22.4.17

Niết bàn của các nhà kinh tế học (3): Các định lý

Niết bàn của các nhà kinh tế học (3)

CÁC ĐỊNH LÝ

Định lý bất khả của Arrow

Kenneth Arrow, nhà kinh tế học người Mỹ (1921-2017), là một thiên tài. Ông có thể nhận mười lần “giải thưởng Nobel về kinh tế” khi mà những đóng góp của ông cho phân tích kinh tế là rất đa dạng và sâu sắc. Nhưng ông chỉ nhận giải thưởng Nobel về kinh tế có một lần, vào năm 1972. Là một nhà kinh tế học tự do (hiểu theo kiểu Mỹ, có nghĩa là có tư tưởng khuynh tả), tân cổ điển nhưng có một số xu hướng theo chủ nghĩa can thiệp, ông rất khó để phân loại. Định lý của ông mang tính chính trị thực sự. Định lý đó dựa nhiều vào những gì được gọi là nghịch lý Condorcet. Đó là việc ba người cùng ăn sáng với nhau. Họ chỉ có một cái thìa để phết một cái gì đó lên lát bánh mì. Ségolène thích mứt dâu tây, không ghét mứt Nutella [mứt sô-cô-la hạt dẻ] và không thể ngửi được mùi mật ong. François rất thích mứt Nutella, không ghét mật ong, nhưng đặc biệt lại không thích mứt dâu tây. Cuối cùng, Nicolas rất thích mật ong, nhưng không thích mứt dâu tây và ghét mứt Nutella. Đầu tiên, bà chủ nhà giới thiệu mứt Nutella: đương nhiên là Nicolas từ chối, nhưng hai người kia thì đồng ý, một người với tất cả sự thích thú, và người kia với tâm trạng tự nhủ “dù sao đi nữa, tại sao không thử? Hãy thử mứt Nutella vậy”. Nhưng bà chủ nhà cũng có thể giới thiệu mứt dâu tây: sẽ có hai người chấp nhận và một người từ chối. Và nếu bà ấy giới thiệu mật ong, thì kịch bản cũng giống vậy, nhưng khác người lựa chọn. Nói tóm lại, do sự đa dạng của sở thích, sự lựa chọn cuối cùng phụ thuộc vào thứ tự mà các đề xuất được giới thiệu để tán thành hay không. Điều mà mọi chủ tọa có tiếp xúc một ít với chuyện điều hành việc công đều phải biết rằng: chương trình nghị sự là điều quan trọng.
Kenneth Arrow (1921-)
Nhưng Arrow rút ra một kết luận khác, không kém phần quan trọng. Do định luật đa số không nhất quán (không thể có một đa số nhất quán khi có hơn hai lựa chọn liên tiếp để chọn) do sở thích riêng của cá nhân, cách duy nhất để đạt được một sự lựa chọn tập thể có tính nhất quán là dựa vào một người độc tài nhân từ. Là người độc tài, ông ta sẽ không cần tranh thủ sự chấp thuận của người dân, nhưng là người nhân từ, ông ta sẽ quan tâm để cho các quyết định của mình tối đa hóa được phúc lợi của toàn xã hội. Chẳng hạn như chế độ độc tài thị trường. Arrow đã mở ra chiếc hộp Pandora: chế độ dân chủ đôi khi không có giá trị bằng thị trường. Ngoại trừ là, trên thị trường, Nicolas, Ségolène François không cân nặng bằng nhau (Nicolas [Sarkozy], Ségolène [Royale] François [Hollande] là tên của 3 ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012 – ND). Định lý bất khả, nếu đi đến cùng, chỉ có thể được chấp nhận trong kinh tế nếu tình trạng bất bình đẳng được giảm thiểu.

Định lý Coase

Ronald Coase (1910-2013)
George Stigler (1911-1991)
Ronald Coase (1910-2013), nhà kinh tế học người Anh, được trao “Giải thưởng Nobel về kinh tế” vào năm 1991 nhờ định lý này, định lý đã được một nhà kinh tế khác được “Giải thưởng Nobel” vào năm 1982, George Stigler, đặt tên. Trong một dòng sông cá hương, đó là sự tàn phá: một xưởng thuộc da đe dọa đặt cơ sở chế biến trên thượng nguồn và gây ô nhiễm cho dòng sông. Một thảm kịch đối với những người đam mê câu cá hương. Họ có thể nỗ lực cầu cứu sự can thiệp của các cơ quan chức năng để áp đặt các quy định bảo vệ [môi trường]. Nhưng điều đó sẽ mất nhiều năm và sẽ làm phật lòng một bộ phận dân cư mà đối với họ xưởng thuộc da tượng trưng cho những việc làm mới.
Một giải pháp khác là hiệp hội những người câu cá – bao gồm khoảng một trăm người – sẽ tiến hành đàm phán với người chủ xưởng thuộc da để người này xây dựng một bể xử lý nước thải hiệu quả. Do cuộc đàm phán có thể được tiến hành giữa ​​hai thực thể – doanh nghiệp và hiệp hội – các “chi phí giao dịch” sẽ được giảm thiểu: chẳng hạn như người chủ xưởng không phải đi gặp từng người câu cá một để thương lượng với họ về một sự đóng góp cho kinh phí xây dựng bể xử lý nước thải, do từng người sẽ cố thoái thác trách nhiệm cho các đồng nghiệp của mình. Người ta sẽ nhanh chóng tìm ra một thỏa thuận dân sự: tất cả các bạn sẽ tài trợ cho bể xử lý nước thải và tất cả các bạn có thể tiếp tục đánh bắt cá.
Vì vậy, định lý Coase rất đơn giản: nếu các chi phí giao dịch thấp hoặc bằng không và có các quyền sở hữu rõ ràng, thì người ta có thể đề xuất với những người gây ô nhiễm các giải pháp để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm bằng cách đền bù cho họ những chi phí có liên quan. Điều này sẽ rẻ hơn và hiệu quả hơn so với việc viết ra một quy định pháp luật, rồi làm cho nó được tuân thủ. Thay cho các luật, nghị định, tiền bảo vệ, tiền phạt và hàng ngàn sự can thiệp khác của Nhà nước, thì chỉ cần thiết lập các thủ tục vận hành của thị trường và tư nhân hóa không gian công cộng. Chúng ta đều hiểu rằng định lý này sẽ làm cho các nhà bảo vệ môi trường tức giận và làm những người theo khuynh hướng tự do vui mừng. Nhưng hai bên cần phải bình tĩnh lại: những trường hợp mà chi phí giao dịch thấp hoặc bằng không là những trường hợp khan hiếm đáng kinh ngạc. Một điều đáng tiếc cho những con cá hương.

Định lý Haavelmo

Trygve Haavelmo (1911-1999)
John M. Keynes (1883-1946)
Lại thêm một nhà kinh tế khác được “Giải thưởng Nobel” (1989) vinh danh: Trygve Haavelmo (1911-1999), nhà kinh tế học người Na Uy nghiên cứu gần như mọi thứ, nhưng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Keynes. Keynes đã bảo vệ ý tưởng cho rằng, khi cầu hiệu quả không đủ trong một nền kinh tế nhất định, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại (một cuộc suy thoái), thậm chí là suy sụp (hoạt động kinh tế giảm xuống), Nhà nước có thể kích hoạt lại guồng máy bằng cách chi tiêu nhiều tiền hơn so với những gì mà họ thu được. Mức thâm hụt công phát sinh từ sự việc nói trên chỉ là tạm thời, bởi vì việc thúc đẩy lại hoạt động kinh tế làm tăng nguồn thu thuế, sẽ cho phép làm giảm mức thâm hụt này. Các nhà kinh tế học tân cổ điển đã vặn lại, vào những năm 1980, rằng người dân không điên: khi thấy mức thâm hụt công tăng lên, họ biết rằng, vào một ngày nào đó, họ sẽ phải trả giá cho hiện tượng này; họ ghim tiền lại, một điều làm vô hiệu hiệu ứng kích hoạt lại các chi tiêu công bổ sung (một hiện tượng thường được gọi là “tương đương Ricardo”, do đã được Ricardo nêu lên).
Nhưng đó là không tính đến Haavelmo. Tại sao phải vay tiền để tài trợ cho các chi tiêu công bổ sung nhằm kích hoạt lại nền kinh tế, ông ngạc nhiên thốt lên? Chúng ta cũng có thể đạt được mục tiêu đề ra nếu tăng thuế đánh vào thu nhập hoặc tài sản của những thành phần giàu có nhất trong dân số, mà tầm quan trọng của việc tiết kiệm là nguyên nhân của cầu không đủ. Các mức thuế bổ sung sẽ được dùng để tài trợ cho gói kích thích kinh tế trong khi Nhà nước không cần phải vay tiền. Điều này chỉ khả thi với điều kiện là việc thu thuế bổ sung này không dẫn đến việc các đối tượng nộp thuế cắt giảm những khoản đầu tư (“hiệu ứng lấn thế”, theo cách nói của các nhà kinh tế học). Bởi vì nếu Nhà nước kích hoạt lại nền kinh tế, trong khi những người giàu có (cá thể hoặc doanh nghiệp) cắt giảm các khoản đầu tư của họ cũng chừng mức ấy, thì việc này sẽ vô hiệu việc kia và chúng ta sẽ quay trở lại điểm khởi đầu. Ngoài ra, Haavelmo cũng nhấn mạnh rằng, trong một nền kinh tế mở, hoàn toàn có khả năng là mức thặng dư chi tiêu công sẽ dẫn đến việc nhập khẩu nhiều hơn so với những gì được sản xuất trong nước. Ông là một nhà keynesian thận trọng.

Định lý Modigliani-Miller

F. Modigliani (1918-2003)
M. H. Miller (1923-2000)
Đây không phải là định lý kinh tế nổi tiếng nhất, nhưng nó đã đóng một vai trò to lớn đối với các chuyên gia tài chính. Franco Modigliani (1918-2003) và Merton Miller (1923-2000), hai nhà kinh tế được “Giải thưởng Nobel” vào năm 1985 và năm 1990, đã chỉ ra rằng giá trị trên thị trường chứng khoán của một doanh nghiệp không phụ thuộc vào cách thức doanh nghiệp được tài trợ, bất luận là bằng cách vay nợ, bằng lợi nhuận thu được (tự cung cấp tài chính) hoặc bằng cách kêu gọi cổ đông góp vốn. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, khi lãi suất thấp, thì giải pháp đầu tiên là thích hợp hơn: nếu tôi vay với lãi suất 4% và hoạt động đầu tư được tài trợ từ khoản vay này mang lại 6 hoặc 8%, thì tôi là người thắng cuộc và doanh nghiệp của tôi có giá trên thị trường. Đây là điều mà chúng ta thường gọi là hiệu ứng đòn bẩy. Sai, hai nhà tài chính của chúng ta đáp lại, các bạn quên đi một điều: dù trời nắng hay mưa, doanh nghiệp vay nợ sẽ phải trả lãi và trả lại vốn vay. Các chi phí cố định này làm cho doanh nghiệp trở nên bấp bênh hơn trước những diễn biến bất ngờ của đời sống kinh tế, như tất cả những ai đã từng vay nợ mua nhà ở đều biết rất rõ. Một số cổ đông sẽ bán cổ phần của mình, làm cho giá cổ phiếu giảm trên thị trường, điều này sẽ vô hiệu hóa sự tăng giá do hiệu ứng đòn bẩy tạo ra: cuối cùng giá trị của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán không bị tác động.
Tất nhiên, giống như mọi định lý, định lý này phụ thuộc vào một điều kiện: sự thiếu vắng các chi phí giao dịch và thông tin. Có nghĩa là ý tưởng cho rằng các thị trường tài chính vừa mang tính hữu hiệu (chuyển tải tất cả các thông tin có sẵn và tất cả mọi người biết được thông tin đó) vừa mang tính hoàn hảo (không có bất cứ chi phí gì để mua hoặc bán những chứng khoán có liên quan). Những giả thuyết mạo hiểm, như mọi người đều có thể thấy khi các bong bóng bị vỡ.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les lois, les théorèmes, les courbes..., Les Dossiers d’Alternatives Economiques, Hors-série no 4, septembre 2016.
Print Friendly and PDF