia, nhờ vào sự cạnh tranh giữa các quốc gia: như thế mỗi quốc gia có thể chuyên môn hóa trong những lĩnh vực mà mình có lợi thế nhất một cách tương đối, và từ bỏ những lĩnh vực khác, bởi vì họ có thể nhập khẩu các sản phẩm này với giá rẻ hơn so với việc nếu phải tự thân sản xuất ra. Eli Heckscher, Bertil Ohlin và Paul A. Samuelson đã hiện đại hóa định luật (hai nhà kinh tế học sau đã được trao “Giải thưởng Nobel”, lần lượt vào năm 1977 và năm 1970) bằng cách đưa vào một sự khác biệt giữa người lao động có tay nghề thấp và người lao động có tay nghề cao: khi một nền sản xuất đặc biệt đòi hỏi một công việc chuyên môn thấp, thì tốt hơn nên khu biệt nền sản xuất đó tại một nước thuộc phương “Nam” có rất nhiều lao động có tay nghề thấp, và khu biệt nền sản xuất có chất lượng cao tại các nước thuộc phương “Bắc”, nơi mà lực lượng lao động có tay nghề cao hơn.
Maurice Allais (1911-2010)
Paul Samuelson (1915-2009)
Về mặt lý thuyết, đây là điều không tránh được, nhưng khi phải đóng cửa hoặc di dời các doanh nghiệp, thì cái giá phải trả là rất cao, vì lẽ không bao giờ biết chắc được các hoạt động khác có thể tiếp tục vận hành được không. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các quốc gia đều xem định luật này như là kẻ trộm dòm ngó người hiến binh: tự hỏi làm thế nào để thoát khỏi viên hiến binh đó. Những lợi ích đạt được về mặt kinh tế sẽ được trả giá bằng các tổn thất về mặt xã hội ở phương Bắc và về mặt môi trường ở phương Nam, như lời nhấn mạnh của Maurice Allais (người được trao “Giải thưởng Nobel” vào năm 1988), cho rằng những lợi ích kinh tế từ sự chuyên môn hóa sẽ làm nghèo hơn là làm giàu thêm đất nước.
Friedrich List (1789-1846)
Paul Krugman (1953-)
Paul Krugman, tuy ủng hộ thương mại tự do, cũng phê phán định luật này, định luật mà ông cho là mang tính quá tĩnh: một đất nước khởi động trong một lĩnh vực nào đó không tránh khỏi hoạt động kém hiệu quả so với một đất nước đã làm chủ được lĩnh vực đó trong một thời gian dài và, ngoài ra, còn có thể hưởng lợi từ tính kinh tế theo quy mô. Nhưng một khi đã ổn định tình hình, thì họ có thể làm tốt hơn so với các nhà sản xuất lâu năm và do đó kích thích sự cạnh tranh (ví dụ như Airbus gây khó khăn cho Boeing). Đó là lập luận đã được Friedrich List, một nhà kinh tế học người Đức, người muốn bảo vệ “các ngành công nghiệp non trẻ” sử dụng trong thế kỷ 19. Có quá nhiều dấu “giáng” làm suy yếu tầm quan trọng của định luật Ricardo này.
Định luật Engel
Ernst Engel (1821-1896)
Friedrich Engels (1820-1895)
Ernst Engel (1821-1896), không nên nhầm lẫn với người bạn của Marx, Friedrich Engels, là một nhà thống kê người Phổ, người đã tiến hành các đo đạc đầu tiên về tiêu dùng và thu nhập của các hộ gia đình. Ông nhận thấy rằng, khi thu nhập tăng, các khoản chi cho ăn uống chiếm một tỷ lệ giảm dần trong tổng chi của các hộ gia đình, trong khi đó là điều ngược lại đối với những khoản chi mà ông gọi là “xa xỉ” (cho việc di chuyển, mua sách báo, đi chơi...), còn đối với các khoản chi cho quần áo thì tăng dần theo cùng một nhịp với mức thu nhập. Các nhận định thực nghiệm này đã dẫn đến sự ra đời của định luật Engel.
Kể từ một thế kỷ rưỡi nay (định luật được trình bày lần đầu tiên vào năm 1857), bộ ba nhận định trên thực ra đã không bị phủ định, cho dù cần phải diễn đạt nó một cách tinh vi hơn. Như vậy, sự gia tăng thu nhập sẽ khuyến khích một chế độ ăn uống phong phú hơn, thậm chí thay đổi các chế độ ăn uống: chúng ta đi ăn ở nhà hàng nhiều hơn, chúng ta mua các thức ăn đông lạnh, chúng ta uống rượu sâm-banh vào những dịp lễ lạt, và tất cả những điều này sẽ tốn nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, các khoản chi cho ăn uống (tất nhiên không bao gồm các bữa ăn ở nhà hàng) đã không ngừng chiếm một tỷ lệ giảm dần trong ngân sách của các hộ gia đình trong vòng một thế kỷ rưỡi qua: từ khoảng 60% vào năm 1860, xuống 33% một thế kỷ sau đó, 17% hiện nay (và 20% với các bữa ăn ở nhà hàng).
Đối với các khoản chi cho nhà ở (tiền thuê nhà, tiền cho hệ thống sưởi ấm, tiền cho trang thiết bị nội thất), thì tỷ lệ của chúng trong tổng chi đã không ngừng tăng dần: khoảng 5% vào năm 1860, đã tăng lên 22% vào năm 1960 và 31% hiện nay. Liệu nhà ở có là một khoản chi xa xỉ? Các hiệp hội của người tiêu dùng ủng hộ Engel trên điểm này.
Định luật Gresham
Thomas Gresham (1519-1579)
Thomas Gresham (1519-1579) là một chủ ngân hàng người Anh sống vào thời điểm mà tiền tệ được đúc hoàn toàn bằng kim loại; vào thời đó người ta sử dụng đồng thời các đồng tiền vàng và đồng tiền bạc (một hệ thống tiền tệ được gọi là “bản vị kép”). Thông thường, một đồng tiền có 31 gram bạc nguyên chất có mệnh giá giống như một đồng tiền có 2 gram vàng nguyên chất (người ta để sang một bên những rắc rối gắn với việc không bao giờ có đồng tiền nào có kim loại nguyên chất). Nhưng có tình trạng là đồng tiền vàng hay đồng tiền bạc được đánh giá thấp một chút so với đồng tiền kia. Ví dụ, việc những người chinh phục châu Mỹ phát hiện ra các mỏ bạc ở Bolivia vào thế kỷ 16 đã làm giảm giá kim loại này so với vàng. Khi đồng tiền vàng trở nên tương đối đắt hơn, thì các chủ ngân hàng thích chi tiền hoặc thanh toán bằng đồng tiền bạc có giá trị tương đối ít đắt hơn. Kết quả tất yếu là các đồng tiền vàng ngày càng trở nên khan hiếm hơn, trong khi đồng tiền bạc thì được lưu hành nhiều hơn: đồng tiền xấu [đồng tiền bị mất giá, là đồng tiền bạc trong ví dụ này] đuổi đồng tiền tốt, Gresham khẳng định, và từ đó cho ra đời định luật mang tên ông.
Định luật này có thể đã biến mất cùng với chế độ bản vị kép, nhưng nó lại xuất hiện mỗi khi mà hai hình thức tiền tệ cùng tồn tại có khả năng thấy được sự dao động của các giá trị trao đổi tương ứng của chúng: ví dụ, tại Argentina, vào những năm 1990, một đạo luật đã thiết lập một quy tắc đơn giản: đồng peso trị giá chính thức ngang với một đô-la. Vì vậy, người Argentina không phân biệt việc trả tiền mua hàng bằng đồng peso hay bằng đồng đô-la. Nhưng do lạm phát, đồng peso bị mất giá một chút, đến mức tất cả người Argentina, những người có khả năng [tài chính] sẽ chi trả bằng đồng peso và giữ lại những đồng đô-la quý báu của họ. Chỉ cần mất tám ngày để các đồng đô-la biến mất khỏi lưu thông: đồng tiền xấu đã đuổi đồng tiền tốt và Nhà nước Argentina đã buộc phải phá giá đồng peso. Không phải không có lý do mà Gresham, một chủ ngân hàng, đã trở nên giàu có.
Định luật King
Gregory King (1648-1712), không phát minh ra định định luật nào mang tên ông cả. Nhưng định luật đã được đặt tên như vậy để tưởng nhớ đến công trình của ông. Thực vậy, nhà thống kê học người Anh này đã tiến hành những ước tính nghiêm túc đầu tiên về dân số và mức tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, và đặc biệt đã quan tâm đến các mối quan hệ giữa việc sản xuất lúa mì và giá cả của lúa mì trên thị trường. Ông thấy rằng giá lúa mì tăng cao khi mùa thu hoạch kém, và giảm mạnh khi mùa thu hoạch tốt. Việc giải thích điều này rất đơn giản: vào thời đó, lúa mì là thực phẩm thiết yếu cơ bản. một yếu tố then chốt của cuộc sống (và sinh tồn), người ta phải mua lúa mì bằng bất cứ mọi giá. Trong trường hợp mùa thu hoạch kém, cầu chỉ giảm nhẹ, trong khi cung có thể giảm nhiều: từ đó mà giá cả tăng mạnh. Ngược lại, những mùa thu hoạch tốt trôi qua một cách khó khăn, bởi vì dạ dày của người tiêu dùng không mở rộng được: vì vậy giá cả cần phải giảm mạnh để một số người có thể mua nhiều hơn nhằm cho gia cầm ăn chẳng hạn.
Định luật King so sánh điều được gọi là độ co dãn của cầu (khi giá giảm xuống 1%, thì liệu cầu có tăng nhiều hơn hoặc ít hơn 1% không, và khi giá tăng lên 1%, thì liệu cầu có giảm nhiều hơn hoặc ít hơn 1% không?) và độ co dãn của cung (khi giá tăng lên 1%, thì liệu cung có tăng nhiều hơn hoặc ít hơn 1% không?). Lúa mì chính là sản phẩm mà độ co dãn của cung và độ co dãn của cầu đều rất thấp, có nghĩa là cung và cầu biến động rất ít khi giá cả biến động. Như vậy, phải có một biến động giá rất lớn để có thể cân bằng cung và cầu, bởi vì chi phí vận chuyển (để nhập khẩu lúa mì trong trường hợp mùa thu hoạch kém, hoặc xuất khẩu lúa mì trong trường hợp mùa thu hoạch tốt) cao và sản phẩm dễ hư hỏng. Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đều ở trong trường hợp tương tự. Tuy nhiên, định luật King vẫn còn tính thời sự. Tại sao?
Chủ yếu là vì sự chậm chạp của một số quá trình điều chỉnh và chi phí xã hội của các quá trình ấy. Ví dụ, khi giá lợn tăng, báo hiệu một nguồn cung không đủ, thì sẽ có rất nhiều nhà sản xuất phát triển trang trại để tận dụng xu hướng này. Nhưng khi thu hoạch bổ sung này đến với thị trường, thì trong thực tế nó tạo ra một cung mạnh hơn so với cầu, vì vậy giá cả giảm mạnh, loại bỏ những nhà sản xuất nào yếu kém nhất hoặc hoạt động kém hiệu quả nhất. Khi thu hoạch giảm, thì giá cả tăng lên và như vậy chu kỳ (được gọi là chu kỳ “thịt lợn”, nhưng điều này cũng đúng đối với các mặt hàng ngô, củ cải đường, hạt có dầu, v.v.) có thể tái diễn, đến vô tận. Thị trường thường xuyên tạo ra một loạt các biến động theo hướng đi lên hoặc đi xuống. Đó là định luật King, định luật mà trong những năm sau chiến tranh, đã biện minh cho các chính sách nông nghiệp nhằm giảm thiểu sự biến động giá cả. Nhưng hiện nay là thời điểm của toàn cầu hóa và King không còn nằm trong nghị trình. Người nông dân hối tiếc nó, nhưng không biết định luật này.
Định luật cung cầu
John Stuart Mill (1806-1873)

Trong tất cả các định luật, đây là định luật được biết đến nhiều nhất: không có ngày nào mà định luật không được một nhà bình luận đề cập đến, để ca ngợi những phẩm chất của thị trường, hoặc cáo buộc những tệ nạn của nó. Tuy nhiên, thuật ngữ này không được sinh ra dưới ngòi bút của những nhà sáng lập phân tích kinh tế. John Stuart Mill (1806-1873), trong cuốn Principes d’économie politique [Các nguyên lý kinh tế chính trị] (1848) của ông, đã nói đến “phương trình cung cầu.”
F. von Hayek (1899-1992)
Alfred Marshall (1842-1924)
Mãi cho đến Alfred Marshall (1842-1924) và cuốn sách của ông vào năm 1890, có tựa đề giống với tựa đề cuốn sách của Mill và là cuốn sách giáo khoa đầu tiên của kinh tế học tân cổ điển, ta mới tìm thấy thuật ngữ “định luật cung cầu”. Ông đề xuất một đường biểu diễn bằng đồ thị đã trở nên phổ quát: đường cong về cầu giảm khi giá cả tăng, còn đường cong về cung đi theo con đường ngược lại và vì vậy chắc chắn sẽ xảy ra một thời điểm khi mà hai đường cong này sẽ giao nhau, xác định một mức giá và một lượng cân bằng. Há chẳng phải là điều hiển nhiên? Khi mà mặt hàng dâu tây hiếm [trên thị trường], thì giá tăng cao, điều này cho phép loại bỏ những người mua quá nhiều. Như vậy, định luật cung cầu hoạt động như một nam châm (khi giá cả tăng, thì sẽ kích thích sản xuất tăng). Sự thay đổi đồng thời giữa giá cả và số lượng cho phép dẫn đến một tình huống mà, với một mức giá nhất định nào đó, toàn bộ cung sẽ được tiêu thụ và toàn bộ cầu sẽ được thỏa mãn. Phép mầu của thị trường, Hayek thốt lên.
Trừ phi mọi chuyện không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy. Đôi khi, khi giá giảm, cầu cũng giảm theo, bởi vì những người mua tiềm tàng diễn giải sự giảm giá này như là một sự suy giảm chất lượng (trong trường hợp của rượu vang, pho mát hoặc ô tô cũ đã qua sử dụng, ví dụ). Trong một số trường hợp, một hàng hóa đắt tiền giúp phân biệt người mua nó với những người khác không có phương tiện [để mua nó], và do đó, hưởng lợi từ mức cầu cao từ phía những người muốn được phân biệt (“hiệu ứng Veblen”, được đặt tên theo tên của nhà kinh tế học người Mỹ đã làm rõ nó).
Nói chung, cơ chế thời trang giúp làm tăng đồng thời giá cả và mức cầu. Trên các thị trường tài chính, một chứng khoán đang tăng giá sẽ thu hút người tìm kiếm một món hời và hy vọng vào một sự tăng giá tiếp theo, trong khi một chứng khoán đang mất giá sẽ khiến một số người sở hữu nó muốn loại bỏ nó: trong cả hai trường hợp, động thái mang tính tự duy trì. Nhưng ngược lại, khi giá của một nhu yếu phẩm hàng đầu (ví dụ như bánh mì) tăng, thì mức tiêu thụ của nó cũng tăng, bởi vì sự tăng giá đó chắc chắn không giới hạn ở mặt hàng bánh mì, mà còn ảnh hưởng đến các mặt hàng thực phẩm khác, đã trở nên quá đắt đỏ, và mức cầu sẽ giảm để giành tiền mua những mặt hàng nào ít tốn kém hơn là bánh mì (“hiệu ứng Giffen”, được đặt tên theo tên của nhà kinh tế học người Scotland, người đã làm rõ nó).
Nói tóm lại, định luật cung cầu thường bị vi phạm. Nhưng điều này không có nghĩa là nó không tồn tại, nhưng bố cục tốt đẹp của nó không phải là điều phổ quát, nó gần hơn với ẩn dụ này của Mill: “ở khắp mọi nơi, đại dương luôn có xu hướng cân chỉnh mực nước biển, nhưng chưa bao giờ giữ được mực nước đó; bề mặt của đại dương luôn gợn sóng và thường bị động bởi những cơn bão.
Định luật Okun
Arthur Okun (1928-1980)
Arthur Okun (1928-1980) là một nhà kinh tế học người Mỹ thuộc trường phái keynesian. “Định luật” của ông không hẳn là một định luật thực sự: nó chỉ đo lường, trong một quốc gia nhất định, diễn tiến của số lượng việc làm khi tăng trưởng tăng hoặc giảm một điểm, từ đó cho phép suy ra một tỷ suất tăng trưởng kinh tế tối thiểu để đẩy lùi tình trạng thất nghiệp, tại quốc gia đó. Vì vậy, đó là một phép đo hơn là một định luật. Ví dụ, tại Pháp, định luật Okun đưa ra một tỷ suất tăng trưởng tối thiểu là 1,3%. Nhưng tỷ suất này có thể thay đổi theo thời gian, bởi vì nó phụ thuộc vào diễn tiến của năng suất, tỷ lệ việc làm bán thời gian, v.v.. Okun đã trở nên nổi tiếng vì một đóng góp khác, dưới hình thức một ẩn dụ: nếu bạn có một khu vườn nằm xa nhà mà bạn chỉ có thể tưới tiêu bằng một cái thùng nước bị rò rỉ, thì bạn sẽ ngưng việc tưới tiêu đó từ một tỷ lệ phần trăm lượng nước bị thất thoát nào trên đường? Diễn dịch: từ những mức thất thoát nào mà chính phủ cần phải loại bỏ một khoản trợ cấp xã hội? Ông trả lời: đó là một vấn đề thuộc về niềm tin cá nhân. Một số người không chấp nhận một sự thất thoát nào dù nhỏ nhất; đối với cá nhân tôi, ông nói, tôi có thể chấp nhận đến mức 50%. Điều không tránh khỏi là sẽ luôn luôn có những kẻ khôn lỏi để được hưởng một cách không chính đáng những trợ giúp, nhưng điều đó không phải là một cái cớ để ngừng cố gắng làm giảm sự bất bình đẳng, đặc biệt đối với những người ở tận cùng của thang thu nhập. Ông không phải là người quá khoan hòa (ông khuyến nghị thắt chặt các quy định và kiểm soát), nhưng thứ bậc hóa các ưu tiên: không được bỏ rơi công bằng xã hội nhân danh cuộc chiến chống gian lận.
Định luật Pareto
Léon Walras (1834-1910)
Vilfredo Pareto (1848-1923)
Là người nối nghiệp Walras tại Đại học Lausanne, hầu tước Vilfredo Pareto (1848-1923) vào năm 1896, khi nghiên cứu về các dữ liệu thống kê thuế vụ, nhận thấy rằng trong hầu hết các nước mà ông có dữ liệu, có 20% những người đóng thuế trả 80% thuế. Tò mò, ông lại tìm ra một sự phân phối tương tự về di sản và thu nhập, và đưa ra kết luận cho rằng sự phân phối này có lẽ tương ứng với một “định luật tự nhiên”, mà ông gọi là “nguyên lý phân phối”, phản ánh sự phân phối không đồng đều về năng lực và trí tuệ thực hành trong một dân số nhất định. Ngụ ý, chỉ có một lượng nhỏ người mới thuộc tầng lớp tinh hoa, điều mà bản thân ông cũng không nghi ngờ. Nhưng phải đến năm 1956 thì Joseph Juran, một chuyên gia người Mỹ về kiểm soát chất lượng trong ngành công nghiệp, mới đặt tên cho nguyên lý phân phối này là “định luật Pareto”, sau khi tìm thấy rằng 80% những hỏng hóc của cùng một họ sản phẩm (một động cơ điện, ví dụ) xuất phát từ 20% các sản phẩm.
Định luật về dân số (hay định luật Malthus)
T. Malthus (1766-1834)
Cuốn sách của Robert Thomas Malthus (1766-1834) được xuất bản lần đầu (vào năm 1798), cuốn sách đã làm cho ông trở nên nổi tiếng, tiêu đề An Essay on the Principle of Population, as it affects the future improvement of society with remarks on the speculations of Mr. Godwin, M. Condorcet, and other writers [Tiểu luận về nguyên lý dân số bởi vì nó ảnh hưởng đến sự tiến bộ của xã hội trong tương lai với những nhận xét về các lý thuyết của các ông Godwin, Condorcet và của các tác giả khác] (ouf, tựa quả là khá dài!). Chính những người hâm mộ ông đã biến nguyên lý thành định luật: tỷ lệ sinh đẻ đạt đến mức mà số lượng người sống có xu hướng tăng nhanh hơn số lượng thực phẩm được sản xuất. Đối với Malthus, quy tắc này, áp dụng đối với tất cả các mọi người sống, phải dẫn đến một sự hạn chế sinh đẻ tự nguyện, đặc biệt qua việc lùi tuổi kết hôn và một sự kiêng khem quan hệ tình dục (Malthus là một mục sư). Nếu không, chính việc thiếu thốn thực phẩm nuôi sống sẽ loại bỏ số người dư thừa.
Malthus đã rút ra những kết luận gây sốc, ngay cả vào thời đó: chớ có giúp đỡ người nghèo, bởi vì điều này sẽ khuyến khích họ sinh đẻ, từ đó làm tăng tỷ lệ dân số bị nạn đói và nghèo khổ đe dọa. Malthus đã thổi điệu sáo dễ nghe này ở tất cả mọi nơi mọi lúc vào lỗ tai của người nộp thuế: sẽ là vô ích khi giúp đỡ người nghèo, nếu không muốn làm gia tăng nạn nghèo đói. Nhưng ông đã không tính đến việc con người có thể tự nguyện làm giảm khả năng sinh đẻ bằng các phương thức khác ngoài sự kiêng khem quan hệ tình dục, và khi tỷ lệ tử vong giảm xuống và khi tỷ lệ học thức tăng lên, thì họ lại có xu hướng làm điều đó [giảm tỷ lệ sinh đẻ]. Điều mà ngày nay chúng ta gọi là “sự quá độ dân số”, một thực tế khi mà tỷ lệ sinh đẻ giảm khi tỷ lệ tử vong giảm xuống, nhưng với một độ trễ trong thời gian.
Định luật này lại nổi lên trong cuộc tranh luận công cộng với “sự bùng nổ dân số” của thế giới thứ ba, trong những năm 1950. Với cảnh ngộ tương tự: mức sinh (số lượng con được sinh của một phụ nữ) trong phần lớn các nước thuộc phương Nam từ nay đã giảm xuống dưới 3 [đứa con] và đến gần với ngưỡng sinh mới bảo đảm số dân được giữ nguyên (trung bình cao hơn 2 con một chút cho một phụ nữ). Một lần nữa, sự quá độ dân số đã tiến nhanh trên diện rộng và đã được thực hiện trong 50 năm, trong khi châu Âu phải mất đến một thế kỷ. Và duy chỉ còn Châu Phi Hạ Sahara là vùng mà sự quá độ về dân số mới chỉ vừa bắt đầu.
Định luật về lợi tức giảm dần
David Ricardo (1772-1823)
Chính David Ricardo – lại ông ấy nữa! – là người phát minh ra định luật này. Khi dân số tăng, thì cần phải khai thác những vùng đất mới để nuôi sống con người, ông nói. Những vùng đất [mới] này kém năng suất hơn so với những vùng đất cũ, bởi vì hiển nhiên là người nông dân thích bắt đầu khai thác những vùng đất mầu mỡ nhất, những vùng đất làm cho họ làm việc ít nặng nhọc hơn. Lợi ích nhỏ, hậu quả lớn. Bởi vì, nếu phải mất hai giờ công để sản xuất thêm một ký lúa mì theo mức cầu của dân số, trong khi chỉ cần một giờ công cho những ký lúa mì khác, thì giá lúa mì trong tổng thể sẽ tăng lên, do không thể xem xét đến việc bán một ký lúa mì với một mức giá khác với mức giá của cậu em sinh đôi của mình, với lý do là nó có giá thành sản xuất đắt hơn. Vì vậy lợi tức giảm dần sẽ thúc đẩy giá cả tăng, đặc biệt là giá cả các mặt hàng thực phẩm. Đây là điều rất đáng buồn cho người lao động, Ricardo nói thêm, bởi vì điều đó sẽ làm cho họ càng nghèo thêm (và làm giàu cho các chủ đất, những người sẽ có dịp cho họ thuê lại những vùng đất có năng suất cao nhất với giá đắt hơn: đó là tô chênh lệch). Nhưng sự việc đã rồi.
Ricardo quan tâm đến vấn đề đất đai, các nhà kinh tế học tân cổ điển thì quan tâm đến việc khái quát hóa khái niệm. Trong một doanh nghiệp, khi sản lượng tăng, thì chi phí cận biên (chi phí của việc thêm một đơn vị đầu vào) bắt đầu giảm: bởi vì chúng ta có thể dàn trải các chi phí cố định trên một số lượng đơn vị sản xuất lớn hơn rất nhiều, cũng có thể bởi vì kinh nghiệm cho phép tiết kiệm được thời gian và nâng cao chất lượng (hiệu ứng tập huấn). Kết quả: chi phí trung bình giảm và giá bán cũng có thể dễ dàng giảm, ví dụ nếu người mua đặt mua những đơn hàng với số lượng lớn (những người cho thuê xe ô-tô, ví dụ, sẽ mua với giá rẻ hơn nhiều so với những người mua cá thể). Than ôi, những điều tốt đẹp không bao giờ kéo dài lâu. Đến một lúc nào đó thì chi phí cận biên bắt đầu tăng lên: giờ làm việc phụ trội trở nên đắt hơn, các dây chuyền sản xuất bắt đầu bão hòa, các kỹ sư không còn tìm được cách làm tăng những năng suất khả dĩ mới, v.v.. Theo các nhà kinh tế học tân cổ điển, định luật về lợi tức giảm dần có một giá trị phổ quát và việc sản xuất nhiều hơn cuối cùng cũng dẫn đến một chi phí cao hơn đối với một đơn vị sản xuất, từ đó thúc đẩy giá tăng lên.
Cần lưu ý rằng định luật này là khá thuận tiện: nó cho phép giải thích đường cong về cung. Khi cầu tăng, đó không chỉ vì tính cơ hội mà các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm của mình, mà còn vì tình thế bắt buộc, bởi vì các chi phí cho một đơn vị sản xuất của họ cũng tăng. Những người thực lợi của Ricardo là những người bóc lột, bởi vì họ kiếm lời từ sự tăng giá các mặt hàng thực phẩm theo mức cầu tăng dần, và họ hưởng lợi mà chẳng cần phải làm bất cứ điều gì. Nhưng những doanh nhân của các nhà kinh tế học tân cổ điển là những gã đáng thương: họ chỉ tác động đến giá cả khi nhận thấy các chi phí của họ đã tăng. Nếu không, họ sẽ biến mất. Họ không có lựa chọn.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Tuy nhiên cũng có một nhược điểm. Lợi tức giảm dần không phải là một điều gì rõ ràng. Hầu hết các doanh nghiệp cắt giảm chi phí bằng cách mở rộng quy mô sản xuất-kinh doanh lớn hơn: điều này đúng cho các ngành công nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm, các trung tâm mua sắm, quảng cáo, v.v.. Chỉ một nhà máy cán kim loại lớn cũng đã liên tục sản xuất ra nhiều sản phẩm tôn hơn so với nhiều nhà máy cán kim loại nhỏ. Chưa nói đến tính kinh tế theo quy mô (khấu hao các chi phí cố định trên một số lượng lớn các đơn vị sản xuất), các hiệu ứng tập huấn (xem ở phần trên), các cải tiến kỹ thuật (tự động hóa...). Với những công nghệ mới, chi phí cận biên gần bằng không: chi phí sản xuất cận biên của một phần mềm được giảm xuống bằng với chi phí bao bì và vận chuyển. Tất cả các phần còn lại là lợi nhuận. Vả lại Schumpeter đã hiểu được cách thức vận hành của chủ nghĩa tư bản, không phải với những doanh nghiệp chịu phải lợi tức giảm dần. Trong một số trường hợp, sự độc quyền là cách thức để sản xuất với mức chi phí thấp nhất: một mạng lưới đường sắt độc quyền, một mạng lưới điện thoại độc quyền, một mạng lưới cung cấp nước sinh hoạt độc quyền (ở tầm của một thành phố). Điều này được gọi là sự độc quyền tự nhiên.
Jean Tirole (1953-)
J.-J. Laffont (1947-2004)
Nhưng những doanh nghiệp nắm độc quyền, không có đối thủ cạnh tranh, có thể hưởng lợi từ vị thế không chính đáng này. Liệu nên chăng quốc hữu hóa chúng không? Jean Tirole và Jean-Jacques Laffont đã cho thấy rằng điều này không giải quyết được vấn đề, bởi vì Nhà nước (hay thị trấn) không nhất thiết có được tất cả các thông tin cần thiết để xác định một mức giá công bằng; vì thế các nhà quản lý mạng lưới nắm hết các tiền tô do các chi phí sản xuất của họ sẽ cho phép bán sản phẩm với mức giá rẻ hơn. Lợi tức tăng dần vận hành theo kiểu một cơn sóng thần: đặt lại vấn đề hiệu quả của sự cạnh tranh, định luật cung cầu, sự vượt trội về năng suất của doanh nghiệp tư nhân, v.v.. Thật tội cho Ricardo...
Định luật Say (hay định luật tiêu trường)
Adam Smith (1723-1790)
Jean B. Say (1767−1832)
Định luật Say được đặt theo tên của Jean Baptiste Say (1767-1832), nhà kinh tế học người Pháp trở nên nổi tiếng với việc phổ biến các phân tích của Adam Smith trên lục địa (châu Âu – ND). Định luật của ông được tóm tắt như sau: sản phẩm được trao đổi với sản phẩm, hay là cung sẽ tạo ra chính cầu của nó. Để sản xuất, một doanh nghiệp mới phải mua hàng hóa hoặc dịch vụ và phải thuê nhân viên: làm như vậy, họ phải bỏ tiền ra. Đến lượt những số tiền được chi ra đó sẽ được những người thụ hưởng chi cho các khoản thanh toán. Việc cung tăng thêm là động cơ và tạo ra cầu tăng thêm với tầm quan trọng bằng nhau. Không thể có khủng hoảng thừa, nhưng chỉ có những bất điều chỉnh tạm thời theo khu vực, ví dụ như do sản xuất ra quá nhiều sản phẩm này nhưng không đủ đối với sản phẩm kia.
Các nhà kinh tế học cổ điển và tân cổ điển tin chắc vào những điều trên, vốn dẫn họ đến việc phủ nhận khả năng xảy ra những cuộc khủng hoảng lâu dài do chính bản thân hệ thống kinh tế gây ra. Các cuộc khủng hoảng chỉ có thể đến từ những nguyên nhân bên ngoài, chẳng hạn như việc ít khám phá ra các mỏ vàng (đã đóng một vai trò tiền tệ then chốt trong thế kỷ XIX), một cú sốc dầu hỏa... hoặc một chính sách kinh tế tồi tệ của Nhà nước (cách giải thích cuộc khủng hoảng vào năm 1929 của Milton Friedman). Keynes đã bác bỏ sự phân tích này, làm nổi bật khả năng của một tình trạng dư thừa tiết kiệm (không được chuyển thành đầu tư), vì vậy sinh ra không đủ cầu.
Béatrice Majnoni Intignano
Milton Friedman (1912-2006)
Những nhà kinh tế học trọng tiền và những nhà kinh tế học tân cổ điển đã tiến hành phục hồi định luật Say, gợi ý rằng phải làm mọi thứ để giải phóng cung, cầu sẽ luôn luôn đi theo sau. Ở Pháp, chúng ta thậm chí đã thấy một nữ kinh tế gia (Béatrice Majnoni Intignano) nhắc đến một “định luật Say về việc làm”: số lượng người lao động tham gia thị trường lao động càng lớn (cung lao động, thường được gọi là cầu việc làm), thì tốc độ tăng trưởng kinh tế càng cao. Bởi vì tất cả những người lao động đó hiển nhiên sẽ tạo ra một cầu lao động (tạo công ăn việc làm) nếu các tham vọng của họ không quá đáng. Vì vậy, chỉ cần một ứng viên lao động xuất hiện trên thị trường thì họ sẽ tìm được việc làm, nhờ vào bàn tay vô hình của thị trường và việc hàng ngàn doanh nhân chỉ chờ có điều đó. Một sự lạc quan đáng ngưỡng mộ hay là một chuyện cổ tích? Những người tìm việc sẽ quyết định.
Định luật về giá trị
Định luật thực ra được Marx phát triển, nó đã trở thành, đối với hầu hết những người công nhận ông, tiêu chí mang tính quyết định để phân biệt các “nhà kinh tế học tư sản” với các “nhà kinh tế học khoa học” (có nghĩa là “mác-xít”). Là một thứ vũ khí chiến đấu đồng thời là công cụ trí tuệ, định luật này khẳng định rằng giá trị của mọi nền sản xuất được xác định bởi lượng lao động xã hội cần thiết để tạo ra nó, cho dù đó là lao động trực tiếp hoặc gián tiếp (để sản xuất các hàng hóa trung gian và các trang thiết bị được sử dụng). Thuật ngữ “xã hội” có nghĩa là không đề cập đến một nhà sản xuất cụ thể nào hết, mà là tất cả những nhà sản xuất cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ: những nhà sản xuất nào phát triển được các kỹ thuật tiết kiệm công sức lao động sẽ có cơ hội bán sản phẩm với mức giá thấp hơn giá trị trung bình, sẽ loại bỏ những nhà sản xuất nào, mà để tạo ra sản phẩm, cần đến nhiều công sức lao động hơn so với mức giá trung bình của các nhà sản xuất. Giá thật sự trên thị trường biến động theo cung và cầu, nhưng giá trị lao động, theo một cách nào đó, là trọng tâm của lực hấp dẫn. Vấn đề là khối lượng lao động có thể khỏa lấp vấn đề phẩm chất lao động vốn rất khác nhau, giữa phẩm chất của người kỹ sư và phẩm chất của người công nhân.
Là một loại định luật thiêng liêng đối với hầu hết các nhà kinh tế học mác-xít, “định luật về giá trị” đã tạo ra những cuộc tranh cãi bất tận, khó hiểu đối với hầu hết các nhà kinh tế học đương đại, có phần giống một chút với các cuộc tranh luận về giới tính của các thiên thần vào thời Trung Cổ. Nhưng vẫn luôn còn đó một vài người hoài cổ.
Định luật Wagner
Adolph Wagner (1835-1917)
Khi xã hội càng văn minh, Nhà nước càng phải chi tiêu nhiều hơn,” đó là nhận định của Adolph Wagner (1835-1917), một nhà kinh tế học người Đức, vào năm 1872. Một nhận xét mà ông đã biến thành “định luật” tất yếu vì hai lý do. Một mặt, bởi vì hoạt động của nền kinh tế, để phát triển, cần đến những cơ sở hạ tầng mà chỉ có Nhà nước mới có thể thúc đẩy và tài trợ: đường bộ giao thông, đường sắt, hệ thống nước sinh hoạt và thoát nước (ngày nay chúng ta có thể thêm vào sân bay, hệ thống cung cấp điện, mạng 4G, v.v.). Mặt khác, bởi vì mức sống, khi tăng cao, sẽ tạo ra những nhu cầu mới (về giáo dục, y tế), mà mức độ hài lòng sẽ đồng thời kích thích và tạo điều kiện cho mức độ tăng trưởng kinh tế.
Gần một thế kỷ rưỡi sau đó, định luật này đã bị đưa ra tranh cãi dữ dội, và các nhà kinh tế học tự do vui mừng trước việc các chi tiêu công có xu hướng giảm dần trong cơ cấu của GDP. Nhưng nên lưu ý là mức giảm này đi kèm với sự gia tăng bất bình đẳng và nhiều hình thức loại trừ khác nhau gây thiệt hại cho những tầng lớp dễ bị tổn thương nhất. Trong khi định luật Wagner dựa trên một nền móng chủ yếu có tính kinh tế, thì việc đặt lại vấn đề định luật này sẽ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les lois, les théorèmes, les courbes..., Les Dossiers d’Alternatives Economiques, Hors-série no 4, septembre 2016.
Print Friendly and PDF