5.7.19

Campuchia và "Con đường tơ lụa mới": cơ sở hạ tầng được trả bằng giá của một chủ nghĩa tư bản trục lợi

CAMPUCHIA VÀ “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI”: CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐƯỢC TRẢ BẰNG GIÁ CỦA MỘT CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TRỤC LỢI
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường [Li Keqiang] tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 22/1/2019. (Nguồn: AsiaTimes)
Về nghệ thuật thích nghi với sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Hun Sen hoan nghênh việc ông tham gia diễn đàn lần thứ hai về các “Con đường tơ lụa mới, tại Bắc Kinh vào ngày 25 và 26 tháng 4 vừa qua. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Trung Quốc đóng góp vào sự phát triển của Campuchia, khi đặc biệt dẫn ra Đặc khu kinh tế Sihanoukville và con đường cao tốc sẽ kết nối Sihanoukville với Phnom Penh trong tương lai. Ngăn ngừa trước sự phản đối, ông đã gạt bỏ nguy cơ Campuchia rơi vào bẫy nợ. Trong thực tế, Campuchia là nước hưởng lợi quan trọng trong sáng kiến ​​này của Trung Quốc, ngay cả khi Campuchia không có được một vị trí chiến lược trên những con đường này, vì các lý do về mặt địa lý.
Điều này hầu như không có gì ngạc nhiên đối với đồng minh hàng đầu của Trung Quốc trong ASEAN. Đầu tiên dưới sự bảo vệ của Việt Nam, chế độ Hun Sen, trong thực tế, đã có một liên minh thất thế với Trung Quốc, nước mà từ nay họ dựa vào để chống lại các áp lực của Mỹ và châu Âu trước sự chệch đường ngày càng theo hướng độc tài của chế độ. Sự phụ thuộc của Campuchia không chỉ là vấn đề chính trị: Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của nước này.
Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại nước này, Trung Quốc đã đóng góp hơn 5,3 tỷ US$ từ năm 2013 đến năm 2017. Là nhà cung cấp hàng đầu, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 4,5 tỷ US$ trong năm 2016, tương đương gần 37% tổng kim ngạch nhập khẩu của Campuchia, vượt xa Thái Lan, nước xuất khẩu thứ hai với 1,9 tỷ US$. Là nhà cho vay hàng đầu, sự hỗ trợ của Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng số nợ của Nhà nước Campuchia (ngoài các khoản nợ còn gây tranh cãi với Nga và Hoa Kỳ). Là nhà cung ứng du lịch hàng đầu, Trung Quốc đã gửi hơn 2 triệu khách du lịch [đến Campuchia] trong năm 2018, chiếm 32,6% trong tổng số khách du lịch, theo các dữ liệu kinh tế mới nhất của Ngân hàng Thế giới.
Cuối cùng, Bắc Kinh là nhà viện trợ phát triển hàng đầu: từ năm 2016 đến năm 2018, người Trung Quốc đã đóng góp trung bình 292 triệu US$ mỗi năm, chiếm 28% tổng mức viện trợ và 37% viện trợ song phương, tức nhiều hơn Nhật Bản (144 triệu US$) và Ngân hàng Phát triển châu Á (138 triệu US$). Ngoài những gì có thể đo lường được trước mắt, các mối quan hệ chính trị và kinh tế rất chặt chẽ này còn được phản ánh qua việc phát triển một nền giáo dục bằng tiếng Trung Quốc với những “giá trị” mới, và việc phổ biến những đặc điểm [ethos] làm việc và kinh doanh mới. Vả lại, các mối quan hệ nói trên cũng góp phần mang lại một vai trò trung gian, cho một số thành viên của cộng đồng quan trọng Trung Quốc-Khmer, tương đương với vai trò    của nhà tư sản mại bản [comprador] đối với người Pháp, từng là vai trò trung gian của tổ tiên họ[1].
ngoài CƠ SỞ HẠ TẦNG LÀ CHIẾN LƯỢC gây ẢNH HƯỞNG
Các “con đường tơ lụa mới” được tổ chức xoay quanh 6 hành lang, trong đó có hành lang kết nối Trung Quốc với bán đảo Đông Dương. Thế nhưng Campuchia nằm lệch tâm so với hành lang này: Campuchia nằm ở phía đông của trục Côn Minh-Singapore, trục cho phép tiếp cận Ấn Độ Dương bằng đường bộ, giải pháp thay thế cho tuyến đường biển ở Biển Đông, không gian đang tranh chấp và có khả năng không ổn định. Cảng Sihanoukville cũng không chiếm một vị trí quan trọng trên Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ XXI”: Đây không phải là chặng dừng chân bắt buộc đối với các tàu chở dầu khi đi qua eo biển Malacca để đến Trung Quốc. Tuy nhiên, Sihanoukville cho phép tiếp cận Vịnh Thái Lan, tiềm tàng phong phú về hợp chất hydrocarbon, và cùng với tỉnh Koh Kong sẽ tạo thành một căn cứ chiến lược cho hải quân Trung Quốc trong trường hợp xung đột với Việt Nam.
Vì vậy, vị trí quan trọng của Campuchia trong các “Con đường tơ lụa mới” không xuất phát từ những cân nhắc mang tính thuần túy về mặt hậu cần cho việc triển khai mạng lưới cơ sở hạ tầng trên hành lang Bắc-Nam Trung Quốc-Bán đảo Đông Dương. Các dự án của Trung Quốc cho các tuyến đường sắt mới ở Campuchia nằm trên các trục Đông-Tây (Phnom Penh-Siem Reap và Phnom Penh-Kandal-Biên giới Việt Nam). Người ta cũng thấy điều tương tự đối với tuyến đường từ Pursat đến Veal Veng nối với biên giới Thái Lan và tuyến đường Phnom Penh-Sisophon. Việc xây dựng các sân bay mới ở thủ đô của Campuchia, Siem Reap và Koh Kong đã được lên kế hoạch. Bốn nhà máy điện với tổng công suất hơn 1000 MW đã được xây dựng, và bốn nhà máy điện mới với tổng công suất hơn 880 MW đang được lên kế hoạch. Nhưng trọng tâm chiến lược của Trung Quốc tại Campuchia chú ý đến vùng duyên hải và dịch vụ của nó, đầu tiên là cảng và đặc khu kinh tế của Sihanoukville, đã trở thành “Macao mới” với sự tăng nhanh các sòng bạc Trung Quốc và gần như loại trừ người dân địa phương [vào chơi ở các sòng bạc Trung Quốc]. Thêm vào đó còn có cảng Koh Kong, nơi mà triển vọng xây dựng một căn cứ hải quân Trung Quốc đã khiến cho Hoa Kỳ lo lắng và đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville.
Mặt khác, các bản ghi nhớ được ký kết giữa Trung Quốc và Campuchia nhân hai cuộc gặp thượng đỉnh gần đây về các “Con đường tơ lụa mới” vào tháng 5 năm 2017 và tháng 4 năm 2019 đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau, ngoài các dự án về cơ sở hạ tầng. Các thỏa thuận được ký vào tháng 5 năm 2017 dự kiến sự hợp tác trong lĩnh vực du lịch, theo dõi đại dương – có khuynh hướng quân sự tiềm tàng? –, về việc đào tạo các nhà báo và trao đổi giữa các tổ chức think tank. Còn đối với các bản ghi nhớ được ký vào tháng 4 năm 2019, chúng đặc biệt đề cập đến kế hoạch hành động cho việc triển khai cộng đồng Trung Quốc-Campuchia vì một tương lai được chia sẻ”[2] với một phổ rất rộng, khả năng tương hợp giữa “Chiến lược phát triển tam giác” của Campuchia và các “Con đường tơ lụa mới”, việc Trung Quốc mua 400.000 tấn gạo để bù đắp cho các biện pháp đánh thuế quan của Liên minh châu Âu[3] lên mặt hàng gạo của Campuchia, và việc Ngân hàng Trung Quốc tài trợ cho ngân hàng Canadia Bank, thuộc sở hữu của những lợi ích gần gũi với Hun Sen. Ngoài ra, Huawei cũng đã ký một thỏa thuận triển khai mạng 5G.
Wang Huning (1955-)
Trên hết, Trung Quốc quyết tâm chống lại việc Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một thủ tục trừng phạt có thể dẫn đến việc loại bỏ lợi thế của cơ chế ưu đãi tiếp cận thị trường “Mọi thứ trừ vũ khí”, tiếp theo sau cuộc bầu cử không có phe đối lập ở Campuchia vào năm 2018. Bên lề hội nghị thượng đỉnh các “Con đường tơ lụa mới”, Wang Huning (Vương Hỗ Ninh), thành viên Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã cố gắng trấn an Hun Sen: Trung Quốc cho rằng tác động của các lệnh trừng phạt này sẽ “không nghiêm trọng” và Trung Quốc sẽ tìm cách giúp Campuchia trong trường hợp bị rút quyền ưu đãi tiếp cận thị trường. Một lời khẳng định được làm vững thêm bởi ước tính gần đây của Ngân hàng Thế giới về tác động có thể có của các lệnh trừng phạt nói trên, tức là thị trường ngành hàng dệt may và giày sẽ mất đi 510 triệu US$, so với tổng kim ngạch xuất khẩu 9,5 tỷ US$ đối với hai loại sản phẩm này, trong đó EU chiếm một phần ba tiêu trường. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cho rằng các biện pháp làm giảm chi phí hậu cần và chi phí hành chính trong xuất khẩu có thể làm giảm bớt tác động của việc tăng thuế hải quan. Trên thực tế, các chi phí nói trên cao gấp đôi so với Thái Lan và gấp 3,5 lần so với Việt Nam hoặc Malaysia, và đối với chế độ là một phần nguồn thu thực sự. Tuy nhiên, GMAC (Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc tại Campuchia) kêu gọi sự chú ý của Brussels về những hậu quả có thể có của các biện pháp trừng phạt đối với người lao động ăn lương, khi nêu lên quan hệ hợp tác tốt đẹp của ngành may mặc với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và sự tôn trọng quyền tự do của hoạt động nghiệp đoàn. Tuy nhiên, Hiệp hội lại bỏ qua những vụ ám sát các đoàn viên nghiệp đoàn và sự đàn áp dữ dội các cuộc đình công vào các năm 2013-2014, những thứ mà vào thời đó đã không dẫn đến các biện pháp trừng phạt.
Ban đầu, các “Con đường tơ lụa mới” được trình bày như là một dự án phát triển cơ sở hạ tầng và tạo thuận lợi cho các cuộc giao dịch thương mại. Trong thực tế, dự án đó bao trùm một chiến lược gây ảnh hưởng đi từ kinh tế đến ý thức hệ, thông qua lĩnh vực an ninh. Điều đáng chú ý là ở Campuchia, dự án của Trung Quốc đi kèm với những biện pháp nhằm trực tiếp chống lại ảnh hưởng khiêm tốn của phương Tây.
sỰ PHỤ THUỘC ĐƯỢC CỦNG CỐ VÀ sỰ vĩnh cỬu hóa MỘT CHỦ NGHĨA TƯ BẢN mang tính trỤc LỢI
Ngoài việc bảo vệ chế độ, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc để lại nhiều hậu quả đối với Campuchia. Các hậu quả đó liên quan đến sự hội nhập [của Campuchia] vào khu vực cho đến việc phi điều tiết hóa nhiều lĩnh vực kinh tế và những cân bằng về kinh tế vĩ mô của Campuchia. Các nền kinh tế ASEAN dự kiến ​​sẽ hình thành một thị trường duy nhất kể từ năm 2015, nhưng có một số nền kinh tế ít hội nhập với nhau hơn là với nền kinh tế Trung Quốc. Kế hoạch tổng thể về sự kết nối của ASEAN, với mục đích tăng cường sự hội nhập này và đặc biệt là cải thiện các mối liên kết giữa các vùng trong nội địa và các vùng duyên hải của khu vực, vừa bị thiếu hụt về mặt tài chính vừa cạnh tranh trên thực tế [de facto] với các “Con đường tơ lụa mới” mà tính logic là hoàn toàn khác. Tương tự, về mặt phát triển thủy điện, Trung Quốc đã không tôn trọng các khuyến nghị của Ủy ban sông Mê Kông, ngược lại họ còn triển khai quyết định riêng của họ, chương trình Hợp tác Lancang-Mekong[4]. Đặc biệt, các dự án của Trung Quốc bao gồm việc xây dựng các đập nước mới trên sông Mê Kông thuộc phần đất của Campuchia, điều này sẽ khiến cho nguồn cung cấp điện của nước này càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc Trung Quốc quản lý nguồn nước ở thượng nguồn của sông.
Việc thành lập các Đặc khu kinh tế (SEZ), trong đó có đặc khu kinh tế Sihanoukville là một ví dụ điển hình, không giúp giải quyết được việc gì. Các đặc khu kinh tế dẫn đến việc bãi bỏ nhiều quy định trong pháp luật xã hội, đất đai và lao động, cũng như trong việc tư nhân hóa vấn đề an ninh và cung cấp các dịch vụ công cộng.
Đối với các cân bằng kinh tế vĩ mô của Campuchia, chúng cũng phụ thuộc rất nhiều vào diễn tiến của nền kinh tế Trung Quốc. Và đặc biệt là việc giảm mức thặng dư cán cân thanh toán hiện hành, nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của các hoạt động đầu tư bất động sản và thương mại dọc theo các “Con đường tơ lụa” kể từ năm 2017. Sự sụp đổ này hẳn là chưa diễn ra ở Campuchia vào lúc này. Nhưng mối nguy thì tiềm tàng: một sự suy giảm đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản ở nước này hoặc một sự giảm số lượng khách du lịch [Trung Quốc] sẽ gây ra những hậu quả nặng nề lên sự tăng trưởng kinh tế và ngành ngân hàng. Bất động sản và du lịch chiếm 60% các khoản đầu tư tư nhân được phê duyệt trong năm 2018. Mức tăng tín dụng cho nền kinh tế sẽ đạt 24,2% vào năm 2018, và ngành xây dựng và bất động sản sẽ chiếm 40% trên mức tăng này. Vì thế, một sự suy giảm các khoản đầu tư sẽ dẫn đến một sự giảm giá trong lĩnh vực này, có thể làm bộc lộ tính bấp bênh của ngành ngân hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh đến mức thâm hụt cán cân thanh toán hiện hành ngày càng mở rộng của Campuchia. Mức thâm hụt đó đã đạt 10,4% GDP trong năm 2018, nhưng đã được các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu là của Trung Quốc, chiếm 13,4% GDP, tài trợ. Vì vậy, một sự sụt giảm FDI sẽ gây ra một vấn đề nghiêm trọng về cung cấp tài chính cho cán cân thanh toán của Campuchia.
Tác động của các khoản đầu tư trong khuôn khổ các “Con đường tơ lụa mới” lên nợ của Campuchia là gì? Câu hỏi đang gây nhiều tranh cãi. Phân tích về khả năng chịu đựng nợ được IMF và Ngân hàng Thế giới thực hiện vào năm 2018 đã kết luận rằng rủi ro là thấp, căn cứ vào đặc điểm chuyển nhượng, về cơ bản, của nợ. Về phần Campuchia, để giải thích cho việc không có tác động của các dự án lớn lên nợ của đất nước, chính quyền Phnom Penh nhấn mạnh đến việc vận dụng các kế hoạch CET (xây dựng, khai thác, chuyển nhượng – hay BOT theo tiếng Anh) để tài trợ cho các cơ sở hạ tầng. Hình thức hợp đồng này cho phép chính phủ ủy thác toàn bộ một dự án cho một nhà điều hành tư nhân, nhà thầu này sẽ chuyển giao lại dự án cho chính phủ sau một thời gian đủ để đảm bảo việc khấu hao các chi phí của nhà thầu. Tuy nhiên, đánh giá mới nhất (tháng 12 năm 2018) của IMF nhấn mạnh đến sự cần thiết phải kiểm soát các khoản nợ phát sinh tiềm tàng (contingent liabilities) từ các mối quan hệ đối tác công-tư.
Cuối cùng, trong khi ủng hộ – cho đến khi nào?sự phát triển kinh tế của Campuchia, các “Con đường tơ lụa mới” càng củng cố sự phụ thuộc [của Campuchia] vào Trung Quốc. Hơn nữa, các “Con đường tơ lụa mới” vĩnh cửu hóa một chủ nghĩa tư bản mang tính trục lợi dựa trên “sự bòn rút lợi nhuận một cách có hệ thống và không thương tiếc trong toàn bộ dân chúng dưới quyền của các ông chủ, những người nắm được các mạng lưới bảo vệ có kết nối chặt chẽ với giới tinh hoa chính trị do Hun Sen thống trị[5]. Nhưng loại hình chủ nghĩa tư bản này khó mà tạo điều kiện cho Campuchia bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến nhất của ASEAN[6]. Thực vậy, tốc độ bắt kịp này phải được tiến hành thông qua việc đa dạng hóa nền kinh tế và gia tăng phạm vi nền sản xuất, đòi hỏi việc triển khai một sự thu xếp về mặt thể chế-xã hội mang lại một môi trường kinh doanh có tính khuyến khích nhiều hơn đối với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.
Về tác giả
François Giovalucchi
Cựu quản lý của Tổng vụ Ngân khố Pháp và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), François Giovalucchi là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các Khoa học Tiên tiến (IAE) của Nantes. Ông là giảng viên tại đại học Science Po Paris. Qua việc tiếp cận kinh tế học chính trị, ông tập trung vào việc phân tích các công cụ (phương pháp khung logic), các mục tiêu quốc tế (Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, rồi Các mục tiêu phát triển bền vững) hoặc các khái niệm (khả năng khôi phục) viện trợ phát triển, với nỗ lực cập nhật các nội dung ẩn về mặt ý thức hệ, tư thế của các nhà tài trợ, qua các đóng góp nói trên, trong mối quan hệ với các nước được viện trợ, và các phương thức quản lý nhà nước hoặc hành động công cộng được thực thi.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Chú thích:

[1] Cf. Pal Niyri, “Investors, Managers, Brokers, and Culture Workers: How the “New” Chinese Are Changing the Meaning of Chineseness in Cambodia” [Người đầu tư, người quản lý, người môi giới, và người làm công tác văn hóa: Người Trung Quốc “mới” đang làm thay đổi ý nghĩa của chất Trung Hoa tại Campuchia như thế nào]”, trong Cross-Currents: East Asian History and Culture Review, E-Journal No. 4, (Tháng 9 năm 2012).

[2] “Cộng đồng” này đã được công bố trong cuộc phỏng vấn với Hun Sen-Tập Cận Bình vào tháng 1 năm 2019: cf. “Xi calls for building of China-Cambodia community of shared future [Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Campuchia vì một tương lai được chia sẻ]”, trên Xinhuanet, ngày 21/1/2019. Cộng đồng này được dự kiến tăng cường sự hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh và quan hệ giữa nhân dân hai nước.

[3] Các biện pháp này cũng liên quan đến Miến Điện và tiếp theo sau các yêu sách của các nhà sản xuất châu Âu, vì vậy chúng khác biệt với các biện pháp trừng phạt được đề cập ở phần dưới đây.

[4] Eric Mottet, Frédéric Lasserre, “L’hydropolitique environnementale du Mékong, entre intérêts nationaux et activisme international [Chính trị nguồn nước môi trường sông Mê Kông, giữa lợi ích quốc gia và chủ nghĩa tích cực quốc tế]”, trong tạp chí Hérodote, 2017/2 (số 165).

[5] Owl B. (2004), “Cambodge: quel modèle concessionnaire [Campuchia: mô hình nhượng bộ nào]”, trong FASOPO, Le royaume concessionnaire. Libéralisation économique et violence politique au Cambodge [Vương quốc nhượng bộ. Tự do hóa kinh tế và bạo lực chính trị ở Campuchia], 77 tr.

[6] F. Bafoil, “Capitalisme politique et développement dépendant en Asie du Sud-Est. Le cas des États ‘très en retard’ de développement, Laos et Cambodge” [Chủ nghĩa tư bản chính trị và sự phát triển phụ thuộc ở Đông Nam Á. Trường hợp các Nhà nước “rất chậm” phát triển, Lào và Campuchia]”, trong tạp chí Revue de la régulation, N° 13, năm 2013. Xem thêm F. Bafoil, “État prébendier et politiques industrielles au Cambodge [Nhà nước trục lợi và chính sách công nghiệp ở Campuchia]”, trong tạp chí Critique internationale, 2014/4 (số 65).

Print Friendly and PDF