15.7.19

Chiến tranh thương mại: sau thỏa thuận đình chiến ở Osaka là sự xói mòn của Chinamerica


CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI: SAU THỎA THUẬN ĐÌNH CHIẾN Ở OSAKA LÀ SỰ XÓI MÒN CỦA CHINAMERICA
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka ngày 29/6/2019. (Nguồn: Politico)
Một thỏa thuận đình chiến mới, và sau đó là gì? Nếu Donald Trump và Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại, thì hình ảnh đó khó che giấu được những trở ngại để kết thúc cuộc chiến tranh thương mại. Trong khi sự đan xen giữa nền kinh tế của hai siêu cường có vẻ như khó phá vỡ, thì sự kết hợp này đang phân rã.
Tháng 5 năm 2019, phản ứng trước sự thất bại của các cuộc đàm phán song phương, Donald Trump đã tăng 25% thuế quan lên 200 tỷ US$ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Biện pháp này, được đề cập đến một năm trước đó, đã được trì hoãn vào tháng 12 năm 2018 nhân dịp Donald Trump gặp Tập Cận Bình ở Buenos Aires bên lề hội nghị G20. Cùng lúc với quyết định tăng 25% thuế quan này, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Bộ Thương mại chuẩn bị mở rộng việc tăng thuế quan lên 300 tỷ US$ các mặt hàng nhập khẩu bổ sung. Danh sách mới này bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng, mà cho đến giờ đã thoát được sự tăng thuế quan – như giày dép, quần áo, đồ chơi, điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính. Danh sách này ảnh hưởng đến hàng triệu mặt hàng được các đại siêu thị của Wal Mart phân phối và thường được các hộ gia đình nghèo sử dụng, những cử tri đã bầu cho Trump.
CHINAMERICA BỊ THƯƠNG TỔN
Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu của Hoa Kỳ. Ngoài nhận định kinh tế vĩ mô này, còn có một sự đan xen giữa hai nền kinh tế, không chỉ giới hạn ở GAFA [bộ tứ quyền lực của Mỹ – Google, Amazon, Facebook và Apple – ND], những tên tuổi lớn của ngành công nghiệp điện tử hoặc công nghiệp chế tạo xe hơi, như đã được chỉ ra trong tập “danh sách những khiếu nại” của Bộ Thương mại. Thực vậy, Bộ này đã thu thập ý kiến ​​của những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế quan của Donald Trump và liên quan đến hàng ngàn mục thuế quan. Chính quyền đã tổ chức một phiên điều trần công khai, vừa kết thúc vào ngày 17 tháng 6. Gần 3.000 doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến ​​của mình trên trang web của Bộ Thương mại. Lướt qua những chứng từ đó, qua hàng trăm trang giấy, làm cho người đọc bị cuốn vào sự “toàn cầu hóa nhỏ” và khiến họ đo lường sự đan xen chặt chẽ giữa các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Sự phụ thuộc lẫn nhau này được phản ánh từ việc một doanh nghiệp nhỏ mười người thiết kế và phân phối pháo hoa được sản xuất ở Trung Quốc, cho đến những nhà thiết kế trò chơi video đang làm việc cộng sinh chặt chẽ với các nhà chế tạo Trung Quốc, thông qua những trung tâm y tế đang sản xuất găng tay phẫu thuật ở Trung Quốc. Các chứng từ này nhấn mạnh đến sự nhạy cảm đối với giá cả của các hộ gia đình Mỹ: việc tăng thuế quan lên 25% sẽ làm giảm mức tiêu dùng. Nếu thừa nhận tính có căn cứ của chính sách thương mại – sẽ là không đúng chỗ khi chỉ trích chính sách thương mại, trong một bản thông báo được đăng trên trang web của Bộ Thương mại! –, thì việc tăng thuế quan đó thường chỉ ra rằng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đang tìm những giải pháp thay thế cho Trung Quốc. Họ biện hộ rằng chính quyền nên có một thời hạn trì hoãn, bởi vì việc điều chỉnh sự tổ chức dòng chảy của các nhà thầu phụ và đảm bảo chất lượng của các nhà cung cấp mới đòi hỏi phải có thời gian. Việc triển khai quá nhanh các biện pháp nói trên sẽ buộc họ phải sa thải nhân viên.
Cùng với những ý kiến nói trên của các doanh nghiệp, là bức thư ngỏ được ký bởi hàng trăm hiệp hội các nhà sản xuất nông nghiệp và công nghiệp và các nhà phân phối trong đó có Wallmart và Target. Họ tập hợp lại trong chiến dịch “Thuế quan gây thiệt hại cho nước Mỹ [Tariffs hurt the Hearland]”. Họ cảnh báo: việc tăng những thuế quan đã được công bố có thể gây ra việc sa thải 2 triệu lao động. Đồng tình với mục tiêu của chính phủ, họ chỉ trích phương pháp thực hiện, khi nhắc rằng không phải người Trung Quốc mà chính là người tiêu dùng Mỹ đang phải trả các thuế quan đó. Thực vậy, các cuộc điều tra đã chỉ ra rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã không hạ giá để bù đắp mức tăng thuế quan. Tổ chức IMF ước tính mỗi hộ gia đình phải chi 800 US$ và theo hiệp hội Đối tác thương mại, thiệt hại cho một gia đình hạng trung sẽ lên đến 2.000 US$ và có thể làm cho GDP của Mỹ giảm một điểm phần trăm.
MỘT QUYẾT ĐỊNH MANG TÍNH BẦU CỬ
Đó là vấn đề kinh tế, đồ ngu!” Lời hóm hỉnh của một cố vấn của Bill Clinton có thể được Donald Trump lặp lại để lý giải cho thái độ của ông ở hội nghị thượng đỉnh Osaka. Vào tháng 7 năm 2019, kinh tế Mỹ sẽ hoàn thành tháng tăng trưởng thứ 121 của mình. Chu kỳ tăng trưởng này, được khởi đầu vào tháng 6 năm 2009, là chu kỳ dài nhất thời hậu chiến, một độ dài được giải thích một phần bởi mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng năm 2008. Chu kỳ này đã được thúc đẩy bởi cuộc cải cách thuế được Trump triển khai, người đào sâu nợ công. Sự kéo dài thời gian của chu kỳ tăng trưởng là sự đảm bảo tốt nhất cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, vì vậy không có lý do gì để tổng thống chấp nhận một rủi ro vào thời điểm mà cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong mười lăm tháng nữa.
Ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố rằng ông đang tạm dừng – nhưng không từ bỏ – kế hoạch mở rộng việc tăng thuế quan, để đáp trả giống như Tập Cận Bình, người trước đó vài ngày, đã cho phép Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng đậu nành của Mỹ. Nếu nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc không ngạc nhiên về việc tạm hoãn tăng thuế quan, thì ông cũng ngạc nhiên, giống như các cố vấn của Washington, bởi nhận xét của Trump, hối tiếc việc các doanh nghiệp Mỹ không thể bán linh kiện cho tập đoàn Huawei. Phản ứng này gợi lại dòng tweet mà nhà tỷ phú đã đăng, lấy làm tiếc về những mất mát về công ăn việc làm từ các biện pháp [trừng phạt] của chính quyền ông có thể gây ra cho tập đoàn ZTE vào tháng 4 năm 2018. Tuy nhiên, thông báo mới nhất của Trump không có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh viễn thông của Huawei, khi mà Huawei vẫn nằm trong Danh sách thực thể” (Entity List) được mô tả là một rủi ro đối với nền an ninh của Hoa Kỳ.
Trump đã tuyên bố nối lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc, nhưng không nói rõ thời gian biểu. Điều này làm cho Bắc Kinh hoan hỉ, bên có lợi khi không có gì phải vội để chờ đến kỳ bầu cử tổng thống [Mỹ] sắp đến. Về vấn đề này, việc chính phủ Trung Quốc phát hành cuốn Sách Trắng về sự thất bại của các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ cho thấy người Mỹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào các cuộc đàm phán. Trung Quốc sẵn sàng mua thêm các sản phẩm của Hoa Kỳ để giảm sự mất cân bằng song phương, và đồng ý tăng cường luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng sẽ không có điều gì khác ngoài các vấn đề nói trên. Sách Trắng tuyên bố rằng các doanh nghiệp nước ngoài, khi nhượng lại công nghệ, để được tiếp cận thị trường Trung Quốc không bị buộc phải làm như vậy, và kết luận rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về các nguyên tắc này. Trung Quốc quy sự thất bại của các cuộc đàm phán cho người Mỹ, những người đã ba lần thay đổi quan điểm. Khó có thể hình dung những gì mà những người đại diện của Washington có thể đạt được sau mười một vòng đàm phán.
Nếu các cuộc đàm phán thất bại, thì hai năm thù địch đã làm thay đổi thái độ từ cả hai phía ở Thái Bình Dương. Việc duy trì đe dọa sẽ tạo ra một bầu không khí bất ổn, điều có thể dẫn đến sự ra đi của các doanh nghiệp Mỹ đến những nước châu Á khác. Sự tan rã của ChinAmerica có vẻ là điều không thể, khi mà các nền kinh tế này vẫn còn đan xen nhau. Từ nay, sự tan rã đó trở thành điều có thể, thậm chí điều không thể tránh khỏi trong dài hạn. Sự tan rã này sẽ làm suy yếu một trục quan trọng của toàn cầu hóa.
Thông tin về tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa]” và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF