1.7.19

Sự kiện xã hội và sự kiện tâm lý (1895)


SỰ KIỆN XÃ HỘI VÀ SỰ KIỆN TÂM LÝ (1895)
Tác giả: Émile Durkheim*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
Émile Durkheim (1858-1917)

[…] Một giải thích thuần túy tâm lý về các sự kiện xã hội không thể tránh làm thất thoát tất cả những gì là đặc trưng của chúng, nghĩa là tính chất xã hội[i]. Điều đã che mắt từng ấy nhà xã hội học về sự bất cập của phương pháp này là bởi họ thường gán cho các hiện tượng xã hội một số trạng thái tâm lý tương đối xác định và đặc biệt như điều kiện quyết định, trong khi trên thực tế chúng chỉ là kết quả – nghĩa là do họ thường lấy hậu quả làm nguyên nhân. Chính do cách xử lý này mà một ý thức nào đó về tôn giáo, một sự ghen tuông tính dục tối thiểu, lòng hiếu thảo, tình yêu gia đình, v.v. đã được cho là bẩm sinh nơi con người; hơn thế nữa, cũng chính qua chúng mà người ta muốn giải thích tôn giáo, hôn nhân, gia đình. Nhưng lịch sử cho thấy rằng, khác xa với bản chất con người, các khuynh hướng này hoặc hoàn toàn vắng mặt trong một số hoàn cảnh xã hội nhất định, hoặc phơi bày nhiều biến thể khi chuyển từ xã hội này sang xã hội khác, tới mức là sau khi đã loại bỏ tất cả những khác biệt ấy, cái còn giữ lại được và duy nhất có thể được cho là có nguồn gốc tâm lý, bị giảm sút xuống tầm một thứ gì đó rất mơ hồ và sơ sài, cách biệt với những sự kiện cần giải thích một khoảng vô tận. Như vậy chính những tình cảm này là kết quả của tổ chức tập thể, chứ không phải là cơ sở của nó. Thậm chí, cái xu hướng sống hòa đồng thành xã hội ngay từ đầu cũng chưa hề được chứng minh như một bản năng bẩm sinh của loài người. Nhìn thấy ở đấy một sản phẩm của đời sống xã hội đã dần dần được tổ chức trong ta còn tự nhiên hơn nhiều, bởi vì sự quan sát cho ta thấy rằng sự kiện động vật sống hòa đồng được hay không còn tùy thuộc vào việc bố trí môi trường sống của chúng; nó buộc chúng phải sống chung hay khiến chúng sống biệt lập với nhau. [...] Sự đóng góp của tâm lý là quá tổng quát để quy định trước tiến trình của các hiện tượng xã hội. Và bởi vì nó chẳng bao hàm một hình thức xã hội này hơn là hình thức xã hội khác, nó không có khả năng giải thích bất kỳ hình thức nào cả. [...]
Như vậy, chúng ta đi đến quy tắc sau: nguyên nhân xác định của một sự kiện xã hội phải được truy tìm trong số những sự kiện xã hội có trước, chứ không phải trong số những trạng thái ý thức cá nhân. Mặt khác, ta có thể quan niệm dễ dàng là tất cả những điều nói trên, khi áp dụng được cho việc xác định nguyên nhân, thì cũng áp dụng được cho việc xác định chức năng. Chức năng của một sự kiện xã hội chỉ có thể là xã hội, nghĩa là nội dung của nó phải bao gồm việc sản sinh ra những hiệu ứng xã hội hữu ích. Chắc chắn là chức năng đó cũng có thể hữu ích cho cá nhân một cách gián tiếp, như thường xảy ra trong thức tế. Nhưng kết quả may mắn này không phải là lý do tồn tại trực tiếp của nó. Cho nên chúng ta có thể bổ túc đề xuất trước bằng khẳng định sau: chức năng của một sự kiện xã hội phải luôn luôn được truy tìm trong tương quan của sự kiện đó với một mục đích xã hội nào đấy.  
Émile Durkheim
Các Quy Tắc Của Phương Pháp Xã Hội Học,
(Les Règles de la méthode sociologique, 1901)
tr. 63-64.




Chú thích của người dịch:

[i] Quan điểm này còn sẽ được Marcel Mauss (1872-1950) và Paul Fauconnet (1874-1938), hai nhà khoa học xã hội thuộc trường phái Durkheim triển khai như sau: “Nếu ta phải thừa nhận không kiểm tra trước rằng các sự kiện gọi là ‘xã hội’ đều là tự nhiên và khả tri, và do đó, đều là đối tượng của khoa học, thì ít ra cũng phải có những sự kiện có thể được gọi bằng cái tên ấy một cách thích đáng. Để một khoa học mới được thiết lập, thì điều kiện cần duy nhất nhưng thiết yếu là: một mặt, nó phải tương ứng với một trình tự sự kiện khác biệt rõ ràng với đối tượng của các ngành khoa học đã tồn tại; mặt khác, những sự kiện này phải có thể được kết nối với nhau tức thì, và được giải thích cái này bằng cái kia mà không cần tới sự can dự của những sự kiện thuộc một trình tự khác. Bởi vì nếu một khoa học chỉ có khả năng giải thích những sự kiện cấu thành đối tượng của mình bằng cách cầu viện tới một môn học khác, thì nó sẽ hoàn toàn bị đánh đồng với khoa học sau” (Mục từ “Xã hội học” (q. 30, 1901), trong Đại Bách Khoa Toàn Thư, Paris, 31q., 1886-1902). Đại Bách Khoa Toàn Thư: Bản Kiểm Điểm Luận Chứng Về Khoa Học, Văn Học và Nghệ Thuật Bởi Một Học Hội Các Nhà Khoa Học Và Văn Học = La Grande Encyclopédie: Inventaire raisonné des sciences, des lettres, et des arts, par une société de savants et de gens de lettres, là bộ từ điển xuất bản bởi Henri Lamirault, 1886-1902, 31 q., mỗi quyển khoảng 1200 tr., có khoảng 200000 mục từ, 15000 minh họa và 200 bản đồ.

Print Friendly and PDF